Hình ảnh nước Syria vốn dĩ không được rõ nét trong con mắt người Châu Á và nay hình ảnh đó lại còn bị làm xấu đi bởi những bất ổn chính trị trong nước. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng quốc gia này đang sở hữu một bề dày lịch sử đáng nể, sánh ngang với nền văn minh La Mã, Ai Cập hay Ba Tư. Và minh chứng hùng hồn nhất : phế tích Palmyre.
Là một người thực sự yêu thích lịch sử, tôi còn nhớ những ngày lục tất cả những quyển sách liên quan đến con đường tơ lụa ở thư viện thành phố hay thư viện trường đại học. Bạn sẽ hỏi tại sao con đường tơ lụa lại liên quan đến Palmyre. Có đấy và sự tồn tại của Palmyre gắn liền với lịch sử phát triển của con đường huyền thoại này. Khi có điều kiện, tôi sẽ viết hẳn một bài chia thành nhiều phần về nó. Còn tạm thời, ta hãy tập trung vào Palmyre, một trong 10 mắt xích quan trọng nhất của con đường tơ lụa và là minh chứng rõ nét nhất về sự giao lưu thương mại giữa Châu Á xa xôi và Châu Âu, có lẽ là một trong những di tích đầu tiên cho thấy cái mà người ta gọi là « toàn cầu hóa » (globalization) xuất hiện nhiều thế kỷ trước khi Christophe Columbus tìm ra Châu Mỹ.
Tại sao lại có tên Palmyre ? Thực ra, tên gốc của đô thị này là Tadmor, nhưng sau đó người La Mă đổi lại thành tên Palmyre có nghĩa là « thành phố của những cây cọ ». Đúng là xung quanh đô thị này là một ốc đảo với rất nhiều cây cọ. Nằm cô độc giữa một vùng sa mạc khô cằn rộng lớn, ốc đảo Palmyre là một trong số hiếm thành phố nằm ngoài lô-gích phát triển đô thị thời cổ đại. Thật vậy, nếu như đại đa số các thành phố cùng thời được xây gần nguồn nước để phát triển nông nghiệp thì Palmyre lại lọt thỏm giữa một vùng khan hiếm nước. Thực ra thì các nhà khảo cổ xác minh rằng gần Palmyre cũng có dòng nước chảy nhưng nó đã khô cằn và cạn nước từ 2000 năm trước công nguyên nên rất ít khả năng ốc đảo dựa giẫm vào trồng trọt để tồn tại. Trái lại, Palmyre thịnh vượng chủ yếu dựa vào trao đổi thương mại hàng hóa. Nếu như nhìn trên bản đồ thì chúng ta sẽ thấy rằng hoàn toàn có lý khi Palmyre nằm ở một vị trí chiến lược, là điểm giao giữa nhiều tuyến đường thông giữa Trung Đông, Tây Á và Địa Trung Hải. Nếu như ai đã đọc bài viết của tôi về thành phố Petra của Jordan thì sẽ thấy ngay rằng hai thành phố này cùng có một điểm chung : nút thắt quan trọng trong hệ thống giao lưu thương mại giữa Bắc Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải và Châu Á. Và cũng có thể nói số phận lịch sử của hai thành phố này rưa rứa giống nhau.
Thật vậy, quay lại vào đầu thế kỷ II sau công nguyên, thời kỳ hùng mạnh nhất của đế chế La Mã, cả Petra và Palmyre đều bị sát nhập vào đế chế. Dưới sự quản lý trực tiếp của người La Mã giải thích một phần vì sao Palmyre chịu nhiều ảnh hưởng về mặt kiến trúc xây dựng. Palmyre tiếp tục là một trung tâm trao đổi thương mại dưới thời La Mã trong sự yên bình và thậm chí đôi khi còn là một vương quốc độc lập liên minh của La Mã.
Tuy nhiên, một số người dẫn đầu không chịu sự ảnh hưởng La Mã đã nổi dậy chống lại họ và thất bại. Trước thái độ hỗn xược như vây, người La Mã cho quân đánh chiếm toàn bộ Palmyre và biến thành phố này thành một pháo đài làm vành đai bảo vệ đế chế chống lại sự xâm lược của những thế lực láng giềng, đặc biệt là người Ba Tư. Theo các chuyên gia sử học thì Palmyre được coi là giới hạn chính thức (biên giới) của đế chế La Mã : bên này là La Mã, còn bên kia vùng đất mà người La Mã cho là « unknown ».
Kể từ khi đế chế La Mã sụp đổ cho đến thời kỳ đế chế Ottoman, Palmyre đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm và rơi vào quên lãng. Phải chờ đến thế kỷ XVII, những thương gia người Anh đầu tiên mới để ý đến việc truy tìm lại Palmyre nhờ vào sự giúp đỡ của người dân du mục địa phương. Bẵng đi một thời gian, phải chờ đến năm 1924 thì người Pháp mới tiến hành những cuộc khai quật đầu tiên và nhờ đó tìm hiểu những bí ẩn xoay quanh phế tích Palmyre.
Về mặt quy hoạch đô thị thì Palmyre thừa hưởng 100% nền văn hóa La Mã với một trục đường chính dài hơn 1km công thêm hai hàng cột đá hai bên. Những di tích của Palmyre giúp các chuyên gia sử học khẳng định rằng thời kỳ đỉnh cao nhất của đế chế La Mã trong chiến dịch bành chướng lãnh thổ ở Trung Đông rơi vào tầm thế kỷ thứ II sau công nguyên. Đây là thời kỳ mà biên giới của đế chế được mở rộng nhất. Một khía cạnh nữa cũng phải nói đến, đó là công nghệ xây dựng của người La Mã. Để tiết kiệm thời gian, họ áp dụng đồng bộ kỹ thuật xây dựng cũng như mô hình quy hoạch đô thị cho bất cứ thành phố nào trực thuộc đế chế.
nhà hát, ví dụ điển hình cho thấy ảnh hưởng của La Mã trong quy hoạch đô thị Palmyre |
Cụ thể : dù là thành phố ở Bắc Phi, Châu Âu hay Trung Đông thì đô thị phải xây dựa trên hai trục đường chính, có các đên thờ thánh, diễn đàn forum, quốc hội, hệ thống dẫn nước sạch…Và quả thật, khi tôi đặt chân đến Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Syria thì đúng là những yếu tố trên ít hay nhiều đều được thể hiện trên những di tích còn sót lại. Những nghiên cứu về quy hoạch đô thị của Palmyre cũng cho phép các nhà khảo cổ giải thích được một câu hỏi hóc búa : làm cách nào để người dân nơi đây có thể sống khi không có nguồn nước nào chảy qua. Họ đã tìm được nguồn nước nhờ hai phương pháp : một là dự trữ nước mưa với một hệ thống các hũ nước, và hai là việc đào sâu xuống dưới lòng đất để tìm nguồn nước ngầm xung quanh Palmyre rồi sau đó xây dựng một hệ thống ống dẫn nước đưa về trung tâm.
Điều đặc biệt của Palmyre là ngoài sự thừa hưởng công nghệ xây dựng của người La Mã,các chuyên gia còn tìm thấy những ảnh hưởng về nghệ thuật trang trí xuất xứ từ đế chế Ba Tư láng giềng và những yếu tố chỉ có ở Palmyre.
Nổi bật nhất là sự xuất hiện của các lăng mộ tập thể nằm ở phía tây và ngoài vành đai của đô thị Palmyre. Truyền thống xây lăng mộ tập thể không có trong nền văn minh La Mã mà chủ yếu phổ biến ở Trung Đông. Tại khu vực này, các lăng mộ được xây theo hình thù các tháp cao.
Mỗi một tháp tương đương với kiểu mộ tổ ở nhà mình, tức là nơi mà một đại gia đình cùng chôn cất tất cả các thành viên ở dưới. Tất nhiên, chỉ có những gia đình giàu có trong xã hội Palmyre thì mới có đủ kinh tế để cho xây những công trình kiến trúc xa hoa như vậy. Phía bên trong, có thể dễ dàng nhận ra tầm ảnh hưởng của nét kiến trúc Hy-Mã với sự xuất hiện của các cột chống và trần nhà chia theo ô kẻ. Theo các nhà khảo cổ, có khoảng 400 tháp lăng mộ được xây dựng vào thời kỳ phồn thịnh của Palmyre nhưng chỉ còn sót lại khoảng hơn chục cái.
Những phế tích còn sót lại của Palmyre cũng cho phép các chuyên gia phỏng đoán được cách tổ chức quản lý xã hội của thành phố trong thời kỳ tồn tại của đế chế La Mã. Palmyre có vẻ như áp dụng gần như 100% mô hình Hy Lạp với đứng đầu là một dạng chính phủ chia làm hai phần : boulè(đảm nhiệm bởi địa chủ) và demos (đảm nhiệm bởi dân chúng). Nó cũng là mô hình tiền thân của thượng nghị viện và hạ nghị viện mà phần lớn các quốc gia theo chế độ dân quyền áp dụng ngày nay. Song song với chính phủ, Palmyre còn có tập hợp các thầy tu đảm nhiệm trọng trách tổ chức các buổi cúng lễ thần thánh, rất quan trọng trong đời sống của các xã hội thời cổ đại. Ai đã từng xem phim xác ướp Ai Cập thì đều biết quyền lực của các thầy tu Imhotep lớn như thế nào.
đên thờ thần Bel, được cho như thần tối cao của palmyre |
Về tầm quan của Palmyre trong mạng lưới trao đổi thương mại, không có gì phải nghi ngờ về việc đây là kinh đô thương mại đường bộ của Trung Đông trong khoảng thế kỷ I đến thế kỷ III sau công nguyên. Các đoàn caravan bằng lạc đà (phương tiện vận chuyển chủ yếu trong sa mạc) đến từ thảo nguyên Trung Á xa xôi đến Palmyre rồi từ đây đi tiếp đến các lưu vực thuộc nước Iran/ Irắc ngày nay và từ đó áp sắt vịnh Ba Tư để chuyển hàng lên tàu đi tiếp đến Ấn Độ hoặc bờ đông của Châu Phi.
những nét điêu khắc hình lạc đà cho phép các chuyên gia phỏng đoán về quá khứ của Palmyre như kinh đô của thương mại đường bộ |
Tất cả các tập đoàn caravan đều đổ về tập trung tại một quảng trường trung tâm của Palmyre mà các chuyên gia đặt cho cái tên agora. Để dễ mường tượng, tôi lấy chợ đồng xuân của Hà Nội như là một phiên bản bêta của agora này. Tất cả các cuộc trao đổi hàng hóa đều được diễn ra ở đây và Palmyre trục lợi ở giữa, đánh thuế « hải quan » rất nặng trên tất cả các mặt hàng. Nhưng tại sao những đoàn caravan tứ xứ vẫn phải bấm bụng trả thuế mà không dám ngo ngoe phản đối ? Bởi vì chỉ người dân Palmyre và những bộ tộc du mục trong vùng mới biết đường đi và duy nhất họ mới đủ khả năng tháp tùng đoàn caravan đến nơi giao hàng. Thuế trên các mặt hàng dùng để chi trả cho « dịch vụ » đó. Hàng từ Địa Trung Hải (ôliu, rượu vang, ngũ cốc) hay giấy papyrus, vàng, đá quý từ Bắc Phi được đưa đến đây để đổi lại tơ lụa (Trung Quốc), gia vị (Ấn Độ) hay nước hoa (Ảrập Xê út, Oman). Cái này làm tôi nhớ đến trò chơi điện tử Age of Empire hồi cấp ba.
xưa kia lạc đà là phương tiện vận chuyển hàng hóa, còn ngày nay nó là một công cụ kiếm tiền. Chụp ảnh cùng lạc đà của Palmyre, 5usd/bức. |
Vậy bằng cách nào để các chuyên gia có thể phỏng đoán được những chi tiết đó ? Tất nhiên là dựa vào những nét điêu khắc trên bề mặt cột đá hay bờ tường của các tòa nhà hay các lăng tẩm. Họ thấy hình ảnh các gia đình giàu có Palmyre mặc những trang phục được cho là xa xỉ với đầy ngọc trai (có thể là từ Ấn Độ) rồi thì trong các lăng mộ họ tìm thấy rải rác các mảnh tơ lụa còn sót lại thậm chí còn được dệt hình rồng (có thể là từ Trung Quốc xa xôi).
Hùng mạnh về kinh tế, tinh hoa về quy hoạch đô thị, bài bản về tổ chức xã hội, vậy về quân sự thì sao ? Do trao đổi thương mại bằng đường bộ là nguồn tài chính duy nhất của Palmyre nên việc xây dựng quân đội để bảo vệ các phái đoàn caravan là điều tối quan trọng. Do Palmyre còn năm dưới sự quản lý của người La Mã nên luôn có những trại lính gác xung quanh vành đai thành phố. Ngoài ra, các bộ tộc du mục hay nông dân cũng tham gia tích cực vào hệ thống phòng thủ. Họ thường cưỡi lạc đà để đánh nhau và vũ khí thường dùng là giáo hoặc cung tên.
các hiện vật được trưng bày trong một khu bảo tàng tại Palmyre cho phép ta mường tượng kiểu ăn mặc quân sự La Mã tại Trung Đông |
Tuy không được đào tạo chính quy như quân đội La Mã nhưng họ cũng rất giỏi trong lĩnh vực giáp chiến và họ ngày càng nắm giữ vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự La Mã sau này. Thật vậy, từ thế kỷ thứ III sau công nguyên thì đế chế La Mã bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự suy yếu vì phải quản lỷ cả một lãnh thổ quá rộng lớn trong khi quân thì không đủ. Vì Palmyre nằm ngay vành đai biên giới của đế chế, nhu cầu tuyển quân ngày càng lớn và người La Mã buộc phải tuyển và đào tạo các bộ tộc du mục địa phương. Đó cũng là lần đâu tiên trong lịch sử quân sự La Mã, người ta sử dụng những chiến binh không mang dòng máu Roma với những công cụ chiến tranh hoàn toàn địa phương (kỵ binh sử dụng lạc đà chứ không phải ngựa).
Pháo đài từ phía xa do người ảrập xây để làm chốt chặn bảo vệ Palmyre |
Viết dài dòng văn tự đến bây giờ, mãi vẫn chỉ nói đến đế chế La Mã. Vậy thì ta đổi chủ đề nhé. Chắc các bạn đã biết, nước Syria ngày nay là một quốc gia Hồi Giáo. Và nguồn gốc của nói bắt nguồn từ thế kỷ thứ VII sau công nguyên, tức là chỉ 200 năm sau khi đế chế La Mã sụp đổ. Sau cái chết của thánh Mohamed, các hậu duệ của ông nhận được sứ mệnh phải truyền bá đạo Hồi và quân đội của họ tấn công và đô hộ tất cả các lãnh thổ lân cận trong đó có Palmyre.
Ảnh hưởng hồi giáo cũng có thể thấy khá rõ ở Palmyre, trên nền tảng La Mã đã có sẵn. Cũng như tất cả các đô thị dưới quyền của người Ảrập, trung tâm Palmyre được bổ sung một khu chợ giời, hay còn gọi là souk. Các bài viết của tôi về Marốc hay Ai Cập đều đã để cập đế từ này và chắc chắn tôi sẽ viết thêm một bài tổng hợp về nét văn hóa truyền thống đó. Bây giờ chúng ta hãy quay lại Palmyre dưới quyền cai trị của những người Ảrập.
Với sự tại vị của dòng họ Omeyyade bắt đầu từ thế kỷ VIII sau công nguyên, một số cung điện xa hoa được xây dựng xung quanh Palmyre ví dụ như cung Hisham (Qasr el Heyr el Gharbi) . Rồi đến thế kỷ XVI, người ảrập cho xây pháo đài Qalat Ibn Maan tọa lạc trên một ngọn đồi phía tây Palmyre. Nhưng có thể thấy một điều là dưới sự cai trị của các thế lực ảrập, Palmyre không bao giờ tìm lại được ánh hào quang của một kinh đô thương mại như thời La Mã nữa.
0 comments:
Post a Comment