Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 19 March 2013

Sau những giờ du ngoạn bằng thuyền trên biển, thưởng thức không gian của đại dương mênh mông, cảm giác của du khách sẽ thật hồi hộp xen lẫn thú vị khi chuẩn bị đặt chân đến đảo Nồm, hòn đảo được mệnh danh là thiên đường của loài chim Yến.

< Toàn cảnh Đảo Yến (Đảo Nồm) nhìn từ trên thuyền.

Đảo Nồm, ngư dân địa phương vẫn thường gọi là đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) có diện tích khoảng 10 ha, khung cảnh trên đảo còn khá hoang sơ. Hòn đảo cũng chính là hai quả đồi dựa lưng vào nhau, trên đảo chủ yếu là cây muồng, một loại cây bụi có quả chùm mọc trên đất khô cằn.

< Đảo Yến có diện tích chừng 10 ha, nằm sát chân đèo Ngang, cạnh cảng Hòn La.

Mặt nhìn vào đất liền của Đảo Yến là những bãi cát chạy dài, và một triền cây thấp, lá hẹp, mặt hướng ra đại dương có nhiều bãi đá hùng vĩ, được sóng biển tạo nên nhiều hình thù khác nhau.

< Người của Công ty Yến sào Khánh Hòa là những "công dân" duy nhất trên đảo.

Đảo Yến là hòn đảo gần nhất, trong quần thể các hòn đảo khác như Hòn Gió (còn gọi là Hòn Giò, hay Hòn Dò vì nhiều cách lý giải dân gian khác nhau), Hòn Nồm, Đảo Chim…

< Mặt nhìn vào đất liền của Đảo Yến là những bãi cát chạy dài.

Từ đảo Yến trong ra xa có thể thấy được đảo Hòn La và đảo Gió, ba hòn đảo tạo thành 3 đỉnh của một hình tam giác, cảnh đẹp như trong cổ tích. Tuy không có sự đa dạng của động, thực vật, nhưng nơi đây có sự hiện diện của đàn chim Yến đông đúc cư ngụ và làm tổ. Vì thế, đảo có tên là đảo Yến với chủ ý đây chính là thiên đường của loài chim này.

< Mặt hướng ra đại dương có nhiều bãi đá hùng vĩ, được sóng biển tạo nên hình hài.

< Một trong những bãi đá hiểm trở nhưng thật đẹp.

Để giữ lại vẻ đẹp của Đảo Nồm cũng như sự sinh trưởng của đàn chim Yến, được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Bình, Công Ty Yến Sào Khánh Hòa đã phối hợp với nhân dân địa phương thành lập tổ bảo vệ đảo Nồm. Sự tồn tại của đàn chim Yến đã góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái và cảnh quan trên đảo, đồng thời sẽ mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ trong tương lai.

< Các bãi đá tạo thành những hình hài gai góc nhìn ra biển Đông.

< Các hang, vách đá đã từng là nơi cư trú của loài chim yến.

Với nhiều lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ và nguồn lợi về kinh tế, trong thời gian tới, nếu nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng hướng của các cấp, chính quyền địa phương, Đảo Yến hứa hẹn sẽ là một điểm đến khá thú vị cho du khách gần xa muốn thưởng ngoạn và khám phá nét thú vị trên những hòn ngọc giữa biển khơi.

< Từ Đảo Yến nhìn ra đảo Hòn La kề cận.

Từ Vũng Chùa - xã Quảng Đông, nơi gần nhất ở đất liền, chỉ cần hơn 20 phút du thuyền quý vị sẽ đặt chân lên hòn đảo thơ mộng, đắm mình trong làn nước mát rượi, trong vắt, men theo bờ đá để nhặt những con ốc ngộ nghĩnh, đặc biệt là tận mắt nhìn thấy từng đàn chim Yến ríu rít đua nhau chao lượn ngay trên đỉnh đầu, một cảnh sắc ấn tượng và rất khó quên.

Đảo Chim - Điểm du lịch hấp dẫn bị bỏ quên

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Quảng Bình TV, Tin nhanh Quảng Bình

Monday, 18 March 2013

Giữa vùng núi đá tai mèo Hà Giang mọc lên một ngôi nhà bằng đất cao hai tầng. Dinh cơ này đã làm nền cho phim nhựa “Chuyện của Pao” do đạo diễn Quang Hải thực hiện, đoạt giải Cánh diều Vàng từ năm 2006.

Ngôi nhà đó là của ông Mua Súa Páo ở xã biên giới Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang). Ông Páo từng giữ chức Trung đội trưởng Đội quân của vua Mèo thời trước Cách mạng tháng tám 1945. Do võ nghệ hơn người, lại có sức khỏe phi thường, có thể một mình tay không đánh thắng hổ, ông Páo được vua Mèo tin tưởng giao chức vụ cao nhất trong đội quân tháp tùng.

Có tiền, ông Páo thuê thợ giỏi nhất về xây dựng ngôi nhà trong mấy năm ròng. Tòa nhà trình tường vững chãi 2 tầng với 3 dãy nhà ghép thành hình chữ U để lộ phần sân nhỏ lát đá tảng được đánh bóng cẩn thận. Bây giờ ở bản Lũng Cẩm Trên chỉ còn ông Mua Vản Sấu là còn nhớ được chuyện nhà ông Páo. Ông Sấu bảo: “Ngôi nhà của ông Páo thuộc loại đẹp nhất không đâu sánh được”.

Leo lên một ngọn núi cao phía sau ngôi nhà nhìn xuống sẽ thấy giữa những làn sóng đá vôi xám ngoét, đen kịt dưới thung lũng, bên kia là Trung Quốc, bên này là nhà cổ vững chãi như cột mốc trấn giữ vùng biên. Ngôi nhà trình tường cao hai tầng này được ví như là “điểm tựa” cho bà con dân tộc nơi đây, và là điểm đến không thể bỏ qua của những người ưa khám phá vùng núi đá Hà Giang.

Ngôi nhà cổ của ông Páo xếp vào hàng “tứ đại đồng đường”. Năm 1979 con trai ông Páo là Mua Súa Vừ qua đời, một năm sau thì ông Páo cũng về với tổ tiên. Anh Mua Phái Tủa đứng ra gánh vác việc gia đình và lấy chị Ly Thị Chúa làm vợ. Anh Tủa thì cứ đi biền biệt, làm thuê ở vùng biên. Anh làm đủ thứ nghề, từ bốc vác đến thồ hàng, ai thuê gì anh cũng làm để có tiền nuôi vợ con.

Nhà giữa cùng sân với anh Tủa là nơi ở của ông Mua Sín Già. Căn nhà được soi sáng bởi ánh lửa trong bếp ở gian bên cạnh. Ông Già thấy nhà có khách thì cười ha hả lôi chum rượu ra mời. Ông bảo: “Tao có 2 vợ cùng sống chung một nhà, vui lắm. Ở Sủng Là không ai được như tao”.

Theo quan hệ gia tộc, ông Già là cháu gọi ông Páo là bác ruột. Ông Già lấy vợ đã lâu nhưng không có con. Mấy năm vừa rồi, bà vợ cả đã đi tìm vợ hai cho chồng. Bây giờ, con cái đã đề huề, ông Già chỉ còn mỗi việc trông nhà và uống rượu để hai bà vợ lên nương trồng ngô, làm sắn.

Ông Vàng Mý Tính, trưởng bản Lũng Cẩm Trên cho hay, ngôi nhà cổ của ông Páo là tài sản quý nhất của bản. Khách du lịch dưới xuôi lên, người Tây cũng đến ngắm nghía suốt ngày, nhưng không ai dám vào bên trong vì sợ phong tục, sợ bóng tối, sợ ngôi nhà bị sập, vì xuống cấp quá rồi.

Đứng ngay cạnh bờ rào được xếp bằng đá núi tai mèo bên cổng vào, ông Mai Bá Nin, Phó chủ tịch UBND xã Sủng Là bảo, xã này đang được chọn làm xã điểm để xây dựng nông thôn mới của huyện Đồng Văn, ngôi nhà cổ của ông Páo cũng sẽ được đầu tư, tôn tạo và nâng cấp để kết hợp làm làng văn hóa du lịch các dân tộc.

“Nhà trình tường nói chung là một nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc vùng cao. Nhà người Mông ở Sùng Là dù to hay nhỏ, dù mới hoặc truyền thống đều được xây 2 cửa, một chính và một phụ. Nhà cổ của ông Páo cũng thế, đó không chỉ là thể hiện kiến trúc của người Mông mà còn mang giá trị tư tưởng, là chỗ dựa văn hóa của bà con dân tộc”, ông Mai Bá Nin nói.

Du lịch, GO! - Theo Theo An Ninh Thủ Đô + internet
Nhà văn Chu Văn từng bảo rằng nghề làm phở phát tích từ thôn Rao Cù huyện Nam Trực của tỉnh Nam Định; hỏi các ông chủ tiệm phở ở Sài Gòn ở cả Vientian (Lào)… thì y như rằng cứ mười ông có chín ông gốc quê Nam Định!

Bây giờ thì khắp các nơi, Hà Nội, Hải Phòng… đâu đâu cũng nhan nhản những biển hàng “Phở gia truyền Nam Định”. Nhưng Nam Định có thật là quê hương của phở không thì lại là chuyện khác.
Dân nghiện phở ở Nam Định than phiền là phở Hà Nội không ra gì. Còn người Hà Nội lỡ có một lần ăn phở ở bến ôtô hay nhà ga Nam Định thì mang ấn tượng xấu mãi.

Ở Nam Định có hai hàng phở cùng có tên là Đán. Một Đán gầy, một Đán béo. Lần đầu tiên đến cái hàng phở nằm ở bên ngách chợ Rồng, tôi lấy làm ngờ cái danh tiếng của ông Đán gầy này.

Có độc hai cái bàn dành cho khách, vài cái ghế, một cái bếp lò chỉ như những cái bếp lò vẫn sử dụng cho một gia đình, cái xoong đặt trên bếp cũng vậy. Hai ông bà già dáng chừng như cán bộ công nhân về hưu mới mở ra cái việc phục vụ ăn uống này để thêm tiền chi tiêu, lúc rờ cái thớt, lúc mó con dao, trông thấy cũng đủ sốt ruột.

Khách khứa chả có ai, chỉ có tôi và một anh bạn, thế mà từ lúc chúng tôi ngồi yên vị đến lúc có được một bát phở đặt trước mặt cũng phải mất đến mười lăm phút.

Những lần khác đến ăn, dù có năm bảy người khách ông cũng vẫn chỉ làm với tốc độ ấy thôi. Có khách đến mới thái bánh. Ông gỡ nhẹ tay từng tấm bánh một đặt xếp lên thớt, dao đưa cũng từng nhát một, nhát một, thái vừa đủ cho một bát hoặc đến hai bát là cùng. Xếp phở vào bát xong ông mới cầm đến miếng thịt treo trên móc.

Ông cho nó lên thớt, xoay mãi, ngắm mãi rồi mới hạ từng nhát dao. Thịt thái ra cũng chỉ vừa đủ cho từ một, hai bát. Những lát thịt mỏng, đúng thớ, đều tăm tắp lần lượt được xếp vào trong bát. Rồi rau thơm, rồi nước dùng, rồi đưa tới khách ăn.

Trong lòng bát men sứ trắng như lòng trắng trứng, những sợi phở trắng mềm như lụa, nước trong vắt, nếm thấy ngọt khắp khoang miệng, vài lát thịt nổi vân lên như thớ gỗ nằm hờ hững như một kẻ sĩ thời Đông Chu. Rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh, khách ăn cho thêm một hai lát ớt tươi đỏ thắm vào nữa…

Ăn phở phải ăn với chanh tươi, ớt tươi. Bên trong bát phở là một sự tập hợp hài hòa các màu nguyên, vị nguyên – bất cứ một thứ gì trong đó bị ngả màu là làm hỏng vẻ đẹp, cái ngon của bát phở.

---------

Nam Định từ lâu đã nổi tiếng với “ngón” phở bò gia truyền và trở nên quen thuộc với mọi người không chỉ trên quê hương Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài. Phở Nam Định có nguồn gốc, xuất xứ và đặc trưng riêng không thể lẫn với phở của vùng khác.

Vào những năm 1955-1956, người dân ở làng Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực (cách TP Nam Định 14km) đã có phở gánh hay phở xe tới những phố phường của Hà Nội và chiếm được lòng tin của khách hàng. Phở bò Nam Định có nguồn gốc từ mảnh đất họ Cồ, làng Giao Cù với kinh nghiệm làm bánh phở lâu năm.

Phở bò Nam Định cũng giống vùng khác gồm bánh phở, thịt bò, nước phở và một số gia vị nhưng đặc biệt ở chỗ bánh phở Cồ sợi nhỏ ngon, mềm không khô cứng và nồng như ở nơi khác. Bánh phở Giao Cù được làm từ gạo chiêm của vụ trước để hết nhựa mới đem nghiền bằng cối xay đá rồi tráng mỏng trên nồi nước quạt than củi nên trắng, dai và thơm nục. Thịt bò được thái mỏng đập dập, nhúng và vớt ra ngay ăn mềm vẫn giữ được độ tươi ngon và chất dinh dưỡng của thịt. Có người nói “nước trong, bánh dẻo, thịt mềm…ắt là phở ngon”.

Công đoạn pha chế nước dùng của phở Nam Định là quan trọng nhất, đó là bí quyết gia truyền của những người thợ làm phở. Nước phở được ninh từ xương ống của bò cùng một số gia vị như thảo quả, gừng, hoa hồi, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế, hành khô, tôm nõn, sá sùng…

Xương rửa sạch, cạo hết thịt bám vào xương cho vào nồi đun với nước lạnh. Nước đầu tiên đổ đi để khỏi bị nhiễm mùi hôi của xương bò vào nước dùng, nước lần sau mới làm nước dùng cho thêm gừng và hành củ nướng vào. Để lửa lớn cho nước sôi sau đó giảm bớt lửa vớt bọt cho thêm ít nước lạnh đun sôi rồi vớt bọt cho đến khi nào nước trong và không còn bọt nữa, cho ít gia vị và điều chỉnh lửa để nước sôi lăn tăn không bị đục và có vị ngọt của xương. Nước dùng ngon là do các loại gia vị theo bí quyết “gia truyền” của dòng họ Cồ.

Trong lòng bát men sứ trắng tinh những sợi phở trắng mềm như lụa cùng vài miếng thịt bò thái mỏng, nhúng thêm cọng hành lá và ít rau thơm thái nhỏ, vài cánh mùi xanh mướt mỏng manh chan chút nước dùng trong vắt là du khách có thể thưởng thức ngay món phở “gia truyền” mà chỉ ở Thành Nam mới có hương vị ngon ngọt của xương ấy. Du khách có thể thưởng thức phở bò tại những quán nổi tiếng ngon trên đất Thành Nam như phở Đán ở phố Hai Bà Trưng và phở Quảng Nguyên ở phố Hàng Thao – TP Nam Định…

Du lịch, GO! - Theo Doanh nhân SG cuối tuần, Dulichnamdinh + internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống