Lâu lắm tôi mới có dịp trở lại Tà Pứa, một thôn vùng cao của xã Đức Phú (Tánh Linh). Lần đi này, Tà Pứa khác nhiều lắm, khô khan hơn và đặc biệt đi đến đâu cũng nghe người ta bàn tán chuyện năm nay ở vùng này mất mùa sầu riêng.
Nhớ lần đầu tiên đến Tà Pứa trong một buổi chiều tà, ngọn đèo ngoằn ngoèo được phủ xanh biếc, bởi lúc ấy đang vào cuối mùa mưa dai dẳng. Lần trở lại này đang là mùa khô, nên chúng tôi quyết định vượt đèo vào sáng sớm cho tiết trời mát mẻ. Nhìn chiếc cup già nua vừa mượn được của người quen mà chúng tôi không khỏi ái ngại, lo sợ “cụ” không thể cùng chúng tôi vượt đèo Tà Pứa cao ngất ngưỡng. Thấy tôi còn lăn tăn, anh nhân viên ở UBND xã Đức Phú nói chắc nịch: “cụ” này còn leo khỏe chán mà, không sao đâu chị.
Vậy là cùng nhau lên đường chinh phục đèo Tà Pứa. Nói ngon vậy thôi chứ chưa đến được lưng chừng đèo là “cụ” đã oằn mình kêu ịch ịch như không muốn cùng chúng tôi vượt đèo nữa. Người thanh niên dẫn đường cố rồ ga hết mức, khiến khói từ pô xe phun phun ào ào, mà “cụ” vẫn cứ ì à ì ạch.
.
Cực chẳng đã, tôi đành rời khỏi lưng “cụ” để quá giang xe của một người đàn ông đang lên núi cho “cụ” nhẹ bớt gánh nặng.
Lên đến đỉnh đèo, trong khi chờ anh chàng dẫn đường đang còn hì hục phía dưới, tôi mới có dịp quan sát kỹ khung cảnh nơi đây. Dãy Trường Sơn không còn xanh biếc như lần trước, bởi nơi này vừa hứng chịu sự khô hạn nhất chưa từng có. Mùi sầu riêng ngào ngạt thoang thoảng đâu đây. Ngó thấy bên đường có một người đàn ông chở sầu riêng đang ngồi nghỉ chân. Nhìn hai chiếc ky to tướng được chất đầy sầu riêng, chắc mẩm năm nay bà con ở đây trúng mùa.
Tôi lân la trò chuyện. Người đàn ông vội nói năm nay dân vùng này mất mùa sầu riêng, rồi vội vã leo lên xe nổ máy “hạ sơn” để kịp bán buổi chợ sáng. Vừa lúc anh chàng dẫn đường cũng lên tới đỉnh, chúng tôi đi vào sâu trong làng, mùi sâu riêng càng ngào ngạt hơn. Thỉnh thoảng bên đường có các vựa tập kết sầu riêng bán sỉ cho các tiểu thương con buôn ở một số xã Bắc sông lên tận nơi tìm mua về bán. Đi đến đâu cũng nghe bà con than chuyện sầu riêng mất mùa và kết trái sớm so với mọi năm.
Cũng bởi ảnh hưởng cái nắng hạn vừa qua, khiến sầu riêng ra hoa kết trái khác quy luật. Anh chàng chủ vựa sầu riêng người gốc Phú Yên vừa cân sầu riêng cho khách vừa nhiệt tình kể chuyện và hướng dẫn cho chúng tôi tìm đến các vườn sầu riêng. Anh bảo sầu riêng là một trong những cây lợi thế của vùng này, cả thôn hiện có diện tích trên chục ha và hầu hết nhà nào cũng trồng sầu riêng xen ghép với các loại cây chủ lực như cà phê, cao su…
Từ lúc đi kinh tế mới vào vùng này làm ăn sinh sống, đây là năm đầu tiên anh thấy ở đây bị khô hạn nặng nề khiến các loại cây, trái đều mất mùa. Khoảng hơn chục năm trước, thấy thổ nhưỡng vùng này thích hợp nên bà con tự tìm giống trồng sầu riêng, nhưng lại không chọn giống kỹ, nên càng ngày năng suất càng thấp. Thời gian trước, mỗi ha bà con thu được khoảng vài ba tấn, nhờ vậy mà có tiền lấy ngắn nuôi dài đắp đổi cho các cây chủ lực khác. Nay người ta đã phá bỏ bớt để chuyển sang trồng cao su có giá hơn. Chợt nhớ ra, anh chỉ chúng tôi cứ tìm đến nhà của K’Gum, một nông dân sản xuất giỏi người dân tộc K’ho mới thu được gần 30 triệu từ vườn sầu riêng. Ai chứ, K’Gum thì tôi quá rành, bởi trước đây tôi đã từng tìm đến vùng này để viết bài về anh.
Ngược xe qua cầu Đariaga, nhà K’Gum khang trang hiện rõ bên đường. Rất may hôm nay anh không lên rẫy mà ở nhà lo việc cho thôn. Gặp lại chúng tôi, anh rất mừng hỏi huyên thuyên đủ thứ chuyện. Khi tôi chúc mừng chuyện anh là người duy nhất của thôn trúng mùa sầu riêng, anh ngẩn người ngạc nhiên. Hỏi kỹ ra, anh mới bật cười kể chuyện bằng giọng điệu của người vùng cao: “Chắc mọi người nghe nhầm đó chứ năm nay mình cũng không ngoại lệ đâu, mất mùa thê thảm lắm cán bộ à! Nhà mình trồng gần 1,2ha sầu riêng xen ghép với cà phê mà vụ này chỉ thu có 3 tạ, vợ mình vừa bán ngót nghét được 3 triệu thôi. Giờ mấy đứa con mình đang còn ở rẫy hàng ngày lượm sầu riêng rải rác, ít lắm.
Con suối Đạsapó chảy ngang trước nhà mình, vốn từng là nguồn nước dạt dào của bà con làm rẫy vùng này, nhưng năm nay con suối khô trơ cả đá và cỏ. Nắng hạn cộng với thiếu nước tưới, bà con chỉ biết bỏ liều rẫy, cây nào sống được hay cây ấy. Ngừng một lát anh nói tiếp, trước đây mùa sầu riêng thường rơi vào khoảng tháng 7, 8, vậy mà không hiểu sao năm nay mới tháng 3, 4 vùng này đã rộ mùa sầu riêng. Cán bộ lên đây thời điểm này đã là cuối mùa rồi đó. Suốt một mùa khô, cây không được chăm sóc, tưới nước, bón phân đầy đủ nên sầu riêng kết trái ít lại rất xấu, nên người ta mua giá thấp lắm, chỉ 4.000 – 7.000đ/kg tùy loại.
Chia tay K’Gum, tôi chỉ biết chúc anh sẽ có một mùa khác bội thu, bởi anh là một trong những người con của dân tộc K’ho rất chăm chỉ, cần cù. Rời nhà K’Gum, chúng tôi tiếp tục bước qua ranh giới của tỉnh Bình Thuận – Lâm Đồng vào xã Đoàn Kết thuộc huyện Đạ Oai. Nơi đây vốn nổi tiếng là vùng đất trồng sầu riêng bạt ngàn chỉ xếp sau Long Khánh của Đồng Nai. Hai bên đường, những cây sầu riêng trái non hiếm hoi còn sót lại.
Đến thôn 1, nhìn thấy một người đàn ông đang chất sầu riêng vào sọt, chúng tôi ghé đến hỏi thăm biết anh tên Mẫn dân Huy Khiêm (Tánh Linh) lên tận đây mua sầu riêng về bán. Có điều anh bán chợ chiều, nên giờ chưa vội xuống núi. Anh cho hay, những năm trước mùa này anh lên chở cả tấn sầu riêng về bán, nhưng năm nay tìm đỏ mắt cũng chỉ được 3 tạ là ngon rồi. Không đủ sầu riêng, anh phải tìm mua thêm chôm chôm, mít tố nữ, măng rừng… về bán cho bõ công đi xa.
Tập kết đủ sầu riêng, anh Mẫn bắt đầu lụi hụi cỡi xe chở sầu riêng nặng trĩu xuống núi, khi trời bắt đầu đứng bóng. Dưới cái nắng chói chang giữa trời mùa hè, chúng tôi cùng nhau “hạ sơn”. Đường về, “cụ” cup đèo chúng tôi chậm rãi, nhưng cũng đỡ vất vả hơn so với lúc vượt đèo.
Du lịch, GO! - Theo báo Bình Thuận, ảnh sưu tầm
Nhớ lần đầu tiên đến Tà Pứa trong một buổi chiều tà, ngọn đèo ngoằn ngoèo được phủ xanh biếc, bởi lúc ấy đang vào cuối mùa mưa dai dẳng. Lần trở lại này đang là mùa khô, nên chúng tôi quyết định vượt đèo vào sáng sớm cho tiết trời mát mẻ. Nhìn chiếc cup già nua vừa mượn được của người quen mà chúng tôi không khỏi ái ngại, lo sợ “cụ” không thể cùng chúng tôi vượt đèo Tà Pứa cao ngất ngưỡng. Thấy tôi còn lăn tăn, anh nhân viên ở UBND xã Đức Phú nói chắc nịch: “cụ” này còn leo khỏe chán mà, không sao đâu chị.
Vậy là cùng nhau lên đường chinh phục đèo Tà Pứa. Nói ngon vậy thôi chứ chưa đến được lưng chừng đèo là “cụ” đã oằn mình kêu ịch ịch như không muốn cùng chúng tôi vượt đèo nữa. Người thanh niên dẫn đường cố rồ ga hết mức, khiến khói từ pô xe phun phun ào ào, mà “cụ” vẫn cứ ì à ì ạch.
.
Cực chẳng đã, tôi đành rời khỏi lưng “cụ” để quá giang xe của một người đàn ông đang lên núi cho “cụ” nhẹ bớt gánh nặng.
Lên đến đỉnh đèo, trong khi chờ anh chàng dẫn đường đang còn hì hục phía dưới, tôi mới có dịp quan sát kỹ khung cảnh nơi đây. Dãy Trường Sơn không còn xanh biếc như lần trước, bởi nơi này vừa hứng chịu sự khô hạn nhất chưa từng có. Mùi sầu riêng ngào ngạt thoang thoảng đâu đây. Ngó thấy bên đường có một người đàn ông chở sầu riêng đang ngồi nghỉ chân. Nhìn hai chiếc ky to tướng được chất đầy sầu riêng, chắc mẩm năm nay bà con ở đây trúng mùa.
Tôi lân la trò chuyện. Người đàn ông vội nói năm nay dân vùng này mất mùa sầu riêng, rồi vội vã leo lên xe nổ máy “hạ sơn” để kịp bán buổi chợ sáng. Vừa lúc anh chàng dẫn đường cũng lên tới đỉnh, chúng tôi đi vào sâu trong làng, mùi sâu riêng càng ngào ngạt hơn. Thỉnh thoảng bên đường có các vựa tập kết sầu riêng bán sỉ cho các tiểu thương con buôn ở một số xã Bắc sông lên tận nơi tìm mua về bán. Đi đến đâu cũng nghe bà con than chuyện sầu riêng mất mùa và kết trái sớm so với mọi năm.
Cũng bởi ảnh hưởng cái nắng hạn vừa qua, khiến sầu riêng ra hoa kết trái khác quy luật. Anh chàng chủ vựa sầu riêng người gốc Phú Yên vừa cân sầu riêng cho khách vừa nhiệt tình kể chuyện và hướng dẫn cho chúng tôi tìm đến các vườn sầu riêng. Anh bảo sầu riêng là một trong những cây lợi thế của vùng này, cả thôn hiện có diện tích trên chục ha và hầu hết nhà nào cũng trồng sầu riêng xen ghép với các loại cây chủ lực như cà phê, cao su…
Từ lúc đi kinh tế mới vào vùng này làm ăn sinh sống, đây là năm đầu tiên anh thấy ở đây bị khô hạn nặng nề khiến các loại cây, trái đều mất mùa. Khoảng hơn chục năm trước, thấy thổ nhưỡng vùng này thích hợp nên bà con tự tìm giống trồng sầu riêng, nhưng lại không chọn giống kỹ, nên càng ngày năng suất càng thấp. Thời gian trước, mỗi ha bà con thu được khoảng vài ba tấn, nhờ vậy mà có tiền lấy ngắn nuôi dài đắp đổi cho các cây chủ lực khác. Nay người ta đã phá bỏ bớt để chuyển sang trồng cao su có giá hơn. Chợt nhớ ra, anh chỉ chúng tôi cứ tìm đến nhà của K’Gum, một nông dân sản xuất giỏi người dân tộc K’ho mới thu được gần 30 triệu từ vườn sầu riêng. Ai chứ, K’Gum thì tôi quá rành, bởi trước đây tôi đã từng tìm đến vùng này để viết bài về anh.
Ngược xe qua cầu Đariaga, nhà K’Gum khang trang hiện rõ bên đường. Rất may hôm nay anh không lên rẫy mà ở nhà lo việc cho thôn. Gặp lại chúng tôi, anh rất mừng hỏi huyên thuyên đủ thứ chuyện. Khi tôi chúc mừng chuyện anh là người duy nhất của thôn trúng mùa sầu riêng, anh ngẩn người ngạc nhiên. Hỏi kỹ ra, anh mới bật cười kể chuyện bằng giọng điệu của người vùng cao: “Chắc mọi người nghe nhầm đó chứ năm nay mình cũng không ngoại lệ đâu, mất mùa thê thảm lắm cán bộ à! Nhà mình trồng gần 1,2ha sầu riêng xen ghép với cà phê mà vụ này chỉ thu có 3 tạ, vợ mình vừa bán ngót nghét được 3 triệu thôi. Giờ mấy đứa con mình đang còn ở rẫy hàng ngày lượm sầu riêng rải rác, ít lắm.
Con suối Đạsapó chảy ngang trước nhà mình, vốn từng là nguồn nước dạt dào của bà con làm rẫy vùng này, nhưng năm nay con suối khô trơ cả đá và cỏ. Nắng hạn cộng với thiếu nước tưới, bà con chỉ biết bỏ liều rẫy, cây nào sống được hay cây ấy. Ngừng một lát anh nói tiếp, trước đây mùa sầu riêng thường rơi vào khoảng tháng 7, 8, vậy mà không hiểu sao năm nay mới tháng 3, 4 vùng này đã rộ mùa sầu riêng. Cán bộ lên đây thời điểm này đã là cuối mùa rồi đó. Suốt một mùa khô, cây không được chăm sóc, tưới nước, bón phân đầy đủ nên sầu riêng kết trái ít lại rất xấu, nên người ta mua giá thấp lắm, chỉ 4.000 – 7.000đ/kg tùy loại.
Chia tay K’Gum, tôi chỉ biết chúc anh sẽ có một mùa khác bội thu, bởi anh là một trong những người con của dân tộc K’ho rất chăm chỉ, cần cù. Rời nhà K’Gum, chúng tôi tiếp tục bước qua ranh giới của tỉnh Bình Thuận – Lâm Đồng vào xã Đoàn Kết thuộc huyện Đạ Oai. Nơi đây vốn nổi tiếng là vùng đất trồng sầu riêng bạt ngàn chỉ xếp sau Long Khánh của Đồng Nai. Hai bên đường, những cây sầu riêng trái non hiếm hoi còn sót lại.
Đến thôn 1, nhìn thấy một người đàn ông đang chất sầu riêng vào sọt, chúng tôi ghé đến hỏi thăm biết anh tên Mẫn dân Huy Khiêm (Tánh Linh) lên tận đây mua sầu riêng về bán. Có điều anh bán chợ chiều, nên giờ chưa vội xuống núi. Anh cho hay, những năm trước mùa này anh lên chở cả tấn sầu riêng về bán, nhưng năm nay tìm đỏ mắt cũng chỉ được 3 tạ là ngon rồi. Không đủ sầu riêng, anh phải tìm mua thêm chôm chôm, mít tố nữ, măng rừng… về bán cho bõ công đi xa.
Tập kết đủ sầu riêng, anh Mẫn bắt đầu lụi hụi cỡi xe chở sầu riêng nặng trĩu xuống núi, khi trời bắt đầu đứng bóng. Dưới cái nắng chói chang giữa trời mùa hè, chúng tôi cùng nhau “hạ sơn”. Đường về, “cụ” cup đèo chúng tôi chậm rãi, nhưng cũng đỡ vất vả hơn so với lúc vượt đèo.
Du lịch, GO! - Theo báo Bình Thuận, ảnh sưu tầm
0 comments:
Post a Comment