Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 19 April 2013

Một bài viết rất hay trên mạng (VTC) nói về một chuyến đi nghỉ xuân trên vùng cao Tây Bắc: 'chuyến đi nhỏ' của tác giả nhưng trao lại cho bọn trẻ vùng cao 'một núi' niềm vui. Sau khi mình truy một hồi để tìm bài gốc, cuối cùng nguốn chính tại blog Songthatcham, xin trích vào đây để các bạn xem... rồi cảm động và 'sướng lịm người', bạn nhé.

Mọi năm khi bọn nhóc được nghỉ xuân, mình và ba chúng nó hay sắp xếp tạm nghỉ để ở nhà với chúng. Nhà mình rất đơn giản, cứ quây quần với nhau là đã đủ vui rồi, chẳng phải đi đâu xa vừa tốn kém vừa mệt mỏi (lý luận của những kẻ vừa lười, vừa keo kiệt). Năm nay thì khác, từ đầu năm đã lên kế hoạch bàn soạn về việc diễn xiếc, chiếu phim cho bọn trẻ con Tây Bắc xem.

Mấy việc này mới nghe qua thấy thật hoang đường, nên định chỉ làm thử, xem cách thức thế nào cho hợp lý và hiệu quả có đáng để làm lâu dài hay không. Cũng không dám nói rộng ra ngoài, e có lời dè bỉu sẽ khiến mình nhụt chí nên mới rủ ông xã đi cùng và dùng lũ con làm đội quân hỗ trợ để lặng lẽ tiến hành. Thế là một công ba bốn việc, vừa chạy thử một chương trình mà mình hằng mơ ước, vừa đưa bọn trẻ lên thăm các em bé Tây Bắc, vừa tiện đường khảo sát thêm địa bàn cho Gánh hàng xén, vừa đi tìm hiểu trà Suối Giàng…

Gánh xiếc rong

Việc đầu tiên là đi tìm diễn viên xiếc, ảo thuật, hề… Ðủ các loại quan hệ được bới tung lên để tìm đúng người, đúng việc. Có nhóm bạn đề nghị giúp không cần thù lao nhưng lại là nhảy hiphop, mình không muốn ký ức trong trẻo của bọn trẻ bị cấy vào những hình ảnh lai căng nên đành từ chối…

Có người giới thiệu nhóm trình diễn nghệ thuật đường phố nhưng khi mình đề nghị được xem trước (ít ra là đề cương) buổi biểu diễn của các bạn tại Hà Nội thì lại bị khước từ, mình vốn không có thói quen “mua mèo trong bị” nên cũng phải bỏ luôn…

Cùng đường, vạn bất đắc dĩ, ông xã đành gọi cho anh hàng xóm cũ đang làm ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhờ anh ấy giới thiệu hộ. Kể ra thì ngay ban đầu hai vợ chồng cũng đã nhờ rồi, nhưng nghe cái giá thù lao cho một đội hình xiếc (3-4 nghệ sĩ) chát quá, kể cả khi đã có lời hứa tài trợ thù lao cho nghệ sĩ của người bạn ở Canada thì vẫn cứ thấy xót xa.

Sau mấy lần bàn đi tính lại, cuối cùng cũng mời được hai nghệ sĩ hề, đi xe du lịch giường nằm lên trong đêm, diễn hai suất ở hai điểm trường khác nhau rồi tối lại quay về Hà Nội.

Tính xong việc xiếc, đến chiếu phim thì đơn giản hơn: máy chiếu, màn chiếu… thứ ở nhà có sẵn, thứ đi thuê. Ðến phần điện thì đau đầu hơn: các trường báo điện không đủ điện áp, phập phù và cũng không có dây để kéo ra các vị trí cần thiết. Loa để phục vụ nhạc cho các tiết mục xiếc cũng không có. Thế là một hồi chạy ngược xuôi, đằng sau xe mình đầy nhóc dây điện, loa, ampli, máy móc và cả một chiếc ổn áp to tướng nặng như cái cối đá lỗ.
Mẹ Vừng thủ thỉ: “Chị đi thì cho em gửi một ngàn cái bánh mì ngọt lên cho các con”. Lũ nhóc nhà mình thì tất bật mua sắm bóng bay và kẹo cho các em…

Một đối tác người Mỹ của mình (người đã tài trợ toàn bộ ủng và ống nước cho phiên chợ Pa Cheo 1) cũng sắp xếp thời gian qua làm việc với mình sao cho trùng với chuyến đi để theo lên thăm bọn trẻ và tìm hiểu về loại trà đặc biệt mà mình vẫn khoe khoang.

Cuối cùng, ngày khởi hành cũng đến. Cả nhà hồ hởi phấn khởi chất lên hai cái xe bốn chỗ chở ì ạch đồ nghề điện đóm và kẹo bánh, thẳng tiến Lào Cai.

Ngủ lại một đêm ở Sapa, sáng sớm ra đón hai nghệ sĩ xiếc ở bến xe, đưa hai bác đi ăn lót dạ xong là lên đường. Trường Tiểu học Pa Cheo đã được báo trước là sẽ có đoàn diễn xiếc, chiếu phim cho các cháu xem vào sáng hôm ấy nhưng các thầy cũng chưa hiểu đầu cua tai nheo gì cả, đến khi thấy một đoàn rồng rắn lên mây khiêng máy móc đạo cụ vào thì cả trường òa lên sung sướng.

Trong lúc chờ các nghệ sĩ xiếc thay y phục biểu diễn và hóa trang, ông xã cùng hai lái xe của đoàn đã dựng xong góc chiếu phim dã chiến cho bọn trẻ con tiểu học và mẫu giáo (gọi là dã chiến vì dùng cả chăn của các cô giáo và phông hội nghị ở phòng họp mà che cửa sổ cho đủ tối để xem phim).

Mình và chị đối tác người Mỹ thì lo chia bánh phát kẹo cho đám khán giả nhí đang phấn khích đến cực độ. Hai đứa con Chít và Xiu của mình thì lo bơm bóng bay sẵn. Cái gánh xiếc rong này mới mở hàng lần đầu mà ai vào việc nấy răm rắp cứ như đã quen lưu diễn từ thuở nảo thuở nào.

Chỉ có mỗi bộ phim “Tom và Jerry” của Disney mà bọn trẻ con cười còn hơn là bị ai vật ra cù vào nách. Những gương mặt bình thản, những ánh mắt trầm lắng, thảng buồn mà mình hay gặp trong những lần lên Tây Bắc vụt biến mất. Thay vào đó là những gương mặt sáng bừng hứng khởi, những ánh mắt long lanh thích thú và những cái miệng sún răng cười hết cỡ…

Bọn trẻ Tây Bắc kỳ lạ lắm, khi người lớn trao quà cho chúng, chúng thường lễ phép đón lấy với vẻ mặt không vui không buồn, tuyệt không bao giờ thấy chúng cười thành tiếng hay reo lên vui sướng, bất kể đó là món đồ đẹp hay lạ như thế nào.

Ðến nỗi mình từng nghĩ có lẽ cái không khí vắng vẻ, tĩnh mịch nơi núi cao đã thấm vào máu của đám trẻ con, khiến chúng có cái phong thái bình lặng như thế. Hóa ra không phải… chẳng qua chúng chưa bao giờ được tặng đúng thứ chúng cần: những hình ảnh sinh động, ngộ nghĩnh, thu hút sự chú ý và đầy kịch tính như những bộ phim hoạt hình mà những đứa trẻ thành phố được xem thừa mứa hàng ngày.

Ðứng bên ngoài phòng chiếu phim đầy ắp tiếng reo cười thích thú ấy, mình nhắm mắt lại, mỉm cười mà nước mắt trào ra, cứ như thấy lại mình cùng đám bạn thời thơ bé tối Chủ nhật hò reo chạy đến nhà nào có TV để xem ké bộ phim hoạt hình Nga “Hãy đợi đấy!”…

Không dám nói rằng bát cơm có thức ăn hay chiếc áo ấm, đôi ủng là không quý giá, nhưng ngay lúc ấy, mình chợt nhận ra nếu bảo những đứa trẻ ở bên trong phòng chiếu kia rằng chúng có quyền lựa chọn giữa những bữa ăn ngon, những món đồ mới và một buổi xem phim như thế này, chắc hẳn tất cả chúng nó đều chọn xem phim hết.

Tiếng cười giòn giã của đám học sinh mẫu giáo, tiểu học ở phòng chiếu phim khiến các anh chị học sinh cấp 2 được nghỉ học để sang xem xiếc chung với các em cứ bồn chồn không yên, thế là buổi chiếu phải ngừng lại để buổi diễn xiếc được bắt đầu…

Toàn bộ 3 trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở tổng cộng hơn 200 học sinh, ngồi kín khuôn viên sân trường tiểu học. Hai chú hề xiếc tha hồ tung hoành trên sân khấu là bậc tam cấp lên sảnh hành lang của trường: nào hát, nào đánh đàn nước, nào tung hứng, nào thăng bằng, nào diễn kịch…

Buổi diễn chưa tới một tiếng đồng hồ mà cả hai diễn viên mướt mồ hôi. Toàn bộ khán giả cũng cười mỏi miệng. Lát sau trong bữa trưa, bác diễn viên lớn tuổi mới tâm sự với mình: “Thường ra diễn viên hài không bao giờ diễn liên tục mà diễn xen kẽ vào giữa các tiết mục khác, vì lần này không có nhiều diễn viên để diễn đệm cho nhau thành ra thấy đuối sức vì phải nối các tiết mục vào làm một lèo. Nhưng thấy bọn nhỏ cười như nắc nẻ nên bọn anh diễn hưng phấn khác hẳn bình thường ở rạp”.

Ngày hội bất ngờ ở bản

Nếu buổi diễn ở điểm trường chính Pa Cheo tập trung được lượng khán giả đông đảo thì không khí buổi diễn ở Pờ Sì Ngài lại náo nức theo kiểu khác.

Từ lúc bọn mình đang ăn vội bữa cơm trưa ở Mường Hum đã nhận điện thoại của các cô giáo Pờ Sì Ngài liên tục: “Chị ơi, đoàn mình đến đâu rồi, sắp đến chỗ bọn em chưa ạ?… “Bọn em nghe mấy bạn dạy ở trường chính khoe về buổi diễn sáng nay ở ngoài ấy rồi, đang hồi hộp quá chị ơi!…”

Các thầy cô đi xe máy ra tận ngoài chỗ đậu xe để giúp đoàn thồ cái ổn áp và mấy thứ đồ nặng vào, còn những thứ cồng kềnh nhưng nhẹ nhàng thì cả đoàn chia nhau khiêng vác, kể cả hai bác diễn viên xiếc cũng phải ôm ôm xách xách đồ vào cho các cháu. Mấy học sinh lớn được thầy cô dẫn ra phụ khiêng đạo cụ thì vác đồ chạy rầm rập vào trước rồi. Ðoàn đi bộ đến đâu, thầy cô gọi bà con đến đấy: “Xem xiếc nào, vào trường xem xiếc, xem phim nào…!”. Các gánh xiếc rong thời xưa ít ra cũng có nhạc nhẽo í éo hay cái loa tay để chào mời, gánh xiếc rong nhà mình thì đi bước thấp bước cao, mồm miệng dùng vào việc thở cả rồi, việc quảng cáo hoàn toàn nhờ vào những lời gọi truyền miệng từ thầy cô như thế.

Vào đến trường, hai bác hề lánh nhờ vào phòng ở của cô giáo để hóa trang và thay quần áo, ông xã mình và hai chú lái xe lo đấu điện, kéo loa, dựng màn hình… Khó khăn đầu tiên là không có phòng học nào đủ lớn để chiếu phim cho bọn nhóc của cả hai trường Mầm non và Tiểu học xem, thế là các cô giáo Mầm non nói luôn: “Dỡ vách ngăn 2 phòng học của bọn em ra là được chị ạ!”.
Bọn trẻ con thì không có từ nào để tả ngoài 3 chữ… “sướng lịm người”. Cả những ông bố bà mẹ nhanh chân đến trước cũng chen chúc đứng xem và cười ngất ngây với bọn trẻ.

Hỏi đến nước để chuẩn bị đạo cụ cho bác nghệ sĩ già, thấy mấy cô giáo tần ngần nhìn nhau rồi vào bếp xách ra một xô nước nhỏ, mình hiểu ngay đó hẳn là nước các cô dành cho bữa cơm chiều, nên nói nửa đùa nửa thật: “Yên tâm, bọn chị dùng xong sẽ trả lại gần nguyên vẹn, mà cũng không nhiễm bẩn gì đâu”. Các cô cười xòa: “Không phải bọn em sợ hết, chỉ sợ chỗ này không đủ, mà bây giờ đi xách thì phải cả tiếng nữa mới có”.

Phim ở bên lớp Mẫu giáo xong, cả đám “chuột con” lít nhít đội ghế lúp xúp chạy qua sân trường Tiểu học để xem xiếc. Chúng vội đến mức có đứa đánh rơi cả kẹo bánh vừa được phát (mải xem phim còn chưa kịp ăn) mà cũng không thèm quay lại nhặt. Ðó là điều mình chưa từng thấy ở những nơi như nơi này.

Nói cho công bằng, ngay cả mấy đứa nhóc nhà mình lớn bằng chừng ấy mà số lần xem xiếc ở rạp còn đếm trên đầu ngón tay, làm gì mà bọn trẻ ở đây chẳng háo hức. Cookie, con trai út của mình xem đến lần thứ hai những tiết mục y hệt nhau trong một ngày mà vẫn cười ngặt nghẽo không dừng lại được.

Suốt cả mấy ngày hôm sau, Cookie hành hạ mọi người trong đoàn bằng những trò nhái lại mấy tiết mục của các chú hề, cho nên mình đoán ở gia đình các bé cũng thế, bọn trẻ con sẽ còn kể đi kể lại mãi với nhau về buổi xem xiếc nhớ đời ấy và mỗi lần kể lại là lại được cười những trận cười thỏa thuê.

Bà con kéo đến đông như trảy hội, quần áo ăn mặc cũng tươm tất hơn những lần bình thường mình gặp họ, có những loại khăn, mũ mình mới thấy lần đầu, có lẽ là trang phục mọi người dùng trong những ngày đặc biệt.

Chả cứ trẻ con, người lớn cũng cười nghiêng cười ngả. Mình đứng quan sát mấy chị địu con trên lưng cứ bám lấy nhau cười giàn giụa nước mắt, chỉ lo các chị ấy ngả quá người ra phía sau tí nữa thì những đứa trẻ có cơ bị rớt xuống đất.

Mình không chắc mọi người hiểu hết những điều các chú hề nói, vì người dân ở đây nói và nghe tiếng Kinh chẳng tốt lắm, nhưng nhìn điệu bộ và các động tác của mấy chú hề họ đã đủ cười bò ra rồi.

Ðột nhiên mình nhận ra sức mạnh ghê gớm của nghệ thuật biểu diễn: chẳng cần ngôn ngữ, chỉ bằng hình thể, ánh mắt, nụ cười… người ta thông hiểu và chia sẻ sự hài hước một cách thoải mái như không có rào cản nào cả. Cái không gian biểu diễn ấm áp và gần gũi này cũng khiến mình choáng váng vì hiệu quả mạnh mẽ của nó.

Mình thấy con người và cảnh vật ở Pờ Sì Ngài thân quen với mình lắm, cứ như vừa đi đâu xa được trở về nhà. Trên đường bọn mình quay ra, những người lớn đến trường xem cứ chạm tay vào bọn mình và cười tủm tỉm, đó dường như là cách mọi người nói lời cảm ơn.

Thực sự lời cảm ơn ấy phải do bọn mình nói ra, vì chưa bao giờ bọn mình được hưởng niềm vui lớn lao và sâu sắc như lần ấy, trên đường về ai cũng đồng ý với nhau như vậy.

Có mỗi một chuyện kém vui, bác hề già đến lúc về mới thú nhận là bác đau lưng quá vì xe chạy cả ngày toàn trên đường xóc như điên, nếu mà có lần sau chắc bác phải nhờ diễn viên khác trẻ hơn đi hộ. Mình nghĩ bác không tham gia được nữa cũng là một thiệt thòi cho các cháu, vì không có gì cảm động bằng nhìn một người lớn tuổi diễn trò trẻ con để chọc cho trẻ con cười.

Du lịch, GO! - Theo Songthatcham.wordpress

Thursday, 18 April 2013

Giải trí - Những địa điểm này từng được đầu tư khổng lồ, từng được xem là những dự án ưu tiên hàng đầu của ngân sách các quốc gia... nhưng theo năm tháng, chúng bị bỏ hoang và hoàn toàn bị "thất sủng".

7 địa điểm bỏ hoang như trong phim viễn tưởng.

1. Spomeniks - vùng Balkans

Thường thì nếu bạn thấy những công trình thế này, bạn sẽ nghĩ rằng mình vừa nhìn những công trình trên một hành tinh xa xôi nào đó, hay là trái đất trong tương lai. Nhưng có thể, đó chỉ là một Spomenik.

Được chính phủ Nam Tư (cũ) xây dựng để tưởng nhớ đến những hy sinh của đất nước này trong Chiến tranh thế giới thứ 2, mỗi Spomenik là một tượng đài với những hình thù đậm chất viễn tưởng với kích thích cực kỳ to lớn, và số lượng của chúng lên tới hàng nghìn.

Tuy nhiên, khi đất nước Nam Tư tan rã vào nhưng năm đầu thập niên 90, chúng dần bị chìm vào quên lãng.

2. Nhà máy Energomash – Nga

Thoạt nhìn, đây giống như là một cảnh trong phim Star Wars. Nhưng thực ra, đó là ảnh chụp bên trong nhà máy Energomash, gần Moscow. Rất nhiều công trình bỏ hoang từ thời Liên Xô đã tạo ra các địa điểm khám phá cho giới ưa khám phá của Nga.
Hiện nay, nhiều người đang tìm cách đột nhập vào các khu vực bỏ hoang, hay thậm chí là các nhà máy vẫn còn hoạt động, để thỏa mãn đam mê của mình.

3. Buzludzha Monument – Bulgaria

Một kiến trúc kỳ lạ, giống như một chiếc đĩa bay bên cạnh một cây cột với ngôi sao khổng lồ. Liệu đó có phải là bằng chứng về người ngoài hành tinh?
...

Nhưng không, đó là tượng đài Buzludzha tại Bulgaria. Nó được thiết kế để kỷ niệm một cuộc gặp gỡ lịch sử của những người Bulgari theo chủ nghĩa xã hội vào năm 1891, trên một ngọn núi biệt lập.

Và tượng đài này được xây dựng vào năm 1981, ngay chính tại ngọn núi nơi diễn ra cuộc gặp gỡ đó. Chỉ 10 năm sau, chủ nghĩa xã hội tại các nước Đông Âu sụp đổ, và tượng đài này bị bỏ hoang từ đó.

4. Siêu thủy phi cơ – Nga

Thêm một công trình nữa của các kỹ sư Liên Xô. Với hình dáng tương tự những con tàu vũ trụ trong bộ phim Star Trek, những người đam mê phim viễn tưởng sẽ dễ dàng liên hệ tới một vụ hạ cánh khẩn cấp của tàu vũ trụ tương lai đến Trái đất.

5. Nhà máy điện hạt nhân Hartsville – Tennessee, Mỹ

Tám lối đi đối xứng gặp nhau ở trung tâm, cùng với những thứ kì lạ màu xanh ở khắp nơi, đây là một cảnh tượng mà bạn không muốn gặp nếu như đang ở trong một trò chơi điện tử, vì đó là khi những thứ tồi tệ sẽ xảy ra.

Đây chính là mặt trong tháp làm mát của nhà máy điện hạt nhân Hartsville, nơi được đầu tư hàng tỉ USD trước khi dự án bị hết ngân sách và bị hủy bỏ trước khi nhà máy có cơ hội hoạt động. Ngày nay, tháp làm lạnh này ngủ yên trong quên lãng, mời gọi những người đam mê khám phá đến với nó. Và nỗi lo về phóng xạ hoàn toàn không tồn tại, vì các lò phản ứng chưa bao giờ được kích hoạt.

6. Pyestock - Anh

Với vẻ ngoài giống như một thứ vũ khí khủng khiếp sắp khai hỏa mà bạn phải vô hiệu hóa, đây là khoang thử nghiệm số 3, tức khoang thử nghiệm động cơ phản lực thuộc tổ hợp nhà máy tua-bin khí quốc gia của Anh, hay còn gọi là Pyestock. Đây là nơi mà nhân vật Q trong loạt phim về điệp viên 007 sẽ làm, nếu Q là nhân vật thực tế. Tổ hợp này được xây dựng năm 1949 và bị bỏ hoang vào năm 2000.

7. Trạm nghe lén Teufelsberg – Berlin, Đức

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, thành phố Berlin tràn ngập các mảnh vụn và gạch đá từ các công trình bị phá hủy. Để có thể bắt đầu việc tái thiết cơ sở hạ tầng, quân Đồng minh đã tập hợp toàn bộ lượng gạch vụn đó và chất đống chúng thành ngọn đồi Teufelsberg. Khi hoàn thành, ngọn đồi cao khoảng 125m và chứa gần 75 triệu mét khối gạch vụn, kim loại và các mảnh vụn từ khắp thành phố. Nó trở thành điểm cao nhất tại Berlin.

Trên đỉnh đồi, Cục an ninh nội địa Mỹ (NSA) cho xây dựng một trạm nghe lén Liên Xô trong thời gian diễn ra Chiến tranh lạnh. Nhờ lợi thế về độ cao mà đỉnh đồi này là vị trí hoàn hảo cho trạm nghe lén của Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, nó đã bị bỏ hoang. Cho đến nay, không ai biết được những hoạt động nào đã từng diễn ra ở đó, vì tất cả vẫn là thông tin tuyệt mật.

15 miền đất hứa bị bỏ rơi khắp hành tinh.

Những phế tích dưới đây từng một thời được cho là miền đất hứa. Nguyên nhân điêu tàn của nó dù đã có lời giải thích nhưng vẫn khiến nhiều người băn khoăn và tiếc nuối muốn một lần ghé qua, theo Torontosun hôm 11.4.

1. Công viên giải trí Wonderland (Bắc Kinh, Trung Quốc)

Khi khởi công, Wonderland Bắc Kinh được quảng cáo là công viên giải trí lớn nhất châu Á. Nhưng dự án bị ngưng vào năm 1998 vì bất đồng về giá bất động sản, kết quả là khu vui chơi ở thủ đô Trung Quốc này chỉ còn là đống hoang phế.

2. Tuyến đường sắt La Ligne de Petite Ceinture (Paris, Pháp)

Tuyến đường sắt cổ kính dài 32 km chạy quanh Paris được xây dựng từ 1850-1869. Sau khi có Metro, không ai còn dùng tàu lửa cũ kỹ chậm chạp và khai tử nó vào đầu những năm 1990.

Bây giờ, các nhà môi trường kêu gọi biến đường sắt hoang tàn thành một đường mòn tự nhiên.

3. Tượng chúa dưới đáy biển (Florida, Mỹ)

Bức tượng đồng lớn của chúa Kitô không hiểu sao lại được đặt chìm sâu dưới đáy bờ biển Key Largo, Florida vào năm 1965. Dù là những con chiên sùng đạo, họ cũng khó có thể tìm đến đây để chiêm ngưỡng bức tượng này.

4. Thị trấn ma Val-Jalbert  (Quebec, Canada)

Từng là một thị trấn công nghiệp xanh tươi trong những năm 1900, Val-Jalbert  dần hoang hóa và cư dân rời bỏ ra đi một cách khó hiểu. Đáng nói là bất chấp thời gian, những ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn. Nó được coi là một trong những thị trấn ma quái được giữ gìn tốt nhất ở Canada.

5. Pháo đài biển Maunsell  (Vương quốc Anh)

Được đặt theo tên nhà thiết kế, kỹ sư Guy Maunsell, các pháo đài được xây dựng vào năm 1942 ở sông Thames và cửa sông Mersey trong Chiến tranh thế giới thứ hai để giúp bảo vệ Vương quốc Anh. Nó đã ngừng hoạt động vào năm 1950 và từ đó được lọt vào hàng loạt danh sách những địa danh ma quái của hành tinh.

6. Các dãy cột trắng ở Cape Romano (Florida, Mỹ)

Nhìn từ trên cao về phía mũi cực nam của đảo Cape Romano bang Florida, chúng trông giống như những con quái vật không gian đang tiến về phía đại dương. Công trình này được xây dựng vào năm 1982, nhưng sau cơn bão Wilma, chúng bị đẩy ra hàng trăm mét sát biển và hư hỏng nặng nề.

7. Đảo Skellig Michael (Ireland)

Skellig Michael là một đảo đá dốc, cách bờ biển hạt Kerry, Ireland khoảng 15 km về phía tây.

Nơi đây từng là tu viện quan trọng cho các tu sĩ Kitô giáo ở nước này cho đến khoảng năm 1.100, khu vực này đã bị bỏ rơi trong nỗi sợ hãi của các cuộc tấn công của người Viking. Hiện nay nó được công nhận là một di sản thế giới của UNESCO.

8. Tu viện Hirsau Abbey (Đức)

Nằm trong dãy núi Black Forest, các tu viện Hirsau Abbey là nơi rất nổi tiếng cho các tín đồ đến học tập trong thế kỷ 11. Nhưng sau đó chúng đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh với Palatine vào năm 1692 và bị bỏ rơi kể từ đó.

9. Đường hầm tình yêu (Kleven, Ukraine)

Đường hầm tình yêu là cái tên mà người dân địa phương đặt cho đoạn đường sắt hoang tàn dài 3km tại làng Kleven, vùng Rivne, Ukraine.

Đoạn đường này được phủ một màu xanh mướt bởi những bụi cây trồng san sát đan quyện biến nó thành một con đường hầm cổ tích tuyệt đẹp cho các cặp tình nhân.

10. Khách sạn del Salto (Bogotá, Colombia)

Khách sạn del Salto ban đầu là một ngôi biệt thự được xây dựng năm 1923. Nó được chuyển đổi thành một khách sạn vào năm 1950 và đã trở thành một điểm thu hút phổ biến nhờ vào quan cảnh đẹp như mơ. Colombia dự định biến nó thành một bảo tàng.

11. Trạm tàu điện ngầm City Hall (New York, Mỹ)

Khai trương vào năm 1904, nhà ga tàu điện ngầm City Hall nằm dưới khu vực tòa thị chính từng là một công trình tuyệt đẹp với kiến trúc mang phong cách cổ điển.

Ga City Hall có những ô cửa sổ kính màu, những chiếc đèn chùm trang trí bằng đồng và những trần nhà hình mái vòm lộng lẫy… Nó đóng cửa năm 1945 sau khi thành phố này có các tuyến metro hiện đại và chở được nhiều khách hơn.

12. Đảo Hà Lan - Vịnh Chesapeake (Maryland, Virginia, Mỹ)

Đây là một trong những hòn đảo rất nhiều cá và thu hút nhiều ngư dân đến sinh sống vào những năm 1850. Kể từ khi hướng gió đổi và bắt đầu bị xói mòn năm 1900, khu vực này đã bị bỏ rơi.

13. Angkor Wat (Campuchia)

Quần thể kiến trúc Angkor Wat là một trong những kho báu lớn nhất của lịch sử khảo cổ thế giới, một cố đô ngàn năm có diện tích tương đương với thủ đô London hiện nay. Nó đã bị bỏ rơi một cách bí ẩn trong thế kỷ 15 và phần lớn thành phố linh thiêng này đã bị rừng già che phủ, trước khi được phát hiện trong thế kỷ 19 và trở thành di sản thế giới nổi tiếng.

14. Khách sạn Hotel Diplomat (Baguio, Philippines)

Được xây dựng vào năm 1913 để làm trường học, sau đó tòa nhà được sử dụng làm nơi trú ẩn cho những người tị nạn trong Thế chiến thứ hai và bị đánh bom nhiều lần. Năm 1970, doanh nhân địa phương tên Tony Agpaoa biến nó thành một khách sạn. Người này chết bất ngờ khiến nó bị đóng cửa và được xem là một trong những nơi bị ám ảnh nhất ở Philippines.

15. Vịnh Homebush (Úc)

Vịnh Homebush ở New South Wales Úc được đổi tên thành Wentworth Point năm 2009. Dù sở hữu khung cảnh đẹp như tranh, nhưng không nhiều người đến đây sinh sống và du ngoạn vì nơi đây có nhiều xác tàu đắm, bao gồm cả chiến hạm SS Ayrfield trông u buồn như một bãi tha ma.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dân Trí, iHay.thanhnien, internet

Trà Vinh là tỉnh duyên hải thuộc đồng bằng sông Cửu Long, giáp tỉnh Sóc Trăng về phía Tây - Tây Nam (có ranh giới là sông Hậu dài hơn 60km), phía Tây - Tây Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long và phía Bắc - Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre, có ranh giới là sông Cổ Chiên (một nhánh của sông Tiền).

< Mặt trước nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh.

Đến Trà Vinh, du khách thường ngạc nhiên trước một rừng cây cổ thụ trong lòng đô thị, cảm nhận được một bầu không khí hết sức trong lành. Ngoài những di tích, thắng cảnh nổi tiếng như bãi biển Ba Động, ao Bà Om... và chùa chiền Khmer, nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer nằm cạnh ao Bà Om cũng là một điểm đến thú vị.

< Nhà Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được thiết kế kết hợp kiến trúc truyền thống và hiện đại.

Hiện nay, cả nước chỉ có hai bảo tàng văn hóa Khmer, một ở Sóc Trăng và một ở Trà Vinh. Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh được khánh thành vào năm 1995, bảo tồn rất nhiều hiện vật phản ánh về đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Bảo tàng có một khuôn viên với nhiều cây xanh và cây kiểng tỏa rợp bóng mát cho cả một không gian rộng lớn.

Nhà Bảo tàng được xây một trệt một lầu theo kiểu kiến trúc truyền thống kết hợp với kiến trúc hiện đại. Tầng trệt là văn phòng làm việc của cán bộ, nhân viên bảo tàng. Dưới cầu thang để lên tầng trên có xây một hồ bán nguyệt, trong hồ nuôi nhiều cá cảnh góp phần tạo cảm giác dễ chịu, thoáng mát. Tầng trên có ba phòng trưng bày hiện vật. Phòng đầu tiên dùng để trưng bày các hiện vật về mô hình các ngôi chùa của người Khmer, có sala dùng để các sư sãi ngồi... Đến gian này, du khách như được đi vào một thế giới khác - thế giới của các thần linh qua óc tưởng tượng bay bổng, lãng mạn và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.

< Dụng cụ đánh bắt thủy sản của nông dân Khmer.

Đáng chú ý là các tượng chim thần Key-no, hiện thân của nữ thần trong các truyền thuyết tín ngưỡng dân gian của người Khmer, tượng người chim Tết Pro-nam với nghệ thuật cách điệu tinh tế, dùng để trang trí dưới các hiên chùa, tạo đường nét nhẹ nhàng, thanh thoát cho các công trình trong quần thể kiến trúc đa dạng, độc đáo và sinh động.

Phòng thứ hai trưng bày các nông cụ truyền thống của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long; các công cụ sản xuất như khung cửi và đánh bắt thủy sản như đăng, đó, nò, cộ... Óc thẩm mỹ dân gian Khmer được thể hiện rõ trên các công cụ sản xuất và đời sống bằng những màu sắc, đường nét tinh xảo mang sắc thái dân tộc độc đáo ngay trên các chất liệu tre, gỗ và gáo dừa. Chiếc hái cắt lúa được chạm khắc, trang trí hình chim hoặc hình đầu rồng “niêk”. Chiếc cọc cấy lúa chạm hoa văn hình dọc.


< Bộ nhạc cụ dàn ngũ âm.

Trong gian này còn có các loại trang phục truyền thống của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Du khách vào đây sẽ thấy rất lạ lẫm và thích thú trước các hiện vật được trưng bày sinh động với nhiều thể loại khác nhau. Đặc biệt, bảo tàng còn trưng bày một cách có hệ thống về chữ viết của dân tộc Khmer. Phát triển từ chữ Phạn được viết trên lá buông trải qua 12 lần cải biên, chữ viết Khmer mới định hình như ngày nay.

Phòng thứ ba là phòng trưng bày các nhạc cụ truyền thống, các trang phục, đạo cụ, mặt nạ… Những hình ảnh trưng bày tại đây đã tái hiện rất sinh động hai loại hình nghệ thuật sân khấu là sân khấu Rồ-băm (kịch múa) xuất xứ từ nghệ thuật cung đình, sân khấu Dù-kê (kịch hát) ra đời trong dân gian từ đầu thế kỷ XX và phát triển mạnh hơn từ sau năm 1945.

Các nhạc cụ của người Khmer rất phong phú và đa dạng, được chia làm hai loại: dàn nhạc dân gian (nhạc dây) và dàn nhạc lễ (nhạc ngũ âm). Dàn nhạc ngũ âm được chế tác bằng năm chất liệu khác nhau gồm đồng, sắt, gỗ, da và hơi.

Cùng với Bảo tàng Văn hóa Khmer Sóc Trăng, Bảo tàng Văn hóa Khmer Trà Vinh là điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách, các nhà khảo cổ, sưu tầm văn hóa dân tộc trong và ngoài nước. Đến đây, chúng ta càng có dịp hiểu được sâu hơn những giá trị văn hóa to lớn mà cộng đồng người dân tộc Khmer đã gìn giữ và phát huy.

Du lịch, GO! - Theo Thời báo Kinh Tế Sàigòn, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống