Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 24 April 2013

Hỏi: Dịp lễ 30-4, 1-5 tôi và một vài người bạn dự định tổ chức một chuyến đi bụi bằng xe máy. Tuy nhiên lại sợ diễn ra tình trạng đông đúc tại các điểm đến như mọi năm nên đang rất băn khoăn.
Chuyên mục có thể cho chúng tôi một vài gợi ý về các điểm du lịch đi trong 4-5 ngày nghỉ lễ mà không quá đông đúc không?

Trả lời:

Vào các dịp lễ 30-4, 1-5 hằng năm, các địa điểm du lịch phổ biến như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt luôn thu hút rất nhiều du khách đến. Tuy nhiên bên cạnh những điểm đến này, bạn vẫn có thể chọn cho mình những nơi chốn ít nổi tiếng hơn nhưng thú vị không kém.

Dưới đây là một vài gợi ý tham khảo:

Miền Tây Nam bộ

Miền Tây sông nước với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, cảnh mua bán tấp nập nhộn nhịp trên các chợ nổi, những ngôi nhà cổ, những ngôi chùa Khmer với kiến trúc đặc sắc, những con người chất phác hiền hậu, những món ăn dân dã nhưng đậm đà khó quên… Có lẽ chính vì thế, miền Tây luôn tạo được sự mới lạ cho du khách mỗi lần đến đây.

Với 4 - 5 ngày, các bạn có thể rong ruổi khắp miền Tây bằng xe máy với những tuyến như:

- Đồng Tháp Mười (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp)
- Tứ giác Long Xuyên (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang)
- Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau
- Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Cần Thơ - Vĩnh Long

Miền Đông Nam bộ

Nhắc đến du lịch miền Đông Nam bộ nhiều người chỉ nghĩ đến Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương mà quên mất Tây Ninh và Bình Phước cũng là những điểm đến hấp dẫn không kém.

Một số điểm tham quan tại Tây Ninh: tòa thánh Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam, hồ Dầu Tiếng, núi Bà Đen, khu du lịch Long Điền Sơn, vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát, cửa khẩu Mộc Bài, siêu thị miễn thuế Mộc Bài...

Một số điểm tham quan tại Bình Phước: khu du lịch Mỹ Lệ, núi Bà Rá, vườn quốc gia Bù Gia Mập, trảng cỏ Bù Lạch (Bàu Lạch), thủy điện Thác Mơ…
(Nếu muốn các bạn có thể kết hợp thực hiện một chuyến liên tuyến Tây Ninh - Bình Phước)

Tây nguyên

Tây nguyên luôn thu hút du khách với phong cảnh núi rừng hiểm trở, những ngọn thác đẹp mê hoặc, nét văn hóa lạ lẫm mà cuốn hút… Vào những dịp lễ tết, ngoại trừ Đà Lạt (Lâm Đồng) các điểm đến khác tại Tây nguyên thường không quá đông đúc.

Một số điểm đến tham khảo: Bảo Lộc (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai).

Nam Trung bộ

Dự kiến các điểm du lịch như Phan Thiết, Nha Trang sẽ thu hút rất nhiều du khách đến vào dịp lễ 30-4 năm nay. Nếu không thích sự đông đúc, xô bồ, các bạn có thể lựa chọn những điểm đến ít phổ biến hơn như: Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định…

- Một số điểm tham quan tại Ninh Thuận: vườn quốc gia Núi Chúa, vịnh Vĩnh Hy…
- Một số điểm tham quan tại Phú Yên: mũi Đại Lãnh, TP Tuy Hòa, gành Đá Dĩa…
- Một số điểm tham quan tại Bình Định: Quy Nhơn, Hầm Hô…

Du lịch, GO! - Theo chuyên trang Du lịch Tuổi Trẻ, ảnh internet
Khởi động mùa du lịch biển đảo, dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay được xem là kỳ nghỉ lý tưởng với hàng loạt sự kiện lớn diễn ra tại các thành phố biển. Đặc biệt lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được phục dựng tổ chức tại đảo Lý Sơn ngày 27 và 28-4.

Đà Nẵng: sẵn sàng cho “bữa tiệc” pháo hoa

Dưới cái nắng gay gắt của tiết trời miền Trung, các công nhân vẫn cặm cụi lắp đặt những công đoạn cuối cùng của khán đài A cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC 2013). Đối diện khán đài, các thiết bị phục vụ đêm trình diễn pháo hoa cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Theo UBND TP Đà Nẵng, DIFC 2013 sẽ có sự góp mặt của những quốc gia lừng lẫy về công nghệ sản xuất, trình diễn pháo hoa. Trong đó, hai đội tầm cỡ là Trung tâm pháo hoa Khan (Nga) với những màn pháo hoa lớn bắn trên thiết bị hiện đại Pyrodigit sở trường và Melrose Pyrotechnics (Mỹ) với công nghệ bắn pháo hoa điện tử lần đầu tiên góp mặt. Còn nhà đương kim vô địch DIFC 2011, 2012 Ý cũng hứa hẹn mang đến một “món ăn” đặc biệt trong “bữa tiệc” ánh sáng bên sông Hàn...

Hiện hệ thống khách sạn dọc hai bờ sông Hàn gần khán đài và điểm bắn pháo hoa đều đạt công suất 100%. Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, so với DIFC 2012, năm nay Đà Nẵng có thêm 75 khách sạn mới với hơn 2.400 phòng. Đến nay số lượng phòng hoạt động mới đạt gần 75%, các khách sạn ở nội thành và vùng ven vẫn còn trống khá nhiều. 351 khách sạn đã đăng ký công khai niêm yết giá và công bố đường dây nóng xử lý việc “chặt chém”.

Bên cạnh pháo hoa, 16 sự kiện phụ trợ khác cũng sẽ diễn ra trong những ngày này. Từ ngày 25-4 đến 1-5, tại vỉa hè đường Bạch Đằng sẽ trưng bày ảnh đẹp du lịch Đà Nẵng, riêng đêm 27-4 sẽ diễn ra chương trình âm nhạc đường phố. Từ ngày 27 đến 30-4, ngày hội đọc sách, khám phá văn hóa Champa diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng. Từ ngày 28 đến 30-4, lễ hội văn hóa ẩm thực quốc tế “Hương vị cuộc sống” của các đội tham gia thi pháo hoa diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp. Lễ hội biển với chương trình giao lưu hip hop, tiệc âm nhạc tại công viên Biển Đông...

Quảng Ninh: 5.000 diễn viên tham gia lễ hội carnival Hạ Long

Lễ hội carnival Hạ Long 2013 với chủ đề “Sắc màu Quảng Ninh - hội tụ và lan tỏa” sẽ chính thức diễn ra tối 27-4. Theo ban tổ chức, kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, carnival Hạ Long 2013 với điểm nhấn là màn diễu hành đường phố sẽ được tổ chức công phu và hoành tráng hơn các năm trước với sáu xe hoa, 26 khối diễn thể hiện tài nguyên du lịch tỉnh với sự tham gia của gần 5.000 diễn viên... Năm nay tỉnh tiếp tục mời các đoàn nghệ thuật Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào... tham gia.

Ông Hà Quang Long, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh, cho biết lượng khách đến Hạ Long dịp này đã bắt đầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 15.000 phòng khách sạn và hơn 1.500 phòng trên tàu du lịch nghỉ đêm, nhưng hơn 90% số phòng đã được đặt trước. Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được quán triệt không “chặt chém” du khách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần tạo ấn tượng tốt về một lễ hội “đặc sản” của tỉnh với du khách.

Trong thời gian này, tại các trung tâm du lịch Vân Đồn, Uông Bí, Cô Tô, Móng Cái... đều diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng carnival Hạ Long 2013. “Những năm gần đây, vào các dịp lễ và mùa du lịch, lượng khách chọn các tour du lịch sinh thái đến các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn tăng đột biến. Dự kiến năm nay du lịch biển đảo Quảng Ninh sẽ đón 50.000-70.000 khách đi tour huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, bãi biển Trà Cổ...” - ông Long nói.

Hải Phòng: “Đồ Sơn biển gọi”

Một trong những hoạt động mở màn Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 là lễ hội “Đồ Sơn biển gọi” diễn ra từ ngày 28-4 đến 6-5. Các hoạt động bên lề lễ hội chủ yếu là các giải thể thao mở rộng như giải quần vợt du lịch Đồ Sơn mở rộng, giải đua xe đạp, đua thuyền rồng, biểu diễn dù bay... Bến cảng du lịch Nam Đồ Sơn - hòn Dấu và tuyến du lịch tàu cao tốc Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long - Móng Cái được đưa vào hoạt động từ năm 2012 cũng sẽ tạo lực hút đối với khách du lịch.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách du lịch trong dịp lễ, ông Nguyễn Anh Tuân, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Phòng, cho biết sở đã phối hợp các ban ngành thực hiện nhiều biện pháp siết chặt tình trạng làm giá. “Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Cát Bà đều đã được tập huấn để nâng cao chất lượng và kiểm soát giá trong mùa du lịch, đặc biệt trong Năm du lịch quốc gia, để xây dựng hình ảnh thu hút khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã cam kết không tăng giá dịch vụ trong các ngày lễ. 100% các cơ sở dịch vụ đều phải thực hiện niêm yết giá. Các ngành chức năng cũng phối hợp rà soát, kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện tình trạng bắt chẹt du khách sẽ xử lý nghiêm” - ông Tuân nói.

Theo Sở VH-TT&DL Hải Phòng, dự kiến dịp nghỉ lễ này Hải Phòng sẽ đón hơn 70.000 du khách. Riêng khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn hiện có khoảng 5.000 phòng nghỉ, khách sạn đáp ứng nhu cầu cho khoảng 10.000 khách mỗi ngày.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Trọng tâm của Tuần lễ văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được phục dựng tổ chức tại đảo Lý Sơn ngày 27 và 28-4.

Khác với mọi năm (tổ chức ở 13 tộc họ), năm nay lễ hội được tỉnh đứng ra tổ chức với quy mô lớn nên số lượng khách đăng ký tham dự cũng tăng vọt. “Hiện có bốn tàu cao tốc hoạt động tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn với khoảng 800 người/lượt. Nếu 2.000 khách cùng ra đảo trong sáng 28-4 kịp dự lễ khai mạc lúc 8g30, chúng tôi sẽ phải tăng bo 18 lượt cả đi và về mới chở hết” - ông Nguyễn Văn Danh, giám đốc Công ty vận tải đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, tính toán.

Đến thời điểm này, các khách sạn, nhà nghỉ trên đảo đã được đặt kín. Sở VH-TT&DL đã làm việc với các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện để tận dụng nhà công vụ làm nơi nghỉ cho du khách. 24 nhà cổ cũng đồng ý đón khách vào ở trong dịp lễ hội. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 800 du khách. “Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các công ty lữ hành nên cân nhắc đưa khách ra đảo dịp này” - ông Tạ Quy, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, cho biết.

Hiện Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi đã thống nhất với các chủ tàu chờ “lệnh” xuất bến từ ngày 25-4. Cảng Sa Kỳ cũng được nâng cấp, lắp đặt mái che, bố trí ghế nhựa cho du khách chờ tàu. Công tác bán vé đã được ban quản lý cảng Sa Kỳ triển khai. Chuyến tàu đầu tiên sẽ rời bến lúc 5g30 tại cảng Sa Kỳ.

Festival biển Nha Trang năm 2013

Chương trình Hội chợ Du lịch Biển đảo quốc tế Nha Trang – Việt Nam 2013 và Festival Biển Nha Trang 2013 với chủ đề “Nha Trang- Biển hẹn”sẽ diễn ra từ ngày 7/6 – 11/6/2013 tại Cung Hoa hậu Hoàn vũ Diamond Bay, thành phố Nha Trang.

Bắt đầu từ ngày 1 – 6, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức nhiều hoạt động như:

Liên hoan nhạc Rock-Hip hop toàn quốc
Giải đua xe đạp Báo Khánh Hòa mở rộng cúp CMC
Lễ hội hoa quả sơn
Giải thuyền buồm toàn quốc
Triển lãm hội họa-nghệ thuật sắp đặt
Cuộc thi Nữ hoàng Biển toàn quốc
Lễ hội ẩm thực
Thi Dù bay quốc tế…

Đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá những hình ảnh thiên nhiên, con người Nha Trang hiền hòa, mến khách đến khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như giúp cho du lịch “đảo ngọc” phát triển bền vững. Đặc biệt, điểm nhấn của Festival Biển năm nay là Hội chợ Du lịch biển, đảo Nha Trang- Việt Nam (ISTE 2013) do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện, phối hợp cùng một số đơn vị thực hiện sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 10-6-2013.

Hội chợ sẽ tập trung vào 3 loại hình du lịch: Inbound (thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam); outbound (mời các cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đến giới thiệu sản phẩm cho du khách tại Việt Nam) và du lịch nội địa.

Festival biển Nha Trang được xem là sự kiện lớn nhất của thành phố Nha Trang năm 2013. Đến Nha Trang thời gian này, du khách được tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi, hoạt náo hấp dẫn trong festicval, để chuyến du lịch về miền biển thêm phần lý thú.

Du lịch, GO! - Theo báo Tuổi Trẻ, Tin Tức, ảnh internet
Ước mong mãi, cuối cùng tôi cũng được lên Mộc Châu (Sơn La) ngắm hoa vào những ngày cuối tuần cùng nhóm bạn mới. Chiếc xe giường nằm khởi hành từ bến Mỹ Đình, Hà Nội vào lúc 19g30 đưa chúng tôi đến huyện lỵ Mộc Châu lúc 02 giờ sáng, thị trấn đang ngủ say, đường phố thanh vắng và bình yên.

< Mê mẩn giữa vườn hoa cải trắng.

Đã đặt phòng trước ở nhà sàn thuộc một khu du lịch sinh thái, chúng tôi đến nhận phòng. Thời tiết lạnh đủ để mọi người cảm nhận không khí sương đêm của vùng cao nhưng không bị sốc nhiệt. Cả bọn vừa đi, vừa đánh thức và cả trêu chọc nữa, làm những chú chó của nhà dân kêu ầm ĩ. Tôi thích con đường hun hút trong sương mờ nhẹ ngay lần đầu tiên đặt chân xuống.

< Những cánh hoa mận trắng muốt còn sót lại.

Chị chủ nhà dẫn chúng tôi lên căn nhà sàn nơi chúng tôi sẽ ở trong hai đêm, hai ngày. Nhà sàn rộng, đẹp và vì là mùa đông nên thay vì nằm xuống sàn cho mát, những tấm nệm ấm áp được trải xuống. Chúng tôi cùng ăn mì tôm nóng với rau trong căn chòi dưới nhà sàn trước khi đi ngủ. Gió thổi mạnh hơn một chút. Mọi người vừa ăn vừa thích thú được run run với gió, với sương.

Mơ hoa trong Pa Phách

Khoảng tám giờ sáng hôm sau chúng tôi xuất phát. Nhóm gồm 9 người (6 nữ và 3 nam) nên thuê 5 chiếc xe máy, mỗi chiếc giá 150.000 đồng/ngày, xăng chúng tôi tự đổ. Ngày đầu tiên chúng tôi đi thăm các bản Pa Phách 1 2 và 3.

< Những vườn mận ra lá mới, xanh mướt trên đường vào bản Pa Phách 1.

Đường vào Pa Phách nhỏ, khá ngoằn ngoèo. Mặt đường lởm chởm đá, có những đoạn lên xuống dốc cao, một bên là vách núi, một bên giống như vực, khá nguy hiểm. Với những đoạn như thế, trong tôi hòa lẫn hai cảm giác: vừa run, sợ hãi nhưng lại vô cùng thích thú. Chinh phục một thử thách khó khăn, đồng thời khám phá và chế ngự được sự yếu đuối của bản thân mình là một cảm giác thật đặc biệt.

Năm nay thời tiết nóng nên hoa mận dường như đã nở gần hết. Ban đầu chúng tôi hơi thất vọng vì đi khá xa rồi mà chưa thấy hoa mận đâu. Nhưng rồi, như bù đắp lại, càng đi vào trong, chúng tôi càng được chiêm ngưỡng một màu xanh non tơ, ngút ngàn của những cây mận đang đâm chồi nảy lộc. Tôi nhớ như in cảm giác vừa hồi hộp, lo lắng, run sợ, vừa thích thú của mình khi lên được mấy cái dốc cao và nhìn xuống dưới.

Ôi chao, cơ man nào là lá non của biết bao nhiêu cây mận trổ ra giữa thung lũng núi sâu. Nó tựa như một tấm thảm xanh, trải dài đến tận cuối chân trời vậy. Thấp thoáng trong tấm thảm xanh ấy là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc. Hoang sơ, cổ xưa, thăm thẳm, hùng vĩ, lãng mạn là những gì tôi nghĩ khi đứng đó. Tôi thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn.


< Bên một giếng nước công cộng ven đường.

Những bản chúng tôi qua, những phụ nữ trên vai đeo gùi di chuyển nhẹ nhàng; những gương mặt bé thơ má ửng hồng, chân tay lem luốc, giặt quần áo bên cạnh giếng nhỏ; những chú lợn nuôi thả rong trong bản nữa… tất cả hiện ra thật sống động, thật ấn tượng.

Chúng tôi cứ tiếp tục đi, lên dốc, xuống dốc rồi dừng lại chụp ảnh giữa những tán cây mận tạo thành vòm như trong cung điện; giữa những ruộng cải trắng lung linh, nơi những cây đào nở hoa thắm... cho tới khoảng một giờ chiều thì chọn chỗ dừng lại ăn trưa dưới những tán mận xanh mát. Có lẽ, đấy là bữa ăn rộn ràng, thú vị nhất của tôi từ trước đến nay. Vừa ăn, tôi vừa nghĩ đến những bức vẽ người thổ dân ăn uống trong rừng mà tôi nhìn thấy trong sách giáo khoa hay trong truyện. Tất nhiên, đồ ăn thì khác nhau rồi.

Ăn uống, trò chuyện và cả bày trò chơi nữa đến khoảng ba rưỡi chiều thì chúng tôi quay ngược trở ra. Lúc đầu, chúng tôi định đi cả ba bản Pa Phách 1, 2 và 3, nhưng đến Pa Phách 2 thì mọi người nhất trí không đi Pa Phách 3 nữa vì cảnh quan cũng giống hai bản đã đến. Chúng tôi sẽ dành thời gian để đi địa điểm khác. Cả đi cả về khoảng hơn 10 km.


< Ngoài những đồi chè xanh ngắt chập chùng, có những vùng cỏ xanh và hoa tím xen lẫn ở Mộc Châu.

Chúng tôi tiếp tục chọn đi đồi chè Mộc Châu và khi đến nơi, chúng tôi đã bị hớp hồn giữa một thảo nguyên rộng lớn trùng điệp, nhấp nhô, có những đồi chè xanh um, có những bãi cỏ thả chăn bò, dê rộng bạt ngàn. Giữa không gian xanh um ấy, cả sáu cô gái trong nhóm gần như đồng thanh hét lên khi thấy một ruộng cải trắng muốt. Hoa cải mỏng manh, long lanh, rung rinh trong nắng, trong gió làm say lòng các thiếu nữ và là nguồn cảm hứng cho các bạn nam bấm máy ảnh liên tục. Những bức ảnh lên thật nổi, vì chúng tôi, trước khi đi, đã tính trước nên chọn trang phục, khăn đều màu đỏ rực rỡ.

Trời chiều trôi thật nhanh. Thời tiết thay đổi cũng nhanh. Sương xuống vội vã. Chúng tôi cũng vội vàng trở về. Ghé ngang khách sạn Công Đoàn định ăn sữa chua dê mà hết nên đành tiếc hùi hụi đi ra.


< Mấy nếp nhà sàn trên đường vào bản Pa Phách 2.

Tối đó, chúng tôi thưởng thức món bê chao. Nghe bảo, ai lên Mộc Châu mà chưa ăn món này thì không gọi là đã đến Mộc Châu. Bê được nuôi dưỡng trong môi trường lý tưởng nên có hương vị vô cùng độc đáo. Thịt bê được người đầu bếp xắt thành từng miếng con chì, đem ướp sả, gừng, gia vị trong khoảng 5 - 10 phút rồi chao nhanh qua dầu sôi.

Công đoạn này chính là khâu quan trọng quyết định hương vị món ăn. Nếu chao quá lửa thịt sẽ bị dai và mất đi vị mềm, ngọt của thịt. Bê chao ăn nóng cùng nước tương được pha chế đặc biệt theo công thức riêng của mỗi đầu bếp. Nước tương sánh đặc, ngả màu vàng đất được bỏ thêm gừng, sả băm nhỏ cho dậy mùi, trọn vị. Khi ăn vừa có chút mặn mòi, lại vừa ngọt ngọt, bùi bùi. Ngon không thể tả!

Bữa ăn còn có rau cải mèo ngọt lịm, xanh mơn mởn. Có măng đắng, gà đồi rất ngon. Món măng đắng ai không quen sẽ thấy hơi khó ăn nhưng đã ăn rồi, thể nào cũng bị nghiện và không thể quên được vị nhẫn nhẫn, đăng đắng, tê tê và vị ngọt nơi đầu lưỡi, thấm vào cổ họng. Bữa ăn còn có món đậu phụ xốt cà chua. Sau mấy bữa ăn cơm tại đây, tôi quên mất không hỏi, tại sao ở quán nào cũng nấu món đậu phụ xốt cà chua này.

Dịu dàng thác Dải Yếm và ngẩn ngơ trên đường về

Cũng như ngày đầu, tám giờ sáng hôm sau chúng tôi dậy. 12 giờ trưa xe sẽ đón chúng tôi trở về Hà Nội. Hôm nay mọi người quyết định đi địa điểm gần là thác Dải Yếm và đồi Thông.

< Thác Dải Yếm nhỏ, không ầm ào hung dữ...

Đường vào thác Dải Yếm rất tốt, dễ đi. Truyền thuyết dân gian kể rằng, dòng thác này là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng lũ. Lúc chúng tôi vào trời nắng. Nắng chiếu vào thác nước, lấp lóa, rất đẹp. Ở đâu đó thấp thoáng chúng tôi được ngắm những bông hoa ban, loài hoa tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc.

Khu đồi thông già rì rào, quang cảnh nên thơ trên những đồi bát úp thấp, giữa là hồ nước trong veo làm tôi nhớ nhớ Đà Lạt, nhớ hồ Tuyền Lâm.

Sau bữa ăn trưa tạm biệt, chúng tôi thu dọn hành lý ra quán nước ven đường đợi xe đến đón về lại Hà Nội. Trong thời gian chờ đợi, cô bé trong nhóm vào khách sạn Hương Sen gần đó mua cho mỗi người một cốc sữa chua dê tự làm. Đây là đặc sản “không ăn thì phí” của Mộc Châu. Sữa chua dê ngọt vừa phải, béo vừa phải, mát lạnh, bùi bùi, thơm thơm. Ăn một lần lại muốn ăn lại lần nữa, lần nữa...

Vì sợ trễ chuyến bay vào Sài Gòn lúc 21 giờ nên cô bé trong nhóm vẫy xe từ Mộc Châu cho tôi về Hà Nội trước. Lúc đầu rất buồn vì mình phải về trước các bạn cùng đi. Nhưng nỗi buồn ấy nhanh chóng qua đi khi ở chuyến về, vì đi vào ban ngày nên tôi đã được ngắm những cây mận, cây đào rực rỡ hoa còn sót lại... mê mẩn vô cùng. Đặc biệt cung đường đẹp quá đẹp từ Mộc Châu đi qua Hòa Bình về lại Hà Nội.


< ... dòng nước tuôn đổ mềm mại, dịu dàng, thơ mộng.

Đường uốn lượn, núi chập chùng rừng xanh, lau bạt ngàn, phất phơ, sáng lên trong ánh nắng chiều. Có lẽ, đi đâu thì đi, tôi vẫn không thể quên hình ảnh núi non trùng điệp, núi lẫn vào núi, núi che núi, nắng xuyên qua núi, nắng luồn qua núi như ở cung đường này. Mặc dù rất tiếc, tôi chỉ có thể diễn tả bằng lời mà không thể xuống chụp ảnh. Nhưng tôi biết, bao nhiêu lời cũng không tả nổi vẻ đẹp đến ngẩn ngơ của đoạn đường này.

Hẹn gặp lại Mộc Châu vào một mùa hoa rực rỡ hơn, cho một chuyến phượt bằng xe máy từ Hà Nội lên Mộc Châu để tận hưởng trọn vẹn hơn nữa cái cảm giác được đắm mình vào mây trời, núi non. Cảm nhận trọn vẹn, hưởng trọn vẹn hơn cái nắng, cái gió, cái mù sương,… và có thể khám phá những bản mới, địa điểm mới mà lần này tôi chưa kịp đặt chân tới.

Bạn đồng hành cũng là yếu tố vô cùng quan trọng khi bạn quyết định khám phá một tuyến đường mới. Cảm ơn những người bạn đồng hành tuyệt vời đã cùng tôi khám phá Mộc Châu mùa hoa xuân Tây Bắc.
Mộc Châu, đến rồi về nhưng lòng mãi vấn vương!

Hướng dẫn thêm

Đường đi: Mộc Châu cách Hà Nội 190km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi xe máy thẳng đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, dọc theo Quốc lộ số 6 là tới. Đường đi thẳng, không khó đi. Nhưng lưu ý thời tiết, nên đi vào ngày nắng ráo. Nếu đi vào ngày có sương mù hoặc mưa nhỏ, bạn phải đi cẩn thận. Đi không dừng nghỉ sẽ mất khoảng 5, 6 tiếng. Sẽ lâu hơn nếu bạn vừa đi vừa dừng lại chụp ảnh, nghỉ ngơi.


< Hoa cải trắng ven đường, xa xa là đồi núi chập chùng.

Bạn cũng có thể di chuyển bằng ô tô tại bến xe khách Mỹ Đình hoặc nhà khách Sơn La nằm đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Giá vé xe khách khoảng 130.000 đến 190.000 đồng.

Chỗ nghỉ ngơi: Bạn có thể nghỉ tại khách sạn Hương Sen, khách sạn Công Đoàn hoặc khu nhà sàn mà chúng tôi đã ở. Giá một phòng nhà sàn ở đây là 1.000.000 đồng/đêm, có thể nghỉ chung khoảng 10 người. Liên hệ: chị Hương (0912.351.186).

Ăn uống: Hai quán ăn ngon nổi tiếng là quán 64 và quán 70 nằm trên đường quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Mộc Châu, cách ngã ba thị trấn khoảng 5 đến 7 km. Giá cả ở hai quán này tương đương nhau. Bạn cũng có thể ăn tại các quán nhỏ hoặc đặt ngay tại khu nhà sàn cho tiện. Giá trung bình vào khoảng 70.000đ - 100.000đ/ người.

Du lịch, GO! - Theo Phượng Hồng - Nhật Linh (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống