Hà Giang vốn là địa chỉ quen thuộc của dân “phượt”. Nhưng có lẽ không mấy người trải nghiệm một chuyến đi “tận cùng” như thế vào lãnh địa người Mông…
Đầu xuân, tôi và Trường Sòn đi phượt Hà Giang bằng xe máy. Trường Sòn là nhiếp ảnh gia, chuyên chụp ảnh đề tài dân tộc, nhất là dân tộc Mông. Năm nào, cậu cũng khăn gói lên các bản làng, mang kẹo bánh, quần áo lên cho trẻ nhỏ.
Tôi chưa tiếp xúc nhiều với người Mông như Trường Sòn, nhưng với tôi, dân tộc này là cả một giấc mơ. Làm sao mà một dân tộc nhỏ bé ít người mà từ hàng ngàn năm có thể kiên trì sống trên những đỉnh núi cao nhất, cheo leo nhất, nơi quanh năm giá lạnh, nơi gần như không có người ngoài lui tới?
Luyện chưởng
Chúng tôi chọn một ngày gió mùa đông bắc lạnh giá để khởi hành. Trường Sòn trang bị thật kỹ lưỡng, mặc 3 quần, 3 áo trong, khoác thêm 2 lớp áo kiên cố bên ngoài, dưới đi tất len, trên đội mũ dạ, khăn quàng quấn kín chỉ hở mắt, găng tay mấy lớp. Ngược lại, tôi quyết chỉ mặc một chiếc quần mỏng, mà đúng là loại quần vải bông mỏng nhất trong các loại quần của người Mông, và một chiếc áo sơ mi, không tất, không khăn, không găng, không mũ. Tôi muốn thử xem, nếu mình chịu được cái lạnh trên vùng cổng trời, thì người Mông chắc sẽ không bao giờ cần quần áo chăn đệm của người dưới xuôi.
Ngày đầu đi đường, gió lạnh thổi vù vù, tôi thấy cơ thể như bị gây tê, khiến cho mọi cơn gió lạnh đập vào cứ như đập vào vách đá, trơ trơ, chẳng hề hấn gì. Trong khi đó bên trong, tôi vẫn cảm thấy có luồng sinh khí ấm áp lưu thông. Đặc biệt khu vực phổi, họng, mũi vẫn rất ấm. Rõ ràng cơ thể đã tự lập ra một vành đai bảo vệ vững chắc như vòng tròn của Tôn Ngộ Không vẽ quanh Tam Tạng.
Sáng hôm sau, tôi quyết định thử độ tin cậy của cơ thể trong một môi trường thứ hai - nước lạnh. Không có nước nào lạnh như nước suối trên núi mùa đông. Thật ngạc nhiên, ngay sau một hai gáo đầu tiên, cơ thể đã lập tức phòng thủ. Chỉ rùng mình một cái, toàn bộ làn da đã trở nên tê cứng như bị xịt thuốc tê.
Những gáo tiếp theo hoàn toàn không gây cảm giác gì nữa, như dội vào vách đá. Tiếp đến là sự phản công từ bên trong. Khí nóng bắt đầu tập trung rồi ào ạt tấn công ra ngoài. Những gáo nước lạnh như được dội lên tảng đá nóng, toàn thân bốc khói nghi ngút. Tắm xong, cả người ấm sực từ đầu đến chân, thật là dễ chịu. Sau hai trải nghiệm trên, tôi cảm thấy hoàn toàn vững tin và thư thái tiến vào lãnh địa của người Mông.
Các em ơi kẹo này…
Càng lên cao, trời càng lạnh, gió mạnh dần, sương giăng mù mịt. Gần cổng trời Quản Bạ là xã Quyết Thắng. Xã này là một thung lũng bằng phẳng trên đỉnh núi cao, đất đai màu mỡ nên là trung tâm trồng rau cho cả vùng. Sau một chặng dài toàn núi đá trơ trụi, đen sì sì, bỗng nhiên tới đây hai bên đường rau xanh mơn mởn. Trong khí lạnh, sương mù ẩm ướt, những cây cải mèo, bắp cải trông càng khổng lồ, mỡ màng khiến chúng tôi buộc phải dừng chân vào quán để thưởng thức món rau tươi. Áo tôi ẩm sũng hơi sương, nên tôi cởi ra hong trên bếp cho khô. Thấy tôi mặc một áo, rồi lại cởi trần trong trời lạnh, vợ chồng chủ quán người Kinh nghĩ tôi bị tâm thần. Họ đang tính phải dời về xuôi vì quá lạnh, con trai họ đang ho hen kèn cử.
Ngày hôm sau, chúng tôi rời Quản Bạ, qua Yên Minh, tiến về Đồng Văn. Dọc đường đi, thấp thoáng những sắc váy Mông sặc sỡ trong sương mù dày đặc. Những cô gái, bà già người Mông gùi củi, lá cao ngất đầu, di chuyển trong sương như cảnh trong mộng. Trường Sòn xuống xe, lon ton chạy theo, miệng cười toe toét, liên mồm nói: chí pâu, chí pâu, rồi một tay giúi kẹo, tay kia chuẩn bị máy ảnh để chụp. Những bà già Mông cũng cười ha hả sảng khoái, chí pâu, chí pâu, rồi khoác vai tôi và Trường Sòn như thể bạn cũ lâu ngày gặp lại. Sau hỏi Trường Sòn có biết tiếng Mông không, nó bảo biết mỗi chí pâu, có nghĩa là “Không hiểu”.
Đồng Văn vẫn như xưa, mỗi một con phố dọc đường với một ít nhà quanh khu chợ. Ngày thường nên vắng vẻ. Đặc biệt khu chợ trống rỗng, không một bóng người, chỉ một bà lao công quét rác quèn quẹt trong ánh sáng chạng vạng, như phim kinh dị. Hỏi ra thì biết bây giờ cấm họp chợ ở đây, để bảo tồn. Chợ bị đẩy ra một bãi đất trống phía dưới, với mấy lán tranh xiêu vẹo.
Hôm sau, chúng tôi để xe máy ở Đồng Văn, đi bộ theo những đường mòn vào các bản Mông. Đường mòn cheo leo như sợi chỉ trên vách đá dựng đứng. Dưới thung lũng sâu tít, một gia đình người Mông đang đi cày. Vách sâu sương mờ không nhìn rõ người, chỉ thấy những bóng xanh đỏ loáng thoáng trên nền đất mới nâu sẫm, nổi bật giữa hai sườn núi xanh, hoa cải vàng. Có tiếng trẻ con cười đùa lanh lảnh. Trường Sòn dừng lại, hú vọng xuống dưới: Các em ơi, kẹo này, rồi vung tay ném một gói kẹo xuống thung lũng. Không may sức ném không đủ, gói kẹo mắc lưng chừng vách đá dựng đứng.
Ở dưới thấy những bóng trẻ con thoăn thoắt leo lên vách núi như những con khỉ nhỏ. Loáng một cái đã thấy mấy đứa leo tới chỗ kẹo. Chúng sung sướng reo vui, xé gói kẹo chia nhau rồi loáng một cái đã lại trèo xuống mất tăm. Chúng tôi cũng sướng, vỗ tay hoan hô tài nghệ của chúng, vì đã tưởng rằng chúng không có cách gì lấy được gói kẹo.
Chúng đi rồi, lòng tôi bỗng thoáng buồn. Một người không quen biết có khi nào ném kẹo từ đỉnh núi xuống cho chúng? Và chúng đã tin, leo lên lấy rồi đi như một việc rất tất nhiên, như thể chúng nhìn thấy quả chín từ trên cây rụng xuống. Nếu là tôi ở dưới đó, chắc chắn tôi sẽ không leo lên lấy kẹo, bởi tôi sẽ không tin đó là kẹo thật, tôi không còn tin ở việc tốt trên đời.
Con cù quay…
Đường mòn dẫn qua những bản Mông đẹp như tiên cảnh. Mái nhà đen sẫm nổi trên nền hoa cải vàng rực. Vách đá hùng vĩ vây sau lưng, ruộng bậc thang trải thành thác trước mặt. Loáng thoáng những mảng tường trình đất nện lóng lánh như bằng vàng dưới ánh nắng, lại ấm áp như miếng bánh mật trong sương mù. Chúng tôi vào bản và xin nước uống ở một ngôi nhà mới. Ngôi nhà này xấu nổi bật cả bản vì nó được làm bằng gạch ba banh xám ngoét lạnh lẽo và mái fibro xi măng chưa kịp xuống màu đen.
Chúng tôi hỏi chủ nhà là thấy nhà mình đẹp hay các nhà khác đẹp. Anh bảo tất nhiên nhà tường trình đẹp hơn, lại ấm hơn, bền hơn rất nhiều. Mái ngói cũng đẹp hơn mái xi măng. Nhưng bây giờ nhà nước không khuyến khích làm nhà trình tường mái ngói, nên chỉ hỗ trợ cho những nhà nào làm gạch ba banh, mái xi măng thôi. Toàn tỉnh đang thực hiện chính sách khuyến khích này. Mỗi lần hỗ trợ 15-20 triệu, chẳng bao lâu có thể xóa sổ một bản sắc, một cảnh quan ngàn đời.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa dân tộc Mông rõ ràng đang ngày một mờ nhạt. Các nhà đã ít ăn mèn mén hơn, thường đổi ngô lấy gạo để ăn. Cũng một phần vì giống ngô cao sản ngắn ngày bây giờ chủ yếu chỉ để chăn nuôi, ăn không còn ngon, lại khó để lâu. Quần áo thì đa số nhập của người Kinh hoặc Trung Quốc, tuy vẫn sặc sỡ nhưng không còn thổ cẩm, không còn lanh, bông như xưa.
Đồ đạc trong nhà, từ cái chậu gỗ rửa mặt, rửa chân truyền thống, tới những bàn thờ, bếp lửa v.v. mai một đi rất nhiều. Những con chó Mông cộc đuôi thỉnh thoảng mới thấy một con, còi cọc, không còn là loài chó nổi danh ngày nào. Những con gà Mông lông dày sặc sỡ, tiếng gáy thật dài, xa xăm như tiếng sói hú trên thảo nguyên cũng ít dần, thay vào đó là những con gà Tàu đần độn được nhập về bán rẻ cho dân. Đến những con lợn bản lông đen béo ị trong chuồng khi hỏi ra thì cũng chỉ nuôi bốn tháng đã nặng gần một tạ!
Buổi chiều, chúng tôi đi qua một bãi đất trống, có rất nhiều trẻ con đang chơi. Đứa lớn, đứa nhỡ thì chơi quay. Những đứa nhỏ thì đứng túm năm tụm ba, xem anh chị chơi. Những con quay đen bóng, tròn xoe, nặng chịch như đá. Bọn trẻ bổ quay rất thiện nghệ, nhát nào cũng bổ trúng chan chát, nhưng không thấy con quay nào hề hấn gì, càng bổ, gỗ càng lên nước bóng lừ. Bọn trẻ đứa nào đứa nấy chân trần, đầu trần, mặc độc một quần mỏng, áo mỏng trong trời rét như cắt. Vậy mà đứa nào cũng căng tròn, má đỏ hây hây, mắt sáng như điện.
Tôi hỏi một thiếu nữ khoảng 15 tuổi có chồng chưa, vì thường người Mông lấy chồng quãng 12, 13 tuổi. Cô gái bảo em phải làm cán bộ rồi mới lấy chồng, vì bác em là bí thư xã, bố mẹ em là cán bộ huyện, bản thân em đang đi học ở Đồng Văn. Hỏi em có thích làm cán bộ, thích ở thành phố không. Em nói ở thành phố thì không thích, ở bản thích hơn, lên rừng lại càng thích nữa. Nhưng cả nhà em đã là cán bộ, vậy em cũng phải là cán bộ thôi. Có điều chừng nào chưa phải là cán bộ, em muốn được sống với bản làng.
Lại hỏi một thằng bé cỡ 8 tuổi, nó bảo đi học phổ thông ở Đồng Văn, nhưng sau rằm mới phải đến trường. Hỏi có thích ra phố học không, nó bảo không thích, ở nhà sướng hơn, tự do hơn. Hỏi vậy sao đi học làm gì, nó bảo không biết, bảo nó học thì nó học, học xong thì lại về, có sao đâu.
Đến đây, tôi giật mình tỉnh ngộ, đúng là kiến trúc truyền thống có thể mất, áo quần thổ cẩm, mèn mén có thể không còn, nhưng con người Mông thì vẫn còn nguyên như vậy. Họ như những con quay tròn xoe, bóng lừ. Chúng quay theo kẻ chơi, chịu liên tiếp những cú bổ trời giáng, nhưng cuối cùng vẫn y nguyên như ban đầu, tròn xoe, không tì vết. Phải là gỗ quý mới làm nên được con quay như vậy.
Nghĩ lại, biết đâu chính việc mất đi những bản sắc bên ngoài lại là con đường giúp họ trở lại tự do. Suy cho cùng người Mông cần gì cái chợ Đồng Văn do Pháp xây. Chợ đẹp thì béo du khách, còn người Mông chỉ cần một bãi đất trống để tụ tập mỗi tuần một lần, trao đổi, giao duyên. Du lịch nhiều khi bệnh hoạn. Người ta làm chợ tình, vì họ ở xa nhau, trên những đỉnh núi tách biệt. Mỗi phiên chợ lặn lội gặp nhau ở một chỗ để tìm hiểu, tán tỉnh, giao duyên.
Thế mà du khách lại đến xem, khác gì du lịch nhòm qua lỗ khóa ở đô thị. Ngày nay người Mông phải bỏ chợ tình Khau Vai, chợ tình Sa Pa để bí mật hẹn nhau mỗi tuần một địa điểm mới, vậy mà cũng khó tránh du khách đánh hơi mò theo.
Người Mông từ ngàn đời ẩn cư trên núi cao, nghèo đói, rét mướt cũng không tuyệt chủng, đâu có cần du khách mới sống được. Sau này không còn nhà cửa đặc sắc, không còn quần áo thổ cẩm nữa, biết đâu du khách sẽ tha cho tộc Mông... Khi đó, biết đâu núi rừng sẽ lại hồi sinh, hoa mơ, hoa mận lại nở trắng bản làng, tiếng khèn, tiếng sáo lại vang vọng khắp núi.
Du lịch, GO! - Theo Phó Đức Tùng (TTVH), ảnh internet
Đầu xuân, tôi và Trường Sòn đi phượt Hà Giang bằng xe máy. Trường Sòn là nhiếp ảnh gia, chuyên chụp ảnh đề tài dân tộc, nhất là dân tộc Mông. Năm nào, cậu cũng khăn gói lên các bản làng, mang kẹo bánh, quần áo lên cho trẻ nhỏ.
Tôi chưa tiếp xúc nhiều với người Mông như Trường Sòn, nhưng với tôi, dân tộc này là cả một giấc mơ. Làm sao mà một dân tộc nhỏ bé ít người mà từ hàng ngàn năm có thể kiên trì sống trên những đỉnh núi cao nhất, cheo leo nhất, nơi quanh năm giá lạnh, nơi gần như không có người ngoài lui tới?
Luyện chưởng
Chúng tôi chọn một ngày gió mùa đông bắc lạnh giá để khởi hành. Trường Sòn trang bị thật kỹ lưỡng, mặc 3 quần, 3 áo trong, khoác thêm 2 lớp áo kiên cố bên ngoài, dưới đi tất len, trên đội mũ dạ, khăn quàng quấn kín chỉ hở mắt, găng tay mấy lớp. Ngược lại, tôi quyết chỉ mặc một chiếc quần mỏng, mà đúng là loại quần vải bông mỏng nhất trong các loại quần của người Mông, và một chiếc áo sơ mi, không tất, không khăn, không găng, không mũ. Tôi muốn thử xem, nếu mình chịu được cái lạnh trên vùng cổng trời, thì người Mông chắc sẽ không bao giờ cần quần áo chăn đệm của người dưới xuôi.
Ngày đầu đi đường, gió lạnh thổi vù vù, tôi thấy cơ thể như bị gây tê, khiến cho mọi cơn gió lạnh đập vào cứ như đập vào vách đá, trơ trơ, chẳng hề hấn gì. Trong khi đó bên trong, tôi vẫn cảm thấy có luồng sinh khí ấm áp lưu thông. Đặc biệt khu vực phổi, họng, mũi vẫn rất ấm. Rõ ràng cơ thể đã tự lập ra một vành đai bảo vệ vững chắc như vòng tròn của Tôn Ngộ Không vẽ quanh Tam Tạng.
Sáng hôm sau, tôi quyết định thử độ tin cậy của cơ thể trong một môi trường thứ hai - nước lạnh. Không có nước nào lạnh như nước suối trên núi mùa đông. Thật ngạc nhiên, ngay sau một hai gáo đầu tiên, cơ thể đã lập tức phòng thủ. Chỉ rùng mình một cái, toàn bộ làn da đã trở nên tê cứng như bị xịt thuốc tê.
Những gáo tiếp theo hoàn toàn không gây cảm giác gì nữa, như dội vào vách đá. Tiếp đến là sự phản công từ bên trong. Khí nóng bắt đầu tập trung rồi ào ạt tấn công ra ngoài. Những gáo nước lạnh như được dội lên tảng đá nóng, toàn thân bốc khói nghi ngút. Tắm xong, cả người ấm sực từ đầu đến chân, thật là dễ chịu. Sau hai trải nghiệm trên, tôi cảm thấy hoàn toàn vững tin và thư thái tiến vào lãnh địa của người Mông.
Các em ơi kẹo này…
Càng lên cao, trời càng lạnh, gió mạnh dần, sương giăng mù mịt. Gần cổng trời Quản Bạ là xã Quyết Thắng. Xã này là một thung lũng bằng phẳng trên đỉnh núi cao, đất đai màu mỡ nên là trung tâm trồng rau cho cả vùng. Sau một chặng dài toàn núi đá trơ trụi, đen sì sì, bỗng nhiên tới đây hai bên đường rau xanh mơn mởn. Trong khí lạnh, sương mù ẩm ướt, những cây cải mèo, bắp cải trông càng khổng lồ, mỡ màng khiến chúng tôi buộc phải dừng chân vào quán để thưởng thức món rau tươi. Áo tôi ẩm sũng hơi sương, nên tôi cởi ra hong trên bếp cho khô. Thấy tôi mặc một áo, rồi lại cởi trần trong trời lạnh, vợ chồng chủ quán người Kinh nghĩ tôi bị tâm thần. Họ đang tính phải dời về xuôi vì quá lạnh, con trai họ đang ho hen kèn cử.
Ngày hôm sau, chúng tôi rời Quản Bạ, qua Yên Minh, tiến về Đồng Văn. Dọc đường đi, thấp thoáng những sắc váy Mông sặc sỡ trong sương mù dày đặc. Những cô gái, bà già người Mông gùi củi, lá cao ngất đầu, di chuyển trong sương như cảnh trong mộng. Trường Sòn xuống xe, lon ton chạy theo, miệng cười toe toét, liên mồm nói: chí pâu, chí pâu, rồi một tay giúi kẹo, tay kia chuẩn bị máy ảnh để chụp. Những bà già Mông cũng cười ha hả sảng khoái, chí pâu, chí pâu, rồi khoác vai tôi và Trường Sòn như thể bạn cũ lâu ngày gặp lại. Sau hỏi Trường Sòn có biết tiếng Mông không, nó bảo biết mỗi chí pâu, có nghĩa là “Không hiểu”.
Đồng Văn vẫn như xưa, mỗi một con phố dọc đường với một ít nhà quanh khu chợ. Ngày thường nên vắng vẻ. Đặc biệt khu chợ trống rỗng, không một bóng người, chỉ một bà lao công quét rác quèn quẹt trong ánh sáng chạng vạng, như phim kinh dị. Hỏi ra thì biết bây giờ cấm họp chợ ở đây, để bảo tồn. Chợ bị đẩy ra một bãi đất trống phía dưới, với mấy lán tranh xiêu vẹo.
Hôm sau, chúng tôi để xe máy ở Đồng Văn, đi bộ theo những đường mòn vào các bản Mông. Đường mòn cheo leo như sợi chỉ trên vách đá dựng đứng. Dưới thung lũng sâu tít, một gia đình người Mông đang đi cày. Vách sâu sương mờ không nhìn rõ người, chỉ thấy những bóng xanh đỏ loáng thoáng trên nền đất mới nâu sẫm, nổi bật giữa hai sườn núi xanh, hoa cải vàng. Có tiếng trẻ con cười đùa lanh lảnh. Trường Sòn dừng lại, hú vọng xuống dưới: Các em ơi, kẹo này, rồi vung tay ném một gói kẹo xuống thung lũng. Không may sức ném không đủ, gói kẹo mắc lưng chừng vách đá dựng đứng.
Ở dưới thấy những bóng trẻ con thoăn thoắt leo lên vách núi như những con khỉ nhỏ. Loáng một cái đã thấy mấy đứa leo tới chỗ kẹo. Chúng sung sướng reo vui, xé gói kẹo chia nhau rồi loáng một cái đã lại trèo xuống mất tăm. Chúng tôi cũng sướng, vỗ tay hoan hô tài nghệ của chúng, vì đã tưởng rằng chúng không có cách gì lấy được gói kẹo.
Chúng đi rồi, lòng tôi bỗng thoáng buồn. Một người không quen biết có khi nào ném kẹo từ đỉnh núi xuống cho chúng? Và chúng đã tin, leo lên lấy rồi đi như một việc rất tất nhiên, như thể chúng nhìn thấy quả chín từ trên cây rụng xuống. Nếu là tôi ở dưới đó, chắc chắn tôi sẽ không leo lên lấy kẹo, bởi tôi sẽ không tin đó là kẹo thật, tôi không còn tin ở việc tốt trên đời.
Con cù quay…
Đường mòn dẫn qua những bản Mông đẹp như tiên cảnh. Mái nhà đen sẫm nổi trên nền hoa cải vàng rực. Vách đá hùng vĩ vây sau lưng, ruộng bậc thang trải thành thác trước mặt. Loáng thoáng những mảng tường trình đất nện lóng lánh như bằng vàng dưới ánh nắng, lại ấm áp như miếng bánh mật trong sương mù. Chúng tôi vào bản và xin nước uống ở một ngôi nhà mới. Ngôi nhà này xấu nổi bật cả bản vì nó được làm bằng gạch ba banh xám ngoét lạnh lẽo và mái fibro xi măng chưa kịp xuống màu đen.
Chúng tôi hỏi chủ nhà là thấy nhà mình đẹp hay các nhà khác đẹp. Anh bảo tất nhiên nhà tường trình đẹp hơn, lại ấm hơn, bền hơn rất nhiều. Mái ngói cũng đẹp hơn mái xi măng. Nhưng bây giờ nhà nước không khuyến khích làm nhà trình tường mái ngói, nên chỉ hỗ trợ cho những nhà nào làm gạch ba banh, mái xi măng thôi. Toàn tỉnh đang thực hiện chính sách khuyến khích này. Mỗi lần hỗ trợ 15-20 triệu, chẳng bao lâu có thể xóa sổ một bản sắc, một cảnh quan ngàn đời.
Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những nét văn hóa dân tộc Mông rõ ràng đang ngày một mờ nhạt. Các nhà đã ít ăn mèn mén hơn, thường đổi ngô lấy gạo để ăn. Cũng một phần vì giống ngô cao sản ngắn ngày bây giờ chủ yếu chỉ để chăn nuôi, ăn không còn ngon, lại khó để lâu. Quần áo thì đa số nhập của người Kinh hoặc Trung Quốc, tuy vẫn sặc sỡ nhưng không còn thổ cẩm, không còn lanh, bông như xưa.
Đồ đạc trong nhà, từ cái chậu gỗ rửa mặt, rửa chân truyền thống, tới những bàn thờ, bếp lửa v.v. mai một đi rất nhiều. Những con chó Mông cộc đuôi thỉnh thoảng mới thấy một con, còi cọc, không còn là loài chó nổi danh ngày nào. Những con gà Mông lông dày sặc sỡ, tiếng gáy thật dài, xa xăm như tiếng sói hú trên thảo nguyên cũng ít dần, thay vào đó là những con gà Tàu đần độn được nhập về bán rẻ cho dân. Đến những con lợn bản lông đen béo ị trong chuồng khi hỏi ra thì cũng chỉ nuôi bốn tháng đã nặng gần một tạ!
Buổi chiều, chúng tôi đi qua một bãi đất trống, có rất nhiều trẻ con đang chơi. Đứa lớn, đứa nhỡ thì chơi quay. Những đứa nhỏ thì đứng túm năm tụm ba, xem anh chị chơi. Những con quay đen bóng, tròn xoe, nặng chịch như đá. Bọn trẻ bổ quay rất thiện nghệ, nhát nào cũng bổ trúng chan chát, nhưng không thấy con quay nào hề hấn gì, càng bổ, gỗ càng lên nước bóng lừ. Bọn trẻ đứa nào đứa nấy chân trần, đầu trần, mặc độc một quần mỏng, áo mỏng trong trời rét như cắt. Vậy mà đứa nào cũng căng tròn, má đỏ hây hây, mắt sáng như điện.
Tôi hỏi một thiếu nữ khoảng 15 tuổi có chồng chưa, vì thường người Mông lấy chồng quãng 12, 13 tuổi. Cô gái bảo em phải làm cán bộ rồi mới lấy chồng, vì bác em là bí thư xã, bố mẹ em là cán bộ huyện, bản thân em đang đi học ở Đồng Văn. Hỏi em có thích làm cán bộ, thích ở thành phố không. Em nói ở thành phố thì không thích, ở bản thích hơn, lên rừng lại càng thích nữa. Nhưng cả nhà em đã là cán bộ, vậy em cũng phải là cán bộ thôi. Có điều chừng nào chưa phải là cán bộ, em muốn được sống với bản làng.
Lại hỏi một thằng bé cỡ 8 tuổi, nó bảo đi học phổ thông ở Đồng Văn, nhưng sau rằm mới phải đến trường. Hỏi có thích ra phố học không, nó bảo không thích, ở nhà sướng hơn, tự do hơn. Hỏi vậy sao đi học làm gì, nó bảo không biết, bảo nó học thì nó học, học xong thì lại về, có sao đâu.
Đến đây, tôi giật mình tỉnh ngộ, đúng là kiến trúc truyền thống có thể mất, áo quần thổ cẩm, mèn mén có thể không còn, nhưng con người Mông thì vẫn còn nguyên như vậy. Họ như những con quay tròn xoe, bóng lừ. Chúng quay theo kẻ chơi, chịu liên tiếp những cú bổ trời giáng, nhưng cuối cùng vẫn y nguyên như ban đầu, tròn xoe, không tì vết. Phải là gỗ quý mới làm nên được con quay như vậy.
Nghĩ lại, biết đâu chính việc mất đi những bản sắc bên ngoài lại là con đường giúp họ trở lại tự do. Suy cho cùng người Mông cần gì cái chợ Đồng Văn do Pháp xây. Chợ đẹp thì béo du khách, còn người Mông chỉ cần một bãi đất trống để tụ tập mỗi tuần một lần, trao đổi, giao duyên. Du lịch nhiều khi bệnh hoạn. Người ta làm chợ tình, vì họ ở xa nhau, trên những đỉnh núi tách biệt. Mỗi phiên chợ lặn lội gặp nhau ở một chỗ để tìm hiểu, tán tỉnh, giao duyên.
Thế mà du khách lại đến xem, khác gì du lịch nhòm qua lỗ khóa ở đô thị. Ngày nay người Mông phải bỏ chợ tình Khau Vai, chợ tình Sa Pa để bí mật hẹn nhau mỗi tuần một địa điểm mới, vậy mà cũng khó tránh du khách đánh hơi mò theo.
Người Mông từ ngàn đời ẩn cư trên núi cao, nghèo đói, rét mướt cũng không tuyệt chủng, đâu có cần du khách mới sống được. Sau này không còn nhà cửa đặc sắc, không còn quần áo thổ cẩm nữa, biết đâu du khách sẽ tha cho tộc Mông... Khi đó, biết đâu núi rừng sẽ lại hồi sinh, hoa mơ, hoa mận lại nở trắng bản làng, tiếng khèn, tiếng sáo lại vang vọng khắp núi.
Du lịch, GO! - Theo Phó Đức Tùng (TTVH), ảnh internet
0 comments:
Post a Comment