Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Showing posts with label Xem cho biết. Show all posts
Showing posts with label Xem cho biết. Show all posts

Thursday, 2 May 2013

Từ 22/4, tỉnh Hà Giang đã ấn định mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn gồm: Di tích cột cờ Lũng Cú, Di tích kiến trúc nhà Vương (huyện Đồng Văn) và Bãi đá cổ Nấm Dẩn (huyện Xín Mần) với mức phí 20 nghìn đồng/ người lớn; 10 nghìn đồng/ trẻ em dưới 16 tuổi.

Nhóm đối tượng được miễn mua vé gồm: cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh; đối tượng được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; đối tượng được hưởng chính sách tại các cơ sở nội dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh và người có công; người khuyết tật, người già cô đơn; cư dân biên giới.

Nhóm đối tượng gồm: người cao tuổi, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được giảm 50% phí tham quan.

UBND tỉnh Hà Giang hi vọng, qui định này sẽ khắc phục được tình trạng "thả nổi" việc thu, quản lý nguồn thu phí tham quan tại các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Mức phí trên áp dụng thống nhất cho cả người Việt Nam và người nước ngoài.

Du lịch, GO! - Theo báo Nhân Dân
Nằm bên dòng sông Cà Ty thơ mộng, tháp nước Phan Thiết là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo do kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang, người Lào thiết kế, ông là Hoàng thân Souphanouvong, nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào.

Theo anh Lưu Ngọc Đức, người bảo vệ tháp nước: Tháp có chiều cao từ nền lên đỉnh là 32m, chia thành 2 phần. Phần lầu đài (bồn nước) hình bát giác, cao 5m, đường kính 9m. Phần dưới của tháp là kiến trúc hình trụ bát giác dưới to, trên nhỏ cao 22m, có đường kính chân tháp là 10m. Nóc của lầu đài có 3 tầng mái che hình bát giác lợp bằng ngói móc.

Tháp do nhà thầu Ưng Du thi công trong suốt từ năm 1928 đến 1934 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung cấp nước cho toàn vùng đô thị Phan Thiết. Tháp nước đến nay vẫn sừng sững như tòa pháo đài kiên cố, không hề hư hỏng.

Tháp nước Phan Thiết còn độc đáo hơn bởi dòng chữ “U.E.PT” (viết tắt chữ “Unise Des Eaux de Phan Thiet” - Nhà máy nước Phan Thiết) bao quanh tháp, được ghép bằng những mảnh chén sứ kiểu theo lối viết chữ hình tròn, nhìn từ xa luôn lấp lánh trong ánh nắng miền biển.

Với tuổi đời gần 80 năm, tháp nước Phan Thiết vẫn hiên ngang, lịch lãm đứng bên bờ sông Cà Ty, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử nơi này. Tháp nước ngày nay đã không còn tích nước nữa, giờ nó trở thành một điểm tham quan du lịch của Phan Thiết.

Hiện ngành Du lịch ở tỉnh Bình Thuận đưa tháp nước vào danh mục giới thiệu rộng rãi về một công trình hữu nghị độc đáo, thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào anh em. Chính vì thế mà năm nào cũng có những đoàn khách Lào ghé thăm tháp nước như một kỷ niệm không bao giờ quên.

Du lịch, GO! - Theo Báo Ảnh Đất Mũi, ảnh internet

Wednesday, 1 May 2013

Hai phút phun lửa và kế tiếp là 3 phút phun nước từ con rồng thép lớn nhất thế giới đã trở thành một điểm nhấn ấn tượng, độc đáo, hấp dẫn ở TP bên bờ sông Hàn.

Từ ngày 29/3/2013, vào các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, hệ thống phun lửa và phun nước tại cầu Rồng (Đà Nẵng) bắt đầu hoạt động. Ít ai biết rồng đã phun lửa, phun nước như thế nào.

Về phun lửa, lãnh đạo TP Đà Nẵng yêu cầu phải phun ngắt đoạn, tạo thành từng quầng lửa với đường kính từ 2 - 3m và đi xa từ 8 - 10m, quầng lửa phải đạt tính thẩm mỹ cao, hài hòa với cảnh quan môi trường, tuyệt đối không làm hư hại đến bề mặt và kết cấu các công trình kiến trúc.

Lửa của cầu Rồng "trường" hơn mong muốn

Ngọn lửa phải phun theo góc nghiêng từ 15 - 45 độ, hướng lên trên so với phương dọc cầu và không có tàn hoặc dầu rơi xuống. Dầu được đốt cháy hoàn toàn, tạo ra lửa và khói, tiện lợi cho việc vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, còn các thiết bị phải hiện đại, an toàn tuyệt đối và hoạt động được trong các điều kiện thời tiết khác nhau.

Do nhiên liệu nén ở áp suất cao nên khi phun ra khỏi ống phun lửa, gặp áp suất của không khí thấp hơn nhiều và chính vì áp suất thay đổi đột ngột và hiệu ứng cháy, tạo nên hiệu ứng âm thanh, làm tăng sự độc đáo, hấp dẫn.

Trong thời gian 2 phút, thiết bị sẽ phun thành 3 đợt. Sau đợt phun đầu tiên, thiết bị tạm ngừng hoạt động và về vị trí chờ, đến thời điểm lập trình, thiết bị sẽ tự động mở ra phun đợt thứ hai. Tương tự, hết đợt phun thứ hai, thiết bị cũng tạm ngừng rồi tự động mở ra phun đợt thứ ba. Hết đợt phun thứ ba, thì thiết bị đóng lại hẳn.

Kỹ sư Nguyễn Quang Huy, người trực tiếp chỉ đạo phun thử đêm ngày 6/3/2013 cho biết, kết quả những lần phun thử vượt cả mong muốn. 9 quả cầu lửa đã được phun ra khỏi miệng Rồng, tạo ra hiệu ứng ánh sáng và âm thanh rất đẹp và ấn tượng. Đặc biệt, đường kính của từng quả cầu lửa ước đạt từ 3 - 4m và các quầng lửa đi xa từ 10 - 15m. Qua thử nghiệm, trong một đêm diễn, tiêu thụ lượng dầu từ 54 - 81lít và điện năng khoảng 2kWh. Tổng chi phí dầu và điện trong một đêm diễn theo thời giá hiện nay từ 2-2,5 triệu đồng.

Cũng theo kỹ sư Nguyễn Quang Huy, trong tương lai gần, hệ thống thiết bị phun lửa sẽ được cải tiến theo kiểu Rồng ngậm ngọc, khi phun, nửa phần phía trước của viên ngọc sẽ mở ra và khi phun xong, viên ngọc sẽ tự động đóng lại.

Nước Rồng cực mạnh, đẹp và... rẻ

Kỹ sư Phan Đình Phương, Tổng Giám đốc công ty cổ phần khoa học công nghệ An Sinh Xanh là chủ sở hữu trí tuệ công trình "Lắp đặt hệ thống phun nước ở cầu Rồng", cho biết, đây là công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, không được phun dòng nước đặc mà phải phun nước thành luồng hơi cực mạnh và đẹp, thể hiện được khát vọng vươn xa của Đà Nẵng.

Sau khi được chỉ định thầu công trình phun nước tại cầu Rồng, kỹ sư Phương đã nghiên cứu, thiết kế và tổ chức lắp đặt hệ thống dẫn nước từ đường ống thủy cục chảy vào bồn 50m3. Tại bồn này, khí được máy nén nén vào cùng với nước, với dung lượng 325m3 khí nén và 20m3 nước. Nước và khí từ bồn chứa theo hệ thống đường ống đi lên bên trong trụ cầu và dải phân cách, vào tủ điều khiển thủy khí, qua tiếp tủ trình diễn đặt dưới cổ Rồng, tiếp tục theo hệ thống ống lên thiết bị phun nước ở miệng Rồng.

Theo kỹ sư Phương, vận dụng định luật khí lý tưởng về tính chất 1m3 nước có thể hóa thành 1.300m3 hơi nước, ông thiết kế bồn chứa 20m3 nước và 325m3 khí nén, hóa ra hàng vạn mét khối hơi lẫn nước và phun với lưu tốc 1.944 l/s, tạo nên sự hoành tráng, đẹp mắt, tương xứng với quy mô con rồng thép dài nhất, nặng nhất, to nhất thế giới.

"Sau 15 năm nghiên cứu, tôi và các đồng sự đã phát minh ra công nghệ phun nước hóa hơi ở nhiệt độ thường với 3 ưu điểm lớn: dễ vận hành, an toàn và chi phí thấp, và cùng chung tâm nguyện tạo ra những luồng hơi nước tuyệt đẹp để góp phần làm sống động thêm cây cầu Rồng huyền thoại trên sông Hàn", kỹ sư Phương chia sẻ.

Kỹ sư Phan Đình Phương cũng cho biết, trong tương lai gần, sẽ đề xuất với thành phố cho thực hiện nhiều kiểu phun mới, sáng tạo và phù hợp với chủ đề âm nhạc của từng đêm diễn, nhằm tăng sức hấp dẫn đối với người xem. Song trước mắt, chế độ phun nước của Rồng vẫn vận hành như hiện tại, bởi chi phí tiết kiệm.

Nhiều người sẽ rất ngạc nhiên khi được biết chi phí cho một đêm Rồng phun nước (tức 1 lần phun trong thời gian 3 phút) chỉ tốn khoảng 200-250 ngàn đồng theo thời giá hiện nay. Kỹ sư Phan Đình Phương giải thích, 1 lần phun (3 phút), tốn 20m3 nước và tiêu hao 40kWh điện, như vậy, rõ ràng theo giá nước và giá điện hiện tại là chưa tới 250.000 đồng.

Du lịch, GO! - Theo Công An TP Đà Nẵng, internet

Monday, 29 April 2013

Nói đến nghề dệt Nam Định, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng tơ Cổ Chất (xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam.

< Cổ Chất là một ngôi làng cổ của đất thành Nam.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kĩ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kỳ trước năm 1945.

< Làng Cổ Chất nằm ven dòng sông Ninh, bao đời nay nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về kinh thành Thăng Long. Năm ấy, Ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ.

Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng.

Ngày nay, người già trong làng thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương. Lớp trẻ thì mạnh dạn đầu tư máy móc, xây nhà xưởng để nâng cao năng suất lao động. Nghề làm tơ tằm phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động của làng và các vùng lân cận với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Và mỗi hộ cũng có thể kiếm được khoảng hơn 20 triệu/tháng.

< Nghệ nhân Nguyễn Thị Nghi mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn ngày ngày cần mẫn se tơ.

Nói về kỹ thuật làm tơ tằm truyền thống, chị Phạm Thị Nhạn, chủ một xưởng sản xuất tơ ở làng Cổ Chất cho biết, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được. Hiện nay, lượng kén tằm ở Cổ Chất không đủ để sản xuất nên chị phải mua thêm từ các tỉnh khác như Thái Bình, Hà Nam, Lâm Đồng… để ươm tơ.

Tơ Cổ Chất hiện có giá khoảng 850.000 đồng/kg, một phần được xuất bán cho các xưởng dệt trong tỉnh và các tỉnh lân cận, còn lại được xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Campuchia.

< Tơ Cổ Chất dù làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng.

Trải qua bao phen thăng trầm của thời cuộc, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.

Du lịch, GO! - Theo Thục Hiền - Trịnh Văn Bộ (Báo Ảnh Việt Nam)

Sunday, 28 April 2013

Chẳng biết từ đâu miếng đất nhỏ trồng cây kiểng sau nhà tôi bỗng xuất hiện một loại dây có lá màu xanh hình lục giác, chúng phát triển rất nhanh, quấn quanh mấy cây mai, kim quýt, bò lan lên cả hàng rào gần đó.

< Dây bình bát có lá hình lục giác và trái màu đỏ rất bắt mắt.

Vài tháng sau, cây ra hoa có 5 cánh màu trắng, kết trái non màu xanh tương tự trái dưa leo nhỏ. Và lúc trái già, chín có màu đỏ. Tôi định chặt bỏ đi cho quang đãng nhưng chị láng giềng bên cạnh can và cho biết đó là bình bát dây, lá và đọt non nấu canh ăn được.
Tôi hơi hoài nghi khi nghe chị nói, vì từ trước đến giờ chưa từng biết tên cũng như công dụng của loại dây leo này. Tò mò, muốn khám phá ẩm thực dân dã, tôi hỏi chị cách nấu canh với loại lá lạ này.

Theo chị, đọt và lá bình bát non nấu canh với thịt, tôm, cua, cá… đều ngon, ngọt. Nhưng được các bà nội trợ miệt vườn miền Tây ưa chuộng nhất vẫn là canh cua đồng bình bát.

Cua đồng bắt được hoặc mua ở chợ đổ vào xô. Cho nước lạnh vào ngập xâm xấp, dùng đũa đảo nhiều lần và xả nước cho sạch đất. Đập vài cục nước đá cho vào để cua chìm vào giấc ngủ đông, quên kẹp. Dùng tay bắt từng con tách mai, yếm, miệng bỏ đi và cho cua vào cối đá giã nhuyễn với muối. Sau đó đổ nước lạnh vào cua đã giã và dùng đũa sơ cho thịt cua hòa tan vào nước.

Dùng vợt lược lấy nước thịt cua vài lần cho tới khi thấy nước trong thì thôi. Đem nước thịt cua cho vào nồi đun lửa riu riu. Dùng vá sơ nhẹ tay, hớt bọt cho đến khi từng mảng riêu cua nổi lên là chín.

Bình bát dây (còn gọi bình bát dại) là loại dây leo, lá ăn được. Tên khoa học là Coccinia grandis (L) Voigt, thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae). Dân gian thường dùng củ bình bát dây để ngâm rượu bóp chỗ sưng đau hay viêm khớp. Trái bình bát dây sắc uống trị tiểu đường…

Lá và đọt bình bát dây mới hái vào rửa sạch, để ráo cho vào nồi riêu cua. Chờ nước sôi bùng lên, nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Cho hành lá xắt nhuyễn vào và nhắc xuống ngay, không để lâu bởi lá bình bát mềm thì mất ngon. Nhớ thêm một chén nước mắm ngon nguyên chất với vài trái ớt hiểm chín là xong!

Gắp đũa lá bình bát dây kèm miếng riêu cua chấm chút nước mắm cho vào miệng nhai sẽ cảm nhận được vị mềm, giòn, ngọt thanh và hương vị đặc trưng, không thể lẫn vào đâu được… Thêm một chén cơm nóng có chan vài muỗng nước canh vào nữa thì chán cơm cỡ nào cũng ăn được nhiều.

Ý định chặt bỏ dây bình bát không còn và kể từ đó để có món canh thanh nhiệt trong ngày hè nóng bức, tôi chỉ cần mang rổ ra sau nhà hái vài nắm lá bình bát nấu chung với những nguyên liệu khác sẵn có là có ngay tô canh ngon ngọt, đậm đà hương vị quê nhà.

Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (Du lịch Tuổi Trẻ), internet

Thursday, 25 April 2013

Để không "vung tay quá trán" khi du lịch đợt nghỉ lễ sắp tới, bạn có thể tham khảo những lời khuyên trong bài dưới đây.

Dịp 30/4 - 1/5 hàng năm luôn được đánh giá là mùa du lịch cao điểm, đặc biệt là năm nay khi các công nhân viên chức được nghỉ tới 5 ngày liên tiếp. Một lượng lớn du khách đổ về các điểm du lịch, đồng nghĩa với việc giá vé, dịch vụ tăng chóng mặt. Để có một kỳ nghỉ vui, trọn vẹn mà không tiêu tốn quá nhiều tiền, hãy tham khảo những mẹo dưới đây!



1. Chọn điểm du lịch gần

Dịp nghỉ lễ đã tới rất gần, vì vậy, nếu chưa kịp đặt vé máy bay, tàu hay các tour du lịch, hãy cân nhắc những lựa chọn gần hơn thay vì quanh quẩn ở nơi bạn sống.

Thay vì những điểm đến nắng ấm miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang…, bạn cũng có thể chọn những địa danh gần hơn, dễ tới bằng ô tô, xe máy như Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô…

Chọn những điểm đến này, bạn không phải đau đầu vì cái giá du lịch, dịch vụ quá cao mà vẫn có thể “đổi gió”, tiếp thêm năng lượng cho những ngày làm việc sau kỳ nghỉ.

2. Chọn phương tiện giao thông giá rẻ

Ngay cả khi bạn định lựa chọn những điểm đến xa, vẫn có những phương tiện giao thông với mức giá phải chăng hơn, giúp bạn tiết kiệm chi phí du lịch. Rất nhiều nhóm bạn trẻ đã lựa chọn ô tô chất lượng cao tại các bến xe để “phượt” tới tận Tây Nguyên, Đà Lạt. Thời gian di chuyển sẽ lâu hơn, nhưng nếu bạn không bị say ô tô, chuyến du hành này chắc chắn sẽ khó quên bởi bạn vừa đi, vừa được ngắm vô vàn cảnh sắc dọc đường mà người đi máy bay không thể chiêm ngưỡng hay dừng lại bất cứ nơi nào bạn muốn.

Nếu có chút máu phiêu lưu, mạo hiểm, bạn cũng có thể lựa chọn phương tiện xe máy, đi thành từng đoàn để “phượt” những chốn hoang sơ nhưng đầy hứng thú.

3. Nghỉ ở khách sạn xa tụ điểm du lịch

Những chuỗi khách sạn, nhà nghỉ gần khu vực du lịch: gần bãi biển, gần trung tâm vui chơi thường có giá đắt vô lý so với những khách sạn, nhà nghỉ ở xa hơn. Vì vậy, hãy tìm hiểu thông tin trên internet và cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn phòng nghỉ.

4. Nói "không" với taxi khi du lịch nội thành

Khi dạo quanh các điểm du lịch trong thành phố, tốt nhất không nên lựa chọn phương tiện taxi vì giá cả đắt, lại thường có nhiều loại taxi “dù” không đáng tin cậy.

Cách rẻ nhất để thăm các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh là đi bộ vì bạn ngắm được kỹ cảnh quan hơn, ngoạn cảnh dọc đường và chẳng tốn một xu. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, thay vì đi bộ, bạn cũng có thể lựa chọn các phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm…

Khi mua vé giao thông công cộng, hãy hỏi thông tin về những loại dành riêng cho khách du lịch để được giảm chi phí. Tại một số nơi như Đà Nẵng, Hội An, Sapa, bạn còn có thể thuê xe máy, xe đạp để tự do khám phá những địa danh đẹp.

5. Mang theo thực phẩm

Mang theo đồ ăn cũng là một cách giảm bớt chi phí du lịch. Bạn có thể mang theo những món đồ khô như mỳ tôm, bánh mỳ, đồ hộp để không phải chi cho quá nhiều bữa ăn.

Nếu không muốn vác nặng, bạn cũng có thể lựa chọn các quán ăn dọc đường để thưởng thức ẩm thực đường phố ngon miễn chê. Đừng bao giờ chọn những nhà hàng được quảng cáo trong tour du lịch hay khách sạn mà nên hỏi người dân địa phương để lựa chọn những chốn ăn vừa rẻ, vừa ngon.

6. Chuẩn bị kỹ lưỡng

Chuẩn bị kỹ lưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với việc “thắt hầu bao” của bạn. Hãy lên danh sách những đồ cần mang và kiểm tra kỹ trước khi lên đường. Với cách này, bạn sẽ không phải chi những khoản phụ phí cho khăn tắm, kem dưỡng da, dầu gội đầu… với giá đắt hơn rất nhiều.

7. Chọn điểm du lịch công cộng

Nếu không muốn “vung tay quá trán”, đừng bao giờ chọn những khu vui chơi giải trí đòi hỏi vé vào cửa. Hãy lựa chọn những điểm đến công cộng mà ai cũng có quyền tới như bãi biển, công viên, tham quan các công trình kiến trúc, bảo tàng miễn phí hay giảm giá cho nhóm khách đi đông, gia đình hoặc sinh viên.

Chúc các bạn có chuyến đi tuyệt vời!

Du lịch, GO! - Theo Xzone, internet

Du lịch tiết kiệm ở 3 nơi hút khách nhất dịp lễ
Kinh nghiệm du lịch bụi (phượt) tiết kiệm
Bí quyết tiết kiệm mùa phượt biển
Ngày 24/4, nhân Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức công bố tiến độ mới nhất của dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng", nhiều PV trong nước và quốc tế đã được phép "xâm nhập" vào một khu vực vốn được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt!

< Các PV trong nước và quốc tế đều rất muốn khám phá mố xử lý đất, bùn nhiễm dioxin.

Toàn bộ khu vực dự án đều nằm trong vùng kiểm soát của Bộ Quốc phòng Việt Nam mà cụ thể là Quân chủng Phòng không - Không quân. Để ra vào công trường này phải có giấy phép đặc biệt của Bộ Quốc phòng do đây là khu vực nhiễm dioxin.

< Khu vực dự án được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt.

Để xử lý khoảng 73.000m³ đất, bùn nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng xuống dưới mức tiêu chuẩn Việt Nam, dự án đang tiến hành xây dựng một bể chứa gọi là mố xử lý lớn hơn cả một sân vận động với chiều rộng 70m, chiều dài xấp xỉ 100m, nhìn từ xa cứ như những "Kim tự tháp" đang lúc ẩn, lúc hiện lên giữa "sa mạc" dioxin.  

< Các chuyên gia của USAID giám sát rất chặt chẽ quá trình thi công của công nhân.

Bao bọc chung quanh bể chứa là 4 bức tường thành rất dày, cao 7,3m, được xây dựng bằng những khối bê tông rời rất lớn lắp ghép lại.

< Mố xử lý được xây dựng bằng những khối bê tông lớn lắp ghép.

Nếu tính cả hệ thống cách nhiệt ở đáy và đỉnh của kết cấu thì bể chứa này cao khoảng 8m. Ngay dưới chân tường thành đất và bùn nhiễm dioxin sau khi đưa vào bể chứa này sẽ được làm nóng tới 335°C thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt.

< Nhìn từ xa cứ như Kim tự tháp...

Công nghệ xử lý hấp thu nhiệt được xác định là phương pháp hiệu quả nhất và đã được chứng minh về mặt khoa học để phân huỷ dioxin nhưng có tác động thấp nhất đến sức khoẻ con người và môi trường trong điều kiện đặc thù của khu vực dự án này.

< ... ẩn hiện giữa "sa mạc" dioxin.

Công nghệ này là một công nghệ cải tiến, áp dụng quy trình dẫn nhiệt và hút chân không để xử lý đất và bùn nhiễm dioxin. Đất và bùn đào lên được đưa vào mố xử lý hoàn toàn được bít kín bằng bê tông...

< Trước khi cho phép các PV vào tham quan dự án, kỹ sư Peter Chenevey của nhà thầu CDM Smith căn dặn rất nhiều về việc bảo đảm an toàn.

< Các PV phải leo lên bức tường thành cao hơn 7m cũng được canh gác cẩn thận ngay từ chân cầu thang.

Các thanh nhiệt hoạt động ở nhiệt độ khoảng 750 - 8000C làm tăng nhiệt độ của toàn bộ mố lên đến ít nhất 335°C. Ở nhiệt độ này, liên kết phân tử của hợp chất dioxin bị phá huỷ thành các chất vô hại khác, chủ yếu là CO2, H2O và Cl2.

< Từ trên cao nhìn xuống, mố xử lý như một chiếc hồ lớn hơn cả một sân vận động.

Đất và bùn ô nhiễm sẽ được đưa vào mố theo 2 giai đoạn và được làm nóng ở nhiệt độ cao trong vài tháng để làm phân huỷ dioxin. Sau khi kết quả phân tích mẫu đất khẳng định đất đã sạch thì đất và bùn đã được làm sạch trong giai đoạn 1 sẽ được đưa ra khỏi mô, đồng thời đất và bùn thuộc giai đoạn 2 sẽ được đưa vào mố để tiến hành quá trình nung nóng tương tự.

< Phương tiện cơ giới trên này.

Theo dự kiến, trên 95% dioxin sẽ bị phân huỷ trong quá trình xử lý nhiệt. Phần dioxin bay hơi sẽ được chân không hoá ở ngoài và đưa vào hệ thống xử lý thứ cấp dành cho chất lỏng và hơi thoát ra từ mố. Hệ thống này sẽ đảm bảo không để dioxin hoặc các chất ô nhiễm khác bay ra môi trường.

< ... và công nhân đang tham gia thi công dự án.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2016. Sau khi xử lý xong toàn bộ đất, bùn ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng, mố xử lý này sẽ được tháo dỡ, làm sạch các khối bê tông và chuyển đi sử dụng vào việc khác.

< Công nhân đang lắp đặt lớp lót bằng nhựa dày, rất chắc chắn, trên nền của kết cấu nhằm ngăn chặn nước rò rỉ ra ngoài hoặc nước từ bên ngoài thấm vào hệ thống xử lý trong giai đoạn vận hành.

< Dưới chân dưới bức tường thành rất dày...

Khu vực sân bay Quốc tế Đà Nẵng là “điểm nóng” về dioxin do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất còn sót lại sau cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

< ... là tuyến đường dành cho xe ôtô chở đất, bùn nhiễm dioxin vào mố xử lý...

Năm 2011, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin  tại sân bay Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt, USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp thực hiện với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 41 triệu USD triệu USD tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 35 tỉ đồng.

< Cạnh mố xử lý là sân phơi bùn nhiễm dioxin đã được thi công hoàn tất.

Dự án sẽ làm sạch trên diện tích đất phía đông bác sân bay Đà Nẵng và khu vực hồ sen phía tây sân bay. Sau khi xử lý, đất bùn này sẽ được xét nghiệm để đảm bảo không còn nhiễm dioxin và được tái sử dụng làm đất đắp trên công trường sân bay Đà Nẵng.

Ngày 24/4/2013, ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho biết, đến thời điểm này tổng kinh phí dự kiến dành cho dự án đã lên đến 84 triệu USD, tăng gấp đôi so với số liệu đưa ra tại lễ khởi công ngày 9/8/2012.

Du lịch, GO! - Theo Infonet, VTC
Là cư dân của TP biển Vũng Tàu, tôi rất xấu hổ trước việc du khách đến Vũng Tàu bị “chặt chém” vô tội vạ trong các ngày lễ lớn.

Từ trải nghiệm của bản thân, người thân và bạn bè, tôi chia sẻ một số kinh nghiệm nhằm góp phần giảm bớt những phiền toái mà du khách có thể gặp phải trong chuyến tham quan Vũng Tàu vào những ngày lễ lớn sắp tới.

Khi đến TP Vũng Tàu, trên đường ra bãi Sau du khách sẽ gặp rất nhiều tài xế xe ôm chạy theo xe đưa những tờ rơi hoặc mời miệng giới thiệu những quán ăn ngon rẻ. Xin đừng tin và đừng bao giờ vào các địa chỉ đó, vì có thể họ là cò mồi cho các quán “chặt chém”. Những quán làm ăn đàng hoàng thường không sử dụng dịch vụ này.

Ở bãi tắm, trước khi muốn thuê hay mua vật gì phải hỏi giá cả cho thật kỹ, nếu không sẽ bị “chém” thẳng tay. Ngày thường một chiếc dù và ghế bố giá thuê chỉ khoảng 50.000 đồng, ngày lễ có thể bị “hét” lên đến 200.000 đồng. Tương tự, một ly trà đá có thể được “hét” tới 20.000 đồng...

Du khách nên trả giá và chỉ chấp nhận mức giá ngày lễ cao hơn ngày thường ở một mức hợp lý. Du khách cũng cần hạn chế dùng cua, ghẹ của những người gánh hàng rong dọc theo bãi tắm, vì hàng của họ thường không đảm bảo vệ sinh, có khi là hàng ế còn lại từ hôm trước. Người quen của tôi cũng vì ăn ghẹ bán dạo mà bị “Tào Tháo rượt” phải nằm viện hai ngày.

< Một gia đình ở TP.HCM chuẩn bị bữa ăn mang theo vừa tiết kiệm vừa tránh bị “chặt chém” khi đi du lịch Vũng Tàu.

Buổi trưa, muốn dùng cơm ngon và giá cả hợp lý, du khách nên chịu khó tốn một cuốc taxi vào khu chợ cũ (cách bãi Trước khoảng 500m).  Tại đây có những quán ăn nổi tiếng với giá luôn ổn định. Tại các quán ăn đó, một tô canh chua cá 80.000-90.000 đồng, các món mặn và xào hải sản giá cũng chừng đó. Gia đình bốn người kêu cơm và ba món ăn, mỗi người uống vài lon bia chỉ trả khoảng 500.000 đồng (trong khi các quán “chặt chém” thường tính 1-2 triệu đồng).

Tại chợ cũ có nhiều quán cơm bình dân giá tương đương TP.HCM như cơm sườn 20.000 đồng/phần, cơm đùi gà 30.000 đồng/phần... Buổi sáng, muốn dùng điểm tâm ngon, quý khách nên ra khu chợ cũ, đến phố Lê Lai - Đồ Chiểu. Tại đây có đủ các món ngon như cơm tấm, phở, hủ tiếu, bún bò Huế, bún mắm, bánh khọt... giá chỉ dao động 25.000-35.000 đồng/phần.

Du khách lưu ý là khi ăn ngoài bãi Sau, sau khi thuận giá nên yêu cầu nhân viên phục vụ ghi giá vào tờ giấy giao cho khách giữ để tránh bị họ lật lọng.

Tôi có người quen khi hỏi giá tôm sú thì họ nói 600.000 đồng/kg, lúc tính tiền họ tính 900.000 đồng/kg (đắt gấp ba lần giá ngoài chợ). Bạn tôi cự cãi thì họ bảo hồi nãy anh nghe lộn, tôi nói 900.000 đồng/kg chứ không phải 600.000 đồng/kg. Đã lỡ ăn rồi, lại không có chứng cứ gì để phản bác nên bạn tôi đành phải nuốt cục tức mà trả tiền.

Ban đêm, nếu phòng trọ và khách sạn đã hết chỗ, du khách có thể đến Tịnh xá Ngọc Bích ở bãi Trước (gần bến tàu cánh ngầm) xin ngủ nhờ, nhà chùa chỉ lấy tiền điện nước 10.000 đồng/người. Tịnh xá khá rộng, song muốn đảm bảo còn chỗ nên liên hệ đăng ký trước. Ngủ ở chùa thì không được tiện nghi lắm nhưng còn hơn nằm vật vạ ngoài công viên.

Cuối cùng, khi muốn mua đồ lưu niệm, du khách trả giá càng thấp càng đỡ bị hớ. Nếu chỉ trả giá bằng phân nửa hoặc một phần ba giá đưa ra là kể như “dính chấu”.
Cháu tôi hỏi mua một xâu chuỗi kết bằng các vỏ ốc, họ nói 70.000 đồng, cháu tôi trả 20.000 đồng thì họ bán. Tưởng mua được giá hời, ngờ đâu một lát gặp người khác cầm xâu chuỗi giống hệt, cháu tôi hỏi mua bao nhiêu thì họ bảo giá chỉ... 10.000 đồng.

Cư dân Nha Trang mách nước du lịch bụi 'ngon, bổ, rẻ'

Du lịch, GO! - Theo Duy Minh (TTO), internet

Wednesday, 24 April 2013

Khởi động mùa du lịch biển đảo, dịp lễ 30-4, 1-5 năm nay được xem là kỳ nghỉ lý tưởng với hàng loạt sự kiện lớn diễn ra tại các thành phố biển. Đặc biệt lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được phục dựng tổ chức tại đảo Lý Sơn ngày 27 và 28-4.

Đà Nẵng: sẵn sàng cho “bữa tiệc” pháo hoa

Dưới cái nắng gay gắt của tiết trời miền Trung, các công nhân vẫn cặm cụi lắp đặt những công đoạn cuối cùng của khán đài A cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2013 (DIFC 2013). Đối diện khán đài, các thiết bị phục vụ đêm trình diễn pháo hoa cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Theo UBND TP Đà Nẵng, DIFC 2013 sẽ có sự góp mặt của những quốc gia lừng lẫy về công nghệ sản xuất, trình diễn pháo hoa. Trong đó, hai đội tầm cỡ là Trung tâm pháo hoa Khan (Nga) với những màn pháo hoa lớn bắn trên thiết bị hiện đại Pyrodigit sở trường và Melrose Pyrotechnics (Mỹ) với công nghệ bắn pháo hoa điện tử lần đầu tiên góp mặt. Còn nhà đương kim vô địch DIFC 2011, 2012 Ý cũng hứa hẹn mang đến một “món ăn” đặc biệt trong “bữa tiệc” ánh sáng bên sông Hàn...

Hiện hệ thống khách sạn dọc hai bờ sông Hàn gần khán đài và điểm bắn pháo hoa đều đạt công suất 100%. Theo Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, so với DIFC 2012, năm nay Đà Nẵng có thêm 75 khách sạn mới với hơn 2.400 phòng. Đến nay số lượng phòng hoạt động mới đạt gần 75%, các khách sạn ở nội thành và vùng ven vẫn còn trống khá nhiều. 351 khách sạn đã đăng ký công khai niêm yết giá và công bố đường dây nóng xử lý việc “chặt chém”.

Bên cạnh pháo hoa, 16 sự kiện phụ trợ khác cũng sẽ diễn ra trong những ngày này. Từ ngày 25-4 đến 1-5, tại vỉa hè đường Bạch Đằng sẽ trưng bày ảnh đẹp du lịch Đà Nẵng, riêng đêm 27-4 sẽ diễn ra chương trình âm nhạc đường phố. Từ ngày 27 đến 30-4, ngày hội đọc sách, khám phá văn hóa Champa diễn ra tại Bảo tàng Đà Nẵng. Từ ngày 28 đến 30-4, lễ hội văn hóa ẩm thực quốc tế “Hương vị cuộc sống” của các đội tham gia thi pháo hoa diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp. Lễ hội biển với chương trình giao lưu hip hop, tiệc âm nhạc tại công viên Biển Đông...

Quảng Ninh: 5.000 diễn viên tham gia lễ hội carnival Hạ Long

Lễ hội carnival Hạ Long 2013 với chủ đề “Sắc màu Quảng Ninh - hội tụ và lan tỏa” sẽ chính thức diễn ra tối 27-4. Theo ban tổ chức, kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, carnival Hạ Long 2013 với điểm nhấn là màn diễu hành đường phố sẽ được tổ chức công phu và hoành tráng hơn các năm trước với sáu xe hoa, 26 khối diễn thể hiện tài nguyên du lịch tỉnh với sự tham gia của gần 5.000 diễn viên... Năm nay tỉnh tiếp tục mời các đoàn nghệ thuật Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào... tham gia.

Ông Hà Quang Long, giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh, cho biết lượng khách đến Hạ Long dịp này đã bắt đầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 15.000 phòng khách sạn và hơn 1.500 phòng trên tàu du lịch nghỉ đêm, nhưng hơn 90% số phòng đã được đặt trước. Tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã được quán triệt không “chặt chém” du khách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần tạo ấn tượng tốt về một lễ hội “đặc sản” của tỉnh với du khách.

Trong thời gian này, tại các trung tâm du lịch Vân Đồn, Uông Bí, Cô Tô, Móng Cái... đều diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch hưởng ứng carnival Hạ Long 2013. “Những năm gần đây, vào các dịp lễ và mùa du lịch, lượng khách chọn các tour du lịch sinh thái đến các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn tăng đột biến. Dự kiến năm nay du lịch biển đảo Quảng Ninh sẽ đón 50.000-70.000 khách đi tour huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô, bãi biển Trà Cổ...” - ông Long nói.

Hải Phòng: “Đồ Sơn biển gọi”

Một trong những hoạt động mở màn Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 là lễ hội “Đồ Sơn biển gọi” diễn ra từ ngày 28-4 đến 6-5. Các hoạt động bên lề lễ hội chủ yếu là các giải thể thao mở rộng như giải quần vợt du lịch Đồ Sơn mở rộng, giải đua xe đạp, đua thuyền rồng, biểu diễn dù bay... Bến cảng du lịch Nam Đồ Sơn - hòn Dấu và tuyến du lịch tàu cao tốc Đồ Sơn - Cát Bà - Hạ Long - Móng Cái được đưa vào hoạt động từ năm 2012 cũng sẽ tạo lực hút đối với khách du lịch.

Ngăn chặn nạn “chặt chém” khách du lịch trong dịp lễ, ông Nguyễn Anh Tuân, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hải Phòng, cho biết sở đã phối hợp các ban ngành thực hiện nhiều biện pháp siết chặt tình trạng làm giá. “Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ở Cát Bà đều đã được tập huấn để nâng cao chất lượng và kiểm soát giá trong mùa du lịch, đặc biệt trong Năm du lịch quốc gia, để xây dựng hình ảnh thu hút khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã cam kết không tăng giá dịch vụ trong các ngày lễ. 100% các cơ sở dịch vụ đều phải thực hiện niêm yết giá. Các ngành chức năng cũng phối hợp rà soát, kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện tình trạng bắt chẹt du khách sẽ xử lý nghiêm” - ông Tuân nói.

Theo Sở VH-TT&DL Hải Phòng, dự kiến dịp nghỉ lễ này Hải Phòng sẽ đón hơn 70.000 du khách. Riêng khu du lịch Cát Bà và Đồ Sơn hiện có khoảng 5.000 phòng nghỉ, khách sạn đáp ứng nhu cầu cho khoảng 10.000 khách mỗi ngày.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Trọng tâm của Tuần lễ văn hóa biển đảo Quảng Ngãi năm 2013 là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được phục dựng tổ chức tại đảo Lý Sơn ngày 27 và 28-4.

Khác với mọi năm (tổ chức ở 13 tộc họ), năm nay lễ hội được tỉnh đứng ra tổ chức với quy mô lớn nên số lượng khách đăng ký tham dự cũng tăng vọt. “Hiện có bốn tàu cao tốc hoạt động tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn với khoảng 800 người/lượt. Nếu 2.000 khách cùng ra đảo trong sáng 28-4 kịp dự lễ khai mạc lúc 8g30, chúng tôi sẽ phải tăng bo 18 lượt cả đi và về mới chở hết” - ông Nguyễn Văn Danh, giám đốc Công ty vận tải đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, tính toán.

Đến thời điểm này, các khách sạn, nhà nghỉ trên đảo đã được đặt kín. Sở VH-TT&DL đã làm việc với các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện để tận dụng nhà công vụ làm nơi nghỉ cho du khách. 24 nhà cổ cũng đồng ý đón khách vào ở trong dịp lễ hội. Tuy nhiên, tất cả cũng chỉ đáp ứng chỗ ở cho khoảng 800 du khách. “Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo các công ty lữ hành nên cân nhắc đưa khách ra đảo dịp này” - ông Tạ Quy, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, cho biết.

Hiện Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi đã thống nhất với các chủ tàu chờ “lệnh” xuất bến từ ngày 25-4. Cảng Sa Kỳ cũng được nâng cấp, lắp đặt mái che, bố trí ghế nhựa cho du khách chờ tàu. Công tác bán vé đã được ban quản lý cảng Sa Kỳ triển khai. Chuyến tàu đầu tiên sẽ rời bến lúc 5g30 tại cảng Sa Kỳ.

Festival biển Nha Trang năm 2013

Chương trình Hội chợ Du lịch Biển đảo quốc tế Nha Trang – Việt Nam 2013 và Festival Biển Nha Trang 2013 với chủ đề “Nha Trang- Biển hẹn”sẽ diễn ra từ ngày 7/6 – 11/6/2013 tại Cung Hoa hậu Hoàn vũ Diamond Bay, thành phố Nha Trang.

Bắt đầu từ ngày 1 – 6, tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức nhiều hoạt động như:

Liên hoan nhạc Rock-Hip hop toàn quốc
Giải đua xe đạp Báo Khánh Hòa mở rộng cúp CMC
Lễ hội hoa quả sơn
Giải thuyền buồm toàn quốc
Triển lãm hội họa-nghệ thuật sắp đặt
Cuộc thi Nữ hoàng Biển toàn quốc
Lễ hội ẩm thực
Thi Dù bay quốc tế…

Đây sẽ là cơ hội tốt để quảng bá những hình ảnh thiên nhiên, con người Nha Trang hiền hòa, mến khách đến khách du lịch trong nước và quốc tế cũng như giúp cho du lịch “đảo ngọc” phát triển bền vững. Đặc biệt, điểm nhấn của Festival Biển năm nay là Hội chợ Du lịch biển, đảo Nha Trang- Việt Nam (ISTE 2013) do Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện, phối hợp cùng một số đơn vị thực hiện sẽ diễn ra từ ngày 7 đến 10-6-2013.

Hội chợ sẽ tập trung vào 3 loại hình du lịch: Inbound (thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam); outbound (mời các cơ quan du lịch quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đến giới thiệu sản phẩm cho du khách tại Việt Nam) và du lịch nội địa.

Festival biển Nha Trang được xem là sự kiện lớn nhất của thành phố Nha Trang năm 2013. Đến Nha Trang thời gian này, du khách được tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi, hoạt náo hấp dẫn trong festicval, để chuyến du lịch về miền biển thêm phần lý thú.

Du lịch, GO! - Theo báo Tuổi Trẻ, Tin Tức, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống