Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Sunday, 30 September 2012

Sông Đà hùng vĩ là một phần tất yếu của cuộc sống Tây Bắc. Trong tiềm thức người dân, sông là người bạn thâm giao và đầy ân oán. Suốt lộ trình Tây Bắc chúng tôi đi qua, dòng sông luôn thoắt ẩn thoắt hiện, đẹp một cách đầy mê hoặc.

Cuộc sống ven sông

Dọc sông Đà, cuộc sống của người dân (phần lớn là người Thái) lúc nào cũng sống động và rộn rã. Từ ngàn đời nay, người Thái đã sống dựa vào con nước. Khi được hỏi, những người già luôn nói câu cửa miệng: “Thái ăn theo nước” (câu đầy đủ là: Xá ăn theo lửa/Thái ăn theo nước/ H'mông ăn theo sương mù - PV).

Chúng tôi vào Quỳnh Nhai - mảnh đất cuối cùng của Sơn La. Đường vào trung tâm huyện Quỳnh Nhai là đường cụt, chỉ có thể vào và trở ra theo đường cũ. Con đường ngoằn ngoèo, hết dốc này tới đèo khác. Một phần rộng lớn của huyện Quỳnh Nhai (9/13 xã) sẽ nằm sâu dưới con nước trong nay mai.

Quốc lộ 279 là đường duy nhất để có thể đi từ Quỳnh Nhai trở ra, và tới các vùng miền khác. Tuyến đường đi qua 4 xã của huyện Quỳnh Nhai là Mường Giôn, Pác Ma, Chiềng Ơn và Mường Giàng với tổng chiều dài 50 km, nối liền với Sa Pa (Lào Cai) và huyện Than Uyên, thị xã Tam Đường tỉnh Lai Châu. Con đường đã được nâng cấp, từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai lên đến Than Uyên chỉ còn 57 km...

Cách bến phà Pá Uôn mấy trăm mét, những tiếng gào khóc mỗi lúc một gần khiến tôi thấy rờn rợn. Có người chết đuối, mới thấy xác. Những người chết như thế này thường không được đưa về bản. Họ hàng, người thân phải tìm ra hiện trường rồi đóng áo quan và mai táng người chết ở đâu đó gần đấy.

Những tiếng khóc hờ, vẻ mặt ngây dại của người goá phụ và đàn con, dắt tay nhau đi dàn hàng ra đường trong một buổi chiều u ám, đã ám ảnh tôi nhiều ngày sau đó. Đất có thổ công, sông có hà bá. Lần này thuỷ thần đã nổi giận, lật ụp chiếc thuyền đuôi én với bốn tay lực điền xấu số.

Bến phà Pá Uôn chiều cuối đông, những chuyến phà cuối cùng đang hối hả chở người, xe qua lòng sông - khúc này rất rộng và khoáng đạt. Từ nhiều năm nay, bến phà này là nơi dung chứa nhiều phận đời, nhất là những người chèo đò ngang và các cửu vạn khuân hàng từ sông lên bến. Tôi đếm được có đến mấy chục chiếc thuyền. Chiếc nào cũng rất bé. Mặc dù có phà nhưng những người vội vã thì vẫn luôn chọn giải pháp đi thuyền, nhanh hơn nhiều.

Còn cách bến phà tới cả trăm mét, những người lái đò đã chạy theo và khẩn nài mời chúng tôi quá giang bằng thuyền. Họ bảo: Đi thuyền nhanh, đỡ phải chờ phà lâu, mà lại an toàn (?)

Đi phà chỉ mất 1.000đ/người, nhưng đi thuyền thì các chú lái tha hồ chặt chém, có lúc là 5.000đ nhưng cũng có lúc là 10.000đ, thậm chí trong một số điều kiện đặc biệt thì phải mất trăm bạc. Chiếc thuyền chòng chành, phành phạch rời bến trong nỗi khiếp hãi của tôi. Nước sông chảy ri rỉ vào lòng thuyền, mỗi lúc một nhiều. Chú lái tên Lò Văn Thuận cười hềnh hệch: “Bác yên tâm không sao cả”.

Con đường vào tới huyện lỵ Quỳnh Nhai bị cắt xé bởi hàng chục khúc suối chảy ngang. Không một đoạn nào được làm ngầm, tất cả đều chỉ là đá hộc rải sơ sài qua suối. Tôi chưa thấy thị trấn nào kỳ lạ như thị trấn Quỳnh Nhai. Con đường qua thị trấn rất hẹp, hai bên là những ngôi nhà sàn nhỏ bé. Ở đây chẳng hề có một chút gì không khí phố thị, tất cả đều rất mộc mạc, và buồn.

< Cầu Pá Uôn lúc đó đang xây dựng.

Buổi tối, vài ba hàng cà phê vườn leo lét ánh đèn, và, những dãy bàn ghế thì được kê ra không khác nào các quán bia ở Hà Nội. Các chết vì lật thuyền của bốn người thái ở tận khu vực bến phà Pá Uôn mà tôi gặp lúc chiều muộn đã lan truyền đến đây. Người ta thi nhau bàn tán, rằng sông Đà năm nào cũng mang theo nó vài người ở khu vực này.

Ở nơi dòng nước sẽ ngự trị

Ngược dòng Đà giang đi về phía Lai Châu, đã hơn một lần tôi nhầm tưởng là sông Đà khi trông thấy dòng Nậm Na hoặc một dòng suối lớn tương tự. Con sông ẩn hiện tới ranh mãnh, khi thì thấp thoáng sau những ngọn núi xanh biếc, lúc lại bất chợt hiện ra mênh mông khoáng đạt.

Trong lòng sông, những chiếc tàu hút cát (có cả đãi vàng) xù xì, bẩn thỉu, rách rưới và gớm ghiếc y hệt những con tàu ma trong phim nhựa nước ngoài. Những chiếc tàu này cũng ẩn hiện với đầy vẻ bí hiểm. Người ta nói đó là tàu hút cát, rồi đãi cát đó tìm vàng. Những con tàu nhẫn nại bò qua từng khúc sông một cách tỉ mẩn. Đất đá cứ mặc sức hút, lòng sông bị cày xới nát be bét và những mỏm đá ngầm thì nhô lên chi chít. Những vụ lật thuyền, đắm thuyền mà con người đổ cả cho hà bá, cũng là vì lý do này.

< Cầu Hang Tôm sẽ bị Ngập Nước khi chặn dòng sông Đà.

Từ cầu Hang Tôm - cây cầu dây văng lừng danh miền Bắc một thời - có thể thấy rõ ngã ba sông Đà. Cây cầu nối liền hai bờ vui này giờ chỉ còn chờ ngày nước dâng là cũng chìm nghỉm vào hàng vạn khối nước. Những sợi cáp to bằng cổ tay, những khối bêtông xám xịt... tất cả đều im lìm, hiu hắt. Những du khách nghe danh cây cầu này, khi đi qua đây đều dừng chân chụp vài tấm ảnh rồi lại vội vã lên đường.

Thị xã Lai Châu (cũ) buồn và heo hút tới nao lòng. Chẳng ai hình dung được đây từng là trung tâm tỉnh lỵ trong mấy chục năm trời. Cả thị xã, chỉ có khu vực ngã ba gần cây xăng là trông có vẻ còn sức sống hơn cả. Vài hàng quán lụp xụp, bán chác nhì nhằng những thứ đồ vật dụng rẻ tiền. Thị xã này cũng sẽ chìm sâu trong làn nước cả, mang theo biết bao huyền thoại, bao chứng tích của lịch sử.

Tôi đi lòng vòng vô định trong thị xã nhỏ bé này, miên man nghĩ về một nơi mà chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn trong hoài niệm. Biết đâu lần sau qua miền Tây Bắc, tôi sẽ lại đi trên mảnh đất này, nhưng bằng thuyền... Rốt cuộc, những suy nghĩ mông lung ấy cũng phải lắng xuống vì chặng đường trước mặt chúng tôi còn rất dài, những con đèo mà chỉ mới nghe tên đã thấy ngao ngán.

Còn tiếp
Tây Bắc mùa dã quỳ nở (Kỳ 1)
Sông Đà - người bạn tri âm (Kỳ 2)
Ấn tượng những con đèo (Kỳ 3)

Du lịch, GO! - Theo Dantri, internet

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống