Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 24 April 2013

Ước mong mãi, cuối cùng tôi cũng được lên Mộc Châu (Sơn La) ngắm hoa vào những ngày cuối tuần cùng nhóm bạn mới. Chiếc xe giường nằm khởi hành từ bến Mỹ Đình, Hà Nội vào lúc 19g30 đưa chúng tôi đến huyện lỵ Mộc Châu lúc 02 giờ sáng, thị trấn đang ngủ say, đường phố thanh vắng và bình yên.

< Mê mẩn giữa vườn hoa cải trắng.

Đã đặt phòng trước ở nhà sàn thuộc một khu du lịch sinh thái, chúng tôi đến nhận phòng. Thời tiết lạnh đủ để mọi người cảm nhận không khí sương đêm của vùng cao nhưng không bị sốc nhiệt. Cả bọn vừa đi, vừa đánh thức và cả trêu chọc nữa, làm những chú chó của nhà dân kêu ầm ĩ. Tôi thích con đường hun hút trong sương mờ nhẹ ngay lần đầu tiên đặt chân xuống.

< Những cánh hoa mận trắng muốt còn sót lại.

Chị chủ nhà dẫn chúng tôi lên căn nhà sàn nơi chúng tôi sẽ ở trong hai đêm, hai ngày. Nhà sàn rộng, đẹp và vì là mùa đông nên thay vì nằm xuống sàn cho mát, những tấm nệm ấm áp được trải xuống. Chúng tôi cùng ăn mì tôm nóng với rau trong căn chòi dưới nhà sàn trước khi đi ngủ. Gió thổi mạnh hơn một chút. Mọi người vừa ăn vừa thích thú được run run với gió, với sương.

Mơ hoa trong Pa Phách

Khoảng tám giờ sáng hôm sau chúng tôi xuất phát. Nhóm gồm 9 người (6 nữ và 3 nam) nên thuê 5 chiếc xe máy, mỗi chiếc giá 150.000 đồng/ngày, xăng chúng tôi tự đổ. Ngày đầu tiên chúng tôi đi thăm các bản Pa Phách 1 2 và 3.

< Những vườn mận ra lá mới, xanh mướt trên đường vào bản Pa Phách 1.

Đường vào Pa Phách nhỏ, khá ngoằn ngoèo. Mặt đường lởm chởm đá, có những đoạn lên xuống dốc cao, một bên là vách núi, một bên giống như vực, khá nguy hiểm. Với những đoạn như thế, trong tôi hòa lẫn hai cảm giác: vừa run, sợ hãi nhưng lại vô cùng thích thú. Chinh phục một thử thách khó khăn, đồng thời khám phá và chế ngự được sự yếu đuối của bản thân mình là một cảm giác thật đặc biệt.

Năm nay thời tiết nóng nên hoa mận dường như đã nở gần hết. Ban đầu chúng tôi hơi thất vọng vì đi khá xa rồi mà chưa thấy hoa mận đâu. Nhưng rồi, như bù đắp lại, càng đi vào trong, chúng tôi càng được chiêm ngưỡng một màu xanh non tơ, ngút ngàn của những cây mận đang đâm chồi nảy lộc. Tôi nhớ như in cảm giác vừa hồi hộp, lo lắng, run sợ, vừa thích thú của mình khi lên được mấy cái dốc cao và nhìn xuống dưới.

Ôi chao, cơ man nào là lá non của biết bao nhiêu cây mận trổ ra giữa thung lũng núi sâu. Nó tựa như một tấm thảm xanh, trải dài đến tận cuối chân trời vậy. Thấp thoáng trong tấm thảm xanh ấy là những ngôi nhà của đồng bào dân tộc. Hoang sơ, cổ xưa, thăm thẳm, hùng vĩ, lãng mạn là những gì tôi nghĩ khi đứng đó. Tôi thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên rộng lớn.


< Bên một giếng nước công cộng ven đường.

Những bản chúng tôi qua, những phụ nữ trên vai đeo gùi di chuyển nhẹ nhàng; những gương mặt bé thơ má ửng hồng, chân tay lem luốc, giặt quần áo bên cạnh giếng nhỏ; những chú lợn nuôi thả rong trong bản nữa… tất cả hiện ra thật sống động, thật ấn tượng.

Chúng tôi cứ tiếp tục đi, lên dốc, xuống dốc rồi dừng lại chụp ảnh giữa những tán cây mận tạo thành vòm như trong cung điện; giữa những ruộng cải trắng lung linh, nơi những cây đào nở hoa thắm... cho tới khoảng một giờ chiều thì chọn chỗ dừng lại ăn trưa dưới những tán mận xanh mát. Có lẽ, đấy là bữa ăn rộn ràng, thú vị nhất của tôi từ trước đến nay. Vừa ăn, tôi vừa nghĩ đến những bức vẽ người thổ dân ăn uống trong rừng mà tôi nhìn thấy trong sách giáo khoa hay trong truyện. Tất nhiên, đồ ăn thì khác nhau rồi.

Ăn uống, trò chuyện và cả bày trò chơi nữa đến khoảng ba rưỡi chiều thì chúng tôi quay ngược trở ra. Lúc đầu, chúng tôi định đi cả ba bản Pa Phách 1, 2 và 3, nhưng đến Pa Phách 2 thì mọi người nhất trí không đi Pa Phách 3 nữa vì cảnh quan cũng giống hai bản đã đến. Chúng tôi sẽ dành thời gian để đi địa điểm khác. Cả đi cả về khoảng hơn 10 km.


< Ngoài những đồi chè xanh ngắt chập chùng, có những vùng cỏ xanh và hoa tím xen lẫn ở Mộc Châu.

Chúng tôi tiếp tục chọn đi đồi chè Mộc Châu và khi đến nơi, chúng tôi đã bị hớp hồn giữa một thảo nguyên rộng lớn trùng điệp, nhấp nhô, có những đồi chè xanh um, có những bãi cỏ thả chăn bò, dê rộng bạt ngàn. Giữa không gian xanh um ấy, cả sáu cô gái trong nhóm gần như đồng thanh hét lên khi thấy một ruộng cải trắng muốt. Hoa cải mỏng manh, long lanh, rung rinh trong nắng, trong gió làm say lòng các thiếu nữ và là nguồn cảm hứng cho các bạn nam bấm máy ảnh liên tục. Những bức ảnh lên thật nổi, vì chúng tôi, trước khi đi, đã tính trước nên chọn trang phục, khăn đều màu đỏ rực rỡ.

Trời chiều trôi thật nhanh. Thời tiết thay đổi cũng nhanh. Sương xuống vội vã. Chúng tôi cũng vội vàng trở về. Ghé ngang khách sạn Công Đoàn định ăn sữa chua dê mà hết nên đành tiếc hùi hụi đi ra.


< Mấy nếp nhà sàn trên đường vào bản Pa Phách 2.

Tối đó, chúng tôi thưởng thức món bê chao. Nghe bảo, ai lên Mộc Châu mà chưa ăn món này thì không gọi là đã đến Mộc Châu. Bê được nuôi dưỡng trong môi trường lý tưởng nên có hương vị vô cùng độc đáo. Thịt bê được người đầu bếp xắt thành từng miếng con chì, đem ướp sả, gừng, gia vị trong khoảng 5 - 10 phút rồi chao nhanh qua dầu sôi.

Công đoạn này chính là khâu quan trọng quyết định hương vị món ăn. Nếu chao quá lửa thịt sẽ bị dai và mất đi vị mềm, ngọt của thịt. Bê chao ăn nóng cùng nước tương được pha chế đặc biệt theo công thức riêng của mỗi đầu bếp. Nước tương sánh đặc, ngả màu vàng đất được bỏ thêm gừng, sả băm nhỏ cho dậy mùi, trọn vị. Khi ăn vừa có chút mặn mòi, lại vừa ngọt ngọt, bùi bùi. Ngon không thể tả!

Bữa ăn còn có rau cải mèo ngọt lịm, xanh mơn mởn. Có măng đắng, gà đồi rất ngon. Món măng đắng ai không quen sẽ thấy hơi khó ăn nhưng đã ăn rồi, thể nào cũng bị nghiện và không thể quên được vị nhẫn nhẫn, đăng đắng, tê tê và vị ngọt nơi đầu lưỡi, thấm vào cổ họng. Bữa ăn còn có món đậu phụ xốt cà chua. Sau mấy bữa ăn cơm tại đây, tôi quên mất không hỏi, tại sao ở quán nào cũng nấu món đậu phụ xốt cà chua này.

Dịu dàng thác Dải Yếm và ngẩn ngơ trên đường về

Cũng như ngày đầu, tám giờ sáng hôm sau chúng tôi dậy. 12 giờ trưa xe sẽ đón chúng tôi trở về Hà Nội. Hôm nay mọi người quyết định đi địa điểm gần là thác Dải Yếm và đồi Thông.

< Thác Dải Yếm nhỏ, không ầm ào hung dữ...

Đường vào thác Dải Yếm rất tốt, dễ đi. Truyền thuyết dân gian kể rằng, dòng thác này là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng lũ. Lúc chúng tôi vào trời nắng. Nắng chiếu vào thác nước, lấp lóa, rất đẹp. Ở đâu đó thấp thoáng chúng tôi được ngắm những bông hoa ban, loài hoa tượng trưng cho núi rừng Tây Bắc.

Khu đồi thông già rì rào, quang cảnh nên thơ trên những đồi bát úp thấp, giữa là hồ nước trong veo làm tôi nhớ nhớ Đà Lạt, nhớ hồ Tuyền Lâm.

Sau bữa ăn trưa tạm biệt, chúng tôi thu dọn hành lý ra quán nước ven đường đợi xe đến đón về lại Hà Nội. Trong thời gian chờ đợi, cô bé trong nhóm vào khách sạn Hương Sen gần đó mua cho mỗi người một cốc sữa chua dê tự làm. Đây là đặc sản “không ăn thì phí” của Mộc Châu. Sữa chua dê ngọt vừa phải, béo vừa phải, mát lạnh, bùi bùi, thơm thơm. Ăn một lần lại muốn ăn lại lần nữa, lần nữa...

Vì sợ trễ chuyến bay vào Sài Gòn lúc 21 giờ nên cô bé trong nhóm vẫy xe từ Mộc Châu cho tôi về Hà Nội trước. Lúc đầu rất buồn vì mình phải về trước các bạn cùng đi. Nhưng nỗi buồn ấy nhanh chóng qua đi khi ở chuyến về, vì đi vào ban ngày nên tôi đã được ngắm những cây mận, cây đào rực rỡ hoa còn sót lại... mê mẩn vô cùng. Đặc biệt cung đường đẹp quá đẹp từ Mộc Châu đi qua Hòa Bình về lại Hà Nội.


< ... dòng nước tuôn đổ mềm mại, dịu dàng, thơ mộng.

Đường uốn lượn, núi chập chùng rừng xanh, lau bạt ngàn, phất phơ, sáng lên trong ánh nắng chiều. Có lẽ, đi đâu thì đi, tôi vẫn không thể quên hình ảnh núi non trùng điệp, núi lẫn vào núi, núi che núi, nắng xuyên qua núi, nắng luồn qua núi như ở cung đường này. Mặc dù rất tiếc, tôi chỉ có thể diễn tả bằng lời mà không thể xuống chụp ảnh. Nhưng tôi biết, bao nhiêu lời cũng không tả nổi vẻ đẹp đến ngẩn ngơ của đoạn đường này.

Hẹn gặp lại Mộc Châu vào một mùa hoa rực rỡ hơn, cho một chuyến phượt bằng xe máy từ Hà Nội lên Mộc Châu để tận hưởng trọn vẹn hơn nữa cái cảm giác được đắm mình vào mây trời, núi non. Cảm nhận trọn vẹn, hưởng trọn vẹn hơn cái nắng, cái gió, cái mù sương,… và có thể khám phá những bản mới, địa điểm mới mà lần này tôi chưa kịp đặt chân tới.

Bạn đồng hành cũng là yếu tố vô cùng quan trọng khi bạn quyết định khám phá một tuyến đường mới. Cảm ơn những người bạn đồng hành tuyệt vời đã cùng tôi khám phá Mộc Châu mùa hoa xuân Tây Bắc.
Mộc Châu, đến rồi về nhưng lòng mãi vấn vương!

Hướng dẫn thêm

Đường đi: Mộc Châu cách Hà Nội 190km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi xe máy thẳng đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, dọc theo Quốc lộ số 6 là tới. Đường đi thẳng, không khó đi. Nhưng lưu ý thời tiết, nên đi vào ngày nắng ráo. Nếu đi vào ngày có sương mù hoặc mưa nhỏ, bạn phải đi cẩn thận. Đi không dừng nghỉ sẽ mất khoảng 5, 6 tiếng. Sẽ lâu hơn nếu bạn vừa đi vừa dừng lại chụp ảnh, nghỉ ngơi.


< Hoa cải trắng ven đường, xa xa là đồi núi chập chùng.

Bạn cũng có thể di chuyển bằng ô tô tại bến xe khách Mỹ Đình hoặc nhà khách Sơn La nằm đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân. Giá vé xe khách khoảng 130.000 đến 190.000 đồng.

Chỗ nghỉ ngơi: Bạn có thể nghỉ tại khách sạn Hương Sen, khách sạn Công Đoàn hoặc khu nhà sàn mà chúng tôi đã ở. Giá một phòng nhà sàn ở đây là 1.000.000 đồng/đêm, có thể nghỉ chung khoảng 10 người. Liên hệ: chị Hương (0912.351.186).

Ăn uống: Hai quán ăn ngon nổi tiếng là quán 64 và quán 70 nằm trên đường quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Mộc Châu, cách ngã ba thị trấn khoảng 5 đến 7 km. Giá cả ở hai quán này tương đương nhau. Bạn cũng có thể ăn tại các quán nhỏ hoặc đặt ngay tại khu nhà sàn cho tiện. Giá trung bình vào khoảng 70.000đ - 100.000đ/ người.

Du lịch, GO! - Theo Phượng Hồng - Nhật Linh (Thời Báo Kinh Tế Sàigòn)
Mùa khô. Nắng cháy da. Trên mảnh đất biên thùy Tri Tôn (An Giang), ánh nắng càng thêm gay gắt. Ruộng úa màu, cây ven đường xơ xác. Chúng tôi băng mình trong nắng gió bán sơn địa, trên con đường bóng ngời như muốn chảy nhựa...

< Lối đi lên Cửu Thiên miếu ở Tri Tôn, An Giang.

Dọc theo dãy núi Dài, tên chữ Ngọa Long Sơn, bất ngờ phát hiện trên ngọn đồi đá của dãy núi nầy, có một ngôi miếu nhỏ, mái lợp ngói xinh xắn. Chiếc cổng ghi: Cửu Thiên miếu, chữ màu vàng trên nền tấm bảng đỏ. Hai hàng cột cổng là hai câu đối cũng màu vàng nền đỏ. Đường dẫn lên miếu là bậc thang uốn lượn như rồng múa. Hai bên đường là hai hàng lan can sơn xanh. Con đường nầy vừa mới làm xong ngày mồng 9 tháng Tư năm Nhâm Thìn (2012).

Đã bao lần ngang qua đây, nhưng mãi đến lần nầy chúng tôi mới nhìn thấy ngôi miếu nầy, có lẽ “nhờ” trời nắng cháy da, cây cối, nhất là các bụi cây tầm vông cháy vàng, xơ xác lá, và ngôi miếu hiện ra như một lời “mời” lữ khách dừng chân trú nắng!

< Đường lên miếu được làm thành 90 bậc cấp trên dốc nghiêng của khối đá không lồ.

Đường lên đồi đá không cao lắm, không dốc lắm, nhưng giữa trưa trời nắng gắt cũng khiến bước chân chúng tôi nặng nhọc, mệt... bả hơi! Để lên miếu, chúng tôi bước lên đúng 90 bậc cấp tráng xi măng chắc chắn. Miếu nhỏ xây gạch, mái ngói, tiền điện là thảo bạt vải nhựa trên sườn tầm vông tạm bợ. Trước thảo bạt là bàn thờ Ông Thiên, với nhiều chậu bông giấy nở hoa đỏ ối.

Ông Lê Văn Tám, 47 tuổi, người kế tục ông thủ lễ đã mất trên 10 năm nay, cho biết thuở xưa Đức bổn sư và Phật Trùm lập miếu bằng tre lá thờ Bà Cửu Thiên. Đức Bổn sư là “Ngô Lợi còn có tên là Hữu, sanh năm Canh Dần (1829) tại Dội (gần biên thùy thuộc Châu Đốc). Cuộc đời cụ là một tấm gương đạo đức, trong sạch, sống khí tiết. Thuở nhỏ sinh hoạt thế nào không biết, lớn lên đi tu. Lấy bốn chữ Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật Thầy làm tổ. Giữ đạo tứ ân, trọng hiếu nghĩa. Tín đồ đông mà toàn thể đều được dạy tôn thờ Phật đạo, dạy cư sĩ tại gia.

Bởi trong tứ ân có ân Tổ quốc cho nên cụ ghét Tây, mến những kẻ trung lương ái quốc. Cụ có liên lạc với cụ Quản Thành (Quản cơ Trần Văn Thành), một đại đệ tử của Phật Thầy và là một lãnh tụ kháng Pháp. Vì vậy mà nhà cầm quyền thực dân rất dò xét hành tung của cụ và cũng do đó mà tông tích của cụ rất bí mật. Người Pháp có mấy lần tìm bắt, nhưng bắt không được. Cụ viên tịch hồi năm Canh Dần (1890) trong lúc không đau ốm gì. Truyền rằng xác cụ "được một mãnh hổ cõng vào giấu trong một hang núi và xác ấy khô lại, không hôi thối” (Nguyễn Văn Hầu, “Nửa tháng trong miền Thất Sơn”).


< Cửu Thiên miếu.

Cô Hồ Thị Thanh, 34 tuổi, đang lễ bái trong miếu. Nghe chúng tôi hỏi thăm, cô liền nói khá rành về Phật Trùm. Theo cô, Phật Trùm tên thật Tà Pênh (không biết năm sanh) là người Việt gốc Khmer. Ông ở ấp Sà Lôn, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn. Năm 1866, sau thời gian bịnh nặng, hôn mê, khi tỉnh lại ông tự nhận mình là hậu thân Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, là “hồn Trùm” của Phật, nên được tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hòa Hảo gọi tôn là Phật Trùm... Năm 1998, Cửu Thiên miếu tre lá sắp sập, được xây gạch như hiện tại.

Ông Tám cho biết, theo truyền thuyết, Cửu Thiên miếu thờ Cửu Thiên Huyền nữ. Cửu Thiên Huyền nữ, nghĩa đen là người phụ nữ huyền diệu nơi tầng trời thứ 9. Hoặc theo cách nói khác, Cửu Thiên nương nương, nghĩa đen là đấng Thiên Hậu ở tầng trời thứ 9. Cả hai đều là danh hiệu của Đức Phật mẫu.

Theo “Việt Nam văn học toàn thư” của Hoàng Trọng Miên, (quyển 1, Saigon 1959), Cửu Thiên Huyền nữ  sống thời thượng cổ, đời vua Hiên Viên Huỳnh đế bên Tàu. Sau đời vua Thần Nông, mỗi bộ lạc hùng cứ một phương. Bộ lạc của Xuy Vưu hùng mạnh, muốn thôn tính các bộ lạc khác. Nhưng vì y độc ác nên bị các bộ lạc khác liên kết, tôn thủ lãnh Hữu Hùng Thị làm thủ lãnh chống lại.

< Núi Dài.

Sương mù dầy đặc, quân Hữu Hùng Thị bị quân Xuy Vưu vây chặt, đánh bại, phải tháo chạy. Trong lúc nguy cấp, Cửu Thiên Huyền nữ hiện ra, dạy binh pháp, dạy chế xe hai bánh, có bộ phận chỉ rõ hướng nam, định phương hướng tiến quân. Nhờ vậy quân Hữu Hùng Thị chiến thắng quân Xuy Vưu. Các bộ lạc tôn Hữu Hùng Thị lên ngôi minh chủ, lấy hiệu Huỳnh Đế. Cửu Thiên Huyền nữ còn hiện ra giúp Huỳnh Đế nhiều việc quan trọng khác. Đặc biệt, Cửu Thiên Huyền nữ là người truyền khoa Lục nhâm độn giáp và phép bói 64 quẻ dịch để đoán kiết hung...

Cửu Thiên Huyền nữ là nhân vật có nhiều tên gọi, như Diêu Trì Thánh mẫu, Kim Bàn Phật mẫu, Tây Vương mẫu, Mẹ sanh... Riêng giới huyền thuật cho rằng Cửu Thiên Huyền nữ được xem là 1 trong 3 vị thánh tổ, gồm Thái Thượng Lão quân, Nguyên Thủy Thiên tôn và Cửu Thiên Huyền nữ. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam, Cửu Thiên Huyền nữ là một nhân vật rất được tôn kính.

Cửu Thiên miếu (ấp An Thành, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) là một ngôi miếu có vài điều huyền bí. Ông Tám đưa chúng tôi qua lối đi lồi lõm phía trước miếu, xuyên qua những tán cây, những bụi tầm vông héo úa lá, giữa những tảng đá lớn nhỏ nằm rải rác. Xuống một con dốc nhỏ, trước mặt chúng tôi một bãi đá. Nói chính xác thì đó là một tảng đá như hình quả trứng dẹp to rộng hiện ra trước mắt. Ông Tám chỉ bàn chân tiên, nhỏ cỡ em bé 8 tuổi; bánh xe ngựa, nhỏ cỡ cái mâm. Bàn chân tiên và bánh xe ngựa trước đây rất rõ, nay đang mờ dần, ông Tám thố lộ.

< Hai giếng tiên nhỏ và cạn nước.

Riêng giếng tiên có đến 9 cái, cái nào cũng nhỏ, cạn, là những cái lỗ hình tròn, hình bầu dục khuyết một vài nơi, rải rác trên tảng đá to lớn nầy. Mùa nắng khô khốc, có một vài giếng còn đọng ít nước, các giếng khác khô rang. Từ tảng đá nầy nhìn phía trước là nghĩa địa, bên kia là ngọn Ngọa Long sơn cao lớn, uy nghi với màu lá cây rừng ủ dột. Cảnh nơi đây, vào mùa mưa, cây cối xanh tươi, chắc hẳn càng thêm xinh đẹp...

Bà Nguyễn Thị Hồng, 63 tuổi, bán quán dưới chân đồi, bên kia đường, cho biết Cửu Thiên miễu rất linh thiêng. Bà “tiết lộ” rằng, bàn chân tiên trên miếu là bàn chân trái còn bàn chân trên vồ Cấm (núi Dài - Ngọa Long Sơn) là bàn chân phải của một vị tiên. Khoảng 10 năm trước, con nít dưới nầy không đứa nào dám đùa giỡn khi chơi ngang đây. Nếu có đứa nào lỡ nói lớn tiếng, nhất định bị Thánh mẫu quở, bịnh, phải cúng kiến mới bình an.

Bà Hồng nói, bây giờ Thánh mẫu hiền rồi. Tuy nhiên, lâu lâu, khoảng 9-10 giờ đêm, Bà vẫn “về” bằng những chùm sao sáng lòe bự như tấm đệm, từ trời cao sa xuống, như pháo bông. Trước kia, Bà “về” thường lắm. Chính vì sự linh thiêng của Thánh mẫu, vị nữ thần có khả năng “ban bố phước lộc, ban bố con trai” nên khách thập phương gần xa thường đến cúng vái, cầu ước...

Ngày vía Bà (rằm tháng 9 âm lịch) hàng năm, khách thập phường về chiêm bái đến hàng trăm người; lễ vật cúng chay với chè, xôi, trái cây... do mọi người đem tới, không khí long trọng, trang nghiêm.

Du lịch, GO! - Theo TBKTSG Online

Tuesday, 23 April 2013

Được biết đến là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt…với những nền văn hóa đa dạng. Vì thế mà những món ăn của An Giang đều mang đậm bản sắc riêng.

Gỏi sầu đâu

Cây sầu đâu còn gọi là cây xoan ăn gỏi, một loài cây mọc hoang, nhiều nhất ở Châu Đốc và vùng Bảy Núi - An Giang. Lá sầu đâu nhỏ, dài và mỏng. Lúc còn non, đọt có màu tim tím.
Lá sầu đâu được chế biến thành nhiều món ăn, phổ biến nhất là sầu đâu chấm cá kho, thịt kho hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng, từng được coi là món ngon hiếm có trên đời.

Chính vị mặn nồng của mắm hòa hợp với vị đăng đắng, hậu ngọt của lá sầu đâu sẽ làm cho vị giác lâng lâng khó tả, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu. Nhưng thực đơn nổi tiếng nhất ở An Giang xưa nay vẫn là món gỏi sầu đâu. Từ gỏi tôm, gỏi thịt, gỏi cá cho đến gỏi khô, thứ nào cũng tuyệt hảo.

Trước hết phải chọn cho được những đọt non kèm với bông. Khô cá lóc sau khi nướng chín, xé ra từng miếng nhỏ rồi trộn chung với đọt sầu đâu. Bí quyết của món gỏi này là phải trộn với nước me chua (dùng me chín ngâm trong nước ấm cho tan), thêm chút đường, ớt cho thấm độ 10 phút. Nước chấm cũng là thứ nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn, không mặn, nhằm làm tăng thêm hương vị đậm đà.

Ai thích cầu kỳ và sang trọng hơn có thể trộn với tôm sú và thịt ba rọi xắt mỏng, kèm thêm dưa leo hoặc xoài chua bằm nhỏ sẽ hết chỗ chê. Món này mà có thêm chai rượu nếp nhất định buổi tiệc sẽ hào hứng không thua gì khi đang dùng cao lương mỹ vị.

Vị đắng dìu dịu của sầu đâu và vị mặn, ngọt, dai dai của cá quyện với nhau càng làm cho khẩu vị thăng hoa nhờ mùi đặc trưng, lạ miệng, hoàn toàn không giống với bất cứ loại gỏi nào.

Sầu đâu không những là đặc sản của An Giang mà còn là món ăn vị thuốc. Nhiều tài liệu về y dược cho biết trong vỏ, lá, quả và gỗ của cây sầu đâu đều có chất khổ vị tố (chất đắng) có tác dụng chữa giun rất tốt.

Mắm ruột

An Giang nổi tiếng về mắm và mắm ruột là món ăn làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt để chừng ba tháng. Mắm ngấu chao với đường thốt nốt lên vị rất ngon.

Ruột cá làm mắm phải chọn từ cá to, mập và phải có thêm chùm trứng to vàng. Sau khi moi mổ bụng cá lấy bộ ruột phải thật khéo tay lột bớt lớp mỡ bao quanh, sau cho thứ chất béo này đủ làm tươm bóng miếng mắm mà không gây mùi.

Đây cũng là khâu quyết định đến chất lượng mẻ mắm. Chỉ cần bớt tý mỡ, ruột mắm thiếu độ mướt, nét căng da thẳng thịt. Nhiều mỡ quá, miếng mắm sẽ bị lên dầu, chất lượng kém ngay. Sau đó dùng dao mũi nhọn tách bỏ bớt ruột già, đoạn "chần" bao tử, ruột non cho thật sạch rồi mang ra rửa thật kỹ bằng nước sông, ngâm vào dung dịch muối được pha chế theo công thức gia truyền.

Vài hôm sau khi ruột cá đã "ăn" muối, vớt ra rổ lại đợi ráo đoạn trộn với thính (gạo lứt rang vàng, xay mịn) đổ vào hũ gài vỉ tre thật khít chặt. Sau đó đổ nước mắm ngon loại thượng hảo hạng vào vừa xâm xấp ướt. Chờ khoảng một tháng, thắng đường thốt nốt "chao" mắm, ba tháng sau đã có hũ mắm ruột ngon tuyệt rồi.

Mắm sống ra ăn kèm với rau thơm, ớt "sừng trâu". Người cầu kỳ ham thích đậm đà hương vị thì cho mắm chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu, vài lát gừng xắt mỏng. Người ta thích ăn nóng hôi hổi, thoang thoảng hơi cay của sả ớt thì chọn mắm kho ăn kèm mớ rau đồng xanh mơn mởn.

Xôi phồng chợ Mới

Chợ Mới được phù sa bồi đắp quanh năm nên cây nếp bản địa chất lượng cao, hạt tròn, đẹp. Nếp kết hợp với đậu trồng trên đất rẫy cho ra món xôi dẻo thơm. Đậu và nếp được hấp chín như nấu xôi truyền thống. Sau đó, phụ nữ đất cù lao dùng chày quết nhuyễn hỗn hợp nếp và đậu này lại với nhau.
Càng quết xôi càng dẻo dai, được cho thêm dầu ăn vào để “chống” dính và tạo độ bóng. Xôi ở Chợ Mới sau khi quết được cho vào khay hoặc quấn lại thành cuốn tròn để tiện bảo quản trong tủ lạnh. Khi dùng, khách chỉ cần cắt từng khoanh vừa ăn, chiên với dầu nóng. Xôi chiên có màu vàng ươm, thơm, ăn rất ngon.

Ăn xôi chiên phồng Chợ Mới có thể chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không vẫn “bắt”. Khách đến Chợ Mới, cù lao Giêng có thể thưởng thức xôi chiên với gà quay. Gà được nuôi thả vườn nên thịt dai và ngọt, được quay thủ công nên giữ được vị thơm của gà và mùi vị đặc trưng.

Món gà quay ăn với xôi phồng mới nghe đã ngán - nhưng khi thưởng thức tại Chợ Mới này thì có vị khác lạ, làm khách cứ ăn mãi, quên thôi. Nhiều du khách đến đây chỉ yêu cầu luộc gà hoặc quay gà rồi ăn với xôi chiên phồng thay cho bữa ăn chính.

Chợ Mới có nhiều cơ sở làm xôi để phục vụ trước hết cho người dân địa phương. Trong mâm quả đi cưới ở đây hiện vẫn phải có mâm xôi truyền thống. Xôi phồng Kim Hương của bà Hồng Thu ở thị trấn Chợ Mới được nhiều người biết đến không chỉ chế biến ngon miệng mà còn biết cách xây dựng thương hiệu...

Tung lò mò

"Tung lò mò" chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Là đồng bào theo đạo Hồi, đồng bào người Chăm không ăn thịt lợn mà chỉ ăn thịt bò. Món “tung lò mò” theo ngôn ngữ của người dân nơi đây chính là để chỉ món lạp xưởng làm từ thịt bò.

Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.

Thịt bò vụn sau khi loại bỏ hết gân và mỡ giắt được xắt miếng, được băm hoặc xay nhỏ sau khi khử mùi bò bằng rượu và gừng. Thịt và mỡ bò phải theo tỷ lệ hai thịt một mỡ và mỡ bò dùng làm lạp xưởng là loại mỡ sa, mỡ chày vừa mỏng, vừa không nặng mùi như mỡ thăn. Sau đó họ trộn đều hỗn hợp thịt với hạt tiêu, tỏi, bột ngọt, đường cùng một vài loại gia vị bí truyền.

Thế nhưng nguyên liệu nhất thiết phải có trong món ăn này đó là cơm nguội. Đây chính là bí quyết để “tung lò mò” trở thành món ngon độc đáo hơn lạp xưởng bò bình thường nhờ cơm nguội lên men có vị chua lạ miệng.

Muốn cho món lạp xưởng bò này thơm, ngon và có mùi hấp dẫn ngoài những gia vị trên phải có thêm gia vị đại hồi và tiểu hồi.

Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.

“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.

Món ăn này để ăn cơm hay nhâm nhi đều hấp dẫn. Không riêng gì người Chăm mà người Việt, người Hoa cũng khoái món này. Để phù hợp với khẩu vị của người Kinh, “tung lò mò” được cải biến bằng cách bỏ phần cơm nguội, không còn mùi chua gốc, nhưng có mùi thơm lạ rất được ưa chuộng.

Bánh phồng Phú Mỹ

Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm...

Theo các bậc cao niên tại làng nghề, nguyên liệu làm bánh phồng là loại nếp đặc sản được trồng tại địa phương. Các công đoạn làm bánh rất công phu. Người làm bánh chọn loại nếp rặt, ngon. Nếp được ngâm đúng ba ngày ba đêm, đãi cho sạch nước đục, đem xôi lên rồi bỏ vào cối quết.

Sau khi nếp được quết nhuyễn, đem ra cán thành bánh, phơi nắng rồi đem vào nhúng nước đường và phơi lại lần nữa cho khô mới đóng gói. Các phụ gia như đậu, mè, sữa... được đưa lần lượt vào bánh theo từng công đoạn.

Trước đây, người làm bánh quết bột bằng chày tay, nay đã có máy kéo chày thay thế nên người làm bánh đỡ nhọc công và sản phẩm được cải thiện rõ nét cả về chất lượng lẫn số lượng.

Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái dĩa nhưng nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng... tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.

Thời gian qua, bánh phồng Phú Mỹ được người tiêu dùng ưa chuộng nên làng nghề phát triển mạnh và sản xuất quanh năm, nhộn nhịp nhất là tháng giáp Tết.

Những kỳ hội chợ hay triển lãm tại An Giang, Cần Thơ hoặc TP Hồ Chí Minh, bánh phồng Phú Mỹ đều có mặt trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của An Giang. Làng bánh phồng Phú Mỹ đã được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống vào cuối năm 2006. Nếu có dịp đến An Giang, bánh phồng Phú Mỹ là một món quà rất có ý nghĩa để bạn mang về làm quà cho người thân.

Gà hấp lá trúc

Đây là món ngon trên núi Cấm (Châu Đốc, An Giang). Trúc là loại cây có múi, mọc ở núi Cấm, hương vị độc đáo. Gà để hấp phải là gà thả vườn có trọng lượng 0,8-1kg, để nguyên con ướp sơ với muối, gia vị… rồi mang đi hấp cách thuỷ khoảng 20 phút.

Thịt gà vừa chín tới dùng dao bén chặt thành miếng to cỡ 2 ngón tay, lá trúc xắt nhuyễn rải lên. Món ăn này mang đến cho thực khách cảm nhận được vị ngọt mềm của thịt, vị béo dai của da gà tơ hoà quyện với hương vị nồng the của lá trúc, ngọt chát của bắp chuối, cay cay của muối ớt…

Du lịch, GO! - Theo Hiền Anh (Vietnamnet), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống