Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Wednesday, 14 September 2011

Nhắc đến Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay đến văn hóa Chămpa. Nhưng nơi khí hậu khắc nghiệt này còn là quê hương của người Raglay.

Người Raglay có cuộc sống dựa vào rừng và du canh du cư. Cứ thu hoạch xong mùa rẫy, họ lại dắt díu nhau đến vùng đất khác, rồi khi quay lại chốn cũ thì nơi xưa đã biến thành một khu rừng. Những người du mục nuôi dê, cừu giờ thoắt ẩn thoắt hiện trong những cách rừng già, bỏ xa ánh đèn nơi phố thị.

Cách TP. Phan Rang - Tháp Chàm 60km, xã Ma Nới (thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn) là một trong những xã miền núi cách trở nhất của Ninh Thuận. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, một con đường nhựa đang thành hình chạy giữa vùng đồi núi điệp trùng, vắng bóng người qua lại. Thỉnh thoảng, chúng tôi thấy một số người Raglay gùi nặng những cành củi khô để mang đi bán lấy tiền mua gạo.

Trung tâm xã Ma Nới chỉ có vài chục nóc nhà bằng gỗ, tranh. Xã không có chợ, chỉ có một trường tiểu học và trường nội trú. Đời sống của người dân từng một thời chở che cho chiến khu cách mạng Anh Dũng gần đây đã khá lên nhiều.

Bí thư Đảng ủy xã có cái tên khá lạ - Đá Mài Soai tiếp khách ngay tại trụ sở xã. Ông bảo rằng, sắc tộc Raglay gồm 40 họ: Cà Mau, Pi Năng, Cà Mấu, Chamele, Đá Mài, Tà Yên... tập trung chủ yếu tại huyện Ninh Sơn.

Người dân trong xã vẫn còn tục tảo hôn, sơn nữ bỏ học sớm vì nghèo, mới 12 tuổi đã lo đi “bắt” chồng.  Khi thích đấng lang quân nào, cô gái trao cho chàng vòng đeo tay bằng đồng hoặc vòng đeo cổ. Hai gia đình sẽ gặp nhau để hẹn ngày bắt rể. Người chồng về sống ở nhà vợ, đi rẫy trỉa bắp cho bên vợ. Vì người Raglay theo chế độ mẫu hệ nên con cái ra đời đều mang họ mẹ.

Bên căn nhà tranh, những phụ nữ lớn tuổi thì luôn tay sàng đậu xanh để mang đi bán. Giá mỗi ký từ 18 đến 25 nghìn đồng. Bập điếu thuốc trên môi, bà Tà Thị Thanh nói: “Ngày xưa, tui lấy chồng lúc mới 10 tuổi. Hai đứa ở với nhau vài năm thì tám đứa con lần lượt ra đời”.

Rời huyện Ninh Sơn, chúng tôi theo Quốc lộ 27B (dẫn lên Đà Lạt) để tới huyện Bác Ái. Nơi đây có ngọn thác Cha - Panh hùng vĩ vào mùa mưa nhưng hiện đang thèm thuồng những giọt nước trời. Dọc đường vào trung tâm hành chính xã Phước Trung, được xây dựng khang trang trên một quả đồi, chúng tôi chứng kiến những gia đình du mục dựng chòi sống giữa những trảng rừng trải dài.

Đây là lần thứ hai tôi vào “thăm” Bác Ái. Mùa lũ năm trước, chúng tôi là những phóng viên đầu tiên vào vùng đất xa xôi này khi hồ chứa nước Phước Trung bị vỡ đập, suýt nhấn chìm vùng hạ lưu cả nghìn dân ở xã Phước Trung và xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn. Hàng trăm người dân đã được cứu thoát.

Anh Mã Ngọc Long - một người dân Raglay, ở gần trụ sở xã - cho biết, đồng bào của anh có nghề trồng bắp, quanh năm họ ăn bắp thay cơm vì mỗi năm chỉ trồng được một, hai vụ lúa. Ông Mai Xuân Hoàng Long - Phó Chủ tịch xã Phước Trung, một người dân phố thị chính hiệu, cho biết xã có 2.300 dân, chủ yếu trồng bắp và cây ăn trái.

Tới suối Ngang, chúng tôi trông thấy những thanh niên Raglay khỏe mạnh, cởi trần trùng trục lội nước ngang tới ngực, dùng lồng để bắt cá, cải thiện cuộc sống. “Bắt được những con đầu tiên, tụi tui dùng củi khô đốt lên nướng. Ăn ngon lắm đó!” - một người đàn ông Raglay khoe.

Cách Phước Trung không xa là vườn quốc gia Phước Bình. Nơi đây nổi tiếng vì có bò tót xuất hiện. Chúng đang được bảo vệ nghiêm ngặt, giống như ở lối vào chiến khu Đ, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Người Raglay gọi mãnh thú rừng xanh là “Kva”. Ngày trước, vùng đất này có rất nhiều bò tót, chúng dạn dĩ đến độ vào tận nhà dân để... uống nước. Thời chiến tranh, có người dân đã bị chúng dùng sừng đâm lủng ruột.

Những vùng đất xa xôi cách trở với đồng bằng đã được đầu tư điện, đường, trường, trạm, giúp cho người Raglay có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, với những tập quán lâu đời, họ vẫn thích lối sống rong ruổi và phóng khoáng cùng thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo báo CATPHCM, ảnh internet

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống