Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 5 April 2013

Biết tôi mới ra Nha Trang, thằng bạn đã vội gọi “Đi chụp hình đèo Ô-mê-ga không?”. Vốn muốn biết thử đèo Ô-mê-ga như thế nào tôi liền đồng ý và chuẩn bị hành trang để lên đường.

Đèo Ô-mê-ga (Omega, còn gọi là đèo Hòn Giao, đèo Khánh Lê...) là một địa danh chưa được nhắc đến nhiều trong các cuốn guidebook của những công ty du lịch, với nhiều du khách đó là một cái tên rất đỗi lạ lẫm và ngay cả đối với người dân Nha Trang cũng vậy. Ô-mê-ga chỉ mới được biết đến trong thời gian gần đây kể từ khi con đường Khánh Lê- Lâm Đồng được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, thông thương cho người dân giữa hai tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng.

Nếu trước đây từ phía Khánh Hòa trở ra ngoài Bắc muốn đến được Đà Lạt thì phải chạy vào tận thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, từ đó theo Quốc Lộ 27 vượt qua đèo Ngoạn Mục mới đến được Đà Lạt. Nhưng từ khi con đường Khánh Lê-Lâm Đồng mở ra, khoảng cách đã được rút ngắn xuống rất nhiều.

Du khách chỉ cần đến ngã ba Thành của huyện Diên Khánh tỉnh Khánh Hòa, hỏi thăm đường lên Đà Lạt sẽ được người dân hướng dẫn nhiệt tình. Từ đấy, nếu chạy xe máy hoặc xe hơi chỉ mất trên dưới hai giờ đồng hồ là sẽ đến với thành phố mộng mơ. Con đường này được mở ra nhanh chóng thu hút được sự ham muốn khám phá của nhiều người, vì nó lạ lẫm. Bên cạnh đó lại là một con đường rất đẹp qua biết bao nhiêu là đồi núi. Trên suốt cả con đường, du khách sẽ dễ dàng nhận thấy sự chuyển đổi giữa một vùng đất miền duyên hải nắng nóng đến vùng đất cao nguyên sương mù lạnh lẽo. Nhất là vào những tháng gần Tết, đi trên con đường này sương mù phủ kín cả lối đi. Song, cũng vì con đường này được lập ra mà số lượng du khách đến với tỉnh Ninh Thuận bị giảm sút, hoặc du khách không còn thích thú đối với Ninh Thuận.

Từ khoảng xế chiều, chúng tôi đã chuẩn bị cho mình thức ăn, nước uống và đương nhiên là phải có máy chụp hình. Trên chiếc xe máy hiệu Bonus do bạn tôi chở, vượt qua dốc Đá Lửa và Sải Me để đến với Khánh Vĩnh, nơi cư ngụ của đông đảo người sắc tộc Raglai để tìm đến đèo Ô-mê-ga.

Khánh Vĩnh cùng với Khánh Sơn là hai huyện miền núi nghèo của tỉnh Khánh Hòa, nơi đây tập trung nhiều người Raglai. Ở họ không còn giữ lại được nhiều những tính đặc trưng của văn hóa miền núi. Xét trên nhiều phương diện về xã hội thì người Raglai đã và đang bị Kinh hóa. Việc Kinh hóa không phải diễn ra từ từ mà một cách nhanh chóng đến chóng mặt.

Người Raglai ở Khánh Vĩnh không còn cư trú trong những ngôi nhà sàn mà chuyển sang ở hẳn trong những ngôi nhà được làm bằng bê-tông do chính nhà nước tài trợ được xây dựng theo những khuôn mẫu y như nhau. Họ không còn uống rượu cần mà chuyển sang uống rượu gạo hoặc uống bia như người Kinh. Những cô sơn nữ, anh trai người Thượng* không còn mặc váy, đóng khố mà sử dụng những chiếc quần tây, quần hai ống như người miền xuôi. Song, cái mà người Raglai không để mất đi đó chính là sự nghèo nàn, khù khờ từ bao đời nay truyền lại. Những đôi mắt bé con trong sáng và hiền lành không đủ để che giấu một bầu trời u ám cho một tương lai bất định.

Từ Khánh Vĩnh, chúng tôi chỉ còn đi thêm khoảng 14km nữa là đến được đèo Ô-mê-ga. Trong cái gió lạnh được thổi lên từ phía biển của những ngày đầu đông, tôi cảm nhận được sự lạnh giá, hoang vắng tại một nơi mà đối với nhiều người trước đây gọi là rừng thiêng nước độc. Những con gió thổi vù vù xen qua hàng cây rậm rạp của một vùng rừng núi. Tôi bất chợt nổi da gà khi nghĩ về những điều ma quái mà trong những câu chuyện về Ma Hời, Óm-ma-lai mà ông ngoại kể cho tôi nghe trong những câu chuyện nói về những người Thượng.

Chúng tôi chọn tháp canh rừng của kiểm lâm để làm nơi ở tạm. Vì đó là lựa chọn tốt nhất mà chúng tôi có thể có được thay vì phải ngủ ở ngoài rừng vắng làm bạn với côn trùng, rắn rít cùng với muôn ngàn hiểm nguy có thể xảy đến. Ngôi tháp canh này được những người kiểm lâm dựng lên nhằm mục đích đề phòng những vụ đốt phá rừng làm nương rẫy của những người Thượng hoặc của những tên lâm tặc. Theo người bạn của tôi, công trình này chỉ xây dựng cho vui và để mấy chú kiểm lâm có thể kiếm chác được chút ít, chứ nó hoàn toàn bỏ không chẳng ai trông coi và chẳng sử dụng đúng mục đích bao giờ.

Sáng sớm, khi trời còn chưa rạng, chúng tôi đã lồm cồm bò dậy chuẩn bị máy để có thể ghi lại được những thời khắc chuyển đổi giữa bóng đêm và ban ngày. Trong những thời điểm ấy, mọi chuyển biến dường như rất nhanh, chỉ cần thiếu sự chú ý là chúng ta sẽ bỏ lỡ một tấm hình vừa ý.

Trong lúc tranh tối tranh sáng, cảnh vật xung quanh tĩnh mịch đến sợ hãi. Từng cơn gió lùa ào ào vào tháp canh làm tôi run lên từng hồi. Bên ngoài, những con côn trùng đua nhau cất lên những bài ca muôn thuở. Chỉ xa xa nơi phía biển, hừng đông đang dần dần nhú lên làm ửng hồng cho cả một khoảng chân trời.

Từ phía dưới chân đèo, một vài ngôi nhà của người Raglai đã lên đèn, bếp đã được nhen lửa để chuẩn bị cho bữa cơm sáng. Mọi hoạt động của một ngày của người Thượng miền núi dường như được chuẩn bị từ bếp lửa. Tôi mường tượng đâu đấy là tiếng chó sủa, tiếng khua xoong, nồi...những cái âm thanh lanh canh mà từ lâu lắm rồi trong một xã hội hiện đại đã không còn được nghe.

Gió dường như không ủng hộ chúng tôi trong một buổi sáng như thế này, mây không tụ lại mà chỉ thành những tảng mỏng bay là là qua những ngọn đồi ở phía dưới. Anh bạn tôi an ủi: “Để hôm nào biển ít gió, tụi mình lại lên để chụp hình bảo đảm sẽ đẹp hơn”. Tôi không thấy phiền hà gì, dù mây không tụ lại để cho tôi có thể có những tấm ảnh đẹp, thế nhưng tôi cũng đã có được những thời khắc quý giá mà chưa bao giờ được cảm nhận, hoặc gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm xa xưa. Đó không phải là quá quý giá ư?

Mặt trời lên, ánh nắng chan hòa của buổi sáng làm biến đổi cảnh vật. Tôi nhìn thấy ngôi làng xa xa dưới chân đèo, những làn khói bếp từ phía các ngôi nhà bay lên nặng nề trong một buổi sáng đầy sương lạnh. Ánh sáng làm cho cảnh vật trở nên rõ ràng, tươi tắn.

Lúc mặt trời lên cũng là khi chúng tôi lục đục dọn dẹp hành trang để trở về với thành phố biển, tạm rời xa xứ núi sương mù.
Trở về Nha Trang thôi, tôi bỗng thèm một ly café bên phố biển ồn ào náo nhiệt. Dường như tôi có duyên chụp những cô gái với chiếc áo Bikini khoe những đường cong tuyệt mỹ hơn là chụp đèo Ô-mê-ga trong mây mù. Tự nhủ lòng vậy nhưng vẫn còn hẹn với anh bạn tôi sẽ quay lại Ô-mê-ga trong một ngày trời không gió.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Tú (Báo Trẻ), internet
Người Raglai ở đất É Lâm gọi rượu cần là tà-pai. Như đồng bào các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, ngày thường chủ nhân của tiếng đàn Chapi hiếm khi uống rượu tà-pai. Người Raglai chỉ vít cần rượu những khi buôn làng có lễ hội, nhất là vào dịp cuối năm, khi lúa đầy bồ, khi núi rừng khoác màu xanh áo mới.

Người Raglai làm rượu cần rất công phu với nguyên liệu gồm nhiều loại rễ cây, lá rừng có vị thuốc. Cũng chính vì vậy mà rượu cần Raglai rất thơm ngon và bổ dưỡng, ai đó đã vít cần một lần hẳn sẽ mãi đắm say, ngây ngất!

Một lần đến É Lâm, tôi hết tỉnh lại say. Say không chỉ vì men rượu tà-pai đượm nồng mà còn vì tình đất tình người miền sơn cước!

1. É Lâm là tên gọi ngày trước của huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Thời Pháp, É Lâm được phân chia thành hai tổng É Lâm Thượng và É Lâm Hạ, trực thuộc quận An Phước. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp trên đất Ninh Thuận, trước sự hăng hái đồng lòng đuổi giặc của đông đảo bà con dân tộc thiểu số, để có mật danh cho chiến khu, cán bộ hoạt động vùng É Lâm đã đặt tên cho vùng đất sinh sống qua bao đời của đồng bào các dân tộc Cơ Ho, Chu Ru và đông đảo nhất là Raglai tên gọi… Bác Ái.

Nhắc đến É Lâm ngày trước và Bác Ái hôm nay, người ta thường liên tưởng đến những trận đánh huyền thoại của người Raglai chỉ với cung tên, giáo mác và những chiếc bẫy đá đã khiến hết quân Pháp rồi lại Mỹ hồn xiêu phách lạc. Mà tiêu biểu, đi vào lịch sử chống ngoại xâm kiên cường nhất vẫn là trận đánh của anh hùng Pi-năngtắc trên đỉnh núi Gia Rích vào năm 1961.

Vượt dặm trường xa, qua biết bao con suối, ngọn núi, chúng tôi tìm đến vùng đất É Lâm ngày nào không chỉ vì khâm phục tinh thần thép của tộc người Raglai kiên cường, mà còn vì ấn tượng trước sức sống quật khởi cùng kho tàng văn hóa đặc sắc của tộc người nơi đây, ấn tượng nhất vẫn là văn hóa uống rượu cần mà người bản xứ quen gọi… tà-pai.

Như rượu tà-pai của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh những nét chung như được ủ chế từ cây rừng, có mặt trong các lễ hội, lễ bỏ mả đến lễ cưới, đám tang, lúc được mùa…, rượu tà-pai của người Raglai ở É Lâm có nhiều điểm khác lạ. Lạ từ cách ủ rượu, những kiêng cữ trong quá trình làm men đến những quan niệm, những nghi thức trước khi vít cần rượu truyền tay nhau cái tinh túy của núi rừng ở vùng đất núi thật cao, sông thật sâu, và lòng người thì chân chất, hào sảng như sông như núi.

Chúng tôi ghé nhà bà Mấu Thị Bích Phanh (xã Phước Đại), nguyên Phó chủ tịch huyện Bác Ái và nghe bà kể nhiều điều kỳ thú về men rượu tà-pai. Bà Phanh sẻ chia rằng nếu ai đó uống rượu tà-pai vào ban ngày, vài ba người cùng vít cần rượu như thế không phải là người biết thưởng thức tà-pai, mà chỉ là kẻ thèm rượu.

Bà Phanh nói muốn uống tà-pai cho đúng bài đúng phép, cho cảm được tinh túy của hương núi hương rừng, cũng như cảm cả tình đất, tình người Raglai thì phải uống tà-pai vào đêm hội, khi giữa làng bập bùng ánh lửa, uống trong tiếng mã la thúc giục, uống cùng những chàng trai cô gái Raglai tràn đầy sức sống, uyển chuyển trong những điệu múa, điệu nhảy cổ truyền của tộc người. Phải uống tà-pai như thế mới gọi là uống!

2. Để làm nên những ché rượu tà-pai, các bà các chị người Raglai tâm sự là rất kỳ công. Và không phải ai ủ rượu tà-pai cũng ngon, cũng đậm hương vị. Các cụ già cho biết ngày trước và bây giờ cũng vậy, đàn ông Raglai chỉ cần vít cần rượu tà-pai là đủ biết tính tình của người ủ rượu, rằng người ấy có sâu sắc, có khéo tay, có tinh túy, có nồng nàn hay không. Nhưng nói là nói thế thôi, chứ phụ nữ Raglai nổi tiếng khéo tay hay làm, dệt váy đẹp mà ủ rượu cũng ngon hết biết.

Nghệ nhân Pinăng Thị Lêl ở xã Phước Trung (Bác Ái) bật mí rằng khách miền xuôi đến É Lâm khi được mời uống rượu tà-pai đều ngất ngây, đều tấm tắc khen ngon, khen cái hương vị ngòn ngọt, chua chua, cay cay, nồng nàn đến rất riêng, rất lạ. Tất cả là nhờ loại men ủ rượu được làm từ nhiều loại rễ cây rừng trộn với thành phần chủ đạo là ớt hiểm, ớt chỉ thiên, củ riềng, rễ cây pateh, rễ cây dong, rễ cây rawe…

Khi tạo được men rồi, các bà các chị Raglai thường ủ men với bắp, mì, bobo… "Phải bịt kín ché rượu, không để nó thoát hơi" - nghệ nhân Pinăng Thị Lêl nói rõ cách thức: "Khi ủ xong,  khoảng một tuần là men dậy. Lúc đó không được di chuyển ché rượu. Cũng không được để những thứ có vị chua bên cạnh ché. Để như vậy ché rượu sẽ không ngon, sẽ rất chua không thể uống được". Cũng theo nghệ nhân Pinăng Thị Lêl, nếu ủ không đủ ngày, ủ không đúng kỹ thuật thì rượu không ngon, khiến người uống rượu bị đau đầu…

Có một điều rất lạ mà các bà, các chị người Raglai đều thuộc lòng là trong quá trình làm men, tuyệt đối không được gõ nia phát ra tiếng ồn cũng như không được cãi nhau, không được gây sự, không được để lòng mình có những hờn ghen, thù hằn và phải tắm rửa sạch sẽ. Nếu bóng hồng nào đó vi phạm điều cấm kị này, làng sẽ phạt nặng.

Sau này qua tham khảo từ các già làng, mới biết quy định ấy có thâm ý sâu xa. Tổ tiên người Raglai quan niệm rượu tà-pai là rượu đại đồng, là rượu hội, rượu lễ, là thứ rượu kết nối, hàn gắn mọi người với nhau. Khi vít cần rượu tà-pai chuyền tay nhau, từ đây mọi người là anh em, là bạn bè, là lúc tình thâm giao, bằng hữu được thắt chặt. Nên đồng bào không chấp nhận thứ rượu thiêng rượu lễ ấy lại được làm ra từ con người hoen ố về thân xác lẫn tính cách.

Chỉ riêng quan niệm, suy nghĩ ấy thôi đủ để thấy rượu tà-pai của người Raglai đong đầy bề dày văn hóa thâm thúy và rất người. Đồng bào quan niệm như thế cốt lõi để tự răn mình, bởi chỉ khi con người ta sạch sẽ, tâm hồn khoáng đạt, cao thượng, vị tha thì men rượu mới tốt, ché rượu tà-pai mới thơm ngon đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của nó!

3. Rời Ninh Sơn, chúng tôi đến xã vùng cao Phước Thắng và ơn Yàng, lại được những người con Raglai, những chủ nhân của núi rừng nơi này đón tiếp thịnh tình bằng những ché rượu tà-pai thơm lựng, cùng bao điều kỳ thú khác liên quan đến men rượu đại ngàn. Đêm hôm ấy, trong ngôi nhà ấm cúng nơi đầu làng Ma Oai, ông Pi-năng Thạnh, cán bộ cách mạng lão thành mắt rực sáng khi nói về rượu tà-pai.

Ông bộc bạch rằng như mã la (như cồng chiêng Tây Nguyên nhưng không có núm), những ché rượu tà-pai gắn bó với đời người Raglai từ khi sinh ra đến lúc chết. Và cũng như mã la, đồng bào xem những ché rượu tà-pai là tài sản không thể thiếu được trong mỗi gia đình, trong đời sống của mình.

"Đến lễ Tết, nhà nghèo cỡ nào cũng có vài ché rượu mời bạn đãi khách. Nhà khá giả thì có nhiều ché rượu hơn. Và khi làng có việc (thường thì lễ bỏ mả-PV), mọi nhà cùng mang rượu đến nhà người chết, hay ra khu vực bỏ mả đặt để ché rượu cạnh nhiều ché rượu khác rồi cùng khui, cùng uống với nhau".

Sẻ chia của già làng Pi-năng Thạnh gợi chúng tôi nhớ đến những lần tham dự lễ bỏ mả của đồng bào Jrai ở xã Ia K'reng thuộc huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Rai. Khi gia đình nào đó có lễ tang hay đến thời điểm làm lễ bỏ mả, tùy điều kiện mà người trong làng cứ thế mang những ché rượu đến góp, cùng uống, cùng say. Người khó khăn thì góp 1 ché rượu. Người khá hơn thì góp 2, góp 3 ché rượu. Cứ thế trong một lễ bỏ mả, có lần tôi chứng kiến người làng góp cả trăm ché rượu, trải dài hàng chục mét, ai uống cứ uống, ai say cứ say, tỉnh rồi lại uống… Càng ngẫm càng thấy tục góp rượu trong lễ bỏ mả của đồng bào các dân tộc vùng cao sao mà dễ thương, đáng yêu quá!

Con cá bắt ở suối nước lửa hồng. Lá bép - thứ lá mà người S'tiêng ở tỉnh Bình Phước tin rằng là món khoái khẩu của loài tê giác một sừng nay đã tuyệt chủng tại Việt Nam được gói lá chuối, rồi tung vào lửa, khi lá chuối chuyển từ màu xanh sang màu vàng là rau chín (đồng bào gọi là canh nướng)…, thêm chén muối ớt, thêm vài đọt rau rừng, già làng Pi-năng Thạnh bày "mồi" ra đó, mời khách chung vui. Lúc này ché rượu tà-pai được khui, hương rượu thơm ngào ngạt.

4. Uống rượu tà-pai, người Raglai hàm ẩn nhiều ý nghĩa. Đây là lúc người làng bày tỏ sự kính trọng người già, bằng việc mời các cụ vít cần rượu uống trước, sau đó đến lượt những người luống tuổi, và người trẻ hơn. Uống rượu tà-pai cũng là lúc mà người Raglai muốn nói với nhau rằng giờ đây chẳng có rào cản về đẳng cấp, chẳng có chỗ cho kẻ trên người dưới, mọi người cùng bình đẳng với nhau, đến lượt mình ai đó cứ uống cho bằng cạn, nước vơi sẽ được đổ đầy ché rượu rồi đến lượt người khác, sự công bằng rõ ràng đến từng giọt. Uống đến khi nào rượu nhạt mới thôi!

Khi say là lúc người Raglai thoát tục, là lúc họ hòa với đất trời, núi rừng và chìm sâu trong bản sắc văn hóa đa chiều qua bao đời người vẫn nguyên vẹn nét hoang sơ. Khi ngây ngây trong men nồng tà-pai, những người già sẽ kể chuyện cổ, chuyện thơ, chuyện ngụ ngôn cho lớp con cháu nghe. Rồi cũng chính những nghệ nhân ở tuổi xế chiều ấy sẽ hát những làn điệu hari ikhat yulukal (hát kể sử thi) huyền hoặc. Và lúc này, những chàng trai, cô gái sẽ đối đáp với nhau, ngỏ lời với nhau bằng những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ…

Uống rượu tà-pai với tộc người Raglai là như thế. Là bạn hãy tạm dẹp bỏ những lụy phiền của cuộc sống xô bồ đầy toan tính, hòa vào nhịp sống chẳng chút vẩn đục của đồng bào. Đừng giấu mình, đừng quá đạo mạo, đứng đắn mà hãy cứ hết mình, hãy uống mặc sức, uống thật say. Rượu tà-pai được ủ từ tấm lòng, tình cảm của những người vợ, người mẹ Raglai nên đằm thắm lắm, êm dịu lắm, chẳng có chuyện đầu nhức như búa bổ hay cơ thể mệt mỏi rã rời. Lên rừng uống rượu tà-pai, say xong sẽ tỉnh, tỉnh xong lại say, cứ thế vui cho hết đêm ngày, cho trọn tình trọn nghĩa!

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thành (An Ninh Thế Giới), internet

Thursday, 4 April 2013

Để tới được nơi gắn liền với cuộc đời của Hải Thượng Lãn Ông – danh y Lê Hữu Trác không phải quá khó, từ đường quốc lộ 1A rẽ vào cũng được, mà theo đường Hồ Chí Minh cắt sang thì cũng sẽ gặp thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn. Quê gốc của ông ở Hải Dương, nhưng suốt cả cuộc đời học tập và hành nghề, ông lại lưu ở quê ngoại, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Thế kỷ 18, ông sống vốn không thiếu nhiễu nhương, thế lực chính trị của các bên vua Lê chúa Trịnh tranh chấp quyền bính liên miên, ngay cả kinh thành Thăng Long cũng không nằm ngoài khói lửa binh đao. Bùng phát gớm ghê nhất trong lịch sử thời đó là nạn kiêu binh, nhưng chắc vùng núi nghèo Hương Sơn không phải chịu hậu quả gì cho lắm.

Hơn 300 năm sau, vùng này vẫn nghèo, chỉ có rừng là ngày càng thưa đi; và dòng sông Ngàn Phố thì chẳng còn đâu vẻ trong xanh thăm thẳm như lời truyền tụng từ xưa. Dòng sông thơ mộng hiểm trở ngày nào giờ toen hoẻn lòng, chơ vơ mấy con thuyền nhỏ.

Chữa bệnh cứu người không được mưu lợi

Núi Minh Từ còn đây, trên đó đặt mộ Hải Thượng Lãn Ông và tượng đài của ông.

Con đường lát đá dẫn từ chân núi qua mộ ông, rồi từ đó hướng lên đỉnh, trên đó đặt pho tượng đá chân dung vị danh y, xung quanh là những tấm phù điêu lớn khắc chữ Hán và bản dịch tiếng Việt những điều tâm đắc mà ông để lại. Tất cả đều trang nghiêm và dễ tạo ấn tượng về lòng tôn kính của hậu thế đối với ông, chỉ có điều… dường như không phù hợp lắm.

Một danh y tài hoa trác tuyệt, không màng danh lợi, rời bỏ kinh thành Thăng Long để tránh bả phù hoa, vui cùng muông thú hươu nai.

Một con người cả đời chuyên cần học tập và chữa bệnh, vị học giả đã viết nên những chữ: “Đạo làm thuốc là một nhân thuật chuyên lo tính mạng con người, phải lo cái lo của con người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc chữa bệnh cứu người làm nhiệm vụ của mình, không được mưu lợi, kể công”. Và, chắc chắn không bao giờ ông mong sẽ được tạc tượng khổng lồ, đứng trên đỉnh núi để phóng tầm mắt ra xa. Nhất là khi đó là quê ngoại, một nơi cho tới nay vẫn còn nguyên vẻ nghèo khó rất quen thuộc ở miền Trung.

Chẳng nói đâu xa, xóm nhỏ quanh khu tưởng niệm của ông vẫn còn nhiều nhà lá lụp xụp, trên đồng ruộng chỗ nào cũng thấy nông dân lam lũ, song địa phương đã cho dựng tại đó khu tưởng niệm bề thế, quy mô và kiểu cách nhang nhác giống Văn Miếu ở Hà Nội, cũng nhà tiền đường, nhà bia, nội cung, hậu điện…

Hoang vắng đến lạ lùng, đó là hình ảnh ngày thường tại khu lưu niệm. Tất nhiên nơi đây sẽ đông đúc và nghi ngút khói hương vào ngày giỗ kỵ, ngày của nghề y hay khi đón tiếp đoàn khách phương xa tới dâng hương, nhưng dù sao cảm giác chơ vơ lạc lõng vẫn bao trùm lên khu di tích.

Khu tưởng niệm bề thế trên quê nghèo

Xưa kia, trên nền đất này, vị danh y tài hoa giản dị đã sống, viết nên bộ Y Tông Tâm Lĩnh, đúc kết học thuật của nhiều đời và đưa vào đó những lời răn dạy về y thuật. Đã gần 300 năm trôi qua, những bài thuốc và phương pháp chẩn trị bệnh của Hải Thượng Lãn Ông vẫn được lưu truyền rộng rãi và được sử dụng trong xã hội.

Nếu như vị thánh thuốc nam Tuệ Tĩnh được lịch sử công nhận là người đầu tiên đưa ra quan điểm “nam dược trị Nam nhân” thì Hải Thượng Lãn Ông có thể coi là một đại danh y đã có công nghiên cứu, tổng hợp và sắp xếp các phương pháp chữa bệnh hiệu quả thành hệ thống. Người như vậy hẳn không bằng lòng việc hậu thế chỉ lo dựng khu tưởng niệm thật to mà xung quanh vẫn lam lũ bần hàn.

Càng tương phản hơn là trụ sở của hội đông y huyện đặt trong trung tâm thị trấn Phố Châu, tại đây danh y Lê Hữu Quý, hậu duệ bảy đời của Hải Thượng Lãn Ông cùng các đồng nghiệp đang hành nghề y. Một khu đất nhỏ, vài ba căn nhà nhỏ, trong đó đáng thương nhất là nhà bốc thuốc, cho tới nay vẫn là căn nhà gỗ đơn sơ.

Thuốc đông y tất nhiên không đòi hỏi vô trùng tuyệt đối nơi chế biến như tân dược, nhưng cảnh phơi thuốc trên nia đặt ở bậc thềm nhà quả không khỏi khiến người ta bùi ngùi. Giữa sân, pho tượng nhỏ của danh y Hải Thượng Lãn Ông đắp bằng ximăng tróc lở, nhỏ xíu, nhưng càng nhìn càng thấy có tình hơn pho tượng đá sừng sững trên núi Minh Từ.

Xét cho cùng, khi cuộc sống của cư dân bản địa còn quá khó khăn, khi vùng Hương Sơn vẫn bị coi là xa xôi diệu vợi, có thể nào coi những công trình to tát, dù để ghi nhớ công ơn hay tưởng niệm, lại phù hợp với tư tưởng của một con người giản dị không màng danh lợi? Nhưng biết sao được, khi căn bệnh sính thành tích, lúc nào cũng thích phô trương đã trở thành bệnh trầm kha trên mọi tỉnh thành của đất nước, quê ngoại của danh y ắt cũng không phải là cá biệt với triệu chứng này.

Phố Châu là thị trấn huyện lỵ, trung tâm kinh tế, hành chính, văn hoá của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh và là trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu hành lang Đông Tây (quốc lộ 8) của tỉnh Hà Tĩnh. Dân số dự kiến năm 2010 khoảng 11.000 người, đến năm 2020 khoảng 18.000 người. Phố Châu nằm ở điểm giao lưu của đường quốc lộ 8 và đường Hồ Chí Minh, cách thành phố Vinh, thị xã Hồng Lĩnh lần lượt là 50 km và 35 km.

Du lịch, GO! - Theo Long Tuyền (SGTT), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống