Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 18 December 2011

Sau 40 phút bay từ Cần Thơ, chúng tôi đáp xuống sân bay Cỏ Ống trên đảo Côn Sơn, huyện Côn Đảo.

< Hòn Bảy Cạnh, Côn Đảo.

Lần đầu tiên đến vùng đất thiêng Côn Đảo, tôi cảm thấy lòng nôn nao khó tả. Cả trời đất, rừng cây, biển, núi như hòa quyện vào nhau tạo thành một bức tranh kỳ vĩ, không khí thật trong lành.

Côn Đảo từng được coi là “địa ngục trần gian”, giờ đây đã trở thành một hòn đảo du lịch đầy ấn tượng, không chỉ là nơi nghỉ dưỡng mà còn là nơi du khách đến với tâm trạng về nguồn với những cảm nhận về đời sống tâm linh.

Với diện tích 76 ki lô mét vuông và gần 6.000 dân, huyện Côn Đảo gồm ba khu vực chính: Cỏ Ống, bến Đầm và thị trấn Côn Sơn. Thị trấn huyện nằm trên thung lũng hình bán nguyệt, một mặt trông ra biển, ba mặt còn lại vây quanh là núi. Hầu hết đường sá, nhà cửa, cơ quan, nhà nghỉ, khách sạn, các khu di tích, bãi tắm… đều khang trang, sạch và hạ tầng đầy đủ tiện nghi. Hai bên đường hầu hết đều có trồng cây bóng mát, phổ biến nhất là phượng vĩ và hoàng hậu. Dọc theo những con đường trung tâm như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ rợp bóng mát những hàng bàng cổ thụ sừng sững, uy nghi. Đại dương vây quanh đảo, núi đồi chiếm đến 88% diện tích mặt đất, tất cả tạo thành một bức tranh thiên nhiên toàn một màu xanh huyền thoại.

Ấn tượng đầu tiên đối với du khách khi đặt chân đến Côn Đảo là cảm giác an bình và không gian tĩnh lặng. Nơi đây, chúng ta có thể thăm viếng nghĩa trang, tham quan các khu di tích lịch sử, chùa miếu, tự khám phá các bãi biển nổi tiếng hoang sơ. Tùy theo ý thích và điều kiện thời gian, chúng ta có thể tham quan sân chim ở Hòn Trứng và Hòn Tre Nhỏ; xem rùa ở hòn Bảy Cạnh hoặc leo lên núi Thánh Giá, nóc nhà của Côn Đảo để ngắm cảnh và chụp hình lưu niệm.

Du khách ra đây, nếu không có điều kiện đi các đảo nhỏ ngoài khơi đều tìm đến bãi Đầm Trâu (gần sân bay Cỏ Ống) và cảng bến Đầm (gần Hòn Bà), nơi có khá đông dân cư làm nghề đánh bắt và mua bán hải sản. Hấp dẫn nhất là tham quan các khu rừng và bãi biển nổi tiếng như bãi Ông Đụng, một bãi tắm đẹp mê hồn thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo.

Trước khi đến bãi Ông Đụng, chúng ta sẽ đi ngang qua cầu Ma Thiên Lãnh dưới chân núi Chúa, nơi có bia tưởng niệm các tù nhân xây cầu đã bỏ mạng vì phải lao dịch khổ sai và ăn uống kham khổ. Cách cầu Ma Thiên Lãnh chừng 500 mét, chúng ta sẽ dựng xe tại lưng chừng đèo Ông Đụng rồi lội bộ băng qua một khu rừng chừng 600 mét là đến khu nhà nghỉ sinh thái Ông Đụng, sát bãi biển.

Bãi Ông Đụng đúng là nơi tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lý tưởng nhờ khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh vật yên tĩnh, ngày đêm sóng vỗ rì rầm. Đặc biệt nơi đây có một hệ sinh thái đa dạng với đầy đủ biển, núi, rừng, hầu hết đều còn hoang sơ với nhiều nét độc đáo riêng. Khách tham quan đến đây sẽ có dịp khám phá nhiều gốc cổ thụ uy nghi và hàng ngàn hàng vạn viên đá cuội có dáng hình kỳ thú nằm phơi mình dọc theo bãi biển. Xa xa lại có những tàn cây gie ra, rễ cây ngoằn ngoèo, cổ quái, ngỡ mình như lạc vào một cấm thành hoang phế tự ngàn xưa.

Đứng từ các mỏm đá chênh vênh phóng tầm mắt ra khơi, tai nghe tiếng sóng rì rào cùng gió biển mơn man, tâm hồn ai nấy cũng đều khoan khoái nhẹ nhàng như bỏ lại sau lưng tất cả những mệt nhọc và phiền muộn lo âu. Cảnh sắc ở đây sẽ trở nên huyền ảo và kỳ thú mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Đặc biệt nơi đây hiện còn lưu truyền câu chuyện huyền thoại về cậu Hai Đụng đã giết vợ là nàng Hai, bị tù đày ra phía sau núi Chúa - Côn Lôn nên mới có tên là bãi Ông Đụng.

Đến với bãi Ông Đụng, ngoài việc chiêm ngưỡng những bức tranh thiên nhiên kỳ thú với nhiều thảm thực vật nguyên sinh, du khách còn nghe tiếng chim rừng thân thiện và được thưởng thức nhiều loại hoa rừng, được ngắm nhìn thỏa thích nhiều loài bướm sặc sỡ và đa dạng.

Đi dọc theo bờ rừng Ông Đụng, chúng ta sẽ tận mắt chứng kiến những chú khỉ đuôi dài và sóc đen, những loài đặc hữu của Côn Đảo đang chuyền thoăn thoắt từ cây nầy sang cây kia. Ngoài ra, chúng ta còn phát hiện thêm một giống cua núi to, màu vàng hấp, chúng thường di chuyển kiếm ăn dưới những lớp lá rừng. Độc đáo nhất là những con cua “xe tăng”, càng thật to và tuyệt đẹp, chúng thường sinh sống tại các khu rừng ngập mặn như bãi Ông Đụng.

Tại bãi Ông Đụng, du khách có thể tham quan các khu rừng ngập mặn, lặn ngắm nhìn các rặng san hô, các thảm cỏ biển. Nếu thích, chúng ta có thể tổ chức một chuyến du lịch dã ngoại, băng rừng qua Sở Rẫy, khám phá và chinh phục những rừng cây bạt ngàn, ngôi nhà trú ẩn của nhiều loài động vật hoang dã.

< Toàn cảnh thị trấn Côn Đảo nhìn từ đỉnh núi cao nhất - 500m.

Sở Rẫy là khu sản xuất nông nghiệp của nhà tù thời Pháp thuộc, cung ứng lương thực cho tù nhân và binh lính Pháp đồn trú trên đảo.

Năm 2002 Sở Rẫy được cải tạo thành vườn bảo tồn sinh thái và là nguồn thực phẩm cho loài khỉ hoang dã. Hiện nơi đây còn khá nhiều gỗ quý, nhiều loại thuốc Nam, nhất là phong lan và các loại dây leo rừng nhiệt đới.

< Bình minh đỏ rực cả góc trời.

Chiến tranh chấm dứt đã lâu, nhưng bao nỗi đau thương vẫn còn đọng lại trên từng tất đất, từng gốc cây, ngọn cỏ mà mỗi lần đến viếng nghĩa trang, các khu tưởng niệm, các trại tù Côn Đảo và những khu rừng hoang vắng như bãi Ông Đụng, chúng ta không tránh được nỗi cảm hoài.

Nhìn tấm bia tưởng nhớ 914 tù nhân tại cầu tàu Côn Sơn trước nhà chúa đảo và bia tưởng niệm 356 tù nhân xây cầu Ma Thiên Lãnh trên đường xuống bãi Ông Đụng càng làm cho chúng ta thêm bùi ngùi. Có những người tù chính trị chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn nằm xuống.

Xem thêm:

< Hồ An Hải.

- Thị trấn Côn Đảo có chiều dài gần 10 cây số; rộng khoảng 2 - 3 cây số, tùy đoạn; hầu hết đường tráng nhựa nên đi lại rất thuận lợi và dễ dàng. Có thể đi bộ hoặc xe ôm. Nếu đi thành đoàn có thể thuê xe du lịch.
- Giá khách sạn khá cao, thấp nhất: 500.000đ/ phòng đơn.
- Giá nhà nghỉ trung bình 300.000đ/phòng (cho 2 người).
- Tiền thuê xe máy: 100.000 - 120.000đ/ ngày và đêm. Khi cần du khách cứ dựng xe bên đường, tha hồ leo núi, tắm biển thoải mái mà không sợ xe bị mất. Tối ngủ, nhiều nhà vẫn để xe ngoài sân.
- Thuê tàu ra các đảo nhỏ: ca nô (4 người) giá 1.700.000đ/ chuyến. Tàu lớn, giá cao hơn.
- Giá cả hàng hóa và các dịch vụ khác khoảng gấp rưỡi đến gấp đôi trong đất liền.

Du lịch, GO! - Theo: Thiên Phúc / TBKTSG Online
Bùng binh (vòng xuyến) là nơi giao hội của tất cả các phương tiện giao thông đường bộ, giữa mọi người dân thành phố với nhau. Có lẽ không có bất cứ nơi nào khác trên hành tinh xanh này, xe máy có thể tìm thấy nhiều như ở Sài Gòn.


Bộ ảnh được tác giả thực hiện trong 1 tháng với kỹ thuật phơi sáng cao và... chịu khó leo trèo. Kết quả là được một bộ ảnh để đời mà các bạn đang xem.

1. Bùng binh quảng trường Quách Thị Trang, đối diện chợ Bến Thành: đây là một trong những góc phố nổi tiếng nhất Sài Gòn vì có chợ Bến Thành, từ lâu đã là biểu tượng không thể thay thế của Sài Gòn.

Vị trí: Quận 1, giao lộ giữa ... 7 đường: Lê Lợi, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phạm Hồng Thái, Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng.

2. Bùng binh đại lộ: nằm ngay "trái tim" của thành phố, tại đây có thể nhìn thấy Nhà hát thành phối & tòa nhà UBND. Khu vực này mỗi ngày có hàng ngàn khách du lịch qua lại.



Vị trí: Quận 1, giao lộ giữa 2 đại lộ Lê Lợi & Nguyễn Huệ - tên 2 vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc VN.

3. Bùng binh 30/4 (tạm gọi) (Q1) : tâm điểm là nhà thờ Đức bà, từ đây có thể nhìn thấy Dinh Thống Nhất, công viên 30/4 & con đường lịch sử cùng tên.



Vị trí: Quận 1, giao lộ giữa 3 đường: Lê Duẩn, Phạm Ngọc Thạch & Công xã Paris.

4. Bùng binh Hàng Xanh: cửa ngõ vào thành phố từ phía Đông. Cách đây gần 20 năm, lộ giới của con đường Điện Biên Phủ chỉ = 1/4 so với hiện tại.



Vị trí: Quận Bình Thạnh, giao lộ giữa 2 đường: Điện Biên Phủ & Xô Viết Nghệ Tĩnh.

5. Bùng binh cầu Điện Biên Phủ: cách bùng binh Hàng Xanh khoảng 1.5km, qua cầu Điện Biên Phủ. Đoạn đường từ đây đến Hàng Xanh tốt đến mức có 1 thời nó là cung đường "tủ" của quái xế, từ 2 bánh đến 4 bánh.



Vị trí: Quận 1, giao lộ giữa 2 đường: Điện Biên Phủ & Nguyễn Bỉnh Khiêm.

6. Bùng binh dân chủ: cách trung tâm thành phố khoảng 2.5km, đây là khu vực bùng binh có diện tích rộng nhất trong số 10 bùng binh của bộ ảnh.



Vị trí: giao điểm giữa Q1 -Q3 - Q10 và 6 đường: Cách mạng tháng 8, Võ Thị Sáu, Lý Chính Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên, 3 tháng 2, Nguyễn Thượng Hiền.

7. Bùng binh Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng): cách "trái tim" thành phố 1km, nằm ở vị trí có thể kẹt xe bất cứ lúc nào, tại đây có thể thấy khách sạn New World, khu vực này có rất nhiều tiệm bán xe máy dọc đường Lý Tự Trọng - còn gọi là khu Gia Long (tên cũ).



Vị trí: Q1, giao lộ giữa 6 đường: Cách mạng tháng 8, Lê Thị Riêng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Lý Tự Trọng.

8. Bùng binh ngã 7: cách "trái tim" thành phố 3km, nhìn như một bông hoa sáng tuyệt đẹp & cũng hàng ngày chứng kiến "giao thông mắc cửi" của Sài Gòn.



Vị trí: Q10, giao lộ giữa 4 đường: Lý Thái Tổ, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự.

9. Bùng binh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh: bùng binh "trẻ" nhất Sài Gòn & khu vực xung quanh cũng đang dẫn hoàn thiện, nhìn như phượng hoàng đang tung cánh bay về phía Tây thành phố - Thủ Thiêm, đang phát triển từng ngày.



Vị trí: Q. Bình Thạnh, giao lộ giữa 2 đường: Nguyễn Hữu Cảnh & Ngô Tất Tố.




10. Bùng binh ngã năm chuồng chó: cách xa trung tâm thành phố nhất trong số 10 bùng binh, đây là đầu mối giao thông về khu vực Tây Sài Gòn, nhìn cảnh đường phố & người ngồi kín vỉa hè có thể thấy được sự đông đúc của dân cư thành phố.



Vị trí: Q. Gò Vấp, giao lộ giữa 5 đường: Nguyễn Kiệm, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghĩ, Nguyễn Oanh, Quang Trung.

Xem Video:


Du lịch, GO! - Theo Dantri, Giaoduc.

Saturday, 17 December 2011

Mỗi khi đêm xuống, bản Cát Cát như chìm trong giấc ngủ êm say, giữa rì rào gió rừng và âm thanh róc rách vọng lên từ những dòng suối.

Và khi ngày mới được đánh thức bởi tiếng gà gáy quen thuộc, thì cả Cát Cát lại sôi động hẳn lên với tiếng xe máy cài số, rồ ga leo dốc lên phía trung tâm thị trấn Sa Pa, tiếng trống trường rộn rã thung lũng nhỏ, tiếng trẻ nhỏ í ới gọi nhau đến lớp...

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai), đi khoảng gần ba cây số, từ phố nhỏ Phan-xi-păng qua con dốc sâu hút, ngoằn ngoèo là đến bản Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ, nơi có 100% người dân tộc Mông đen sinh sống. Cát Cát là bản có từ lâu đời, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, trong thung lũng với ba bề, bốn bên là núi. Từ trên cao nhìn xuống, những mái nhà lợp bằng ván gỗ hay những tấm lợp xi-măng đã ngả mầu thâm xám, nhấp nhô dưới những rặng cây.

Ðường xuống Cát Cát là độc đạo, hết đoạn đường dốc được trải thảm bê-tông thì đến những bậc thang lát đá. Gần 80 hộ dân của bản hầu hết nằm dọc theo con đường này, một số nằm rải rác trên các sườn núi. Ði khoảng mấy trăm mét bậc thang, qua cây cầu Si bắc ngang con suối Tiên Sa là trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rầm chảy: suối Tiên Sa, suối Vàng, suối Bạc.

Khi tôi đến, Nhà văn hóa của bản đang rộn rã tiếng khèn, tiếng hát và điệu múa xòe ô của những chàng trai, cô gái người Mông, giới thiệu với khách du lịch thập phương về nét văn hóa độc đáo của bản mình.

Một phụ nữ đến từ Hà Lan - đất nước hoa tuy-líp, trên tay cầm chiếc váy thổ cẩm mới mua, được may cách điệu trên tấm vải do chính tay người phụ nữ Cát Cát dệt nên, vừa xem văn nghệ, vừa luôn miệng tấm tắc: "Thật hay, thật độc đáo".

Chị Má Thiên Tân, có bố là người Mông, mẹ là người Kinh, chủ một sạp hàng cạnh Nhà văn hóa bản cho biết, khách du lịch nước ngoài đến đây đều thích thú vẻ hoang sơ của cảnh vật, con người Cát Cát, và họ thường mua một vài sản phẩm truyền thống của người Mông ở đây làm kỷ niệm. Với sạp hàng lưu niệm nhỏ, bán cùng một vài sản phẩm nông sản đặc trưng như cơm lam, thịt lợn bản nướng,... chị Má Thiên Tân thu nhập đều đều khoảng trên dưới 200 nghìn đồng mỗi ngày; lại thêm nghề chăn nuôi, trồng cấy, vợ chồng chị tạm đủ lo cho ba con đang học ở thị trấn Sa Pa.

Mùa này, ở Cát Cát, lúa trên ruộng bậc thang đã gặt xong, thảo quả trên rừng cũng qua mùa thu hoạch, hầu hết phụ nữ đều ở nhà cần mẫn bên khung cửi, xe sợi, tước lanh, thêu dệt những sản phẩm truyền thống của người dân tộc Mông, hoặc bày bán những sản phẩm do chính họ làm ra như khăn, mũ, áo váy, đồ trang sức bằng bạc, đồng chạm khắc tinh tế. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhiều nhà đã có xe máy thay ngựa, bản Cát Cát đã trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, nhưng trang phục truyền thống của người Mông vẫn được dân bản gìn giữ.

Với phụ nữ Mông là khăn, váy áo, thắt lưng, xà cạp, quần, và đồ trang sức. Khăn là tấm vải chàm hình chữ nhật quấn quanh đầu, áo mặc trong mầu chàm, xẻ ngực, áo khoác ngoài có thân dài, cổ áo thêu hoa văn theo mô-típ họa tiết cổ. Hai ống tay áo thường thêu những đường vằn ngang đủ các mầu. Thắt lưng được làm bằng vải có tua ở hai đầu, giữa thêu các họa tiết. Quần lửng qua đầu gối, bắp chân quấn xà cạp mầu chàm. Ðàn ông người Mông phần lớn vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, gồm tám miếng vải khâu ghép, mặc áo trong xẻ nách ngắn, áo khoác ngoài dài. Cổ áo thêu hoa văn móc câu kiểu hoa văn đơn; quần chàm mầu đen, ống rộng.

Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống, rồi tiếp xúc, trao đổi, học hỏi,... một số phụ nữ người Mông đã có kiểu kết hợp trang phục nửa truyền thống, nửa hiện đại với áo phông, quần ống rộng, hoặc váy xòe, đầu đội khăn Mông...

Trẻ em Cát Cát sinh ra đã thở hơi thở của núi rừng. Những đứa bé một, hai tuổi, vừa biết đi đã ton tón chạy nhảy trên những bậc cầu thang mấp mô mà không hề bị ngã. Lớn thêm chút nữa, những ngày nắng nóng, chúng cõng nhau ra suối tắm ì ụp, rồi nằm phơi mình trên những tảng đá dưới suối mà bố mẹ chúng chẳng phải lo lắng. Trước đây, hầu hết bà con người Mông ở Cát Cát không biết chữ, không nói được tiếng Kinh, nhưng nay con trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường.

Cô giáo Hoàng Thị Hà, quê ở Hà Nam, sinh ra và lớn lên tại Sa Pa - người đã gắn bó hơn hai chục năm ở đây cho biết: Trường tiểu học San Sả Hồ có ba điểm trường cách nhau khá xa ở Cát Cát, Sín Chải, đồi Pù. Toàn trường có 17 cô giáo phụ trách 17 lớp, mỗi lớp có khoảng 25 đến 28 học sinh. Là giáo viên vùng cao, các chị phải vừa là cô, vừa là mẹ, vừa dạy lại vừa dỗ học sinh để các em vui vẻ đến lớp. Ở Cát Cát, gia đình người Mông hay trồng thảo quả trên rừng, khi bố mẹ đi rừng thì các em phải ở nhà trông em, nên thường xuyên nghỉ học.

Bởi vậy, ngoài việc vận động, làm công tác tư tưởng với các gia đình để họ cho con em đến trường, hằng ngày, các cô giáo phải dậy từ 5 giờ sáng, đến tận nhà các em hay nghỉ học để gọi đến lớp. Ðiểm trường ở đồi Pù, cách bản Cát Cát khoảng 4 đến 5 cây số đường rừng, đi bằng xe máy đến Sín Chải, rồi đi bộ đến trường.

Ngày học hai buổi, các em nhà xa thường mang cặp lồng cơm để ăn trưa tại trường. Cặp lồng chỉ có cơm không, đến trường cô giáo nấu thức ăn, các em ăn cùng.

Ðể động viên học sinh, các cô giáo góp tiền mua bóng cho học sinh nam đá, mua dây cho các em gái nhảy dây, để các em cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. Các cô còn tổ chức quyên góp quần áo ấm, mua bánh kẹo thưởng cho học sinh chăm ngoan vào cuối mỗi tuần. Cô giáo trải lòng: "Vất vả là thế nhưng nhìn trẻ vui là cũng vui, nhất là thấy nhiều em học giỏi, viết chữ rất đẹp, chúng tôi như có thêm động lực, yêu nghề, gắn bó với trường, với lớp".

Góp thêm vào câu chuyện học hành, anh Vàng A San, Chủ tịch Hội Nông dân xã San Sả Hồ, có vẻ... bẽn lẽn khi thổ lộ sự vất vả phải nuôi bốn đứa con đang tuổi lớn, khi anh mới 29 tuổi, còn vợ mới chỉ 25 tuổi:  "Trót đẻ nhiều con, sai rồi. Bây giờ nuôi chúng vất vả.

Làm  cán bộ xã được hơn một năm nay, được học nhiều, hiểu ra nhiều để hướng dẫn dân bản cùng thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ðời sống dân bản Cát Cát hiện đã khá lên nhờ thảo quả và nghề truyền thống, thu nhập trung bình của gia đình mình khoảng 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm, nên cố cho các cháu học hành đầy đủ. Mình phải làm gương, để vận động bà con làm theo". Những năm qua, chính quyền và nhà trường đã có nhiều biện pháp phối hợp trong công tác vận động đưa trẻ trong độ tuổi đến trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình chưa thông, nên tỷ lệ đi học mới đạt hơn 70%.

Anh San kể, có trường hợp đến nhà vận động, gia đình không hợp tác hoặc không cho vào nhà bằng cách cắm cành lá trước cổng (một phong tục người Mông, là dấu hiệu báo chủ nhà không tiếp khách). "Nhưng chúng tôi rất cương quyết, đến ba lần mà gia đình vẫn không cho trẻ đi học sẽ bị phạt tiền hoặc tạm giữ đồ dùng trong nhà, đến khi các cháu đi học sẽ trả lại".

Về chuyện cúng ma của người Mông anh Vàng A San cho biết, người Mông coi cúng ma là một trong những tục không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, cúng ma để trừ tai họa, người ốm cũng cúng, vật ốm cũng cúng... Theo quan niệm cũ, gặp điềm gở như vậy là do đã bị ma bắt mất vía. Ma đã bắt mất vía thì cả người và vật sinh ra đau ốm, dần dà rồi chết. Vì thế, gia chủ bắt buộc phải làm lễ cúng ma. Trước khi làm lễ cúng ma, bà con họ hàng, làng bản góp gạo, rượu, tiền xu... để làm lễ.

Tùy theo khả năng mỗi người sẽ cho gạo, rượu, gà, tiền và chúc phúc cho gia chủ  làm lễ thành công để tai qua nạn khỏi. Cúng ba ngày không khỏi mới đi mời cán bộ y tế, hoặc đưa đến cơ sở y tế xã... Câu chuyện của chúng tôi đang dở thì Má A Sàm, em vợ của Vàng A San đến chơi, trên tay đeo sợi dây đỏ, chứng tỏ Sàm đang dự lễ cúng ma. Sàm là một thanh niên Mông nhanh nhẹn, tân tiến, không mặc quần áo người Mông, thạo tiếng Kinh, biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp, vì Sàm được đi học để làm hướng dẫn viên du lịch cho các "tua" khám phá Phan-xi-păng.

Sàm bảo: "Em chỉ ngồi một lúc thôi vì đang dở làm lễ cúng ma cho đàn lợn con vừa đẻ đã  bị chết".

- Thế cúng ma cho lợn cần những gì? - Tôi tranh thủ tìm hiểu.
- Phải mổ lợn, gà, dê, chim, rắn, ếch... nghĩa là đủ 12 con vật để tế. Cúng từ sáng tới giờ vẫn chưa xong (lúc ấy khoảng 5 giờ chiều).
- Cúng mấy con lợn con mà tốn kém thế thì...?
- Không cúng, "nó" về bắt luôn cả lợn mẹ đi ấy chứ.

Người Mông ở Cát Cát vẫn còn niềm tin về "thế giới siêu nhiên" như vậy, nên rất thành tâm. Tục cúng ma  đã tồn tại nhiều đời nay, ăn sâu bám rễ trong tâm thức của dân bản, có lẽ sẽ còn tồn tại một thời gian nữa, khi tính thiết thực của công tác y tế, của hoạt động bảo vệ môi trường và công tác vệ sinh phòng dịch... mang lại hiệu quả cao sẽ thuyết phục được bà con hướng theo các chuẩn mực của cuộc sống mới.

5 giờ chiều. Tiếng trống tan trường đã vang lên. Ðàn em nhỏ ríu rít kéo nhau về bản, trên tay mỗi bé là chiếc cặp lồng, còn sách vở để lại ở lớp. Quần áo, chân tay, mặt mũi đứa nào cũng lấm lem nhưng nụ cười thì luôn tươi rói, thân thiện khi gặp khách du lịch đi ngang qua. Vừa chia kẹo tôi vừa tranh thủ "đố" các em bài toán nhỏ, và rất nhanh nhận được kết quả chính xác. Ðó là tín hiệu vui cho một tương lai không xa của bản Cát Cát.

Du lịch, GO! - Theo báo Nhân Dân, ảnh internet

Bình yên Cát Cát...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống