Ban ngày tất bật, vội vã, ồn ã bao nhiêu thì đêm về, Sài Gòn lại lãng tử, dịu dàng và đỏng đảnh bấy nhiêu.Sống ở Sài Gòn mà chưa một lần dạo phố đêm thì chắc chắn bạn mới cảm nhận được già nửa về dung nhan, hồn phách của thành phố này.
Phượt đêm, ăn đêm, làm đêm, chợ đêm…, từ lâu đã trở thành, nhu cầu, thói quen, sở thích, duyên nợ của du khách và một bộ phận không nhỏ dân cư Sài Gòn.
Đêm du ca
Khoảng từ 21 giờ, khi mà lưu lượng xe và người vơi dần đi, thì những đại lộ lớn ở Sài Gòn như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phan Đăng Lưu...
... trở thành những con sông gió thổi từ hướng Tây Nam về hướng Đông Bắc, ngược dòng với những con sông nước Vàm Cỏ Đông, Sài Gòn, Bến Nghé, Soài Rạp…, chảy từ hướng Đông Bắc về hướng Tây Nam.
Cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Bình Phước, cầu Khánh Hội và mấy chục cây cầu khác bắc qua sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi… như những cây đàn của gió và nước tự ngân lên, hòa ca giai điệu của đêm, làm cho hầu hết những thành phố lớn trên thế giới, lúc mặt trời ngủ say, phải ghen tị. Cùng với gió và nước, từ hàng trăm năm trước, đêm đến, những nghệ sỹ đường phố trong các nhóm hát rong, ban nhạc tài tử lại du ca, rong ruổi trên hè phố, quán bar, công viên.
Lề thói ấy đến đầu thế kỷ 21 này vẫn còn sót lại đâu đó như muốn níu kéo, như không nỡ đứt đoạn với vẻ đẹp của những dạ khúc dân dã Sài Gòn lúc trời khuya. Mười một năm nay, bên bờ Thị Nghè, đêm nào cũng thấy người đàn ông ngót 40 đàn hát, đó là nghệ sỹ Nguyễn Phụng Phương, còn được gọi là “Phương Mù”. Anh thường ca những bản nhạc tiền chiến, đồng quê. Từng ngón đàn và ca từ của anh cứ trôi nổi bồng bềnh, heo hút trên nền ánh sáng lạnh tanh của đèn led, âm thanh nhừa nhựa của rượu bia hắt ra từ những nhà hàng, quán nhậu.
Cũng thời khắc ấy, ở công viên 30-4, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng…các bạn trẻ sinh viên gom thành từng nhóm, ghi ta bập bùng cho những bản tình ca mới, nghiệp dư nhưng trong trẻo, hồn nhiên, thanh thoát, bổng trầm, trốn tìm, nép dưới lùm cây, tán lá.
Khoảng mươi năm trở lại đây, góp mặt vào trào lưu du ca trẻ là các nhóm “ca sĩ kẹo kéo” (hát miễn phí để bán kẹo kéo). Những nhóm “ca sĩ kẹo kéo” này cơ động ngay sau khi hoàng hôn buông xuống, bằng xe gắn máy, tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm các quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh…
Những “gánh hát rong” của các “ca sĩ kẹo kéo” gọn nhẹ, di chuyển linh hoạt, tiếp cận trực tiếp quán nhậu với loa thùng công suất khủng và thanh quản siêu bền liên khúc hết bài này qua bài khác. Hát rong để bán kẹo kéo cũng may rủi như cá cắn câu, có khi bỏng cổ rát họng mà chẳng được đồng nào đành xách giỏ, mắc mồi, thả cần nơi khác.
Nhóm du ca trung lưu già nghiệp dư nhưng vẫn non thương hiệu, trong lúc còn phải bổ túc túi tiền để đủ đô chi phí PR, chờ phát hành album, đành chấp nhận chạy sô phòng trà, đám cưới, tiệc sinh nhật…, xe tay ga, đồ hàng hiệu lướt đêm trên từng tụ điểm. Lực lượng du ca này khá đông đảo và còn trẻ. Chỉ tính riêng hệ thống nhà hàng tiệc cưới Đông Phương, phố cưới Hoàng Việt, Lý Thái Tổ, Hoàng Văn Thụ mỗi đêm đã hút hàng trăm mối diễn. Nhưng catse cho một sô tiệc cưới so với sân khấu Lan Anh, nhà hát Hòa Bình, nhà hát thành phố…, bèo lắm, mà cũng chỉ đắt sô trong những đêm thanh long hoàng đạo, bài nào khách nghe đắc chí thì được boa mấy bông hồng và tràng vỗ tay, vì những chỗ tiệc tùng thường người ta chỉ quan tâm đến mồi nhậu và bia bọt. Nghề du ca kiếm cơm đêm Sài Gòn là thế.
Đêm đời chợ
Đêm Sài Gòn còn là đêm của chợ. Chợ đêm Sài Gòn thường là các chợ đầu mối, hàng hóa chủ yếu là hàng tươi sống như hoa, rau, củ, quả, thủy sản, các loại thịt heo, bò, gia cầm…, được bán theo giá sỉ, chừa ra phần chênh lệch cho hàng vạn tiểu thương chợ ngày bán lẻ đến người tiêu dùng .
Lớn nhất là các chợ đầu mối Thủ Đức, Tân Xuân, Bình Điền và hàng chục chợ đêm hạng trung khác ngay trong nội thành như chợ cá Cầu Ông Lãnh-quận 1, chợ Cua đường Cách Mạng Tháng Tám-quận 3, chợ hoa đường Nguyễn Thị Nhỏ-quận 10, chợ trái cây đường Trang Tử-quận 5…
Chợ đêm Sài Gòn là một thế giới riêng biệt, chỉ dành riêng cho những người mua bán chuyên nghiệp, am tường luật chơi, mối mang có sẵn. Ở đó bầu trời thuộc về đêm nhưng mặt đất lại như ban ngày, ban ngày của ánh sáng điện và những đôi mắt sáo, ráo hoảnh tỉnh bơ như đang giữa thanh thiên bạch nhật. Phải tỉnh như ban ngày mới mong rõ mặt đồng tiền ban đêm mà bán mua, lời lãi. Chợ đêm cũng đủ các dịch vụ sinh hoạt ăn, uống, ngủ qua đêm, tắm giặt…, giá cả phải chăng vì toàn khách quen, không thể chặt chém như bến tàu, bến xe.
Giá 1 võng qua đêm 15.000đ, 1 ly cà phê đá 8.000, 1 hộp cơm tấm 15.000đ, một lượt vào nhà vệ sinh 1.000đ, một “dù tàu nhanh” 50.000đ… Cộng lại, phí sống cho 24 giờ không quá đắt đỏ, nếu chăm chỉ và chịu đựng, nếu không bị bọn nghiện nghập, lưu manh sờ đến, nhóm cùng đinh trong các chợ đêm Sài Gòn cũng đủ sống qua ngày.
Khác với miền Trung, miền Bắc, dân Nam Bộ nói chung và dân Sài Gòn nói riêng, thường tiệc tùng, ăn nhậu về đêm. Vũ trường, restaurant, quán bar là của các thiếu gia, đại gia. Quán cóc, vỉa hè là của giới lao động bình dân. Hàng trăm đường phố với hàng ngàn tụ điểm ăn nhậu ở Sài Gòn đêm đêm sáng đèn. Lộc ai tài người ấy. Xị đế mười nghìn cũng say xỉn thua gì rượu tây tiền triệu. Có những tên phố đã được ẩm thực hóa như : Thịt chó Cống Quỳnh, gỏi vịt Thanh Đa, lẩu dê Lê Văn Sỹ…Gần đây, đang nở rộ các quán ốc đêm, gà ta, miến lươn, thịt thỏ, nhưng chưa định hình thị phần, thâm niên để hội đủ điều kiện biệt danh thành phố.
Sài Gòn còn có những phố đêm ẩm thực nổi tiếng thế giới, là địa chỉ quen thuộc của du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ như Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Hoàng Hoa Thám, Lê Thị Hồng Gấm... Xen lẫn những nhà hàng, khách sạn, hộp đêm sang trọng xa hoa còn có những quán ăn rất bình dị, tuổi đời hàng trăm năm, chủ nhân mấy đời thừa kế, không cần quảng cáo tiếp thị mà khách vẫn nượp ra vào. Quán cơm bà Cả Đọi đường Nguyễn Huệ, quán chè trạm biến áp quận 5, quán bánh ướt Lý Tử Trọng, quán Phở Ta quận 3…, đến một lần đã nhớ.
Trước 1975, phố đêm Sài Gòn còn có sự góp mặt của dân ghế bố. Những phố có vỉa hè rộng, sạch sẽ, nhiều cổ thụ là chỗ qua đêm của dân ghế bố. Đó là những người lao động ngụ cư làm nghề đạp xích lô, bốc vác, bán báo... Khi những chủ nhà mặt tiền đã tắt đèn, đóng cửa, người ngụ cư rủ nhau từng nhóm, mỗi người một chiếc ghế bố, một mảnh chăn mỏng là một giấc tới bình minh.
Thời ấy, dân ghế bố ngủ qua đêm trên vỉa hè là nét đời thường của Sài Gòn vì thành phố còn thoáng đãng, ít tệ nạn xã hội, hầu như không có cảnh cướp giật, xin đểu người qua đường. Thời ấy, dân ghế bố làm ăn cũng dễ dàng, chẳng hạn vài cuốc xích lô đã đủ ăn cho cả nhà một ngày, một xe hủ tiếu bán dạo buổi tối, vợ chồng con cái cũng có cuộc sống ung dung…
Bản tính của đa số dân Nam Bộ là xài tới đâu làm tới đó, nên cộng đồng dân ghế bố hòa thuận, rảnh rang, không có cảnh bon chen, tất bật, và quan trọng hơn họ có ý thức phố phường, không phương hại đến văn minh đô thị, nên cũng được dân “bản xứ” chia sẻ, cưu mang.
Sang thế kỷ 21, trái ngược với những đại lộ đèn đuốc rực rỡ là những phố gầm cầu trong mịt mùng bóng đêm Sài Gòn, nơi qua đêm của những kẻ tha phương cầu thực, sau một ngày lang thang vất vưởng, tối dạt về ẩn náu. Gầm cầu Bình Triệu, Quang Trung, An Sương…từ lâu đã là nơi gặp gỡ của xì ke ma túy, gái bán dâm rẻ tiền, bọn họ chỉ mong đêm dài mãi, dài mãi…
Khi sao trời đứng bóng, phố đêm Sài Gòn như gái bén hơi trai. Đứng trên cầu Phú Mỹ hay tháp búp sen Bitexco, trái tim dù đã ngục tù, tuổi tác cỡ nào cũng phải liếc ngang liếc dọc. Ngắm Sài Gòn ban ngày không mãn nhãn bằng ban đêm. Cũng như hình hài con người, vạn vật đều có tì vết, nếu phơi ra hết, nếu mắt mũi no xôi chán chè, không còn gì để tưởng tượng, khám phá, thú vị sẽ giảm đi một nửa. Bóng đêm, trăng sao, ánh sáng điện cùng với gió và nước, phủ lên Sài Gòn như chiếc áo choàng bằng voan ngũ sắc, được dệt chỗ dày chỗ mỏng. Chỗ mỏng, dễ nhìn, làm ta chếnh choáng tương tư. Chỗ dày, không rõ, khiến ta lăn tăn, rấm rứt!
Du lịch, GO! - Theo Ngô Quốc Túy (báo Vietnamnet), ảnh internet
Phượt đêm, ăn đêm, làm đêm, chợ đêm…, từ lâu đã trở thành, nhu cầu, thói quen, sở thích, duyên nợ của du khách và một bộ phận không nhỏ dân cư Sài Gòn.
Đêm du ca
Khoảng từ 21 giờ, khi mà lưu lượng xe và người vơi dần đi, thì những đại lộ lớn ở Sài Gòn như Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phan Đăng Lưu...
... trở thành những con sông gió thổi từ hướng Tây Nam về hướng Đông Bắc, ngược dòng với những con sông nước Vàm Cỏ Đông, Sài Gòn, Bến Nghé, Soài Rạp…, chảy từ hướng Đông Bắc về hướng Tây Nam.
Cầu Phú Mỹ, cầu Thủ Thiêm, cầu Bình Phước, cầu Khánh Hội và mấy chục cây cầu khác bắc qua sông Sài Gòn, kênh Nhiêu Lộc, kênh Tàu Hủ, kênh Đôi… như những cây đàn của gió và nước tự ngân lên, hòa ca giai điệu của đêm, làm cho hầu hết những thành phố lớn trên thế giới, lúc mặt trời ngủ say, phải ghen tị. Cùng với gió và nước, từ hàng trăm năm trước, đêm đến, những nghệ sỹ đường phố trong các nhóm hát rong, ban nhạc tài tử lại du ca, rong ruổi trên hè phố, quán bar, công viên.
Lề thói ấy đến đầu thế kỷ 21 này vẫn còn sót lại đâu đó như muốn níu kéo, như không nỡ đứt đoạn với vẻ đẹp của những dạ khúc dân dã Sài Gòn lúc trời khuya. Mười một năm nay, bên bờ Thị Nghè, đêm nào cũng thấy người đàn ông ngót 40 đàn hát, đó là nghệ sỹ Nguyễn Phụng Phương, còn được gọi là “Phương Mù”. Anh thường ca những bản nhạc tiền chiến, đồng quê. Từng ngón đàn và ca từ của anh cứ trôi nổi bồng bềnh, heo hút trên nền ánh sáng lạnh tanh của đèn led, âm thanh nhừa nhựa của rượu bia hắt ra từ những nhà hàng, quán nhậu.
Cũng thời khắc ấy, ở công viên 30-4, Lê Văn Tám, Lê Thị Riêng…các bạn trẻ sinh viên gom thành từng nhóm, ghi ta bập bùng cho những bản tình ca mới, nghiệp dư nhưng trong trẻo, hồn nhiên, thanh thoát, bổng trầm, trốn tìm, nép dưới lùm cây, tán lá.
Khoảng mươi năm trở lại đây, góp mặt vào trào lưu du ca trẻ là các nhóm “ca sĩ kẹo kéo” (hát miễn phí để bán kẹo kéo). Những nhóm “ca sĩ kẹo kéo” này cơ động ngay sau khi hoàng hôn buông xuống, bằng xe gắn máy, tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẻm các quận Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh…
Những “gánh hát rong” của các “ca sĩ kẹo kéo” gọn nhẹ, di chuyển linh hoạt, tiếp cận trực tiếp quán nhậu với loa thùng công suất khủng và thanh quản siêu bền liên khúc hết bài này qua bài khác. Hát rong để bán kẹo kéo cũng may rủi như cá cắn câu, có khi bỏng cổ rát họng mà chẳng được đồng nào đành xách giỏ, mắc mồi, thả cần nơi khác.
Nhóm du ca trung lưu già nghiệp dư nhưng vẫn non thương hiệu, trong lúc còn phải bổ túc túi tiền để đủ đô chi phí PR, chờ phát hành album, đành chấp nhận chạy sô phòng trà, đám cưới, tiệc sinh nhật…, xe tay ga, đồ hàng hiệu lướt đêm trên từng tụ điểm. Lực lượng du ca này khá đông đảo và còn trẻ. Chỉ tính riêng hệ thống nhà hàng tiệc cưới Đông Phương, phố cưới Hoàng Việt, Lý Thái Tổ, Hoàng Văn Thụ mỗi đêm đã hút hàng trăm mối diễn. Nhưng catse cho một sô tiệc cưới so với sân khấu Lan Anh, nhà hát Hòa Bình, nhà hát thành phố…, bèo lắm, mà cũng chỉ đắt sô trong những đêm thanh long hoàng đạo, bài nào khách nghe đắc chí thì được boa mấy bông hồng và tràng vỗ tay, vì những chỗ tiệc tùng thường người ta chỉ quan tâm đến mồi nhậu và bia bọt. Nghề du ca kiếm cơm đêm Sài Gòn là thế.
Đêm đời chợ
Đêm Sài Gòn còn là đêm của chợ. Chợ đêm Sài Gòn thường là các chợ đầu mối, hàng hóa chủ yếu là hàng tươi sống như hoa, rau, củ, quả, thủy sản, các loại thịt heo, bò, gia cầm…, được bán theo giá sỉ, chừa ra phần chênh lệch cho hàng vạn tiểu thương chợ ngày bán lẻ đến người tiêu dùng .
Lớn nhất là các chợ đầu mối Thủ Đức, Tân Xuân, Bình Điền và hàng chục chợ đêm hạng trung khác ngay trong nội thành như chợ cá Cầu Ông Lãnh-quận 1, chợ Cua đường Cách Mạng Tháng Tám-quận 3, chợ hoa đường Nguyễn Thị Nhỏ-quận 10, chợ trái cây đường Trang Tử-quận 5…
Chợ đêm Sài Gòn là một thế giới riêng biệt, chỉ dành riêng cho những người mua bán chuyên nghiệp, am tường luật chơi, mối mang có sẵn. Ở đó bầu trời thuộc về đêm nhưng mặt đất lại như ban ngày, ban ngày của ánh sáng điện và những đôi mắt sáo, ráo hoảnh tỉnh bơ như đang giữa thanh thiên bạch nhật. Phải tỉnh như ban ngày mới mong rõ mặt đồng tiền ban đêm mà bán mua, lời lãi. Chợ đêm cũng đủ các dịch vụ sinh hoạt ăn, uống, ngủ qua đêm, tắm giặt…, giá cả phải chăng vì toàn khách quen, không thể chặt chém như bến tàu, bến xe.
Giá 1 võng qua đêm 15.000đ, 1 ly cà phê đá 8.000, 1 hộp cơm tấm 15.000đ, một lượt vào nhà vệ sinh 1.000đ, một “dù tàu nhanh” 50.000đ… Cộng lại, phí sống cho 24 giờ không quá đắt đỏ, nếu chăm chỉ và chịu đựng, nếu không bị bọn nghiện nghập, lưu manh sờ đến, nhóm cùng đinh trong các chợ đêm Sài Gòn cũng đủ sống qua ngày.
Khác với miền Trung, miền Bắc, dân Nam Bộ nói chung và dân Sài Gòn nói riêng, thường tiệc tùng, ăn nhậu về đêm. Vũ trường, restaurant, quán bar là của các thiếu gia, đại gia. Quán cóc, vỉa hè là của giới lao động bình dân. Hàng trăm đường phố với hàng ngàn tụ điểm ăn nhậu ở Sài Gòn đêm đêm sáng đèn. Lộc ai tài người ấy. Xị đế mười nghìn cũng say xỉn thua gì rượu tây tiền triệu. Có những tên phố đã được ẩm thực hóa như : Thịt chó Cống Quỳnh, gỏi vịt Thanh Đa, lẩu dê Lê Văn Sỹ…Gần đây, đang nở rộ các quán ốc đêm, gà ta, miến lươn, thịt thỏ, nhưng chưa định hình thị phần, thâm niên để hội đủ điều kiện biệt danh thành phố.
Sài Gòn còn có những phố đêm ẩm thực nổi tiếng thế giới, là địa chỉ quen thuộc của du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ như Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Hoàng Hoa Thám, Lê Thị Hồng Gấm... Xen lẫn những nhà hàng, khách sạn, hộp đêm sang trọng xa hoa còn có những quán ăn rất bình dị, tuổi đời hàng trăm năm, chủ nhân mấy đời thừa kế, không cần quảng cáo tiếp thị mà khách vẫn nượp ra vào. Quán cơm bà Cả Đọi đường Nguyễn Huệ, quán chè trạm biến áp quận 5, quán bánh ướt Lý Tử Trọng, quán Phở Ta quận 3…, đến một lần đã nhớ.
Trước 1975, phố đêm Sài Gòn còn có sự góp mặt của dân ghế bố. Những phố có vỉa hè rộng, sạch sẽ, nhiều cổ thụ là chỗ qua đêm của dân ghế bố. Đó là những người lao động ngụ cư làm nghề đạp xích lô, bốc vác, bán báo... Khi những chủ nhà mặt tiền đã tắt đèn, đóng cửa, người ngụ cư rủ nhau từng nhóm, mỗi người một chiếc ghế bố, một mảnh chăn mỏng là một giấc tới bình minh.
Thời ấy, dân ghế bố ngủ qua đêm trên vỉa hè là nét đời thường của Sài Gòn vì thành phố còn thoáng đãng, ít tệ nạn xã hội, hầu như không có cảnh cướp giật, xin đểu người qua đường. Thời ấy, dân ghế bố làm ăn cũng dễ dàng, chẳng hạn vài cuốc xích lô đã đủ ăn cho cả nhà một ngày, một xe hủ tiếu bán dạo buổi tối, vợ chồng con cái cũng có cuộc sống ung dung…
Bản tính của đa số dân Nam Bộ là xài tới đâu làm tới đó, nên cộng đồng dân ghế bố hòa thuận, rảnh rang, không có cảnh bon chen, tất bật, và quan trọng hơn họ có ý thức phố phường, không phương hại đến văn minh đô thị, nên cũng được dân “bản xứ” chia sẻ, cưu mang.
Sang thế kỷ 21, trái ngược với những đại lộ đèn đuốc rực rỡ là những phố gầm cầu trong mịt mùng bóng đêm Sài Gòn, nơi qua đêm của những kẻ tha phương cầu thực, sau một ngày lang thang vất vưởng, tối dạt về ẩn náu. Gầm cầu Bình Triệu, Quang Trung, An Sương…từ lâu đã là nơi gặp gỡ của xì ke ma túy, gái bán dâm rẻ tiền, bọn họ chỉ mong đêm dài mãi, dài mãi…
Khi sao trời đứng bóng, phố đêm Sài Gòn như gái bén hơi trai. Đứng trên cầu Phú Mỹ hay tháp búp sen Bitexco, trái tim dù đã ngục tù, tuổi tác cỡ nào cũng phải liếc ngang liếc dọc. Ngắm Sài Gòn ban ngày không mãn nhãn bằng ban đêm. Cũng như hình hài con người, vạn vật đều có tì vết, nếu phơi ra hết, nếu mắt mũi no xôi chán chè, không còn gì để tưởng tượng, khám phá, thú vị sẽ giảm đi một nửa. Bóng đêm, trăng sao, ánh sáng điện cùng với gió và nước, phủ lên Sài Gòn như chiếc áo choàng bằng voan ngũ sắc, được dệt chỗ dày chỗ mỏng. Chỗ mỏng, dễ nhìn, làm ta chếnh choáng tương tư. Chỗ dày, không rõ, khiến ta lăn tăn, rấm rứt!
Du lịch, GO! - Theo Ngô Quốc Túy (báo Vietnamnet), ảnh internet