Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 27 April 2013

“Trên đỉnh Hòn Nhọn có suối, hồ, đồi thông và một thác nước rất hùng vĩ nhưng rất ít người biết đến.
Còn ngủ đêm trên đó thì thật tuyệt” - lời mời gọi của mấy bạn trẻ ở Ninh Thuận khiến chúng tôi háo hức chuẩn bị chuyến leo núi hai ngày.

Tour của “thổ địa”

Chính các bạn “thổ địa” làm hướng dẫn viên. Và một điều đặc biệt nữa là chúng tôi sẽ ăn uống bằng những gì kiếm được trên đường đi.

Trời đẹp không ngờ và tại núi Hòn Nhọn (thuộc hai xã Nhị Hà và Phước Hà của huyện Ninh Phước) thời tiết hầu như lý tưởng để dã ngoại với nắng nhẹ, cao nhất 30 độ C.

< Dừng chân ở Đá Máng.

Ba thanh niên Nhị Hà là Nguyễn Hồ Hải Âu, Nguyễn Trần Thuận, Trần Quốc Bảo làm hướng dẫn viên "thổ địa” và chúng tôi bước vào rừng trong sự... ngờ vực của dân làng (chắc đi được vài bước sẽ bỏ về !) và dân sơn tràng (có lẽ đi kiếm gì đó trong rừng chứ hồi nào giờ chưa thấy ai vào đó chơi cả!).

Nhưng những bất ngờ kỳ thú và sự thành thạo của các thổ địa đã khiến chuyến đi diễn ra như mong đợi. Hết chui qua những lối đi rậm rạp lại leo bằng cả chân tay trên những mỏm đá dốc đứng.


< Lan nở hoa.

Đúng lúc mệt mỏi nhất thì một chỗ nghỉ chân tuyệt đẹp hiện ra. Đó là hồ Đá Máng như một viên ngọc lục bảo ai đó đánh rơi trên sườn núi.

Là đồi thông reo vi vu mời gọi. Là đồng cỏ tranh rậm rạp mà để luồn qua chúng tôi phải giơ tay lên như đầu hàng, nếu không sẽ bị chúng cứa rách mặt… Và điều đặc biệt là chỉ một con suối chảy từ trên núi xuống thôi nhưng phải lội qua tới... năm lần vì đường đi zíc zăc của nó.

Trải nghiệm

< Cây nắp ấm ăn côn trùng.

Buổi trưa dừng chân bên suối cũng là lúc câu cá, hái măng rừng về nấu ăn. Cá lóc, cá bống thật nhiều, nhỏ bằng hai ngón tay nhưng vị thơm ngọt của chúng thì hơn hẳn cá đồng bằng. Măng xào với tép suối thì khỏi chê bởi sự tươi ngon. Rồi đun nước pha trà cộng với vài lát gừng đủ làm yên bụng người đi rừng…
Con suối cũng chảy dưới chân một thác nước hùng vĩ cao như một tòa nhà mười tầng mà người dân ở đây gọi là thác Bay. Quốc Bảo cho biết vào mùa mưa, nước trên cao đổ ào ào xuống như đang bay vậy.


< Nấu cơm bên suối.

Đêm đến giữa rừng mới thật là huyền ảo. Một cái lán bên bờ suối của dân sơn tràng là nơi chúng tôi mắc võng. Một tảng đá bằng giữa suối trở thành nơi lý tưởng để mở tiệc đêm với món cá lóc nướng ngon như chưa bao giờ. Và thật ngạc nhiên là không hề có một con muỗi nào. Anh Hồ Thanh Luân - hướng dẫn viên du lịch đi cùng chúng tôi - giải thích: “Ở đây có rất nhiều gián đất (nhìn hơi giống con mối) mà ở đâu có loại này thì muỗi không dám bén mảng”.

Đó cũng là một trong vô số những điều kỳ thú hay ngỡ ngàng của chuyến đi này. Bởi ở đây chúng tôi đã lần đầu tiên được sờ tận tay những cây nắp ấm chuyên bẫy côn trùng ăn thịt. Rồi ngắm những chú chim đỏ rực trên cành, trầm trồ với những loại quả lạ lùng màu xanh ngọc, màu tím miên man, xuýt xoa với một giò địa lan nở tinh khôi trên gốc cây già cỗi…


< Cá lóc suối.

Cả cảm giác xót xa vì những mảnh rừng bị tàn phá, nhất là những cây thông bị khoét sâu đến chết để lấy nhựa. Nhưng đó cũng là lúc chúng tôi hiểu được sức sống mãnh liệt với những lý lẽ riêng để tồn tại của rừng. Trong khi bao nhiêu gỗ quý đã bị chặt gần hết thì tại đây vẫn còn những thân cây cao vút và to tới ba bốn người ôm.
Sao chúng vẫn chưa bị đốn? Anh Hải Âu cho biết: “Đây là những cây a bắc, rất cứng nên lâm tặc không đụng vào bởi cưa rất lâu và cũng khó để xẻ làm các đồ dùng bằng gỗ”.

Trong rừng đêm, khi chúng tôi nằm yên bên đống lửa cũng là lúc vạn vật cất tiếng. Tiếng muông thú gọi nhau lúc bên tai lúc xa vời. Hàng vạn vì sao nhấp nháy trên trời trong lúc hồn thiêng của núi rừng thả sức đi mây về gió, ttiếng suối thì róc rách mãi như bài ca vô biên của thiên nhiên. Cứ thế miên man nghĩ, còn bao nhiêu nơi đẹp một cách ngạc nhiên như Hòn Nhọn và rất ít người biết đến ở nước mình?

< Thác Bay.

Ninh Phước cách biển Ninh Chữ hay biển Cà Ná chừng 20km. Thử tưởng tượng bạn leo núi Hòn Nhọn, ngủ rừng hai ngày, rồi sau đó mang cả một balô ngập tràn cảm xúc cùng đôi chân đã mỏi rã rời xuống đùa với sóng biển cho trọn cuộc vui thì còn gì tuyệt vời hơn?

Đời con người ta thường có những dự định cho những công việc phải làm, những nơi muốn đến, những con đường muốn đi qua, những ước mơ cần thực hiện và những cảm giác mong muốn được trải nghiệm… Chuyến đi rừng hai ngày và ngủ đêm trên núi Hòn Nhọn là một cảm giác trải nghiệm thật khó quên như thế.

Du lịch, GO! - Theo Vũ Thanh Bình (báo Tuổi Trẻ), Phuot.vn
Các cụ ngày xưa kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho. Sau này qua các triều đại phong kiến, đường hầm này vẫn được tiếp tục sử dụng để đánh lại quân xâm lược phương Bắc. Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp).

Đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng? 

Đền Bà Chúa Kho ở Cỗ Mễ (Phú Ninh, Bắc Ninh) được người dân biết đến như một "ngân hàng địa phủ" lớn nhất và uy tín nhất cả nước.

Theo tục thì vay đầu năm trả cuối năm, vì thế cứ vào những ngày đầu năm người dân khắp cả nước lại về nơi đây cầu mong có một năm nhiều tiền lộc, no đủ. Ngôi đền có liên quan đến sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076.

Vào thời đó ở làng Cổ Mễ, núi Kho, Cầu Gạo... (nay thuộc xã Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh) vốn là những nơi đặt kho lương thực của quân Lý ở bờ Nam chiến tuyến Như Nguyệt (Sông Cầu). Núi Kho, núi Dinh, Thị Cầu cũng vốn là một vị trí chiến lược có thể kiểm soát con đường từ Lạng Sơn qua sông Cầu về Thăng Long xưa.

Đền Cổ Mễ thờ Bà Chúa Kho chính là nơi tưởng niệm một người phụ nữ Việt Nam đã khéo tổ chức sản xuất, tích trữ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Như Nguyệt.

Vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh) và đã "thác" trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ (1077).

Suốt nhiều năm nay, nơi đây vẫn được coi là mảnh đất thiêng và được người dân khắp cả nước đến cúng bái, lễ lạt.

Thế nhưng ít ai biết ở dưới núi có một đường hầm, chỉ cách điện thờ Bà Chúa chừng 1,5m. Đây là đường hầm có kết cấu hình mái vòm nằm lùi sâu trong chân núi, chỗ cao nhất của đường hầm là gần 2m, chỗ thấp nhất cũng gần 1m8.

Nhiều người dân sống quanh đây kể rằng, đường hầm đã bị bỏ quên từ rất lâu, và trong đường hầm có rất nhiều rắn.

Nghe vậy, những gai ốc trên người tôi bỗng nổi lên. Nhưng máu tò mò đã thôi thúc tôi tìm đến ông Nguyễn Ngọc Thủy (người của ban di tích) và nhờ ông dẫn đường.

Dù đã chuẩn bị hai cái đèn pin và vài cây nến bằng nửa cổ tay tôi vẫn run run khi bước chân qua bức tường chắn đường hầm đã bị ai đó làm đổ.

Vừa mới bước vào đường hầm, một mùi ẩm mốc, ngai ngái đã bốc lên khiến chân tôi chùn lại. Xung quanh cửa hầm, mạng nhện giăng kín như từ lâu lắm không có ai ghé qua.

Bước sâu vào bên trong thì thấy đường hầm được xây khá kiên cố, bên trong lát gạch đỏ có chỗ trát bê tông. Do bị bỏ hoang quá lâu nên trên nền đường hầm gạch vữa sụp đổ ngổn ngang, bùn đất nhão nhoét.

Càng đi vào trong thì đường hầm càng bằng phẳng, cách cửa đường hầm khoảng 200m về phía bên tay trái vẫn còn một phòng cao chừng 2m, rộng 3m. Bên trong phòng có một bàn làm việc bằng bê tông. Nhiều đoạn trong đường hầm bị hỏng nhô ra những phiến đá hình thù khá đẹp.

Nói về đường hầm này với vẻ thành kính, bác Nguyễn Ngọc Thanh, cán bộ hưu trí ở Cổ Mễ, Bắc Ninh cho biết, từ đời bố của bác cũng không biết đường hầm này có từ khi nào.

Mọi người đều nói đường hầm do Bà Chúa Kho xây dựng. Trong cuộc chiến trống quân xâm lược nhà Tống, bà đã đứng ra xây dựng nhà kho, tích trữ lương thực để đánh quân xâm lược.

Núi kho là nơi được bà lựa chọn để tích lũy lương thực. Đường hầm chính là do bà cho xây dựng để vận chuyển lương thực từ bờ sông Như Nguyệt lên nhà kho của mình một cách dễ dàng và không bị địch phát hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (Ban di tích đền Bà Chúa Kho) cho biết: "Các cụ ngày xưa có kể lại rằng núi có một đường hầm để Bà Chúa vận chuyển lương thực từ sông lên kho.

Dấu tích còn để lại đến ngày nay là những phiến đá to, những bức tường cát bi kéo dài, phân nửa chìm dưới lòng đất (xây bằng cát bi và một loại keo dính hỗn hợp). Bức tường này vẫn còn ở trên đồi. Đến thời Pháp, chúng xây dựng kiên cố hơn và tồn tại cho đến ngày nay".

Một số người lại cho rằng đường hầm này, xưa, do giặc phương Bắc đào để chứa vàng cướp được của dân ta. Một số khác lại cho rằng thực chất đây là một đường hầm xuyên núi có từ thời Pháp - Nhật giao tranh.

Một cụ già cao niên trong làng chia sẻ từ thời ông lên 9, lên 10, mỗi lần ra đây thả trâu tôi thường đốt đuốc đi vào trong để bắt dơi, bắt chuột nhưng không bao giờ dám đi hết đường hầm vì càng đi sâu vào trong càng khó thở... thành ra đường hầm vẫn là một nơi rất kỳ bí.

Quân giặc không dám phạm đến mảnh đất thiêng

Theo sách sử còn ghi rằng, vào đầu thế kỷ 19, thực dân pháp xâm lược Việt Nam. Trong những ngày chiếm đóng, chúng mở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất để vơ vét của cải vật chất.

Nhà máy giấy Đáp Cầu được xây dựng năm 1913 ngay cạnh sông Như Nguyệt sát Núi Kho nằm trong kế hoạch ấy của chúng. Nhưng những năm 40 của thế kỷ 19 Nhật nhảy vào cạnh tranh với Pháp, chúng muốn hất cẳng Pháp tại Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc chiến giữa Pháp và Nhật căng thẳng. Bắc Ninh không nằm trong ngoaị lệ, đường hầm được Pháp chọn làm nơi che giấu sĩ quan nhân viên cấp cao của chúng ở khu vực và công nhân nhà máy giấy Đáp Cầu mỗi khi quân Nhật càn quét tới.

Khi Pháp rút đi thì Mỹ lại xâm lược Việt Nam. Năm 1972, chiến tranh ác liệt, người dân Cổ Mễ phải sơ tán lên Núi Kho. Và chính đường hầm rộng, sâu nên chứa được rất nhiều người, nhờ đường hầm mà cả làng thoát được những trận mưa bom bão đạn.

Cũng nơi đây còn là nơi ghi dấu nhiều chiến công hiển hách. Trận địa pháo cao xạ được xây dựng cấp tốc ngay chân núi Kho, đường hầm là nơi cất giấu vũ khí. Tại núi Kho quân ta đã hạ được nhiều máy bay của địch.

Tuy nhiên có một điều lạ lùng xung quanh vùng núi Kho mà đến bây giờ mọi người vẫn không thể giải thích nổi. Trải qua hai cuộc chiến tranh, bom đạn của Pháp và Mỹ cày nát những vùng xung quanh thế nhưng nơi đây tuyệt nhiên không một quả bom rơi xuống.

Những đoàn pháo cao xạ khi chiến đấu ở đây cũng không hề bị một quả bom nào dội trúng, nhưng khi vừa bước qua quả đồi bên kia thì liền bị bom Mỹ dội ngay. Người dân tin rằng mảnh đất thiêng oai hùng khiến cho bom đạn của giặc không thể đụng tới. Chính Bà Chúa Kho đã che chở cho người dân khiến quân giặc không thể xâm phạm.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Đăng Túc - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Nguồn gốc của đường hầm này còn nhiều giả thiết khác nhau. Ông và một số nhà nghiên cứu thiên về giả thiết cho rằng đường hầm được xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Sở cũng đang tiến hành một số thủ tục để nghiên cứu thêm về niên đại của đường hầm".

Du lịch, GO! - Theo Người Đưa Tin, Kiến Thức...

Friday, 26 April 2013

(Tiếp theo) Trời vẫn mưa và khi tôi và Ulf vừa ra đến cổng nhà nghỉ thì trời đổ mưa to, đứng ngoài mái hiên, đám tuk tuk bu lại mời và hét giá 3 đô la. 
Có vẻ Ulf muốn đồng ý, nhưng tôi cản và trả giá "1 đô la, không đi thì thôi". Chàng Ulf tròn xoe mắt nhìn tôi ngạc nhiên, nhưng cũng nói "thank you" với đám tuk tuk rồi cứ thế đội mưa mà đi, trong khi tôi có chuẩn bị sẵn một chiếc áo mưa. Nhưng bất ngờ có một chiếc tuk tuk đến mời và đồng ý với giá 1 đô la, thế là lên xe đến chợ đêm.

Mưa mỗi lúc một to, máy ảnh chụp hình mờ căm. Tới chợ đêm, tôi móc ví ra trả tiền xe thì Ulf nhanh tay trả trước. Mưa bớt nặng hạt, nhưng tôi vẫn trùm áo mưa dạo chợ.

Chợ đêm rực rỡ với nhiều món hàng lạ mắt. Ulf rủ tôi kiếm nhà hàng ăn tối, nhưng tôi đề nghị vào ăn trong khu ẩm thực chợ đêm. Có vẻ anh chàng Thụy Sĩ này đọc được suy nghĩ của tôi, anh ta nói "Không sao đâu, tôi mời". Đúng là tôi không muốn tiêu tiền hoang phí nhưng khi nghe anh ta nói vậy, tôi tự ái, nói không, phần ai nấy trả.

Dạo chợ đêm Phnom Penh

Chúng tôi vào ăn trong chợ, mỗi que thịt, cá xiên giá 2.000 riel (10.000 đồng), chúng tôi lấy 6 que, hết 12.000 riel. Ulf móc 10 đô la ra, nói với tôi là đang cần lấy tiền lẻ nên để cho anh ta trả. Tôi đưa lại cho Ulf 6.000 riel để trả phần mình, nhưng Ulf nhất định không chịu lấy. Đứng giữa chợ, giằng co chuyện trả tiền cũng không hay nên tôi đành cất tiền, định bụng lát sẽ mời anh ta uống nước.

< Gian hàng ẩm thực bên trong chợ đêm Phnom Penh nhìn rất bắt mắt, hấp dẫn thực khách.

Ăn xong, tôi kéo Ulf sang quán nước mía cạnh đó, anh ta nói không uống, nhưng tôi vẫn gọi 2 ly. Ulf miễn cưỡng cầm ly nước mía nhưng có vẻ không thích lắm. Bất ngờ, anh chàng cất giọng hát mấy câu, đại ý là: “Sáng nước mía, chiều nước mía và tối cũng... mía nốt”. Hóa ra anh chàng này cũng có khiếu hài hước và chịu khó chiều ý phụ nữ ghê chứ.

Tôi ngó vào cửa hàng lưu niệm, ghé vào mua đại một món tặng Ulf. Không hiểu ý định của tôi, Ulf cũng khá lịch sự, ra đứng ở góc cột điện chờ tôi. Mua xong, tôi đem tặng anh ta, bảo là để có chút kỷ niệm và cám ơn về bữa ăn tối nay. Anh chàng ngạc nhiên, nói là tôi không cần phải làm thế. Nhưng tôi ép Ulf phải cầm bằng được. Tuy nhiên, nhận quà xong anh ta nói, đây là lần đầu được một người đi bụi tặng quà, nét mặt có vẻ cảm động thực sự.

< Ulf để đầu trần đội mưa một đoạn trước khi lên xe tuk tuk đến chợ đêm.

Ulf rủ tôi đi dạo một vòng quanh bên ngoài chợ. Trong chợ đêm có một sân khấu ca nhạc, thu hút khá đông khán giả. Đi qua một quán bán rượu, Ulf nói "hello!" với cô bán hàng xinh đẹp đang mỉm cười rất tươi. Anh ta hỏi tôi có muốn vào xem hạt cườm kết bằng tay hay không? Tôi gật đầu. Cứ tưởng anh ta cũng mê hạt cườm, ai ngờ vô quán, Ulf nói sẽ uống bia một mình chờ tôi xem hạt cườm.

Cô gái bán hàng khá thân thiện, giới thiệu với tôi những sản phẩm cườm tay. Lát sau, một bà Tây bước tới bắt tay và gọi đúng tên tôi với nụ cười thân thiện. Thoáng ngạc nhiên, tôi nhìn về hướng anh chàng Thụy Sĩ đang ngồi đằng xa, anh ta vẫy tay cười giải thích: “Tôi nói với cô ấy cô từ Việt Nam tới”. Thì ra Ulf và bà này có quen nhau. Bà Tây này chính là chủ cửa hàng hạt cườm kiêm quán rượu mini này.

< Gian hàng bán các sản phẩm kết bằng hạt cườm và sò ốc trong chợ đêm Phnom Penh.

Xem chán rồi tôi kêu Ulf đi ra. Bà chủ và cô bán hàng nhoẻn cười tươi như hoa để tiễn khách dù tôi không hề hỏi giá bất cứ món hàng nào. Tuy nhiên, quán không cho chụp hình các sản phẩm cườm nên tôi không thể táy máy chụp ảnh được.

Qua khu vực hàng quán sang trọng, Ulf lại rủ tôi vào uống nước. Tôi nói, lần này để tôi mời, Ulf không chịu. Tôi lại nói, vậy thì ai uống nấy trả. Cô phục vụ xinh tươi như hoa tươi cười chào Ulf, anh ta giới thiệu tôi là bạn ở cùng nhà trọ và vừa từ Việt Nam sang. Cô này nghe xong chạy tới bắt tay tôi làm quen. Cô phục vụ xinh đẹp bưng nước ra và tiếp tục "tám" với tôi, nào là về du lịch, đất nước và cả… chính trị nữa! Cô ta khoe đã từng qua Việt Nam du lịch.

Lát sau, tôi quay sang hỏi Ulf, sao không nghe anh nhắc tới người yêu hay vợ (46 tuổi rồi còn gì). Ulf nói, anh ta già rồi nên không định cưới vợ nữa, với lại đi bụi dài hạn khắp tứ xứ, chỗ này dăm bữa lại đến chỗ kia nên không quen ai được lâu dài. Ulf cho biết, có quen một cô bạn gái người Thái Lan, nhưng không muốn tính chuyện cưới xin. Thứ Tư tuần sau, Ulf sẽ qua Thái thăm bạn gái và rủ tôi cùng qua đó chơi. Tôi nói chỉ ở đây vài hôm rồi phải về Việt Nam. Nghe vậy, Ulf trố mắt ngạc nhiên hỏi sao về sớm thế?

Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu sao hôm ấy tôi lại đem tâm sự riêng ra nói với anh chàng đi bụi chuyên nghiệp mới gặp lần đầu này. Tôi kể chuyện mình phải lòng một người, lúc nào cũng nghĩ đến người đó, không dứt ra được. Nhưng người đó lại không có biểu hiện gì khác với tôi ngoài quan hệ bạn bè và tôi không biết phải làm sao, trong lòng cảm thấy đau khổ vô cùng và muốn đi thật xa... để bình tâm, nhưng bây giờ đang ngồi đây, tôi vẫn luôn nghĩ về người ấy.

Ulf nghe xong tỏ vẻ thông cảm, hỏi tôi "Sao cô không nói lời yêu người kia?". Tôi giải thích: “Ở Việt Nam, con gái không nên nói trước, nếu nói ra mà không được sẽ cảm thấy nhục và xấu hổ lắm”. Ulf tỏ ra rất ngạc nhiên về cái “văn hóa tỏ tình” của người Việt.

Nói xong, tự nhiên tôi ứa nước mắt. Tôi gọi cô phục vụ lại, hỏi thăm xem ở đây có bán sim Metphone không? Cô ta bảo không, muốn mua sim phải ra chợ đêm mua và phải có hộ chiếu. Ulf có vẻ thông cảm, nói: “Thôi, cô ở đây có mấy ngày mua sim làm gì cho tốn, tôi cho cô mượn điện thoại gọi về cho người yêu”. Tôi đồng ý, bảo anh ta lát về tới nhà trọ nhớ cho mượn điện thoại. Lúc ấy tôi bỗng tươi tỉnh hẳn lên, khác với cái vẻ mặt đần đần từ lúc đi chơi tới giờ. Anh chàng Ulf hình như nhận ra điều đó nên mỉm cười (không biết Ulf có nghĩ là tôi đóng kịch để dùng ké điện thoại không nữa).

Rắc rối với đám lái tuk tuk

Ra khỏi quán, đám tuk tuk bám theo hỏi đi đâu, Ulf  bảo: “Miss, cô trả giá đi”. Tôi nói với đám tuk tuk, lúc nãy từ nhà nghỉ tới đây giá 1 đô la thì bây giờ về giá vẫn vậy thôi. Cánh lái xe tuk tuk không chịu, bảo xa lắm với lại trời tối nữa. Tôi và Ulf bỏ đi. Ulf cười khoái chí: “Miss, nhìn mặt cô lúc trả giá xe có cái gì đó hay hay, vậy là không đi à? Vậy thì thôi…”. Anh ta vừa cười vừa nhái lại điệu bộ của tôi. Tôi an ủi anh ta: “Anh đừng lo, không gọi được xe này gọi xe khác, không tội gì đi mắc hơn dân địa phương cả”. Ulf cười lớn.

Bất ngờ, một xe tuk tuk bám theo và đồng ý đi giá 1 đô la, Ulf khoái chí nhảy lên xe. Tay tút tút này chạy hơi ẩu dù đường vắng vẻ. Trời tối nên tôi không xác định hướng được nhưng dựa vào linh cảm, tôi biết là lúc từ nhà trọ đến chợ đêm không đi qua đường này. Tôi chợt thấy hơi lo, thò tay vào túi, nơi con dao có thể bật lên bất cứ lúc nào để tự vệ.

Đoán lão tuk tuk này không hiểu tiếng Anh nên tôi cố nói tiếng Khmer là đi về nhà nghỉ Narin trên đường 125. Hắn chẳng nói chẳng rằng cứ chạy và đỗ xịch trước một khách sạn sang trọng. Tôi lại cố dùng tiếng Khmer giải thích lần nữa. Lão lái xe à lên một tiếng rồi nói, từ đây đến đó xa lắm, 1 đô la không được rồi không chịu đi tiếp. Ulf chẳng vừa, nói nếu vậy chúng tôi xuống xe.

Lão tuk tuk này nhờ một người khác biết nói tiếng Anh phiên dịch, nói với Ulf: "Trước khi lên xe, ông phải xem lái xe có biết chỗ ông cần đến hay không. Vì có người biết tiếng Anh và người không biết, nên bây giờ ông phải trả tiền cho người lái xe này”. Ulf nói dứt khoát, "Tôi không việc gì phải trả tiền cho một người chở tôi lạc đường và bỏ chúng tôi giữa nơi lạ thế này". Nói rồi anh ta quay sang tôi: “Miss, cô xuống xe đi”.

Chúng tôi bỏ đi, vài xe tuk tuk khác bám theo nhưng xe nào cũng đòi giá 3 đô la. Đoạn đường này đi giữa một công viên tối đen. Ulf đi trước, tôi theo sau, cố quan sát xung quanh phòng bất trắc.

Lại một chiếc tuk tuk bám theo và đòi 3 đô la, Ulf không chịu, lại còn vẫy tay nói "bye bye" chọc lão tuk tuk đó. Lão lái xe chửi thề. Ulf chẳng vừa, đáp lại: “Bye bye” và vẫy vẫy tay khoái chí. Lão lái xe điên tiết, chửi nhặng xị. Ulf không đùa nữa: “Đồng ý giá thì đi, không đồng ý thì thôi, biến!”. Tay lái xe tuk tuk càng điên tiết, điệu bộ muốn xông tới (tay này nhỏ con hơn Ulf).

Nếu có một người thì không sao, nhưng nếu nhiều tên cùng xông vào đánh hội đồng thì hậu quả khó lường, tôi liếc vội xung quanh, thấy một đám lái xe tuk tuk ở phía sau đang ngó chằm chằm chúng tôi, phía trước có một tòa nhà lớn sáng đèn và có bảo vệ. Tôi nghĩ nhanh, nếu xảy ra bạo lực, tôi sẽ chạy vào đó.

Tôi nắm chặt cán dao trong túi và nói nhỏ với Ulf: “Anh mất trí rồi hả, gây sự với mấy cha tuk tuk làm gì?”. Hình như Ulf cũng chột dạ, chắp tay kiểu Khmer và nói 'sorry' lão tuk tuk kia. Cũng may, hình như lão lái xe cũng 'hạ hỏa' và không xấn xổ đến nữa. Lão giơ tay ra chỉ mặt Ulf và chửi mấy câu bằng tiếng Khmer rồi bỏ đi. May mắn là đã không xảy ra ẩu đả.

Tới một cao ốc, Ulf hỏi bảo vệ đường về nhà nghỉ Narin. Tay bảo vệ chỉ đường rồi kêu bắt tuk tuk. Sợ đám tuk tuk hồi nãy còn lảng vảng đâu đây, tôi đề nghị Ulf đi bộ cho yên tâm. Đi được một đoạn ngắn, một chiếc tuk tuk bám theo đòi giá 3 đô la, tôi vẫn trả giá 1 đô la và anh ta đồng ý.

Nhưng lên xe rồi, tôi vẫn còn lo, sợ đám tút tút hồi nãy gài bẫy cho người giả bộ tới chở đến một chỗ vắng rồi chặn đánh. Hình như Ulf  đoán được nên trêu: “Miss, đừng căng thẳng nữa, không sao đâu” rồi cười toe toét. Để chắc ăn bác tuk tuk này không "nhầm" đường, tôi xổ một tràng tiếng Khmer nhắc lại nơi đến là nhà nghỉ Narin. Tới nơi, ông lái xe nhận 1 đô la và nói "okun" (cám ơn) vui vẻ.

< Khu hàng quán ăn uống bên ngoài chợ đêm Phnom Penh.

Vào đến nhà nghỉ, tôi ngồi "tám" một lúc với Ulf rồi hỏi mượn điện thoại để gọi về Việt Nam. Anh ta đùa: “Lại nhớ anh chàng đó hả?”. Gọi xong, tôi cám ơn Ulf và cáo lui về phòng nghỉ ngơi.

Mới đi bụi một ngày đầu tiên tôi đã gặp những chuyện thật kinh khủng. Đi bộ lòng vòng cả buổi trưa nắng, vô nhà nghỉ không có điện, đến tối lại cuốc bộ dài dài, hồi hộp... và bất an bởi những điều quá mức tưởng tượng.

Còn tiếp
Kỳ 1 - “Gà công nghiệp” xuất biên.
Kỳ 2 - Thử thách đầu tiên.
Kỳ 3 - Đêm đầu tiên ở Phnom Penh.
Kỳ 4 - Lang thang, hết chùa tới chợ.
Kỳ 5 - Cuộc chia tay bất ngờ.

Du lịch, GO! - Theo Vy Vân (Thesaigontimes), ảnh bổ xung từ internet.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống