Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Friday 28 October 2011

Trang phục là một trong những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc Việt Nam, được trang trí hoa văn sặc sỡ hài hoà về màu sắc, đa dạng về mô típ, mềm mại về kiểu dáng...
Ở vùng thấp miền núi, các dân tộc sống trên những nếp nhà sàn thường mặc quần, váy, áo màu chàm với nhiều mô típ hoa văn mô phỏng hoa rừng, thú rừng. Ở vùng núi và cao nguyên, phụ nữ lại mặc váy, nam giới đóng khố...

Miền núi phía Bắc không chỉ có phong cảnh hùng vĩ trữ tình, mà còn là nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số mang bản sắc riêng độc đáo. Vẻ đẹp thuần phác cẩu người thiếu nữ nơi này còn được tôn lên bởi trang phục rất đặc trưng.
Trong dân tộc Dao có các nhóm địa phương như: Dao Ðỏ (Dao Cóc Ngáng, Dao Sừng, Dao Dụ Lạy, Dao Ðại Bản), Dao quần chẹt (Dao sơn đầu, Dao Tam Đảo, Dao Nga Hoàng, Dụ Cùn), Dao Lô Gang (Dao Thanh Phán, Dao Cóc Mùn), Dao Tiền (Dao Ðeo Tiền, Dao Tiểu Bản), Dao quần trắng (Dao Họ), Dao Thanh Y, Dao Làn Tẻn (Dao Tuyển, Dao áo dài)...

< Các thiếu nữ dân tộc Dao với trang phục truyền thống.

Phụ nữ Dao mặc rất đa dạng, thường mặc áo dài yếm, váy hoặc quần. Y phục rất sặc sỡ với nhiều loại hoa văn như chữ vạn, cây thông, hình chim, người, động vật, lá cây...

Các hoạ tiết trên trang phục của thiếu nữ Dao không theo theo mẫu vẽ sẵn trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ, thêu ở mặt trái của vải để hình mẫu nổi lên mặt phải.

< Thiếu nữ Dao đỏ ở Sapa.

Kỹ thuật in hoa văn trên vải bằng sáp ong ở người Dao rất độc đáo. Người ta dùng bút vẽ hay nhúng khuôn in vào sáp ong nóng chảy rồi in lên vải. Vải sau khi nhuộm chàm sẽ hiện lên hoa văn mầu xanh lơ do phủ lớp sáp ong không bị thấm chàm.

Người Mông có các nhóm: Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Ðỏ, Mông Ðen, Mông Xanh... Trang phục phụ nữ Mông do chính họ làm ra. Dù rất đa dạng nhưng bắt buộc phải có những thứ như: khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng, tạp dề đằng trước và sau váy, xà cạp, đồ trang sức… Váy của phụ nữ Mông thường hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng.

Phụ nữ Mông Trắng thì trang phục thường làm bằng vải lanh trắng và áo thường xẻ ngực có thêu hoa văn ở cánh tay và yếm sau lưng.
Phụ nữ Mông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Ðể tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả.

< Thiếu nữ người Mông.

Phụ nữ Mông Ðen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.

Phụ nữ Mông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ Mông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài tạo thành hình như hai cái sừng.

Trang trí trên y phục của họ chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu phổ biến là hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập…

Nhóm địa phương của người Tày gồm: Thổ, Ngạn, Phén, Thu Lao và Pa Dí. Bộ y phục cổ truyền của thiếu nữ Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn ở bên trong và áo dài ở bên ngoài.

Phụ nữ Giáy thường mặc quần màu chàm có dải vải đỏ đắp trên phần cạp, áo cánh 5 thân xẻ tà, dài quá mông, cài khuy bên nách phải, hò áo và cổ tay áo viền những dải vải khác màu. Tóc vấn quanh đầu với những sợi chỉ hồng thả theo đuôi tóc. Vai khoác túi thêu chỉ màu với hoa văn là những đường gấp khúc.

< Cô gái Hà Nhì.

Người Hà Nhì cư trú ở Lai Châu, Lào Cai. Nhóm địa phương gồm: Hà Nhì, Cồ Chồ, Hà Nhì La Mí, Hà Nhì đen.

Phụ nữ Hà Nhì mặc áo dài 5 thân, xẻ từ sườn xuống chân. Áo bằng vải bông nhuộm chàm màu đen, màu xanh. Trên ngực áo phía phải, gắn thêm những đồng xu bằng bạc hoặc cúc bằng nhôm. Khăn, ngực áo và hai ống tay áo, là nơi để chị em phô diễn kỹ nghệ thêu móc và trình độ thẩm mỹ của mình thông qua cách bố trí các khoanh vải có màu sắc tương phản nhau, cùng những đường nét hoa văn.

Người La Chí còn gọi là Thổ Ðen, Mán, Xá. Phụ nữ La Chí mặc quần, một số ít mặc váy. Bộ y phục truyền thống là chiếc áo dài tứ thân xẻ giữa, yếm thêu, thắt lưng bằng vải, đầu đội khăn dài gần 3 m màu chàm đen; đeo vòng tai, vòng tay.

< Thiếu nữ Phù Lá.

Nhóm địa phương của người Nùng gồm: Nùng Giang, Nùng Xuồng, Nùng An, Nùng Inh, Nùng Lòi, Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín...

Y phục truyền thống của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô tự dệt, nhuộm chàm và hầu như không có thêu thùa trang trí. Áo năm thân, dài quá hông, cài cúc bên nách phải.

Phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu. Đầu thường đội khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm.

Họ mặc áo ngắn năm thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí (hai phần gần như chia đôi giữa thân, vai, và ống tay cũng như gấu áo). Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như lối bố cục dùng màu rất đặc trưng. Váy màu chàm đen, đầu và chân váy được trang trí hoa văn màu đỏ, trắng vàng (giống áo). Đầu vấn khăn, hoặc đội mũ thêu ghép hoa văn theo lối chữ nhất.

Trang phục truyền thống ngày thường của phụ nữ Khmer là áo dài (tầm-vông, cũng có người gọi là áo cổ bồng) và vận xà-rông. Xà-rông là một mảnh thổ cẩm rực rỡ trang trí nhiều hoạ tiết hoa văn, nhưng hình chám là hoa văn chủ đạo, kích thước rộng khoảng 1m dài 3,5 m khi mặc thì cuốn lại che nửa  người phía dưới.

Vào mỗi dịp lễ tết, lên chùa lễ Phật họ mặc xà-rông có đính chuỗi hạt cườm ở cạp. Áo  tầm-vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông, hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau màu trắng họăc vàng chủ đạo.

Để tôn thêm nét dịu dàng uyển chuyển đầy nữ tính trong bộ lễ phục này không thể thiếu “Sbay” - một loại khăn lụa xanh mềm mại, cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải. Trong đám cưới, cô dâu mặc áo dài màu vàng thêu kim tuyến và đính hạt cườm, hạt kim sa rực rỡ ở phía trước.

Độc đáo hơn, trên đầu cô dâu còn đội chiếc mão “kha-ba-lòn-cốt” như một vương miện nhỏ xinh xắn được làm từ hạt cườm và hàng trăm chiếc cánh cứng màu xanh biếc của loài bọ cánh cam (người Khmer gọi là con Chil-vít). Nếu khăn “Sbay” trong bộ lễ phục màu xanh thì Sbay của cô dâu bằng vải dệt kim màu vàng và được đính hàng ngàn hạt kim sa nhỏ xíu sáng lấp lánh tạo nên nhiều mô-típ hoa văn vui mắt hình cánh Trang sức của người Khmer chủ yếu thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ và sự hài hoà với váy, áo đồng thời cũng mang ý nghĩa của tín ngưỡng truyền thống.

< Thiếu nữ Chăm ở An Giang.

Phụ nữ dân tộc Chăm có trang phục phổ biến là váy và áo dài. Riêng váy được chia thành hai loại: loại váy quấn bằng một tấm vải với hai mép vải không khâu dính lại, khi mặc cạp váy được xếp nếp và lận vào bên trong có tác dụng giữ eo hông. Loại thứ hai được khâu lại thành hình ống tròn. Váy một màu gọi là Băn, nếu có hoa văn thì gọi là Băn Koh hoặc pha thêm một sợi kim tuyến khi dệt gọi là Băn Talay Mưh. Loại màu áo người Chăm ưa thích nhất thường có màu tươi và sáng như màu chàm, xanh lục, hồng.

Biểu hiện rõ nhất ở trang phục phụ nữ Chăm là hai loại áo dài truyền thống Ao Tăh và Ao Doa Bong. Loại thứ nhất dành cho giới trẻ, chiều dài chiếc áo đến đầu gối hoặc quá một chút, cánh tay dài đến khuỷu tay, nhưng không bó sát. Cổ áo loại này thường hình tròn, khoét rộng để lộ các vòng dây trang sức bằng vàng hay bạc.

Loại thứ hai được dùng cho phụ nữ đã có chồng và lớn tuổi. Chiều dài phủ chùng gót chân, ôm sát thân người, khi mặc phủ trùm lên váy tạo cho dáng đi uyển chuyển và làm nổi bật nét đẹp thân hình. Ở hai bên hông có các đường mở ngay eo và có hàng khuy bấm hoặc nút dính để bó sát eo.

Điểm đặc biệt ở loại váy này là cổ áo luôn thiết kế theo hình trái tim vì theo quan điểm của người Chăm, đó là tượng trưng cho lòng chung thủy. Nhìn chung, tùy theo hoạt động của xã hội, mà phụ nữ Chăm có những loại y phục khác nhau.

Thường ngày, phụ nữ dân tộc Hoa mặc áo ngắn, nút áo bên sườn phải kéo từ cổ xuống, cổ áo hơi cao, tay áo quá khủy tay.

Quần của phụ nữ người Hoa ống hẹp, cao trên mắt cá chân. Trong ngày lễ Tết, phụ nữ người Hoa thường mặc một loại áo váy may dài, ôm ngang hông, xẻ tà dưới phần đùi mà người Việt quen gọi là “Xườn xám”, còn người Hoa gọi là “Chuyền chỉ”. Màu sắc trang phục của họ, nhất là các thiếu nữ thích màu hồng hoặc màu đỏ, cùng với các sắc màu đậm.

Loại áo váy này thường đi với các loại trang sức như vòng cổ, vòng tay, bông tai tạo nên một vẻ duyên dáng, trẻ trung. Phụ nữ lao động người Hoa thường đeo một chiếc địu bằng vải để địu con, chiếc địu vải có tua quàng về phía trước. Đứa bé nằm trên lưng mẹ còn người mẹ làm việc và đi lại rất dễ dàng và thuận tiện.

Nam Tây Nguyên là nơi cư trú lâu đời của nhiều dân tộc bản địa như Êđê, M’nông, Mạ, Kơ Ho, Xtiêng... Các tộc người nơi đây còn bảo lưu nhiều vốn văn hóa nguyên sơ, đầy chất nhân văn. Di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc chứa đựng những giá trị độc đáo và khá đa dạng trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật thể và phi vật thể. Dấu ấn văn hóa đó được thể hiện khá rõ nét trong trang phục truyền thống, thể hiện bản sắc tộc người.

Nét chung nhất trong trang phục truyền thống các dân tộc Nam Tây Nguyên nói chung là đàn ông đóng khố, mặc áo chui đầu hoặc áo choàng quấn, phụ nữ mặc áo, váy, bên cạnh đó được điểm xuyết thêm một số trang sức làm đẹp trên cơ thể theo quan niệm thẩm mỹ của từng dân tộc. Người M’nông có chiếc váy nữ xanh màu lá rừng; bộ khố áo nam hùng dũng mang dáng dấp của trang phục chiến binh thời xưa. Nét độc đáo của tộc người này là trang sức vòng ống chân, vòng ống tay, đeo khuyên tai làm bằng ngà voi và làm đẹp cho đầu tóc một cách cầu kỳ với nhiều loại trang sức phụ kèm.

Người già M’nông có áo rhắp, chiếc khăn rbay nghiêm trang, là trang phục không thể thiếu của các thủ lĩnh ngày xưa. Người Mạ và người Kơ Ho có chiếc áo chui đầu nền trắng của bông vải ban sơ nhưng lại nổi lên những dải hoa văn chỉ màu với những hình khối, mô típ bắt mắt. Nét độc đáo của trang phục Nam Tây Nguyên luôn đi kèm nhiều món trang sức quý giá như vòng cổ, vòng tay, hoa tai bằng nhiều chất liệu khác nhau như mã não, đá, đồng, bạc, ngà, xương, nanh thú, tre, nứa... Chúng góp phần tôn vẻ đẹp trang phục, tạo nên đặc điểm, sắc thái tộc người. Trang phục các dân tộc nơi đây mang nét hoang sơ, bảo lưu nhiều yếu tố cổ xưa, nhất là các loại hình trang phục choàng quấn khố, tấm choàng và đồ trang sức như đeo vòng đồng ở cổ chân, cổ tay, cắm lông chim trên đầu giống như cư dân Đông Sơn trước đây.

Trang phục, trang sức của các dân tộc là sản phẩm sáng tạo văn hóa đặc sắc của các dân tộc, thể hiện bản sắc tộc người. Giữ gìn trang phục truyền thống là một việc làm quan trọng, cần thiết để bảo tồn, phát triển tính đa dạng văn hóa của các dân tộc.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống