Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 13 April 2013

Lâu nay, giới chơi cổ vật thường nhắc đến một dòng gốm cổ với nhiều nét riêng độc đáo có nguồn gốc từ làng Quảng Đức, một làng nghề nằm bên bờ sông Cái thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Làng gốm nơi ngã 3 sông

Làng Quảng Đức cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía bắc và cách quốc lộ 1A khoảng 1km về hướng đông. Làng Quảng Đức nằm quay mặt ra ngã ba sông Cái và sông Hà Yến, lưng tựa vào một ngọn núi thấp mang một cái tên khá lạ là núi A Man.

Đây là một làng được hình thành từ lâu đời, địa bạ lập dưới thời Gia Long cho biết Quảng Đức xưa là làng Bạc Mã thuộc huyện Đồng Xuân. Hiện nay tại làng Quảng Đức còn lưu giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ. Đó là dấu tích Văn Thánh miếu thờ  Khổng Tử, là chùa Châu Lâm được lập cách đây khoảng 300 năm.

Còn trên sườn phía tây của núi A Man ở sau làng Quảng Đức có một khu nghĩa địa cổ với hàng ngàn ngôi mộ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những khu nghĩa địa cổ lớn nhất ở miền Trung. Làng Quảng Đức cũng là quê hương của hòa thượng Liễu Quán. Sách Lịch sử Phật giáo cho biết hòa thượng sinh ở làng Bạc Mã vào năm 1667, lên sáu tuổi xuất gia quy y Phật pháp rồi trở thành bậc cao tăng đã khai sơn chùa Thuyền Tôn ở Huế, đồng thời cũng là người khai sinh dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán rất thịnh hành ở Đàng Trong vào các thế kỷ XVIII, XIX.

Những bằng chứng tìm thấy qua các đợt khảo sát tại làng Quảng Đức cũng như một số di tích cổ ở Phú Yên đã cho thấy ít nhất làng gốm ở Quảng Đức cũng được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Sự ra đời và phát triển nghề gốm ở Quảng Đức gắn liền với vị trí địa lý cũng như tiến trình lịch sử của khu vực hạ lưu sông Cái.

Cuối thế kỷ XVI, Lương Văn Chánh theo lệnh của Nguyễn Hoàng đã đem lưu dân đến khai phá các vùng đất rộng lớn nằm giữa đèo Cù Mông và đèo Cả. Đó là các vùng đất dọc theo các con sông lớn như Cù Mông, Bà Đài (hạ lưu sông Cái), Bà Diễn (hạ lưu sông Đà Rằng), Bà Nông (hạ lưu sông Bàn Thạch).

Vùng hạ lưu sông Cái, nhờ đất đai màu mỡ rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, là điều kiện quan trọng để hình thành các điểm tụ cư và nhanh chóng phát triển thành các xóm làng đông đúc, trù phú như Tiên Châu, Hội Phú, Bạc Mã, Long Uyên… Cũng chính vì thế mà đến năm 1629, khi phủ Phú Yên được thiết lập thì vùng đất hạ lưu sông Cái trở thành trung tâm về chính trị, văn hóa của vùng đất Phú Yên trong suốt hơn 2 thế kỷ. Dấu tích còn lại của thời kỳ đó là các tòa thành cổ tồn tại cho đến nay như thành Hội Phú - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1629 đến năm 1836, thành An Thổ - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899.

Ở khu vực này, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đã hình thành một số làng nghề thủ công để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của mọi tầng lớp cư dân. Đó là các nghề dệt lụa, làm muối, làm gốm, làm giấy, nung vôi… Đến nay, phần lớn các nghề trên đã không tồn tại nhưng ảnh xạ của nó vẫn còn lưu lại qua tên gọi của các địa danh như Diêm Điền, Phường Lụa, Lò Gốm, Lò Giấy, Lò Vôi…

Làng Quảng Đức nằm ở một vị thế rất tiện lợi về mặt giao thông. Xưa kia, đường thiên lý sau khi vượt sông Cái ở bến đò Cây Dừa đã đi qua làng Quảng Đức rồi tiếp tục xuôi về Nam. Còn đường thủy, từ Quảng Đức xuôi theo dòng sông Cái đi về phía hạ lưu là ra đến cửa Tiên Châu và vịnh Xuân Đài, đó đều là những thương cảng cổ. Theo dòng Hà Yến là vào đầm Ô Loan, nơi có loại sò huyết ngon nổi tiếng “cá mòi Phan Thiết, sò huyết Ô Loan”. Cũng từ Quảng Đức theo dòng sông Cái đi về phía thượng nguồn là đi vào vùng đất rộng lớn phía tây của Phú Yên và một số tỉnh Tây Nguyên. Sự thuận lợi về mặt giao thông đã góp phần đưa các sản phẩm gốm Quảng Đức giao thương đến nhiều vùng miền khác nhau, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy nghề làm gốm ở Quảng Đức có thêm điều kiện để phát triển. Gốm Quảng Đức đã được tìm thấy ở những nơi rất xa xôi trên vùng đất Tây Nguyên hay cả một số vùng ở Nam bộ.

Gốm Quảng Đức một thời vang bóng.

Sản phẩm gốm Quảng Đức có nhiều loại như vò, chậu, ché, bình vôi, đèn dầu… với nhiều kích cỡ khác nhau. Có loại chỉ cao khoảng 5 – 10cm, nhưng cũng có loại rất lớn. Chẳng hạn như loại chậu trồng bông hoặc ang đựng nước nhiều chiếc có đường kính miệng từ 1m – 1,2m, cao từ 50cm – 70cm. Gốm Quảng Đức được chế tác bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như kỹ thuật dùng bàn xoay, kỹ thuật đắp con chạch hoặc làm bằng khuôn. Trong đó, những loại sản phẩm có kích thước nhỏ được làm bằng bàn xoay; loại sản phẩm được lớn làm kiểu đắp con chạch; loại sản phẩm có kích thước trung bình chủ yếu được làm bằng khuôn. Kỹ thuật làm gốm bằng khuôn tạo ra từng bộ phận sau đó gắn chắp lại để thành sản phẩm hoàn chỉnh. Một số loại hoa văn cũng được làm bằng khuôn sau đó áp lên sản phẩm tạo thành các mảng hoa văn nổi với nhiều mô típ sống động, tinh tế.

Một số sản phẩm gốm Quảng Đức là đồ gốm tráng men. Men gốm Quảng Đức được làm từ sò huyết đầm Ô Loan có màu xanh đậm và rất bóng, nhưng đáng chú ý là trên các sản phẩm tráng men đều còn có dấu vỏ sò. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thợ thủ công ở Quảng Đức đã chất vỏ sò xung quanh sản phẩm khi nung để tạo men, tức là tạo men bằng kỹ thuật nung chảy trực tiếp.
Quả thật, nếu ý kiến trên đây là chính xác thì kiểu tạo men trên sản phẩm ở Quảng Đức là kỹ thuật độc đáo chưa thấy nói đến và nó cũng chính là điều làm cho dòng sản phẩm gốm Quảng Đức khác biệt với các dòng gốm khác.

Hiện nay, ở Quảng Đức chỉ còn một vài gia đình tiếp tục duy trì nghề làm gốm. Nghề xưa đã mai một nhiều, nhưng vẫn còn đó những dấu tích của làng gốm cổ một thời vang bóng.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Danh Hạnh (báo Phú Yên), internet
Tại Vũng La, người dân còn lưu truyền một truyền thuyết khác về bàn cờ ở Gành Tướng. Ngày mồng Hai Tết năm ấy, có một ngư dân nghèo vác chài đi ra phía Vũng La để chài cá về cho gia đình có miếng ăn trong ba ngày Tết. Ông vác chài đi lúc chiều xẩm tối, tới đầu Gành Tướng, trong bóng tối nhá nhem của hoàng hôn, ông chợt thấy có hai ông lão râu tóc bạc phơ, tướng mạo phương phi đang ngồi đánh cờ trên bàn đá đầu mỏm, sau lưng có hai tiểu đồng đứng hầu.

Thấy lạ, ông nấp vào bụi rậm quan sát, bởi vùng đất này, theo hiểu biết của ông ta, không có hai ông già như vậy ngụ cư, mà nếu là nơi khác đến, ắt phải đi ngang qua xóm chứ không có con đường nào khác để tới được mỏm núi heo hút này.

Đang suy nghĩ miên man, bỗng nhiên một trong hai ông già kia, đặt con cờ xuống bàn, vuốt râu cười ha hả, nói giọng sang sảng: “Ta là thiên tướng nhà Trời, đi ngang qua đây thấy phong cảnh hữu tình nên mới dừng chân, hạ xuống đây vừa đánh cờ vừa ngắm cảnh non nước thơ mộng. Chúng ta chỉ trốn nhà Trời trong giây lát. Ngươi đã trông thấy sao thì hay vậy, không được kể lại với bất kỳ người thứ hai nào biết chuyện này. Chúng ta sẽ cho nhà ngươi sống đến trăm tuổi, con cháu đầy đàn, được hưởng phước, lộc, thọ… bằng không nghe lời ắt phải chết bất đắc kỳ tử” rồi biến mất.

Người đàn ông chài lưới kia hoảng sợ mang chài về, không dám xuống vịnh chài cá như những hôm trước đây. Quả  nhiên sau đó công việc làm ăn của gia đình ông ngày mỗi khấm khá, trở thành một ngư dân giàu có trong làng, mua sắm được nhiều ghe bầu chở cá, mắm, muối đi vào tận Đàng Trong bán, rồi chở gạo, vải vóc về bán lại cho các thương buôn khác trong vùng.

Mãi tới năm chín mươi tuổi, nhân dịp mừng lễ thượng thọ và cũng là dịp cúng lăng trong làng, ông đã vô tình kể lại cho con cháu và người trong làng nghe câu chuyện xưa, xảy ra cách đây mấy mươi năm mà ông giấu kín trong lòng, tưởng chừng đã không còn nhớ nổi.

Nhưng đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, hai thiên tướng xuất hiện trước mặt. Một trong hai người chỉ vào ông mà nói rằng: “nhà ngươi đã phạm lời nguyền. Số ngươi coi như đã chấm dứt”. Nói rồi hai ông lão biến mất. Tỉnh giấc, ông cho gọi tất cả con cháu lại kể câu chuyện vừa xảy ra trong giấc mơ rồi nhắm mắt ra đi. Sau đó, con cháu làm ăn ngày mỗi sa sút, rồi trở lại những ngư dân nghèo khó như xưa.

Ngày nay, trên mỏm đá Gành Tướng vẫn còn in dấu bàn cờ, mặc dù thời gian, mưa nắng, sóng biển đánh vào đã làm cho phiến đá mòn đi khá nhiều.
Chính bởi cảnh sắc thơ mộng và kỳ vĩ trên một dãy vũng kéo dài liên tục ở mạn Đông thị trấn Sông Cầu, nên dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao ca ngợi vùng đất này:

Vũng Dông, Vũng Mắm, Vũng Chào
Vũng La, Vũng Sứ, Vũng nào cũng thương.

Du lịch, GO! - Theo ĐÀO MINH HIỆP – ĐOÀN VIỆT HÙNG (báo Phú Yên), internet
Bàu Sen nằm ở gần khoảng giữa Đông Hà và Đồng Hới, thủ phủ hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình trên đường 1A. Đi qua khỏi thị xã Đông Hà chừng ba bốn chục cây số ta sẽ nhìn thấy một vùng hồ nước thật lớn nằm bên phải đường quốc lộ.

Đây là một hồ nước ngọt nằm sát biển thuộc xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ. Truyền thuyết nói rằng Bàu Sen không đáy, mà thông với một hồ nước ngọt khác cũng sát biển theo kiểu "bình thông nhau" có tên là Bàu Tró ở thành phố Đồng Hới, cách đây chừng 40km về phía bắc.
Truyền thuyết còn đưa ra một dẫn chứng cho rằng người ta đánh dấu quả bưởi đem thả xuống Bàu Tró, ít ngày sau thấy nó nổi lên ở Bàu Sen!

Người xưa thấy bàu sát biển, lại không có các nguồn nước đổ vào, vậy mà giữa những muôn trùng nắng gió chang chang, bàu vẫn đầy ắp nước, xanh rì, ngọt lịm, nên tự an ủi bằng lời giải thích huyền hoặc phi tự nhiên vậy thôi, chứ kỳ thực, cũng như Bàu Tró, Bàu Sen có đáy, và nguồn nước ngọt cấp cho Bàu Sen luôn đầy là từ các đồi cát bao bọc trùng điệp quanh bàu.

Mỗi đồi cát này sẽ là một chiếc "khăn tắm" khổng lồ được dồn đống lại, ngấm no nước vào mùa mưa để lặng lẽ cấp nước cho Bàu suốt mùa hè miền Trung khốc liệt, rồi chờ đợi một mùa mưa tích nước khác, luân hồi. Một sự mát mẻ, khoan thai, từ tốn trong lòng, trái ngược với vẻ ngoài khô khốc "chang chang cồn cát..." mà ngay đến Tố Hữu, người con miền Trung xứ Huế cũng khó nhận ra. Tuy nhiên, ngày nay, những đồi cát báu vật, riêng có ở đây đang ngày đêm bị khai thác cạn vơi dần, dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước Bàu Tró, Bàu Sen...

Tên là Bàu Sen nhưng từ khi biết nó đến nay, tôi chưa từng thấy sen mọc ở đây bao giờ (do không đi đúng mùa sen nở), duy chỉ có cá là nhiều. Hơn 5 năm trước, tôi cùng cơ quan phối hợp với Trường đại học Thủy sản Nha Trang thả xuống đây hàng vạn cá giống nước ngọt các loại để làm giàu đa dạng sinh học của bàu.

Bàu Sen gồm hai nửa vắt qua đường thiên lý bắc-nam (quốc lộ 1). Nửa phía tây (nhỏ hơn) thường nhận và phản ánh rõ ràng nhất, ấn tượng nhất những tia nắng quái chiều hôm với những chập chờn khoảnh khắc.
Ngược lại, nửa phía đông Bàu Sen (lớn hơn), lại có năng lực cảm nhận, lưu giữ và "miêu tả" tinh tế màn sương mai mờ ảo mỗi sáng trong lành, và cũng chỉ trong chốc lát.

Xa xa tuốt bên kia bàu là những cồn cát bỏng nắng trưa Quảng Bình cùng những rừng phi lao kéo dài ra tới biển. Đó là những khu rừng phi lao vừa tạo môi trường sinh thái vừa phòng hộ ven biển, bao nhiêu con người chung sức gây trồng đã mấy chục năm để chống hoang hóa và xâm thực của cát biển.

Nhưng Bàu Sen không chỉ có sương mai và nắng quái chiều hôm, những "thực đơn tinh thần" thuần khiết. Ở đây còn có món cháo cá Bàu Sen, một món ngon ẩm thực đã thành thương hiệu, làm nức lòng biết bao du khách trên đường thiên lý Bắc - Nam, mỗi khi qua đây...

Dừng xe lại, nơi có mấy cái chòi lá lụp xụp ấy, và có lác đác những chiếc xe tải, xe con giát cơm trưa chiều. Lần ấy ghé chơi, nhà cửa tuyềnh toàng, không sắt thép, không kèo cột bê tông. Khách hỏi thăm chủ cười hiền, mần quán lâu lâu rồi. Bao năm nay vẫn gà Ri thịt chắc thơm tho ngọt lành, vẫn rượu gạo quê nhà tự nấu, vẫn tôm cá trong bàu chép trắm mè trôi, bao nhiêu năm vẫn xài tốt.

Người ta kể chuyện ở đất này luôn có hương thơm và vị ngọt của Sen trong hơi gió mỗi mùa Sen nở. Bởi trước kia nơi đây có Bàu Sen, có Đầm Sen là những hồ nước ngọt mênh mông. Người ta kể chuyện mảnh đất đây nhiều bão tố, lâu lâu thiên nhiên lại một lần lụt lội, bão cát như muốn thử xóa trắng quê hương miền.

Lan man chuyện trời biển, ta lại về với chuyện quán bụi trên hồ nước Bàu Sen. Khác với muôn vàn quán xá ven đường trên dọc dài thiên lý Bắc- Nam: sau vài năm được khách, có tiền là tức tốc xây lầu, tô trát, xập xình nhạc và… gái môi đỏ tóc vàng. Còn ở đây: hơn chục quán lá Bàu Sen tự muôn đời vẫn chân chất, dân dã và thô mộc như… sen. Hơn chục quán lá nhoi ra mặt hồ lộng gió. Những quán lá dân dã, thô mộc được dựng trên những chiếc cọc tre và bê tông khẳng khiu. Cầu gỗ, mặt sàn gỗ và vách cũng bằng gỗ. Những chiếc võng gai, chiếu cói và những chiếc bàn gỗ thấp lè tè.

Đặc sản là cá, gà và tẩm quất. Sau một chặng đường gió bụi mệt nhọc, bẻ ngoặt vô lăng dừng lại ven hồ. Chỉ tay chọn một chú gà quê đang cục tác trong lồng, vói xem chủ quán vớt chọn cá từ những cái lồng thả dưới hồ nước (cá ở đây chủ yếu là cá nước ngọt như chép, trắm, lóc, diếc ...). Rồi cởi phăng chiếc áo lấm bụi, ngã nhoài ra chiếc chiếu cói giữa sàn cho bọn trẻ tẩm quất.

Những đứa trẻ hơn chục tuổi, đa phần là học sinh, cổ còn đeo khăn quàng đỏ, tan học về là sà vào quán chờ khách. Úp mình xuống chiếu, tựa cằm lên cái gối nhỏ mà sướng rơn người trong những tiếng đấm tay bồm bộp.“Các bác yên tâm, bọn cháu trẻ nhưng tay nghề không non đâu, tẩm quất Bàu Sen nổi tiếng nhất… Đông Nam Á đấy!”.

Cởi trần úp người bồm bộp trên sàn quán là hơn chục bác tài và các thực khách, trong khi chờ bếp đang thổi lửa luộc gà và nấu món cháo cá. Riêng ai không thích tẩm quất thì cứ việc ngửa lưng trên những chiếc võng gai đung đưa trong gió. Mỗi quán luôn treo sẵn hàng chục cái võng gai như vậy.

Tẩm quất hết úp lại lật nghiêng người, bắt chéo tay chân bẻ kêu cục cục. Rồi ngửa người cho “kiến bò bụng” và bóp tay. Hơn nửa tiếng, khi ngồi dậy để cậu bé bóp vai, bẻ cổ thì cũng là lúc nhà bếp vừa bưng lên đĩa thị gà to thơm phức và nồi cháo cá nóng hổi.

Gà nguyên con, xé tay chứ không dùng dao chặt. Cầm tay chấm muối tiêu mà ăn, ăn kiểu nhà quê, chân chất, hoang dã mà khoái khẩu. Chế một cốc rượu gạo, thứ rượu gạo nguyên chất chỉ có ở Bàu Sen. Xé miếng thịt gà, chêm thêm trái ớt, chùm tiêu xanh, thêm một cốc nữa, cốc nữa mà thấy tê đầu lưỡi, hừng hực trong người.

Món sau cùng là cháo. Đừng lấy thìa, cứ bưng nguyên bát cháo mà húp, húp đến toát mồ hôi, vừa húp vừa suýt xoa đầu lưỡi. Cá trong nồi cháo vớt ra đĩa. Từng mảng trứng cá vàng óng. Gắp miếng cá nóng thơm mà nghe như gió biển thổi rân rân bên má, cảm giác đê mê như được hương gió trời chiều chuộng!

Ai đã từng một lần cầm vô lăng xuôi ngược Bắc Nam xin mách một điểm dừng kỳ thú có một không hai này- điểm dừng mà bất cứ ai ngược xuôi trên chặng thiên lý không dừng một lần, có lẽ sẽ ân hận suốt đời đấy!

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Báo Quảng Bình, Ẩm Thực 365, Quangbinh24...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống