Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Thắng cảnh tâm linh. Show all posts
Showing posts with label Thắng cảnh tâm linh. Show all posts

Thursday, 2 May 2013

Chùa Hương Nghiêm hay còn gọi Hương Nham (chùa Hang, vì chùa nằm trong lòng động) ở dưới chân núi Hương Nghiêm thuộc xóm Phúc Thọ, xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Chùa Hương Nghiêm được xây dựng vào thời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh), niên hiệu Đại Chính thứ 8 (năm 1537) tại thôn Thúc Thủy, xã Thúc Thủy, tổng Thường Túc, nay là thôn Phúc Thọ, xã An Khang.
Ngôi chùa được xây dựng từ sáng kiến của hai vị quan hiến sát là Ngô Thọ Khê và Vũ Trạch Xuyên.
Chùa nằm trong hang đá tự nhiên với 2 mái vòm đá và nhiều nhũ đá rủ xuống đủ mọi hình thù. Đặc biệt có nhũ đá hình cổ thụ, tạo cho hang đá một vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn.

Trước đây, trong hang đá còn có giếng sâu 8 đến 9m, gần giếng có dòng suối ngầm rộng khoảng 3m chảy ra sông Lô. Hang có nhiều lối đi lên đỉnh núi, lối xuống suối ngầm, ngoài cửa hang có một dãy núi hình con rồng, giữa hang có phiến đá to hình chiếc thuyền dài 8,7m rộng 4m.

Trong chùa còn có hai pho tượng Bồ Tát cổ bằng đồng và các vật dụng cổ như: giá đọc văn tế, hương án thời Nguyễn và một chiếc mâm đồng có hoa văn cũng từ thời Nguyễn. Đặc biệt là tấm bia “Hương Nghiêm tự bi” (văn bia chùa Hương Nghiêm) trước cửa chùa. Văn bia chùa Hương Nghiêm được tạc vào ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (năm 1537). “Hương Nghiêm tự bi”là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang.

Văn bia chùa Hương Nghiêm có chiều cao 1,25m, chiều rộng 1m gồm 2 phần trán bia và thân bia, trên trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh bia được chạm văn dây đơn giản. Dưới trán bia là 4 chữ đại tự: Hương Nghiêm tự bi.

Văn bia do do 2 vị đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1535), chức Tu thân doãn, Hiến sát sứ Thanh hình, Hiến sát các sứ Tuyên Quang, Triều liệt Đại phu Ngô Hoằng Trinh hiệu là Trinh Túc soạn và vị Thông chương đại phu, Tri phủ Yên Bình, hàng Công khanh là Đỗ Bá Chiêu hiệu là Huỳnh Phủ viết chữ.

Nội dung bài văn bia như sau:
“Dòng Long Vị như dải lụa trắng lượn vòng trước động. Phía sau động là đường cái quan, ngựa xe như nước. Phía tây động, nha môn tòa rộng dãy dài. Trong chùa khói hương nghi ngút, đó là cung Phạm Vương vậy. Trước cung tiền đường, trùng tu mái ngói đỏ tươi, có nơi thắp hương và tam quan. Cứ đến ngày rằm và mùng một, tín đồ thập phương nối gót cầu khấn, tăng ni cúi đầu về phương nam ba lần vái lạy. Những khi đất trời không hoà thuận, cầu nắng thì được trời quang tạnh, khấn mưa thì mưa trải khắp nơi. Chùa rất linh ứng, không thể ngờ được!”

Còn bài minh của người lập bia có nội dung:
Động u nhi cổ, nham sấu nhi hương,
Sáng tự khắc thạch, địa cửu thiên trường.

Dịch nghĩa:
Động sâu mà (có vẻ) cổ kính
Trái núi dáng nhỏ mà lại có hương thơm bay
(Nơi đó) xây dựng chùa và tạc bia đá
(Để cho) muôn thuở (cùng với) trời đất

Dịch thơ:
Động sâu in dấu tích xưa
Núi thanh thanh dáng, hương đưa ngạt ngào
Đất trời bền vững biết bao tháng ngày.
Dựng chùa bia tạc năm nào.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hương Nghiêm là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa hai chiếc máy bay đầu tiên của quân đội Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng. Từ năm 1951-1976, chùa Hương Nghiêm là kho chứa vũ khí, đạn dược của Trạm vận tải và Trung đoàn 331. Chùa Hương Nghiêm đã được công nhận là di tích cấp tỉnh. Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch sẽ diễn ra lễ hội chùa Hương Nghiêm.

Hiện nay, do nhu cầu mở rộng khuôn viên của chùa Hương Nghiêm, Thầy trụ trì đã cho khánh thiết thêm một số hạng mục của chùa. Đặc biệt nhất là pho tượng Phật nằm, được đánh giá là lớn nhất miền Bắc. Hương Nghiêm tự bi là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang, được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch sẽ diễn ra lễ hội chùa Hương Nghiêm. Du khách muốn đến Hương Nghiêm có thể đi từ thị xã Tuyên Quang qua Yên Sơn để tới Hương Nghiêm.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Phatgiao.org, Vietgle.vn và nhiều nguồn khác.

Wednesday, 1 May 2013

Chùa Munir Ansay là một ngôi chùa Khmer lớn ở thành phố Cần Thơ. Ngoài nét cổ kính, ngôi chùa còn rực lên một màu sắc rực rỡ khiến du khách phương xa chú ý, từ lâu đã thu hút đông đảo du khách tham quan, hành hương.

< Tháp tam bảo trên cổng chùa Munir Ansay.

Chùa Munir Ansay (Muni Răngsây) tọa lạc tại số 36 đại lộ Hòa Bình, thành phố Cần Thơ, được xây dựng năm 1948 bằng vật liệu tre lá đơn sơ. Sau nhiều đợt trùng tu, xây dựng chùa mới có dáng vẻ như ngày nay. Mãi đến năm 1954 thì cổng chùa mới được xây dựng với kiến trúc mô hình tháp (tam bảo) của Angkor Wat và đến năm 1964 mới xây dựng chánh điện. Cũng như các chùa Khmer khác, chánh điện luôn quay về hướng đông vì theo Phật giáo thì hướng Đông là hướng của các vị thần thánh.

< Chính điện chùa Munir Ansay.

Khi vừa đặt chân đến cổng chùa, du khách cảm thấy ngôi chùa nổi bật lên một màu vàng rực rỡ, óng ánh in trên nền trời xanh. Cổng chùa được xây theo kiểu hình tháp tam bảo, ba ngôi tháp nằm song song trên cổng đứng sừng sững giữa không trung, giúp du khách cảm nhận được sự tôn nghiêm nơi thờ tự. Ba ngọn tháp này cũng được sơn màu vàng rực rỡ. Đây là màu sắc truyền thống thường được trang trí trong các ngôi chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù tọa lạc tại trung tâm thành phố nhưng sân chùa khá thoáng đãng, không gian rộng rãi và yên bình.

< Ngôi tháp trước sân chính điện.

Từ cổng nhìn vào, du khách sẽ bắt gặp một tòa bảo tháp màu vàng lộng lẫy đứng sừng sững giữa sân như bức bình phong che chắn cho khu vực chính điện. Mỗi tầng trong bảo tháp là một tượng phật nhỏ minh chứng cho sự sùng đạo của đồng bào Khmer hiền hòa, hiếu khách. Xung quanh bảo tháp được đắp nổi phù điêu tam bảo, tượng tiên nữ Keynor, tượng chim thần Kurd, tượng Phật bốn mặt…

Phía sau bảo tháp là cầu thang dẫn lên khu vực chính điện. Khu vực này được xây cao, cách mặt đất hơn 1 mét nên rất thoáng đãng và sạch sẽ. Xung quanh gian chính điện được trang trí bằng nhiều phù điêu đắp nổi làm cho bên ngoài gian chính điện khi nhìn vào trông thật lộng lẫy.

< Bàn thờ trong chính điện.

Bên trong gian chính điện là nơi thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và nhiều vị Phật khác. Đứng ở đây, du khách có thể nghe được hơi thở của mình cho dù bên ngoài rất náo nhiệt.

Hằng năm, tại chùa Munir Ansay đều có tổ chức các ngày lễ lớn như Cholchonam Thomay - tết năm mới (ngày 13, 14, 15 tháng 3 âm lịch), Ok-om-Book - lễ đưa nước (tháng 10 âm lịch), Donta - lễ cúng ông bà (tháng 8 âm lịch), lễ Dâng Y của đồng bào Khmer... Lễ được tổ chức vui tươi trang trọng, có nhiều trò chơi dân gian với nhiều hình thức phong phú.

Chùa Munir Ansay là một ngôi chùa Khmer lớn và lâu năm nhất tại Cần Thơ. Vì vậy, đây là điểm tham quan mà du khách không nên bỏ ngoài chương trình mỗi khi có dịp đặt chân đến Cần Thơ.

Du lịch, GO! - Theo Trần Kiều Quang (Thesaigontimes.vn)

Monday, 29 April 2013

Du khách thử một lần đặt chân đến Điện 13 ở núi Cấm (Tịnh Biên) để một lần khám phá và trải nghiệm những điều thú vị từ hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” trong tứ bề “mê cung đá”.

Từ vồ Thiên Tuế, chúng tôi cùng đoàn du khách hành hương tiếp tục hành trình vượt qua con đường uốn lượn và mất khoảng 3km đường đi bộ mới đến Điện 13. Giữa cảm giác se se lạnh của cái nắng ban mai chưa qua khỏi vách núi thì quán ăn bên Điện 13 của chị Nguyễn Thị Nga đã đông khách vãng lai. Chị Nga mời chào: “Vào ăn tô bún chay, uống ly trà đá rồi chinh phục Điện 13 chú em ơi. Nghỉ xả hơi chút xíu đi, tôi kêu đứa con trai dắt mọi người xuống Điện Mẹ (còn gọi là hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”)…”.

< Quán võng bên Điện 13.

Sau vài phút ngã lưng trên chiếc võng, chúng tôi bắt đầu leo lên Điện 13. Khu Điện 13 rộng khoảng 50 héc-ta thuộc quyền sử dụng của ông tư Việt. Nơi đây, xưa kia là đồi hoang, khi lên đây lập nghiệp thấy khách đến cúng viếng ngày càng đông nên ông tư Việt đã cải tạo Điện 13 thật khang trang để phục vụ mọi người.

Thấy chúng tôi là khách quen nên ông tư Việt tận tình hướng dẫn chúng tôi trong hành trình khám phá Điện 13. Phía điểm đầu Điện 13 là phủ thờ các vị chư thần. Muốn xuyên qua Điện 13 phải nghiêng mình thật sát vào vách đá rêu phong để đi. Bước tiếp theo, khom mình và cúi đầu xuống, rồi len lỏi qua phiến đá bàn mới có thể xuống những bậc thang dựng đứng khoảng 100m để tiếp tục cho cuộc hành trình chui vào hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.

< Cổng hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.

Nhìn hang tối om và nhỏ, chúng tôi chần chừ định bỏ cuộc, nhưng ông tư Việt động viên: “Lâu lâu, mấy chú mới lên một lần hãy đi cho biết. Đi Điện 13 mà không khám phá hang “mẹ sanh mẹ đẻ” thì thật uổng!”. Cầm 4 chiếc đèn cầy leo lét, ông tư Việt thu mình chui gọn qua cửa hang, ông nói với theo: “Hãy nhìn theo tôi mà đi…

Tôi chui như thế nào thì chú em cứ làm động tác y như vậy... Vừa bước sụp xuống hang là cả một không gian tối om và lạnh lẽo. Sự chật chội, âm u như một “mê cung”, khiến chúng tôi hơi rùng mình. Đó chỉ mới là cửa 1, qua cửa 2, 3, 4, rồi đến cửa 5… Chúng tôi mò mẫm đi trong ánh đèn cầy vàng vọt với nhiều lò ảng, hang hốc và vách đá bóng loáng. Không gian như càng thâm u, ngột ngạt hơn. Ông tư Việt cho biết: “Hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” có nhiều lò ảng, hang sâu hun hút, khách hành hương đi riết mà đá bóng như thế này”.

< Điện 13 là một hang sâu, tối tăm và có 13 gian thờ các vị chư thần nơi đây.

Mỗi lần bước qua một cửa là ông tư Việt thắp một nén nhang lên lư hương nằm ngay vách đá. Đặc biệt, khi bước đến cửa thứ 6 thì có 2 tảng đá ép sát vào nhau chỉ còn một ngõ hẹp, những tưởng không qua được, nào ngờ ông tư Việt lách mình qua một cách nhẹ nhàng. Có thể nói, một trong 12 cửa trong “mê cung đá” phải kể đến cửa thứ 9, đây là cửa đi khó nhất. Những ai muốn qua lọt phải đi bằng tư thế ngửa mình, hai chân đưa qua trước, sau đó dùng tay chỏi vách đá để chui qua. Đi qua nhiều cửa dưới hang, chúng tôi phát hiện ra bên trong điện mẹ còn có nhiều nhũ đá rỉ nước róc rách mát dịu.

< Vồ Bà, thờ Địa Mẫu. Nơi đây có Điện 13 thâm sâu, kỳ bí.

Là người dân sống lâu năm ở đây nên ông tư Việt rất rành về đường đi nước bước trong hang. Ông Việt cho biết, trong hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này còn rất nhiều dơi quạ trú ngụ, đêm đến thì chúng bay ra kiếm ăn. “Thấy nhiều cửa hẹp như vậy chứ biết ý chút xíu là đi lọt. Thậm chí những người to con cũng có thể chui qua.
Từ khi lên núi lập nghiệp đến nay, gia đình tôi dẫn không biết bao nhiêu lượt khách hành hương chui qua hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này. Hôm rồi, tôi còn dẫn mấy chú bộ đội và cả phóng viên truyền hình xuống hang cho biết. Cả chiều dài đường đi của hang “mẹ sanh mẹ đẻ” khoảng 50m, nhưng khi muốn chui qua lọt phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Nếu không biết cách đi có thể bị kẹt lại trong hang…”- ông tư Việt cho biết.

Du lịch, GO! - Theo Thành Chinh (Báo An Giang), internet

Wednesday, 24 April 2013

Mùa khô. Nắng cháy da. Trên mảnh đất biên thùy Tri Tôn (An Giang), ánh nắng càng thêm gay gắt. Ruộng úa màu, cây ven đường xơ xác. Chúng tôi băng mình trong nắng gió bán sơn địa, trên con đường bóng ngời như muốn chảy nhựa...

< Lối đi lên Cửu Thiên miếu ở Tri Tôn, An Giang.

Dọc theo dãy núi Dài, tên chữ Ngọa Long Sơn, bất ngờ phát hiện trên ngọn đồi đá của dãy núi nầy, có một ngôi miếu nhỏ, mái lợp ngói xinh xắn. Chiếc cổng ghi: Cửu Thiên miếu, chữ màu vàng trên nền tấm bảng đỏ. Hai hàng cột cổng là hai câu đối cũng màu vàng nền đỏ. Đường dẫn lên miếu là bậc thang uốn lượn như rồng múa. Hai bên đường là hai hàng lan can sơn xanh. Con đường nầy vừa mới làm xong ngày mồng 9 tháng Tư năm Nhâm Thìn (2012).

Đã bao lần ngang qua đây, nhưng mãi đến lần nầy chúng tôi mới nhìn thấy ngôi miếu nầy, có lẽ “nhờ” trời nắng cháy da, cây cối, nhất là các bụi cây tầm vông cháy vàng, xơ xác lá, và ngôi miếu hiện ra như một lời “mời” lữ khách dừng chân trú nắng!

< Đường lên miếu được làm thành 90 bậc cấp trên dốc nghiêng của khối đá không lồ.

Đường lên đồi đá không cao lắm, không dốc lắm, nhưng giữa trưa trời nắng gắt cũng khiến bước chân chúng tôi nặng nhọc, mệt... bả hơi! Để lên miếu, chúng tôi bước lên đúng 90 bậc cấp tráng xi măng chắc chắn. Miếu nhỏ xây gạch, mái ngói, tiền điện là thảo bạt vải nhựa trên sườn tầm vông tạm bợ. Trước thảo bạt là bàn thờ Ông Thiên, với nhiều chậu bông giấy nở hoa đỏ ối.

Ông Lê Văn Tám, 47 tuổi, người kế tục ông thủ lễ đã mất trên 10 năm nay, cho biết thuở xưa Đức bổn sư và Phật Trùm lập miếu bằng tre lá thờ Bà Cửu Thiên. Đức Bổn sư là “Ngô Lợi còn có tên là Hữu, sanh năm Canh Dần (1829) tại Dội (gần biên thùy thuộc Châu Đốc). Cuộc đời cụ là một tấm gương đạo đức, trong sạch, sống khí tiết. Thuở nhỏ sinh hoạt thế nào không biết, lớn lên đi tu. Lấy bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy làm tổ. Giữ đạo tứ ân, trọng hiếu nghĩa. Tín đồ đông mà toàn thể đều được dạy tôn thờ Phật đạo, dạy cư sĩ tại gia.

Bởi trong tứ ân có ân Tổ quốc cho nên cụ ghét Tây, mến những kẻ trung lương ái quốc. Cụ có liên lạc với cụ Quản Thành (Quản cơ Trần Văn Thành), một đại đệ tử của Phật Thầy và là một lãnh tụ kháng Pháp. Vì vậy mà nhà cầm quyền thực dân rất dò xét hành tung của cụ và cũng do đó mà tông tích của cụ rất bí mật. Người Pháp có mấy lần tìm bắt, nhưng bắt không được. Cụ viên tịch hồi năm Canh Dần (1890) trong lúc không đau ốm gì. Truyền rằng xác cụ "được một mãnh hổ cõng vào giấu trong một hang núi và xác ấy khô lại, không hôi thối” (Nguyễn Văn Hầu, “Nửa tháng trong miền Thất Sơn”).


< Cửu Thiên miếu.

Cô Hồ Thị Thanh, 34 tuổi, đang lễ bái trong miếu. Nghe chúng tôi hỏi thăm, cô liền nói khá rành về Phật Trùm. Theo cô, Phật Trùm tên thật Tà Pênh (không biết năm sanh) là người Việt gốc Khmer. Ông ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Năm 1866, sau thời gian bịnh nặng, hôn mê, khi tỉnh lại ông tự nhận mình là hậu thân Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, là “hồn Trùm” của Phật, nên được tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm... Năm 1998, Cửu Thiên miếu tre lá sắp sập, được xây gạch như hiện tại.

Ông Tám cho biết, theo truyền thuyết, Cửu Thiên miếu thờ Cửu Thiên Huyền nữ. Cửu Thiên Huyền nữ, nghĩa đen là người phụ nữ huyền diệu nơi tầng trời thứ 9. Hoặc theo cách nói khác, Cửu Thiên nương nương, nghĩa đen là đấng Thiên Hậu ở tầng trời thứ 9. Cả hai đều là danh hiệu của Đức Phật mẫu.

Theo “Việt Nam văn học toàn thư” của Hoàng Trọng Miên, (quyển 1, Saigon 1959), Cửu Thiên Huyền nữ  sống thời thượng cổ, đời vua Hiên Viên Huỳnh đế bên Tàu. Sau đời vua Thần Nông, mỗi bộ lạc hùng cứ một phương. Bộ lạc của Xuy Vưu hùng mạnh, muốn thôn tính các bộ lạc khác. Nhưng vì y độc ác nên bị các bộ lạc khác liên kết, tôn thủ lãnh Hữu Hùng Thị làm thủ lãnh chống lại.

< Núi Dài.

Sương mù dầy đặc, quân Hữu Hùng Thị bị quân Xuy Vưu vây chặt, đánh bại, phải tháo chạy. Trong lúc nguy cấp, Cửu Thiên Huyền nữ hiện ra, dạy binh pháp, dạy chế xe hai bánh, có bộ phận chỉ rõ hướng nam, định phương hướng tiến quân. Nhờ vậy quân Hữu Hùng Thị chiến thắng quân Xuy Vưu. Các bộ lạc tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi minh chủ, lấy hiệu Huỳnh Đế. Cửu Thiên Huyền nữ còn hiện ra giúp Huỳnh Đế nhiều việc quan trọng khác. Đặc biệt, Cửu Thiên Huyền nữ là người truyền khoa Lục nhâm độn giáp và phép bói 64 quẻ dịch để đoán kiết hung...

Cửu Thiên Huyền nữ là nhân vật có nhiều tên gọi, như Diêu Trì Thánh mẫu, Kim Bàn Phật mẫu, Tây Vương mẫu, Mẹ sanh... Riêng giới huyền thuật cho rằng Cửu Thiên Huyền nữ được xem là 1 trong 3 vị thánh tổ, gồm Thái Thượng Lão quân, Nguyên Thủy Thiên tôn và Cửu Thiên Huyền nữ. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, Cửu Thiên Huyền nữ là một nhân vật rất được tôn kính.

Cửu Thiên miếu (ấp An Thành, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) là một ngôi miếu có vài điều huyền bí. Ông Tám đưa chúng tôi qua lối đi lồi lõm phía trước miếu, xuyên qua những tán cây, những bụi tầm vông héo úa lá, giữa những tảng đá lớn nhỏ nằm rải rác. Xuống một con dốc nhỏ, trước mặt chúng tôi một bãi đá. Nói chính xác thì đó là một tảng đá như hình quả trứng dẹp to rộng hiện ra trước mắt. Ông Tám chỉ bàn chân tiên, nhỏ cỡ em bé 8 tuổi; bánh xe ngựa, nhỏ cỡ cái mâm. Bàn chân tiên và bánh xe ngựa trước đây rất rõ, nay đang mờ dần, ông Tám thố lộ.

< Hai giếng tiên nhỏ và cạn nước.

Riêng giếng tiên có đến 9 cái, cái nào cũng nhỏ, cạn, là những cái lỗ hình tròn, hình bầu dục khuyết một vài nơi, rải rác trên tảng đá to lớn nầy. Mùa nắng khô khốc, có một vài giếng còn đọng ít nước, các giếng khác khô rang. Từ tảng đá nầy nhìn phía trước là nghĩa địa, bên kia là ngọn Ngọa Long sơn cao lớn, uy nghi với màu lá cây rừng ủ dột. Cảnh nơi đây, vào mùa mưa, cây cối xanh tươi, chắc hẳn càng thêm xinh đẹp...

Bà Nguyễn Thị Hồng, 63 tuổi, bán quán dưới chân đồi, bên kia đường, cho biết Cửu Thiên miễu rất linh thiêng. Bà “tiết lộ” rằng, bàn chân tiên trên miếu là bàn chân trái còn bàn chân trên vồ Cấm (núi Dài - Ngọa Long Sơn) là bàn chân phải của một vị tiên. Khoảng 10 năm trước, con nít dưới nầy không đứa nào dám đùa giỡn khi chơi ngang đây. Nếu có đứa nào lỡ nói lớn tiếng, nhất định bị Thánh mẫu quở, bịnh, phải cúng kiến mới bình an.

Bà Hồng nói, bây giờ Thánh mẫu hiền rồi. Tuy nhiên, lâu lâu, khoảng 9-10 giờ đêm, Bà vẫn “về” bằng những chùm sao sáng lòe bự như tấm đệm, từ trời cao sa xuống, như pháo bông. Trước kia, Bà “về” thường lắm. Chính vì sự linh thiêng của Thánh mẫu, vị nữ thần có khả năng “ban bố phước lộc, ban bố con trai” nên khách thập phương gần xa thường đến cúng vái, cầu ước...

Ngày vía Bà (rằm tháng 9 âm lịch) hàng năm, khách thập phường về chiêm bái đến hàng trăm người; lễ vật cúng chay với chè, xôi, trái cây... do mọi người đem tới, không khí long trọng, trang nghiêm.

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG Online

Tuesday, 23 April 2013

Từ thị trấn Nhà Bàng rẽ về thị trấn Tịnh Biên, đi chừng 150 m, rẽ phải theo con đường dốc đá cạnh một tiệm bán thuốc núi là con đường độc nhất đi thẳng lên núi Trà Sư, thuộc khóm Trà Sư, thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên, An Giang).

Núi Trà Sư không cao (chỉ khoảng 200m), có diện tích nhỏ... nhưng nơi đây có nhiều địa điểm tâm linh - du khách không chỉ đến để ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú mà còn hành hương về vùng đất thiêng tìm kiếm sự bình yên cho tâm hồn.

Đi chừng 50m theo con đường dốc thoai thoải, chúng ta gặp ngay ngôi chùa Bồng Lai với phong cảnh u tịch. Thêm 200m nữa là đến miễu thờ hòn đá lăn. Theo ông Lê Văn Xom, ông từ lo nhang khói ở miễu thờ hòn đá lăn và miễu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, cho biết, vào ngày 25/7/1991, hai hòn đá lăn từ đỉnh núi xuống, nặng khoảng 1 tấn và 300 kg.

Nhưng có điều lạ là hai tảng đá không lăn thẳng xuống triền dốc mà lăn vòng ngay vào miễu thờ của bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Bà con cho là rất lạ, tảng đá nặng cả tấn chỉ làm văng tượng thờ bà ra ngoài và miễu thờ chỉ bể vách tường phía sau, còn ba mặt đều còn y nguyên.

< Sân Tiên núi Trà Sư.

Từ đó, 2 tảng đá được thờ tại chỗ, gọi là Chư vị Sơn thần. Riêng bà chúa được xây miễu thờ cạnh miễu Sơn thần. Địa điểm này rộng thoáng mát, du khách thường ghé lại tham quan và cúng bái, có nhiều đoàn tìm đến nghỉ ngơi, tổ chức ăn uống rồi mới tiếp tục đi tham quan các danh thắng khác.

Bước lần theo bậc thang lên khoảng 100 m, chúng ta gặp ngay hang Ông Hổ. Nơi đây có hai động đá, một bên là điện Ngũ Hổ và một bên là điện Cửu Phẩm được thờ sâu trong động đá.

Sau khi tham quan, chúng ta theo hướng điện Cửu Phẩm đi lên khoảng 25 m. Nơi đây thờ Miễu Bà Chúa và tảng đá thần.

< Điện Huỳnh Long thờ các vị thần.

Tiếp tục đi lên phía đỉnh núi, gió lồng lộng, người thư thái dễ chịu được gọi là sân Tiên. Khu vực sân Tiên diện tích khoảng 80 m2, chia làm 4 điểm thờ: Sân Tiên, Cửu quyền, Chánh soái và Trăm quan. Sau khi ngồi thư giãn với gió núi lồng lộng, hướng tầm mắt nhìn xuống Nhà Bàng nhà cửa san sát, con người cảm thấy nhẹ nhàng, quên bao mệt nhọc.

Tiếp tục lần bước xuống núi vòng về phía tay trái, đi xuống khoảng chừng 50 m, chúng ta bắt gặp điện Huỳnh Long. Ra sau điện Huỳnh Long, bạn có thể tìm hiểu truyền thuyết dấu chân tiên ở tảng đá dựng đứng cao khoảng 12 m.

Leo núi ở Trà Sư, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền bí vùng Thất Sơn, du khách sẽ thoả mãn tính tò mò cũng như lòng thành kính muốn tìm hiểu những điều kỳ bí về hang động.

Du lịch, GO! - Theo Phước Hưng (Cà Mau Online), internet

Wednesday, 17 April 2013

Đền Liễu Hạnh công chúa tọa lạc dưới chân núi Đèo Ngang (con đèo nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh), ở một khu đất khá bằng phẳng, sát đường thiên lý Bắc – Nam trước đây.

Phía sau đền là dãy Hoành Sơn và phía trước là hồ nước ngọt của xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Liễu Hạnh công chúa cùng Sơn Tinh, Thánh Gióng và Chữ Đồng Tử là bốn vị thánh được nhân dân tôn kính, gọi là “Tứ bất tử”. Trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam, hình tượng của “Tứ bất tử” đại diện cho chính nghĩa, khát vọng sống. Ngoài ba vị nam thần đầu tiên có từ thời Hùng Vương và được thờ nhiều nơi từ rất lâu thì Mẫu Liễu Hạnh là hình mẫu người phụ nữ duy nhất được đưa vào hệ thống thần thánh từ đời hậu Lê.

Trong tiềm thức của người dân, Liễu Hạnh là một vị thần, một biểu tượng về khát vọng tự giải phóng của người phụ nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc của xã hội, của lễ giáo phong kiến; khát vọng đạt được những ước mơ về hạnh phúc gia đình. Đó cũng là ý thức hệ nhân sinh của người dân Việt Nam được ký thác vào biểu tượng người mẹ. Vì vậy, hàng năm đã có rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến với đền Liễu Hạnh công chúa để dâng hương, nhất là trong các dịp lễ, Tết.

Đền Liễu Hạnh công chúa có diện tích khoảng 335m². Nhìn tổng thể kiến trúc của đền, có thể thấy, đây là một công trình kiến trúc tuy nhỏ, được xây dựng bằng đá, gạch, vôi nhưng vẫn mang truyền thống mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hóa dân tộc. Điều này được thể hiện qua kết cấu cổng tam quan được bố trí một cách cân xứng và hài hòa.

Các hình tượng như Tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng), Tứ thủ (Cầm - Kỳ - Thi - Họa), Tứ quý (Tùng - Trúc - Mai - Sen) và nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hóa long... Đặc biệt, nhìn vào bố cục kiến trúc của đền được sắp xếp theo thứ tự từ thấp đến cao theo một trục dọc, cân đối càng tăng thêm phần trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa.

Theo thống kê từ đầu năm 2013 đến nay, đền Liễu Hạnh công chúa đã đón tiếp hơn 10.000 ngàn lượt khách đến thăm viếng và dâng hương tưởng niệm; trong đó, từ ngày mồng 1 Tết đến ngày mồng 8 Tết Quý Tỵ, đền Liễu Hạnh công chúa đã đón hơn 7.000 lượt khách đến dâng hương.

Đền Liễu Hạnh công chúa là điểm thờ Mẫu ở Quảng Bình và trở thành một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng đối với người dân Quảng Bình nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Đền thờ như một minh chứng cho sự tích Liễu Hạnh công chúa ở Đèo Ngang, trong truyền thuyết dân gian đã có từ lâu đời. Chính vì vậy, xét về quy mô và vị trí của đền thờ trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt rất xứng đáng để chúng ta trân trọng và bảo tồn.

Du lịch, GO! - Theo Quảng Bình TV, ảnh internet

Tuesday, 16 April 2013

Trước đây bà con phật tử thường gọi Thiền viện Đông Lai (khóm Xuân Phú, thị trấn huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là chùa Phật Nằm. Về sau, chùa lại được bá tánh gần xa gọi bằng một cái tên nôm na, gần gũi là chùa Bánh Xèo.

< Đông Lai thiền viện trước khi xây mới, thường được dân chúng địa phương gọi là chùa Phật Nằm hoặc gần gũi hơn là chùa Bánh Xèo.

Có tên gọi chùa Phật Nằm là vì bên phải chùa có tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn, trong tư thế nằm nghiêng với chiều dài 6 mét. Trong khi xây mới chánh điện, thượng tọa Thích Thiện Chí cho xây dựng đài Quan Âm bên trái chánh điện, gồm tượng Quan Âm Bồ tát, sau lưng tượng là hòn non bộ có dòng nước mát ngày đêm chảy róc rách.

Thiền viện Đông Lai xây mới (dự kiến khánh thành vào ngày 13 tháng 3 năm Quý Tỵ, nhằm ngày 22-4-2013), kiến trúc theo phong cách chùa chiền Việt Nam với ba lớp mái nhỏ dần, với những hình tượng đầu đao truyền thống. Trước hàng hiên tiền điện có hai cặp đối. Một cặp bên ngoài ghi dọc hai câu đối âm Hán tự: “Hoằng pháp vi gia vụ / Lợi sanh vi bổn hoài”. Cặp đối bên trong, cũng bằng âm Hán tự, ghi dọc: “Đông độ Tây thiên trụ đại pháp / Lai nhân duyên hữu thoát trẩn ai”, tạm dịch nghĩa: Tây thiên là nơi đất Phật, người có duyên đến sẽ thoát được não phiền. Cặp đối này mỗi câu được khởi đầu bằng chữ: “Đông” và “Lai”. Ghép hai chữ này lại thành Đông Lai. Chánh điện sắp xếp khá hiện đại với hương án thờ Tam thế chư Phật, gọn gàng, thếp vàng lộng lẫy, uy nghi. Dọc dài hai bức tường là phù điêu Thập bát La hán được chạm khắc tinh xảo, mỹ thuật.

< Chánh điện Đông Lai thiền viện được xây mới hoàn toàn, bên phải ảnh là đào Quan Âm và hòn non bộ.

Việc xây mới, nới rộng khiến chùa thêm ngăn nắp, sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Phía sau chánh điện là nhà ăn, có hai khu vực. Khu vực ngoài sắp 20 bàn (200 ghế). Bên trong 10 bàn (100 ghế). Bàn ghế bằng inox sáng bóng. Trên bàn luôn để sẵn chén, đũa, dĩa, muỗng, hũ nước chấm chanh đường, hũ tăm xỉa răng, chén ớt... Phía trong cùng là khu vực bếp, gồm nơi rửa chén dĩa, đũa muỗng, nơi làm nhưn bánh xèo, nơi nấu cơm và thức ăn. Tất cả đều được lót gạch men sáng bóng. Khu vực đổ bánh xèo nằm bên phải chánh điện, cách một lối đi, vừa phân biệt vừa giúp tránh gây nóng nực cho nhà ăn, nhà bếp.

Nơi đổ bánh xèo có bốn nhóm, mỗi nhóm có hai hoặc ba người, anh Ngô Văn Vũ (31 tuổi, đổ bánh xèo cho chùa khoảng 5 năm nay) cho biết. Một người đổ bánh mọt lúc 10 chảo, sắp hình vòng cung; một người phụ việc, chuyển bánh lên nhà ăn. Khi có khách đến lập tức bếp lửa cháy phừng phực, các đầu bếp rộn ràng vào việc ngay. Bánh xèo được đổ liên tục, đáp ứng nhu cầu. Nhìn “thợ” đổ bánh xèo làm việc nhanh nhẹn, khéo léo, ai cũng quên cái nóng bức của bếp lò. Đáng quan tâm là khu nhà vệ sinh được tách biệt với khu chánh điện, nhà bếp. Nhà vệ sinh lót gạch men bóng láng, khách bước vào đều để giày dép bên ngoài...

< Anh Ngô Văn Vũ “tả xung hữu đột” với 10 chảo bánh xèo nóng lửa.

Cô Trương Thị Kim Thùy, 32 tuổi, phụ trách bếp cho biết việc tổ chức đổ bánh xèo và bánh tét khởi phát từ năm 1999, khi thượng tọa Thích Thiện Chí về trụ trì, nhân kỷ niệm ngày sư ông cất chùa viên tịch. Tất nhiên, sau khi thưởng thức bánh xèo, bánh tét, khách gần xa đều không ngớt lời khen ngợi, từ đó nhà chùa đổ bánh xèo phục vụ khách hằng ngày. Cô tâm sự, sáng nào cô cũng đều ra chợ thị trấn Tịnh Biên mua rau cải, gạo, củi... Biết chùa làm việc thiện, một số người bán hàng “hiến cúng” một số rau cải, giá, đậu...

Đặc biệt, vào mùa mưa, một số phật tử lên núi hái ngành ngạnh, kim thất, lá sung, cát lồi, đọt bứa, lá vông, mã đề, măng tươi… đem “cúng”. Đây là những loại rau rừng ngoài việc giúp thực khách ngon miệng với món bánh xèo, còn giúp họ bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa một số bệnh. Đặc biệt, vào các ngày rằm, mồng Một âm lịch, chùa có phục vụ bánh tét cho khách thập phương, có hôm lên đến 800 - 900 đòn/ngày. Phần việc nầy do bà con phật tử ở địa phương tự nguyện đến chùa gói và nấu bánh. Ngoài bánh xèo, bánh tét, chùa còn khoản đãi cơm chay cho khách viếng chùa. Những đoàn khách hành hương muốn dùng cơm chay cần đặt trước.

< Từ 6 giờ sáng đến 7 - 8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng có thể ăn bánh xèo mà không cần đặt trước.

Từ 6 giờ sáng đến 7 - 8 giờ tối, khách viếng chùa lúc nào cũng có thể ăn bánh xèo mà không cần đặt trước. Khi khách ít, người phục vụ liên tục chuyển bánh đến. Những lúc khách đông, khách phải tự mình xuống bếp mang bánh lên. Những ngày khách viếng chùa đông, những người làm công quả lâu năm đều biết nên mạnh ai nấy tới lãnh một vài nhiệm vụ. Nhà ăn có 30 bàn với 300 ghế, vậy mà ngày rằm, mồng Một hoặc lễ vía lớn, lúc nào cũng “hết chỗ”, khách phải đứng chờ.

Nhờ lực lượng làm công quả mà việc phục vụ ăn uống cho khách lúc nào cũng khá chu tất. Càng chu đáo hơn, sau khi khách ăn (cứ ăn thoải mái đến no bụng thì thôi) xong còn được tráng miệng bằng ly cà phê đá. Bà Vương Thị Kim Loan, khách hành hương từ Long An, nhận xét: “Ăn uống hoàn toàn miễn phí, nhưng bánh xèo cái nào cũng giòn rụm, ngon hết ý. Cà phê đá đắng ngọt không thua quán xá. Đáng ca ngợi nhất là thái độ phục vụ của những người làm công quả, ai cũng vui vẻ, nhiệt tình với khách”.

< Vào các ngày rằm, mồng Một, chùa có phục vụ bánh tét cho khách thập phương, có hôm lên đến 800 - 900 đòn/ngày. Phần việc nầy do bà con phật tử ở địa phương tự nguyện đến chùa gói và nấu bánh.

Hơn thế nữa, việc phục vụ ăn uống miễn phí của chùa còn giúp giải quyết bữa ăn cho một số người nghèo khó ở địa phương, như những người lao động chân tay, bán vé số dạo. Cô Đoàn Thị Luyến, 32 tuổi, vừa ăn bánh xèo vừa tâm sự: “Nhờ có bánh xèo và cơm mà tôi no bụng sáng chiều. Tiền bán vé số tôi trích vài ngàn cúng chùa, phần còn lại đem về lo cơm nước cho hai đứa con và thuốc men cho ông xã bị bịnh sạn thận. Chùa tổ chức đổ bánh xèo là việc làm phước đức rất đáng trân trọng”.

Vâng, phục vụ bánh xèo, bánh tét của Thiền viện Đông Lai là một việc làm phúc đức, một hạnh từ bi theo chánh pháp nhà Phật. Chính vì vậy mà Thiền viện Đông Lai ngày càng thu hút khách thập phương, ngoài khách khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn có khách từ miền Đông Nam bộ, Tây nguyên. Và, khu nhà bên kia đường trước chùa ngày càng sầm uất với hàng quán khang trang, sân chùa lúc nào cũng có xe đò, xe khách vãng lai đậu thành hàng.

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều, Cúc Tần (TBKTSG Online)

Monday, 15 April 2013

Nếu có ai hỏi ngôi chùa nào u tịch, thanh vắng nhất Việt Nam, tôi sẽ trả lời đó là Am Ni tự (chùa Am Vãi, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), nơi tách biệt hẳn với thế giới trần tục vốn ồn ào, lắm thị phi bên ngoài.

Tôi đã không thể kềm được lòng mình trước những lời giới thiệu đầy hấp dẫn của anh Ngô Văn Dậu, cán bộ văn hóa xã Nam Dương, về một ngôi chùa cổ ẩn sâu trên đỉnh núi ngút ngàn mây. Anh ví von đó là một “tiên cảnh” mà ai lên đây cũng thích thú và rồi nói như thách thức: “Không đủ can đảm cầm lái thì đừng đi chuyến này”.

Có nửa ngày để thực hiện, tôi quyết tâm đặt chân cho kỳ được đến đích cuối cùng chốn thiền này.

Chùa Am Vãi nằm cách xa các bản làng đồng bào dân tộc chỉ hơn 10km, nhưng đi xe máy từ UBND xã Nam Dương đến đây phải mất hơn một giờ rưỡi nên họa hoằn mới có vài người viếng thăm.

10g sáng, chúng tôi mỗi người một xe lên đường, xác định trước sẽ “ăn mày cửa Phật” bữa trưa. Đoạn đường 2km chớm vào rừng được trải nhựa khá đẹp, hai bên bạt ngàn rừng keo, nương sắn, bãi rau của đồng bào người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu…

Nhưng hết đoạn này, mấy chiếc xe luôn trong tình trạng số 1, số 2. Trước mỗi con dốc dựng đứng, người cầm lái phải nín thở kéo ga cho xe ì ì bò lên từng centimet, hai mắt cứ phải căng ra để quan sát. Đường càng lúc càng nhiều đá sỏi lởm chởm, đi xiên xẹo vào tận giữa rừng rậm rồi thoắt cái mở ra một khung trời mới với cảnh sắc tuyệt đẹp.

Phía bên kia rừng, ánh nắng nhợt nhạt hắt nhẹ lên những vạt cỏ tranh vàng úa, hoa lau, cây bụi như một thảo nguyên đầy mơ mộng được tô điểm bởi những lớp mây lơ đễnh giăng ngang. Đang mùa hanh khô, những bãi cỏ tranh rộng mêng mông, sự sơ ý của người đi làm rẫy sẽ rất dễ làm rừng tổn thương.

Hết trèo đèo lại xuống dốc, mấy chiếc xe rồ ga, giật đùng đùng rồi lại lao ào ào trên lớp đá trơ sắc nhọn, mùi xăng bốc lên khét lẹt. Giữa trời lạnh mà mồ hôi vã ra liên tục, chỉ cần lơ đễnh là có thể tan xác dưới vực sâu. Anh Dậu kể mấy năm nay đường dễ đi hơn nhiều, ôtô loại gầm cao có thể đến chùa nhưng chỉ vào những ngày nắng ráo, trời mưa thì chỉ còn cách… khóc.

Đi mãi rồi cũng đến một thung lũng khá bằng phẳng. Để xe lại đây, chưa nhìn thấy Am Ni tự đâu mà tôi đã cảm nhận được mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian. Chuông ngân từng đợt dài vang vọng núi rừng. Bên kia ngọn đồi, mây mù vẫn lơ lửng xung quanh tán thông, tán trúc. Linh tính mách bảo chùa Am Vãi chỉ đâu đó quanh đây.

Đi bộ chừng 50m chùa hiện ra trước mắt. Chốn thiền môn thật lặng lẽ, tĩnh tại. Phía sau lớp sương mờ cạnh vườn đào non tơ mơn mởn lộc biếc xuất hiện một ni cô thong dong thả bộ.

Thầy trụ trì Thích Trúc Thái Bình cho biết trên này không có điện, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên hiếm khi các thầy xuống núi. Mọi sinh hoạt đều tự cung tự cấp. Các thầy tự trồng rau xanh hoặc khi nào có phật tử lên chùa thì mang theo chút cơm nắm, muối vừng để nhà chùa thọ chay.

Cũng theo sư thầy Thái Bình, xưa kia ở đây hoang vu lắm, quanh chùa toàn cỏ cây giăng kín. Năm 2010 thầy về trụ trì tại đây và cho tôn tạo một số khu vực chùa thêm đẹp đẽ như hiện nay.

Thiên nhiên bao la khoáng đạt, không gian yên ả, tĩnh mịch là điều mà những ai đến Am Vãi đều cảm nhận được.

Chùa Am Vãi được xây dựng từ thời Lý, nằm trong hệ thống các chùa tháp theo sườn Tây Yên Tử. Tương truyền vào thời Trần có sư nữ là công chúa nhà Trần tu hành ở đó nên mới có tên Am Vãi (Vãi có nghĩa là nữ tu hành).

Ở đây có một hang tiền và một hang gạo, mỗi ngày hai hang này chỉ chảy ra một lượng tiền và gạo đủ cho vị sư này dùng mà không bao giờ chảy hơn. Một ngày, vị sư nọ có khách liền khơi cho hang tiền và gạo chảy ra đủ hai người dùng. Từ đó tiền và gạo ở hai hang này không bao giờ chảy ra nữa…

Dấu tích của chùa còn lại đến ngày nay là hai ngôi tháp cổ bên trong có bài vị của một nhà sư thuộc thiền phái Trúc Lâm được tấn phong Tỳ Kheo Như Liên hóa thân vào hàng Bồ Tát đã nhập cõi niết bàn và một dấu chân Phật trên phiến đá khá lớn…

Lên đây tôi cũng được biết thêm những truyền tích đẫm màu huyền bí. Đó là huyền thoại về hang Tiền, hang Gạo, là dấu chân Phật, bàn cờ tiên, phía xa kia là câu chuyện cảm động về vũng Chị, vũng Em, núi Hàm Rồng, giếng Cần…

Quan trọng hơn, tôi đã tìm được cho mình những giây phút thật thư thái, yên bình. Được lắng nghe tiếng chuông chùa ngân dài theo tiếng gió, tiếng ếch, nhái, côn trùng, chim muông hòa quyện cùng núi rừng và hoa cỏ ngát hương…

Du lịch, GO! - Theo Hồng Ngoan (Dulich Tuoitre), internet

Friday, 12 April 2013

Núi chùa Châu Thới ở xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Cách thành phố Biên Hoà 4km, thị xã Thủ Dầu Một 20km, thành phố Hồ Chí Minh 24km, và đã được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia, theo quyết định số 451 VH/QĐ ngày 21/04/1989.

Di tích danh thắng núi Châu Thới cao 82m (so với mặt nước biển), chiếm diện tích 25ha nằm ở vùng đồng bằng gần khu dân cư của các tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí danh thắng này rất thuận tiện cho việc tham quan, du lịch, vì gần các thắng cảnh, khu vui chơi nghỉ mát khác như chùa Tam Bảo, suối Lồ Ồ, núi Bửu Long (Biên Hoà).

Sách “Gia Định Thành Thông Chí " đã viết: “Núi Chiêu Thới (Châu Thới) từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn thành.

Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục”.

Sách “Đại Nam Nhất Thống Chí” cũng miêu tả khá rõ núi và chùa Châu Thới gần giống như trên: “Núi Chiêu Thới tục gọi là núi Châu Thới, ở phía Nam huyện Phước Chính 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành.

Khoảng giữa núi Chiêu Thới có am Vân Tĩnh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn. Đột khởi một gò cao bằng phẳng rộng rãi, ở bên có hang hố và nước khe chảy quanh, nhà của nhân dân ở quanh theo. Trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long trác tích tu hành. Năm Bính Thân, đạo Hoà Nghĩa là Lý Tài chiếm cứ Châu Thới tức là chỗ này. Năm Tự Đức thứ 3 (1850) đem núi này liệt vào tự điển”.

Cổng chùa bằng đá dưới chân núi có đề tên Chùa bằng chữ Hán “Châu Thới Sơn Tự”. Du khách bước lên 220 bậc thềm sẽ đến cổng tam quan có ba mái cong và bánh xe pháp luân nằm ở giữa đỉnh, hai bên cửa có mấy chữ “Từ bi – hỉ xả…”.

Giữa giảng Phật đường có tấm biển đề 4 chữ “Châu Thới Sơn Tự”, trên biển có ghi thêm dòng chữ “Tân Dậu niên, chánh ngoạt sơ kiết nhật” (ngày tốt đầu tháng giêng năm Tân Dậu), bên dưới ghi rõ hàng số 1612 (có thể hiểu Chùa được xây năm 1612).

Về nguồn gốc ngôi chùa sách “Sơ khảo Phật giáo Bình Dương” viết: “Ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương ngày nay được xây vào khoảng năm 1612, do thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoằng pháp lên đồi Châu Thới thấy cảnh hữu tình, Sư cất một thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn, sau đổi tên thành chùa núi Châu Thới”.

Nhưng sau mấy trang, tác giả cuốn sách này lại tỏ ra hồ nghi và cho rằng năm thành lập Chùa (1612) như nói trên là không hợp lý. Trước hết, 1612 không phải là năm Tân Dậu mà là năm Nhâm Tý; hơn nữa, đó là thời điểm quá sớm so với việc định cư số đông của người Việt tại vùng đất mới này. Rồi tác giả đưa ra nhận định: “Chùa lập vào năm 1681 và sau này ngài Thành Nhạc trùng tu và hành đạo nơi đây thì hợp lý hơn”.

Theo nhiều bài viết về chùa cổ ở Nam Bộ đều cho biết, những ngôi chùa xưa nhất ở Nam Bộ đã được xây dựng vào nửa sau thế kỷ XVII. Chẳng hạn sách “Những ngôi chùa cổ Nam Bộ” đã viết: “Ba ngôi chùa cổ là Bửu Long, Long Điền và Đại Giác tiêu biểu cho những điểm trụ tích đầu tiên của sơ Tổ Phật giáo Nam Bộ. Chùa Bửu Long nguyên chỉ là am nhỏ được thành lập nên từ giữa thế kỷ XVII. Chùa Long Điền (Tổ đình Sơn môn Nam Việt) lập 1664. Chùa Đại Giác được lập vào cuối thế kỷ XVII”.

Theo các cứ liệu dẫn trên, năm Tân Dậu ghi trên biển chùa núi Châu Thới lập vào năm 1681 là thời điểm hợp lý hơn cả. Nhưng cho dù được thành lập vào năm 1681, chùa núi Châu Thới ở huyện Dĩ An hiện nay vẫn là ngôi chùa xưa nhất Bình Dương và được hình thành sớm vào hàng đầu ở Nam Bộ.
Trong thời Pháp thuộc, nhờ vào địa thế hiểm trở và cảnh u tịch thanh vắng của ngôi chùa núi, nhiều người yêu nước thường đến đây ẩn náu, tụ hợp để hoạt động chống Pháp: Vào năm 1916, các hội viên của “Thiên Địa Hội” thuộc vùng Dĩ An – Lái Thiêu đã đến chùa Châu Thới tập võ nghệ mưu tính việc chống lại bọn cai trị người Pháp.

< Dưới chân núi là một hồ nước rộng, phong cảnh nên thơ. Từ sân chùa có thể ngắm nhìn phong cảnh của các vùng xung quanh thành phố Biên Hòa cùng dòng sông Đồng Nai uốn quanh.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, chùa núi Châu Thới là nơi có nhiều cán bộ, chiến sĩ ta đến ẩn náu và hoạt động cách mạng. Đến nay, Chùa không còn lưu giữ được đầy đủ những long vị và Tháp của các vị thiền sư khai sơn mà chỉ thờ các tổ bằng tượng gỗ chạm và một số long vị của các hoà thượng đời sau này.

Tương truyền Chùa do thiền sư Khánh Long tạo lập từ đầu thế kỷ XVII (1612) như đã nói ở phần trên, nhưng cũng có sách cho là do thiền sư Thành Nhạc – Ẩn Sơn khai sơn và viên tịch tại nơi này vào ngày 17/12/1776. Trước đây, tại Chùa có ngôi bảo Tháp của tổ Thành Nhạc nhưng nay không còn.

Trải qua hơn ba trăm năm lịch sử đầy biến động, chịu bao hủy hoại tàn phá của thời gian và chiến tranh, chùa núi Châu Thới nay không còn giữ được dấu tích, di vật nguyên thuỷ của một chùa cổ được hình thành vào hàng sớm nhất Nam Bộ. Hiện Chùa là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau: gồm ngôi chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ở đây còn cho thấy rõ nét sự dung hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian như phần đông các ngôi chùa Phật giáo ở nước ta.

Nhà tổ và giảng đường của Chùa được trùng tu vào năm 1930. Năm 1971, hoàn tất việc xây dựng 220 bậc thềm (xi măng) đường dẫn lên Chùa. Đến năm 1989, xây thêm cửa tam quan. Ngôi chánh điện được xây lại khá qui mô bằng bê tông cốt sắt vào năm 1993…

< Phật từ bi, cũng không phạt mấy con khi hay làm trò khỉ.

Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của Chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài hơn cả mét đặt ở đầu đao của mái chùa và có đến 9 hình rồng như thế hướng về nhiều phía.

Chánh điện được thiết kế: dành phần trên thờ Phật A Di Đà, Quan Âm, Thế Chí; tầng kế thờ Phật Thích Ca; tầng dưới là nơi thờ Phật giáng sinh. Toàn bộ những tượng đồng được đúc tại Chùa, do nhóm thợ chuyên môn của xứ Huế thực hiện.

Chùa còn thờ bộ thập bát La Hán và thập điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng khá xưa và độc đáo của Chùa còn lưu giữ được, cho thấy nghề gốm ở địa phương đã phát triển khá sớm.

Chùa cũng còn lưu giữ được ba pho tượng Phật tạc bằng đá khá xưa (có thể vào cuối thế kỷ XVII) và một tượng Quan Âm bằng gỗ được làm bằng cây mít cổ thụ hàng trăm tuổi được trồng trong vườn chùa.

Vào năm 1988, Chùa đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế) nặng 1,5 tấn, cao 2 mét, đường kính 1m2, đặt trên chiếc giá chuông bằng gỗ lim do nghệ nhân Bình Dương chạm trổ các hoa văn đẹp. Những năm 1996 – 1998, Chùa tổ chức đúc thêm bảy tượng Phật bằng đồng, xây dựng một bảo tháp gồm nhiều tầng lầu cao 24 mét. Năm 2002, bên phải ngôi chùa xây dựng công trình gồm một trệt một lầu và bên trên sân thượng có xây bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng cao 3 mét, nặng 3 tấn.

Đến nay, Chùa còn lưu giữ được 5 long vị từ thế hệ truyền thừa đời thứ 40 của phái Lâm Tế dòng Bổn Nguyên như: Hồng Kiềm (đời 40), Nhật Liên (đời 41), Nhật Tâm (đời 41), Lệ Thiên (đời 42), Lệ Huệ (đời 43). Về số cổ vật có giá trị đã được xếp loại tại chùa núi Châu Thới hiện nay còn lưu giữ được 55 hiện vật (đứng nhì trong các ngôi chùa trong tỉnh).

Du lịch, GO! - Theo Sở VH - TT - DL tỉnh Bình Dương, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống