Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 6 March 2013

Nằm giữa rừng nguyên sinh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, thác Ba Tia (xã Tuấn Mậu, Sơn Động, Bắc Giang) trở thành điểm đến của không ít đoàn khách du lịch.

Từ thị trấn Thanh Sơn đi chừng 3 km là đến hạ nguồn thác Ba Tia. Tuy nhiên, để tới thác nước đẹp nhất, chúng tôi phải gửi xe ở nhà dân rồi tiếp tục hành trình đi bộ qua những khe đá chênh vênh hơn một giờ đồng hồ. Tại đây, du khách thoả sức khám phá thiên nhiên hoang sơ và tận hưởng không khí mát lành của dòng thác nước có màu vàng đặc trưng nằm ẩn mình sau những lớp cây rừng.

< Nguồn nước của thác từ trên núi đá đổ xuống...

Cùng đó là thử cảm giác chinh phục những ghềnh đá, thác nước cao vút nối tiếp nhau như những bậc thang. Phong cảnh nguyên sơ, không khí trong lành là lý do khiến nhiều người tìm đến đây du lịch. Xung quanh thác còn nhiều loài cây gỗ quý như: lim, sến, táu, de, dẻ, cùng nhiều loài động vật như: lợn rừng, hươu nai, sóc…

Anh Phạm Văn Phương, người dân bản địa cho biết: "Hiếm năm nào vào mùa khô thác Ba Tia lại nhiều nước như năm nay, bởi tháng trước mưa mấy ngày liền nên nước các con suối trong rừng chảy rất xiết".

< Một nhánh của thác Ba Tia.

Nhiệt độ tại đây quanh năm ôn hòa và dịu mát cộng thêm tiếng thác nước reo ầm ầm trong khu rừng nguyên sinh là lý do khiến nhiều bạn trẻ thích thú.

< Bãi đá đủ hình thù dưới suối.

Đến Ba Tia vào mùa hè, du  khách được giải nhiệt bằng cách ngâm mình trong dòng nước suối mát lạnh chảy từ các vách đá trên cao dội lên cơ thể thật sảng khoái. Ngoài ra có thể cắm trại giữa rừng, tự tổ chức nướng cá suối, nướng thịt và thưởng thức một số món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Bàn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Tuấn Mậu cho biết: vào những ngày lễ, nghỉ cuối tuần, nhất là mùa hè, các bạn trẻ thường đến tham quan, thưởng ngoạn tại thác Ba Tia. Tuy nhiên, đó là những đoàn khách tự phát, nhà nước và địa phương hiện chưa tổ chức và quản lý đối với những khách này.

< Thác Ba Tia vẫn còn rất hoang sơ.

Hơn nữa đường giao thông vào khu thác Ba Tia đã xuống cấp, đi lại khó khăn. Mấy  năm trước, một số doanh nghiệp du lịch đã về khảo sát nhưng đến nay địa phương chưa nhận được sự đầu tư nào cho phát triển du lịch.

Do vậy, để thác Ba Tia phát huy hết tiềm năng và giữ chân du khách lâu hơn, chính quyền sở tại và ngành chức năng cần có những giải pháp đầu tư về cơ sở vật chất, các dịch vụ ăn nghỉ, đi lại…
Có như vậy, trong tương lai nơi đây sẽ là khu du lịch phát triển mạnh bên sườn Tây Yên Tử.

Du lịch, GO! - Theo báo Bắc Giang, vài ảnh của Nguyễn Thị Duyên.
So với Hội An, “người anh em” cùng thời ở Đàng Trong, thì phố Hiến, thương cảng quốc tế nổi tiếng vào thế kỷ 16 - 17, dưới thời Lê Trịnh ở Đàng Ngoài cũng không kém phần phồn hoa tấp nập.

Giữa bộn bề đường ngang, lối dọc công sở mới mọc lên trong cơn lốc đô thị hóa của thị xã Hưng Yên, Kim Chung Tự (chùa Chuông), nằm tách biệt dưới những rặng nhãn cổ thụ, vẫn còn "dấu xưa xe ngựa"...
Có dịp về lại nơi này, bạn sẽ thấy dưới những rặng nhãn lồng, gốc hoa gạo xù xì nở bừng hoa vào mỗi dịp tháng ba, vẫn còn “dấu xưa xe ngựa” trong đó nguyên vẹn nhất, quy mô nhất là chùa Chuông.

< Toàn cảnh chùa Chuông nhìn từ cổng vào.

Chùa Chuông là một trong những cảnh quan của phố Hiến nổi danh một thời, tồn tại tới ngày nay, bao gồm đền Mẫu Hoa Dương, Mẫu Thiên Hậu, đền Trần, chùa Phố, chùa - đình Hiến, chùa Nễ Châu, Văn Miếu Xích Đằng, Võ Miếu, hồ Bán Nguyệt, Đông Đô Quảng Hội, bia mộ của khách buôn ngoại quốc...

Chùa Chuông được xây dựng từ thế kỷ 15, dưới thời Lê. Tương truyền một năm lũ lụt lớn, một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông Cái (sông Hồng) thuộc địa phận thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thị xã Hưng Yên hiện nay. Thế là các nơi đua nhau kéo chuông về, nhưng chỉ có dân làng Nhân Dục mới làm được. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ, bèn góp công của dựng chùa tưởng nhớ công ơn. Mỗi lần đánh, tiếng chuông vang rất xa vì thế, chùa còn có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa Chuông Vàng).

< Chiếc cầu đá dẫn qua ao súng (mắt rồng).

Năm 1707, chùa được trùng tu lớn với quy mô hoàn chỉnh như hiện nay. Trong cuốn Hưng Yên tỉnh nhất thống chí của Trịnh Như Tấu, thời Nguyễn có ghi rằng: “Chùa Chuông - Phố Hiến đệ nhất danh lam”. Không phải ngẫu nhiên mà chùa Chuông đã hiện diện khá nhiều trong phim Mê Thảo thời vang bóng của đạo diễn Việt Linh.

Chùa Chuông là một trong những cảnh quan của phố Hiến nổi danh một thời, tồn tại tới ngày nay, bao gồm đền Mẫu Hoa Dương, Mẫu Thiên Hậu, đền Trần, chùa Phố, chùa - đình Hiến, chùa Nễ Châu, Văn Miếu Xích Đằng, Võ Miếu, hồ Bán Nguyệt, Đông Đô Quảng Hội, bia mộ của khách buôn ngoại quốc...

< Sân chùa mang lại cảm giác thanh thản.

Năm 1992, ngôi chùa này được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính, quy mô lớn của miền Bắc, kết cấu theo kiểu “nội công ngoại quốc”, với kiến trúc thời Lê - Trịnh từ thế kỷ 17, 18, còn hiện diện tới ngày nay.

Qua tam quan là ba nhịp cầu đá xanh được xây dựng năm 1702, bắc ngang qua ao mắt rồng. Khoảng sân rộng rãi được lát gạch Bát Tràng, chính giữa là con đường được trải đá xanh dẫn thẳng tới tiền đường. Theo quan niệm nhà Phật, đường này gọi là Nhất chính đạo, con đường chân chính duy nhất dẫn dắt con người thoát khỏi bể khổ.

Tiền đường năm gian hai chái, kết cấu kiểu con chồng đấu sen. Nối giữa tiền đường và thượng điện là khoảng sân, ở giữa có cây hương bằng đá như cột kinh đá xưa, bốn mặt khắc chữ Hán ghi công đức của nhân dân tu sửa chùa.

Thượng điện cũng gồm năm gian hai chái, kết cấu giống tiền đường, mang đậm nét kiến trúc thời hậu Lê, kết lại là gác chiêng, gác khánh được xây cao, đột khởi lên toàn bộ lớp mái chùa.

Ngoài các tượng Thích Ca sơ sinh, tòa Cửu Long, Phật A Di đà, Bồ Tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Tam Thế... điểm đặc sắc của chùa Chuông là hệ thống tượng La Hán cùng phù điêu gỗ Thập điện Diêm vương ở hành lang hai bên. Phù điêu gỗ Thập điện Diêm Vương diễn tả cảnh nhục hình mà con người phải trải qua ở cõi âm.

Theo triết lý nhân quả của nhà Phật, sau khi từ giã cõi đời, con người phải trải qua mười cửa điện để Diêm Vương xét hỏi công và tội. Mỗi tội trạng là một hình phạt tương ứng. Cạnh đó là tượng Bát Bộ Kim Cương và 18 pho tượng La Hán trong tư thế ngồi, nét mặt rất sinh động, mỗi người một vẻ. Có thể nói, cùng với bộ tượng La Hán danh tiếng chùa Tây Phương, đây cũng là một trong những bộ tượng La Hán đẹp nhất Việt Nam...

< Hệ thống tượng La Hán, phù điêu sống động, tô đậm thêm bầu không gian thiêng liêng, cổ kính.

Một trong những hiện vật có giá trị nhất của chùa là Kim Chung tự thạch bi ký - bia đá dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7, thời Lê Trung Hưng (1711), ghi tên người có công đức tu sửa chùa; trong đó miêu tả cảnh đẹp của phố Hiến và các phường: Hàng Bè, Hàng Sũ, Thợ Nhuộm, Cự Đệ, Hàng Thịt... mà nay chỉ còn trong dĩ vãng.

Nhờ vậy, các nhà nghiên cứu có thể đoán định có con đường thiên lý thông thương giữa phố Hiến với Thăng Long qua lại trước cửa chùa và ghi nhận đơn vị phường của phố Hiến, lúc đó đã có hai mươi phường.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Đất Việt, Doanh Nhân Sài Gòn, Người Lao Động...
Tại chùa Minh Đức Cung (còn gọi là chùa Ông Bổn 1) xã Hoà Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, hằng năm tổ chức lễ hội cho vay đúc lân đường (đường ăn), mục đích tạo sự ngọt ngào vui vẻ, làm ăn ngày càng phát đạt cho bà con trong năm.

< Lân đường hình tháp tại chùa Minh Đức Cung.

Tục cho vay lân đường không biết có tự bao giờ. Ông Trương Văn Điều, 63 tuổi, Phó Ban Trị sự Minh Đức Cung, cho biết, đúc lân đường là người ta nấu đường cát đổ vào khuôn tạo hình các con vật như: lân, gà, cái tháp, trái đào…

Hình ảnh các con vật có ý nghĩa riêng: Con lân sẽ là may mắn, làm ăn suôn sẻ trong năm. Con gà tượng trưng cho chăn nuôi, người dân muốn phát huy trong chăn nuôi thì thỉnh con gà. Các gia đình khá giả thường thỉnh cái tháp với ước mong sẽ xây nhà cao tầng. Một số bà con thỉnh trái đào nói lên những điều tâm linh có sự chứng giám của Phật, tạo hoà khí trong gia đình.

Theo thông lệ, sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch, chùa tổ chức cúng cầu an xong thu nợ cho vay lân đường năm cũ, lấy phiếu vay mới tùy theo ước nguyện của bà con mà trao lân đường. Chùa có nhiệm vụ vô bọc, có thẻ tên chùa trước khi cho vay vật phẩm đưa vào bàn Phật cúng, sau đó chùa phát hết mới thôi. Bà con rất cẩn trọng khi mang về nhà, thỉnh nhiều họ phải lót rơm, lót trấu, đóng thùng.

Theo niềm tin, bà con không để sứt, mẻ hay bị bể, sợ trong năm làm ăn không suôn sẻ. Bà con thỉnh lân đường thường để thờ bàn Phật hay thần tài. Đến năm sau bà con dùng con lân đường đó nấu nồi chè cả nhà cùng ăn và tiếp tục thỉnh lân đường mới. Nhiều người ở tận TP Hồ Chí Minh cũng xuống chùa Minh Đức Cung thỉnh lân đường.

Hiện nay ở ĐBSCL có ba nơi đúc lân đường là chùa Minh Đức Cung Cầu Kè, Sóc Trăng và Cư sĩ Lâm Minh Nguyệt Cần Thơ.

Mỗi nơi dùng mỗi màu riêng biệt. Cầu Kè dân chúng thích màu tím sen nên lân đường pha màu tím. Sóc Trăng pha màu vàng. Cần Thơ pha màu trắng trên đầu có chấm đỏ. Lân đường có hai dạng đặc ruột và bọng ruột, nhưng mỗi con thấp nhất cho vay giá 40.000 đồng và cao nhất giá 60.000 đồng. Mỗi năm đúc một lần khoảng 200 con.

Đúc lân đường là nghề cha truyền con nối. Chùa Minh Đức Cung mỗi năm phải rước thợ ở TP Hồ Chí Minh về đúc. Khuôn đúc gồm 3-4 thanh gỗ ráp lại, trong khuôn có nhiều hoa văn vừa tinh xảo vừa tỉ mỉ, những người thợ này phải đặt hàng ở Bạc Liêu. Giá khuôn đúc mỗi cái từ 500.000-2.000.000 đồng.

Để nấu đường, họ dùng lò khè và hơi dầu lửa tạo nhiệt độ cao khi nấu, luôn tay điều chỉnh lửa để đường nóng nhiều, nóng ít. Một nồi khoảng 3 kg đường cát trắng khi sôi gần tới pha màu vào. Nhờ đôi mắt tinh tường, mũi thính của mình mà người thợ đúc nhận biết mùi thơm khi đường tới độ là tắt lửa liền, nhắc xuống đổ vào khuôn. Khi đổ xong, họ rửa khuôn ngay. Đường có gió là khô cứng, tránh đường non thường bị bể.

Theo bí quyết nhà nghề, những con lân đường của các thợ nấu này để đến 1 năm không hư bể và không thấy kiến bu lại*. Hiện nay các thợ nấu ở TP Hồ Chí Minh chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm đến tháng giêng, các chùa ở tỉnh mời họ mới đi nấu. Anh Âu Kim Tuấn, 36 tuổi, lúc 10 tuổi đã theo cha đi nấu lân đường, cho biết, hiện ở gia đình anh chỉ có hai nhà là nhà cô ruột và nhà anh của anh còn giữ nghề gia truyền (ở phường 1, quận 6, TP Hồ Chí Minh).

Vay lân đường không chỉ là lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, thiêng liêng, đem lại niềm tin cho bà con mà còn góp phần phát triển du lịch vùng đất Cầu Kè này.

* Màu sặc sỡ, kiến không bu - không biết người là pha màu và đường gì nhỉ?

Du lịch, GO! - Theo Phước Hưng (Cà Mau Online)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống