Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 15 March 2013

Trong số 79 ngọn hải đăng trải dài từ Móng Cái đến Hà Tiên và trên các hải đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam, có 9 ngọn đèn biển tựa như 'mắt thần' thuộc huyện đảo Trường Sa nằm trên các đảo: Đá Lát, An Bang, Đá Tây, Tiên Nữ, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Sơn Ca và hải đăng Nam Yết.

Những ngọn hải đăng ở quần đảo Trường Sa ấy không chỉ là điểm mốc cho tàu thuyền qua lại trong đêm tối giữa đại dương bao la, mà còn khẳng định đó là cột mốc chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Những ngọn đèn này không bao giờ tắt bởi nó được thắp sáng từ tình yêu Tổ quốc vô tận của cán bộ, nhân viên Trạm bảo đảm an toàn Hàng hải II (thuộc Xí nghiệp Biển Đông và Hải đảo) cùng những người lính Trường Sa.

Ngoài chức năng dẫn đường cho tàu thuyền qua lại khu đường hàng hải quốc tế, mỗi ngọn hải đăng còn là ngọn đèn đánh dấu toạ độ bãi cạn, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước trong khu vực khai thác, đánh bắt hải sản trên khu vực biển của mình.

Hải đăng Song Tử Tây

Đèn biển trên đảo Song Tử Tây được xây dựng vào năm 1993, là ngọn đèn biển đầu tiên trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nằm cực bắc quần đảo Trường Sa.
Ngọn đèn biển này có dạng hình tháp tròn, được xây dựng trên nền đất cao 5,5m, chiều cao là 38m.

Hải đăng Đá Lát

Đèn biển Đá Lát được xây dựng năm 1994 trên nền san hô, cách nơi ở của cán bộ chiến sĩ đảo Đá Lát hơn 300 m về phía Bắc.

Chân đèn nằm ở độ sâu 2m dưới mực nước biển, toàn bộ tháp đèn cao 42m, có kết cấu bằng sắt thép, trông như một búp măng mọc lên từ biển khơi.


Hải đăng Đá Tây


Đèn biển Đá Tây được xây dựng vào năm 1994. Ngọn đèn này có chiều cao 22m. Đá Tây B là một cụm có hai hòn đảo nhỏ liền kề kết nối nhau bởi một chiếc cầu bê tông kiên cố, ngoài ra còn một hòn thứ ba có cây đèn biển nằm tách biệt cách khối liên hoàn này vài trăm mét, muốn sang bên ấy chỉ còn cách đi canô.

Từ cầu tàu nhìn sang, đảo đèn nhô lên mặt biển như một cái mai rùa, còn cây đèn biển chẳng khác nào cây bạch lạp gắn trên lưng rùa tại các nơi cúng lễ.


Hải đăng An Bang

Đèn biển An Bang được xây dựng năm 1995. Chiều cao của tháp đèn là 24,9m có ặc tính ánh sáng trắng
Đặc tính chớp: Chớp nhóm 2, chu kỳ 10s
Thân đèn có màu xám xẫm


Hải đăng Tiên Nữ

Đèn biển Tiên Nữ nằm cách Đá Tiên Nữ 4 hải lí về phía đông. Đây là nơi xa nhất mà Việt Nam đang kiểm soát.

Đèn biển Tiên Nữ được xây dựng năm 2000, cao 22,1m. Ngọn đèn biển này trông giống một tòa lâu đài sừng sững giữa biển khơi.

Hải đăng Trường Sa Lớn

Đi trên các con thuyền cập đảo Trường Sa từ phía đông nam, ai cũng dễ dàng nhận thấy từ xa hình dáng của ngọn hải đăng vươn cao trên biển với cột đèn sừng sững trên 30 mét. Đèn biển Trường Sa Lớn được hoàn thành vào đầu năm 2010.

Ngọn hải đăng ở Trường Sa Lớn là loại đèn cấp II, sử dụng lăng kính xoay, chu kỳ chớp 10 giây, tầm phát sáng 18 hải lý (gần 33km), ngoài ra trạm còn có hệ thống Racon, phát tín hiệu moóc để liên tục dẫn hướng cho tàu thuyền cả ban ngày và ban đêm.

Hải đăng Sơn Ca

Đèn biển Sơn Ca là một trong vài ngọn đèn biển mới nhất được xây dựng ở Trường Sa của Việt Nam. Ngọn đèn biển này có chiều cao 41m, màu sắc tươi tắn nổi bật giữa trời biển bao la.

Hải đăng Nam Yết

Nam Yết là một hòn đảo nằm ở phía nam cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa. Đảo này nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 450 km về phía đông nam, cách đảo Ba Bình khoảng 11 hải lý (20,4 km) về phía tây nam và cách đá Ga Ven khoảng 6 hải lý (11,1 km) về phía đông. Đi tàu thủy từ đất liền Việt Nam đến đảo mất hơn hai ngày và hai đêm.

Đèn biển Nam Yết là ngọn đèn biển mới nhất vừa được xây dựng với sự điều hành của Trạm trưởng Trần Văn Khánh.

Hải đăng đảo Sinh Tồn

Nếu ngọn hải đăng ở đảo Sơn Ca có hình trụ, chân đế xây hình Cột cờ Hà Nội, ngọn hải đăng ở đảo Song Tử Tây xây hình tháp, ngọn hải đăng ở đảo Đá Lát thiết kế theo hình mũi tên... thì hải đăng tại đảo Sinh Tồn có hình vuông. Việc xây dựng ngọn đèn hải đăng có hình dạng kết cấu khác nhau, tùy thuộc vào địa chất và nền san hô.

Mỗi ngọn hải đăng xây dựng kết cấu khác nhau, nhưng có một điểm chung là phát tín hiệu trong đêm tối để tàu thuyền biết đường đi lại. Nếu đi biển gặp trời tối, chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng là cảm thấy rất yên tâm đánh bắt. Ghe của bà con ngư dân từ đất liền ra khai thác hải sản, họ luôn lấy ánh sáng của ngọn hải đăng làm điểm tựa. Những ghe tàu bị mất định vị, hỏng máy, trong đêm tối chỉ cần nhìn thấy ánh sáng của hải đăng là yên tâm và không bao giờ lo lạc đường.

Du lịch, GO! tổng hợp
Trải dài qua địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, Vĩnh Tế là con kênh đào dài nhất mang ý nghĩa và tầm nhìn chiến lược do nhà Nguyễn thực hiện từ thời mở cõi mà đến nay vẫn còn giá trị.

Tạm hoãn nhiều lần

Khởi đầu tại ngã ba tiếp giáp sông Châu Đốc thuộc xã Vĩnh Ngươn, TX.Châu Đốc (An Giang), kênh Vĩnh Tế có chiều dài gần 90 km chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia qua các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) rồi nối vào sông Giang Thành, TX.Hà Tiên (Kiên Giang) và đổ ra biển.

< Kênh Vĩnh Tế chạy dài theo biên giới từ Châu Đốc, trổ ra biển tại Hà Tiên.

Tại ngã ba đầu nguồn cặp bờ sông Châu Đốc có một ngôi đình xưa nằm cạnh đường Tây Xuyên - con đường nhỏ chạy ra biên giới - gọi là đình Vĩnh Ngươn, được trùng tu vào năm 1929. Một cụ già ở địa phương cho biết ngày cúng Kỳ Yên vào 15, 16 tháng chạp hằng năm đều có tế quan Thoại Ngọc Hầu. Theo Đại Nam thực lục, địa điểm này là nơi khởi công đào kênh Vĩnh Tế. Mục đích của việc đào kênh là “Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt”.

Bấy giờ, vua Gia Long xuống dụ cho thành Gia Định tiến hành đo đạc tính từ phía tây đồn Châu Đốc, sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất 5.500 người gồm dân phu và binh dân đồn Oai Viễn; Đồng Phù (quan nước Chân Lạp) quản suất dân Chân Lạp 5.000 người và tháng 12.1819 khởi công đào. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 9 năm 1819 vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên, cho tên là sông Vĩnh Tế”.


< Ảnh chụp Kênh Vĩnh Tế năm 1929.

Tuy nhiên, công trình này từ lúc khởi công đến khi hoàn thành nhiều lần phải tạm ngưng vì lý do khác nhau. Lần thứ nhất vào tháng 3 năm Canh Thìn (1820), khi vua Minh Mạng mới lên ngôi, thấy việc đào kênh đã tròn một năm, người người khó nhọc, nên ra dụ tạm hoãn và cấp tiền, vải cho người chết, cấp thuốc men cho người đau ốm.

Đến tháng giêng năm 1821, vua lại hoãn việc đào kênh. Bấy giờ vùng Hà Tiên, Châu Đốc vừa xảy ra nạn dịch lớn, vua muốn để cho dân nghỉ ngơi. Tháng 10.1822, vua Minh Mạng thấy công việc đào kênh cần phải khẩn trương hơn, nên ban dụ nhắc nhở. Lần này, Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt phát hơn 39.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Oai Viễn, cùng hơn 16.000 người Chân Lạp chia làm ba phiên, quyết tâm đào, kế hoạch đến đầu mùa hạ năm sau thì xong.


< Kênh Vĩnh Tế ngày nay.

Tháng 2.1823, Tổng trấn Lê Văn Duyệt nghe tin ở Hưng Hóa có giặc bèn dâng sớ xin hoãn. Lần này vua bảo: “Không lo đến việc miền Bắc nữa, khanh nên phát binh dân vét đào sông ấy để xong công việc. Nếu để mất cơ hội ấy thì khó bảo đảm kỳ sau, mà nước Chân Lạp có thể dòm ngó chính lệnh của ta”. Chưa được bao lâu thì quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt bị bệnh, vua sai Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu làm thay. Chỉ được vài tháng vua lại ra lệnh hoãn, vì thời tiết nóng bức. Lúc này kênh Vĩnh Tế đã hoàn thành hơn 10.500 trượng, chỉ còn hơn 1.700 trượng.


< Kênh Vĩnh Tế nhìn từ núi Sam.

Tháng 2.1824, kênh Vĩnh Tế được lệnh đào tiếp 1.700 trượng còn lại. Bấy giờ Phó tổng trấn Trần Văn Năng xin để lại binh dân hai trấn Phiên An, Biên Hòa để đào đá xây thành, nhưng vua Minh Mạng không đồng ý và ra chỉ dụ: “Việc xây dựng năm nay chưa tiện, sẽ đợi sang năm. Còn như sông này, liền với tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng, so với việc xây thành đằng nào cần hơn?”. Với quyết tâm của nhà vua, đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) thì kênh Vĩnh Tế hoàn thành.

Dựng bia ghi công

Khi công trình hoàn thành, vua Minh Mạng nói rằng đào con sông ấy thực là lợi ích muôn năm vô cùng về sau, bèn sai Hữu ty lo việc dựng bia ghi công, đồng thời ra lệnh ban thưởng trọng hậu cho Thoại Ngọc Hầu cùng các quan có công và quốc vương Chân Lạp.

< Kênh Vĩnh Tế được khắc trên đỉnh đồng.

Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1761, là con ông Nguyễn Văn Lượng và bà Nguyễn Thị Tiết. Ông Lượng người thôn An Hải, H.Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Bà Tiết là con ông Nguyễn Khắc Tuân và bà Phạm Thị Thấy ở cù lao Dài (Vĩnh Long). Giả thuyết, Nguyễn Văn Thoại có thể được sinh ra tại Quảng Nam. Sau khi cha mất, ông theo mẹ vào Nam lập nghiệp. Cũng có thể ông Lượng vào Nam lập nghiệp, lấy vợ và sinh con tại cù lao Dài, sau về quê Quảng Nam và mất ở đó. Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì bà Châu Thị Vĩnh Tế (phu nhân của Thoại Ngọc Hầu) là cháu gái ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán, vào cuối thế kỷ 18 đã đến lập nghiệp tại thôn Thái Bình (nay thuộc xã Thanh Bình, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long). Ông Châu Vĩnh Huy là người có công xây dựng đình chùa, được tôn Hậu hiền. Còn họ Nguyễn của Thoại Ngọc Hầu đến làng này muộn hơn.

Bia Vĩnh Tế dựng tại núi Sam vào mùa thu năm Mậu Tý (1828), chép việc lập làng, mở ruộng di dân, việc vua lấy tên Thoại Ngọc Hầu phu nhân đặt tên cho kênh đào. Nhưng vì trơ trọi giữa trời lâu năm, chữ đã mòn, mặt bia đã bị nứt bể nhiều chỗ, nên các nhà nghiên cứu không đọc được nội dung hoàn chỉnh của văn bia. Ngoài ra, theo Nguyễn Văn Hầu (trong bài viết Bài Tế nghĩa trủng văn do Thoại Ngọc Hầu chủ tế cô hồn tử sĩ sau ngày đào kênh Vĩnh Tế, đăng trên tập san Sử Địa số 17-18 năm 1970) còn có bia “Vĩnh Tế sơn lộ kiều lương” cũng dựng tại núi Sam “nhưng hiện đã thất lạc”. Năm 1950, tác giả bài viết này còn thấy vài mảnh đá to nghi ngờ là bia bị vỡ.

< Từ kinh Vĩnh Tế nhìn về phía biên giới Campuchia.

Ngoài việc dựng bia, vua còn ra lệnh tổ chức lễ tế các binh lính và sưu dân đã bỏ mình trong công cuộc đào kênh và soạn Tế nghĩa trủng văn, đọc trong buổi lễ. Tế nghĩa trủng văn còn gọi là bài “Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh”. Vào dịp lễ tế, thừa lệnh vua, Thoại Ngọc Hầu đã làm một cuộc cải táng tập thể, trang nghiêm và quy mô, nhưng chưa biết địa điểm hành lễ. Tác giả Nguyễn Văn Hầu căn cứ vào câu cuối bài văn tế “Sam sơn chi tây hề khả dĩ toại khu trì” và đoán rằng địa điểm hành lễ có lẽ là bên triền phía tây núi Sam, cạnh lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, chỗ có cắm bia “Đặc tứ Vĩnh Sơn bia ký” và cũng là nơi có nhiều nấm mộ. Cho đến nay, việc tế lễ các vong hồn bỏ mạng trong cuộc đào kênh vẫn còn được duy trì ở địa phương, người ta gọi đó là lễ “Tống gió”.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Phương - Ngọc Phan (Báo Thanh Niên), ảnh internet.
Nằm nép mình bên dòng Nậm Mu hiền hòa, bản Nà Luồng (xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), là nơi cư trú của trên 90 hộ đồng bào dân tộc Lào.

Nhờ gìn giữ được những phong tục tập quán lâu đời, bản của người Lào ở Nà Luồng đã trở thành điểm đến thân thiện với du khách.

< Phong cảnh yên bình của bản Nà Luồng.

Theo dân gian, cách đây 300 năm, một bộ lạc người Lào du cư đã vượt qua Thanh Hóa, Sơn La… tìm nơi canh tác, cư ngụ, tới địa phận ven dãy Hoàng Liên Sơn thấy phong cảnh bình yên, có thể khai phá làm ruộng nước, mở mang cuộc sống, mới dừng chân hạ trại.

< Cuộc sống người Lào ở bản Nà Luồng còn khá đơn sơ.

Tại vùng đất ven dải Hoàng Liên Sơn ấy, người Thái đã làm chủ, người Lào xin phép được khai khẩn và định cư. Tộc trưởng người Thái rộng lòng tiếp đón và đệ đơn lên quan trên cho bộ lạc người Lào nhập cư.

< Phụ nữ Lào bản Nà Luồng miệt mài bên khung cửi.

Đến nay, trên tiến trình lịch sử của đất nước, Lào, Thái và các dân tộc anh em khác cư trú tại các thung lũng ven dải Hoàng Liên Sơn vẫn đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no theo đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong đó, rất chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

< Công việc hàng ngày của phụ nữ Lào ở bản Nà Luồng là thêu thùa.

Bản sắc văn hóa của người Lào không bị đổi thay theo thời gian và không gian, giúp bản Nà Luồng hội tụ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch bản làng, gắn liền với các yếu tố văn hóa truyền thống của cư dân.

< Dưới gầm sàn, đầu nhà là bóng dáng các cô gái Lào bận trang phục đậm bản sắc dân tộc.

Đối với du khách ưa khám phá cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản làng thì Nà Luồng là địa điểm hấp dẫn, không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng cao Tây Bắc. Cảm giác khoan khoái, hồi hộp đến với du khách ngay từ khi đặt chân trên cây cầu chênh vênh dẫn lối vào bản. Dòng Nậm Mu ngay dưới chân cầu hiền hòa chảy như được dát vàng trong ánh chiều hắt qua dãy núi, cùng với những đụn khói lam chiều từ những nếp nhà thấp thoáng bên sườn núi tạo nên vẻ đẹp dung dị cho bản Nà Luồng.

< Đồ trang sức phụ nữ Lào.

Bản Nà Luồng là ngôi nhà chung của 90 hộ, hơn 400 nhân khẩu người Lào. Người Lào ở Nà Luồng rất thân thiện, chân thật và mến khách. Phương thức canh tác chính của người Lào ở đây là trồng lúa nước, trồng ngô. Diện tích lúa chiếm phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Dọc theo đường vào bản ngập tràn những thửa ruộng đang vào mùa gặt, những nương ngô trĩu hạt, cho thấy cuộc sống ấm no, đủ đầy của người dân nơi đây.

< Người Lào ở Nà Luồng chân thật và mến khách.

Không chỉ làm nông nghiệp, phụ nữ Lào vẫn gìn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Những sản phẩm thổ cẩm như khăn, mũ, túi, đặc biệt là trang phục không chỉ thể hiện sự khéo tay của phụ nữ Lào mà còn thể hiện bản sắc dân tộc Lào, là sản phẩm du lịch đặc sắc đối với du khách khi muốn khám phá, tìm hiểu về văn hóa Lào.

< Bản Nà Luồng là điểm đến thân thiện với du khách trên cung đường khám phá dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ.

Ngoài ra, người Lào vẫn giữ gìn được nhiều phong tục độc đáo trong lễ nghi như tục té nước (còn gọi là Bun Vốc Nặm – PV) và cả tục cầu may, cưới xin, tang ma, cúng lễ cùng những món ăn lạ, những điệu khèn, điệu dân vũ độc đáo và hấp dẫn…

Cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ, mang đặc trưng vùng cao Tây Bắc, con người hiền hòa, hiếu khách... tất cả đã tạo nên những tiềm năng du lịch của Nà Luồng. Bởi vậy, cách đây chưa lâu, bản Nà Luồng đã được Tổng cục Du lịch lựa chọn đầu tư phát triển thành điểm du lịch cộng đồng, tương lai không xa sẽ đưa vào khai thác trong tour du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, hứa hẹn giúp du khách hiểu hơn vẻ đẹp tiềm ẩn của đất nước, con người Việt Nam.

Du lịch, GO! - Theo Thục Hiền - Trịnh Văn Bộ (Báo Ảnh Việt Nam)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống