Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 25 March 2013

Ngày 29/3, cầu Rồng cùng 2 cây câu khác sẽ thông xe đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng. Cầu Rồng là cây cầu có kết cấu nhịp thép hình dáng một con rồng dài 568m, nặng gần 9.000 tấn; độc đáo nhất từ trước đến nay, trong đó, phần thân rồng dài 530m, nặng 8.405,1 tấn.

Đây là cầu thứ 6 bắc qua sông Hàn với chiều dài khoảng 666m, nhịp chính dài 200m, rộng 37,5m và có 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Cùng với cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu đường Nguyễn Tri Phương nối dài cũng được khánh thành dịp này.

< Đầu rồng quay ra biển, cầu được thiết kế vượt qua đường Trần Hưng Đạo để nối trung tâm thành phố với các khu du lịch ven biển Đông. Theo kế hoạch, rồng sắt sẽ phun nước vào ban ngày, phun lửa vào ban đêm dịp cuối tuần và lễ hội.

< Mặt đường đang được trải nhựa bằng công nghệ hiện đại.

Cầu có kiến trúc độc đáo, với mô hình rồng thép dài 560 mét đăng ký kỷ lục Guinness. Cầu Rồng có kiến trúc độc đáo nhưng việc thi công chậm hơn so với dự kiến vì đòi hỏi kỹ thuật khó, tỷ mỉ.

< Những chiếc vảy lớn được gắn trên thân tạo thêm vẻ uyển chuyển cho rồng.

Liên quan kỷ lục thế giới dịp kỷ niệm ngày giải phóng Đà Nẵng, lãnh đạo tập đoàn Sun Group cho hay, tuyến cáp treo thứ 3 ở Khu du lịch Bà Nà Hills sẽ đi vào hoạt động ngày 29-3.

< Phía dưới đầu rồng được lát gạch đỏ còn khu vực thân nơi có các sợi cáp chịu lực được trải thép phủ sơn trắng.

Đây là tuyến cáp treo đạt 4 kỷ lục thế giới do tổ chức Guinness World Records công nhận…

< Vỉa hè dành cho người đi bộ rộng 2,5 mét được lát gạch và làm lan can kiên cố bằng thép tạo hình uốn lượn. Đường dẫn lên cầu dành cho người đi bộ được lắp kính an toàn.

Các kỷ lục của tuyến cáp mới được công nhận gồm: Cáp dài nhất thế giới với 5.771,61m; tuyến cáp có chênh lệch độ cao (trên 1 hành trình) lớn nhất thế giới với 1.368,93m; tuyến cáp có tổng chiều dài cáp dài nhất trong tất cả loại hình cáp treo hiện có trên thế giới, với 11.587m; và tuyến cáp nặng nhất thế giới với trọng lượng 141,24 tấn.

< Mỗi chiều đường trên cầu Rồng sẽ có 3 làn xe chạy. Tĩnh không thông thuyền 7 mét, đảm bảo cho tàu thuyền của ngư dân có thể qua cầu.


Các công nhân hoàn thiện những phần việc cuối cùng để phục vụ ngày khánh thành.
Sau hơn 3 năm thi công, dự kiến cây cầu dài hơn 660 mét, được đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng sẽ khánh thành ngày 29/3, dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng Đà Nẵng.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ VnExpress, Tiền Phong

Sunday, 24 March 2013

Xe lam bắt nguồn từ tên gọi của dòng sản phẩm Lambretta của Italia, là một phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Việt Nam từ rất lâu, dành cho người lao động bình dân.

< Xe lam ở Sàigòn ngày xưa.

Đây là một loại xe khách hay xe chở hàng có cấu trúc tương tự như xe tuktuk , hiện vẫn là phương tiện giao thông phổ biến tại một số nước trên thế giới như Sudan, Bangladesh, Ấn Độ, Thái Lan...
Xe lam là loại xe thùng nhỏ có 3 bánh xe, gồm một cabin cho tài xế ngồi lái phía trước và một thùng xe để chở khách hay chở hàng phía sau.

Tên gọi này có nguồn gốc từ các dòng xe 3 bánh Lambretta FD (dung tích xy lanh 123 và 150 cc), FLI (175 cc) và sau đó là Lambro 200, 550 (đều 198 cc) của hãng Innocenti, Italy. Các dòng xe này lần lượt được nhập vào miền Nam Việt Nam từ đầu thập niên 1960 để thay thế xe ngựa thồ vẫn còn được lưu hành vào khoảng thời gian đó.

Các xe này được nhập ở dạng không đóng thùng, và tuỳ công năng chở người hay chở hàng sẽ được đóng thùng sau khi nhập. Bên cạnh đó, một số xe có kiểu dáng tương tự nhưng của các hãng khác (như Vespa...), ít gặp hơn, cũng được gọi là xe lam. Trong số gần 35.000 chiếc Lambro 550 xuất xưởng thì có 17.000 chiếc được xuất sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Giá một chiếc xe lam vào thập niên 60 khoảng 30 cây vàng nhưng đem lại nhiều lợi nhuận cho người chủ xe (theo lời 1 chủ xe: "Chạy một ngày, ăn cả tháng chưa hết"). Đặc biệt, sau khi thống nhất năm 1975, các phương tiện cơ giới khác bị thiếu xăng hoặc thiếu phụ tùng thay thế không sử dụng được, thì xe lam được dùng làm phương tiện phổ biến rẻ tiền và bước vào thời vàng son.

Lúc đó, chỉ riêng thị xã Biên Hòa, có 6 hợp tác xã xe lam với khoảng 1.000 đầu xe đăng ký chở khách chính thức, với hàng triệu lượt khách mỗi năm, vì vậy mà có thời Biên Hòa được ví như là "thủ phủ xe lam". Sau này, xe được đem ra và phổ biến cả ở miền Bắc Việt Nam, cho đến thế kỷ 21.

Tại Việt Nam, từ năm 2004, sau khi Nghị định 23/2004/NĐ-CP ban hành (Nghị định quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại ô tô tải và ô tô chở người tham gia giao thông trên hệ thống đường bộ), xe lam bị hạn chế và từ từ bị cấm hẳn. Xe lam cũng được nói đến trong âm nhạc, như bài Chuyến xe lam chiều của Vinh Sử, có câu:

... Trên chuyến xe lam đông người chiều nay
Nghe từng cô đơn nỗi niềm chua cay
Còn đâu một chuyến xe lam
Ngày nao mộng ước vô vàn
Nay kỷ niệm em một mình mang

Du lịch, GO! - Theo VOVGT/Autonet
Chùa Diệu Giác (Diệu Giác tự), tên dân gian là chùa Phú Lộc, toạ lạc tại thôn Phú Lộc, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi hơn 20 km về phía bắc, áp sát phía tây Quốc lộ 1. Đây là một trong những ngôi cổ tự được xây dựng sớm nhất và có vai trò đáng kể trong lịch sử hoằng dương Phật giáo ở Quảng Ngãi.

Buổi ban đầu chùa có tên là Viên Tông tự, được chúa Nguyễn Phúc Khoát ban biển ngạch Sắc tứ vào ngày mùng 8 tháng 6 năm Giáp Tuất- 1754, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 15, triều vua Lê Hiển Tông. Năm Thiệu Trị nguyên niên (Tân Sửu- 1841) chùa đổi tên là Diệu Giác tự vì kỵ huý tên nhà vua -Nguyễn Phúc Miên Tông.

Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép:


< Cổng Tam quan chùa Sắc Tứ Diệu Giác.

“Chùa Diệu Giác ở huyện Bình Sơn, chùa dựng trên gò cao, trước mặt trông ra hồ lớn nhỏ. Hồi đầu bản triều có sắc cho tên là Viên Tông, quy mô rộng rãi, sau trải qua loạn lạc, chùa bị tàn phá, đến lúc đại định, các tăng đồ mới tu bổ lại. Từ đấy đèn hương rất thịnh. Năm Thiệu Trị thứ nhứt (1841) đổi tên là chùa Diệu Giác, năm thứ 5 người địa phương trùng tu, nhà cửa sạch sẽ rộng rãi, giới luật trang nghiêm, nhiều người đến lễ và xin thẻ”(1).


< Hoành phi Diệu Giác tự.

Hiện chưa tìm thấy tài liệu nào khả dĩ giúp dẫn viện đích xác năm dựng chùa. Có ý kiến dựa vào truyền thuyết dân gian cho rằng chùa được kiến tạo vào năm Bính Ngọ -1666 và gắn với câu chuyện Huyền Trân công chúa (con gái vua Trần Nhân Tông) trên đường vào kinh đô Chà Bàn của nước Chiêm Thành để làm vợ Chiêm vương Chế Mân (1306) có dừng chân lại nơi này.

Chuyện cũ đã lùi xa vào dĩ vãng, thật khó để truy nguyên sự thật, song hiện nay trong khuôn viên nhà chùa có một am nhỏ nằm chếch về phía nam chính điện thờ nàng công chúa nhà Trần số phận long đong, nhưng cũng là một bậc nữ nhi lá ngọc cành vàng dốc lòng vì nước.

< Long vị Thiền sư Phật Tuyết Tường Quang.

Một số văn bản chữ Hán đã được Hoà Thượng An Thắng phiên dịch ra Quốc ngữ (hiện do cư sỹ Tâm Nhạc Nguyễn Hồng Khanh lưu giữ) cho biết, từ năm 1841 (Thiệu Trị nguyên niên) đến năm 1848 (Tự Đức năm thứ 2) chùa Diệu Giác có 3 lần trùng tu Đại Hùng bửu điện, cải danh biển ngạch, đắp tượng, bồi tháp vào các năm 1841, 1845, 1848.

Từ đó cho đến nay (2012) nhà chùa lại trải qua 3 lần trùng tu vào các năm 1959 (bồi tháp), 1974 (sửa chữa lớn) và 2010 – 2012 (sửa chữa lớn, chỉnh trang khuôn viên và mở rộng quy mô các công trình tu tập).

Kiến trúc ngôi chùa hiện nay so với trước đã có nhiều thay đổi. Tuy vậy, sự tôn nghiêm, cổ kính trong nội viện và cảnh trí phong quang của một ngôi cổ tự vẫn là những nét đặc trưng mà Diệu Giác tự vẫn còn lưu giữ đến ngày nay.

Theo lời truyền lại, xưa kia chùa được xây dựng theo kiểu chữ Tam, có 2 tầng mái chồng diêm, bốn góc uốn cong gắn đầu phụng.

Năm Tự Đức thứ hai – 1848 xây thêm bảo tháp Quán thế âm ở sân chùa. Nội thất ngôi chùa khá uy nghi, gian chính điện có bức hoành phi sơn son dát đồng.

< Chuông đồng.

Do tác động khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết và bom đạn chiến tranh lại thêm tình trạng không có sư trụ trì trông coi trong một thời gian khá dài nên nhà chùa nhiều lần bị hư hại phải sửa chữa, trùng tu nhờ vào công sức chủ yếu của cư dân địa phương, trong đó có không ít trường hợp chỉ là cấp thời nhằm tránh cho các công trình khỏi sụp đổ.

Vì vậy, sự thay đổi vóc dáng ban đầu của ngôi chùa và tình trạng chắp vá, tạm bợ trong việc sửa chữa ở một vài đơn nguyên kiến trúc là khó tránh khỏi. Cũng vì hoàn cảnh như vậy mà kinh sách, khí vật của nhà chùa cũng bị suy suyển đáng kể.

Nhờ vào sự thành tâm của nhiều tăng ni, phật tử và dân chúng trong vùng nên sau bao nhiêu biến thiên, đến nay nhà chùa vẫn còn giữ được một số khí vật giá trị. Trong số đó, đáng chú ý là một khánh đồng, một tiểu hồng chung và một đại hồng chung đều có khắc 5 chữ Hán 'Sắc tứ Viên Tông Tự'.

< Am thờ Huyền Trân công chúa.

Trên thân đại hồng chung có dòng chữ Hán “Tuế tại Ất sửu niên, lục ngoạt, thập ngũ nhựt” (ngày rằm tháng 6 năm Ất Sửu). Vì đại hồng chung nầy do Hòa thượng Quảng Độ (1739 – 1811) chú tạo, nên Ất Sửu ở đây, theo tây lịch chính là năm 1885 (PL 2.399), niên hiệu Gia Long thứ 4.
Chùa hiện nay có kiến trúc tổng thể hình chữ 'khẩu'. Từ tam quan đi vào chừng hơn 50 mét là Đại hùng bửu điện. Đây là ngôi nhà chính, khang trang, bề thế, với 4 cột ở trung tâm kết hợp cột gạch và vách ứng lực đỡ 2 vì kèo trụ chồng chày cối, đầu lắp cánh dơi.

Qua bàn thờ niệm hương ở tiền đường là đến chánh điện. Tại đây, ở nơi cao nhất treo bức hoành phi có 3 chữ đại tự 'Diệu Giác tự'. Điện thờ Phật uy nghi, trên bậc cao là tượng Tam thế Phật, ở giữa là tượng Phật A di đà hào quang rạng rỡ phía sau đầu, bên trái của ngài là tượng Bồ tát Quán thế âm, bên phải là tượng Bồ tát Đại thế chí. Cả 3 pho tượng đều ở tư thế đứng.

< Tháp mộ Thiền Sư Chiêu Công.

Bên dưới, ở trung tâm là tượng Phật Thích ca mâu ni trong thế toạ thiền, tay phải cầm đoá sen giơ lên. Hàng dưới cùng có tượng Thích ca mâu ni lúc sơ sinh, gợi chuyện lúc ngài giáng sinh có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn ngài bước đi bảy bước, mỗi bước dưới chân nở một đoá sen, một tay của ngài chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất mà nói rằng: "Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn!” (Trên trời, dưới trời, duy chi có ta là quí hơn cả)(2).

Trung tâm hậu điện là bàn thờ thiết đặt long vị các tổ sư, trụ trì đã viên tịch, phía trên có tượng Đạt ma tổ sư. Cạnh đó, ở bậc thấp hơn là bàn thờ các Phật tử và những người quá vãng theo di nguyện hoặc được người thân gởi nương tựa cửa chùa.

Ngoài ra, trong nội điện còn có bàn thờ chư thiên bồ tát, hộ pháp cùng các vị nhân thần theo truyền thuyết đã giác ngộ Phật pháp. Phía sau gian nhà chính là nhà tổ, nhà khách và nhà trù nằm giăng ngang.

Trong khuôn viên chùa Diệu Giác, ngoài miếu thờ công chúa Huyền Trân, (thường gọi là công chúa Hồng Hoa), còn có 3 ngôi mộ tháp, xây bằng đá ong, gạch đất nung và tam hợp chất. Đây là nơi gìn giữ pháp thân của Viên Tông toạ chủ Chiêu công (trụ trì đời thứ 1), Giám viện Đỗ Đại sư (đời thứ 2) và Quảng Độ Nguyễn Hoà thượng (đời thứ 5).

< Pháp mộ thiền sư Phật Tuyết Tường Quang.

Hằng năm, ngoài những ngày lễ, vía theo nghi lễ chung của nhà Phật, chùa Diệu Giác lấy ngày viên tịch của Hoà thượng Quảng Độ (17 tháng 9 âm lịch) làm ngày hiệp kỵ các vị tổ sư, trụ trì và tăng chúng. Những năm gần đây, vào các dịp lễ trọng của Phật giáo và ngày hiệp kỵ, phật tử cùng khách thập phương về dự khá đông đúc, làm sống lại cảnh chùa thời hưng thịnh từng được Quốc sử quán nhà Nguyễn ghi nhận.

Một trong những đặc điểm trong lịch sử chùa Diệu Giác là các nhà sư trụ trì qua các đời thuộc nhiều thiền phái khác nhau (Thiên Đồng, Mộc Trần Đạo Mân, Thiệt Diệu Liễu Quán, Minh Châu Hương Hải, Minh Hải Pháp Bảo…) nhưng vẫn duy trì nghiêm ngặt giáo pháp, gìn giữ mối tương thân huynh đệ cùng tôn chỉ hoằng độ chúng sanh.

Mặc khác, đây cũng là ngôi chùa mà sự gắn bó với người dân quanh vùng rất sâu nặng, thể hiện qua việc nhiều lần lý hương làng Phú Lộc đứng đơn khấu trình triều đình xin trùng tu, tôn tạo; nội dung các câu đối gắn bó tên chùa và tên làng; một số công trình trùng tu còn văn bia ghi rõ công lao đóng góp của dân chúng.

Suốt thời gian khá dài không có sư trụ trì, việc hương khói thường nhật và các dịp lễ cùng việc gìn giữ ngôi chùa là do phật tử và dân cư quanh vùng đảm nhận. Điều này thêm một lần nữa cho thấy tín ngưỡng Phật giáo sâu nặng tư tưởng hoà đồng, khoan dung, gắn bó sâu đậm và trở thành một bộ phận hữu cơ của nền văn hoá Việt.

Chùa sắc tứ Diệu Giác đã được Bộ Văn hoá Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia, tại Quyết định số 06/QĐ-VH ngày 13/4/2000.

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí;  bản dịch Phạm Trọng Điềm; Nxb Thuận Hoá Huế; 1992; trang 441, 442.
(2) Chữ “ ngã” ở đây xin được hiểu là Phật tánh, chơn ngã, chơn tâm.

Du lịch, GO! - Theo Lê Hồng Khánh (báo Quảng Ngãi), Vinh Bổn, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống