Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 17 April 2013

Trong lòng Tp. Hồ Chí Minh sôi động, mặc cho bao thế sự thăng trầm, suốt gần 200 năm nay, ở quận Gò Vấp vẫn tồn tại một làng nghề đúc lư đồng nổi tiếng.

< Nghề đúc lư đồng truyền thống của An Hội đã có gần 200 năm nay.

Làng nghề ấy xưa có tên là An Hội, nay là đường Phan Huy Ích ở phường 12, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Trải qua thời gian, nhiều làng đúc đồng nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh như Chợ Quán, Phú Lâm đã bị mai một và chỉ còn trong ký ức, duy nơi này vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến tận bây giờ. Hiện ở đây có khoảng 10 cơ sở chuyên đúc lư đồng theo phương pháp thủ công để cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Nam.

< Ngày nay, sản phẩm vẫn được làm theo lối thủ công truyền thống.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất lư đồng của ông Hai Thắng (Trần Văn Thắng). Gia đình ông làm nghề đúc lư đồng theo lối cha truyền con nối tính cho tới nay cũng đã 4 đời. Ông hào hứng kể: “Xưa kia, vào giai đoạn thịnh vượng, lư đồng làng An Hội được đưa đi bán khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh và sang tận Cao Miên, Lào, Miến Điện…

< Khuôn đúc được làm bằng đất sét trộn với tro và trấu.

Nay tuy nghề không còn thịnh như xưa nhưng tôi vẫn sẽ cố không để nó bị mai một”. Nói đoạn, ông quay sang phía người con trai đang cắm cúi làm và bảo: “Truyền nhân đời thứ 5 nhà tôi đấy. Nó sẽ tiếp tục thay tôi giữ gìn nghề lư đồng này!”.

< Kỹ thuật nặn khuôn đúc khá công phu và tỉ mỉ.

Tết vừa rồi, cơ sở của ông Hai Thắng xuất đi hơn 2000 bộ lư đồng. Tùy từng loại lớn hay nhỏ mà có giá từ 4 triệu đến 20 triệu một bộ. Lư đồng An Hội nổi tiếng khắp vùng vì sản phẩm ở đây rất bền, đẹp và độ bóng bắt mắt.

< Tạo dáng khuôn đúc lư đồng.

Mỗi chiếc lư đồng đều toát lên sự uy nghiêm, trầm mặc qua những họa tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo. Tất cả đều được làm thủ công qua bàn tay khéo léo của những người thợ. Để có một bộ lư bền, màu đồng bóng, đẹp, mỗi lò đúc có những kinh nghiệm khác nhau và người làm nghề đúc đồng cũng phải có bí quyết riêng.

< Tạo đường nét hoa văn trên khuôn đúc.

Nghề làm lư đồng cũng lắm công phu và nhiều công đoạn phức tạp. Do đó người nghệ nhân gần như phải đảm nhiệm hầu hết các công đoạn, từ pha chế nguyên liệu, làm khuôn, đúc, gia công, cho đến kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn tam khí. Về cơ bản phải qua 4 công đoạn là làm đất, đổ khuôn, đúc và làm nguội.

< Công đoạn làm nguội, tức làm sạch những chi tiết thừa sau khi đúc.

Cũng theo nghệ nhân Hai Thắng, cách để phân biệt giữa lư đồng làng An Hội và lư đồng sản xuất đại trà theo hình thức công nghiệp cũng không khó lắm.

< Hàn trám những chỗ bị rỗ trên mặt sản phẩm.

< Chỉnh sửa các hoa văn hoạ tiết của sản phẩm.

Lư sản xuất công nghiệp thường có màu vàng xanh, sau vài năm thì xỉn màu; còn lư làng An Hội ửng màu vàng sậm, càng lau chùi thì càng bóng và giữ được màu.

< Ông Hai Thắng với bộ lư đồng truyền thống được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Đặc biệt, lư đồng An Hội có hình dáng trang nghiêm, cổ kính, đường nét tinh xảo, càng nhìn lâu càng có hồn. Vì thế nó rất được người miền Nam ưa chuộng, chọn mua để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên và những nơi thờ phụng trang nghiêm.

< Nhờ có chất đồng tốt nên lư đồng An Hội chỉ cần rửa qua bằng nước lạnh là đã sáng bóng như mới.

Lư đồng An Hội hiện có 2 loại: loại lư Bắc thường có hình dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam có dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 5-6 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/bộ, tùy theo lượng đồng, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết (rồng phụng, trúc mai, chim hạc, song long hoặc phúc lộc thọ...).

< Lư đồng An Hội có màu vàng sậm đặc trưng.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh và những gia đình làm nghề đang thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm… nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa làng nghề cổ xưa này.

< Bộ chén đồng đi kèm với đường nét hoa văn cổ kính và tinh xảo.

Một sản phẩm phải trải qua ba công đoạn chính là làm khuôn, đúc, làm nguội: Người thợ dùng đất sét và sáp tạo khuôn, sau đó nung khuôn, đồng thời nấu chảy đồng rồi rót vào khuôn, cuối cùng là đục chạm hoa văn và đánh bóng sản phẩm. Nếu tính riêng để một bộ sản phẩm hoàn tất thì mất trên 15 ngày công.

Trong cuộc sống hiện đại, nhộn nhịp hôm nay, việc tồn tại những lò đúc đồng thủ công ngay giữa Sài Gòn âu cũng là một điều thú vị.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Oanh - Đặng Kim Phương (Báo Ảnh VN), Minh An (SGGP).
Văn Chấn là một huyện miền núi, với điều kiện địa hình đối núi dốc mạnh, lượng mưa lớn tập trung. Do đó, sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trồng các loại cây hoa màu như cây ngô.

< Những đồi ngô lai CPA88 ngả vàng báo hiệu mùa thu hoạch sắp đến ở Văn Chấn – Yên Bái.

Nhưng dưới sự hỗ trợ về giống của chính quyền và sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của người dân nơi đây, những giống ngô lai đã dần vươn mình cắm rễ trên đất Văn Chấn góp phần thay đổi bộ mặt đời sống người dân trong vùng.

< Những bắp ngô lai LVN99 vàng óng với các dãy hạt tròn đều, căng mọng.

Đến Văn Chấn vào thời điểm tháng 5, tháng 6 trong năm, dọc theo con đường quốc lộ từ thành phố Yên Bái đến hết vùng đất Suối Giàng (nơi có những cây chè San tuyết nổi tiếng), thay vì màu xanh của cây, của lá ngô thì đâu đâu cũng bạt ngàn màu vàng của những bắp ngô lai đang vào độ thu hoạch.

< Người Mông thu hoạch ngô trên nương.

Văn Chấn là huyện có diện tích trồng ngô lớn nhất nhì tỉnh Yên Bái với hơn 5000ha đất trồng ngô và chủ yếu tập trung ở các xã: Sơn Thịnh, Cát Thịnh, Suối Giàng, Gia Hội, Sơn Lương, Nậm Mười…

Chúng tôi được anh Hanh, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn đưa đi thăm những vùng trồng ngô tập trung ở các xã trong huyện.

< Nụ cười được mùa ngô của người Mông ở Văn Chấn – Yên Bái.

Đây đang là mùa thu hoạch ngô nên đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những hộ gia đình người Tày, người Thái với những đống ngô vàng óng bên căn lều được dựng tạm ngay ở thửa ruộng nhà mình. Những đống ngô này để vận chuyển được về nhà là cả một “hành trình”, bởi ruộng ngô nào cũng nằm chót vót trên những quả đồi, sườn núi cao.

< Con trẻ sung sướng khi nhìn những bắp ngô vàng óng chất đầy sân nhà mình.

Thế nhưng hình ảnh những người dân đi bẻ ngô vui như đi trẩy hội khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Tay bẻ, tay tước vỏ mà miệng thì vẫn nói cười, chuyện trò rôm rả. Tôi cảm nhận được niềm vui của một mùa màng bội thu, niềm vui của những người nông dân Văn Chấn yêu lao động sản xuất.

Có gia đình cả dòng họ cùng đi bẻ hộ như gia đình anh Trang A Lử, nhưng lại có gia đình chỉ có hai vợ chồng và một cậu con trai vẫn còn đang lò dò tập bò cũng được bố mẹ cho đi nương như gia đình anh Sổng A Hồng (người Mông, xã Suối Giàng).

< Cả nhà vui mùng khi ngô được mùa.

Sổng A Hồng cho biết: “Năm nay nhà em trồng giống ngô LVN919. Em thấy bắp to, hạt đều kín hết đầu và năng suất hơn giống C99 năm ngoái”. Gia đình A Hồng có gần 5000m2 đất đồi trồng ngô. Và trước khi bắt đầu gieo hạt cho vụ mới, A Hồng cũng như những hộ gia đình khác trong bản đều xuống huyện mua giống của những đại lí bán giống theo cơ cấu giống của huyện. “Bọn em được các đại lí tư vấn là vụ này huyện có giống gì mới, tốt đã được thử nghiệm để lựa chọn có mua và trồng thử trong vụ mới này hay không. Thấy đồn giống nào tốt hơn là em mua về trồng thử”, A Hồng chia sẻ.

< Được mùa ngô, mẹ và con sẽ được no ấm hơn.

Sau đó, anh Hanh dẫn tiếp chúng tôi qua thăm các thửa ruộng trồng thử nghiệm hai giống ngô lai PAC293 và PAC296. Đây là 2 giống ngô lai mới nhất của Công ty Attanta Thái Lan đang được thử nghiệm trên đất đồi Văn Chấn trong vụ xuân hè năm nay. Hai giống ngô này cũng đang vào độ thu hoạch và chuẩn bị được nghiệm thu để xem xét có đủ tiêu chuẩn đưa vào cơ cấu giống của huyện hay không. Do đặc điểm về địa hình đồi núi dốc mạnh nên đặc thù riêng của trồng cây hoa màu trên đất Văn Chấn là để cây cho năng suất cao thì phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: thời tiết và giống.

< Giống ngô mới làm cho cuộc sống đồng bào vùng cao Văn Chấn khấm khá hơn.

“Bởi vậy, năm nào huyện cũng liên kết và phối hợp với các công ty giống ngô lai cho trồng thử nghiệm ở một vài thửa ruộng trong huyện. Khi nghiệm thu nếu cây đạt đủ tiêu chuẩn, chịu hạn, chống đổ và cho năng suất cao thì sẽ được cho vào cơ cấu giống của huyện”, anh Hanh cho biết.

Với lý do đó, trong những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu giống, lựa chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ chăn nuôi luôn được lãnh đạo huyện Văn Chấn rất chú trọng. Với địa hình thổ nhưỡng đặc thù, Văn Chấn đã xác định giống là yếu tố hàng đầu mà địa phương cần chú trọng để giúp bà con nông dân trong huyện đạt năng suất cao hơn trong trồng trọt hoa màu. Và hầu hết các giống ngô lai nổi tiếng trong nước và nước ngoài như LVN99, C919… đều có mặt trên đất đồi Văn Chấn. Gần đây nhất là hai giống ngô lai NK6654, NK4300 được trạm khuyến nông huyện Văn Chấn phối hợp với công ty TNHH Sygenta Việt Nam và công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang cho trồng khảo nghiệm ở một số xã trong huyện và cho đến nay đều đạt từ năng suất từ 6 - 6,5 tấn/ha. Đây là năm thứ tư giống ngô NK “cắm rễ” trên đất Văn Chấn và liên tiếp được mùa nên nó cũng đang ngày một khẳng định ưu thế vượt trội trên vùng đất đồi này.

< Ngô được cho vào máy để tách hạt.

Giống ngô NK4300 chịu hạn tốt, cây khỏe, bắp to màu hạt đẹp, năng suất cao; Giống ngô NK6654 trồng được 3 vụ/năm, có ưu điểm chịu hạn, chịu úng tốt năng suất trung bình 8 tấn/ha, năng suất tiềm năng có thể đạt tới 12-14 tấn/ha. Đây là hai giống ngô thuộc nhóm trung ngày, có thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày. Năng suất thực tế ở mô hình trình diễn tại xã Sơn Lương đạt 9 tấn/ha. Đây cũng là hai giống ngô có lượng tiêu thụ lớn nhất trong toàn tỉnh Yên Bái. Tính 6 tháng đầu năm 2012, lượng tiêu thụ của nó đã vào khoảng 60 tấn.

< Ngô lai sau khi tách hạt.

Ngoài ra, một số giống ngô khác trong huyện cũng cho năng suất cao như CPA88, CP333... Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình thử nghiệm giống ngô lai trên đất dốc, CP A88, CP 333 có ưu điểm vượt trội hơn các giống ngô khác đang được triển khai tại địa phương như: phát triển mạnh, tỉ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng ngắn; trỗ cờ phun râu tập trung, lá ngô đứng, ngọn, thân cây to, dẻo; bộ rễ chân kiềng phát triển mạnh, khả năng chống hạn và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá; độ đồng đều cao, hạt mẩy, hạt có mầu vàng cam dạng đá, lõi ngô nhỏ, vỏ bi kín nên hạn chế được sâu bệnh hại.

< Mua bán ngô ở vùng cao Văn Chấn.

Với việc xác định rõ đặc thù của địa phương, chính quyền nơi đây đã có những hướng đi mạnh dạn sáng tạo, luôn tìm tòi đổi mới trong việc lựa chọn, cung ứng những giống ngô lai tốt nhất cho người nông dân. Và với một vùng đất đồi dốc, xác định cây ngô là một trong những cây hoa màu chủ lực của địa phương thì đây đúng là một sự hỗ trợ cần thiết để người nông dân Văn Chấn vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống kinh tế gia đình ngày một bền vững.

Du lịch, GO! - Theo Thảo Vy - Trịnh Văn Bộ (Vietnam.vnanet)
Những ai sinh ra và lớn lên nơi chốn ruộng đồng sông nước chắc hẳn sẽ không thể nào quên những món ăn ngon dân dã từ con tép nghệ thân thương mẹ vẫn nấu những ngày thơ bé.

< Tép nghệ tươi.

Tép nghệ, có nơi gọi là tép bạc nghệ hoặc tôm lóng, sống ở sông. Tép nghệ là loài ăn tạp, kiếm ăn vào ban đêm, ăn động vật giáp xác, tảo, bã mùn. Đôi chân ngực thứ hai của tép nghệ phát triển mạnh thành đôi càng, tròn, dài, vươn thẳng tới phía trước. Vỏ tép mỏng, màu trắng bạc nhưng khi chế biến xong lại chuyển sang màu đỏ vàng như màu nghệ tươi nên gọi là tép nghệ.

Người ta dùng lưới để đánh bắt tép nghệ trong đêm, sáng sớm hôm sau thì mang ra chợ bán. Tép nghệ sống trong môi trường tự nhiên không bị ô nhiễm, thịt chắc, béo, thơm nên luôn được các bà nội trợ chọn mua mang về chế biến thành nhiều món ăn ngon dân dã để đãi những người thân trong gia đình.

Những ngày còn nhỏ ở quê, thỉnh thoảng mẹ tôi lại làm món tép nghệ nướng để ba tôi lai rai cùng các bác trong thôn. Mẹ chọn những con tép nghệ lớn, dùng que tre nhỏ xuyên dọc qua mình tép rồi nướng trên than hồng cho đến khi tép chín, tỏa hương thơm nồng.

Hồi đó, tôi cũng thường được mẹ cho mấy con tép nghệ nướng chấm muối tiêu chanh. Thịt tép ngọt, thơm, béo hòa cùng vị đậm đà của muối tiêu ngon đến không ngờ. Trong buổi chiều yên ả, dìu dịu với những làn gió mát từ sóng nước sông quê, câu chuyện hàn huyên, tâm sự của ba và mấy bác bên đĩa tép nướng của mẹ cũng trở nên rộn ràng, rôm rả hơn rất nhiều.

Cho những bữa cơm quê mùa ngon lành, tép nghệ còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon thú vị. Trong đó tép nghệ rang là món ăn gắn bó với người dân chốn sông nước từ bao đời nay. Tép mang về lột bỏ phần vỏ đầu, cắt bỏ các chân, rửa sạch, để ráo rồi ướp muối, hạt nêm, mì chính, hành, tiêu, tỏi nửa giờ cho thấm gia vị.

Phi thơm mỡ hoặc dầu phộng rồi cho tép vào đảo đều, để lửa vừa phải chờ cho tép chín, tỏa hương thơm quyến rũ thì thêm một ít tiêu bột rồi tắt bếp. Cách điệu hơn một chút là rang cùng nước cốt dừa hay cho thêm một ít lá chanh thái chỉ, lá hẹ vào rang cùng. Món tép rang lúc này sẽ ngon và thêm nhiều hương vị.
Đĩa tép rang nóng hổi, thơm ngát ăn với cơm nóng rất ngon với vị ngọt, béo, giòn, thơm và màu sắc bắt mắt của tép, mang đến cho người ăn cảm giác ấm áp và lạ miệng.

Bữa cơm gia đình ở quê thường có thêm món canh rau nấu với tép nghệ. Nguyên liệu chỉ là một ít tép nghệ ướp sẵn nấu với bất cứ loại rau gì, từ rau lang, mồng tơi, rau má, rau ngót, bầu, bí... đến các loại rau rừng như rau sấn, rau lủi tím, rau dớn…
Tất cả đều cho ra món canh mát lành, thơm ngon, ngọt nước, giúp giải nhiệt ngày nắng nóng, mang đến cho người ăn cảm giác khỏe khoắn, dễ chịu.

Ngoài ra, người vùng sông nước còn dùng tép nghệ để làm nhân đúc bánh xèo, làm bánh bột lọc, bánh nậm, bánh gói… giúp các món ăn thêm thơm ngon và hấp dẫn hơn nhiều.

Du lịch, GO! - Theo K.Loan (báo Tuổi Trẻ)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống