Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 12 September 2011

Những con dốc, cái nóng nóng oi bức, những cơn mưa đường rừng, những trục trặc trên hành trình chinh phục những niềm đất mới trên những con ngựa sắt sẽ bớt nhọc nhằn và tuyệt vời hơn khi bạn bỏ và ba lô những hành lý kinh nghiệm.

Dù cưỡi trên mình những chú "ngựa sắt" thô sơ, nhưng những "tay cương" giữ ngựa vẫn luôn muốn tìm đến những trải nghiệm thú vị bằng những hành trình trên những cung đường đầy thử thách và hứa hẹn không ít những gian nan.

Nếu bạn là người thích được chinh phục nhưng mới lần đầu đến với thú phượt bằng xe đạp địa hình, bạn có thể chọn cho mình những cung đường trải nhựa, đôi khi là những đoạn đường không hoàn toàn bằng phẳng nhưng vẫn có thể dễ dàng đạp xe, mục đích chính là để thưởng thức phong cảnh, hoặc tìm hiểu đời sống văn hoá của địa phương.

Bạn có thể đến với những hành trình như Hà Nội – Sơn Tây – Tản Đà, Hà Nội – Mai Châu – Kim Bôi, hay Hà Nội – Vĩnh Yên – Tuyên Quang – Đại Từ - Thái Nguyên…

Còn nếu bạn đã là những tay lái tương đối chuyên nghiệp thì hãy chọn cho mình những đoạn đường có đá dăm lồi lõm như đến với hành trình Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa. Hành trình chinh phục tới những miền đất mới của Tổ quốc vẫn luôn thu hút và hấp dẫn những dân phượt chuyên nghiệp như những cái tên: Hàm Lợn, Thung Nai, Hồ Núi Cốc, đèo Hải Vân…

Những trục trặc những tai nạn trên đường đi với những con ngựa sắt có thể dở chứng bất cứ lúc nào cũng sẽ là điều bạn cần lưu ý.

Trên đường đi có thể bạn sẽ gặp phải những tình huống rất thường nhưng rất cần bạn phải thực sự bình tĩnh. Đôi khi là những trục trặc kỹ thuật như mòn thắng, bể lốp, cong vành…vì vậy trong hành trang cá nhân nhất định bạn phải trang bị những thứ thô sơ để sẵn sàng thao tác công việc của một bác sửa xe chuyên nghiệp.

Đặc biệt những rắc rối từ sức khỏe cũng là một điều bạn cần đặc biệt chú ý. Đạp xe cần sử dụng rất nhiều sức nên đôi khi bạn rất dễ bị chuôt rút, say nắng hoặc có thể dễ dàng bị đuối sức nếu cố quá mà không có sự điều chỉnh nhịp nhàng với cả đoàn trong hành trình.

Thêm một lưu ý đặc biệt là bạn có thể dễ dàng bị lạc đường nếu mải mê bám theo những điều thú vị bất chợt bạn khám phá được, hay chỉ đơn giản là quên đường về khách sạn cùng cả đoàn.
Những lúc như thế chỉ cần thấp thoáng bóng dáng một thành viên bạn cũng cần “áp sát” và đừng bao giờ quên điện thoại di động.

Thú phượt xe đạp của giới trẻ

Giới trẻ thích du lịch bụi đã quen với những cung "phượt" đường dài bằng xe máy, và giờ đây "phượt" bằng xe đạp cũng dần trở nên phổ biến. Những trải nghiệm mới mẻ khi vi vu trên chú "ngựa sắt" khiến dân "phượt" ngất ngây.

Tình yêu với xe đạp

"Phượt bằng xe đạp nghe cũng lạ, vì chẳng ai điên điên mà vác con ngựa sắt kọt kẹt với ước mơ chu du và khám phá cả. Nhưng mình lại thích điều đó, phượt một cách nhẹ nhàng và gọn gàng, đạp xe, ngắm cảnh, thích thì dừng lại, tấp đại xe vào lề và tha hồ bấm máy, song nhảy lên xe và lao vút đi, nhẹ nhàng", đó là lý do tại sao bạn trẻ nickname kt_anghia chọn xe đạp làm bạn đồng hành cho những chuyến lang thang, khám phá của mình.

Thích lang thang, thích khám phá, thích mạo hiểm, thích những chuyến đi bụi bặm...là những điểm chung của anh em nhà "phượt". Với những chuyến "phượt" đường dài, xe máy được cho là phương tiện phổ biến và tiện lợi nhất. Thế nhưng, có những bạn trẻ lại thích "ê mông", vi vu trên những con "ngựa sắt" bởi cảm giác mới mẻ mà nó mang lại.

Hiếu Trung, một tay "phượt" xe đạp kỳ cựu chia sẻ chuyến "phượt" đầu tiên bằng xe đạp của Trung là năm học lớp 9, Trung cùng bạn đạp xe từ Hà Nội đến Bình Đà để mua pháo. Sau đó Trung đam mê xe đạp và bắt đầu tự đi các cung đường ngắn: Hà Nội - Hoà Bình, Hà Nội - Sơn Tây – Đá Chông – Ao Vua, Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Hồ Núi Cốc,….

Trung kể: "Thời sinh viên, mình thường đi bằng xe cuốc, không có chắn bùn và mọi lịch trình đều tự tổ chức, đa số là đi một mình với các chuyến đi 1 – 2 ngày. Lúc đó không có phương tiện gì, chưa được bố mẹ sắm xe maý cho và nếu muốn đi du lịch rẻ tiền khắp Việt nam như các cụ nhà mình hồi đó, chỉ có mỗi cách đi xe đạp"

"Mỗi năm mình đi 7 - 10 chuyến trong vòng 2 ngày với cung đường mỗi đoạn chừng 150 – 180km. Các điểm đến thường là: Ba Vì, Tam Đảo, Kim Bôi, Quan Sơn…Cũng có những lúc nổi hứng bất chợt, tổ chức đạp xe ban đêm ngắm Hà Nội hay đi vòng vòng ruộng quê", Trung nói thêm.

Xe đạp lấy "cơm thay xăng", đạp xe du lịch, vừa tiết kiệm, vừa rèn luyện sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Hoàng Dương, thành viên CLB Hành Trình Xanh - chuyên tổ chức những chuyến đạp xe xuyên Việt vì môi trường, cho biết điểm khác biệt giữa đi xe đạp với đi bằng xe máy, đó là phải dùng ý chí, sức khoẻ của cá nhân kết hợp với tinh thần đồng đội. Người dẫn đầu đoàn thường là người khỏe nhất, đi trước để cản gió.

"Đi xe đạp chầm chậm để cảm nhận được mọi thứ xung quanh, cảm nhận thời gian trôi qua...Với tình trạng xăng tăng giá như thế này, đi xe đạp vừa lãng mạn vừa bảo vệ môi trường, tập thể dục luôn thể mà còn tiết kiệm được chi phí", Dương bày tỏ.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm

Niềm đam mê của những người chơi xe, đam mê du lịch của dân "ê mông" là không bao giờ cạn. Mỗi chuyến đi, mỗi điểm dừng chân lại cho các bạn những trải nghiệm mới mẻ.

Xe máy thường chú trọng tới cự ly, khoảng cách, điểm đến. Còn xe đạp chủ yếu chọn các cung đường nông thôn để trải nghiệm. Hiếu Trung chia sẻ: "Trong thời buổi cơm áo gạo tiền cuộc sống luôn tấp nập bận bịu như thế này, khi ta lượn lờ đạp xe ngắm phố, sẽ thấy cuộc sống thật khác lạ. Cảm giác là lạ khi qua những quãng gồ ghề ở nông thôn, được chinh phục những con dốc trong ngày hè nắng gắt, được cảm thấy mình tự vượt qua chính mình khi lên đỉnh dốc và tà tà thư giãn ngủ dưới gốc cây…".

Trung còn nhớ, chuyến đi gian nan nhất của đoàn là chuyến xe đạp chinh phục Tam Đảo trong đêm. "Đó là chuyến đi đáng nhớ và cho mình nhiều cảm xúc nhất. Xuất phát từ 3h chiều, 7h tối tới chân núi. Trời mưa và rét. 12h đêm cả nhóm tập kết trên đỉnh tại thị trấn trong tình trạng tơi tả, vừa đạp, vừa xách, vừa dắt xe, vừa bò", Trung kể.

Còn với Hoàng Dương, "phượt" xe đạp càng có ý nghĩa hơn khi mỗi chuyến đi của bạn gắn liền với những chuyến đi tình nguyện. Những chuyến đi đến với trại trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người già neo đơn giúp Dương hiểu hơn về cuộc sống, biết cảm thông với những số phận bất hạnh.

Dương chia sẻ: "Mình đã đạp xe đến nhiều vùng đất, mỗi vùng đất mỗi con người mỗi kỷ niệm nhưng đều thấm đậm tình người, tình bạn. Kết nối trái tim, chia sẻ nỗi đau, giúp đỡ người nghèo, bảo vệ môi trường là những gì mà mình và các thành viên trong CLB muốn làm cùng với chiếc xe đạp".

Về vấn đề an toàn cho mỗi chuyến đi, Dương cho biết, trước mỗi chuyến đi nhóm thường cử người đi tiền trạm, lên kế hoạch lịch trình cụ thể. Các thành viên của đoàn được hướng dẫn những kĩ năng cơ bản nhất khi đi trên đường, nhất là duy chuyển theo đội hình, tuân thủ kỉ luật đi đường và luật an toàn giao thông. Khi đi đường sẽ có 1 đội an ninh từ 5 - 7 bạn đi hàng ngoài để nhắc nhở các bạn đi theo hàng lối, tuân thủ quy định và duy trì khoảng cách an toàn với các phương tiện đi bên cạnh.

Du lịch, GO! - Vietnamnet
Trong lần tới Sapa công tác, phóng viên Catharine Nicol trên CNNGo đã rất ấn tượng với cô hướng dẫn viên người Mông 19 tuổi sôi nổi, nhiệt tình và nói tiếng Anh lưu loát.

Phóng sự dưới đây của Nicol là những cảm nhận của anh về cô gái đặc biệt này.

Chai Lythi ngồi lặng yên trong khách sạn năm sao. Cô gái người Mông mặc bộ trang phục truyền thống màu xanh đen với những họa tiết hoa văn trang trí sặc sỡ trên váy đang chờ đợi để đưa khách du lịch thăm quan thị trấn Sapa. Sapa được biết đến là thị trấn du lịch nổi tiếng với các du khách nước ngoài muốn tận hưởng bầu không khí trong lành và khung cảnh hoang sơ. Nơi đây cũng là ngôi nhà của nhiều dân tộc ít người ở phía Bắc Việt Nam.

< Những người dân tộc H'mong thường đi bộ dọc theo sông.

Cô gái có vẻ mặt buồn buồn đứng ở hành lang khách sạn nhưng chẳng bao lâu sau đó cô trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát khi dẫn đường khách vào làng.

Chai giao tiếp bằng tiếng Anh bồi khá lưu loát, ngữ điệu trầm bổng và thường xuyên nở nụ cười thân thiện. Trong mắt các vị khách Tây, cô gái sôi nổi 19 tuổi này là một hướng dẫn viên nhiệt tình và cởi mở khi chia sẻ khá nhiều về cuộc sống của mình.

"Cách đây 7-8 năm, hầu hết mọi người ở đây đã làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi ước mình cũng làm như họ để kiếm chút tiền giúp đỡ gia đình", vừa nói chuyện với khách, Chai vừa minh họa bằng việc chỉ cho họ thấy những khu vực đi qua đã đổi khác như thế nào qua một thập kỷ nay.

Quyết định không ở nhà cắm mặt trên nương rẫy, Chai bắt đầu công việc hướng dẫn vào năm 2006. "Tôi rất thích công việc này bởi nó giúp tôi gặp gỡ mọi người và học nhiều ngôn ngữ. Tôi biết vài từ tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Nhật. Tiếng Anh là ngôn ngữ tôi biết nhiều nhất", Chai tâm sự.

< Căn bếp chỉ có vài nồi niêu đã cũ..

Tiếng Anh của Chai khiến nhiều người kinh ngạc. Họ ngạc nhiên bởi cô gái chưa từng học chính thức bài học tiếng Anh nào lại có thể nói và sử dụng thành thạo đến vậy. Dân dã và tự nhiên, Chai vừa nói, vừa cười, vừa hài hước, vừa giải thích. Tất cả những điều đơn giản này Chai đều học sau những lần tiếp xúc với khách nước ngoài.

Ở ngôi làng Lao Chải của Chai, hệ thống giáo dục vẫn còn thô sơ. Học sinh cấp một vẫn chưa được dạy tiếng Anh. Cô gái người Mông chia sẻ với phóng viên CNNGo: "Hầu hết những cô gái dân tộc không thể đi học, chỉ có con trai mới được tới trường. Vì vậy, chúng tôi ở nhà và làm việc ở nương rẫy, dệt, may vá quần áo, nấu ăn, chăm sóc gia đình và nhiều việc khác nữa".

Trên đường vào các bản làng, Chai dẫn khách đi qua một ngôi nhà gỗ hai gian. Phía trước nhà là vũng bùn lầy và cũng là nơi chơi đùa của hai chú lợn, ba con vịt và hai con chó. Ngôi nhà chẳng có vẻ gì được tu sửa thường xuyên. Chai cùng khách đi qua cửa hàng của bố cô rồi đi sâu vào thung lũng qua những cánh đồng lúa, những chú trâu nước và vô số cửa hàng bán đồ lưu niệm do người địa phương tự làm. Qua ngôi trường tiểu học trong làng, cô em gái nhỏ của Chai đang chơi ngoài sân cùng đám bạn. Những câu chuyện về cuộc sống ở ngôi làng thân yêu của Chai theo chân vị khách nước ngoài suốt đoạn đường đi.

< Ngôi nhà đơn sơ của gia đình Chai.

Chai cùng khách vừa đi vừa nói chuyện cho tới khi đến đường lớn. Chai thỏa thuận với hai xe ôm chở mình về thị trấn. Người lái xe mặc quần jeans, áo sơ mi, chở cô gái mặc chiếc váy truyền thống sặc sỡ đi trước. Về tới Sapa, Chai cùng khách tới một quán cà phê internet và cô lại khiến khách bất ngờ thêm một lần nữa.

Cô nhanh chóng truy cập vào Facebook, cười sung sướng khi đọc được những dòng tin nhắn bạn bè gửi. Chai nói giọng đầy tự hào: "Tôi bắt đầu tham gia mạng xã hội từ năm 2007 và là người Mông đầu tiên ở Sapa có Facebook. Tôi thích sử dụng mạng xã hội này bởi tôi có thể nhìn thấy ảnh của bạn bè và nói chuyện với họ".

Trên facebook của Chai có nhiều tin nhắn bằng tiếng Việt và không ít những tin nhắn bằng tiếng Anh. Mạng xã hội này chỉ là một trong số những cầu nối giúp Chai giao lưu với thế giới bên ngoài.

< Em gái của Chai trong căn nhà đất đơn sơ.

"Home Alone (tạm dịch: Ở nhà một mình) là một bộ phim rất hài hước. Cậu bé nhân vật chính thật đáng yêu. Một gia đình nhỏ ở trong ngôi nhà lớn, mọi thứ đều khó mà dọn dẹp sạch sẽ. Đại gia đình, ngôi nhà nhỏ, đó là chúng tôi", Chai cười hồn nhiên. Giữ liên lạc với các vị khách du lịch cũng là cách cô nuôi dưỡng ước mơ đi du lịch các nơi trên thế giới. Và điều này chắc chắn sẽ đến với một cô gái có tinh thần học hỏi như Chai.

Chai khiến người đối diện thấy khó hiểu, đôi khi cô là một hướng dẫn viên du lịch hiện đại nhưng nhiều lúc cô lại trở về với thiếu nữ Mông truyền thống. "Tôi đã xuống Hà Nội vài lần nhưng dưới ấy giao thông đông đúc và ô nhiễm. Có lẽ, tương lai tôi sẽ sống trong một ngôi nhà làm bằng gạch hoặc quay trở về làng, làm việc đồng áng và sinh nhiều con".

Du lịch, GO! - Theo Hmdestination, Datviet
1.300 chiếc thuyền là con số ấn tượng, để phục vụ du khách có một chuyến đi trên sông Ngô Đồng vào Tam Cốc, nằm ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình với thời gian khoảng 2 giờ đồng hồ. Cảm giác đi trên con sông có cái tên lãng mạn ấy khó phai cho bất cứ ai, nhất là như chúng tôi đã có một buổi sáng trên những chiếc thuyền dạo chơi trên sông Ngô Đồng, khi bất ngờ chạm gặp hai bên dòng sông những ruộng lúa đang vào mùa gặt, nhuộm vàng cả con sông...

Chúng tôi mua vé ngay cửa ra vào với giá 50.000 đồng trong cuộc hành trình. Trong đó có 30 ngàn đồng phí tham quan và 20 ngàn đồng phí đi thuyền. Mỗi chiếc thuyền chở được bốn người, với cuộc hành trình chèo bằng mái chèo như thế họ nhận được 70.000 đồng. Anh Chu Anh Khanh, 32 tuổi là người chèo thuyền đưa chúng tôi đi, cho biết là anh phải đợi đúng 10 ngày để đến lượt thuyền của mình được đưa du khách.

Tam Cốc là một điểm du lịch nổi tiếng ở Ninh Bình, cách Hà Nội 100 km. Còn dòng sông Ngô Đồng tạo nên xuyên qua các dãy núi đá vôi, len qua tới ba hang đá gồm Hang Cả, hang Hai và hang Ba, khiến du khách có cảm giác như mình đang dạo chơi ở một Vinh Hạ Long khác là một dòng sông trữ tình. Những chiếc thuyền ốp bằng tole nhỏ nhoi, chồng chành giống như những chiếc lá đậu san sát nhau dọc bến thuyền Vũng Trắm. Mỗi chiếc thuyền, ngoài hai chiếc chèo được cột đính vào mạn thuyền cho người chèo thuyền còn có mấy mái chèo khác để khách phụ giúp cho con thuyền trôi nhanh.

Hỏi: "Tại sao không dùng thuyền máy cho nhanh?" Một người lái thuyền cho biết, việc đi thuyền máy sẽ gây tiếng động, ô nhiễm dòng sông. Chính cái chầm chậm của con thuyền nhỏ, mái chèo khua đều vào vùng cổ tích ấy mới đủ cho du khách nhấm nháp cái hương vị đi vào con đường thủy, độc đạo, lạ lùng kia. Sông Ngô Đồng, cái tên đẹp lạ lùng kia khiến cho tôi tò mò, bởi quanh núi kia đâu có thấy một cây Ngô Đồng nào đâu? Thì ra, đây là con sông xuất phát từ đá vôi rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại gần cầu Vũng Trắm.
Tôi may mắn đi trên con sông Ngô Đồng đang vào mùa gặt lúa. Quả thật, chính màu vàng của các ruộng lúa ngập trong nước ven hai bờ sông, những nông dân chèo thuyền thu hoạch trong cái vàng óng ả ấy đã lý giải tại sao con sông mang tên Ngô Đồng. Sự lạ kỳ về sự tận dụng lợi thế khi con nước của sông rút, để hai bên bờ là khoảng đất đầy phù sa, người nông dân gieo hạt, rồi cây lúa cứ vươn lên theo con nước cho đến khi chín trĩu hạt, chẳng khác nào cách trồng lúa ở các tỉnh phía Nam, thật là khó ngờ. Đi bên cạnh tôi là một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Anh cứ đứng lên con thuyền nhỏ mà hăng say ghi lại vẻ đẹp của mùa thu hoạch lúa ấy. Lãng mạn hơn là đôi khi những người trên thuyền hò đối đáp với những người đang thu hoạch lúa ở hai bên bờ sông.

Trở lại chuyện 1.300 chiếc thuyền để đưa khách dạo chơi trên sông Ngô Đồng, len vào ba động và dừng lại điểm cuối, nơi có rất nhiều chiếc thuyền nhỏ đi theo khách để bán hàng. Trên các thuyền nhỏ ấy có cả búp sen, chuối, dứa gọt sẵn và các loại thức uống, bánh kẹo ăn vặt. Tôi đi theo cô bé Hải chừng 17 tuổi. Hải là một trong những cô gái trẻ chèo thuyền trên sông Ngô Đồng. Hải trùm kín gương mặt bằng chiếc áo chuyên dùng, dùng đôi chân đạp hai mái chèo để con thuyền nhỏ cứ lướt trong ánh vàng vụ mùa. Ở đây còn có cụ Lộc, râu tóc bạc dài vẫn chèo thuyền và được khách chụp ảnh nhiều nhất, cụ đã 75 tuổi.

Chuyện kể là để cả xã Ninh Hải đều hưởng "lộc" từ dịch vụ chèo thuyền đưa du khách dạo chơi sông Ngô Đồng, Ban Quản lý Khu Du lịch Tam Cốc cho phép tất cả cácc hộ dân ở đây có thuyền đã qua kiểm định đều đăng ký hoạt động. Các con thuyền đều đánh số thứ tự, tới lượt thì xếp hàng trên bến sông chở khách. Cái hay là nếu khách có điều đình thuê đi riêng cũng phải qua Ban Quản lý với giá 70 ngàn đồng cho chuyến đi trên sông đi và về gần 4 km đó. Vậy đợi bao lâu tới lượt mình? Bài toán đơn giản là ngày đông khách có 300 thuyền rời bến, như vậy 4 ngày mới tới lượt. Vắng khách thì mỗi ngày có 100 thuyền rời bến, phải 13 ngày mới tới vòng thuyền. Chiếc thuyền chưa tới lượt lại đi gặt lúa, gieo mạ, làm cỏ lúa hay chở hàng hóa bán cho khách du lịch. Thuyền bán hàng không được chở khách, đó là quy định nghiêm ngặt và cũng được chấp hành rất tốt.

Cô bé An cho biết gần như bất cứ ai ở xã Ninh Hải cũng có thể chèo thuyền. Với số tiền 70 ngàn đồng một chuyến đò, chèo trong ba giờ đồng hồ sẽ rã rời chân tay, cho nên ở đây mọi người học cách chèo thuyền bằng chân. Và vì thế, sau khi rời bến Thánh, đi vượt qua Đền Thái Vy là cô bắt đầu dùng đôi chân để chèo thuyền. Đền Thái Vy là ngôi đền xây dựng vào thế kỷ 13 là nơi thờ Vua Trần Thái Tông. Trước Đền có giếng Ngọc xây bằng đá xanh, sau đền là dãy núi đá Cấm Sơn. Cứ thế, những người chèo thuyền bắt đầu nhịp nhàng điều khiển con thuyền lướt sóng nhẹ nhàng trên con sông Ngô Đồng bằng đôi chân.

An bảo: "Chèo thuyền bằng chân ngó vậy chứ không dễ dàng. Ai không biết chèo sẽ làm cho con thuyền bị lật úp." Thật vậy, có một con thuyền do điều khiển không khéo đã lệch hướng, đâm thẳng vào trong ruộng lúa, một người lái thuyền khác phải tới thay người chèo thuyền, để đưa con thuyền ra khỏi nơi mắc cạn.

Thuyền len vào hang Cả dài 127 mét rồi tiếp theo là hang Hai, hang Ba. Đá gần như sát trên đầu, nước trên đá nhỏ xuống từng giọt, không gian mát lạnh. Là thỏa lòng ngắm những triền núi đá vôi để ngạc nhiên vì bầy dê núi lông màu trắng cứ leo lên trên vách núi kiếm ăn. Một người chèo thuyền cho biết: tất cả dê trên núi ấy là dê nuôi. Khi có người mua, chủ của bầy dê phải lên tận nơi để lùa bầy dê xuống núi. Món thịt dê núi Ninh Bình cũng chính là đặc sản vùng đất này.

Còn tôi, theo nhịp chậm của những đôi chân nhẹ nhàng điều khiển hai mái chèo đưa khách đi qua mùa lúa vàng trên con sông có cái tên Ngô Đồng trữ tình ấy. Có cảm giác như mình đang bước vào trong cổ tích. Cổ tích của dòng sông hiền hòa, dòng sông len qua ba ngọn núi, dòng sông có hai bờ ruộng hai bên, có mùi thơm nồng của thiên nhiên và có cả những ân cần của những người chèo thuyền, họ như một Hướng dẫn viên du lịch, không vội vã đưa khách đi và về, mà còn muốn kể cho du khách nghe những câu chuyện về vẻ đẹp quê mình. Đặc biệt là những đôi chân chèo thuyền.

Du lịch, GO! - Theo báo Du lịch

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống