Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 13 March 2013

Lâu nay, muốn đặt chân tới khu vực ngã ba biên giới thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên), nơi từng được ví “một con gà gáy ba nước đều nghe”, người ta bắt buộc phải sử dụng môtô hoặc bằng “đôi chân không mỏi” suốt thời gian sáu ngày trời.

Chưa kể đường đi hiểm trở, địa hình chia cắt, hết dốc này đến dốc cao hơn, những con suối quanh năm nước chảy cuồn cuộn, bên cạnh đó là cánh rừng già Tà Cù Tí, Mơ Phơ đầy thú dữ và thường gây nạn cháy rừng.

< Điểm trường Tà Miếu.

Đến giờ vùng biên giới xa xôi đang được kéo lại gần bởi đường giao thông hầu hết đã trải nhựa và chỉ còn sót lại một số đoạn đường cấp phối mới thông tuyến kỹ thuật. Nhờ vậy, xe du lịch hiện nay có thể chạy xuyên suốt từ thành phố Điện Biên rồi rẽ thị trấn Mường Nhé và sau hết chạy tiếp vào cửa khẩu quốc gia A Pa Chải (Việt Nam) - Long Phú (Trung Quốc) cự ly chừng 280km mất đúng một ngày.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ tới cột mốc số 6, ranh giới giữa Việt Nam - Trung Quốc. Nếu muốn tiếp tục chinh phục cột mốc số 0, phân định lãnh thổ biên cương ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, khách phải mất thêm một ngày vượt qua dãy núi án ngữ nằm phía tây nam, trước khi chạm tay vào cột mốc hình tam giác khắc ba thứ tiếng Việt Nam - Lào - Trung Quốc trên đỉnh cao 1.800m.

< Bên cột mốc số 0, cực tây Tổ quốc.

Với những người có đam mê khám phá thì cột mốc số 0 miền đất xa xôi tận cùng là dịp thử thách lòng can đảm và ý chí vượt khó, nhưng đổi lại sẽ được hưởng niềm vui hạnh phúc, tự hào của kẻ chinh phục. Hơn thế nữa, đây là nơi duy nhất để chiêm ngưỡng những ánh nắng hoàng hôn cuối cùng trên lãnh thổ Việt Nam.

Song còn đó một A Pa Chải của những bản làng người Hà Nhì gắn bó bao đời nay bên dòng sông Mo Phi chảy vòng vèo biên cương cực tây và là nơi mức sống dân cư thấp, gặp nhiều khó khăn, cơ cực nhất Điện Biên. Dù vậy cái tình của họ luôn chân chất, cả tin, đậm đà như bát rượu ngô tràn đầy. Hằng năm vào tháng ba ngày Dần, theo tục lệ người Hà Nhì sẽ cúng trời đất cầu mong mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nếu khách lạ đi qua bản dịp này được dân làng giữ lại đãi đằng rượu thịt suốt ba ngày mới được trở về.

< Chợ phiên Vàng Lếch.

Trên cung đường vòng cung Tây Bắc, hầu như nơi đâu khách phương xa cũng có thể bắt gặp những người phụ nữ mạn cao với trang phục dân tộc đậm đà bản sắc, nhưng khi ngắm nhìn bộ trang phục người Hà Nhì sẽ càng bất ngờ, thích thú hơn, trong đó chiếc mũ trên đầu là điểm nổi bật, độc đáo nhất bởi được các cô thiếu nữ kết bằng hạt cườm đan xen những hàng cúc bạc cùng nhiều tua rua bằng chỉ màu sặc sỡ. Riêng áo dài được xẻ từ sườn xuống chân và phần trước ngực luôn thêu hoa văn, đính thêm nhiều đồng xu hoặc cúc nhôm trông chẳng khác chiếc yếm ngực bằng bạc.


< Các cháu Mông ở Vàng Lếch chờ mẹ đi chợ phiên về.

Mường Nhé là huyện mới thành lập sau khi được tách ra từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu và dân bản địa hầu hết là người dân tộc thiểu số: người Mông đỏ sống rải rác trên dãy núi ở Chà Cang; người Si La, dân tộc ít người nhất Tây Bắc, trú ngụ trong vài mươi nóc nhà tại bản Nậm Sin, Chung Chải; người Thái trắng sống bên ngôi nhà sàn dọc con suối Nậm Nhé; người Hà Nhì quây quần ở phía tây. Đáng tiếc, vùng mạn ngược này cho đến nay vẫn chưa thoát khỏi nếp sống “tự cung tự cấp”, thậm chí chưa hề có chợ phiên ngoài phiên chợ Vàng Lếch của người Mông Hoa di dân từ tỉnh Lào Cai sang.

Vàng Lếch là phiên chợ vốn dĩ theo kiểu tự phát, ít người biết tới lại rất xa xôi, tận trong thung lũng vùng Nậm Tín, Nà Hài... nên vẫn còn giữ được nguyên sơ đến mức không có sạp hàng, lồng chợ, và người mua kẻ bán đều xúm xít đứng ngồi giữa trời giống như hàng trăm năm về trước. Tuy thế, Vàng Lếch không hẳn chỉ là chợ, bởi cứ ngày chủ nhật, dân bản, trai gái tạm gác chuyện lên nương, đổ xô về chợ dạo chơi, hẹn hò bạn tình thường đông hơn kẻ thật sự có nhu cầu trao đổi mua bán. Phải chăng họ xuống chợ vì muốn làm sống lại phiên chợ quê nhà nhằm khỏa lấp khoảng trống tinh thần của người lưu lạc, xa xứ?
Chả trách người Kinh ở xã Chà Cang cứ hay gọi phiên chợ Vàng Lếch là chợ tình: tình hoài hương, tình đồng loại, tình yêu trai gái...

Du lịch, GO! - Theo Trần Thế Dũng (báo Tuổi Trẻ), ảnh internet

Tuesday, 12 March 2013

Có dịp về đồng bằng sông Cửu Long, bất cứ thời điểm nào bạn cũng có thể thưởng thức các món ăn chế biến từ "cá heo nước ngọt" và chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi món ngon đặc trưng miền Tây này.

< Sở dĩ cá có tên gọi như vậy vì bắt cá đem lên bờ, ta nghe những âm thanh “ùng ục... eng éc... ” như tiếng heo kêu.

Nghe lời mời của anh bạn ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú (An Giang), từ Cần Thơ bốn “phượt thủ” nhóm “du lịch bụi” lên xe máy trực chỉ Châu Đốc. Mất bốn giờ để đến điểm hẹn. Sau khi “tẩy trần” và giải khát, cả nhóm theo bạn tới nhà anh Bùi Chí Vinh (27 tuổi), chủ nhân của 10 lồng bè nuôi cá heo.

Cá heo nước ngọt là loài cá da trơn thường xuất hiện vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch) ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có tập quán thích sinh sống nơi có dòng nước chảy mạnh. Cá heo mình dẹt, to nhất cỡ 3 ngón tay người lớn, dài độ 1 tấc, da màu xanh nhạt. Cá cái có đuôi, vây, kỳ màu đỏ cam rất đẹp và có giá trị kinh tế hơn cá heo đực (da có sọc đen).

Theo anh Vinh, Sở dĩ, cá có tên gọi như vậy vì khi lặn xuống nước (hoặc bắt cá đem lên bờ), ta nghe những âm thanh “ùng ục... eng éc... ” tương tự tiếng heo kêu. Vào mùa nước nổi, người dân nơi đây thường đặt dớn, đặt lợp, giăng lưới để đánh bắt. Thịt cá béo, thơm ngon (nhất là da) được các bà nội trợ nơi đây rất ưa chuộng.

< Cá heo nước ngọt.

Cá heo ngày nay không chỉ xuất hiện vào mùa nước nổi mà đã có mặt quanh năm ở chợ vì người dân đã nuôi thương phẩm trong lồng bè. Hiện anh Vinh có 10 lồng bè cỡ 2x3,6 m thả được 200kg cá giống. Thức ăn của cá heo nước ngọt là cá biển trộn cám. Nuôi trong 8-11 tháng, cá đạt trọng lượng 35-40 con/kg thì xuất bán.

Bình quân cứ 1kg cá giống cho được 3kg cá thịt là đạt yêu cầu. Giá mua cá heo hiện 280.000-300.000 đồng/kg, ở các nhà hàng thì bán 450.000-500.000 đồng/kg…

< Vớt cá heo từ lồng bè.

Cá heo chế biến được nhiều món, món nào cũng ngon như cá heo kho sả ớt, cá heo nướng muối ớt, cá heo nấu lẩu cơm mẻ, cá heo kho mẳn (kho ngót) với lá me non... Nhưng được các bà nội trợ miền Tây ưa thích nhất vẫn là cá heo kho tộ và cá heo nướng muối ớt.

Cá còn tươi, dùng dao cắt đầu, vây đuôi, móc sạch ruột, cho cá đã làm sạch vào thau với một ít dấm chua hoặc nước cốt chanh tươi rồi dùng tay chà nhẹ là cá hết nhớt và bớt mùi tanh. Cá vớt ra rửa với nước lạnh vài lần cho sạch, để ráo. Kế đến cho cá vào tộ, ướp gia vị để cá có mùi thơm và màu sắc hấp dẫn. Bắc tộ lên bếp với lửa liu riu đến khi nước rút vào cá sền sệt là có thể nhắc xuống.

< Cá heo kho tộ.

Muốn cho nước cá kho có độ sánh hấp dẫn, thêm bí quyết một muỗng nước cơm vào nữa là đủ. Sau rốt, cho tóp mỡ hoặc dầu ăn, rắc một ít tiêu xay kèm vài trái ớt hiểm chín là xong.

Món cá heo nướng muối ớt thì chế biến dễ dàng và nhanh gọn hơn. Chỉ cần rửa cá cho sạch nhớt, không cần mổ bụng, chặt đầu, đuôi, vi, kỳ. Cho nguyên con vào ướp với muối ớt cùng một tí bột ngọt cho có hương vị đậm đà, để ngấm khoảng 15 phút và cho lên vỉ than nướng. Trở đều tay, khi hai mặt đã vàng, mùi thơm nồng nàn tỏa lên là được!

Lúc này, chỉ cần chuẩn bị ít rau sống (dưa leo, cà chua, xà lách, rau thơm…) cho ra dĩa và gắp cá đặt lên trên. Nếu cần thêm một dĩa tiêu chanh nữa là xong!...

< Cá heo nướng muối ớt.

Trước khung cảnh sông nước hữu tình của miền Tây, còn gì thú vị bằng cùng các “chiến hữu” tụ họp trên bè cá ven sông thưởng thức món cá heo nướng thơm lừng hấp dẫn. Gắp một con cá kèm vài miếng rau sống cho vào miệng nhai từ từ để cảm nhận vị béo của da, ngọt, thơm ngon của thịt cá thấm dần… Thêm một miếng cơm nóng gạo mới dẻo thơm vào nữa, thật tuyệt vời!

Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (báo Tuổi Trẻ), internet
Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo, mang đặc trưng miền sông nước Cửu Long do ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927) để lại.

< Nhà cổ Huỳnh Phủ nay thuộc địa phận xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Nhà cổ Huỳnh Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2011.
Ông Huỳnh Ngọc Khiêm là người miền Trung vào Nam lập nghiệp từ lúc còn tay trắng cho đến khi sự nghiệp giàu có vào bậc nhất ở vùng cù lao Minh và đất Bến Tre lúc bấy giờ.

< Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện tại gồm ngôi nhà chính có diện tích trên 500m², theo phong cách “nhà rường” Huế.

Theo những cao niên xã Đại Điền kể lại, việc xây dựng và hoàn thành ngôi nhà có nhiều chuyện đã trở thành giai thoại. Chuyện rằng, người thợ lúc kéo gỗ khởi công làm nhà ăn bưởi và ném hột quanh nhà, hột bưởi nẩy mầm thành cây, lớn lên cho trái chín mà ngôi nhà vẫn chưa xong.

< Họa tiết khắc gỗ là những bức tranh sinh động, mô tả cảnh vật thiên nhiên của vùng sông nước.

Ngôi nhà làm lâu đến mức các thợ lúc dựng nhà còn bé, khi lớn lên được ông đứng ra lo việc vợ con rồi mà vẫn chưa hoàn thành. Theo căn cứ là bức hoành phi mừng tân gia họ Huỳnh của Tri huyện Bảo An Thái Hữu Võ tặng vào năm Giáp Thìn (huyện Bảo An thuộc cù lao Bảo, tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ) thì ngôi nhà được hoàn thành trước năm Giáp Thìn (1904). Vì thế, có thể ngôi nhà được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 80 hoặc đầu thập niên 90 của thế kỷ XIX.

< Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6 rất nhớ những giai thoại về ngôi nhà cổ của dòng họ.

Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện tại gồm ngôi nhà chính có diện tích trên 500m2 với một căn phụ bằng gạch nối liền ở góc phải. Nhìn từ bên ngoài và theo các hàng cột phía trước của ngôi nhà, ta thấy có chín gian, nhưng thực ra đây là ngôi nhà ba gian được mở rộng ra bốn phía, một kiểu nhà rất to ngày xưa và chỉ những người thật sự giàu mới có khả năng xây dựng. Nhà xây dựng trên nền cao 0,7m, chung quanh được kè đá xanh, thềm cũng được viền bằng loại đá này.

< Song sắt nhà cổ Huỳnh Phủ mang dáng dấp kiến trúc Pháp.

Nhà có 80 cây cột, trong đó 48 cột gỗ và 32 cột gạch (thay cho cột gỗ bị hư hỏng vào những năm 1945 - 1954), làm theo kiểu nhà nhà rường ở Huế. Hai hàng cột cái gồm 8 cây đứng song song nhau. Các cây cột cái cao trên 5,5m, chu vi 1,2m, gắn kết với nhau từng cặp theo chiều ngang bởi các cây trính và theo chiều dọc mỗi hàng có một thanh gỗ dài xuyên qua bốn cây cột. Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn. Hai đầu song được xây kín và trang trí hình một bông hoa 4 cánh.

< Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn.

Nội thất và sườn nhà làm bằng các loại gỗ có giá trị cao như: lim, thau lau. Nội thất chia thành 2 phần: từ cột nhất của mặt hậu vào phục vụ sinh hoạt gia đình, từ cột nhất của mặt hậu trở ra cột hàng nhì của mặt tiền sử dụng vào việc thờ tự. Phía tả thờ Cửu Huyền Thất Tổ, giữa thờ Phật Bà Quan Âm, phía hữu thờ ông, bà Huỳnh Ngọc Khiêm.

< Công đoạn chạm khắc gỗ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

Khánh thờ Phật Bà Quan Âm chạm trổ long, lân, phụng theo lối song phụng tranh châu, nền đế là hai kỳ lân đối diện, cùng nhe nanh, mặt hướng ra ngoài, chân trụ chạm rồng ba móng, mặt hướng lên trên (theo truyền tụng rồng ba móng thường dành cho dân thượng lưu, rồng bốn móng dành cho quan lại, rồng năm móng dành cho vua).

< Các vật dụng trong nhà cổ Huỳnh Phủ toát lên vẻ cổ kính.

Tất cả các bức hoành phi, bài vị, biển đề… đều viết bằng chữ Hán, khắc vào gỗ, chạm trổ hoa văn công phu, sơn son thiếp vàng, có tuổi đời tương đương với tuổi thọ ngôi nhà. Các tấm chạm đã đạt tới trình độ cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Đó là những bức tranh sinh động mô tả cảnh vật thiên nhiên vùng sông nước, của vùng đất cù lao bốn mùa cây xanh, trái ngọt, cảnh vật thanh bình, chim muôn ca hát, cùng các loại sinh vật khác...

< Bộ bàn ghế cổ khảm xà cừ và đá với các họa tiết cầu kỳ, tinh xảo.

Tiền công thù lao cho thợ không tính bằng ngày công mà tính bằng khối lượng dăm bào sau một ngày lao động. Mỗi chén dăm bào được trả 5 cắc bạc, riêng thợ cái được trả 2 đồng/ngày, cơm nước chủ nhà đài thọ (thời gian này một giạ lúa bằng 1,8 cắc bạc). Ông Huỳnh Ngọc Khiêm vốn là người tỉ mỉ nên dù giá công cao nhưng thợ không được làm quá một chén dăm bào/ngày vì như vậy cho là làm dối.

< Phong cách điêu khắc nhà rường” Huế.

Cách trang trí nhà cổ Huỳnh Phủ thể hiện sự phóng khoáng của các bậc thầy trong việc kết hợp đề tài dân dã là các loài động, thực vật quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của cư dân địa phương như chuồn chuồn, chim, mãng cầu… xen với các đề tài theo khuôn mẫu đã có như tứ linh, tứ quý, tứ thời...

< Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6, thăm non và chăm sóc hai ngôi mộ tổ tiên.

Các mô típ phương Tây cũng xuất hiện một cách nhuần nhuyễn như hoa hồng, nho, sóc, chuỗi ngọc... Đây là một di tích kiến trúc có nhiều chất liệu mỹ thuật quý giá, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử trang trí của mỹ thuật truyền thống Việt Nam tại Nam Bộ.

< Phù điêu kỳ lân trên ngôi mộ cổ.

< Bức họa chân dung ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm, người đã cho xây dựng nhà cổ Huỳnh Phủ.

Khu mộ cách ngôi nhà cổ 3km thuộc xã Phú Khánh có diện tích 966m2, được xây  năm Tân Hợi (1911). Vật liệu xây dựng là đá xanh từ hàng rào bên ngoài cho đến phần lăng mộ bên trong. Rào cao khoảng 1,5m gồm 2 phần: phần trên là những thanh đá được cắt hình chữ nhật hoặc hình tam giác, phần dưới là những phiến đá nguyên.

Hai ngôi mộ của ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm làm giống nhau theo kiểu lăng mộ với tường đá cao bao bọc xung quanh. Chân mộ là tấm bia cao 1,5m, rộng 1,2m, có mái che với hoa văn trên nóc và chân bia. Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo trên chất liệu đá.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Oanh,Lê Minh, Nguyễn Luân (Vietnam.vnanet)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống