Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 13 April 2013

Đến với núi rừng Trường Sơn hoang dã thuộc huyện Đông Giang (Quảng Nam), bạn sẽ được thưởng thức các món ăn chế biến từ con mối cánh (cláp). Đó là món ăn ưa thích, hấp dẫn của đồng bào Cơ Tu.

Già Mạc Thị Gách (87 tuổi), là “chuyên gia” “gọi mối” đất ở thôn Tống Coói (xã Ba- Đông Giang) cho biết: “Gần như toàn bộ số gia đình người Cơ Tu ở đây đều biết “gọi mối về”.

Mùa bắt mối diễn ra từ tháng 3- 8 (âm lịch) hàng năm. Khi mối xuất hiện, bà con tranh thủ bắt mối đất để rang ăn chơi, hoặc rang xong giằm nước mắm hoặc giã với muối ăn với cơm hoặc nấu cháo (cláp p’chơ)… đều thơm ngon.

Nhà tôi, có đêm mối ra bắt trên 5 ký mối, cái thì phơi khô, cái thì rang ăn liền. Khi rang bỏ ít muối để trong ống lồ ô, gác trên giàn bếp ăn dần. Người con rể Cơ Tu hiếu thảo thì thường xuyên nấu cho bố mẹ vợ món cháo ”cláp p’chơ” này vì những người già chúng tôi đều đau răng, rụng răng, món này dễ húp…”.

Già Gách cho hay, nếu không có đèn điện, khi phát hiện có mối đang bay ra, chúng tôi thắp một cây đèn dầu hoặc đèn cầy, cắm giữa cái thau lớn đặt ở nơi thuận tiện ngoài sân, trong thau đổ nước ngập 1/4 cây đèn.

Mối thấy ánh sáng cùng nhau bay đến, sà xuống gặp nước, ướt cánh không bay lên được, nên nằm lại trong thau. Thỉnh thoảng, mình lấy tay khuấy nước trong thau để mối ướt cánh không bay lên được. Nếu thấy trong thau nhiều mối quá thì hốt mối ra bỏ vào bao nilon hoặc xoong, nồi, thùng, mủng…

Công đoạn bắt mối chỉ diễn ra khoảng nửa giờ là kết thúc, lúc này mối đã ít dần, chúng bị rụng cánh và rơi dần ở chung quanh khu vực. Sau khi kết thúc cuộc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa mối nhẹ nhàng nhiều lần cho sạch và vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước…

Mối đang bắt còn nguyên cánh mỏng, thân dài khoảng 1cm, bụng lớn bằng sợi bún tươi, có viền đen quanh thân màu vàng nâu, ngực và đầu nhỏ hơn.

Bà A lăng Thị Nhá (58 tuổi), ở thôn Tà Lâu, xã Ba (Đông Giang) cho biết: “Mối rang là món ăn ngon miệng, hấp dẫn đối với đồng bào Cơ Tu và một số người Kinh. Muốn ăn, người ta đặt chảo lên bếp, chờ nóng đều, bỏ vài bát mối này vào và dùng đũa khuấy đều, mối bốc hơi và khô dần… cho đến khi từ chảo bay ra một mùi thơm quyến rũ, ngào ngạt, mang hương thơm mùi châu chấu nướng và những tiếng nổ lẹt đẹt nho nhỏ, báo hiệu mối đã chín rồi.

Lúc này, đổ ra mẹt, lấy các ngón tay đảo nhẹ và sảy, hay bật cái máy quạt cho cánh mối bay đi, chỉ còn lại thân mối vàng ươm. Người Cơ Tu ngoài rang mối để “ăn chơi” ra, họ còn giã nát nén lại thành bánh để ăn dần. Khi rang mối họ thêm vào ít muối và cất trong ống lồ ô để dành ăn lai rai và hương vị cũng không kém phần ngọt ngào.

Đặc biệt là món cháo mối ăn rất thơm ngon được chế biến như sau: Nấu cháo gạo hay sắn tươi chín, cho tiếp mối đã rang vào nồi, chờ sôi lại rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Bát cháo mối với màu nâu của mối, màu trắng của cháo ăn có mùi thơm rất đặc trưng, bổ dưỡng...

Không gì thú vị bằng khi được thưởng thức hương vị thơm lừng, beo béo và ngọt bùi… của món mối cánh rang, có thêm vài ly rượu tà vạt, rôm rả trò chuyện cùng với người già, lũ trẻ. Gương mặt của họ cũng hồng lên, lấp lánh bên bếp lửa hồng.

Du khách qua đây trong mùa mối cánh, nếu đã một lần thưởng thức cái hương vị thơm ngon, độc đáo của món cháo mối ở Trường Sơn này thì không thể nào quên được.

Du lịch, GO! - Theo Hòa Vang (Vĩnh Long Online)
Lâu nay, giới chơi cổ vật thường nhắc đến một dòng gốm cổ với nhiều nét riêng độc đáo có nguồn gốc từ làng Quảng Đức, một làng nghề nằm bên bờ sông Cái thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Làng gốm nơi ngã 3 sông

Làng Quảng Đức cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía bắc và cách quốc lộ 1A khoảng 1km về hướng đông. Làng Quảng Đức nằm quay mặt ra ngã ba sông Cái và sông Hà Yến, lưng tựa vào một ngọn núi thấp mang một cái tên khá lạ là núi A Man.

Đây là một làng được hình thành từ lâu đời, địa bạ lập dưới thời Gia Long cho biết Quảng Đức xưa là làng Bạc Mã thuộc huyện Đồng Xuân. Hiện nay tại làng Quảng Đức còn lưu giữ nhiều dấu tích kiến trúc cổ. Đó là dấu tích Văn Thánh miếu thờ  Khổng Tử, là chùa Châu Lâm được lập cách đây khoảng 300 năm.

Còn trên sườn phía tây của núi A Man ở sau làng Quảng Đức có một khu nghĩa địa cổ với hàng ngàn ngôi mộ mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là một trong những khu nghĩa địa cổ lớn nhất ở miền Trung. Làng Quảng Đức cũng là quê hương của hòa thượng Liễu Quán. Sách Lịch sử Phật giáo cho biết hòa thượng sinh ở làng Bạc Mã vào năm 1667, lên sáu tuổi xuất gia quy y Phật pháp rồi trở thành bậc cao tăng đã khai sơn chùa Thuyền Tôn ở Huế, đồng thời cũng là người khai sinh dòng thiền Lâm Tế - Liễu Quán rất thịnh hành ở Đàng Trong vào các thế kỷ XVIII, XIX.

Những bằng chứng tìm thấy qua các đợt khảo sát tại làng Quảng Đức cũng như một số di tích cổ ở Phú Yên đã cho thấy ít nhất làng gốm ở Quảng Đức cũng được hình thành vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Sự ra đời và phát triển nghề gốm ở Quảng Đức gắn liền với vị trí địa lý cũng như tiến trình lịch sử của khu vực hạ lưu sông Cái.

Cuối thế kỷ XVI, Lương Văn Chánh theo lệnh của Nguyễn Hoàng đã đem lưu dân đến khai phá các vùng đất rộng lớn nằm giữa đèo Cù Mông và đèo Cả. Đó là các vùng đất dọc theo các con sông lớn như Cù Mông, Bà Đài (hạ lưu sông Cái), Bà Diễn (hạ lưu sông Đà Rằng), Bà Nông (hạ lưu sông Bàn Thạch).

Vùng hạ lưu sông Cái, nhờ đất đai màu mỡ rất thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, là điều kiện quan trọng để hình thành các điểm tụ cư và nhanh chóng phát triển thành các xóm làng đông đúc, trù phú như Tiên Châu, Hội Phú, Bạc Mã, Long Uyên… Cũng chính vì thế mà đến năm 1629, khi phủ Phú Yên được thiết lập thì vùng đất hạ lưu sông Cái trở thành trung tâm về chính trị, văn hóa của vùng đất Phú Yên trong suốt hơn 2 thế kỷ. Dấu tích còn lại của thời kỳ đó là các tòa thành cổ tồn tại cho đến nay như thành Hội Phú - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1629 đến năm 1836, thành An Thổ - thủ phủ của Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1899.

Ở khu vực này, bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đã hình thành một số làng nghề thủ công để phục vụ các nhu cầu thiết yếu của mọi tầng lớp cư dân. Đó là các nghề dệt lụa, làm muối, làm gốm, làm giấy, nung vôi… Đến nay, phần lớn các nghề trên đã không tồn tại nhưng ảnh xạ của nó vẫn còn lưu lại qua tên gọi của các địa danh như Diêm Điền, Phường Lụa, Lò Gốm, Lò Giấy, Lò Vôi…

Làng Quảng Đức nằm ở một vị thế rất tiện lợi về mặt giao thông. Xưa kia, đường thiên lý sau khi vượt sông Cái ở bến đò Cây Dừa đã đi qua làng Quảng Đức rồi tiếp tục xuôi về Nam. Còn đường thủy, từ Quảng Đức xuôi theo dòng sông Cái đi về phía hạ lưu là ra đến cửa Tiên Châu và vịnh Xuân Đài, đó đều là những thương cảng cổ. Theo dòng Hà Yến là vào đầm Ô Loan, nơi có loại sò huyết ngon nổi tiếng “cá mòi Phan Thiết, sò huyết Ô Loan”. Cũng từ Quảng Đức theo dòng sông Cái đi về phía thượng nguồn là đi vào vùng đất rộng lớn phía tây của Phú Yên và một số tỉnh Tây Nguyên. Sự thuận lợi về mặt giao thông đã góp phần đưa các sản phẩm gốm Quảng Đức giao thương đến nhiều vùng miền khác nhau, đồng thời cũng là nhân tố thúc đẩy nghề làm gốm ở Quảng Đức có thêm điều kiện để phát triển. Gốm Quảng Đức đã được tìm thấy ở những nơi rất xa xôi trên vùng đất Tây Nguyên hay cả một số vùng ở Nam bộ.

Gốm Quảng Đức một thời vang bóng.

Sản phẩm gốm Quảng Đức có nhiều loại như vò, chậu, ché, bình vôi, đèn dầu… với nhiều kích cỡ khác nhau. Có loại chỉ cao khoảng 5 – 10cm, nhưng cũng có loại rất lớn. Chẳng hạn như loại chậu trồng bông hoặc ang đựng nước nhiều chiếc có đường kính miệng từ 1m – 1,2m, cao từ 50cm – 70cm. Gốm Quảng Đức được chế tác bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như kỹ thuật dùng bàn xoay, kỹ thuật đắp con chạch hoặc làm bằng khuôn. Trong đó, những loại sản phẩm có kích thước nhỏ được làm bằng bàn xoay; loại sản phẩm được lớn làm kiểu đắp con chạch; loại sản phẩm có kích thước trung bình chủ yếu được làm bằng khuôn. Kỹ thuật làm gốm bằng khuôn tạo ra từng bộ phận sau đó gắn chắp lại để thành sản phẩm hoàn chỉnh. Một số loại hoa văn cũng được làm bằng khuôn sau đó áp lên sản phẩm tạo thành các mảng hoa văn nổi với nhiều mô típ sống động, tinh tế.

Một số sản phẩm gốm Quảng Đức là đồ gốm tráng men. Men gốm Quảng Đức được làm từ sò huyết đầm Ô Loan có màu xanh đậm và rất bóng, nhưng đáng chú ý là trên các sản phẩm tráng men đều còn có dấu vỏ sò. Một số nhà nghiên cứu cho rằng thợ thủ công ở Quảng Đức đã chất vỏ sò xung quanh sản phẩm khi nung để tạo men, tức là tạo men bằng kỹ thuật nung chảy trực tiếp.
Quả thật, nếu ý kiến trên đây là chính xác thì kiểu tạo men trên sản phẩm ở Quảng Đức là kỹ thuật độc đáo chưa thấy nói đến và nó cũng chính là điều làm cho dòng sản phẩm gốm Quảng Đức khác biệt với các dòng gốm khác.

Hiện nay, ở Quảng Đức chỉ còn một vài gia đình tiếp tục duy trì nghề làm gốm. Nghề xưa đã mai một nhiều, nhưng vẫn còn đó những dấu tích của làng gốm cổ một thời vang bóng.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Danh Hạnh (báo Phú Yên), internet
Tại Vũng La, người dân còn lưu truyền một truyền thuyết khác về bàn cờ ở Gành Tướng. Ngày mồng Hai Tết năm ấy, có một ngư dân nghèo vác chài đi ra phía Vũng La để chài cá về cho gia đình có miếng ăn trong ba ngày Tết. Ông vác chài đi lúc chiều xẩm tối, tới đầu Gành Tướng, trong bóng tối nhá nhem của hoàng hôn, ông chợt thấy có hai ông lão râu tóc bạc phơ, tướng mạo phương phi đang ngồi đánh cờ trên bàn đá đầu mỏm, sau lưng có hai tiểu đồng đứng hầu.

Thấy lạ, ông nấp vào bụi rậm quan sát, bởi vùng đất này, theo hiểu biết của ông ta, không có hai ông già như vậy ngụ cư, mà nếu là nơi khác đến, ắt phải đi ngang qua xóm chứ không có con đường nào khác để tới được mỏm núi heo hút này.

Đang suy nghĩ miên man, bỗng nhiên một trong hai ông già kia, đặt con cờ xuống bàn, vuốt râu cười ha hả, nói giọng sang sảng: “Ta là thiên tướng nhà Trời, đi ngang qua đây thấy phong cảnh hữu tình nên mới dừng chân, hạ xuống đây vừa đánh cờ vừa ngắm cảnh non nước thơ mộng. Chúng ta chỉ trốn nhà Trời trong giây lát. Ngươi đã trông thấy sao thì hay vậy, không được kể lại với bất kỳ người thứ hai nào biết chuyện này. Chúng ta sẽ cho nhà ngươi sống đến trăm tuổi, con cháu đầy đàn, được hưởng phước, lộc, thọ… bằng không nghe lời ắt phải chết bất đắc kỳ tử” rồi biến mất.

Người đàn ông chài lưới kia hoảng sợ mang chài về, không dám xuống vịnh chài cá như những hôm trước đây. Quả  nhiên sau đó công việc làm ăn của gia đình ông ngày mỗi khấm khá, trở thành một ngư dân giàu có trong làng, mua sắm được nhiều ghe bầu chở cá, mắm, muối đi vào tận Đàng Trong bán, rồi chở gạo, vải vóc về bán lại cho các thương buôn khác trong vùng.

Mãi tới năm chín mươi tuổi, nhân dịp mừng lễ thượng thọ và cũng là dịp cúng lăng trong làng, ông đã vô tình kể lại cho con cháu và người trong làng nghe câu chuyện xưa, xảy ra cách đây mấy mươi năm mà ông giấu kín trong lòng, tưởng chừng đã không còn nhớ nổi.

Nhưng đêm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, hai thiên tướng xuất hiện trước mặt. Một trong hai người chỉ vào ông mà nói rằng: “nhà ngươi đã phạm lời nguyền. Số ngươi coi như đã chấm dứt”. Nói rồi hai ông lão biến mất. Tỉnh giấc, ông cho gọi tất cả con cháu lại kể câu chuyện vừa xảy ra trong giấc mơ rồi nhắm mắt ra đi. Sau đó, con cháu làm ăn ngày mỗi sa sút, rồi trở lại những ngư dân nghèo khó như xưa.

Ngày nay, trên mỏm đá Gành Tướng vẫn còn in dấu bàn cờ, mặc dù thời gian, mưa nắng, sóng biển đánh vào đã làm cho phiến đá mòn đi khá nhiều.
Chính bởi cảnh sắc thơ mộng và kỳ vĩ trên một dãy vũng kéo dài liên tục ở mạn Đông thị trấn Sông Cầu, nên dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao ca ngợi vùng đất này:

Vũng Dông, Vũng Mắm, Vũng Chào
Vũng La, Vũng Sứ, Vũng nào cũng thương.

Du lịch, GO! - Theo ĐÀO MINH HIỆP – ĐOÀN VIỆT HÙNG (báo Phú Yên), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống