Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Wednesday, 13 June 2012

Bây giờ, dù ngồi trên máy bay hay lang bang đường bộ dọc ngang Tây Bắc, người ta luôn bị ngợp trong cảm giác xót xa. Miền rừng núi huyền thoại này đang trọc lóc, trơ khấc, đen nhẻm bởi cây cối bị đốn, đốt nhẵn thín như những cái cằm đàn ông mới... cạo râu!

Bỗng dưng, dưới chân đèo Nhọt, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La hiện ra với ngờm ngợp sương phủ, cây rừng thâm u rợp kín hai bên quốc lộ. Mấy trăm hécta rừng như viên ngọc xanh ngây ngất trước nắng hè thiêu đốt. Ai nấy ngỡ ngàng, khi cửa rừng hiện ra một tấm biển xanh rất to: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Trưởng bản Nhọt 1, xã Gia Phù, tên là Đinh Văn Huy. Mới 45 tuổi, nhưng anh Huy am hiểu chuyện quê mình, chuyện rừng Đại tướng như một pho sử sống: “Chúng tôi giữ được rừng, là một phần nhờ tài đức, uy danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đấy”.

Cả khu rừng mang tên vị đại tướng lừng lẫy năm châu là một kho báu di sản thiên nhiên của Tây Bắc. Rừng rộng 247ha, trùm lên các ngọn núi cao của đèo Nhọt - từng là nỗi hãi hùng của các tay lái, của khách sơn tràng suốt bao năm.

Lúc nào cũng như là... sẩm tối

Chúng tôi chứng kiến những cây trò, cây sấu, cây sâng đường kính gốc hơn 1m, thậm chí tới 2m. Phần thân, rễ, vè, bành của các tàng cây cuồn cuộn bao quanh cả một rông núi. Con suối trong vắt Bùa trườn trên đá phiến xanh rêu dẫn bước chân khám phá của chúng tôi như lạc vào thế giới rừng già cổ tích, vô cùng vô tận. Suối, rừng là một phần thế giới tâm linh của người Mường đất Phù Bắc Yên. Nó còn là nguồn nước nuôi dưỡng cả một vùng dân cư rộng lớn.

Bao đời nay, bà con bảo vệ khu rừng bao quanh đèo Nhọt như bảo vệ sự sống của mình. Rừng ngăn không cho lũ về, không cho hạn hán tàn phá, rừng giữ các suối nước ăn cho mỗi gia đình được thanh sạch đủ đầy. Quan trọng hơn, rừng còn là tín ngưỡng, là tổ tiên, quê hương của họ. Bà Đinh Thị Yêng (58 tuổi) đeo gùi nhìn lên đỉnh rừng thâm u chằng chịt miên man cây cổ thụ, mà rằng: Tôi đi hái rau lợn, thấy con gì chạy chạy lại cứ tưởng con chó nhà mình đi theo chủ như mọi khi. Thế rồi cái sừng nó thò lên như con gà trống khổng lồ ngơ ngác, ôi, con hoẵng. Con gì kêu loạn xạ mà bỏ chạy, nó là con cầy.

Trước đây, tôi chứng kiến có kẻ kiêu ngạo còn đi săn rồi khiêng cả con hổ vằn vện về nhà họ. Bản này có hai ông đi săn, đụng vào ổ gấu mới đẻ, cả hai đều bị gấu tát nát mặt, suốt đời sống trong đau khổ. Đó là các ông Đinh Văn Ngàm, Lò Văn Cỏ. Ông Đinh Văn Lừa vác súng kíp đi bắn lợn lòi, bị nó húc cho suýt mất mạng, anh trưởng bản Huy phải đi khiêng “bệnh nhân giết thú rừng” về cứu chữa. Ông Lừa bây giờ vẫn sống ân hận ở gần nhà anh Huy.

Bà Yêng đi rừng và nhiều người đi rừng đều có niềm tin hơi “tín tâm” rằng: Rừng có “chủ” là những vị thần to lớn, hay đi theo giám sát những khách sơn tràng. Ai làm điều ác sẽ bị quả báo. Người bản Nhọt 1 và bản Nhọt 2, các cụ vẫn trân trọng tổ chức lễ cúng rừng. Họ giết trâu bò, bày tiệc, bày ban thờ ra các gốc cây, lạy tứ phương tám hướng rồi chia nhau thụ lộc sơn lâm. Họ thề, hứa là sẽ không bao giờ xâm phạm đến rừng. Vì niềm tin đó nên bà Yêng luôn nỗ lực cùng chồng là ông Đinh Quyết Tiến - nguyên Chủ tịch UBND xã Gia Phù - tham gia phụ trách tổ giữ “rừng Đại tướng” suốt nhiều năm qua.

Bà Yêng bảo, giữ rừng là tự cứu mình. Và còn lý do nữa: “Rừng cấm” thì phải... cấm chặt chứ. Cấm chặt để bảo vệ một “di tích” liên quan đến vị đại tướng tôn kính của tất cả chúng ta. Cả bản này, cả xã này đã hàng trăm lần nghe ông Hoàng Văn Ưu kể chuyện rồi, ai mà chẳng hiểu. Trước trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” để đánh đuổi thực dân Pháp, đồng chí Võ Nguyên Giáp và đoàn quân hùng tráng có đi qua đèo Nhọt này để chuẩn bị cho chiến dịch lớn trên lòng chảo Mường Thanh. Ông nghỉ ở đây khá lâu.

Lễ tuyển mộ “lính Cụ Hồ” diễn ra thiêng liêng ở Gia Phù. Ông Ưu kể rất sinh động: Trai tráng chen nhau xin được lên đường cứu nước, diệt thù. Đại tướng cho tất cả đứng xếp hàng, ai lớn hơn thì chọn trước. Đến lượt ông Ưu, Đại tướng bảo, cháu còn ít tuổi quá, chịu khó học tập rèn luyện, đợi đến đợt tuyển quân sau nhé. “Rừng lúc bấy giờ dày hơn bây giờ nhiều, lúc nào vào rừng, cũng mù mịt như là trời đang ở giữa lúc sẩm tối ấy - một người già ở bản Nhọt 1 mô tả - Đại tướng khuyên bà con cần biết giữ rừng, sau này tôi đọc sách mới biết là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Vẫn vui với 3 triệu/năm, để giữ hơn 100ha rừng!

Nhớ lời dạy của Đại tướng, người ta đã cắm biển “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và kiên quyết bảo vệ rừng già đèo Nhọt đến hôm nay. Tuy nhiên, hành trình tử tế với thiên nhiên còn gian nan lắm. Từ thượng cổ, bà con vẫn có tín ngưỡng cúng rừng, lời thề giữ rừng. Nhưng rồi rừng vẫn bị phá. Buồn thay, người phá rừng lại chính là... cán bộ.

Người ta làm cột điện, bắc điện cho bản làng. Họ lợi dụng phá rừng. Người ta mở đường to hơn, trải nhựa có vẻ phẳng hơn, dọn hành lang hai bên lối đi, họ cũng “mượn gió bẻ măng” rất tàn bạo. Những cây chò to, cây sấu to bị chết, bị lâm trường cho khai thác vô tội vạ. Anh Huy bảo, bà con ức lắm, buồn lắm, kẻ xấu nghĩ ra đủ mọi lý do để khiêng gỗ ra khỏi rừng. Bà con kiến nghị, tố cáo những kẻ làm ác với rừng. Thế là thậm chí kiểm lâm phụ trách địa bàn là anh Lễ, anh Hoàng hồi đó (năm 1996) còn bị kỷ luật, truy tố. Bởi “kiểm lâm tiếp tay lâm tặc”.

Sau đó, bà con quyết liệt kiến nghị, rừng quý của dân, của nước, cán bộ không bảo vệ được thì hãy giao cho dân bản Mường chúng tôi “tuần tiễu” loại trừ dần kẻ xấu. Họ chia 247ha rừng già thành 2 khu, chia cho hai đội tuần rừng ở bản Nhọt 1 và bản Nhọt 2 cùng canh giữ. Anh Huy là nhóm trưởng một nhóm với các thành viên vạm vỡ người Mường gồm: Đinh Văn Hà, Đinh Văn Quý, Đinh Văn Huấn. Nhóm kia do anh Đinh Văn Són phụ trách.

Đều đặn họ vào rừng, đi khắp các lối mòn, kiểm tra, bắt giữ cả những người hái củi, chặt củi khô. Họ sợ nhất là người Mông ở trên núi cao, họ vào đẵn gỗ dựng các công trình lớn của họ. Sợ nữa là các nhóm lâm tặc muốn làm giàu từ kho tàng gỗ quý hiếm hoi còn sót lại của Tây Bắc này. “Tết của người Mường, người Kinh không trùng với tết của một số dân tộc khác. Họ hay lợi dụng lúc mình chúc tụng, tiệc tùng vài chén rượu du xuân... để vào rừng phá. Vì thế, chúng tôi tăng cường “tuần tiễu” vào những ngày tết, lễ. Khi bà con được nghỉ là chúng tôi lại phải vào rừng” - anh Huy tiết lộ.

Cái khó nhất của bí kíp giữ được bảo tàng sinh thái xanh tươi rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - theo các thành viên bản Nhọt 1 - chính là cái tâm của người sống với thiên nhiên. Nếu thật sự anh muốn bảo vệ rừng, thì không có gì là khó cả. Không cần súng, dùi cui hay công cụ hỗ trợ nào, chỉ một con dao phát nương, họ cứ đi tuần. Gặp kẻ xấu họ tuyên truyền nhẹ nhàng. Họ tịch thu tang vật gỗ lạt, củi đuốc, tịch thu phương tiện vi phạm - dao, gùi, rìu, trâu kéo.

Họ bảo kẻ vi phạm lâm luật: Tôi cũng là người Mường, tổ tiên tôi cũng bao đời ở nơi này, rừng đây là “rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Nhà nước đã cắm biển ngoài kia. Anh có kính trọng Đại tướng không, mà anh nỡ phá rừng này? Tôi không bắt giữ anh, vì anh vi phạm lần đầu. Nay, tôi thu rìu, dao của anh, rồi anh xuống nhà tôi, ta uống chén rượu nói chuyện tiếp. “Tôi giữ rất nhiều củi, nhiều rìu và dao ở đây. Ai đến là tôi trả lại, họ đã uống rượu, nghe tôi nói về rừng. Rồi họ cầm dao búa về. Tôi theo dõi, tuyệt nhiên không thấy ai vi phạm nữa. Có nhiều người còn xấu hổ không dám đến lấy “tang vật” về. Người đó càng không bao giờ vi phạm nữa. Bởi họ hiểu tấm lòng của mình với rừng!” - giọng anh Huy xúc động.

Họ tình nguyện xả thân giữ rừng thiêng. Gần đây, Nhà nước có chính sách, cho mỗi thành viên 3 triệu đồng/năm, để đều đặn ăn rừng ngủ thác, bảo vệ an toàn cho hàng trăm hécta rừng già!
Với “rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp” ở Phù Yên, bà con kính yêu người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam thì đã đành, cái đáng xúc động không kém là tấm tình của người Mường bản xứ với các cánh rừng quý báu. Họ đã nghĩ một cách mộc mạc, chân tình nhất với rừng, họ giữ rừng bằng cái cách thật giản dị, nhưng sự giản dị đó đã khiến rừng được bảo vệ tuyệt đối.

Ngẫm các hoạt cảnh rừng bị tàn phá thê lương ngay trước mũi kiểm lâm, rồi các trạm gác tối tân liên ngành vẫn để con voi chui lọt lỗ kim vô lý nhất đã hằng diễn ra mà thấy chua xót. Đơn giản, ở các trạm gác “chính quy” kia, đang thiếu sự thật thà như ở rừng Đại tướng. Bà con bảo, muốn giữ được rừng thì phải thật thà.

Du lịch, GO! - Theo Băng Thanh I (Cà Mau Online)

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống