Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Tuesday, 15 May 2012

Đã có quá nhiều huyền thoại về Voi Mẹp - Tá Linh sơn, ngọn núi “vua” của những ngọn núi ở miền tây Quảng Trị. Với độ cao trên 1.700 mét, đường lên đỉnh quá khó khăn, hiểm trở, xung quanh ngọn núi này có nhiều điều bí ẩn.

< Dưới chân đỉnh Voi Mẹp.

Các già làng ở Hướng Linh, Hướng Sơn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về Tá Linh sơn và động Voi Mẹp. Nào là trên đó có cọp đen, voi trắng, có vườn thiêng với nhiều loại hoa thơm quả lạ, lưng chừng núi có hang sâu bí ẩn chứa đựng nhiều cổ vật cùng những huyền tích đậm chất truyền kỳ.
Dù bị mê hoặc bởi những câu chuyện “rừng thiêng” nhưng nếu mải nghe về những điều huyền bí này e chẳng ai dám băng ngàn lên Voi Mẹp? Vì thế chúng tôi quyết định chọn con đường đi riêng của mình lên núi, để tận mắt nhìn thấy những gì không phải ai cũng biết về Voi Mẹp…

Chúng tôi không chọn hướng lên núi từ xã Hướng Hiệp (Đakrông), hoặc Hướng Linh đầy huyền thoại mà quyết định xuất phát từ bản Pin, xã Hướng Sơn, vì theo anh Phạm Trung Hiếu, Hiệu phó Trường Phổ thông cơ sở Hướng Sơn (Hướng Hóa) – thành viên đoàn, đường từ Hướng Sơn lên Voi Mẹp có gần hơn, tuy gian nan vất vả hơn nhiều và nhất thiết phải có người bản địa dẫn đường nếu không rất dễ bị lạc.

Vì đều là lần đầu tiên lên Voi Mẹp nên tất cả chúng tôi nhất nhất tuân thủ sự chỉ dẫn của hai thanh niên người địa phương là Hồ Văn Ma và Hồ Văn Hưng. Tuy còn khá trẻ nhưng Hồ Văn Ma đã có nhiều lần lên Voi Mẹp, anh cho biết vừa mới vừa dẫn đường cho các cán bộ kiểm lâm thực hiện dự án BCI lên núi đặt máy ảnh nghiên cứu về loài bò tót mấy tháng trước.

Lần này tình nguyện dẫn đoàn chúng tôi lên núi, anh phăm phăm đi trước, con rựa sắc trên tay hoạt động liên tục để dọn dẹp những bụi cây chắn lối, vừa làm dấu để người sau theo lối mà đi.

Đường lên Voi Mẹp theo Hồ Văn Ma là chỉ đi theo trí nhớ, bất chợt tôi nhớ đến lời một bài hát dân ca Trung Hoa “Lối đi ngay dưới chân mình” có đoạn: “Đường đi nào có đâu xa, nó ở ngay dưới bàn chân mà ta không đếm bước…”. Đúng là lên Voi Mẹp có nhiều đường, nhưng không có đường mòn, mỗi người đi một hướng, miễn sao đến đích là được, thầy Hồ Vinh ở Trường phổ thông cơ sở Hướng Sơn lần đầu tiên lên núi nói vậy.

Chúng tôi cứ theo chân người dẫn đường nhắm núi cao mà tiến, lúc nào mệt thì chọn cây nào chắc chắn tựa lưng vào mà nghỉ, khỏe lại đi tiếp. Nói là leo núi nhưng thực ra là đu cây để lên núi mới đúng, vì dốc núi dựng đứng không thể leo lên một cách bình thường.


< Dê nuôi ở Hướng Hiệp.

Thật tình trước khi đi chúng tôi đều đã xác định được nỗi khó khăn vất vả của cuộc hành trình nhưng khi thực sự vào cuộc mới thấy thực tế vẫn ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ nếu không có ý chí, không khao khát trải nghiệm chắc nhiều người trong chúng tôi phải bỏ cuộc.

Dù mang vác khá nặng nhưng Hồ Văn Ma vẫn thoăn thoắt dẫn đầu, chốc chốc anh lại phải dừng chân để kiểm tra đội hình vì với vận tốc leo dốc theo kiểu “rùa bò” này không biết bao giờ chúng tôi mới lên tới đỉnh, đó là chưa nói có thể còn bị lạc vì mỗi bước đi bị che khuất bởi trập trùng cây rừng và mây núi.

Càng đi lên, dốc núi càng dựng đứng, mồ hôi nhễ nhại, bao nhiêu nước, thuốc tăng lực chúng tôi đều dốc vào người để vượt qua chặng đường khổ ải này. Hồ Văn Hưng nói rằng, muốn lên được Voi Mẹp phải vượt qua ngọn Coóc Sút, đây chỉ mới là ngọn núi nằm ở rìa ngoài, chặng đường phía trước còn nhiều gian khó.

Vật vã sau gần bốn giờ đồng hồ vừa đi vừa nghỉ chúng tôi cũng đã đến được khe Khlút, lưng chừng núi, điểm dừng chân bắt buộc của tất cả những ai lần đầu tiên lên Voi Mẹp, vì đây là điểm duy nhất trong suốt cuộc hành trình có suối có thể lấy nước để thổi cơm. Lúc ấy là gần 16 giờ, vừa đặt ba lô xuống, cũng là lúc cơn mưa rừng ập đến. Bầu trời đang xanh trong bỗng chốc tối sầm lại, nước từ trên trời, từ thượng nguồn chảy về ào ạt.

Theo kinh nghiệm của những người đi rừng, chúng tôi đưa đồ đạc lên một phiến đá cao để đề phòng nước lũ. Tất cả mọi người đều ướt sũng, nhưng ai cũng mừng bởi nếu trời mưa sớm hơn, đường rừng trơn nhẫy, không biết có thể bò qua được đỉnh núi phía sau lưng để lên được chốn này.

Dù đã quá mệt mỏi lại lạnh tê tái, nhưng cả đoàn vội vàng dựng lán trại để trú chân, dưỡng sức chuẩn bị cho hành trình ngày mai. Người dựng lán, kẻ nhóm lửa nấu cơm, mỗi người một tay nhịp nhàng, ai cũng muốn góp sức mình vào công việc chung để cuộc hành trình thêm suôn sẻ.

Lật bản đồ ra xem, chúng tôi biết mình đang ở bình độ 1.200 mét. Với độ cao này không khí khá loãng, một người bạn đồng hành có nhiều kinh nghiệm đi rừng nói với tôi rằng, ở điều kiện này áp suất không khí thấp nên nấu nước khá lâu sôi, có khi một nồi nước như thế thời gian nấu ở đây dài gấp đôi khi đun ở đồng bằng. Đúng như thế thật, nồi cơm của chúng tôi dù phải để lửa rất to mà vẫn khó chín, dù đã cố gắng hết sức nhưng đầu bếp của nhóm vẫn đành phải gạt lại phần cơm sống phía trên nồi để dành tối nấu cháo, vì theo Hồ Văn Ma, cơn mưa chiều là cơ hội để tối nay anh trổ tài bắt ếch đá nấu cháo chiêu đãi mọi người.

Đêm xuống khá nhanh, chúng tôi nhóm lửa để chống lại cái rét như cắt da cắt thịt. Do thiếu kinh nghiệm đi rừng lại ngại mang vác nặng nhọc nên mỗi người chỉ mang theo một chiếc áo phong phanh, gặp lúc trời mưa, khí lạnh tỏa ra từ khe đá làm cho ai nấy đều run bần bật, bếp lửa hồng rực đỏ vẫn không thể nào xua đi cái rét của đêm rừng. Không thể móc võng bên khe suối để ngủ, chúng tôi chặt lá cây, lót áo mưa, trải võng lên đá, cả mấy con người co quắp vào nhau để chống lại cái rét, thế mà vẫn không thể nào ngủ được.

Đang nằm thao thức với bao câu chuyện trên trời dưới đất thì thấp thoáng có ánh đèn từ bờ suối đi lên, những người đi bắt ếch đã trở về. Chúng tôi nhổm cả dậy để chuẩn bị cho món cháo ếch đá đặc sản hiếm có của núi rừng. Hồ Văn Ma nói rằng, đêm nay có quá nhiều ếch, anh chỉ chọn bắt những con to mà chỉ trong chốc lát cũng có một túi đầy. Món ếch nướng, món cháo đã làm chúng tôi ấm lòng và tăng thêm sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh Voi Mẹp vào sáng mai.

Có lẽ trong đời hiếm khi chúng tôi có được cái cảm giác yên tĩnh đến kỳ lạ như đêm ngủ bên bờ khe Khlút, không gian như bị cô đặc lại trong màn sương đục và ánh trăng đêm hạ tuần mờ ảo. Dù mệt mỏi sau một chặng đường dài vượt dốc và không ngủ được vì rét nhưng ai cũng háo hức mong trời mau sáng để được tận hưởng cái cảm xúc chinh phục Voi Mẹp.

< Loại lan quý hiếm Paphiopedilum appletonianum có tên trong sách đỏ tại đỉnh Voi Mẹp (cao 1.700 m), xã Hướng Sơn.

Người bạn dẫn đường không nói nhiều về hành trình sắp tới, anh chỉ nhắc nếu ai chưa quen đi đường rừng thì nên “chuẩn bị thêm một chân” (gậy) nữa để đi tiếp, vì chặng đường còn lại không dài nhưng toàn lội suối, đi hết năm ngọn thác, vượt qua ba nhánh suối lên tới đầu nguồn là đến Voi Mẹp. Thời gian đi khoảng gần 4 giờ, ai lượng sức mình không đi nổi thì có thể ngồi lại, chờ anh em quay lại cùng về.

Nghe thế chúng tôi đều tròn xoe mắt, nghĩ về chặng đường gian nan phía trước, nhưng đã lên đến đây rồi mà thoái lui thì không còn mặt mũi nào, biết là vất vả nhưng hầu như không ai thối chí, tất cả đều quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng phải lên được đỉnh Voi Mẹp. Nhân đây cũng xin nói rằng, hành trình chinh phục Voi Mẹp, ngọn núi cao nhất tỉnh Quảng Trị đến với chúng tôi khá ngẫu hứng và xuất phát từ những câu chuyện thần bí về ngọn núi này.

< Dấu chân bò tót ở đỉnh Voi Mẹp.

Thực ra Voi Mẹp hấp dẫn người khám phá không phải bằng sự hiểm trở, hành trình xa xôi mà bằng những câu chuyện li kỳ được thêu dệt qua lời kể của những người giàu óc tưởng tượng. Bây giờ những người từng gặp voi trắng, cọp đen đã trở thành người thiên cổ nên thật khó xác tín bao nhiêu phần trăm là sự thật, nhưng những câu chuyện linh thiêng về ao vua, voi trắng, cọp đen, rừng thiêng vẫn tồn tại cùng Voi Mẹp.

Tuy nhiên vẫn không ít người hoài nghi về câu chuyện rừng thiêng, hay những bí ẩn mờ ảo về Voi Mẹp, một người bạn đồng hành nói với tôi rằng, nếu thật sự có rừng thiêng thì làm sao bọn lâm tặc vẫn ngang nhiên vào rừng đốn gỗ, vẫn nhởn nhơ sục sạo khắp nơi để đặt bẫy kẹp, bẫy vòng săn bắt động vật hoang dã. Trên hành trình lên núi, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp dấu chân lâm tặc, nhiều gốc cây to cỡ vài người ôm chỉ còn trơ gốc, rồi có kẻ còn dựng lán trại kiên cố giữa rừng già để săn bắt động vật hoang dã.

Dọc đường đi chính tay chúng tôi đã tháo được ba cái bẫy vòng vẫn còn khá mới. Chỉ trên đường đi đã thế, thử hỏi khắp núi rừng còn biết cơ man nào chông bẫy? Thầy giáo Phạm Trung Hiếu luôn nhắc mọi người nên đi theo đoàn vì đường rừng muôn nẻo, nếu lạc lối chẳng may dẫm phải bẫy o ho của bọn lâm tặc là có thể bỏ mạng. Đây là loại bẫy rất nguy hiểm, nếu dẫm phải mũi tên bằng nứa nhọn sắc từ xa có thể đâm thẳng vào ngực, biết bao thú rừng đã chết dưới bàn tay tàn ác của con những con người bất nhân ấy. Nghe mà rợn tóc gáy nhưng giấc mơ khám phá đỉnh núi “vua” đã thôi thúc chúng tôi vượt qua chặng đường hiểm nguy phía trước.

Đúng 7 giờ sáng, sau khi ăn uống xong và chuẩn bị cơm trưa, chúng tôi dập lửa, dọn vệ sinh lán trại và tiếp tục ngược suối lên núi. Những bước chân dò dẫm trên những phiến đá trơn nhẫy làm mọi người phờ phạc khi càng nhìn lên núi càng thấy cao vời vợi. Do độ dốc lớn, nhiệt độ thấp nên rừng ở Voi Mẹp chủ yếu là loại cây lá kim hoặc cây có phiến lá nhỏ. Trên đường đi chúng tôi gặp nhiều cây thông núi, cây trắc bá diệp to lớn vươn lên dưới tán rừng rập rạp.

Sự sống ở nơi này quả là khắc nghiệt, phải không ngừng cạnh tranh và phải có sức chống chịu với thời tiết hết sức đỏng đảnh, đang nắng bất chợt mưa, đó là chưa nói nhiệt độ biến động rất đột ngột. Phong lan ở Voi Mẹp cũng khá nhiều, trên thân cây hoặc trên những phiến đá phong lan mọc chi chít, tôi được biết mới đây các nhà tự nhiên học cũng vừa khám phá ra loại lan hài đài cuộn rất quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, nghe nói loại lan này chỉ mọc ở những nơi có độ cao trên 1.000 mét.

Thật may ở những nơi xa xôi cách trở này đường đi lối lại khó khăn nên nhiều chùm phong lan vẫn bình yên đu bám trên cành cây, mõm đá không bị bàn tay tàn bạo của con người vơ vét về bán thành mớ, thành túm như bán rau ở hè phố Đông Hà. Mãi ngắm những chùm phong lan kheo sắc trong không gian thanh bình hiếm có, chúng tôi không biết mình đã đến đầu nguồn con suối từ lúc nào.

Bước ra khỏi cánh rừng rậm rạp, một không gian bao la thoáng đãng rộng mở ngay trước mắt, xa xa đỉnh Voi Mẹp đã dần hiện ra với dáng vẻ sừng sững và có sức cuốn hút lạ kỳ.

Ngay dưới đỉnh núi là một bình nguyên mênh mông um tùm lau sậy, cỏ tranh và một loại cây giống như tre trúc nhưng thấp lè tè. Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào của loài bò tót cực kỳ quý hiếm nghe nói hiện chỉ duy nhất còn tồn tại ở Voi Mẹp. Không thấy bóng dáng bò tót đâu nhưng chúng tôi gặp chi chít dấu chân và chất thải mà chúng để lại trên bãi cỏ.

Đặc biệt dấu vết những trận chiến sinh tử của những chú bò đực vẫn còn hằn nguyên trên lớp đất đen thẫm đã bị cày xới, hình như mới vài đêm trước chúng đã tỉ thí với nhau để tranh giành tình yêu và lãnh thổ, do đó ý kiến cho rằng tại đây có ít nhất hai con bò đực là rất có cơ sở, còn đàn bò tót ấy đông đến chừng nào thì có lẽ chỉ những nhà chuyên môn mới có thể khẳng định được.

Voi Mẹp đã ở ngay trước mặt. Người xưa gọi đỉnh núi này là Voi Mẹp quả không sai, từ đằng xa nhìn lại, đỉnh núi nhô lên như hình một con voi quỳ hai chân trước xuống, đầu và vòi nhô lên quay về hướng đông. Voi Mẹp là ngọn núi linh thiêng của đồng bào miền tây và là ngọn hải đăng của bà con vùng biển, nghe nói ngày xưa người đi biển thường nhắm đỉnh Voi Mẹp để định hướng cho những cuộc hải hành khi chưa có những ngọn hải đăng chỉ lối.

Còn Hồ Văn Ma thì nói với tôi rằng, những ngày trời quang mây đứng ở đỉnh núi này có thể nhìn thấy biển, thấy những lớp sóng lô nhô xõa trắng bãi bờ. Chưa một lần về biển nhưng anh đã nhiều lần ngắm biển ở Tá Linh sơn, nghe mà xúc động đến nao lòng. Và hôm nay, sau một chặng đường dài vất vả, chúng tôi đã đặt chân lên Voi Mẹp, đỉnh núi mơ ước của bao người. Thắp nén hương thơm giữa đất trời lồng lộng, chúng tôi lặng người nhìn làn khói bay xa hòa vào gió núi mây ngàn và cao xanh thăm thẳm…


< Trên đỉnh Voi Mẹp.

Lang thang trên đỉnh núi, giữa không gian bao la và diệu vợi, dưới chân là những tầng mây xốp mịn, bồng bềnh trôi dạt về tận cuối trời xa, bất chợt tôi bắt gặp một khóm chè xanh trồi lên trên những phiến đá, ngắt một đọt chè non nhấm nháp, tôi cảm nhận được hương vị chát ngọt lan tỏa nơi đầu lưỡi và cơn khát cũng vội vàng tan biến, không biết có phải đây là cây chè mà đoàn tùy tùng vua Hàm Nghi trên đường bôn tẩu còn để lại giữa núi non này như lời người dẫn đường giải thích và gọi là “chè vua”, nhưng tự nhiên trong lòng vẫn rộn lên bao cảm xúc, nghĩ ngợi miên man bao chìm nổi của kiếp người…

Trước khi trở về, chúng tôi còn được Hồ Văn Ma dẫn đi thăm “nghĩa địa” máy bay Mỹ ngay ở lưng chừng núi. Do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên những tay săn tìm cũng chỉ mang về được những loại phế liệu và linh kiện có giá trị, hiện nay vẫn còn nhiều đống sắt gỉ rét của những chiếc may bay nằm ngổn ngang giữa um tùm cỏ dại và đá núi.
Trước khi rời Voi Mẹp, mỗi người chúng tôi đều cố tìm một mẩu linh kiện nhỏ mang về để làm chứng ghi dấu một lần đến Voi Mẹp…

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Trị, internet

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống