Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Friday, 8 February 2013

Miếu Rồng thuộc thôn Cao Duệ, xã Nhật Tân, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Tương truyền thôn Cao Duệ trước đây có thế đất giống như một con rồng, nên nhân dân gọi địa danh này là làng Rồng.

Đầu thế kỷ XVIII, Cao Duệ là một xã thuộc huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Thế kỷ XIX xã Cao Duệ thuộc tổng Thị Đức, huyện Gia Lộc trấn Hải Dương đổi thành tỉnh Hải Dương, tên miếu Rồng được gọi theo tên nôm của làng.
Miếu Rồng toạ lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng rộng, mặt tiền của miếu quay về hướng Đông - Nam, phía Tây giáp chùa làng và khu dân cư, phía Bắc có ao, phía Nam là khu dân cư, di tích có cảnh quan đẹp, trong tương lai và có hướng phát triển tốt.

Nhật Tân là mảnh đất được hình thành khá sớm trong lịch sử, địa danh của xã trước đây gồm 2 xã Cao Duệ và Thị Đức thuộc tổng Thị Đức, sau năm 1945 các xã đổi thành thôn. Năm 1946 hai thôn Cao Duệ và Thị Đức sáp nhập thành một xã lấy tên là Nhật Tân có nghĩa là “ngày mới” tên xã Nhật Tân có từ đó đến nay.

Căn cứ vào thần tích, bia ký và truyền thuyết còn lưu giữ tại địa phương thì miếu Rồng được khởi dựng từ thời Hậu Lê (thế kỷ XVII) trùng tu vào thời Nguyễn. Bên cạnh miếu Rồng có chùa Liên Hoa và văn chỉ. Năm 1952 các công trình này đều bị quân Pháp phá hoại. Vào năm 2000, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền của, công sức khôi phục lại miếu Rồng. Công trình gồm 5 gian tiền tế và 2 gian hậu cung, kết cấu chính của công trình bao gồm hệ thống cột, các con thuận, xà nách, đầu dư, bẩy bằng bê tông cốt thép, hoành dui bằng gỗ; mái lợp ngói mũi, tường xây gạch chỉ. Công trình vừa được chống xuống cấp năm 2005 nên còn khá chắc chắn.

Cùng với miếu Rồng và chùa Liên Hoa, năm 2005, nhân dân địa phương đã đầu tư hơn một tỷ đồng khôi phục lại đình Rồng tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hoá khang trang bề thế.

Căn cứ vào thần tích, bia ký và truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân địa phương thì miếu Rồng thờ Đào Ngọc Sâm, người đã có công giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và giúp Lê Hoàn đánh giặc Tống vào thế kỷ X, thân thế sự nghiệp của ông có thể tóm tắt như sau:

Vào thời nhà Đinh ở huyện Nga Sơn, phủ Hà Trung, Ái Châu có vị trưởng tộc họ Đào tên là Ngọc Hoàn, tổ tiên vốn là người phương Bắc. Vào năm Long Hưng niên hiệu Thái Bình, chạy sang An Nam cư trú ở động Tung Sơn để tránh sự dâm loạn của vua Dương Đế nhà Tuỳ. Họ tộc 5 đời đều tinh thông nghề y và phong thuỷ. Ngọc Hoàn lấy vợ tên là Trần Thị Hiên sinh hạ con gái đặt tên là Trinh Nương. Trinh Nương lên 10 tuổi thì mẹ qua đời. Đào công thương xót, đợi hết tang vợ sẽ gả con gái cho người trong động, giao phó tài sản cho con rể rồi đi chu du thiên hạ. ông đến trang Cao Duệ xứ Hải Dương, thấy con sông lớn chia thành 9 nhánh nhỏ, uốn lượn như con rồng 9 khúc, phong cảnh hợp với người, bèn vào quán ngoài đồng nghỉ ngơi. Dân trong bản trang thấy lạ bèn ra xem và mời về làng khoản đãi.

Bấy giờ trong trang có ông Đỗ Thành, ngoài 40 tuổi có 1 người con gái tên là Sung Nương, Đỗ Thành thấy Ngọc Hoàn là người đức độ bèn mời về nhà và gả con gái cho. Trong trang có chùa Liên Hoa là nơi danh lam thắng cảnh, nhà sư trụ trì tại chùa vừa viên tịch chưa có người thay thế. Mọi người trong trang ngỏ lời mời Đào công đến ở và trông nom chùa, lúc đầu Đào công không ưng thuận, sau khi lấy Sung Nương hai vợ chồng đồng ý ra ở tại chùa. Một hôm có đôi vợ chồng họ Lý ở trong trang sắm sửa lễ vật đến chùa cầu tự nhờ Đào công làm sớ tấu lên mong được ứng nghiệm, đêm đó Lý công ngủ tại chùa. Một thời gian sau vợ chồng họ Lý sinh được một người con gái đặt tên là Giáp nương.

Năm Giáp Thân vào giờ Ngọ, ngày mồng 8 tháng Giêng vợ chồng họ Đào sinh được một người con trai tướng mạo khác thường. Năm lên 9 tuổi cậu bé đã hiểu âm luật, giỏi thơ văn. Đào công lúc đầu đặt tên con là Ngọc Việt, sau lại đổi thành Ngọc Sâm, khi Ngọc Sâm 15 tuổi cả mẹ cha đều đột ngột qua đời. Sâm công cử hành tang lễ thành kính, chu đáo, quan phủ huyện trong vùng biết tin đều đến phúng viếng. Đến khi của cải trong nhà cạn kiệt, có người cậu thương cảnh nghèo khó bèn đón về nuôi và cho theo học Lý tiên sinh. Lý tiên sinh thấy Sâm công học lực hơn người, thần đồng xuất thế nên rất yêu quý !

Năm Sâm công 18 tuổi, ông cậu bèn hỏi cưới con gái họ Lý tên là Giáp Nương cho Ngọc Sâm. Sau khi cưới vợ cho Ngọc Sâm, người cậu qua đời, tang lễ chu đáo cho cậu xong Sâm công tự nghĩ “nay thiên hạ phân tranh 12 sứ quân cát cứ từng vùng, chính là lúc anh hùng phải ra sức chống trời, vực đất, nếu chỉ khư khư cái học cử thì thực là không biết thời, biết thế” Bèn thưa với Lý tiên sinh chí hướng của mình rồi chiêu mộ dân binh được hơn 2000 người luyện tập binh pháp, cùng đồng cam cộng khổ. Lúc bấy giờ Đinh Bộ Lĩnh dấy binh ở Hoa Lư, quân sĩ có tới vài vạn anh tài, kẻ sĩ trong thiên hạ hết thảy đều quy phục, tuy thế vẫn chưa tìm được người văn võ toàn tài. Nguyễn Bặc nói với Đinh Tiên Hoàng “nghe nói ở vùng Hải Dương có người tên là Đào Ngọc Sâm tài năng xuất chúng, có mưu kế hiểm lạ, kẻ sĩ trong nước không ai sánh nổi”. Đinh Tiên Hoàng sai Nguyễn Bặc đi đón Sâm công về yết kiến Tiên Hoàng. Vua Đinh thấy Ngọc Sâm tướng mạo khôi ngô thì mừng rỡ bèn phong cho Sâm công làm Tham tán mưu sự thống lĩnh thuỷ bộ chu doanh đại tướng quân. Liền sau đó Sâm công lệnh cho quân sĩ các đạo thuỷ, bộ chia làm 12 đạo cùng tiến đánh thành của sứ quân Ngô Xương Xí. Thấy quân triều đình đến, Ngô Xương Xí liền đem quân ra nghênh chiến, đánh nhau chưa được vài hiệp Sâm công đã chém rơi đầu Xương Xí. Sau khi đánh bại Xương Xí, Sâm công lại kéo quân đến đánh thành của sứ quân Ngô Khánh, Ngô Khánh bất ngờ nghe tin quân nhà vua đến hốt hoảng đem quân ra chống đỡ, chưa kịp giao chiến, phục binh đã xông lên chém được đầu Ngô Khánh. Quân sĩ của các cánh quân Đỗ Cảnh Thạc, Phạm Bạch Hổ, Nguyễn Thiều tan tác, nghe tiếng bỏ chạy, loạn 12 sứ quân được chấm dứt.

Sau khi thắng trận, Đinh Tiên Hoàng xưng vương đóng đô tại Hoa Lư (Ninh Bình) thắng trận trở về Sâm công được vua ban thưởng nhiều vàng bạc, tơ lụa, cho về thăm quê nội, ngoại. Sau 2 tháng ông trở lại triều đình, được vua sai làm Đốc trấn hai châu (Châu Hoan và Châu Ái).

Được 3 năm, nhà Tống lại đem quân sang xâm lược nước ta, vua triệu Sâm công và các tướng lĩnh về triều đình và phong cho Lê Hoàn làm Thống quốc Thượng tướng quân, Sâm công làm "Phó thống quốc Thượng tướng quân" sai hai ông đem quân ra cự chiến với giặc, sau nhiều trận giao tranh quân Tống đại bại phải rút khỏi nước ta. Sau khi thắng trận, Đào Ngọc Sâm xin về quê nghỉ ngơi, ông mất tại quê vào ngày 13/3. Nhà vua được tin ông mất vô cùng thương tiếc sai các quan về làm lễ viếng và cấp vàng bạc cho xây đền thờ ông ở động Tung Sơn và trang Cao Duệ và phong cho ông làm “An Nam Thánh tổ linh ứng Đại vương”.

Miếu Rồng không chỉ là nơi thờ Đào Ngọc Sâm có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và giúp vua Lê Hoàn chống giặc Tống. Trong kháng chiến chống Pháp miếu còn là nơi in ấn tài liệu tuyên truyền của cơ quan huyện và xã.

Di tích miếu Rồng xã Nhật Tân đã được UBND tỉnh ra Quyết định số 4759/QĐ-UBND, ngày 28/12/2006 xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Du lịch, GO! - Theo NTO, internet

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống