Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 8 March 2013

Thác Dakmai còn được gọi là Dakmok thuộc huyện Phước long, tỉnh Bình Phước.

< Đường vào thác Dakmai với nhiều dốc dựng, quanh co chỉ dành cho người cứng tay lái...

Đây là một trong những thác nước đẹp nằm trên dòng chảy của Sông Bé.
Để đến được ngọn thác này du khách phải vượt qua những đoạn đồi dốc dựng đứng, khiến người không quyết tâm sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Vậy nhưng khi ai đã đặt chân đến đây sẽ không quên được sức cuốn hút của vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ nơi này.

Đến vối Thác Dakmai, du khách sẽ được thưởng ngoạn sự kỳ bí của thiên nhiên, một màn nước trắng nhấp nhô trên đá và đột ngột đổ xuống từ độ chênh lệch đến 15m như dải tóc của người thiếu nữ đổ xuống chân Thác.

Điểm nổi bật tiếp theo của Dakmai là thác không chỉ sở hữu một dòng thác duy nhất, nếu đưa mắt nhìn về thượng nguồn, khách du lịch sẽ thấy một dải lụa nước trắng trải rộng đến 25m, lấp lánh như một dải bạc bằng nước trên vách đá của núi rừng. Tuy nhiên, để lên được điểm đó thì khách du lịch phải leo núi, cắt rừng.

Ở đây, nếu thiết kế một cầu treo du khách sẽ qua bên kia thăm hố Tử thần. Tại hố này đoàn thám hiểm hang động của Tây Ban Nha đã từng dùng thang dây leo xuống và thả trôi theo dòng xoáy nước để tìm cảm giác mạnh. Cảm giác của đoàn thám hiểm sau đó là sự ngỡ ngàng trước sự dữ dội của thiên nhiên, sự trầm trồ, tiếc nuối.

Tại sao nơi này chưa một nhà đầu tư du lịch tầm cỡ nào biết tới nơi hoang sơ này? Để giải đáp phần nào thắc mắc này, một công dân Bình phước cho rằng:

khi dự án “khu du lịch sinh thái Bà Rá – Thác mơ”hoàn thành, Thác Dakmai sẽ trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ internet

Thursday, 7 March 2013

Chiều thôn Tha không khí lành lạnh, mặt trời trốn biệt trong mây, không gian như đang khoác một chiều áo lam trắng mờ, đặc trưng của đất trời miền cao trong tiết chuyển mùa.

< Chiều trên thôn Tha.

Thôn Tha, xã Phương Độ, cách thị xã Hà Giang chưa đầy mười cây số, nằm trên đường đi cửa khẩu Thanh Thủy. Lộ chính dẫn vào thôn là con đường đất cán đá, đủ cho hai chiếc xe bảy chỗ tránh nhau. Cuối lộ hẹp hơn, tẽ ra mấy hướng qua thôn, đủ rộng cho đôi chiếc xe bò đi qua. Thỉnh thoảng một lối rẽ ra, theo con đê nhỏ uốn lượn như rắn dẫn vào xóm nhà.

< Hai du khách người Ý này đã quyết định qua đêm ở thôn Tha.

Cả thôn có hơn 90 ngôi nhà, kiểu nhà sàn truyền thống, tất cả bằng tre, nứa, gỗ. Họa hoằn mới gặp nhà ximăng, có thể là lớp học, trạm thông tin, trạm xá của thôn. Đó là nơi sinh sống của gần 550 người dân tộc Tày.

Nét duyên xóm quê bình yên

Xóm thôn im ắng, không nghe tiếng nhạc, tiếng xe. Chỉ có tiếng lộp bộp của chiếc cối giã gạo tự nâng lên hạ xuống nhờ nguồn suối nhỏ róc rách ngày đêm. Mấy con gà lạc mẹ chạy kêu líp chíp. Tiếng nhảy đớp bóng của vài con cá lớn dưới ao bèo lô nhô hoa sáng đỏ.

< Đường vào thôn Tha.

Chỉ cách xa rừng đôi cây số, nhưng thôn Tha sống hoàn toàn với nghề lúa nước. Người Tày ở đây chất phác, chiếc áo thường xuyên lố nhố vết bùn đen. Quần ống cao ống thấp vì phải thường xuyên lội ruộng. Nhưng đặc biệt là nhà cửa rất ngăn nắp, sạch sẽ. Phụ nữ lúc nào cũng giữ y phục váy đen truyền thống.

Vài du khách châu Âu dáng vẻ tò mò đi men theo bờ đê trơn trượt nhưng máy ảnh lúc nào cũng sẵn sàng. Đám học trò tan trường đã lâu nhưng chưa chịu về nhà, đang tụ lại chơi trò gì đó thích thú lắm bên con lộ chính.

< Những mái nhà sàn truyền thống êm đềm bên ruộng nước.

Có bảy ngôi nhà rộng đẹp nhất thôn sẵn sàng cho khách ở trọ. Tổng số giường của các “nhà nghỉ không tên” này cộng lại chưa tới 20. Tiện nghi chỉ là mùng, mền, chiếu, gối nhưng luôn được giặt sạch sẽ. Nếu khách nước ngoài không có thông dịch viên tiếng Việt thì trao đổi với chủ nhà bằng ngôn ngữ... tay, hoặc qua một quyển sổ với một số câu Anh - Việt thông thường nhất.

Một cách làm du lịch

Thôn Tha là trường hợp đặc biệt ở Hà Giang. Năm 2007, chính quyền chọn thôn làm “Làng văn hóa du lịch cộng đồng”, giáo dục và hỗ trợ đồng bào ở đây về ý thức vệ sinh môi trường như xây nhà cầu, làm chuồng trâu bò riêng, không nằm chung dưới nhà sàn, không thả rông gia súc phóng uế ngoài đường... Đến nay, những việc trên đã thực hiện được khá tốt. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ mở được lớp tập huấn du lịch, trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản nhất về giao tiếp, phục vụ. Một số gia đình được trang bị những phương tiện ngủ nghỉ cho du khách.

< Trong cái lạnh, cô gái Tày vẫn cần mẫn làm đồng.

Thôn cũng thành lập đội văn nghệ riêng phục vụ du khách. Nhiều du khách tìm đến đây bởi nét đặc trưng của văn hóa Tày không đâu có. Người dân hiền lành và quý trọng du khách. Họ rất tự trọng, không có tình trạng đeo bám, xin xỏ, bất cứ thứ gì du khách để quên họ cũng đi tìm giao trả lại.

Nhóm chúng tôi bốn người ở chung một nhà. Bữa tiệc miền cao đơn sơ mà hấp dẫn kỳ lạ. Thực đơn đặt trước từ chiều với những món cá bỗng nấu măng chua, gà đồi xé phay trộn gỏi, heo đen nướng ống tre cuốn với rau rừng.

< Gà đồng, heo đen - thực đơn nhà vườn buổi tối cho khách đặt hàng.

Đã vài ba năm tôi chưa bao giờ có được bữa tiệc thú vị như đêm ở thôn Tha với những món ăn hoàn toàn không hóa chất tăng trưởng, bảo quản. Tuy không có bia xanh, bia đỏ, chỉ hớp chút rượu ngô Sán Lùng chống cái lạnh về đêm, nhưng vẫn thấy mình say đắm không muốn bỏ thôn mà về.

Người Tày nấu ăn rất ngon, thực phẩm nuôi trồng tự nhiên, lúa trồng dài ngày, gạo mới đặc biệt thơm ngon và dẻo. Đêm nào có khách ở lại, sau bữa ăn đội văn nghệ sẽ trình diễn hát then, hát lếu, múa cấy… Hát then là lối hát cầu mùa, cầu duyên. Hát xen với múa, diễn sinh động, người đánh đàn tính sẽ tùy hứng bổng trầm, nhẹ nhàng, xôn xao theo người diễn. Còn hát lếu là loại hình dân ca đối đáp.

< Cuối ngày, trâu bò kéo nhau về chuồng.

Đáng tiếc là ở đây không có hàng hóa lưu niệm để bán cho khách, mặc dù khách ưa thích các loại túi đeo và nịt dao truyền thống của người dân địa phương. Trong cuốn sổ lưu niệm, tôi thấy một du khách Thụy Sĩ ghi hàng chữ Pháp, đại ý: Tôi ngạc nhiên về lòng chân thật của người dân. Cảnh trí ở đây nên thơ và yên lặng, không khí thật trong lành. Thức ăn quá ngon. Chỉ xin góp ý nhỏ: Tôi rất sợ m
uỗi. Vậy mà đêm qua đã bị muỗi đốt nhiều phát làm tôi ngứa ngáy khó ngủ.

Nói về Làng văn hóa du lịch thôn Tha.

< Ngày hội thôn Tha.

Làng văn hóa du lịch thôn Tha - Thành phố Hà Giang được khai trương và ra mắt ngày 15/4/2007, nằm ở phía Tây Bắc, cách trung tâm Thành phố Hà Giang 6 km đường đi cửa khẩu Thanh Thuỷ. Diện tích tự nhiên là 180 ha. Thôn có 112 hộ gia đình, với 524 nhân khẩu, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 99,8 %. Thôn nằm ngay trục đường giao thông từ Thành phố Hà Giang đi cửa khẩu Thanh Thuỷ, rừng bao quanh toàn bộ phía Bắc và phía Tây của Thôn, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 50%, có thảm thực vật phong phú, ruộng bậc thang nằm xen lẫn khu vực cư trú của nhân dân, có 2 con suối nhỏ xen giữa và chia Thôn thành 3 cụm dân cư chính, chảy từ các sườn đồi phía Tây Bắc của Thôn gặp nhau tại trung tâm Thôn rồi đổ ra Sông Lô.

Đến với Làng văn hoá du lịch Thôn Tha, du khách không chỉ được tận hưởng không khí trong lành của một vùng quê. Nơi có những rừng cọ, đồi chè, hang động đẹp, những cánh đồng phảng phất mùi hương đồng gió nội. Nơi mùi hương của cỏ, cây, hoa, lá được hoà quyện, đan xen lại với nhau. Du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sản của một vùng quê miền núi như: Cá bỗng, gà đồi, vịt làng, lợn đen, các loại rau rừng…ngồi ăn quây quần bên bếp lửa hồng trong nhà sàn ấm cúng. Đó là những sản phẩm do chính bàn tay những người dân trong thôn chăn nuôi và chế biến thành những món ăn mang đậm nét dân gian.

< Trẻ em tại thôn Tha.

Ngoài thưởng thức những món ăn ngon, du khách còn được ru mình trong những làn điệu dân ca như hát then, hát cọi, múa cày, múa cấy do chính những chàng trai, cô gái trong thôn biểu diễn…

Đến đây, du khách còn được dạo thăm khung cảnh của một làng quê yên tĩnh và tìm hiểu về những bản sắc văn hoá dân tộc của người dân tộc Tày, với những ngôi nhà sàn truyền thống, cối giã gạo nước thâu đêm, phong tục tập quán, các sản phẩm dệt truyền thống như: Dây dao, túi lưới và đặc biệt là những bộ trang phục truyền thống của đồng bào nơi đây.

Du lịch, GO! - Theo Tam Thái (Tuổi Trẻ), Hagiangcity, Demen
Trong 14 di tích lịch sử văn hóa được Bộ VH-TT&DL xếp hạng ở Trà Vinh, chùa Ông (còn gọi Phước Minh Cung) được coi là một trong những công trình kiến trúc độc đáo và giàu ấn tượng nghệ thuật nhất vùng đất này.

< Mặt tiền chùa Ông Trà Vinh.

Phước Minh Cung tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, thuộc phường 2, TP Trà Vinh. Ngôi chùa uy nghi, lộng lẫy giữa thành phố từng được mệnh danh là đô thị xanh với hàng ngàn gốc cổ thụ mang lại không khí trong lành, tươi mát cho hơn 1 triệu đồng bào ở Trà Vinh.

Theo bảng tóm tắt lịch sử chùa, Phước Minh Cung là một công trình kiến trúc nghệ thuật vào những năm đầu thế kỷ 20. Nhưng theo bia ký còn lưu lại, chùa được xây dựng từ năm Bính Thìn 1556. Tính đến nay chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, hai lần tu bổ gần đây nhất là năm Tân Mùi 1991 và năm Canh Thìn 2000.

Từ lâu nay, cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh - Hoa - Khmer ở Trà Vinh quen gọi Phước Minh Cung là chùa Ông, vì ngôi chùa này cũng giống như những ngôi chùa khác của người Hoa, vị thần chính được tôn thờ là Quan Thánh Đế, tức Quan Công, một nhân vật thời Tam Quốc, nổi tiếng là công minh chính trực và trí dũng song toàn.

< Bàn thờ Ngọc hoàng Thượng đế tại Tiền điện.

Chùa có lối kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mặt bằng tổng thể gồm 3 tòa nhà nằm ngang song song với nhau tạo thành Tiền điện, Trung điện và Chính điện, theo hình chữ tam. Dọc theo hai bên chùa là hai dãy Tả điện, Hữu điện hướng vào bên trong, tạo thành một công trình khép kín hình chữ khẩu.

Mái chùa lợp ngói âm dương tiểu đại theo nhiều tầng bậc, diềm mái bằng ngói tráng men màu xanh ngọc, tất cả cột kèo đều làm bằng gỗ quý, cho đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Trên các gờ mái, mặt dựng đầu hồi được trang trí bằng các hình tượng Lưỡng long tranh châu, Bát tiên, Tứ linh, muông thú…

Toàn bộ khung sườn chịu lực bằng những thân cột tròn và vuông to lớn, vững chắc. Từ ngoài vào trong, rường cột nào cũng được chạm trổ sắc sảo bằng các họa tiết long, lân, hoa, lá. Trên các trụ rào, cổng rào cũng nổi bật nhiều tượng sư tử.

< Sân sau chùa.

Phần Tiền điện của chùa gồm 3 cửa ra vào chính - tả - hữu bằng gỗ trang trí rất mỹ thuật, ấn tượng nhất là các câu điển tích nhằm nói lên sự trường tồn và quốc thái dân an. Ngay trên cửa chính có một tấm biển ghi Phước Minh Cung bằng đại tự (chữ Hán) rất tôn nghiêm. Ngoài ra còn có các mảng phù điêu như Thanh Long, Bạch Hổ… Thú vị nhất là đề tài “Kết nghĩa đào viên” của ba anh em Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi.

Bước vào cửa chính, khách thập phương đối diện ngay với bàn thờ Ngọc hoàng Thượng đế, bên phải là bàn thờ Hậu hiền và bên trái là Tiền hiền. Các khánh thờ, bàn thờ đều chạm khắc tinh vi theo môtip mỹ thuật truyền thống phương Đông, độc đáo nhất là các phù điêu với các đề tài Song phụng tranh châu, Lưỡng long triều nhật… trông rất cổ kính.

Nội thất chùa cũng như tiền sảnh, trên mái và trên vách chỗ nào cũng bố trí hoành phi, liễn đối, phù điêu với đồ án hoa văn: Song long tranh châu, Sĩ nông công thương, Tùng hạc trường xuân, Đào lộc trường thọ…

Tại Trung điện, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng ta là hình tượng Bát tiên kỵ thú nhằm nói lên quá trình tu tiên đắc đạo của 8 vị tiên cưỡi 8 loài thú khác nhau như Lý Thiết Quài, Lam Thái Hòa, Hà Tiên Cô...

< Gian Trung điện - từ trong nhìn ra phía trước.

Lộng lẫy nhất là chính điện gồm 3 gian thờ, nơi nào cũng được bài trí tôn nghiêm, các khánh thờ đều chạm khắc kỳ công, tinh xảo, nổi bật là long - vân, hoa - điểu. Gian giữa thờ Quan thánh Đế quân với bức hoành phi bằng đại tự “Kiền khôn chính khí” thếp vàng. Bên phải thờ Chúa sanh nương nương, khánh thờ chạm “Lưỡng long tranh châu” và “Long vân hoa điểu”. Bên trái thờ Phước Đức chánh thần, cũng trang trí thật tinh vi.

Tại ngôi chính điện còn được bố trí ba dãy bàn thờ, lúc nào cũng nghi ngút khói hương và đồ cúng bày biện thật tươm tất gồm bánh mứt, trái cây do khách hành hương mang đến hỉ cúng. Ngoài ra, phía sau chùa (cổng sau) còn bố trí một hoa viên gồm cây cảnh, non bộ, tiểu cảnh trong thật uy nghiêm và tráng lệ.

Có thể nói Phước Minh Cung là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao còn lưu lại ở Trà Vinh. Đó là những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long, rất xứng đáng cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.

Ngày 16-11-2005, bà con người Hoa ở Trà Vinh, kể cả người Kinh và Khmer đều lấy làm tự hào vì Phước Minh Cung đã được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích cấp quốc gia về loại hình kiến trúc nghệ thuật. Từ đó đến nay, du khách đến viếng chùa, tham quan ngày càng đông, đông nhất là vào ngày lễ tết, rằm tháng giêng và các ngày cúng Ông.

Du lịch, GO! - Theo Hoài Vũ (Dulich Tuoitre), internet.

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống