Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Saturday, 17 December 2011

Mỗi khi đêm xuống, bản Cát Cát như chìm trong giấc ngủ êm say, giữa rì rào gió rừng và âm thanh róc rách vọng lên từ những dòng suối.

Và khi ngày mới được đánh thức bởi tiếng gà gáy quen thuộc, thì cả Cát Cát lại sôi động hẳn lên với tiếng xe máy cài số, rồ ga leo dốc lên phía trung tâm thị trấn Sa Pa, tiếng trống trường rộn rã thung lũng nhỏ, tiếng trẻ nhỏ í ới gọi nhau đến lớp...

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai), đi khoảng gần ba cây số, từ phố nhỏ Phan-xi-păng qua con dốc sâu hút, ngoằn ngoèo là đến bản Cát Cát thuộc xã San Sả Hồ, nơi có 100% người dân tộc Mông đen sinh sống. Cát Cát là bản có từ lâu đời, nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, trong thung lũng với ba bề, bốn bên là núi. Từ trên cao nhìn xuống, những mái nhà lợp bằng ván gỗ hay những tấm lợp xi-măng đã ngả mầu thâm xám, nhấp nhô dưới những rặng cây.

Ðường xuống Cát Cát là độc đạo, hết đoạn đường dốc được trải thảm bê-tông thì đến những bậc thang lát đá. Gần 80 hộ dân của bản hầu hết nằm dọc theo con đường này, một số nằm rải rác trên các sườn núi. Ði khoảng mấy trăm mét bậc thang, qua cây cầu Si bắc ngang con suối Tiên Sa là trung tâm Cát Cát, nơi hội tụ của ba dòng suối ngày đêm rì rầm chảy: suối Tiên Sa, suối Vàng, suối Bạc.

Khi tôi đến, Nhà văn hóa của bản đang rộn rã tiếng khèn, tiếng hát và điệu múa xòe ô của những chàng trai, cô gái người Mông, giới thiệu với khách du lịch thập phương về nét văn hóa độc đáo của bản mình.

Một phụ nữ đến từ Hà Lan - đất nước hoa tuy-líp, trên tay cầm chiếc váy thổ cẩm mới mua, được may cách điệu trên tấm vải do chính tay người phụ nữ Cát Cát dệt nên, vừa xem văn nghệ, vừa luôn miệng tấm tắc: "Thật hay, thật độc đáo".

Chị Má Thiên Tân, có bố là người Mông, mẹ là người Kinh, chủ một sạp hàng cạnh Nhà văn hóa bản cho biết, khách du lịch nước ngoài đến đây đều thích thú vẻ hoang sơ của cảnh vật, con người Cát Cát, và họ thường mua một vài sản phẩm truyền thống của người Mông ở đây làm kỷ niệm. Với sạp hàng lưu niệm nhỏ, bán cùng một vài sản phẩm nông sản đặc trưng như cơm lam, thịt lợn bản nướng,... chị Má Thiên Tân thu nhập đều đều khoảng trên dưới 200 nghìn đồng mỗi ngày; lại thêm nghề chăn nuôi, trồng cấy, vợ chồng chị tạm đủ lo cho ba con đang học ở thị trấn Sa Pa.

Mùa này, ở Cát Cát, lúa trên ruộng bậc thang đã gặt xong, thảo quả trên rừng cũng qua mùa thu hoạch, hầu hết phụ nữ đều ở nhà cần mẫn bên khung cửi, xe sợi, tước lanh, thêu dệt những sản phẩm truyền thống của người dân tộc Mông, hoặc bày bán những sản phẩm do chính họ làm ra như khăn, mũ, áo váy, đồ trang sức bằng bạc, đồng chạm khắc tinh tế. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, nhiều nhà đã có xe máy thay ngựa, bản Cát Cát đã trở thành điểm du lịch sinh thái thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, nhưng trang phục truyền thống của người Mông vẫn được dân bản gìn giữ.

Với phụ nữ Mông là khăn, váy áo, thắt lưng, xà cạp, quần, và đồ trang sức. Khăn là tấm vải chàm hình chữ nhật quấn quanh đầu, áo mặc trong mầu chàm, xẻ ngực, áo khoác ngoài có thân dài, cổ áo thêu hoa văn theo mô-típ họa tiết cổ. Hai ống tay áo thường thêu những đường vằn ngang đủ các mầu. Thắt lưng được làm bằng vải có tua ở hai đầu, giữa thêu các họa tiết. Quần lửng qua đầu gối, bắp chân quấn xà cạp mầu chàm. Ðàn ông người Mông phần lớn vẫn đội chiếc mũ làm bằng vải lanh, gồm tám miếng vải khâu ghép, mặc áo trong xẻ nách ngắn, áo khoác ngoài dài. Cổ áo thêu hoa văn móc câu kiểu hoa văn đơn; quần chàm mầu đen, ống rộng.

Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống, rồi tiếp xúc, trao đổi, học hỏi,... một số phụ nữ người Mông đã có kiểu kết hợp trang phục nửa truyền thống, nửa hiện đại với áo phông, quần ống rộng, hoặc váy xòe, đầu đội khăn Mông...

Trẻ em Cát Cát sinh ra đã thở hơi thở của núi rừng. Những đứa bé một, hai tuổi, vừa biết đi đã ton tón chạy nhảy trên những bậc cầu thang mấp mô mà không hề bị ngã. Lớn thêm chút nữa, những ngày nắng nóng, chúng cõng nhau ra suối tắm ì ụp, rồi nằm phơi mình trên những tảng đá dưới suối mà bố mẹ chúng chẳng phải lo lắng. Trước đây, hầu hết bà con người Mông ở Cát Cát không biết chữ, không nói được tiếng Kinh, nhưng nay con trẻ đến tuổi đi học đều được đến trường.

Cô giáo Hoàng Thị Hà, quê ở Hà Nam, sinh ra và lớn lên tại Sa Pa - người đã gắn bó hơn hai chục năm ở đây cho biết: Trường tiểu học San Sả Hồ có ba điểm trường cách nhau khá xa ở Cát Cát, Sín Chải, đồi Pù. Toàn trường có 17 cô giáo phụ trách 17 lớp, mỗi lớp có khoảng 25 đến 28 học sinh. Là giáo viên vùng cao, các chị phải vừa là cô, vừa là mẹ, vừa dạy lại vừa dỗ học sinh để các em vui vẻ đến lớp. Ở Cát Cát, gia đình người Mông hay trồng thảo quả trên rừng, khi bố mẹ đi rừng thì các em phải ở nhà trông em, nên thường xuyên nghỉ học.

Bởi vậy, ngoài việc vận động, làm công tác tư tưởng với các gia đình để họ cho con em đến trường, hằng ngày, các cô giáo phải dậy từ 5 giờ sáng, đến tận nhà các em hay nghỉ học để gọi đến lớp. Ðiểm trường ở đồi Pù, cách bản Cát Cát khoảng 4 đến 5 cây số đường rừng, đi bằng xe máy đến Sín Chải, rồi đi bộ đến trường.

Ngày học hai buổi, các em nhà xa thường mang cặp lồng cơm để ăn trưa tại trường. Cặp lồng chỉ có cơm không, đến trường cô giáo nấu thức ăn, các em ăn cùng.

Ðể động viên học sinh, các cô giáo góp tiền mua bóng cho học sinh nam đá, mua dây cho các em gái nhảy dây, để các em cảm thấy mỗi ngày đến lớp là một ngày vui. Các cô còn tổ chức quyên góp quần áo ấm, mua bánh kẹo thưởng cho học sinh chăm ngoan vào cuối mỗi tuần. Cô giáo trải lòng: "Vất vả là thế nhưng nhìn trẻ vui là cũng vui, nhất là thấy nhiều em học giỏi, viết chữ rất đẹp, chúng tôi như có thêm động lực, yêu nghề, gắn bó với trường, với lớp".

Góp thêm vào câu chuyện học hành, anh Vàng A San, Chủ tịch Hội Nông dân xã San Sả Hồ, có vẻ... bẽn lẽn khi thổ lộ sự vất vả phải nuôi bốn đứa con đang tuổi lớn, khi anh mới 29 tuổi, còn vợ mới chỉ 25 tuổi:  "Trót đẻ nhiều con, sai rồi. Bây giờ nuôi chúng vất vả.

Làm  cán bộ xã được hơn một năm nay, được học nhiều, hiểu ra nhiều để hướng dẫn dân bản cùng thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ðời sống dân bản Cát Cát hiện đã khá lên nhờ thảo quả và nghề truyền thống, thu nhập trung bình của gia đình mình khoảng 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng/năm, nên cố cho các cháu học hành đầy đủ. Mình phải làm gương, để vận động bà con làm theo". Những năm qua, chính quyền và nhà trường đã có nhiều biện pháp phối hợp trong công tác vận động đưa trẻ trong độ tuổi đến trường, tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình chưa thông, nên tỷ lệ đi học mới đạt hơn 70%.

Anh San kể, có trường hợp đến nhà vận động, gia đình không hợp tác hoặc không cho vào nhà bằng cách cắm cành lá trước cổng (một phong tục người Mông, là dấu hiệu báo chủ nhà không tiếp khách). "Nhưng chúng tôi rất cương quyết, đến ba lần mà gia đình vẫn không cho trẻ đi học sẽ bị phạt tiền hoặc tạm giữ đồ dùng trong nhà, đến khi các cháu đi học sẽ trả lại".

Về chuyện cúng ma của người Mông anh Vàng A San cho biết, người Mông coi cúng ma là một trong những tục không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, cúng ma để trừ tai họa, người ốm cũng cúng, vật ốm cũng cúng... Theo quan niệm cũ, gặp điềm gở như vậy là do đã bị ma bắt mất vía. Ma đã bắt mất vía thì cả người và vật sinh ra đau ốm, dần dà rồi chết. Vì thế, gia chủ bắt buộc phải làm lễ cúng ma. Trước khi làm lễ cúng ma, bà con họ hàng, làng bản góp gạo, rượu, tiền xu... để làm lễ.

Tùy theo khả năng mỗi người sẽ cho gạo, rượu, gà, tiền và chúc phúc cho gia chủ  làm lễ thành công để tai qua nạn khỏi. Cúng ba ngày không khỏi mới đi mời cán bộ y tế, hoặc đưa đến cơ sở y tế xã... Câu chuyện của chúng tôi đang dở thì Má A Sàm, em vợ của Vàng A San đến chơi, trên tay đeo sợi dây đỏ, chứng tỏ Sàm đang dự lễ cúng ma. Sàm là một thanh niên Mông nhanh nhẹn, tân tiến, không mặc quần áo người Mông, thạo tiếng Kinh, biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp, vì Sàm được đi học để làm hướng dẫn viên du lịch cho các "tua" khám phá Phan-xi-păng.

Sàm bảo: "Em chỉ ngồi một lúc thôi vì đang dở làm lễ cúng ma cho đàn lợn con vừa đẻ đã  bị chết".

- Thế cúng ma cho lợn cần những gì? - Tôi tranh thủ tìm hiểu.
- Phải mổ lợn, gà, dê, chim, rắn, ếch... nghĩa là đủ 12 con vật để tế. Cúng từ sáng tới giờ vẫn chưa xong (lúc ấy khoảng 5 giờ chiều).
- Cúng mấy con lợn con mà tốn kém thế thì...?
- Không cúng, "nó" về bắt luôn cả lợn mẹ đi ấy chứ.

Người Mông ở Cát Cát vẫn còn niềm tin về "thế giới siêu nhiên" như vậy, nên rất thành tâm. Tục cúng ma  đã tồn tại nhiều đời nay, ăn sâu bám rễ trong tâm thức của dân bản, có lẽ sẽ còn tồn tại một thời gian nữa, khi tính thiết thực của công tác y tế, của hoạt động bảo vệ môi trường và công tác vệ sinh phòng dịch... mang lại hiệu quả cao sẽ thuyết phục được bà con hướng theo các chuẩn mực của cuộc sống mới.

5 giờ chiều. Tiếng trống tan trường đã vang lên. Ðàn em nhỏ ríu rít kéo nhau về bản, trên tay mỗi bé là chiếc cặp lồng, còn sách vở để lại ở lớp. Quần áo, chân tay, mặt mũi đứa nào cũng lấm lem nhưng nụ cười thì luôn tươi rói, thân thiện khi gặp khách du lịch đi ngang qua. Vừa chia kẹo tôi vừa tranh thủ "đố" các em bài toán nhỏ, và rất nhanh nhận được kết quả chính xác. Ðó là tín hiệu vui cho một tương lai không xa của bản Cát Cát.

Du lịch, GO! - Theo báo Nhân Dân, ảnh internet

Bình yên Cát Cát...

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống