Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 17 April 2013

Nơi ven trời Tây Bắc có Lai Châu, mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn, vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ của miền Tây Bắc. Sắc màu của các tộc người với nhiều phong tục lạ, núi non trùng điệp quấn quít mây bay, những rừng cây rậm rạp hoang vu,kỳ ảo, những con suối vừa hiền hòa vừa dữ dội len lỏi giữa các khe đá, miên man qua năm tháng với khúc nhạc rừng bất tận đã tạo cho Lai Châu có một không gian đầy cuốn hút.

Khám phá Lai Châu là khám phá vùng đất có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú, đặc sắc của hai mươi dân tộc anh em cùng sinh sống.

Sự đồng điệu, nét đặc thù, điểm chung, nét riêng, dấu ấn của bản sắc văn hóa hiện hình trong nếp sống, trang phục, cách ứng xử giao tiếp hàng ngày của đồng bào các dân tộc. Dễ dàng nhận thấy nét văn hóa phong phú, đa dạng trong mỗi ngôi nhà, mỗi tà áo, vành khăn...

Cô gái Mông tay thoăn thoắt xe lanh, càng thêm hấp dẫn trong tấm khăn Piêu của đồng bào Thái; cô gái Thái, duyên dáng, tinh nghịch, mặt ửng hồng thưởng thức món Thắng cố - đặc sản của đồng bào Mông mỗi dịp lễ tết, hội hè. Chàng trai Dao, chàng trai Mảng, chàng trai Khơ Mú mơ màng cạn bát rượu ngô Sùng Phài, ngào ngạt men say; cô gái kinh đầu mang khăn Piêu, vai khoác túi thổ cẩm rực rỡ uyển chuyển tung quả còn xanh, đỏ lên cây nêu đầu chợ.

Và cả những đêm xòe ngất ngây lòng người. Đó là những đêm các cô gái Thái trong trang phục áo cóm trắng bó sát người với hàng cúc bạc lấp lánh, váy lĩnh đen tuyền uyển chuyển trong tiếng nhạc, những bước chân nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã.  Những gương mặt nóng bừng, ngới sáng. Những giọt mồ hôi lăn đều trên đôi má ửng hồng của cô gái vùng cao, ướt đuôi tóc chàng trai bản núi. Dạ tiệc chỉ dừng khi gà gáy chuyển canh. Tiếng bước chân, cùng tiếng nói cười xa gần theo những lối mòn về bản, với bao bịn rịn.

Chợ phiên vùng cao là nơi biểu hiện rất rõ những nét văn hoá đặc trưng ở Lai Châu. Những phiên chợ mang đậm nét  sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc, nó lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Phiên chợ là nơi người ta gặp gỡ trò chuyện, là nơi khoe sự rực rỡ của vẻ đẹp trang phục, nơi bay bổng của làn điệu xòe quyến rũ lòng người.

< Lễ hội đua ngựa thồ.

Lai Châu còn có nhiều lễ hội mang những nét đặc sắc riêng của từng dân tộc. Hầu hết các lễ hội truyền thống ở Lai Châu đều mang tính chất tín ngưỡng dân gian, việc tổ chức đều do làng, bản chịu trách nhiệm theo một chu kỳ thời gian, mùa vụ nhất định. Các lễ hội không mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, chỉ mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khoẻ cộng đồng bản mường. Đối tượng được thờ tự tại các lễ hội là các vị thần như thần gốc cây, thần sông suối, thần ruộng nương,....

Người dân tin vào một thế giới thần linh mà thế giới thần linh này là người dìu dắt phần hồn của thế giới trần gian. Qua tổ chức các lễ hội dân gian như thế này người ta thấy lòng mình nhẹ nhõm, gột rửa những điều ác, điều xấu, quên đi những cực nhọc, lo toan của cuộc sống đời thường. Đặc thù lễ hội dân gian ở Lai Châu mang đậm chất thơ ca và diễn xướng dân gian hàm chứa lời dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải, đoàn kết cộng đồng.

< Lễ hội Bun Vốc Nậm (Té nước) ở Lai Châu.

Cùng với lễ hội thường gắn với các trò chơi dân gian dân tộc để cộng đồng bản mường cùng vui chung. Mặc khác, tổ chức lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số còn có ý nghĩa giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, tạo điều kiện để nhân dân tham gia cùng sáng tạo văn hoá. Lễ hội truyền thống ở Lai Châu không phức tạp như các tỉnh miền xuôi, các lễ hội này đều do bản làng tự đứng ra tổ chức, nhân dân tự động đóng góp lễ vật không đáng kể, chủ lễ thường là những người già có uy tín trong cộng đồng, thông tỏ nhiều rất nhiều văn chương truyền miệng.

Dân tộc Thái có lễ hội Then Kim Pang (Mường So, Phong Thổ), tổ chức vào 10-3 âm lịch. Nét đặc sắc của lễ hội này là các nghi lễ tâm linh có các điệu hát then (với 36 bài), múa then (36 bài), nguồn gốc chính của múa nón Thái, xòe Thái ngày nay là bắt nguồn từ đây.

< Lễ hội gầu tào (Grâu Taox) của người Mông.

Dân tộc Mông có lễ hội Grâu Taox (Dào San, Phong Thổ) tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch với nét đặc sắc là hát, múa và ăn thắng cố. Dân tộc Dao có lễ hội qua tang, Tủ Cải tổ chức cúng lễ nghi, báo cáo với tổ tiên. Dân tộc Lự với lễ Căm Mương - rước lễ vật ra rừng "thiêng" làm lễ cúng thần rừng, thần sông suối. Dân tộc Giáy với lễ hội lồng tồng, cầu cho mùa màng tốt tươi, người dân kéo nhau ra đồng chơi các trò chơi dân gian. Dân tộc Cống với lễ hội Cầu mưa, lễ vật đưa ra ven suối để trình lên trời đất cho mưa thuận gió hòa, sau đó tổ chức hội té nước, các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa ẩm thực. Dân tộc Hà Nhì với hội hồ sa chứ (hội Ma Gạ thú)...

Nhà ở truyền thống của Lai Châu  cũng là một trong những giá trị văn hoá đặc sắc nhất ở vùng đất này. Ngôi nhà truyền thống của từng dân tộc cơ bản vẫn giữ được nét đẹp riêng của mình. Dân tộc Thái ở nhà sàn bằng gỗ, dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông ở nhà trình tường bằng đất; dân tộc Mảng, La Hủ vẫn sống cheo leo trên sườn núi, với những mái nhà thấp lợp gianh, vách nứa...

Vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ, trường ca sử thi, tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ, chữ viết ở Lai Châu là một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, quý báu đã tác động đến các hoạt động văn hóa, đến đời sống tinh thần của một tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, Lai Châu là một tỉnh có phong cảnh thiên nhiên hữu tình và nhiều di tích lịch sử. Đó là những cao nguyên cao trên 1.500m, mây, sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm như: cao nguyên Sìn Hồ, hồ Thầu, Dào San ...

Đó là suối nước nóng, nước khoáng mà thiên nhiên tặng cho Lai Châu như núi đá Ô, động Tiên (Sìn Hồ); suối nước nóng Vàng Bó (Phong Thổ); suối nước nóng Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường); suối nước khoáng (Than Uyên); … và các hồ thuỷ điện lớn khác.          

Dinh thự Đèo Văn Long thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ, là khu dinh thự của ông vua Thái bù nhìn trong kháng chiến chống Pháp. Dinh thự trở thành di tích lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc, chứng tích cho việc hạ bệ kẻ cúi đầu làm nô lệ và là nơi thăm quan tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hoá Thái.

Bia Lê Lợi được khắc trên vách đá bờ Bắc sông Đà, nay thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ. Lại co di chỉ khảo cổ học nền văn minh của người Việt cổ như di tích Nậm Phé, Nậm Tun ở Phong Thổ; tại đây đã tìm thấy công cụ của thời kỳ đồ đá; những công cụ bằng đồng của nền văn hoá Đông Sơn thời đại Hùng Vương…

Có thể nói, thiên nhiên và con ngưòi của vùng đất Lai Châu đã đan xen, hòa quyện trong nhau, kết thành một nền tảng văn hóa đặc thù bền chặt trường tồn với thời gian.

Du lịch, GO! - Theo Cinet. VN, ảnh internet
Trong lòng Tp. Hồ Chí Minh sôi động, mặc cho bao thế sự thăng trầm, suốt gần 200 năm nay, ở quận Gò Vấp vẫn tồn tại một làng nghề đúc lư đồng nổi tiếng.

< Nghề đúc lư đồng truyền thống của An Hội đã có gần 200 năm nay.

Làng nghề ấy xưa có tên là An Hội, nay là đường Phan Huy Ích ở phường 12, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh. Trải qua thời gian, nhiều làng đúc đồng nổi tiếng ở Tp. Hồ Chí Minh như Chợ Quán, Phú Lâm đã bị mai một và chỉ còn trong ký ức, duy nơi này vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến tận bây giờ. Hiện ở đây có khoảng 10 cơ sở chuyên đúc lư đồng theo phương pháp thủ công để cung cấp chủ yếu cho thị trường miền Nam.

< Ngày nay, sản phẩm vẫn được làm theo lối thủ công truyền thống.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất lư đồng của ông Hai Thắng (Trần Văn Thắng). Gia đình ông làm nghề đúc lư đồng theo lối cha truyền con nối tính cho tới nay cũng đã 4 đời. Ông hào hứng kể: “Xưa kia, vào giai đoạn thịnh vượng, lư đồng làng An Hội được đưa đi bán khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh và sang tận Cao Miên, Lào, Miến Điện…

< Khuôn đúc được làm bằng đất sét trộn với tro và trấu.

Nay tuy nghề không còn thịnh như xưa nhưng tôi vẫn sẽ cố không để nó bị mai một”. Nói đoạn, ông quay sang phía người con trai đang cắm cúi làm và bảo: “Truyền nhân đời thứ 5 nhà tôi đấy. Nó sẽ tiếp tục thay tôi giữ gìn nghề lư đồng này!”.

< Kỹ thuật nặn khuôn đúc khá công phu và tỉ mỉ.

Tết vừa rồi, cơ sở của ông Hai Thắng xuất đi hơn 2000 bộ lư đồng. Tùy từng loại lớn hay nhỏ mà có giá từ 4 triệu đến 20 triệu một bộ. Lư đồng An Hội nổi tiếng khắp vùng vì sản phẩm ở đây rất bền, đẹp và độ bóng bắt mắt.

< Tạo dáng khuôn đúc lư đồng.

Mỗi chiếc lư đồng đều toát lên sự uy nghiêm, trầm mặc qua những họa tiết hoa văn được chạm khắc tinh xảo. Tất cả đều được làm thủ công qua bàn tay khéo léo của những người thợ. Để có một bộ lư bền, màu đồng bóng, đẹp, mỗi lò đúc có những kinh nghiệm khác nhau và người làm nghề đúc đồng cũng phải có bí quyết riêng.

< Tạo đường nét hoa văn trên khuôn đúc.

Nghề làm lư đồng cũng lắm công phu và nhiều công đoạn phức tạp. Do đó người nghệ nhân gần như phải đảm nhiệm hầu hết các công đoạn, từ pha chế nguyên liệu, làm khuôn, đúc, gia công, cho đến kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn tam khí. Về cơ bản phải qua 4 công đoạn là làm đất, đổ khuôn, đúc và làm nguội.

< Công đoạn làm nguội, tức làm sạch những chi tiết thừa sau khi đúc.

Cũng theo nghệ nhân Hai Thắng, cách để phân biệt giữa lư đồng làng An Hội và lư đồng sản xuất đại trà theo hình thức công nghiệp cũng không khó lắm.

< Hàn trám những chỗ bị rỗ trên mặt sản phẩm.

< Chỉnh sửa các hoa văn hoạ tiết của sản phẩm.

Lư sản xuất công nghiệp thường có màu vàng xanh, sau vài năm thì xỉn màu; còn lư làng An Hội ửng màu vàng sậm, càng lau chùi thì càng bóng và giữ được màu.

< Ông Hai Thắng với bộ lư đồng truyền thống được đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên.

Đặc biệt, lư đồng An Hội có hình dáng trang nghiêm, cổ kính, đường nét tinh xảo, càng nhìn lâu càng có hồn. Vì thế nó rất được người miền Nam ưa chuộng, chọn mua để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên và những nơi thờ phụng trang nghiêm.

< Nhờ có chất đồng tốt nên lư đồng An Hội chỉ cần rửa qua bằng nước lạnh là đã sáng bóng như mới.

Lư đồng An Hội hiện có 2 loại: loại lư Bắc thường có hình dáng tròn trĩnh hoặc bầu dẹp, lư Nam có dáng vuông. Loại hàng chợ, giá thường từ 2 đến 5-6 triệu đồng/bộ và loại hàng đặt, giá dao động từ 5 - 15 triệu đồng/bộ, tùy theo lượng đồng, độ tinh xảo, kỳ công của các họa tiết (rồng phụng, trúc mai, chim hạc, song long hoặc phúc lộc thọ...).

< Lư đồng An Hội có màu vàng sậm đặc trưng.

Hiện nay, Tp. Hồ Chí Minh và những gia đình làm nghề đang thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm… nhằm bảo tồn và phát triển hơn nữa làng nghề cổ xưa này.

< Bộ chén đồng đi kèm với đường nét hoa văn cổ kính và tinh xảo.

Một sản phẩm phải trải qua ba công đoạn chính là làm khuôn, đúc, làm nguội: Người thợ dùng đất sét và sáp tạo khuôn, sau đó nung khuôn, đồng thời nấu chảy đồng rồi rót vào khuôn, cuối cùng là đục chạm hoa văn và đánh bóng sản phẩm. Nếu tính riêng để một bộ sản phẩm hoàn tất thì mất trên 15 ngày công.

Trong cuộc sống hiện đại, nhộn nhịp hôm nay, việc tồn tại những lò đúc đồng thủ công ngay giữa Sài Gòn âu cũng là một điều thú vị.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Oanh - Đặng Kim Phương (Báo Ảnh VN), Minh An (SGGP).
Văn Chấn là một huyện miền núi, với điều kiện địa hình đối núi dốc mạnh, lượng mưa lớn tập trung. Do đó, sản xuất nông nghiệp ở Văn Chấn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trồng các loại cây hoa màu như cây ngô.

< Những đồi ngô lai CPA88 ngả vàng báo hiệu mùa thu hoạch sắp đến ở Văn Chấn – Yên Bái.

Nhưng dưới sự hỗ trợ về giống của chính quyền và sự mạnh dạn dám nghĩ, dám làm của người dân nơi đây, những giống ngô lai đã dần vươn mình cắm rễ trên đất Văn Chấn góp phần thay đổi bộ mặt đời sống người dân trong vùng.

< Những bắp ngô lai LVN99 vàng óng với các dãy hạt tròn đều, căng mọng.

Đến Văn Chấn vào thời điểm tháng 5, tháng 6 trong năm, dọc theo con đường quốc lộ từ thành phố Yên Bái đến hết vùng đất Suối Giàng (nơi có những cây chè San tuyết nổi tiếng), thay vì màu xanh của cây, của lá ngô thì đâu đâu cũng bạt ngàn màu vàng của những bắp ngô lai đang vào độ thu hoạch.

< Người Mông thu hoạch ngô trên nương.

Văn Chấn là huyện có diện tích trồng ngô lớn nhất nhì tỉnh Yên Bái với hơn 5000ha đất trồng ngô và chủ yếu tập trung ở các xã: Sơn Thịnh, Cát Thịnh, Suối Giàng, Gia Hội, Sơn Lương, Nậm Mười…

Chúng tôi được anh Hanh, cán bộ phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn đưa đi thăm những vùng trồng ngô tập trung ở các xã trong huyện.

< Nụ cười được mùa ngô của người Mông ở Văn Chấn – Yên Bái.

Đây đang là mùa thu hoạch ngô nên đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh những hộ gia đình người Tày, người Thái với những đống ngô vàng óng bên căn lều được dựng tạm ngay ở thửa ruộng nhà mình. Những đống ngô này để vận chuyển được về nhà là cả một “hành trình”, bởi ruộng ngô nào cũng nằm chót vót trên những quả đồi, sườn núi cao.

< Con trẻ sung sướng khi nhìn những bắp ngô vàng óng chất đầy sân nhà mình.

Thế nhưng hình ảnh những người dân đi bẻ ngô vui như đi trẩy hội khiến người ta không khỏi ngạc nhiên, thích thú. Tay bẻ, tay tước vỏ mà miệng thì vẫn nói cười, chuyện trò rôm rả. Tôi cảm nhận được niềm vui của một mùa màng bội thu, niềm vui của những người nông dân Văn Chấn yêu lao động sản xuất.

Có gia đình cả dòng họ cùng đi bẻ hộ như gia đình anh Trang A Lử, nhưng lại có gia đình chỉ có hai vợ chồng và một cậu con trai vẫn còn đang lò dò tập bò cũng được bố mẹ cho đi nương như gia đình anh Sổng A Hồng (người Mông, xã Suối Giàng).

< Cả nhà vui mùng khi ngô được mùa.

Sổng A Hồng cho biết: “Năm nay nhà em trồng giống ngô LVN919. Em thấy bắp to, hạt đều kín hết đầu và năng suất hơn giống C99 năm ngoái”. Gia đình A Hồng có gần 5000m2 đất đồi trồng ngô. Và trước khi bắt đầu gieo hạt cho vụ mới, A Hồng cũng như những hộ gia đình khác trong bản đều xuống huyện mua giống của những đại lí bán giống theo cơ cấu giống của huyện. “Bọn em được các đại lí tư vấn là vụ này huyện có giống gì mới, tốt đã được thử nghiệm để lựa chọn có mua và trồng thử trong vụ mới này hay không. Thấy đồn giống nào tốt hơn là em mua về trồng thử”, A Hồng chia sẻ.

< Được mùa ngô, mẹ và con sẽ được no ấm hơn.

Sau đó, anh Hanh dẫn tiếp chúng tôi qua thăm các thửa ruộng trồng thử nghiệm hai giống ngô lai PAC293 và PAC296. Đây là 2 giống ngô lai mới nhất của Công ty Attanta Thái Lan đang được thử nghiệm trên đất đồi Văn Chấn trong vụ xuân hè năm nay. Hai giống ngô này cũng đang vào độ thu hoạch và chuẩn bị được nghiệm thu để xem xét có đủ tiêu chuẩn đưa vào cơ cấu giống của huyện hay không. Do đặc điểm về địa hình đồi núi dốc mạnh nên đặc thù riêng của trồng cây hoa màu trên đất Văn Chấn là để cây cho năng suất cao thì phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: thời tiết và giống.

< Giống ngô mới làm cho cuộc sống đồng bào vùng cao Văn Chấn khấm khá hơn.

“Bởi vậy, năm nào huyện cũng liên kết và phối hợp với các công ty giống ngô lai cho trồng thử nghiệm ở một vài thửa ruộng trong huyện. Khi nghiệm thu nếu cây đạt đủ tiêu chuẩn, chịu hạn, chống đổ và cho năng suất cao thì sẽ được cho vào cơ cấu giống của huyện”, anh Hanh cho biết.

Với lý do đó, trong những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu giống, lựa chọn giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu thị trường và phục vụ chăn nuôi luôn được lãnh đạo huyện Văn Chấn rất chú trọng. Với địa hình thổ nhưỡng đặc thù, Văn Chấn đã xác định giống là yếu tố hàng đầu mà địa phương cần chú trọng để giúp bà con nông dân trong huyện đạt năng suất cao hơn trong trồng trọt hoa màu. Và hầu hết các giống ngô lai nổi tiếng trong nước và nước ngoài như LVN99, C919… đều có mặt trên đất đồi Văn Chấn. Gần đây nhất là hai giống ngô lai NK6654, NK4300 được trạm khuyến nông huyện Văn Chấn phối hợp với công ty TNHH Sygenta Việt Nam và công ty Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Giang cho trồng khảo nghiệm ở một số xã trong huyện và cho đến nay đều đạt từ năng suất từ 6 - 6,5 tấn/ha. Đây là năm thứ tư giống ngô NK “cắm rễ” trên đất Văn Chấn và liên tiếp được mùa nên nó cũng đang ngày một khẳng định ưu thế vượt trội trên vùng đất đồi này.

< Ngô được cho vào máy để tách hạt.

Giống ngô NK4300 chịu hạn tốt, cây khỏe, bắp to màu hạt đẹp, năng suất cao; Giống ngô NK6654 trồng được 3 vụ/năm, có ưu điểm chịu hạn, chịu úng tốt năng suất trung bình 8 tấn/ha, năng suất tiềm năng có thể đạt tới 12-14 tấn/ha. Đây là hai giống ngô thuộc nhóm trung ngày, có thời gian sinh trưởng từ 105 – 110 ngày. Năng suất thực tế ở mô hình trình diễn tại xã Sơn Lương đạt 9 tấn/ha. Đây cũng là hai giống ngô có lượng tiêu thụ lớn nhất trong toàn tỉnh Yên Bái. Tính 6 tháng đầu năm 2012, lượng tiêu thụ của nó đã vào khoảng 60 tấn.

< Ngô lai sau khi tách hạt.

Ngoài ra, một số giống ngô khác trong huyện cũng cho năng suất cao như CPA88, CP333... Theo đánh giá của các hộ dân tham gia mô hình thử nghiệm giống ngô lai trên đất dốc, CP A88, CP 333 có ưu điểm vượt trội hơn các giống ngô khác đang được triển khai tại địa phương như: phát triển mạnh, tỉ lệ nảy mầm cao, thời gian sinh trưởng ngắn; trỗ cờ phun râu tập trung, lá ngô đứng, ngọn, thân cây to, dẻo; bộ rễ chân kiềng phát triển mạnh, khả năng chống hạn và chống đổ tốt, chống chịu sâu bệnh khá; độ đồng đều cao, hạt mẩy, hạt có mầu vàng cam dạng đá, lõi ngô nhỏ, vỏ bi kín nên hạn chế được sâu bệnh hại.

< Mua bán ngô ở vùng cao Văn Chấn.

Với việc xác định rõ đặc thù của địa phương, chính quyền nơi đây đã có những hướng đi mạnh dạn sáng tạo, luôn tìm tòi đổi mới trong việc lựa chọn, cung ứng những giống ngô lai tốt nhất cho người nông dân. Và với một vùng đất đồi dốc, xác định cây ngô là một trong những cây hoa màu chủ lực của địa phương thì đây đúng là một sự hỗ trợ cần thiết để người nông dân Văn Chấn vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống kinh tế gia đình ngày một bền vững.

Du lịch, GO! - Theo Thảo Vy - Trịnh Văn Bộ (Vietnam.vnanet)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống