Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Friday, 25 November 2011

Quảng Ngãi nổi tiếng là nơi có nhiều cảnh đẹp. Tương truyền từ thời thi sĩ Đạm Am Nguyễn Cư Trinh làm Tuần vũQuảng Ngãi (1750), ông đã vịnh “thập cảnh” Quảng Ngãi. Các Nho sĩ địa phương vịnh hai cảnh đẹp khác, hình thành nên 12 cảnh và gọi chung là “Cẩm Thành thập nhị cảnh”.

1. Thiên Ấn Niêm Hà

Nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn chỉ cao hơn 100m, giống một cái triện (ấn), nhín phía nào cũng thấy núi có hình thang cân.
Núi chỉ cách đầu cầu Trà Khúc chừng 2km về hướng đông, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Đỉnh núi bằng phẳng, có một khoảng cây cổ thụ bao bọc ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời vua Lê và qua nhiều lần trùng tu, còn lại di tích cửa tam quan rêu phong cổ kính.

Trong khuôn viên vườn chùa có 7 “viên mộ” của các vị sư tổ trụ trì chùa, có giếng nước sâu gọi là giếng Phật, có quả chuông cổ gọi là Chuông thàn. Ngoài khuôn viên nhà chùa, trên khoảng đất thoáng đãng phía tây có phần mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, người đã gắng bó máu thịt với đất Quảng Ngãi thuở bình sinh. Đường lên Thiên Ấn hình xoắn ốc, quang sườn núi có tranh mọc đầy.

“Bao giờ núi Ấn hết tranh, sông Trà hết nước anh đành xa em”

Đứng bên hữu ngạn sông Trà nhìn qua, ta có cảm giác như ngọn núi nằm ngay trên mặt sông Trà, nên được người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời đóng trên sông) với niềm tin thiêng liêng vào một vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Xưa Thiên Ấn được xem là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi, chùa Thiên Ấn được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng cả miền Trung. Năm 1717, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ban sắc phong “Thiên Ấn tự”. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), núi được liệt hạng danh sơn và ghi vào tự điển, có sắc phong “Thiên Ấn tự”.

Từ trên đỉnh núi Thiên Ấn, tầm mắt có thể thu về một khoảng không gian bao la: xung quanh là những làng mạc, ruộng đồng ngát xanh, dòng Trà Khúc lượn lờ duyên dáng, tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, đông là mặt biển bao la… Đỉnh núi gợi cho khách tham quan cái cảm giác thoát tục, thanh khiết, như thủ khoa Phạm Trinh xưa kia đã viết:

“Sông bên góc núi đua dòng biếc
Biển sát chân trời bủa sóng xanh
Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt
Chuông thần đêm vắng giọng đưa thanh”

Đầu năm 1990, Bộ Văn hóa đã xếp hạng núi Thiên Ấn và mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng là Di tích quốc gia.

2. Long đầu Hý Thuỷ

Không xa Thiên Ấn, sát Quốc lộ 1A và ngay cạnh phía bắc cầu Trà Khúc là núi Long Đầu, từ phía đông bắc một dãy đồi thấp mấp mô chạy dài đến đây thì nhô cao lên và đâm vào vực sông Trà Khúc. Vào mùa lũ, nước cuộn xoáy nơi vực sông, người xưa hình dung như là đầu rồng đang giỡn nước, nên gọi là Long Đầu hý thủy. Đồng thời Long Đầu hý thủy còn gắn với câu chuyện vua Nam Chiếu chống Cao Biền. Ngày nay “đầu rồng” đã bị san ủi để làm bến xe, nhà cửa, chợ quán, nguyên gốc hầu như đã biến dạng.

Để tạo nên vẻ đẹp của Thiên Ấn niêm hà và Long Đầu hý thủy phải kể đến con sông Trà Khúc. Từ xưa Cao Bá Quát đã ghé qua đây từng ca ngợi sông Trà với những vần thơ tuyệt diệu:

... Bãi uốn sông như sầu quặn khúc
Tối chìm, gió tựa – rượu hơi say…

Trước đây, Thiên Ấn, Long Đầu, sông Trà Khúc với những guồng xe nước, những chiếc thuyền buồm, thuyền chài trên sông, làng mạc ven bờ… đã tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình nằm ngay ở mé bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Ngày nay bờ xe nước không còn, Long Đầu đã trở thành phế tích. Thắng Cảnh này đã phần nào mất đi vẻ đẹp vốn có.

Từ Thiên Ấn – Long Đầu xuôi theo quốc lộ 24B về hướng đông chừng 15km, ta sẽ bắt gặp một loại cảnh đẹp mà trước hết là bãi biển Mỹ Khê.

3. Thiên Bút Phê Vân

Núi Thiên Bút nằm ở địa phận xã Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi. Núi Thiên Bút cao 60m, hình chóp nón, trên núi nhiều cây, trông xa tựa như ngọn bút lông chỉ lên trời. Về phía đông núi có hòn Nghiên tựa như nghiên mực. Vào buổi chiều tà có dải mây thấp thoáng in bóng đàn nhạn bay qua đỉnh núi, người xưa thường bảo ấy là lúc “Thiên Bút phê vân” (bút trời viết lên mây). Núi tượng trưng cho văn khí của Quảng Ngãi. Hiện nay trên đỉnh núi còn dấu tích một đền tháp Champa cổ.

4. Cổ Luỹ Cô Thôn

Núi Phú Thọ và Cổ Lũy cô thôn nằm ở địa phận xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa. Núi Phú Thọ còn có tên là núi Đá Đen, hay Thạch Sơn, cao 60m, rộng chừng 8 hécta, trên núi là quần thể phế tích cung điện nhà cửa đền tháp và thành quách Champa. Núi có chùa Hang với huyền tích con cọp thần. Đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt  bao quát trông về dòng sông Trà hùng vĩ, cửa Đại nên thơ, rừng dừa xanh Cổ Luỹ, đảo Lý Sơn thấp thoáng trong khói sóng biển xanh, phía tây là đồng bằng Quảng Ngãi xanh tít tắp. Tương truyền Nguyễn Cư Trinh khi trông về xóm Mồ Côi của những người dân chài đơn độc bên cửa Đại đã đặt tên là Cổ Luỹ cô thôn .

5. Liên Trì Dục Nguyệt

Thuộc thôn Liên Chiểu, xã Phổ Thuận, huyện Đức Phổ. Nơi đây có hồ sen rộng, soi bóng núi Xương Rồng ở phía Tây, vào những đêm trăng thanh nên thơ huyền ảo, đi thuyền trên hồ thấy bóng trăng thấp thoáng dưới sen, chìm trong đáy nước nên cổ nhân đặt tên Liên Trì dục nguyệt. Phía bắc hồ  là ngôi đền Quan Thánh, có tạc 4 pho tượng cao hơn 3m diễn tả sự tích vào đêm trăng hồn Quan Công bay xuống núi đàm đạo cùng Phổ Tĩnh thiền sư  và hoá duyên theo Phật).

6. Hà Nhai Vãn Độ

Bến đò Hà Nhai thuộc xã Tịnh Hà huyện Sơn Tịnh. Ngày trước nơi đây trên bến dưới thuyền tấp nập, những người dân vùng bờ bắc sông Trà Khúc thường qua lại để lao động sản xuất ở vùng bờ nam sông. Vào những buổi chiều tà khi ánh dương đỏ trên rặng Thạch Bích phía tây, soi bóng những con thuyền lờ lững qua sông, làm cho lòng người buồn man mác

7. Thạch Bích Tà Dương

Một cảnh đẹp hùng vĩ nên thơ nằm về phía đông nam huyện Sơn Hà giáp huyện Minh Long. Thạch Bích (Đá Vách) là một ngọn núi cao nổi tiếng của Quảng Ngãi, thế núi quanh co đứng  cao chót vót, cây cối rậm rạp, vách đá dựng ngược, sắc đá màu ngọc lúc ráng chiều nên được gọi là Thạch Bích tà dương.

Cảnh vật nơi đây thay đổi từng thời khắc trong ngày, đặc biệt là mỗi buổi chiều tà, khi vạn vật bắt đầu chìm vào bóng đêm thì trên đỉnh Thạch Bích vẫn còn sáng bừng ánh hoàng hôn, tạo nên một vẻ đẹp vừa oai hùng vừa thơ mộng.

8. An Hải Sa Bàn

Vùng An Hải phía bắc cửa Sa Kỳ có núi thấp chạy sát mép biển bỗng dưng uốn cong tạo eo lõm vào đất liền. Vùng đất eo lõm này toàn là cát trắng phau.

Mùa gió nồm đông thổi vào tạo nên lốc xoáy vun cát lên, đứng trên núi nhìn xuống trông giống hình dáng cái mâm cát khổng lồ rất đẹp.

9. Thạch Cơ Điếu Tẩu

Là một trong 12 cảnh đẹp ở Quảng Ngãi – Thạch cơ điếu tẩu gồm hai quả núi đá tọa lạc trên cửa biển Sa Kỳ cách tỉnh lỵ 16 km về hướng đông bắc. Đó là một dãy đá thiên nhiên thẳng hàng, ở giữa có một tảng đá in hình hai dấu chân người, bên cạnh là một hang đá lộ thiên, mỗi khi sóng biển dội vào hang đá nước phun lên rất đẹp trông như lò nấu rượu. Trên một tảng đá có in hình một vết lõm trông giống như dấu bàn chân nên gọi là bàn chân khổng lồ. Truyền thuyết đó là dấu chân của ông khổng lồ gánh đất bị soạc chân, hai trạc đất rơi xuống tạo thành núi Hó (Thiên Ấn) và núi Bút (Thiên Bút). Ngoài mép nước một hòn đá đen nổi lên ở cửa biển trông như người ngồi câu giữa dòng nước gọi là Thạch cơ điếu tẩu (Ông câu trên ghềnh đá).

10. La Hà Thạch Trận

Thuộc thị trấn Tư Nghĩa, huyện Tư Nghĩa. Tương truyền rằng, lúc trong vùng còn hoang vắng, gió thổi qua đây gầm rất mạnh, tưởng như có cả một đoàn quân mai phục, nên gọi là La Hà thạch trận. Đây là 3 cụm núi đá liên hoàn: núi La Hà, núi đá Chẻ, núi Hùm. Do việc khai thác đá chưa được kiểm soát, nên ngày nay thắng cảnh này đã gần như hoàn toàn phế tích.

11. Vân Phong Túc Vũ

Vân Phong là tên một dãy núi cao thuộc hướng nam huyện Trà Bồng, và Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi (chính là dãy Cà Đăm). Đỉnh núi cao vút lên giữa lừng trời được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi trùng điệp, nhìn từ xa trông ngọn núi rất tươi sáng. Nhìn về phía chót núi lúc nào cũng thấy mây bay dờn dợn bao phủ trông khí sắc giống như trời vào buổi tinh mơ hay sau khi mưa tạnh nên được gọi là Vân Phong túc vũ.

12. Vu Sơn Lộc Trường

Vu sơn là ngọn núi cao nằm về phía tây của huyện Bình Sơn. Nhìn từ xa ngọn núi như điểm phát mạch cho các dãy núi thấp hơn chạy về đồng bằng. Trên vùng triền núi phía tây có rừng cây rậm rạp tươi tốt là nơi hươu nai về tụ tập rất đông nên gọi là Vu Sơn lộc trường (Bãi nai ở núi Vu Sơn)..

Du lịch, GO! - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, ảnh sưu tầm

Categories: ,

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống