Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 18 April 2013

Thị trấn huyện Cầu Kè của tỉnh Trà Vinh không nổi tiếng trên bản đồ du lịch miền Tây nhưng có vài đặc sản khiến du khách khó quên nếu có dịp thưởng thức như gỏi “xái pấu”, “xái pấu” hầm xương (giò, đùi heo...), “xái pấu” chiên hột vịt...; dừa sáp; bún nước lèo; “xim lo”; đặc biệt là món dơi sen.

Đến thị trấn Cầu Kè, hỏi người địa phương thì ai cũng sẽ vui vẻ chỉ đường cho khách đến quán dơi sen dễ dàng. Quán nầy nằm cách trung tâm thị trấn chừng 2 cây số, ở ấp Chông Nô 3 (xã Hòa Tân). Tuy là một quán nhỏ, nhưng thực đơn có đủ một lô “5 món ăn chơi” toàn từ dơi sen: luộc, nướng, khìa, lẩu cháo đậu xanh và gần đây có thêm món mới toanh là tiết canh dơi sen.

Một số người ta cho rằng, dơi sen là động vật hoang dã nên quán làm thịt chúng là phạm luật. Nhưng nói vậy là chưa chính xác, xét ở khía cạnh khác, đó chính là hành vi tích cực bảo vệ môi trường. Vì, dơi sen là loại phá hoại cây trái, mùa màng của nông dân, chẳng kém gì loài chuột. Nên đánh bắt dơi sen là cách tốt nhất để bảo vệ thành quả lao động của nông dân.

Dơi sen là là loại có cánh, đầu như đầu chuột, có lông màu đen, nhỏ hơn dơi quạ, lớn hơn dơi muỗi nên người ta còn gọi là “chuột bay”. Chúng sống thành bầy đàn, ăn trái cây vườn. Khoảng chập tối, người ta chuẩn bị dơi mồi, lưới vợt, giỏ đựng để đi săn bắt chúng. Nếu không có dơi mồi, người ta phải biết cách thổi để dẫn dụ chúng bằng cách dùng lá mì kẹp trong hai bàn tay thổi tạo giả tiếng dơi kêu. Khi dơi mồi hoặc người thổi dẫn dụ được dơi đến thì dùng vợt huơ bắt lấy chúng. Mùa săn bắt dơi sen nhiều nhất là vào mùa trái cây chín rộ. Lúc này, người ta sẽ bắt những chú dơi mập mạp, thịt thơm ngon.

Quán dơi sen ở ấp Chông Nô 3 từ lâu “nức tiếng” với món lẩu cháo dơi sen đậu xanh, vì toàn thực hiện, pha chế từ những con dơi sống. Nay, quán có “chiêu” mới, hấp dẫn ngay những thực khách sành ăn với món tiết canh dơi sen. Dơi sống sau khi lột da, chặt đầu, bóc bỏ ngũ tạng, rửa sạch, người ta bằm cả thịt và xương dơi thật nhỏ. Sau đó bắc chảo lên bếp lửa. Khi chảo nóng, cho dầu hoặc mỡ vào. Dầu hoặc mỡ sôi thì cho thịt dơi bằm vào, xào với củ hành tím, tỏi, khế, rồi nêm gia vị vừa ăn.

Trong khi đó người ta đã chuẩn bị sẵn số tiết lấy từ 10 con dơi, đủ cho một dĩa tiết canh. Tiết lấy được được cho vào một ít nước mắm nhứt cùng một ít nước đun sôi để nguội để “hãm”, không cho đông. Một chiếc dĩa tinh tươm sắp sẵn cà chua xung quanh vành dĩa, cho đẹp, sẵn sàng cho số thịt dơi xào chín trên chảo xúc trải vun lên. Cuối cùng, người ta rưới số tiết dơi đều khắp thịt dơi bằm xào chín rồi rắc ngò gai bằm nhỏ cùng đậu phộng rang bóc bỏ vỏ và những lát ớt sừng trâu đỏ tươi đều khắp trên mặt dĩa tiết canh dơi, thật hấp dẫn trước khi dọn ra bàn.

Trên bàn cũng đã có sẵn dĩa bánh tráng nem cùng dĩa rau thơm với ngò gai, ngò om, húng lủi, quế, hẹ xanh mướt mắt. Cạnh dĩa tiết canh và dĩa rau xanh còn có sự “phụ trợ” của chén nước mắm nhĩ với vài lát ớt sừng trâu thả bồng bềnh, một chén nhỏ muối tiêu, một chén nhỏ ớt sừng trâu, một chén nhỏ chanh cắt miếng và một dĩa nước đun sôi để nguội. Bấy giờ thực khách bắt tay vào thưởng thức “đặc sản” Cầu Kè.

Nhẹ tay gỡ miếng bánh tráng nem, lướt nhẹ mặt nước đun sôi để nguội trong dĩa, rồi trải trên lòng bàn tay. Thực khách gắp sắp các loại rau thơm lên miếng bánh tráng, dùng muỗng xúc tiết canh dơi để chồng lên rau, rồi cuốn tròn lại. Trước khi cho vào miệng, tùy sự khoái thích của thực khách, mà chấm nước mắm hay chấm muối tiêu chanh. Dù là loại nước chấm nào, miếng ngon của tiết canh dơi sen vẫn “nồng nã” hương vị: vừa ngọt, vừa thơm, vừa bùi, vừa béo.... Càng khoái thích hơn khi chiêu một ly “Xuân Thạnh lão tửu”, đặc sản Trà Vinh thơm nồng hương nếp mới.

Du lịch, GO! - Theo Thesaigontimes.vn, ảnh internet
Nếu bạn đến thăm Đền Hùng, Phú Thọ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương này và muốn tham quan thêm nhiều địa điểm khác thì bạn có thể yên tâm. Bởi vì ngoài các di tích và đền chùa, Phú Thọ cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh đẹp lắm đấy.

< Đền Hạ trong khu vực đền Hùng.

Suối Tiên

Từ thành phố Việt Trì, đi về phía Tây Bắc khoảng 80 km là đến Ao Giời – Suối Tiên nằm trên Núi Nả thuộc xã Quân Khê – huyện Hạ Hoà.

Suối Tiên bắt nguồn từ núi Nả, với chiều dài hơn 10 km quanh co chảy qua các khe đá và trông như một dải lụa trắng bạc. Đầu nguồn của con suối có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m², sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên.

Màu trắng của Suối Tiên hòa lẫn với màu xanh của mây trời và núi rừng tạo nên một cảnh trí sinh động làm xao xuyến lòng người. Suối Tiên chảy qua nhiều tầng, bậc tạo nên 14 con thác có độ cao khác nhau, trong đó có một số thác cao đến 20m. Dưới chân các thác nước cao là những phiến đá khổng lồ, trải qua thời gian dài bị xói mòn, đã thành những chiếc ao nhỏ mà đáy ao là cả một phiến đá, làm nên vẻ đẹp riêng có ở nơi đây.

Cảnh vật ở đây còn khá hoang sơ nên bạn có thể leo núi, cắm trại, nghỉ dưỡng và thậm chí là nghiên cứu khoa học.

Vườn Quốc gia Xuân Sơn

Vườn quốc gia Xuân Sơn là khu rừng nguyên sinh trên núi đá vôi vẫn còn giữ được rất nhiều nét hoang sơ. Một ngày ở Xuân Sơn khí hậu thay đổi 4 mùa: buổi sáng mát mẻ, trong lành như mùa xuân; buổi trưa ấm áp như mùa hè; buổi chiều hiu hiu như mùa thu; buổi tối trời se lạnh.

Giá trị nhất của Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm ở hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và có giá trị sinh học cao. Ở đây có những cây chò cao bằng toà nhà 20 tầng hay cây gỗ nghiến cổ thụ gốc bạnh to 3 người ôm không xuể…

Đến Xuân Sơn, bạn có thể tham quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tìm hiểu sự phát triển của các loại động thực vật quý hiếm, khám phá vẻ đẹp của các ngọn núi hay trải nghiệm cảm giác phiêu lưu trong hang động. Ngoài ra, ở đây bạn có thể thưởng thức món đặc sản thịt lợn rừng và rượu Xuân Sơn cay nồng bên bạn bè sẽ rất tuyệt vời.

Núi Thắm

Trên bản đồ hành chính, núi Thắm như giao long uốn mình bao bọc phía Tây xã Khải Xuân (Thanh Ba). Không chỉ tạo địa thế vững trãi cho một vùng đất, núi Thắm còn là chứng tích cho nhiều cuộc đời dâu bể, từ tăm tối bước ra ánh sáng.
Phần khác, vì có hình dáng như đầu rồng nên Núi Thắm còn được gọi là núi Đầu Rồng. Núi dài gần 4km xung quanh có hàng trăm ngọn đồi nằm kề nhau xanh mướt.

Bao đời nay, núi Thắm là biểu tượng thiêng liêng, niềm tự hào và gắn bó mật thiết với người Khải Xuân. Chưa đầy thế kỷ trước, đây còn là vùng rừng núi hoang vu với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng. Ngoài các loại gỗ quý như: Đinh, lim, dổi, de, chò chỉ, sến, táu… mọc bạt ngàn, núi Thắm còn là nơi cư trú của nhiều loài thú quý hiếm: Hổ, báo, gấu, hươu, nai…

Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu hay Đầm Ao Trâu là một hồ nước lớn trong xanh nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, xã Ấm Hạ, xã Y Sơn và xã Phụ Khánh thuộc huyện Hạ Hòa, cách thành phố Việt Trì 65 km về phía Tây Bắc. Mặt hồ khoảng 2,2km và có hình dáng như đầu con trâu.

Đầm Ao Châu có 99 ngách, đan cài vào các đồi, núi, thu nước của 99 con suối nhỏ đổ về. Trong hồ có rất nhiều đảo lớn nhỏ, lâu nay đã được nhân dân trong vùng trồng các loại cây ăn quả như vải, nhãn, mít, bưởi...

Đầm Ao Châu có nhiều loại cây kỳ dị và phong cảnh khá huyền bí. Theo truyền thuyết dân gian thì đây là nơi ẩn cư của các binh tướng Thủy Tinh sau khi bị Sơn Tinh đánh bại.

Khí hậu khu vực Ao Châu mát mẻ, dễ chịu, không xảy ra hiện tượng nhiệt độ quá thấp trong mùa đông hay thời tiết khô nóng gay gắt trong mùa hè như ở các vùng khác. Không khí trong lành thích hợp cho việc du lịch nghỉ dưỡng.

Hang động Xuân Sơn

Hang động này thuộc xã Xuân Sơn, huyện Thanh Sơn, phía tây tỉnh Phú Thọ. Đây là một quần thể hang động kỳ ảo và nằm sâu trong rừng cây bạt ngàn bí ẩn. Ðộng Tiên là một hang ngầm trong lòng núi đá cẩm thạch dài 10km. Trong hang có đường thông gió lên thẳng đỉnh núi, làm cho không khí trong lành mát dịu. Hồ nước có nhiều loài cá lạ hấp dẫn. Chắc chắn bạn sẽ ngỡ ngàng khi nhìn thấy vẻ đẹp của các nhũ đá ở đây.

Bên cạnh những thắng cảnh này, bạn còn có dịp tham gia nhiều lễ hội khác nhau. Chẳng hạn như Hội bơi chải, Hội rước voi, Hội rước Chúa Gái, Hội ném còn của dân tộc Mường…

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ ProGuide.vn, Yeudulich và nhiều nguồn khác

Wednesday, 17 April 2013

Đền Liễu Hạnh công chúa tọa lạc dưới chân núi Đèo Ngang (con đèo nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh), ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên lý Bắc – Nam trước đây.

Phía sau đền là dãy Hoành Sơn và phía trước là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Liễu Hạnh công chúa cùng Sơn Tinh, Thánh Gióng và Chữ Đồng Tử là bốn vị thánh được nhân dân tôn kính, gọi là “Tứ bất tử”. Trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam, hình tượng của “Tứ bất tử” đại diện cho chính nghĩa, khát vọng sống. Ngoài ba vị nam thần đầu tiên có từ thời Hùng Vương và được thờ nhiều nơi từ rất lâu thì Mẫu Liễu Hạnh là hình mẫu người phụ nữ duy nhất được đưa vào hệ thống thần thánh từ đời hậu Lê.

Trong tiềm thức của người dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng về khát vọng tự giải phóng của người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến; khát vọng đạt được những ước mơ về hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam được ký thác vào biểu tượng người mẹ. Vì vậy, hàng năm đã có rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến với đền Liễu Hạnh công chúa để dâng hương, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Đền Liễu Hạnh công chúa có diện tích khoảng 335m². Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, có thể thấy, đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách cân xứng và hài hòa.

Các hình tượng như Tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng), Tứ thủ (Cầm - Kỳ - Thi - Họa), Tứ quý (Tùng - Trúc - Mai - Sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long... Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối càng tăng thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.

Theo thống kê từ đầu năm 2013 đến nay, đền Liễu Hạnh công chúa đã đón tiếp hơn 10.000 ngàn lượt khách đến thăm viếng và dâng hương tưởng niệm; trong đó, từ ngày mồng 1 Tết đến ngày mồng 8 Tết Quý Tỵ, đền Liễu Hạnh công chúa đã đón hơn 7.000 lượt khách đến dâng hương.

Đền Liễu Hạnh công chúa là điểm thờ Mẫu ở Quảng Bình và trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng đối với người dân Quảng Bình nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Đền thờ như một minh chứng cho sự tích Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, trong truyền thuyết dân gian đã có từ lâu đời. Chính vì vậy, xét về quy mô và vị trí của đền thờ trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng và bảo tồn.

Du lịch, GO! - Theo Quảng Bình TV, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống