Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 9 October 2011

Trong 10 kiến trúc cổ đặc sắc của Việt Nam thì xứ Đoài chiếm đến 3, gồm chùa Tây Phương, đình Tây Đằng và đình Chu Quyến.
.
Chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương tên chữ là Sùng Phúc Tự, tọa lạc trên trên núi Tây Phương, thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Chùa được Cao Biền xây dựng, Tây Đô vương Trịnh Tạc sửa sang lại, nhưng đến năm 1794, dưới thời nhà Tây Sơn, chùa mới được đại tu hoàn toàn với tên mới là "Tây Phương Cổ Tự" và hình dáng kiến trúc còn để lại như ngày nay.
Theo Bảo tàng Kiến trúc Việt Nam, đây là ngôi chùa có lối kiến trúc cổ độc đáo bậc nhất. Nó không chỉ tập trung trí tuệ, tinh hoa, sáng tạo của cha ông, mà còn là sự kết hợp hài hoà trong vật liệu, kết cấu, hình khối, ánh sáng, khí hậu tạo nên đỉnh cao cho nghệ thuật kiến trúc.

Chùa được xây dựng trên một quả đồi yên tĩnh với không gian sáng tạo từ lối chân đồi lên tới cổng chùa. Đi hết 200 bậc thang xây bằng đá ong, hai bên đường là thành đất, vườn cây là tới khu đất nơi chùa toạ lạc, công trình được bố trí ngoài có cổng chùa nhỏ, không tam quan, không gác chuông.

Chùa gồm 3 lớp chính, song song theo hình chữ "Tam", xây thành các khu biệt lập. Chùa và sân thông suốt nhau, tứ phía quây lại kín sân thiên tỉnh thành hình khung cửa sổ dài, mở thẳng lên trời đón khí và ánh sáng. Tuy nhiên, ánh sáng vừa phải để tạo được vẻ thâm nghiêm cho công trình.

Bộ mái của chùa được coi là đoá hoa đao đình bởi sự xử lý và thủ pháp  nghệ thuật, tỷ lệ chuẩn mực. Trung tâm của chùa có 3 lớp chùa đã xây gần như sát vách, lợp chồng diềm có tất cả 24 đoá đao cỡ lớn. Mái cong và cao, hai hoa nối với nhau thành chiều cao gấp đôi 2.20m+2,20m nên tạo được ánh sáng tốt cho công trình. Mái lợp ngói mũi hài, tạo thành 2 lớp chồng diêm. Vì thế dễ dàng nhận thấy tính liên hoàn của công trình.

Giữa sân là một hồ nước nhỏ, vào mùa khô hồ luôn giữ được độ ẩm nhất định, chống nứt nẻ của các kết cấu và tượng gỗ bên trong công trình. Mái chùa theo lối chồng diêm (bốn mái trên, 4 mái dưới chồng lên nhau, hai lớp cách nhau một khoảng ngắn có tên là “cổ mái” hay “cổ diêm”). Các đầu đao cong vút tạo vẻ nhẹ nhàng thoáng đạt cho công trình. Trên bờ nóc mái trang trí những hình rồng sinh động và những con vật trong thần thoại được xếp chồng lên nhau thể hiện bằng những đường cong tạo vẻ đẹp thanh thoát cho công trình.

Hệ thống kết cấu của chùa theo lối “chồng rường giá chiêng” nhưng thay cho “kẻ” thì lại dùng “bẩy”, bẩy không nằm nghiêng mà nằm ngang để đỡ phần mái đua ra. Đối với mái tầng trên cột quân còn đứng trên xà nách của mái tầng dưới… đây là kiểu dáng kiến trúc độc đáo thế kỷ 17.
Ngoài bố cục kiến trúc đẹp, chùa Tây phương còn nổi tiếng vì có hệ thống tượng độc đáo như tượng Tuyết Sơn, Mã Minh và 18 vị La Hán là những kiệt tác nghệ thuật điêu khắc đương thời mang đậm tính dân gian, ý nghĩa triết lý nhân sinh, cuộc sống dân giã đời thường và tính thiêng liêng của Phật pháp.

Đình Tây Đằng

Tây Đằng đứng đầu trong chuỗi đình của đất Quảng Oai, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 với chất liệu gỗ và bố cục nguyên thủy: mặt nằng hình chữ nhật, năm gian, nơi thờ trên gác lửng ở gian giữa. Tả mạc, hữu mạc, chuôi vồ xây thêm vào các đời sau.

Đình Tây Đằng gồm có kết cấu trồng rường giá chiêng, gồm 5 gian. Có 8 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc, tổng cộng là 48 cây cột gỗ trong đó những cây cột lớn nhất có đường kính lên tới 80 cm. Các cây cột này đỡ hệ mái lợp ngói có các đầu đao cong trang trí hình rồng, phượng, lân, rùa bằng đất nung. Xung quanh để trống chứ không làm tường. Các chi tiết chạm khắc trên các phần gỗ theo nhiều đề tài khác nhau.
Tả mạc và hữu mạc là hai ngôi kiến trúc ở hai phía sân trước ngôi đình. Cổng đình gồm 5 cây cột, không có mi. Trên đỉnh cột có trang trí hình lân. Cổng đình rộng theo cả chiều ngang của sân đình từ tả mạc sang hữu mạc.

Đình có những bức chạm mô tả và vĩnh cửu hóa cảnh sinh hoạt đời thường: gánh con đi chợ, đốn củi, cày bằng voi, săn hổ, chèo thuyền, con trai ghẹo gái làng, uống rượu… Ngôn ngữ thể hiện cảnh đời của các nghệ sĩ dân gian gần gũi với ngôn ngữ thể hiện của các họa sĩ thế kỷ 20. Chạm trên ván gió đình Tây Đằng là chú voi tung cả bốn chân, vòi, đuôi và toét miệng cươi, cảm giác chú bay như làn gió, quên mất trọng lượng bản thân.

Những thân cột, xà, đầu dư, kẻ bảy đình Tây Đằng tồn tại vượt qua các cửa ải sinh tử: sự mục nát, sự hủy hoại trong bão lũ và trong ngọn lửa, tàn phá và sự tham lam của người đời. Những khúc, mảng gỗ vô giác ấy bảo lưu cả một kho tàng sáng tạo, tình người và khát vọng, làm nhân chứng một thời.
Đình vừa là nơi làm việc của các chức sắc và những người có ảnh hưởng trong làng, vừa là nơi tổ chức các lễ hội của làng, vừa là nơi thờ các thành hoàng của làng (gồm Sơn Tinh, Thánh Gióng, và Thần Nông).

Đình Chu Quyến

Giống như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến có số lượng hàng cột là 8 hàng và 48 cột tuy kiến trúc có chỗ khác nhau.

Đình được xây dựng từ thế kỷ 17 trên đất xã Chu Minh, huyện Ba Vì (nay thuộc về Hà Nội) và được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng là một trong những di tích văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng của Quốc gia.

Đình được đánh giá là ngôi đình lớn nhất xứ Đoài với thiết kế chỉ gồm một tòa đại đình trông rất sừng sững và bề thế gồm hai gian, ba chái, không có một công trình phụ trợ, bổ sung nào.

Như hầu hết các ngôi đình cổ xứ Đoài, đình Chu Quyến có bộ mái đình xòe rộng ra bốn phía, chiếm tới hơn 3/4 toàn thể ngôi đình nhưng lại lan rộng xuống thấp nên càng làm tăng thêm vẻ vững chãi, bề thế của ngôi đình. Bù lại, các đầu đao của mái đều được uốn cong làm cho ngôi đình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và duyên dáng gấp bội phần.

Nơi đây có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện cả trên đất nung và trên gỗ.như: con giống làm bằng đất nung được trang trí trên hai đầu nóc, đầu đao; hình ảnh mây lửa mềm mại, hình tượng con lân, đầu rồng mắt to, trợn tròn, miệng há rộng hướng về các đao lửa trên bờ guột của đình…

Bước vào tham quan đình, người xem cũng dễ dàng nhận thấy, các cột ở ngôi đình này đều rất to, chắc chắn; đặc biệt chiếc cột cái có chu vi tới hơn 2,4m. Vì thế mà người dân trong vùng từ lâu thường có câu ví quen thuộc: To như cột đình Chàng.

Các tác phẩm được chạm khắc bằng gỗ trong đình cũng hết sức cầu kỳ, tinh xảo và độc đáo. Những đề tài, khung cảnh vốn quen thuộc hàng ngày trong đời sống của người cư dân nông nghiệp như cảnh làm ruộng, chọi gà, người đánh đàn, người cưỡi hổ, người dắt voi, múa hát… được tái hiện hết sức đặc sắc, sống động.

Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được thể hiện ở những thần tích và một số di vật cổ, đặc biệt là những đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, internet
Sông Hiếu như một dải lụa màu thiên thanh len lỏi giữa mây ngàn núi biếc. Có những đỉnh cao vời vợi như phà Cà Tủn 2.452 mét, đỉnh Pù Huống cao 1600 mét. 
Với hàng ngàn khe suối chi lưu góp nước tạo nên vẻ kỳ vĩ vừa thơ mộng vừa hoang sơ của con sông huyền thoại. Chảy từ bắc Trường Sơn qua Nậm Quàng, Nậm Giải (Quế Phong ) đến Bãi Kè, Bãi Tập, Dinh Thượng, Dinh Hạ (Quỳ Hợp - Nghệ An) nơi 600 năm trước đại quân Lê Lợi đã đồn trú luyện quân để làm nên những chiến thắng lẫy lừng “Bồ Đằng sấm vang chớp giật ; Trà Lân trúc chẻ tro bay ”.

Tuy chiều dài khá khiêm tốn, (chưa đầy 300 km) nhưng sông Hiếu có tầng tầng lớp lớp phù sa, tạo nên những thung lủng màu mỡ, cây cối bốn mùa tốt tươi trổ hoa kết trái… Sông Hiếu tưới nhuần cho hàng vạn ha rừng có nhiều loại gỗ quý như: lim, sến, táu, lát, hoa, chò chỉ…và nhiều loài động vật quý hiếm như: hỗ báo, hươu, nai voi, vượn…


< Xuôi bè trên Sông Hiếu.

Bởi thế mà năm 1901 người Pháp đã bỏ ra hàng triệu franc cho công cuộc thăm dò khảo sát, lập bản đồ tài nguyên vùng tây bắc Nghệ An. Gồm 22 loại khoáng sản quý như: vàng hồng ngọc thạch anh…và khoảng bảy triệu mét khối đá Mác Ma xít ( đá trắng). Hàng trăm nghìn tấn quặng thiếc và hàng triệu mét khối gỗ các loại.

Năm 1921 thực dân Pháp mở con đường 48 từ Yên Lý đi Quỳ Châu nhằm khai thác tài nguyên khoáng sản dọc hai bờ sông Hiếu…
…  Một thời gian dài con người đã có cách ứng xử không đúng với rừng xanh. Chặt phá rừng trỉa lúa trồng ngô, để được một tấn lúa có khi phải đốt cháy cả một ha rừng. Chặt một cây gỗ thì kéo theo hai, ba chục cây khác gãy đỗ dập nát…Cái cảnh “Gỗ theo xe đi mãi / Gỗ cánh bè lầm lũi về xuôi.” Cứ kéo dài triền miên năm này qua năm khác, đến lúc rừng chỉ còn là lùm cây hoang dại, hay từng chòm lau lách xác xơ. Nhiều nơi rừng bị xẩy trắng, cạo trọc lóc như ông bình vôi. Không còn khả năng tích thuỷ, điều hoà lượng nước trong lòng đất. Dòng sông chảy chậm lại, nguy cơ hạn hán kéo dài. Hoa màu héo hắt, cây lúa thiếu nước khô khát không trổ bông…

< Một khúc Sông Hiếu.

Từ khi có dự án 327, rồi các cuộc vận động phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng, dự án 661. Thực hiện chương trình trồng 5 triệu ha rừng của nhà nước, kế hoạch cải tạo 3000 ha rừng nghèo kiệt ở trạng thái A1, B1, C1 thành rừng có giá trị kinh tế cao của huyện Quỳ Hợp đã thực sự đi vào lòng dân. Trồng rừng đã trở thành nghị quyết của đảng bộ các cấp. Chủ trương giao đất giao rừng là một động thái tích cực làm cho con người yêu rừng quý đất hơn. Khi rừng đã có chủ thì sẽ được chăm sóc bảo vệ chu đáo hơn. Một phong trào trồng rừng được phát động rộng khắp trong toàn dân, người người trồng rừng,  nhà nhà trồng rừng. Trồng rừng không còn là công tác phong trào, được chăng hay chớ, mà trồng rừng đã trở thành nghề lao động chính có thu nhập cao.

Người dân đã ý thức được phát triển rừng chính là bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học. Tạo thêm việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, nhất là bà con ở vùng sâu vùng xa sống ven rừng, đã nhiều năm gắn bó với rừng. Đồng thời tăng nguồn thu nhập to lớn của ngành lâm nghiệp.
Trong những năm qua, Quỳ Hợp đã trồng mới được gần 1.500 rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Chăm sóc bảo vệ rừng tự nhiên trên 50.000ha, nâng độ che phủ của rừng lên 66% vào cuối năm 2010.

< Đôi bờ Sông Hiếu.

Thành công của dự án trồng rừng Quỳ Hợp đã tạo được nguồn nguyên liệu to lớn thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản phát triển đúng hướng. Từ việc khai thác bừa bãi trái phép gỗ rừng tự nhiên đã chuyển sang khai thác vận chuyện chế biến tiêu thụ keo, bạch đàn …. Mỗi năm ước tính đến hàng trăm nghìn m3. Các dự án, kế hoạch trồng rừng đã làm thay đổi nhận thức của đại bộ phận người dân về phát triển kinh tế lâm nghiệp, kích thích một lực lượng lớn gồm nhiều thành phần tích cực trồng rừng. Nhiều lâm tặc khét tiếng một thời đã trở thành những chủ rừng làm ăn có hiệu quả.

Hai bờ sông Hiếu trở lại màu xanh tươi mới, lung linh. Keo lai vốn có lá dày, cành xếp đều thành tầng lớp. Lá keo chỉ rụng lẻ tẻ, chứ không như bàng, phượng vĩ hoặc một số loài cây khác trơ cành xương xẩu khi mùa thay lá. Bởi thế nên rừng keo mướt xanh cả bốn mùa. Ai có tinh tường lắm, mới thấy mùa xuân keo xanh mơn mởn, mùa hạ xanh non tơ, sang thu đông keo có màu xanh già cứng hơn… Đi dưới vòm lá dày đặc ta không chỉ cảm nhận được sự dịu mát trong lành, mà còn nghe cả tiếng xôn xao của mầm non cựa mình vươn lên đón nắng. Trong sự sinh sôi phát triển của những rừng keo ngút ngàn xanh thẳm có cả tiếng  ầm ì hối hả của từng đoàn xe chở đầy cây keo đã bóc vỏ, cưa bằng chằn chặn nối đuôi nhau về nhà máy.

< Trên công trường Thuỷ lợi, thuỷ điện Bản Mồng.

Khi tôi viết bài này thì đoạn đi qua xóm Trọng Cánh, xã Yên Hợp cách đường 48 chừng 1.500m về phía bờ sông, một công trường đang hối hả thi công. Từng đoàn xe máy đào, máy xúc hoạt động suốt ngày đêm. Rồi đây khi công trình thuỷ lợi, thuỷ điện Bản Mồng đưa vào sử dụng. Với một đập Bê tông trọng lực ngăn dòng sông Hiếu, có cao trình +78,9 mét, dài 340 mét, bề rộng chân đập 11 mét (Đập phụ dẩn dòng dài 164 mét). Tạo thành một hồ nước mênh mông, có diện tích 2586ha, chứa  hàng trăm triệu mét khối nước, tưới cho 26.527ha, ruộng cấy và hoa màu của các huyện: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn…

Đã có trên ngàn năm tuổi trải bao thăng trầm biến dổi, bên lở bên bồi, nhưng sông Hiếu vẫn giữ nguyên dáng hình dòng chảy của thời hoang sơ. Hàng chục ngàn ha keo là bức thảm thực vật, không chỉ che chắn lũ lụt, bão tố, mà màu xanh của đôi bờ sông Hiếu như có sự giao hoà cộng cảm gửi gắm cho nhau những nỗi niềm xao xuyến rộn ràng của cuộc bứt phá mưu sinh.

< Hoàng hôn trên Sông Hiếu.

Khi đôi bờ sông Hiếu  sáng ngời ánh điện, người dân nơi đây sẻ được sống cảnh bồng lai trần thế, sơn thuỷ hữu tình. Được chứng kiến nhiều lễ hội của các dân tộc Thái, Thổ, Kinh, Khơ Mú…của các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn…Bên cạnh những trò chơi truyền thống dân gian mang tính hoài cổ, còn có nhiều trò chơi hiện đại như đua thuyền, lướt ván , bắn pháo hoa trên bờ hồ. Bản Mồng sẻ là khu du lịch sinh thái đủ sức quyến rũ, mời gọi du khách về thăm…    

Du lịch, GO! - Theo Yume, internet
Trong các loại quà bánh của người Tày, Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn… có một loại bánh khá đặc biệt bởi nó được làm để dành riêng cho con trẻ: Đó là bánh coóc mò.

Theo tiếng Tày thì coóc mò coóc mò có nghĩa là sừng bò (coóc: sừng, mò: bò). Gọi thế vì bánh có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò, trâu.

Bánh làm bằng gạo nếp, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân, thật đơn sơ nhưng là một thứ bánh mà trẻ con đứa nào cũng thích. Gạo nếp vo sạch, đãi kỹ, để cho ráo nước. Lá chuối tươi xé từng miếng vuông vắn như chiếc khăn tay, cuốn lại như cái phễu. Dồn gạo vào, vỗ vỗ cho chặt tay, dùng lạt mềm buộc lại… Những đôi tay cứ thoăn thoắt, chẳng mấy chốc đã gói được rổ bánh. Bánh cũng được luộc như bánh chưng nhưng mau chín hơn, chỉ chừng khoảng hai giờ là được.

< Công đoạn gói bánh.

Bánh coóc mò thường được làm vào dịp vụ mùa tháng năm, tháng mười, sau khi gặt xong những trà nếp sớm, vừa như một cách ăn mừng lúa mới vừa như để thưởng công cho trẻ nhỏ đã ngoan ngoãn vâng lời, biết giúp cha mẹ việc nhà, việc đồng.

Đặc biệt, trong những đám ăn mừng đầy tháng, thôi nôi, dù là mùa nào, bao giờ người ta cũng làm bánh coóc mò. Chiếc bánh nhỏ xinh được đặt vào tận tay em bé như lời cầu mong của ông bà, cha mẹ cho bé hay ăn, chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn.

< Các bà, các mẹ cùng làm bánh coóc mò.

Người ta còn làm bánh coóc mò bán trong các chợ phiên. Bánh được xâu thành từng cặp, từng chùm. Các bà các mẹ đi chợ về, trong chiếc tay nải bao giờ cũng có một túm coóc mò mua về cho con, giống như người miền xuôi mua bánh đa, bánh đúc để làm quà vậy.

Bánh bóc ra xanh và rền như bánh chưng, vừa rắn vừa dẻo, có hương thơm của nếp, hương thanh khiết của ruộng đồng. Bánh không có nhân nhưng càng nhai kỹ càng thấy ngon, không ngấy. Người ưa ngọt thì khi ăn chấm với mật hoặc đường.

< Sau khi đã được luộc chín.

Bánh bóc ra xanh và rền như bánh chưng, ăn có vị đậm và thơm bởi được làm từ gạo nếp nương và lạc nhân đỏ. Bánh không có nhân nhưng càng nhai kỹ càng thấy ngon, không ngấy. Người ưa ngọt thì khi ăn chấm với mật hoặc đường, rất hợp với những bữa điểm tâm buổi sáng. Bóc chiếc bánh xanh rền, ăn dẻo, thơm bạn mới thấy hết ý nghĩa của món bánh này.

Tuổi thơ tôi đã bao lần được ăn coóc mò. Sao mà ngon đến thế. Không biết có phải ngon bởi bánh được làm bằng gạo nếp pìpất, một loại nếp thơm ngon đặc biệt của vùng cao hay ngon bởi cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, người thân dành cho mình qua miếng bánh. Vì hồi đó cuộc sống còn nghèo lắm, cơm ăn còn chưa đủ no nói gì tới quà cáp, bánh trái.
Cũng có thể là tất cả, nên dẫu bây giờ được ăn nhiều của ngon vật lạ, tôi vẫn không quên được thứ bánh dân dã ấy.

Du lịch, GO! - Theo tạp chí Quehuong, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống