Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 6 August 2011

Nà Hang  là mảnh đất của cảnh đẹp thần tiên, của những huyền thoại về "Nàng tiên chú khách", về chín mươi chín ngọn núi. Bên thị trấn nhỏ xinh đẹp này có thác nước Pác Ban kỳ ảo và thơ mộng.

Pác Ban còn có tên gọi khác là thác Tát Tốc (tiếng Tày có nghĩa là thác Rơi). Thác có chín tầng (5 tầng thác lớn, 4 tầng thác nhỏ), bắt nguồn từ Bó Nặm (mỏ nước), dồn từ nhiều khe nhỏ chảy ngầm qua 3 hang Nậm Pan, Nậm Chang rồi đến Bản Chủ và bất ngờ lộ ra thành dòng nước lớn.

Vào mùa mưa, nước từ đỉnh thác chảy xối xả thành dòng trắng xoá. Mùa khô, thác trở nên hiền dịu với nhiều tầng nước chảy mềm mại trên những phiến đá xanh rêu phủ mượt như những tấm thảm. Khi có những tia nắng xuyên qua tán lá rừng chiếu rọi xuống, dòng nước trở nên lung linh huyền ảo.

Tầng thác thứ nhất, thứ hai có độ cao khoảng từ 10 đến 15m, chiều rộng khoảng 20m. Đây là hai tầng thác có dòng chảy lớn, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ. Tầng thác thứ ba, thứ tư có độ cao khoảng từ 10 đến 12m, chiều rộng khoảng 15m. Hai bên thác, trên các phiến đá là những khóm cỏ xanh, những cây phay, cây ôzô cổ thụ ngả bóng tạo nên một màu êm dịu khiến du khách có thể cảm nhận, hoà mình vào khung cảnh thiên nhiên mơ mộng ấy.

Đến tầng thác thứ năm, địa hình đột ngột phân cấp, dòng thác chia thành hai nhánh chảy xuống một trũng nước sâu khoảng 3m, rộng 20m có chiều dài từ 10 đến 15m. Bên trong trũng nước là một hang động có nhiều nhũ đá tuyệt đẹp. Hang rộng khoảng 4m, sâu 6m tạo cho khung cảnh thiên nhiên thêm phần sinh động thu hút sự chú ý của du khách.

Tầng thác thứ sáu, thứ bảy thấp và hẹp hơn các tần khác một chút. Tầng thác này được chia thành hai dòng chảy, một dòng chảy nối tiếp với các tầng thác phía dưới và một dòng chảy qua cánh rừng nguyên sinh còn ít người biết đến.

Thác Pác Ban - điểm du lịch sinh thái với thảm thực vật phong phú nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung (Nà Hang), không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ thú mà còn bởi những nét văn hoá riêng với những điệu hát Then, hát Lượn, hát Sli và kho tàng truyện cổ tích truyền miệng phong phú.

Đến với thác Pác Ban, du khách có thể đắm trong dòng thác bạc lắng nghe thác đổ và tiếng hót của chim rừng, mơ màng nghe kể về huyền thoại Thuồng Luồng, với những tình tiết ly kỳ Phai Hin (đập đá), Thôm Phạ (ao trời)…; cũng như được thưởng thức và không quên các món ăn đặc sản của mảnh đất này như cơm lam chấm muối vừng và canh rau đắng. Đặc biệt, rượu ngô Nà Hang được cất bằng men lá rừng và đặc sản cá lăng, chiên, dầm xanh, anh vũ… chắc chắn sẽ làm hài lòng du khách.

Với những ưu thế về vẻ đẹp tự nhiên và những bí ẩn còn chưa được khám phá, hàng năm, Pác Ban thu hút khoảng từ 1.000 đến 15.000 lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu. Mai đây, khi công trình thuỷ điện Tuyên Quang hoàn thành, ngoài việc mỗi năm cung cấp hàng tỷ KW giờ điện, đây còn là nơi thắng cảnh tuyệt mỹ, điểm du lịch hấp dẫn trong tuyến du lịch sinh thái hồ thuỷ điện Tuyên Quang - Ba Bể (Bắc Cạn).

Trước đây, nếu muốn vào thác, bạn phải đi vòng phía tả ngọn sông Gâm chừng 4 cây số, sau đó, đi thuyền trên hồ nước trong xanh, ngắm cảnh non nước hữu tình và rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú xung quanh. Còn bây giờ, khi đập thuỷ điện Tuyên Quang đã được xây dựng xong, nước tích thành hồ rộng mênh mông và con đường vào thác thuận lợi nhất là đi thuyền thẳng từ đập thuỷ điện vào tới tầng thác thứ hai.

Du lịch, GO! - Theo VTV, ảnh internet
Một môn thể thao cực mới ở Hà Nội nhá. Bạn có muốn thử không? Tớ là một dân phượt chính hiệu. Tớ thích cảm giác được tự mình khám phá những giới hạn của bản thân, được xách ba lô lên vai và đi đến những vùng đất mới. Thế nhưng đợt này vì bận rộn học hành thi cử quá, tớ chẳng thể nào sắp xếp thời gian để đi đâu được cả. Biết tớ đang bị cuồng chân, stress thằng bạn thân quyết định đầu tư cho tớ một chuyến đi phượt đặc biệt. “Tao sẽ cho mày đi leo núi ngay ở Hà Nội” - nó nháy mắt cười tinh quái rồi đèo tớ một mạch sang tận đường An Dương (Hà Nội) và dừng lại tại số nhà 40, ngõ 76.

Trong khi tớ còn đang lơ ngơ nhìn lên tấm biển VietClimb to đùng treo trước cửa nhà, nó lại lôi xình xịch tớ vào bên trong. “Đây, thưa mày, bây giờ thì mày có thể thoải mái tự do mà leo trèo nhá, leo núi ngay trong nhà, ngạc nhiên chưa?”.
.
Nhìn từ bên ngoài vào, Vietclimb được chia thành 2 phòng. Phòng nhỏ bên ngoài dành cho những em nhỏ tập luyện với độ cao thấp - đây cũng là không gian cho các bạn trẻ giao lưu trò chuyện với nhau, phòng bên trong dành cho người lớn

Hơ hơ, hóa ra là còn có kiểu này nữa cơ à. Tớ đang mắt chữ A, mồm chũ O nhìn những mảng màu được gắn đầy trên các bức tường gỗ thì một anh Tây đẹp trai “mê tơi” tiến về phía tớ, cất giọng bằng thứ tiếng Việt lơ lớ không thể dễ thương hơn: “Chào em, em đến để leo núi đúng không? Em thay giầy rồi anh sẽ hướng dẫn cho em nhé!”. Anh ấy chính là Jean - người thành lập CLB leo núi trong nhà Vietclimb đầu tiên ở Hà Nội. Và thế là tớ hào hứng chộp ngay một đôi giầy.

Giày leo núi có đế bằng phẳng không giống như những đôi giày thể thao khác
Giầy leo núi không giống những đôi giầy thông thường. Đế của nó bằng phẳng, không có đinh tẹo nào cả nhưng lại có độ bám rất tốt. Anh Jean cho hay, đế giầy làm bằng lốp xe đua công thức một đấy. Khủng chưa???

Mũi giầy nhô cao ở phần đầu, phía ngón chân cái
Mũi giày nhô lên cao một chút ở phần đầu, vì khi leo núi, ngón cái của bạn chính là điểm tựa quan trọng nhất, chỗ nhô lên đó sẽ rất thoải mái cho ngón chân bạn hoạt động. Thường, những đôi giày leo núi sẽ ôm rất khít chân, để giữ cho giày không tuột khi đang thực hiện các động tác khó.

Đi giày xong tớ mới có dịp ngó nghiêng lung tung. Hóa ra là ngôi nhà này cũng rộng ra phết, khoảng chừng 300m2 được chia ra làm hai phòng tập. Phòng bên ngoài dành cho trẻ em với địa hình leo thấp, độ khó ít. Phòng trong thì phải rộng gấp 7 - 8 lần phòng nhỏ, dành cho người lớn với độ cao và độ khó phức tạp hơn nhiều.

Khu phòng tập bên trong với những địa hình phức tạp hơn rất nhiều
Những vách leo trong nhà là những tấm gỗ chắc chắn với các kiểu nghiêng, thẳng, dốc khác nhau. Trên đó, có rất nhiều những mấu đá rực rỡ sắc màu, hình thù đa dạng.

Anh Jean đứng bên cạnh tớ vừa cười vừa giải thích: “Em có nhìn thấy các mấu với nhiều màu khác nhau không? Không phải tự nhiên người ta lại thiết kế như vậy cho đẹp mắt thôi đâu. Này nhé! Mức màu vàng là dành cho những người mới bắt đầu chơi, sau đó tăng dần lên đến màu cam, xanh lá cây, xanh da trời… Khi leo, em sẽ chỉ được đặt chân và tay lên một màu duy nhất thôi, không được *ngó tới các màu khác”.
Anh í đang hướng dẫn tận tình cho bạn mới bắt đầu tập luyện
Tớ hăm hở bắt đầu leo trèo, tớ chọn mức màu vàng dễ nhất cho người mới bắt đầu. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi leo thì khó lắm í, chân tay tớ cứ luống cuống hết cả lên. Anh Jean đứng dưới cứ phải nhắc tớ là chân phải để vào đâu, tay bám vào chỗ nào, rồi chân lên trước, tay bám sau… Sau một hồi tim đập chân run, cuối cùng tớ cũng chạm được vào cái mốc trên cùng. Lúc ấy, cảm giác cool không thể tả nổi… Yeah.

Thế nhưng đấy mới là mức dễ nhất ở bức tường thấp nhất (khoảng 3m), còn vô số địa hình hiểm trở khó hơn nhiều nữa cơ.
Anh Jean trổ tài leo núi thượng hạng. Anh í đang treo ngược người bám vào trần nhà đấy. Không phải là ảnh của tớ bị ngược đâu
À, bạn đừng lo là lỡ có tuột tay hay tuột chân thì sẽ bị chấn thương vì ở bên dưới là tấm nệm dày khoảng 50cm, đảm bảo sẽ không bị sao khi rớt xuống.

Môn thể thao này đòi hỏi người tập luyện phải kiên trì nhẫn nại, biết phối hợp nhuần nhuyễn khéo léo cử động giữa tay, chân và cả cái đầu nữa đấy. Bạn sẽ phải phán đoán bước tiếp theo mình sẽ bám vào đâu cho vững, đặt vào chỗ nào an toàn để còn tiến thêm những nấc khó khăn nữa.
Vừa mới tập được khoảng 30 phút mà tớ và thằng bạn mồ hôi nhễ nhại, trong khi xung quanh các bạn đến trước vẫn hăm hở tập luyện.

Tớ làm quen được với Dũng (1989, ĐH Ngoại thương - Hà Nội) bạn í cho hay mới chỉ tập leo núi trong nhà được hơn 1 tuần thôi, nhưng đã bồ kết lắm rồi. “Mình tình cờ được một người bạn nước ngoài giới thiệu đến đây chơi. Lần đầu thử leo cũng thấy khó lắm nhưng càng chơi càng thú vị. Khi vượt qua được một ngưỡng nào đó, thấy sung sướng hả hê lắm. Mình thấy môn thể thao này cực thú vị và rất hợp với các bạn trẻ. Hơn nữa, bạn có thể làm quen với rất nhiều bạn, đặc biệt là để thực hành khả năng giao tiếp với người nước ngoài”.

Đến với VietClimb bạn có thể làm quen với rất nhiều người bạn mới, đặc biệt là những người nước ngoài
Những gì Dũng nói cũng chính là một trong những tiêu chí mà anh Jean đặt ra khi thành lập CLB này. À, tớ quên chưa nói, anh Jean cũng mang trong mình dòng máu Việt Nam đấy (bố Pháp, mẹ Việt). Anh ấy leo núi từ năm 15 tuổi, và đã chinh phục đỉnh Mont Blanc cao hơn 4.800m. Niềm đam mê với môn thể thao mạo hiểm này cộng tình yêu đặc biệt với dải dất hình chữ S đã thôi thúc anh ấy mang leo núi trong nhà đến với các bạn trẻ Việt Nam.

Anh Jean tâm sự: “Leo núi trong nhà ở các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan không phải là mới, nhưng ở Việt Nam, hầu hết các bạn trẻ đều chưa biết đến nó. Chính vì vậy, mình muốn chia sẻ niềm đam mê của mình và giới thiệu đến giới trẻ Việt môn thể thao này. Vietclimb còn là nơi các bạn trẻ có thể làm quen, trao đổi, học hỏi lẫn nhau về ngôn ngữ cũng như văn hóa. Vì ở đây, có rất nhiều người nước ngoài, một cơ hội tốt đề trò chuyện, giao tiếp và có thêm những người bạn mới”.

Để đầu tư xây dựng một CLB hoành tráng thế này, chắc chắn anh Jean và một và người bạn của anh đã phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Thế nhưng khi được hỏi, anh í chỉ dí dỏm trả lời: “đắt bình thường”. ^^.

VietClimb chính thức khai trương từ tháng 4/2011. Trước đó, nhiều người cũng biết đến CLB này nhưng chủ yếu là người nước ngoài. Hồi đầu sang Việt Nam thực tập vào năm 2005, anh Jean đã tự thiết kế địa hình leo núi trong nhà ngay trên khu vực sân thượng ngôi nhà anh í thuê. Thế mới biết, niềm đam mê của anh chàng điển trai người Pháp này lớn đến mức nào. Anh ấy đã từng làm tại Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam, nhưng hiện giờ chỉ tập trung vào việc phát triển CLB Vietclimb mà thôi.

Còn chần chừ gì nữa, hãy thử cảm giác chinh phục những "ngọn núi cao" ngay tại Hà Nội, bạn sẽ lại đê mê như tớ cho mà xem.
Địa chỉ: Số nhà 40, ngõ 76, An Dương, Hà Nội
Giờ mở cửa: Từ 2h chiều đến 10 giờ tối tất cả các ngày trong tuần
Trước 5h chiều: 140k. Sau 5h: 180k (20k tiền thuê giầy)

Du lịch, GO! - Theo forum Vietyo
Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại Tà Pứa, một thôn vùng cao của xã Đức Phú (Tánh Linh). Lần đi này, Tà Pứa khác nhiều lắm, khô khan hơn và đặc biệt đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện năm nay ở vùng này mất mùa sầu riêng.

Nhớ lần đầu tiên đến Tà Pứa trong một buổi chiều tà, ngọn đèo ngoằn ngoèo được phủ xanh biếc, bởi lúc ấy đang vào cuối mùa mưa dai dẳng. Lần trở lại này đang là mùa khô, nên chúng tôi quyết định vượt đèo vào sáng sớm cho tiết trời mát mẻ. Nhìn chiếc cup già nua vừa mượn được của người quen mà chúng tôi không khỏi ái ngại, lo sợ “cụ” không thể cùng chúng tôi vượt đèo Tà Pứa cao ngất ngưỡng. Thấy tôi còn lăn tăn, anh nhân viên ở UBND xã Đức Phú nói chắc nịch: “cụ” này còn leo khỏe chán mà, không sao đâu chị.

Vậy là cùng nhau lên đường chinh phục đèo Tà Pứa. Nói ngon vậy thôi chứ chưa đến được lưng chừng đèo là “cụ” đã oằn mình kêu ịch ịch như không muốn cùng chúng tôi vượt đèo nữa. Người thanh niên dẫn đường cố rồ ga hết mức, khiến khói từ pô xe phun phun ào ào, mà “cụ” vẫn cứ ì à ì ạch.
.
Cực chẳng đã, tôi đành rời khỏi lưng “cụ” để quá giang xe của một người đàn ông đang lên núi cho “cụ” nhẹ bớt gánh nặng.

Lên đến đỉnh đèo, trong khi chờ anh chàng dẫn đường đang còn hì hục phía dưới, tôi mới có dịp quan sát kỹ khung cảnh nơi đây. Dãy Trường Sơn không còn xanh biếc như lần trước, bởi nơi này vừa hứng chịu sự khô hạn nhất chưa từng có. Mùi sầu riêng ngào ngạt thoang thoảng đâu đây. Ngó thấy bên đường có một người đàn ông chở sầu riêng đang ngồi nghỉ chân. Nhìn hai chiếc ky to tướng được chất đầy sầu riêng, chắc mẩm năm nay bà con ở đây trúng mùa.

Tôi lân la trò chuyện. Người đàn ông vội nói năm nay dân vùng này mất mùa sầu riêng, rồi vội vã leo lên xe nổ máy “hạ sơn” để kịp bán buổi chợ sáng. Vừa lúc anh chàng dẫn đường cũng lên tới đỉnh, chúng tôi đi vào sâu trong làng, mùi sâu riêng càng ngào ngạt hơn. Thỉnh thoảng bên đường có các vựa tập kết sầu riêng bán sỉ cho các tiểu thương con buôn ở một số xã Bắc sông lên tận nơi tìm mua về bán. Đi đến đâu cũng nghe bà con than chuyện sầu riêng mất mùa và kết trái sớm so với mọi năm.

Cũng bởi ảnh hưởng cái nắng hạn vừa qua, khiến sầu riêng ra hoa kết trái khác quy luật. Anh chàng chủ vựa sầu riêng người gốc Phú Yên vừa cân sầu riêng cho khách vừa nhiệt tình kể chuyện và hướng dẫn cho chúng tôi tìm đến các vườn sầu riêng. Anh bảo sầu riêng là một trong những cây lợi thế của vùng này, cả thôn hiện có diện tích trên chục ha và hầu hết nhà nào cũng trồng sầu riêng xen ghép với các loại cây chủ lực như cà phê, cao su…

Từ lúc đi kinh tế mới vào vùng này làm ăn sinh sống, đây là năm đầu tiên anh thấy ở đây bị khô hạn nặng nề khiến các loại cây, trái đều mất mùa. Khoảng hơn chục năm trước, thấy thổ nhưỡng vùng này thích hợp nên bà con tự tìm giống trồng sầu riêng, nhưng lại không chọn giống kỹ, nên càng ngày năng suất càng thấp. Thời gian trước, mỗi ha bà con thu được khoảng vài ba tấn, nhờ vậy mà có tiền lấy ngắn nuôi dài đắp đổi cho các cây chủ lực khác. Nay người ta đã phá bỏ bớt để chuyển sang trồng cao su có giá hơn. Chợt nhớ ra, anh chỉ chúng tôi cứ tìm đến nhà của K’Gum, một nông dân sản xuất giỏi người dân tộc K’ho mới thu được gần 30 triệu từ vườn sầu riêng. Ai chứ, K’Gum thì tôi quá rành, bởi trước đây tôi đã từng tìm đến vùng này để viết bài về anh.

Ngược xe qua cầu Đariaga, nhà K’Gum khang trang hiện rõ bên đường. Rất may hôm nay anh không lên rẫy mà ở nhà lo việc cho thôn. Gặp lại chúng tôi, anh rất mừng hỏi huyên thuyên đủ thứ chuyện. Khi tôi chúc mừng chuyện anh là người duy nhất của thôn trúng mùa sầu riêng, anh ngẩn người ngạc nhiên. Hỏi kỹ ra, anh mới bật cười kể chuyện bằng giọng điệu của người vùng cao: “Chắc mọi người nghe nhầm đó chứ năm nay mình cũng không ngoại lệ đâu, mất mùa thê thảm lắm cán bộ à! Nhà mình trồng gần 1,2ha sầu riêng xen ghép với cà phê mà vụ này chỉ thu có 3 tạ, vợ mình vừa bán ngót nghét được 3 triệu thôi. Giờ mấy đứa con mình đang còn ở rẫy hàng ngày lượm sầu riêng rải rác, ít lắm.

Con suối Đạsapó chảy ngang trước nhà mình, vốn từng là nguồn nước dạt dào của bà con làm rẫy vùng này, nhưng năm nay con suối khô trơ cả đá và cỏ. Nắng hạn cộng với thiếu nước tưới, bà con chỉ biết bỏ liều rẫy, cây nào sống được hay cây ấy. Ngừng một lát anh nói tiếp, trước đây mùa sầu riêng thường rơi vào khoảng tháng 7, 8, vậy mà không hiểu sao năm nay mới tháng 3, 4 vùng này đã rộ mùa sầu riêng. Cán bộ lên đây thời điểm này đã là cuối mùa rồi đó. Suốt một mùa khô, cây không được chăm sóc, tưới nước, bón phân đầy đủ nên sầu riêng kết trái ít lại rất xấu, nên người ta mua giá thấp lắm, chỉ 4.000 – 7.000đ/kg tùy loại.

Chia tay K’Gum, tôi chỉ biết chúc anh sẽ có một mùa khác bội thu, bởi anh là một trong những người con của dân tộc K’ho rất chăm chỉ, cần cù. Rời nhà K’Gum, chúng tôi tiếp tục bước qua ranh giới của tỉnh Bình Thuận – Lâm Đồng vào xã Đoàn Kết thuộc huyện Đạ Oai. Nơi đây vốn nổi tiếng là vùng đất trồng sầu riêng bạt ngàn chỉ xếp sau Long Khánh của Đồng Nai. Hai bên đường, những cây sầu riêng trái non hiếm hoi còn sót lại.

Đến thôn 1, nhìn thấy một người đàn ông đang chất sầu riêng vào sọt, chúng tôi ghé đến hỏi thăm biết anh tên Mẫn dân Huy Khiêm (Tánh Linh) lên tận đây mua sầu riêng về bán. Có điều anh bán chợ chiều, nên giờ chưa vội xuống núi. Anh cho hay, những năm trước mùa này anh lên chở cả tấn sầu riêng về bán, nhưng năm nay tìm đỏ mắt cũng chỉ được 3 tạ là ngon rồi. Không đủ sầu riêng, anh phải tìm mua thêm chôm chôm, mít tố nữ, măng rừng… về bán cho bõ công đi xa.

Tập kết đủ sầu riêng, anh Mẫn bắt đầu lụi hụi cỡi xe chở sầu riêng nặng trĩu xuống núi, khi trời bắt đầu đứng bóng. Dưới cái nắng chói chang giữa trời mùa hè, chúng tôi cùng nhau “hạ sơn”. Đường về, “cụ” cup đèo chúng tôi chậm rãi, nhưng cũng đỡ vất vả hơn so với lúc vượt đèo.

Du lịch, GO! - Theo báo Bình Thuận, ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống