Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 18 April 2013

Nếu bạn đến thăm Đền Hùng, Phú Thọ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương này và muốn tham quan thêm nhiều địa điểm khác thì bạn có thể yên tâm. Bởi vì ngoài các di tích và đền chùa, Phú Thọ cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đẹp lắm đấy.

< Đền Hạ trong khu vực đền Hùng.

Suối Tiên

Từ thành phố Việt Trì, đi về phía Tây Bắc khoảng 80 km là đến Ao Giời – Suối Tiên nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê – huyện Hạ Hoà.

Suối Tiên bắt nguồn từ núi Nả, với chiều dài hơn 10 km quanh co chảy qua các khe đá và trông như một dải lụa trắng bạc. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m², sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên.

Màu trắng của Suối Tiên hòa lẫn với màu xanh của mây trời và núi rừng tạo nên một cảnh trí sinh động làm xao xuyến lòng người. Suối Tiên chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên 14 con thác có độ cao khác nhau, trong đó có một số thác cao đến 20m. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây.

Cảnh vật ở đây còn khá hoang sơ nên bạn có thể leo núi, cắm trại, nghỉ dưỡng và thậm chí là nghiên cứu khoa học.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn là khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi vẫn còn giữ được rất nhiều nét hoang sơ. Một ngày ở Xuân Sơn khí hậu thay đổi 4 mùa: buổi sáng mát mẻ, trong lành như mùa xuân; buổi trưa ấm áp như mùa hè; buổi chiều hiu hiu như mùa thu; buổi tối trời se lạnh.

Giá trị nhất của Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị sinh học cao. Ở đây có những cây chò cao bằng toà nhà 20 tầng hay cây gỗ nghiến cổ thụ gốc bạnh to 3 người ôm không xuể…

Đến Xuân Sơn, bạn có thể tham quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tìm hiểu sự phát triển của các loại động thực vật quý hiếm, khám phá vẻ đẹp của các ngọn núi hay trải nghiệm cảm giác phiêu lưu trong hang động. Ngoài ra, ở đây bạn có thể thưởng thức món đặc sản thịt lợn rừng và rượu Xuân Sơn cay nồng bên bạn bè sẽ rất tuyệt vời.

Núi Thắm

Trên bản đồ hành chính, núi Thắm như giao long uốn mình bao bọc phía Tây xã Khải Xuân (Thanh Ba). Không chỉ tạo địa thế vững trãi cho một vùng đất, núi Thắm còn là chứng tích cho nhiều cuộc đời dâu bể, từ tăm tối bước ra ánh sáng.
Phần khác, vì có hình dáng như đầu rồng nên Núi Thắm còn được gọi là núi Đầu Rồng. Núi dài gần 4km xung quanh có hàng trăm ngọn đồi nằm kề nhau xanh mướt.

Bao đời nay, núi Thắm là biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào và gắn bó mật thiết với người Khải Xuân. Chưa đầy thế kỷ trước, đây còn là vùng rừng núi hoang vu với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Ngoài các loại gỗ quý như: Đinh, lim, dổi, de, chò chỉ, sến, táu… mọc bạt ngàn, núi Thắm còn là nơi cư trú của nhiều loài thú quý hiếm: Hổ, báo, gấu, hươu, nai…

Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu hay Đầm Ao Trâu là một hồ nước lớn trong xanh nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, xã Ấm Hạ, xã Y Sơn và xã Phụ Khánh thuộc huyện Hạ Hòa, cách thành phố Việt Trì 65 km về phía Tây Bắc. Mặt hồ khoảng 2,2km và có hình dáng như đầu con trâu.

Đầm Ao Châu có 99 ngách, đan cài vào các đồi, núi, thu nước của 99 con suối nhỏ đổ về. Trong hồ có rất nhiều đảo lớn nhỏ, lâu nay đã được nhân dân trong vùng trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, mít, bưởi...

Đầm Ao Châu có nhiều loại cây kỳ dị và phong cảnh khá huyền bí. Theo truyền thuyết dân gian thì đây là nơi ẩn cư của các binh tướng Thủy Tinh sau khi bị Sơn Tinh đánh bại.

Khí hậu khu vực Ao Châu mát mẻ, dễ chịu, không xảy ra hiện tượng nhiệt độ quá thấp trong mùa đông hay thời tiết khô nóng gay gắt trong mùa hè như ở các vùng khác. Không khí trong lành thích hợp cho việc du lịch nghỉ dưỡng.

Hang động Xuân Sơn

Hang động này thuộc xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, phía tây tỉnh Phú Thọ. Đây là một quần thể hang động kỳ ảo và nằm sâu trong rừng cây bạt ngàn bí ẩn. Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn. Chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng khi nhìn thấy vẻ đẹp của các nhũ đá ở đây.

Bên cạnh những thắng cảnh này, bạn còn có dịp tham gia nhiều lễ hội khác nhau. Chẳng hạn như Hội bơi chải, Hội rước voi, Hội rước Chúa Gái, Hội ném còn của dân tộc Mường…

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ ProGuide.vn, Yeudulich và nhiều nguồn khác

Wednesday, 17 April 2013

Đền Liễu Hạnh công chúa tọa lạc dưới chân núi Đèo Ngang (con đèo nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh), ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên lý Bắc – Nam trước đây.

Phía sau đền là dãy Hoành Sơn và phía trước là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Liễu Hạnh công chúa cùng Sơn Tinh, Thánh Gióng và Chữ Đồng Tử là bốn vị thánh được nhân dân tôn kính, gọi là “Tứ bất tử”. Trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam, hình tượng của “Tứ bất tử” đại diện cho chính nghĩa, khát vọng sống. Ngoài ba vị nam thần đầu tiên có từ thời Hùng Vương và được thờ nhiều nơi từ rất lâu thì Mẫu Liễu Hạnh là hình mẫu người phụ nữ duy nhất được đưa vào hệ thống thần thánh từ đời hậu Lê.

Trong tiềm thức của người dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng về khát vọng tự giải phóng của người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến; khát vọng đạt được những ước mơ về hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam được ký thác vào biểu tượng người mẹ. Vì vậy, hàng năm đã có rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến với đền Liễu Hạnh công chúa để dâng hương, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Đền Liễu Hạnh công chúa có diện tích khoảng 335m². Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, có thể thấy, đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách cân xứng và hài hòa.

Các hình tượng như Tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng), Tứ thủ (Cầm - Kỳ - Thi - Họa), Tứ quý (Tùng - Trúc - Mai - Sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long... Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối càng tăng thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.

Theo thống kê từ đầu năm 2013 đến nay, đền Liễu Hạnh công chúa đã đón tiếp hơn 10.000 ngàn lượt khách đến thăm viếng và dâng hương tưởng niệm; trong đó, từ ngày mồng 1 Tết đến ngày mồng 8 Tết Quý Tỵ, đền Liễu Hạnh công chúa đã đón hơn 7.000 lượt khách đến dâng hương.

Đền Liễu Hạnh công chúa là điểm thờ Mẫu ở Quảng Bình và trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng đối với người dân Quảng Bình nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Đền thờ như một minh chứng cho sự tích Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, trong truyền thuyết dân gian đã có từ lâu đời. Chính vì vậy, xét về quy mô và vị trí của đền thờ trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng và bảo tồn.

Du lịch, GO! - Theo Quảng Bình TV, ảnh internet
Nơi ven trời Tây Bắc có Lai Châu, mảnh đất góp phần tạo nên sự quyến rũ bí ẩn, vẻ đẹp hùng vĩ nguyên sơ của miền Tây Bắc. Sắc màu của các tộc người với nhiều phong tục lạ, núi non trùng điệp quấn quít mây bay, những rừng cây rậm rạp hoang vu,kỳ ảo, những con suối vừa hiền hòa vừa dữ dội len lỏi giữa các khe đá, miên man qua năm tháng với khúc nhạc rừng bất tận đã tạo cho Lai Châu có một không gian đầy cuốn hút.

Khám phá Lai Châu là khám phá vùng đất có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú, đặc sắc của hai mươi dân tộc anh em cùng sinh sống.

Sự đồng điệu, nét đặc thù, điểm chung, nét riêng, dấu ấn của bản sắc văn hóa hiện hình trong nếp sống, trang phục, cách ứng xử giao tiếp hàng ngày của đồng bào các dân tộc. Dễ dàng nhận thấy nét văn hóa phong phú, đa dạng trong mỗi ngôi nhà, mỗi tà áo, vành khăn...

Cô gái Mông tay thoăn thoắt xe lanh, càng thêm hấp dẫn trong tấm khăn Piêu của đồng bào Thái; cô gái Thái, duyên dáng, tinh nghịch, mặt ửng hồng thưởng thức món Thắng cố - đặc sản của đồng bào Mông mỗi dịp lễ tết, hội hè. Chàng trai Dao, chàng trai Mảng, chàng trai Khơ Mú mơ màng cạn bát rượu ngô Sùng Phài, ngào ngạt men say; cô gái kinh đầu mang khăn Piêu, vai khoác túi thổ cẩm rực rỡ uyển chuyển tung quả còn xanh, đỏ lên cây nêu đầu chợ.

Và cả những đêm xòe ngất ngây lòng người. Đó là những đêm các cô gái Thái trong trang phục áo cóm trắng bó sát người với hàng cúc bạc lấp lánh, váy lĩnh đen tuyền uyển chuyển trong tiếng nhạc, những bước chân nhịp nhàng theo tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã.  Những gương mặt nóng bừng, ngới sáng. Những giọt mồ hôi lăn đều trên đôi má ửng hồng của cô gái vùng cao, ướt đuôi tóc chàng trai bản núi. Dạ tiệc chỉ dừng khi gà gáy chuyển canh. Tiếng bước chân, cùng tiếng nói cười xa gần theo những lối mòn về bản, với bao bịn rịn.

Chợ phiên vùng cao là nơi biểu hiện rất rõ những nét văn hoá đặc trưng ở Lai Châu. Những phiên chợ mang đậm nét  sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc, nó lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Phiên chợ là nơi người ta gặp gỡ trò chuyện, là nơi khoe sự rực rỡ của vẻ đẹp trang phục, nơi bay bổng của làn điệu xòe quyến rũ lòng người.

< Lễ hội đua ngựa thồ.

Lai Châu còn có nhiều lễ hội mang những nét đặc sắc riêng của từng dân tộc. Hầu hết các lễ hội truyền thống ở Lai Châu đều mang tính chất tín ngưỡng dân gian, việc tổ chức đều do làng, bản chịu trách nhiệm theo một chu kỳ thời gian, mùa vụ nhất định. Các lễ hội không mang nặng yếu tố mê tín dị đoan, chỉ mang ý nghĩa tâm linh, cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu sức khoẻ cộng đồng bản mường. Đối tượng được thờ tự tại các lễ hội là các vị thần như thần gốc cây, thần sông suối, thần ruộng nương,....

Người dân tin vào một thế giới thần linh mà thế giới thần linh này là người dìu dắt phần hồn của thế giới trần gian. Qua tổ chức các lễ hội dân gian như thế này người ta thấy lòng mình nhẹ nhõm, gột rửa những điều ác, điều xấu, quên đi những cực nhọc, lo toan của cuộc sống đời thường. Đặc thù lễ hội dân gian ở Lai Châu mang đậm chất thơ ca và diễn xướng dân gian hàm chứa lời dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải, đoàn kết cộng đồng.

< Lễ hội Bun Vốc Nậm (Té nước) ở Lai Châu.

Cùng với lễ hội thường gắn với các trò chơi dân gian dân tộc để cộng đồng bản mường cùng vui chung. Mặc khác, tổ chức lễ hội dân gian của các dân tộc thiểu số còn có ý nghĩa giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, tạo điều kiện để nhân dân tham gia cùng sáng tạo văn hoá. Lễ hội truyền thống ở Lai Châu không phức tạp như các tỉnh miền xuôi, các lễ hội này đều do bản làng tự đứng ra tổ chức, nhân dân tự động đóng góp lễ vật không đáng kể, chủ lễ thường là những người già có uy tín trong cộng đồng, thông tỏ nhiều rất nhiều văn chương truyền miệng.

Dân tộc Thái có lễ hội Then Kim Pang (Mường So, Phong Thổ), tổ chức vào 10-3 âm lịch. Nét đặc sắc của lễ hội này là các nghi lễ tâm linh có các điệu hát then (với 36 bài), múa then (36 bài), nguồn gốc chính của múa nón Thái, xòe Thái ngày nay là bắt nguồn từ đây.

< Lễ hội gầu tào (Grâu Taox) của người Mông.

Dân tộc Mông có lễ hội Grâu Taox (Dào San, Phong Thổ) tổ chức vào ngày 10 tháng giêng âm lịch với nét đặc sắc là hát, múa và ăn thắng cố. Dân tộc Dao có lễ hội qua tang, Tủ Cải tổ chức cúng lễ nghi, báo cáo với tổ tiên. Dân tộc Lự với lễ Căm Mương - rước lễ vật ra rừng "thiêng" làm lễ cúng thần rừng, thần sông suối. Dân tộc Giáy với lễ hội lồng tồng, cầu cho mùa màng tốt tươi, người dân kéo nhau ra đồng chơi các trò chơi dân gian. Dân tộc Cống với lễ hội Cầu mưa, lễ vật đưa ra ven suối để trình lên trời đất cho mưa thuận gió hòa, sau đó tổ chức hội té nước, các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa ẩm thực. Dân tộc Hà Nhì với hội hồ sa chứ (hội Ma Gạ thú)...

Nhà ở truyền thống của Lai Châu  cũng là một trong những giá trị văn hoá đặc sắc nhất ở vùng đất này. Ngôi nhà truyền thống của từng dân tộc cơ bản vẫn giữ được nét đẹp riêng của mình. Dân tộc Thái ở nhà sàn bằng gỗ, dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông ở nhà trình tường bằng đất; dân tộc Mảng, La Hủ vẫn sống cheo leo trên sườn núi, với những mái nhà thấp lợp gianh, vách nứa...

Vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ, trường ca sử thi, tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ, chữ viết ở Lai Châu là một kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, quý báu đã tác động đến các hoạt động văn hóa, đến đời sống tinh thần của một tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó, Lai Châu là một tỉnh có phong cảnh thiên nhiên hữu tình và nhiều di tích lịch sử. Đó là những cao nguyên cao trên 1.500m, mây, sương phủ bốn mùa, khí hậu trong lành, mát lạnh quanh năm như: cao nguyên Sìn Hồ, hồ Thầu, Dào San ...

Đó là suối nước nóng, nước khoáng mà thiên nhiên tặng cho Lai Châu như núi đá Ô, động Tiên (Sìn Hồ); suối nước nóng Vàng Bó (Phong Thổ); suối nước nóng Nà Đông, Nà Đon (Tam Đường); suối nước khoáng (Than Uyên); … và các hồ thuỷ điện lớn khác.          

Dinh thự Đèo Văn Long thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ, là khu dinh thự của ông vua Thái bù nhìn trong kháng chiến chống Pháp. Dinh thự trở thành di tích lịch sử, giáo dục lòng tự hào dân tộc, chứng tích cho việc hạ bệ kẻ cúi đầu làm nô lệ và là nơi thăm quan tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hoá Thái.

Bia Lê Lợi được khắc trên vách đá bờ Bắc sông Đà, nay thuộc xã Lê Lợi – huyện Sìn Hồ. Lại co di chỉ khảo cổ học nền văn minh của người Việt cổ như di tích Nậm Phé, Nậm Tun ở Phong Thổ; tại đây đã tìm thấy công cụ của thời kỳ đồ đá; những công cụ bằng đồng của nền văn hoá Đông Sơn thời đại Hùng Vương…

Có thể nói, thiên nhiên và con ngưòi của vùng đất Lai Châu đã đan xen, hòa quyện trong nhau, kết thành một nền tảng văn hóa đặc thù bền chặt trường tồn với thời gian.

Du lịch, GO! - Theo Cinet. VN, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống