Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 3 March 2013

Khá lâu rồi không có chuyến phượt nào ngoại trừ những chuyến ngắn của công việc. Gọi là 'khá lâu' vì hơn 3 tháng rồi kể từ chuyến 'Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar', bọn mình vẫn nằm nhà dù kế hoạch cho chuyến kế tiếp vẫn sẳn sàng.

Lại so rằng 'khá lâu' vì có năm, có quý: bọn mình cũng từng mỗi tháng một chuyến đi, đến mức chỉ mới vừa về nhà - vừa post xong bài là lại lo... chuẩn bị hành trang cho chuyến kế tiếp!
'Sức' vẫn có, 'xìn' vẫn còn nhưng kẹt lại cái 'sống'. Chuyện nhà linh tinh nhiều cái lo, vậy nên các chuyến đành gác lại chờ thời gian chín muồi.

< Hẹn 7h sáng, trễ đôi chút rồi cũng có mặt đủ. Ảnh (phải qua trái) là cậu mợ Sáu Thomas, bà xã mình, Vân em vợ, anh Bảo. Tuy nhiên, do anh Thanh quên giấy tờ xe nên trở về lấy, vậy là 'đoàn quân ô hợp' tiếp tục chờ...

Bấm ảnh để xem khổ lớn hơn.

Thứ bảy này, tức là vừa ngày hôm qua: bọn mình lại khởi hành về Cần Giờ dự đám cưới đứa cháu. Xe nhà ông anh, kỳ này đi nguyên cả gia đình - xem như lâu lâu đại gia đình có dịp lướt gió về miền biển gần thành phố nhất.

< Cậu mợ Sáu Thomas đây, cậu trên bảy mươi nhưng xem ra vẫn còn xuân!

Hẹn 7h, trễ đôi chút rồi xe ghé nhà. Chỉ còn đón mẹ con người chỉ dâu phía dưới kia là đủ. Vậy nhưng lại có một sự trục trặc nhỏ: anh Thanh quên... giấy tờ xe nên phải ngược xe về Q10 lấy (đường đi Cần Giờ nếu vi phạm luật GT thì thế nào cũng bị vịn đấy). Ngay giờ cao điểm kẹt xe nên mất đứt một tiếng rưỡi giờ 'dây thun' nữa mới lên đường hướng về phà Bình Khánh.
< Rồi cậu ra ngoài với đám lâu la. Ảnh là Bửu, anh Bảo, mình và cậu. Qúa một giờ trôi qua nhưng xe vẫn chưa đến, giờ cao điểm sáng mà.

< 8h32 phút thì xe tăng cũng đến, lục tục lên xe. Tiệc cưới mãi 11h nhưng lễ tại nhà chắc trễ.

Đường về Bình Khánh ngày càng khang trang với chi chít nhà cửa hai bên, nhiều đoạn xôm tụ không khác gì khu sần uất nhất của Q7 trên kia.

< Khởi hành thôi, xe vẫn còn phải đón hai mẹ con chị dâu dưới chợ Phú Xuân nữa.

< Bà xã và bé Na, con anh Bảo.

'Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về'. Từ Sài Gòn đi Cần Giờ, bạn phải qua một chuyến phà: phà Bình Khánh. Ở trên phà Bình Khánh bạn sẽ thấy dòng sông Nhà Bè chẻ làm hai nhánh, nhánh bên trái chảy về Nhơn Trạch - Đồng Nai, nhánh bên phải chảy về Cần Giờ - TPHCM. Sông Nhà Bè hình thành từ chỗ hợp lưu của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố khoảng 5km về phía đông nam, rồi chảy ra biển Đông bằng hai ngả chính:

< Ra bến phà Bình Khánh, lúc này đã hơn 9h. Theo quy định tại các bến phà thì bao giờ khách trong xe cũng phải xuống cho an toàn phòng ngừa chuyện con xe 'muốn tắm mát', khách trên xe sẽ không có đường tẩu. Vậy thì xuống.

- Ngả Soài Rạp dài 59km, rộng trung bình 2km, lòng sông cạn, tốc độ dòng chảy chậm.
- Ngả Lòng Tàu đổ ra vịnh Gành Rái, dài 56km, rộng trung bình 0,5km, lòng sông sâu, là đường thủy chính cho tàu bè ra vào cảng Sài Gòn.
Ngoài ra còn có các cửa sông phụ như Ngã 7, Đồng Tranh... nhưng tất cả đều đổ vào vịnh Cần Giờ.

< Cậu Sáu và Bửu, em mình.

Nhà Bè là huyện ngoại thành nằm về phía đông nam của thành phố Hồ Chí Minh. Huyện có một hệ thống sông ngòi thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy đi khắp nơi, có điều kiện xây dựng các cảng nước sâu đủ sức tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn cập cảng.
< Phà chạy, trong bến vẫn còn hai chiếc chuẩn bị cho các chuyến sau (xe nhà phải chờ chuyến sau vì chuyến phà này đã đầy rồi).

Trước 75: Nhà Bè là quận của tỉnh Gia Định. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Nhà Bè là huyện của thành phố Hồ Chí Minh. Đến Tháng ngày 01 tháng 4 năm 1997, Nhà Bè được tách một phần phía Bắc để thành lập một quận mới là Quận 7. Hiện nay, huyện Nhà Bè gồm các đơn vị hành chính: Thị trấn Nhà Bè, xã Phú Xuân, xã Long Thới, xã Nhơn Đức, xã Phước Kiển, xã Hiệp Phước và xã Phước Lộc.

< Bọn mình đây.

Tại đoạn sông Nhà Bè, mọi lưu thông giữa hai bờ phải bằng phà. Vào cuối tuần, có đến hàng chục nghìn lượt du khách đến Cần Giờ nên tình trạng kẹt phà diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong dịp lễ tết.
Dự án xây dựng cầu Bình Khánh đã được lãnh đạo TP HCM lên kế hoạch từ hàng chục năm nay, khi hoàn thành sẽ là cây cầu nối 2 bờ sông Nhà Bè - Cần Giờ và trở thành con đường huyết mạch về hướng Đông TP HCM trong tương lai.

< Sông Nhà Bè rộng mênh mông dưới ánh nắng như dát bạc.

Tổng chiều dài toàn tuyến theo phương án là 6.912m, trong đó cầu dài 2.680m. Cầu Bình Khánh sẽ có tải trọng là 30 tấn với 6 làn xe, bề rộng 26,5m. Cầu chính được chọn với kết cấu nhịp dây văng, khẩu độ nhịp thông thuyền là 165+350+165(m), cầu sử dụng kết cấu dầm bêtông dự ứng lực liên tục dạng hình hộp...
Tuy nhiên, trong khi chờ xây cầu thì cứ thong dong qua sống bằng phà cái đã, đi phà cũng có cái thú riêng miễn là đừng kẹt phà nhé!

< 9h22, phà cập bến Bình Khánh. Bờ bên kia, chuyến phà tốp còn lại trên xe cũng chuẩn bị rời bến Nhà Bè.

< Ngõ ra bến phà phía Bình Khánh.

< Bộ sậu bên này đứng chờ xe qua trên chuyến phà sau. Đường Rừng Sác từ đây chạy thẳng xuống Cần Giờ rộng thênh thang, vậy nhưng ngày nào cũng có CSGT đấy, đừng vi phạm nhé.

< Một đoạn dài ngay cổng bến phà đầy các hàng ăn uống, vậy nhưng giá cả không mềm - bánh mì thịt 15k/ ổ (giá ở đây cao hơn phía Nhà Bè).
Xe qua, mọi người tấp lại và lên xe sau khi 'góp phần tăng trưởng kinh tế' cho người dân Bình Khánh.

< Bé Na, con anh Bảo.

< Đường Rừng Sác vẫn như ngày nào, có khác là phần bồn cây ngăn cách ở giữa được trồng hoa giấy.
Đường đi không chụp choạc gì vì xe hơi, khác khi phượt bằng ngựa sắt.

< 10h20 đã xuống đến nhà vợ chồng cô em: Cẩm Châu, Khải đang chào hỏi cậu Sáu, bìa phải là chị Thanh.
Xuống trễ, quá giờ lễ - giờ này cô dâu chú rể đã ra nhà hàng đón khách rồi.

< Một phần gia đình, không thể lấy đủ hơn do vướng chiếc xe.

< 'Phái bộ nhậu' làm pô ảnh kỷ niệm.

< Má chồng Cẩm Châu, bác trọng tuổi nhưng vẫn khỏe.

< Riêng nhóm phụ nữ bắt đầu tấn công các cây xoài, khá nhiều trái.

< Và đây là thành quả...

< Chủ xị đây: nhìn anh Thanh sao thấy giống mafia (he he).

< Bà xã mình. Hủm rày không phượt, thôi tạm gọi chuyến đám cưới này là chuyến 'có mùi biển'...

< Hết tận diệt xoài tăng một thì cả nhà lên xe, bây giờ trực chỉ nhà hàng Duyên Hải. Chỉ mới một đoạn thôi, kiểm đếm quân số thấy thiếu người: hóa ra bé Khang, con của Bửu đang là 'kẻ sót lại'! Vậy nên rờ tua trở lại nhà: cậu chàng ngơ ngác chạy ra xe, hú hồn!

Phần đám cưới mình cho vào bài tiếp theo vì bài đã dài - xem như topic gia đình vậy, còn phượt thì chắc 1 tuần nữa.

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3

Saturday, 2 March 2013

Thị Vải là một ngọn núi thuộc địa phận xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách TP.HCM khoảng 100km. Núi Thị Vải cùng với núi Ông Trịnh là 2 ngọn núi thuộc dãy núi Dinh, khá thấp, dễ leo nên được rất nhiều người mới leo núi dùng để làm “bài tập nhập môn”.

< Nhìn từ đỉnh núi Thị Vải thấy cả khoảng trời đất bao la.

Thị Vải và Ông Trịnh là 2 ngọn núi có thể cùng leo trong ngày, nhưng trong lần leo núi Ông Trịnh, tôi cùng nhóm bạn gặp khá nhiều sự cố nên phải 2 tuần sau mới có dịp trở lại để chinh phục núi Thị Vải.


< Cổng chùa Linh Sơn Bửu Thiền Tự.

Đường đi đến núi Thị Vải không khác núi ông Trịnh là mấy: Từ TP.HCM, bạn đi qua ngã 3 Vũng Tàu, rồi đi thêm khoảng 80 km đường quốc lộ 51 hướng ra Vũng Tàu, qua khỏi chùa Đại Tùng Lâm (khu Vạn Phật Quang) tầm 100m thì sẽ thấy núi Thị Vải nằm bên trái. Từ quốc lộ 51 vào đến chân núi khoảng 3km.

< Khách hành hương phải leo 1340 bậc tam cấp để đến chùa Tổ. Nếu đến được chùa Tổ, nghĩa là bạn đã leo được 2/3 núi Thị Vải.

Đến nơi, bạn có thể gửi xe tại nhà dân xung quanh chân núi, sẵn tiện hỏi đường lên núi. Cũng không khó để tìm đường, vì đường lên núi cũng chính là đường lên Linh Sơn Bửu Thiền Tự (chùa Tổ) khá nổi tiếng, bạn chỉ cần hỏi đường đến chùa là được.

< Suốt quãng đường leo thang, chúng tôi phải dừng chân nghỉ mệt khá nhiều lần. Khi dừng lại nghỉ, bạn nhớ nép vào bóng mát và đứng một lúc trước khi ngồi xuống nhé. Ngồi liền trong lúc mệt có thể làm bạn bị khó thở.

< Bảng tên thiền tự trên đá bạc màu theo thời gian.

Núi Thị Vải cao khoảng hơn 700m so với mực nước biển, ước tính quãng đường từ chân núi đến đỉnh núi dài khoảng 3km với những bậc thang đá được mài nhẵn nhụi và rất dễ đi.

Vì có sẵn những bậc tam cấp, nên quá trình leo núi Thị Vải nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với núi Ông Trịnh, bạn chỉ cần có sức bền và chút kiên nhẫn. Một bí kíp nhỏ để đỡ mệt khi leo lên các bậc thang đó là đi theo hình zíc zắc. Thật sự thì tôi vẫn thích leo núi với những đoạn đường mòn không bậc thang, thậm chí chưa phát quang, vừa “chất” vừa đỡ mệt.

Cảm giác của riêng tôi là leo bậc thang mất sức và đau chân hơn nhiều so với bò trườn bám víu để leo lên.

Sau  hơn 1 giờ đồng hồ, chúng tôi đã đến được ngôi chùa Tổ uy nghiêm cổ kính. Ghế đá, tán cây, ao cá, cành sen, tượng Phật cùng sự thanh tịnh nơi cửa Phật thật sự đã làm tan đi mọi mệt nhọc.

< Đoạn cuối của cuộc hành trình là một con đường mòn khá dễ đi.

Rời khỏi chùa Tổ, chúng tôi phải chọn 1 trong 2 con đường để leo đến đỉnh núi: một là tiếp tục đi theo những bậc thang, hai là băng rừng để leo lên. Tất nhiên, chúng tôi chọn con đường thứ hai. Có thể nói đây là đoạn đường khó khăn nguy hiểm nhất mà cũng thú vị đáng nhớ nhất trong cuộc hành trình.

Chúng tôi phải bám vào đá, vào cây để leo lên. Có lúc vớ phải cây có gai, có khi bị côn trùng đốt, có lúc vấp phải đá, có khi trượt chân trên lá mà ngã. Người trước kéo người sau, người sau nâng người trước, mọi người đều phải tập trung, cần cả tay và chân để giữ mình và “đồng đội” không trượt ngã nên không ai lưu lại được hình ảnh nào trên đoạn đường này.

< Có cả những mũi tên chỉ dẫn trên đá.

Nếu có thể, bạn hãy tự khám phá núi Thị Vải bằng cung đường mà chúng tôi đã đi, để trải nghiệm những khoảnh khắc của nghị lực và tình bạn.

Đoạn cuối của cuộc hành trình là một con đường mòn khá dễ đi, có cả những mũi tên chỉ dẫn của những “tiền bối” đi trước.
Và rồi, sau 2 tiếng 30 phút leo trèo (tính cả thời gian... lạc đường), cuối cùng chúng tôi cũng đã đến đích.

< Dù bạn lên núi bằng con đường nào, bạn cũng phải đi qua 2 vách đá này. Chẳng biết vách đá này là tác phẩm của tạo hóa hay con người, cũng chẳng biết nó có từ khi nào. Nhưng quả thật, nhìn nó rất đặc biệt, có thể nói nó là đặc trưng của núi Thị Vải và là dấu hiệu để bạn biết: Cái đích đỉnh núi đang ở rất gần bạn!

Lần nào leo núi cũng vậy,  vất vả đó, khó khăn đó, nhưng cứ đứng trên đỉnh núi, thu vào tầm mắt cảnh vật của bốn phương đất trời, là mọi mệt nhọc đều cuốn theo gió, bay theo mây.

< Cuối cùng thì đỉnh núi đây rồi!

Trên đỉnh núi có một ngôi chùa nhỏ. Tại đây, chúng tôi gặp một đoàn người cũng vừa leo đến chùa. Hỏi ra mới biết các cô chú cứ định kỳ mỗi tháng lại mang vác rượu thịt lên đỉnh núi cắm trại, còn các sư thầy thì thường xuyên lên xuống núi để mua lương thực và các vật dụng cần thiết. Nghe mà thấy ngượng cho sức trẻ quá khi thấy sức mình không bằng các cô, các chú, các sư…

< Tranh thủ chụp một tấm ảnh toàn đoàn để lưu lại “chiến tích”.

Trò truyện ăn uống vài mươi phút, chúng tôi từ chối lời mời cùng cắm trại của các cô chú rồi từ biệt họ, bắt đầu hành trình “hạ sơn”. Vì đã là giữa trưa, để kiệm sức và thời gian, chúng tôi trở về bằng cung đường số một với những bậc tam cấp. Dừng chân tại chùa Hồng Phúc (chùa Trung), chúng tôi được thưởng thức một bữa cơm chay, mà theo tôi là bữa cơm chay ngon nhất tôi từng ăn, cũng có thể do mệt và đói quá. Đặc biệt là chúng tôi còn được dịp học các sư cách làm nến.

< Nến được làm ngay tại chùa.

Cuộc hành trình kết thúc tại chân núi lúc 4 giờ chiều để lại cho chúng tôi rất nhiều kỷ niệm khó quên. Chuyến leo núi lần này quả thật không chỉ giúp chúng tôi rèn luyện sức khỏe, nghị lực và kỹ năng, cho chúng tôi những bài học về sự đoàn kết, tính kiên nhẫn mà còn mang đến những trải nghiệm đáng quý về tình bạn, tình đồng đội, tình người…

Du lịch, GO! - Phượt ký của Phạm Như Quỳnh (iHay.Thanhnien)
Trong cái nắng nóng của mùa hè ở miền Trung như đổ lửa buổi giữa trưa, suối Voi thực sự là điểm du lịch lý tưởng cho du khách để được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh. Suối Voi, tên địa phương là suối Mệ, ở thôn Thuỷ Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong tam giác du lịch Bạch mã – Cảnh Dương – Lăng Cô.

Từ quốc lộ 1 vào Suối Voi khoảng 4km, ở giữa hai ngã rẽ về vịnh Chân Mây, Cảnh Dương – phía nam và Vườn quốc gia Bạch Mã – phía bắc.  Con suối chảy qua hàng chục khối đá khổng lồ với những ngọn thác nhỏ nước đổ ầm ào quanh năm. Tại điểm được đặt tên Suối Voi, có một tảng đá hình y hệt một con voi thật đang thả vòi uống nước dưới chân thác, nơi có một hồ nước được đặt tên là Ðầm Voi.

Từ thành phố Huế chạy về phía Nam 60 km, hay Đà Nẵng chạy ra 40 km, rồi thêm 3 km chạy lên phía tây, ngang địa phận Thừa Lưu, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, men theo con đường nhỏ được phủ lớp bê tông, du khách sẽ đến suối Voi, một con suối thật nhiều nước với nhiều ngọn thác lớn tuôn ra dưới một cánh rừng nguyên sinh khá dày thảm thực vật.

Suối Voi dài khoảng 500m gồm có Vũng Voi và Vũng Đu đây là một quần thể có nhiều đoạn suối đá đẹp, nằm ven cánh rừng đại ngàn với phong cảnh rất hữu tình. Dòng suối trong xanh chảy qua những khối đá lớn, nhỏ, màu đen mốc, tròn trịa như bầy voi đang lội nước, cảnh trí thật là sinh động.

Đặc biệt, có một tảng đá giống hình con voi, “phủ phục” trên bờ với cái vòi dài đưa ra giữa suối. Dưới vòi voi đá, có một vùng nước sâu, rộng khoảng 30m2. Ở đây, làn nước trong xanh, in hình mây trắng bàng bạc trôi và những cánh rừng đại ngàn.  Hai bên bờ suối là khu nghỉ dưỡng dân dã với những lán tranh tre nứa lá. Du khách tha hồ tắm táp, bơi lội thỏa chí.

Đi lên phía thượng nguồn, bạn sẽ bắt gặp những thác lớn từ những cánh rừng nguyên sinh của dãy Trường Sơn hùng vĩ đổ về trắng xóa. Có đoạn làn nước trong xanh, yên tĩnh; có đoạn nước xô vào đá, tung bọt trắng xóa. Hai bên bờ xuất hiện những ghềnh đá màu vàng, xanh với những hình thù kỳ bí. Có tảng đá lớn cỡ ngôi nhà, mặt trên phẳng và rộng, chung quanh nước chảy rì rào, có thể làm nơi sinh hoạt, vui chơi cho hàng chục người.

Đi thêm một đoạn nữa, du khách bắt gặp những suối con từ rừng già chảy ra, qua những tảng đá lớn, nhỏ chen chúc nhau trong dòng nước mát lạnh, uốn lượn. Ở chốn cỏ cây chen đá, lá chen hoa này, bạn có thể ngồi trầm mặc, thư giãn, để an dưỡng tinh thần. Càng lên cao, càng gặp nhiều thác, tung bụi nước lên những tán cây, tạo nên những cầu vồng nhiều màu sắc lung linh huyền ảo.

Men theo con đường ngoằn ngoèo bên những tảng đá ven suối, bạn sẽ gặp những cây đại thụ có gốc to khoảng ba bốn người ôm. Từ những gốc cây này, mọc ra những tai nấm khổng lồ, to như tai voi, hai người có thể ngồi trú mà tâm sự. Giữa các cây đại thụ có nhiều dây leo chằng chịt cỡ bắp tay người lớn, bạn có thể ngồi và đánh võng từ bờ bên này suối qua bờ bên kia và ngược lại. Thỉnh thoảng, nhánh cây mục, lá khô rơi xuống suối, đàn cá con tưởng mồi, từ trong các hốc đá lao ra tranh mồi, tung tóe cả mặt nước.

Du khách có thể men theo các vách đá để bắt cua đá, ốc, các loại cá con… Ốc có thể chế biến nhiều món ngon như om sả, nấu cháo, xào với lá lốt. Sống ở suối nước chảy nên ốc rất sạch, thịt trắng, ăn giòn và ngọt. Vì là rừng nguyên sinh, nơi đây còn có nhiều loại chim, thú rừng quý hiếm như sơn dương, mang, heo rừng, sáo, khướu, trĩ, nhiều loại hoa dại khoe sắc rực rỡ.

Nơi đây còn hấp dẫn các bạn trẻ thích khám phá bằng hành trình chinh phục đỉnh Hang Nai, Đá Bàng kỳ thú… . Từ đây ngược lên khoảng trên 1 km là suối Đá Bàng, hay còn gọi là Hang Nai, nằm dưới chân một rặng núi cao trong dãy Trường Sơn.

Đây là một con đường kỳ thú với nhiều hồ thác lách qua những vách đá đủ hình dạng trải dài bên một khu rừng nguyên sinh.Tại đỉnh đầu của thác Đá Bàng, du khách tha hồ thoả chí “tang bồng” bằng những dự định cùng bạn bè thích mạo hiểm, hoặc vui thú với gia đình, tự mình khám phá thiên nhiên, rồi sau đó đi bắt cá nia, hái lá giang để nấu món canh chua, hay luộc rau tàu bay chấm với nước cá bóng thệ cùng với mọi người.

Ở phía thượng nguồn, du khách sẽ có điều kiện chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của khu rừng nguyên sinh. Đây là tài sản vô giá của suối Voi, nơi còn giữ lại những cây sến cổ thụ và quần tụ những loài chim thú quý hiếm như vượn quàng, sơn dương, nai, hoẵng, heo rừng, khướu, sáo, trĩ sao.

Du lịch Huế đến với Suối Voi du khách sẻ được đắm mình với làn suối mát lạnh hay ngồi trên những tảng đá bằng phẳng hít thở bầu không khí thoáng mát, trong lành; hoặc đắm mình giữa những âm thanh của nước đổ ào ào, của lá rừng xào xạc, tiếng du dương của gió, tiếng gọi bầy ríu rít của các loài chim… bản hoà tấu bất tận với những cung bậc khác nhau.

Kỳ diệu hơn khi đến Vũng Đu, du khách có thể bám vào những rễ cây rủ từ trên cao xuống để đu người qua suối tìm cảm giác mạnh. Đây thực sự là điểm du lịch lý tưởng cho mùa hè.

Du lịch, GO! - Theo Danangexplorer, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống