Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Tuesday, 27 December 2011

Sơn Ca là một trong những hòn đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, nổi tiếng là hòn đảo có nhiều cây trái xum xuê và đàn chim sơn ca sinh trưởng tự nhiên đông đến hàng nghìn con. Đó cũng là điều hấp dẫn để chúng tôi vượt qua mọi sóng gió, đến khám phá hòn đảo thân thương vào một ngày đầu xuân 2010.

Hòn đảo mang tên loài chim

Ai đã đặt tên cho đảo là Sơn Ca? Đây là câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi hỏi Trung tá Lê Đình Hải, Đảo trưởng đảo Sơn Ca. Anh Hải cười, xởi lởi: “Tôi chưa biết đích xác tên đảo được gọi từ bao giờ, nhưng chắc chắn nó được gọi bởi đây là hòn đảo có nhiều chim sơn ca nhất trên quần đảo Trường Sa. Ít nhất thì cái tên Sơn Ca cũng được gọi từ thời Pháp thuộc, sau khi thực dân Pháp bảo hộ triều đình nhà Nguyễn và chiếm quyền quản lý đảo. Tên đảo Sơn Ca xuất hiện trong các bản đồ của người Pháp từ hồi đó”.

< Đảo Sơn Ca.

Sơn Ca là đảo nổi nhưng lại không có mạch nước lợ như một số đảo nổi khác trên quần đảo Trường Sa. Điều kì lạ là dù không có mạch nước lợ song cây cối trên đảo lại xanh tốt bậc nhất quần đảo. Không chỉ những cây tự nhiên như phong ba, bão táp, bàng quả vuông mà cả những cây do bộ đội trồng cũng xanh tốt đến kỳ lạ. Anh Hải dẫn chúng tôi đến thăm một cây bưởi da xanh, cao hơn chục mét và cho biết: “Mấy năm về trước, Bộ CHQS tỉnh Bến Tre gửi tặng đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca, mỗi đảo một cây bưởi. Sau khi trồng, cấy bưởi ở đảo Nam Yết bị gió muối táp mạnh, rất còi cọc còn cây bưởi ở Sơn Ca lớn nhanh vùn vụt, lớn nhanh hơn cả những cây cùng lứa trồng trong đất liền”.

< Con đường ven bờ đảo.

Sở dĩ cây cối ở Sơn Ca xanh tốt là nhờ đảo có bề mặt bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô, được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim. Cũng chính vì lẽ đó mà trên đảo có nhiều loài cây cỏ mềm và rau muống biển mọc tự nhiên. Đây chính là nguyên nhân giải thích cho việc chim sơn ca sinh trưởng dễ dàng trên đảo vì sơn ca vốn thuộc họ chim sẻ, sống trên mặt đất nhiều hơn trên cành cây. Những bụi cỏ mềm chỉ có duy nhất ở đảo Sơn Ca là lý do níu chân loài chim này ở lại với đảo, phát triển thành đàn mà “đối tượng dân cư” đông đúc nhất của đảo.

Thương lắm, đảo chim


< Sơn Ca có cây bàng như ở Hà Nội nhưng lá lại đỏ giữa mùa hè.

Trước khi ra đảo, tôi đã ghé thăm nhà riêng của Đảo trưởng Lê Đình Hải bởi chị Phan Thị Thanh, vợ anh, nhờ tôi chuyển cho anh ít quà của đất liền. “Anh Hải thích nghe chim hót lắm” - chị Thanh cho tôi biết sở thích của anh như vậy. Tôi cứ nghĩ, có người đảo trưởng yêu chim như vậy, chắc là chim trên đảo sẽ rất phát triển…

Vậy mà, tiếng chim sơn ca trên đảo giờ đây thưa vắng quá. Ra đến đảo vào lúc 10 giờ trưa (theo dân gian, đây là lúc tiếng chim sơn ca lảnh lót, phiêu du nhất), tôi cứ lang thang mê mải đi tìm tiếng chim mà mãi không gặp.

< Cây mù u xòe tán rộng tại Công viên Thanh niên trên đảo Sơn Ca.

Anh Hải tìm mãi, mới chỉ cho tôi thấy một đôi chim đang ríu rít tìm mồi bên vạt muống biển. “Đảo bây giờ ít chim lắm. Sự giận dữ của thiên nhiên khiến thời tiết ngày càng chống lại khả năng sinh tồn của chim. Hơn nữa, từ thời quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng những năm 1970, chim đã bị săn bắt dữ dội nên từ chỗ là thành phần đa số, nay chúng thành thiểu số trên đảo” – anh Hải đượm buồn.

Rồi anh Hải cho tôi xem cuốn lịch sử về hòn đảo. Thời Pháp thuộc, sự chiếm đóng của con người đã bắt đầu ảnh hưởng đến loài chim. Năm 1974, tiếng súng xâm lược của ngoại bang vang lên trên quần đảo Hoàng Sa buộc ngụy quyền Sài Gòn phải tăng cường quân số đồn trú trên quần đảo Trường Sa. Súng ống tăng thì chim sẽ giảm. Những đàn chim hoặc bị săn bắt làm thịt, hoặc bay đi và rơi xuống đại dương, bị sóng biển, gió muối, bom đạn tiêu diệt dần…

< Bia chủ quyền với hàng cờ chào mừng của Hải quân.

Ngày 25-4-1975, cán bộ, chiến sĩ Đội 1, Đoàn đặc công Hải quân M26 và Phân đội B71 đặc công (Quân khu 5), bí mật đổ bộ lên giải phóng đảo đã bắt sống toàn bộ lực lượng ngụy quân. Thiếu úy Đỗ Viết Cường, người chỉ huy lực lượng giải phóng đã lập tức cử chiến sĩ ta đi tuần tra, kiểm tra toàn diện hòn đảo mà không gặp bóng chim nào. Không lâu sau đó, với nỗ lực của biết bao cán bộ, chiến sĩ hải quân, màu xanh tươi tốt đã trở lại, loài chim sơn ca cũng trở lại nhưng rất ít, rất hiếm.

Bù lại sự hụt hẫng vì tiếng sơn ca thưa thớt, giờ đây, đảo Sơn Ca đã có nhiều hơn những loài chim biển. Ở lớp cọc rào bảo vệ hòn đảo, nổi lên rất nhiều tổ chim hải âu. Ở trên đảo, tôi đã gặp nhiều tiếng chim sâu, chim chích. Rau xanh ở Sơn Ca cũng rất nổi tiếng. Đây là hòn đảo trồng được nhiều rau bậc nhất Trường Sa, trung bình đạt 20kg/người/tháng. Rau xanh vốn là của quý, nhưng không còn là của hiếm nữa. Và điều đặc biệt hơn, Trung tá Lê Đình Hải cho biết, nhiều loại gia súc, gia cầm được bộ đội đem ra nuôi trên đảo rất phát triển.

Ở quần đảo Trường Sa có câu tục ngữ “Chó Sơn Ca, gà Song Tử” là để chỉ sự phát triển đông đúc của đàn chó ở đây. Hiện nay, bộ đội Sơn Ca không chỉ nuôi được chó mà nuôi cả gà, ngan, ngỗng, lợn… Khách ra thăm đảo, thế nào đảo cũng mổ lợn, hoặc mổ gà đãi khách. Gà, lợn sống trên đảo thường rất khỏe, không dịch bệnh, thịt thơm ngon hơn ở đất liền.

Tháng 3, mùa sơn ca cất tiếng hót. Giọng hót chim sơn ca không loài chim nào có thể “qua mặt” được. Đó là những tiếng hót dài, âm thanh thánh thót và âm điệu du dương thay đổi liên tục như tiếng suối reo, thác đổ... Tháng 3 cũng là tháng trời yên, biển lặng, người ta có thể dễ dàng vượt biển đến với Trường Sa, đến với Sơn Ca, để nghe được tiếng chim hót, để yêu thương một hòn đảo trúc san hô “độc nhất vô nhị” của Tổ quốc Việt Nam hùng vĩ, thơ mộng.

Du lịch, GO! - Theo QĐND, ảnh internet
Từ nhiều ngày nay: mình không vào được nên không thể cập nhật. Trong khi đó, tất cả mọi web khác đều bình thường (Blogger có tên miền riêng vẫn không vào được)! Xem thông tin trên mạng thì hóa ra việc trở ngại vào Blogger.com bị VNPT chận lại (có thể nhiều nhà mạng khác cũng chận).

Blogger.com là một dịch vụ blog miễn phí nổi tiếng của Google với số người sử dụng nhiều thứ 2 trên thế giới lúc này đã bị chận đứng bởi VNPT!
Không chỉ Blogger.com mà có nhiều khi Wordpress.com, Facebook cũng bị chận... và người sử dụng chỉ có một cách duy nhất để vào cách web trên là dùng DNS, đổi IP nhưng không phải ai cũng biết vụ này.
Web Phanmem.com nhận xét và đánh dấu hỏi, xin được trích lại một phần như sau:

VNPT muốn bảo hộ các dịch vụ blog trong nước?

Xem thêm: Không vào được Blogspot?

Nếu muốn nói VNPT chặn Blogger.com và WordPress.com, hai đại gia quá lớn trong thế giới blog, để bảo hộ cho các dịch vụ blog và mạng xã hội của Việt Nam thì lại càng là một sự ấu trĩ. Hãy nhìn Yahoo, đại gia có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam đang càng ngày càng phát triển hơn, tạo sao không ngăn chặn họ? VNPT không dám động đến họ vì tầm ảnh hưởng của họ quá lớn, hay phải chăng VNPT không đủ lực để ngăn chặn Yahoo, mà chỉ giám chặn Blogger.com và WordPress.com, hai dịch vụ có tầm ảnh hưởng nhỏ hơn ở Việt Nam?

Hãy nhìn bài học từ ngành công nghiệp ô tô, chúng ta đã bảo hộ cho ngành công nghiệp ô tô bằng cách đặt hàng rào thuế quan quá cao đối với ô tô nhập khẩu và ưu đãi rất nhiều cho ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nhưng sau hơn 10 nhìn lại, ngành công nghiệp ô tô của chúng ta đã làm được những gì? Chẳng có gì ngoài nhập khẩu linh kiện và lắp ráp. Và người thiệt là ai?

Chúng ta được gì và mất gì?

Được ư? Có thể nói chắc chắn một điều là chúng ta chỉ mất chứ chẳng được gì. Xét trên quan điểm của người tiêu dùng thì chúng ta đã bỏ tiển ra để được sử dụng một dịch vụ không đầy đủ mà hoàn toàn không nhận được một lời giải thích từ phía VNPT.
Còn xét trên quan điểm của một người dùng thì chúng ta đã bị cướp đi những tiến bộ của công nghệ. Chúng ta đã không được tiếp cận với những công nghệ, những tiện ích và những chức năng to lớn mà đáng lẽ chúng ta phải được hưởng từ hai đại gia Blogger.com và WordPress.com đang cung cấp miễn phí.

Còn VNPT, họ được gì?

Phamen không biết đằng sau việc này VNPT có được lợi gì không. Nhưng thực tế cho thấy là khi họ chặn Blogger.com và WordPress.com thì lượng người truy cập vào hai dịch blog này sẽ giảm, tương ứng với nó là lưu lượng sử dụng internet của họ sẽ giảm theo. Việc này đồng nghĩa với số tiền mà VNPT thu được từ người sử dụng sẽ giảm xuống.

Chúng ta cần làm gì?

Chúng ta đều biết điều phi lý trên, nhưng chúng ta không làm được gì vì chúng ta không có quyền định đoạt. Chân lý thuộc về kẻ mạnh. Tiếng nói của Phamen chỉ là chú lính chì, nhưng nếu như tất cả chúng ta hợp sức lại thì sẽ trở thành một đội quân hùng mạnh có thể xô đổ bất cứ thành trì nào.

Mình cũng thấy rõ điều đó và có lẽ trong vài tuần tới: mình sẽ cắt và chuyển sang nhà cung cấp khác. Còn hiện tại thì bắt buộc phải dùng DNS Jumper để chuyển nhanh:

DNS Jumper 1.0.2 - FREE

Phần mềm DNS Jumper giúp chuyển DNS của ISP thành DNS của nhiều DNS server khác chỉ với một cú click đã có thể duyệt web nhanh và bảo mật hơn. Phần mềm này miễn phí, dạng portable (không cần cài) và dung lượng không lớn (chỉ 3.18 Mb) và cách sử dụng thật đơn giản.

Những lợi ích của việc sử dụng DNS của một DNS Server trung gian thay cho DNS của ISP (nhà cung cấp dịch vụ mạng internet) như cải thiện tốc độ duyệt web, chống website nhúng mã độc, dễ dàng vào được những website khó truy cập thì ai cũng đã rõ. Tuy nhiên, nhớ chính xác giá trị Prefered DNS server và Alternate DNS server để cấu hình mạng đôi khi lại là vấn đề với nhiều người. DNS Jumper sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này theo cách gọn nhẹ nhất.

Phần mềm này free và có khá nhiều trên mạng nhưng mình cũng đã up cái tiện ích nhỏ này lên đây - nếu bạn nào cần thì tải về xài:
http://www.box.com/s/pams83c993nrby41xx93

Đơn giản là chỉ cần chạy nó > chọn một trong những DNS thể hiện trên giao diện (mình chọn Level 3 hay DNS 11 vì Google DNS cũng có thể bị chận) > Sau mươi giây sẽ vào được ngay bất kỳ web nào bị ISP close (Nếu DNS này không được thì bạn lại chọn nút khác).
DNS Jumper 1.0.4 (764kb) mình cũng có nhưng xem ra phiên bản cũ dễ sử dụng và nhanh hơn.

Xem thêm: Không vào được Blogspot?

Du lịch, GO!
Ngày 27-12, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã công bố tiêu đề (slogan) và biểu tượng (logo) mới của du lịch Việt Nam.

Theo đó, “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” (Vietnam - timeless charm) với biểu tượng cánh hoa sen đang hé nở sẽ chính thức có mặt trong các chương trình xúc tiến du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2015.

Biểu tượng mới của du lịch Việt Nam sẽ là bông hoa sen cách điệu với năm cánh và năm màu sắc tượng trưng cho những sản phẩm du lịch chính của Việt Nam: du lịch biển đảo; du lịch sinh thái, thiên nhiên; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch khám phá, mạo hiểm.
Tác giả của biểu tượng này là họa sĩ Trần Hoài Đức.

Một đại diện từ phía tổng cục cho biết tiêu đề và biểu tượng mới được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu và phân tích thị trường, thương hiệu và xu hướng của thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn (tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch), quá trình tổ chức phát động cuộc thi sáng tác tiêu đề và biểu tượng mới bắt đầu cuối năm 2010, tiếp diễn cho đến cuối năm 2011.
Ban tổ chức đã thu thập nhiều tác phẩm đề xuất, thành lập hội đồng, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, phóng viên báo chí và cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, tổng cục cũng đã làm việc với chuyên gia quốc tế và đề nghị họ đề xuất tác phẩm để từ đó bỏ phiếu và chọn ra phương án cuối cùng là: “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận” (Vietnam - timeless charm).

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho biết năm 2012 ngành du lịch sẽ tăng cường quản lý điểm đến thông qua chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch. Sau sự kiện chạm mốc đón 6 triệu khách quốc tế năm 2011, du lịch Việt Nam đang phấn đấu đạt 6,5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2012.

Du lịch, GO! - Theo Hà Hương, Tuoitre

Monday, 26 December 2011

Sâu trong núi Yông Chak, buôn Yông Hắt, xã Krông Knô (huyện Lak - Đắk Lắc) là những dòng nước ngày đêm chảy trên những tảng đá mang hình một chú trâu như đang cất tiếng vang vọng cùng không gian đại ngàn thăm thẳm. Đó chính là thác Trâu Đá (liên puk pet) theo cách gọi của người M'nông Gar ở đây.

< Hữu tình phong cảnh thác Trâu Đá.

Mất gần hai giờ đồng hồ theo đường rừng sẽ tới đỉnh thác. Thác là một tảng đá lớn, bên trên là dòng nước từ xanh thẳm đại ngàn đổ ra.

Theo truyền thuyết được nhiều người già trong buôn kể lại, vào thuở xa xưa, khi trời đất mới hình thành, đất trời nổi lửa khắp nơi, người người không thoát khỏi nạn lửa...

< Núi Yông Chak hiện ra với bạt ngàn một màu xanh.

Bỗng nhiên nơi chân trời xuất hiện một con trâu trắng, đồng bào liền bắt và làm lễ đâm trâu hiến tế cho trời đất được hiền hòa. Nơi trâu được hiến tế biến thành một thác đá ào ào tuôn nước trắng xóa, từ đó những ngọn lửa tắt, đất đai trù phú, cây cối sinh sôi nảy lộc.
< Đường lên thác với những dốc đá gần như thẳng đứng.

Đắk Lắk Online xin giới thiệu một số cảnh đẹp về dòng thác ẩn chứa huyền bí này: Đa phần là ảnh khổ lớn.
< Qua những dòng suối nhỏ chảy trên những tảng đá lớn là thử thách sự kiên trì bền bỉ của du khách... nhưng cuối cùng thì đỉnh thác hiện ra là một tảng đá mang hình đầu một chú trâu trắng đang thở “phì phò” với những dòng nước trắng xóa... 
< Ngay bên cạnh mõm chú trâu là một hốc nước, mà theo người già trong buôn đây chính là "cối giã gạo" bằng nước, một "nguồn thức ăn vô tận" để trâu canh giữ cuộc sống nơi đây.
< Nước chia dòng, hòa với mặt đá tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp tạo thành các bậc thác.
< Nước len lỏi chảy qua các khe đá như dải lụa trắng cùng những bọt nước long lanh...
< ... rồi hình thành nên một thác nước nhỏ...
< Nhánh còn lại cuộn lên những dòng nước trắng xóa hòa với mặt đá tạo nên một bức tranh toàn mỹ...
< Với những vân đá màu đỏ tươi tựa như dòng máu thiêng của chú trâu tạo nên một quang cảnh ngoạn mục giữa núi rừng hùng vĩ.
< Một vị trí nước như sôi sục...
< ... rồi đổ xuống vực sâu...
< Gần thác Trâu Đá là một thân cây mọc trên tảng đá, mà theo truyền thuyết đây chính là cây nêu để cột chú trâu trắng.
< Đứng từ thác Trâu Đá phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy một quang cảnh trùng trùng điệp điệp của núi rừng trong khoảng không gian sinh thái yên bình.

Du lịch, GO! - Theo Gia Thịnh (Đắk Lắk Online)
Trong văn hóa tộc người, thông thường, những con vật linh thiêng phải là rồng, phượng, rùa, chim hoặc ít ra cũng phải là gấu, báo, hổ, sư tử… Nhưng, với người La Chí, một dân tộc thiểu số, chỉ có 8 ngàn người, sống duy nhất ở bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang thì lại khác, con chuột là linh vật vô cùng linh thiêng. Hàng năm, dân bản Phùng phải làm lễ cúng rừng, hiến tế lễ vật, và thực hiện lời hứa bảo vệ rừng với Thần Rừng linh thiêng.

< Thầy cúng người La Chí đang làm lễ đuổi ma cho một gia đình. Trong lễ cúng này, ngoài con ngan, còn có con chuột nướng.

Có 3 loại lễ cúng rừng diễn ra, lễ cúng tại nhà thờ ở cửa rừng mỗi năm diễn ra một lần, còn lễ cúng ở miếu thờ trong lõi rừng cấm thì 15 năm mới diễn ra một lần. Riêng lễ cúng Thần Rắn cứ 13 năm lại diễn ra một lần. Lễ cúng rừng hàng năm thì lễ vật hiến tế chính là trâu, lễ phụ là thịt chuột và diễn ra suốt 2 ngày, trong không khí cực kỳ trang nghiêm.

< Học sinh La Chí ở Bản Phùng.

Điều tốt đẹp nhận thấy trong lễ cúng rừng cũng như các lễ cúng khác của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, đó là trong bài cúng, họ luôn cầu cho đất nước, dân tộc trước, rồi mới cầu cho bản làng, gia đình và cuối cùng là bản thân.

Bảo vệ rừng cấm

Sau hai ngày cúng bái, khi các thủ tục cúng Thần Rắn đã xong, hai ông Pô mìa nha (thầy cúng) thay mặt dân bản thề với Thần Rắn rằng, người La Chí sẽ không xâm phạm đến rừng cấm. Người La Chí tin rằng, linh hồn tổ tiên mình đều đã về rừng cấm, ngự trên những cây đa và nghị sự với Thần Rắn tìm cách phù hộ cho đất nước, cho bản làng, cho gia đình.

< Đền thờ Thần Rắn của người La Chí trong rừng cấm.

Cũng chính vì niềm tin như thế, nên họ cực kỳ tôn trọng rừng cấm. Họ không bao giờ tự tiện bước chân vào rừng cấm, chứ đừng nói đến chuyện lấy một cành củi, một cây măng. Thậm chí, người La Chí đứng cách rừng cấm một trăm mét cũng không dám nói to, cười đùa, chửi bậy, vì sợ kinh động đến tổ tiên và các vị thần linh.

Buổi tối cuối cùng của lễ cúng Thần Rắn, các gia đình cùng ăn uống trong rừng, vui chơi, chúc rượu nhau. Tan lễ cúng, mỗi người một ngả về nhà. Mỗi ngả đường về bản đều có người đứng gác, không để ai mang bất cứ thứ gì của rừng về. Mâm lễ thịt chuột cũng được để lại trong rừng để Thần Rắn hưởng.

< Mẹ con La Chí ở bản Lủng Cẩu (Bản Phùng).

Cứ sau lễ cúng, rừng cấm lại biến thành chốn cực kỳ thâm nghiêm. Ai xâm phạm rừng cấm, dù không bị thần linh quở phạt, cũng sẽ bị dân bản xử phạt rất nghiêm bằng gà, lợn, trâu bò. Với người La Chí nơi đây, rừng cấm là thiêng liêng tuyệt đối. Mọi cám dỗ vật chất cũng không lay động được niềm tin của họ vào những vị thần ngự trị trong rừng.

Niềm tin này, đối với những người hiện đại chúng ta, đầu óc có thể đầy chữ, nhưng bụng đầy lòng tham thì không những không hiểu nổi, có khi lại còn cho là mù quáng, dị đoan. Sợ Thần Rắn ngự trong rừng dẫn đến bảo vệ rừng và rừng không những bảo hộ cuộc sống đồng bào mà còn bảo hộ cả trái đất này. Cái triết lý đó rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu nghiệm.

< Một trong số hàng ngàn cây khổng lồ trong rừng cấm của người La Chí ở Bản Phùng.

Tôi đã đi rừng khá nhiều, nhưng ít khi thấy ở đâu nhiều cây to, cây lạ như khu rừng cấm linh thiêng huyền bí của người La Chí trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Cả một khu rừng cổ thụ rộng hàng ngàn héc-ta.

Những thân cây to mấy người ôm. Cây nghiến cao đến nỗi, ngửa cổ nhìn mỏi mắt mới thấy tán nó lẫn trong mây mờ. Điều đặc biệt là có cả cây ngọc am to cao sừng sững mọc trong rừng. Những cây ngọc am này nếu mọc ở khu rừng khác thì đã được định giá bạc tỷ rồi.

Điều kỳ lạ nhất là lõi khu rừng cấm này chủ yếu là 2 thứ cây, gồm đa và một loài cây dây leo mà ông Vương Đức Sinh bảo nó là loại thuốc cường dương cực quý. Những cây đa to cả chục người ôm mới xuể, tán lá lòa xòa rộng mênh mông, che kín cả một vạt núi. Có những cây mà hõm, hốc của nó đủ để vừa một cái ô tô.

Đặc sản chuột khô

< Chuột nướng, chuột xào và đặc biệt món chuột khô là đặc sản của người La Chí.

Con chuột ngoài vai trò là vật hiến tế trong lễ cúng Thần Rắn trong rừng cấm Me Meo, thì nó còn giữ vai trò cực kỳ quan trong trong đời sống thực tại cũng như đời sống tâm linh của người La Chí. Trong bất cứ lễ cúng gì, từ cúng tổ tiên, cúng lúa mới, cúng xuống đồng, cúng hồn cây lúa, cúng rừng, cúng núi, cúng sông suối, hoặc lễ cúng bắt ma, lập bàn thờ, thậm chí cả lễ cưới, món thịt chuột đều là thứ không thể thiếu được.

< Cắt tiết chuột.

Không biết truyền thuyết về Thần Rắn có thật hay không, nó có từ bao giờ, nhưng có một điều lạ là người La Chí, cả đàn ông lẫn đàn bà, người già, người trẻ đều rất sợ rắn. Họ sợ bất kỳ một loại rắn gì, sợ cả những ông thầy mo trông giữ các loại ma rắn. Chính vì họ sợ rắn, nên trong các lễ cúng, đều có món thịt chuột để mời Thần Rắn về hưởng lộc, rồi đừng cắn người và làm cho mưa thuận gió hòa, bản làng ấm no.

Con chuột không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, mà nó còn gắn chặt với đời sống thường ngày của người La Chí. Món thịt chuột được người La Chí coi là món ăn hàng ngày, như người Kinh ăn thịt lợn, nên họ có thể ăn quanh năm suốt tháng.

Con chuột gắn bó với người La Chí từ hàng ngàn năm nay, nên không biết từ khi nào, chuột đã trở thành đặc sản. Nếu bạn lên Hoàng Su Phì, hỏi về các món đặc sản, ngoài thắng cố, rượu ngô của người Mông, lợn cắp nách của người Mán, thịt chua của người Nùng, thì chuột khô chính là đặc sản của người La Chí. Như là bản năng sẵn có, phụ nữ La Chí rất giỏi bắt ngóe còn đàn ông La Chí cực giỏi săn chuột.

< Vặt lông chuột.

Vào khoảng tháng 3 đến tháng 5, phụ nữ La Chí kéo nhau thành nhóm đi dọc các thửa ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở Hoàng Su Phì săn ngóe, vì mùa này ngóe sinh sôi rất nhiều. Ngóe nướng cũng là món đặc sản của người La Chí.

Đến mùa lúa chín, đàn ông kéo nhau đi săn chuột ở khắp huyện. Mùa gặt kết thúc, chuột đồng hết chỗ ẩn nấp, trốn vào rừng, họ lại tiếp tục vào rừng đặt bẫy, rồi đào hang bắt chuột ở rừng vầu, rừng tre, rừng chít. Món chuột được đồng bào La Chí chế biến thành hàng chục món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là 2 món, gồm nướng và treo gác bếp.

Chuột được nhúng nước sôi, vặt lông, dùng que xiên từ đít lên đầu đem thui với rơm nếp cho vàng ruộm, rồi mổ bụng, lột bỏ nội tạng, rửa sạch, sau đó xát mắm, muối, mì chính, thảo quả, tiêu rừng cùng một số gia vị khác. Nếu ăn nướng thì kẹp que nướng trên than củi ở bếp giữa nhà cho chín rồi ăn luôn. Vào mùa thu hoạch lúa, chuột bắt được nhiều, ăn không xuể thì đồng bào La Chí làm món chuột khô để ăn dần.

< Món chuột nướng béo ngậy, hấp dẫn.

Chuột được chế biến và ướp gia vị rồi treo trên gác bếp. Lửa và khói ở bếp cháy suốt ngày đêm sẽ làm cho thịt chuột khô quắt lại sau một tuần. Khi chuột quắt lại, cứng như khúc củi, có thể để được cả năm trời, lúc nào thích thì gỡ ra ăn. Thịt chuột khô có thể vùi tro nóng rồi dùng chày đập xơ ra chấm muối tiêu làm mồi nhắm, hoặc đem ngâm nước sôi cho nở ra, sau đó ướp gừng, hành tỏi và xào nóng ăn rất thơm ngon. Đây là món khoái khẩu của người La Chí. Mùa gặt lúa, chuột đồng bắt được nhiều, già trẻ, trai gái cùng ngồi nướng và ăn bên bếp lửa giữa nhà.

Tôi đã từng được ngồi nhậu với thanh niên La Chí món chuột nướng một lần. Họ xâu mỗi con chuột vào một que, rồi gác cách than nóng chừng gang tay. Cứ con nào chín là nhấc ra chén luôn. Ăn chuột nướng khi còn nóng hôi hổi như vậy ngon lắm. Vừa bùi, vừa ngậy, béo, lại có vị cay cay, thơm thơm của tiêu rừng và thảo quả. Cắn một miếng, ngấm tận chân răng. Ướp chuột với những loại gia vị trên, tuyệt đối không còn mùi tanh, hôi của giống chuột.

< Ở bản La Chí, được ngồi bên bếp lửa, nướng chuột ăn nóng thì thật tuyệt vời. (Ảnh chụp gia đình La Chí ở bản Lủng Cẩu).

Ngồi bên bếp lửa hồng, giữa cảnh núi rừng hoang rậm, ăn thịt chuột và uống rượu bằng sừng trâu có cảm giác rất thi vị, gợi về một thuở hồng hoang.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy khẳng định, người La Chí định cư ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần của Hà Giang rất lâu rồi. Ngay cả người Cờ Lao và người Nùng, di cư đến vùng Hoàng Su Phì cách nay 170 năm đã thấy người La Chí định cư ở vùng đất này. Còn nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Anbadie, trong cuốn “Các chủng tộc ở vùng cao Bắc kỳ từ Phong Thổ đến Lạng Sơn”, viết năm 1924, khẳng định: “Người La Chí là cư dân bản địa, thổ dân ở vùng Hoàng Su Phì và Xín Mần đã từ mấy ngàn năm nay…”

Du lịch, GO! Tổng hợp từ VTC News
Năm 2011 du lịch Việt Nam có rất nhiều sự kiện đáng chú ý. Trong số đó, chúng ta không thể không chú ý đến những chuyến thăm bất ngờ của những người nổi tiếng đến Việt Nam.

Anh Đỗ Văn Phương, giám đốc điều hành của khu Catba Sunrise Resort, người đã từng sống ở Úc rất lâu cho biết: “người nước ngoài rất thích những nơi hoang sơ, ít bị bàn tay con người tác động. Rất nhiều khu nghỉ dưỡng lý tưởng trên thế giới nhưng đi kèm đó là giá dịch vụ và bị làm phiền”.

Khu du lịch anh Phương quản lý đã từng tiếp nhiều người nổi tiếng đến nghỉ ngơi. Anh Phương có mời họ viết cảm nghĩ lưu lại. Hầu hết đều hài lòng vì sợ bình yên mà họ được hưởng.

Phong cảnh và dịch vụ là một phần thu hút những người nổi tiếng, có tiền. Nhưng hầu hết họ đều có cảm nhận chung là họ không bị hỏi han, làm phiền bởi những câu hỏi móc máy đời tư.

< Họ đến Việt Nam và không bị làm phiền đời tư nhiều.

Ở Việt Nam, các sao đi du lịch cũng ít bị cánh săn ảnh của giới truyền thông làm phiền những giây phút riêng tư. Có chăng, lúc họ đến, lúc họ đi, giới truyền thông mới đưa tin họ đã từng đến, từng đi tại khu du lịch.

Như chuyến thăm của gia đình Brangelina hoặc chuyến du lịch mới nhất của Mark Zuckerberg nhân dịp Giáng sinh năm 2011, mọi thông tin của giới truyền thông chỉ thông qua những người gián tiếp từng gặp gỡ những nhân vật này mà không ảnh hưởng đến chuyện riêng tư, mất đi ý nghĩa chuyến đi của họ.

Charle, sinh năm 1981, đang sống ở London cho biết: rất thích Cát Bà, Hạ Long và tất cả bãi biển Việt Nam. Anh cũng bày tỏ: “mặc dù tôi rất không thích cảnh khách du lịch thì bỏ rác vào thùng mà người Việt lại bỏ rác ngoài đường. Tôi cũng không thích cách người ta bỏ mặc tôi khi tôi mua nhầm vé đi từ Cát Bà về Hà Nội, nhưng những khung cảnh tự nhiên của Việt Nam thật sự quyến rũ”.

Việc ông chủ Facebook bất ngờ đến Việt Nam hay việc gia đình nhà Brangelina du lịch tại những điểm nổi tiếng như Hạ Long, Côn Đảo đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Công nghệ thông tin đã kết nối toàn cầu, không thể nói những người này đến với Việt Nam là chuyện ngẫu nhiên vì họ đều là những người có điều kiện tìm hiểu, đánh giá thông tin hơn ai hết. Nhưng họ đến, và đến lần sau nữa là câu chuyện của tương lai.

< Chuyến đi Việt Nam của Mark hoàn toàn vì lí do nghỉ ngơi, không vì công việc.

Nếu so sánh về chất lượng dịch vụ du lịch tại Việt Nam, một người làm lâu năm trong nghề tour guide đã đánh giá: cực dở. Nhưng về cơ bản, chúng ta có quá nhiều ưu đãi của thiên nhiên: đường bờ biển được đánh giá là đẹp nhất thế giới, có những địa danh được xếp di sản, hoặc không thì cũng cực kỳ quyến rũ. Những thứ thuộc về thiên nhiên nhiều Quốc gia trên Thế giới mơ để phát triển du lịch.

Trở lại với việc những người nổi tiếng đã chọn Việt Nam là điểm đến để nghỉ ngơi, thăm quan, khám phá. Đó là tín hiệu tốt cho du lịch Việt Nam. Theo anh Vượng, người quản lý đảo Nam Cát – Cát Hải – Hải Phòng thì: “Chúng ta không đủ sức đầu tư mạnh mẽ để có những khu nghỉ ngơi sang trọng như các quốc gia trên thế giới đã làm. Nhưng chúng ta có thể làm với hướng thuận theo thiên nhiên, tôn vinh thiên nhiên để tạo sự khác biệt. Giống như đảo Nam Cát của chúng tôi, từ chỗ ăn, chỗ nghỉ, đồ ăn… đều dân dã theo kiểu địa phương. Khách du lịch nước ngoài rất thích đến và quay lại”.

Du lịch, GO! - Theo Afamily, ảnh internet
Khác với Tết Nguyên đán, vào đầu tháng 12 dương lịch hằng năm là lúc người Hà Nhì ở huyện Mường Tè (Lai Châu) bắt đầu bước vào ăn Tết của dân tộc mình. Họ giết lợn, mổ bò, chuẩn bị những đặc sản núi rừng để mời nhau cùng những bát rượu thơm nồng.

< Thiếu nữ Hà Nhì đang trang điểm đón Tết.

Tết ngày rồng, tháng chuột

Vượt gần 300 cây số từ thị xã Lai Châu, chúng tôi đến huyện Mường Tè vào một buổi sáng tinh mơ. Sương còn phủ kín những mái nhà bên sườn núi và những bông hoa rừng còn nặng trĩu sương đêm. Phía đầu bản, có nhà đã bắc bếp thổi xôi, tiếng giã gạo bắt đầu nhịp đều gần xa, bản làng đang rướn mình chuyển giấc.

Tại bản Thu Lũm xã Thu Lúm, người Hà Nhì dường như đã chuẩn bị đầy đủ cho ngày Tết dân tộc mình. Những em bé được bố mẹ dệt cho những bộ quần áo mới sặc sỡ sắc màu. Phía xa, một vài cô gái dịu hiền đang thong thả hái lá dong rừng. Thấy khách lạ, các cô thẹn thùng e ấp nấp bên những nhánh cây lan rừng.

Trưởng bản Thu Lũm, ông Chu Nhù Tư cao lênh khênh, đầu đội chiếc mũ len đỏ như hoa mào gà, giọng khàn như cụ Mết trong tác phẩm "Rừng Xà Nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành cất giọng: "Ây chà, bọn mày đúng hẹn đấy. Xong hết rồi, giờ mày vào nhà hút thuốc rồi theo tao vào rừng lấy lá".


< Mổ lợn cúng trời.

Nói xong, ông Tư đưa chúng tôi vào nhà. Phía trong, gần chục thanh niên xếp tròn bên bếp lửa, họ chuyền tay nhau chiếc điếu ục (điếu cày được thiết kế kiểu người Mường Hòa Bình - PV) to quá khổ. Ông Tư bảo, đầu tháng 12 dương lịch, người Hà Nhì chọn 3 ngày trong tháng con chuột (Hu - Pa - Na) khi mùa màng đã thu hoạch xong để tổ chức Tết.

Tết của người Hà Nhì không thống nhất thời gian nhưng giống nhau ở cách chọn ngày. Ngày bắt đầu Tết phải là ngày rồng, tháng con chuột, đó là một lịch tính đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Tuy nhiên, theo cảm quan của người Hà Nhì thì đó thực sự là "ngày của thánh thần". Bởi trong tâm thức họ, Tết là lúc Thượng đế xuống kiểm tra công việc và cuộc sống mà con người đã làm được trong năm qua.


< Làm bánh dày cúng tổ tiên.

Để chuẩn bị Tết Hồ Sự Chà, các gia đình sửa soạn đồ xôi, giã bánh dày, làm bánh trôi. Riêng bánh dày, có quy tắc riêng với 2 cái thành một cặp dâng cúng tổ tiên, sau đó chia cho gia đình hưởng lộc. Phần còn lại dành để mời khách phương xa và những người đến chúc Tết. Bánh trôi cũng được dâng lên ban thờ nhưng là để tượng trưng cho con người - lương thực - thực phẩm. Ba chiếc bánh này sẽ được để đó cho đến hết Tết rồi đưa vào lò nướng, cái nào phồng to hơn thì báo hiệu năm tới sẽ phát triển về thứ đó.

Một trong những món ăn Tết không thể thiếu của người Hà Nhì là "nộm tịt" với vỏ của một loại cây rừng mà người ta gọi là "Á Pé Khu Po". Đây là một món ăn mang tính tâm linh, họ kết hợp với vỏ cây để ăn theo quan niệm chiến thắng "ma rừng" và thực hiện sứ mạng con người ở trần gian.

Linh thiêng với Hồ Sự Chà

Cũng như Tết Nguyên Đán, sự thiêng liêng của Tết Hồ Sự Chà cũng được người Hà Nhì xem là "lễ trọng". Mâm cúng sáng ngày thứ nhất trên ban thờ tổ tiên ngoài bát nước chè, bánh dày, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt còn phải có thêm thịt lợn, các loại hoa quả, sản vật trồng trong vườn nhà.

Người Hà Nhì vẫn giữ được phong tục truyền thống, vào sáng mùng một Tết, con cháu nội ngoại tập trung đầy đủ để chúc Tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Khi các "thủ tục" đã xong, cả gia đình quây tròn bên mâm cỗ để ông bà chia lộc, con trai mau lớn thành trụ cột, con gái nhanh trưởng thành để thêu thùa may vá... Và không kể già trẻ lớn bé, tất cả cùng uống chung bát rượu nồng mừng ngày "lễ trọng".


< Uống nhiều dù có say, người Hà Nhì cũng rất kiêng kỵ những xô xát, mắng mỏ nhau.

Người Hà Nhì rất vui khi có một bé không kể trai hay gái dưới 12 tuổi đến xông nhà. Họ coi đó là điềm may trong năm mới và hạnh phúc sẽ đến tràn đầy, lúa gạo sẽ đầy chum và nước từ trời đổ xuống thỏa thuê báo hiệu sự no đủ của mùa màng.

Trong những ngày Tết, từ khắp các nóc nhà, khói bếp sẽ bay không ngừng, rượu tràn qua chiếu. Khi ra đường vào các bản làng chúc Tết nhau, mỗi người đem theo một chum rượu nhà tự nấu để cùng nhau thưởng thức lộc trời.

Uống nhiều dù có say, người Hà Nhì cũng rất kiêng kỵ những xô xát, mắng mỏ nhau vì đó là điềm dữ. Họ đều ý thức được rằng, ngày Tết phải vui vẻ, cười nói, chúc nhau những điều hay ý đẹp và cùng nhau uống rượu thỏa lòng để lộc về nhà, xua ma rừng ra khỏi mọi thân cây trong vườn.

< Thiếu nữ Hà Nhì hát giao duyên.

Ông Chu Xé Lù, chủ tịch UBND xã Thu Lúm biết có phóng viên tới đón Tết Hồ Sự Chà nên hồ hởi đem theo một chum rượu ngô và bảo: "Cái Tết này vui lắm! Mày cứ uống cho cạn chum rồi tao đưa đi uống tiếp cái chum khác to hơn".

Quả thật, đến với người Hà Nhì, dù ai đó chưa một lần uống rượu cũng sẽ không thể từ chối vì đó là tấm lòng thành mà cả bản làng dành tặng cho khách. Rượu uống bằng bát, hết bát nhỏ đến bát to. Vừa uống vừa nghe các thiếu nữ Hà Nhì má phớt hồng múa nhịp giao duyên.

Vào ngày thứ ba kết thúc Tết Hồ Sự Chà, tức là ngày con dê (Zo - no), các gia đình làm một mâm cỗ cúng trời đất đã ban tặng cho bản làng sức khoẻ, lúa gạo và gia súc với những nghi lễ vô cùng độc đáo và linh thiêng của người dân tộc vùng xa Mường Tè này.

Hà Nhì có 2 cái Tết

Không chỉ dừng lại ở Tết Hồ Sự Chà hay hai cái lễ thiêng là "Gạ Ma Thú" và "Jé Khù Chà", người Hà Nhì còn có một cái tết nữa là giáp Tết Nguyên đán kéo dài trong năm ngày. Đây cũng là một trong những lễ hội "độc nhất vô nhị" ở huyện Mường Tè quanh năm sương khói.

Trưởng bản Thu Lũm, ông Chu Nhù Tư cho biết: "Trong cái Tết thứ hai của người Hà Nhì thì vui lắm, kéo dài đến 5 ngày trước khi vào mùa gieo giống cho bản làng. Đó là khi người dân bản có đủ sức khoẻ để đánh đuổi con ma rừng ra khỏi cửa nhà. Ngày Tết này cũng là lúc cả bản ăn mừng vì những chiến thắng vô hình".

Tết thứ hai bắt đầu vào ngày rồng và ở lần Tết này, các thủ tục được rút ngắn, họ chỉ phải mổ lợn, gà và làm bánh trôi để cúng trời. Nhưng các hoạt động vui chơi múa hát thì kéo dài hơn tất cả các lễ hội trong năm.

Sau khi giết lợn, chủ gia đình sẽ kiểm tra lá gan. Người Hà Nhì cho rằng, lá gan sẽ cho biết vận hạn trong tương lai, nếu lá gan có màu đỏ sẫm tức là năm mới sẽ nhiều may mắn, nếu có màu trắng hoặc đen tức là nhiều rủi ro, bất hạnh.

Du lịch, GO! - Theo Bee, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống