Huyền thoại gà chín cựa.
“Vua Hùng không biết nên chọn ai làm phò mã giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, bèn ra giao ước sính lễ: ai mang đến trước voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, ta sẽ gả Mỵ Nương…” (Chuyện cổ tích Sơn Tinh – Thủy Tinh).
Người Thái gọi đó là Khau Phạ, có nghĩa là “sừng trời”. Nơi đây được xem như là “mái nhà” của nước Việt, với đỉnh Phanxipan cao 3.143m. Đi dọc 180km dãy Hoàng Liên Sơn là đi giữa hai bờ hư – thực vén màn bí mật của chàng Sơn Tinh từ ngàn xưa, tìm về hơi ấm trong vòng tay những cô gái Thái giữa nơi thiên nhiên hoang dã…
Chúng tôi bắt đầu hành trình đi ngược dãy Hoàng Liên Sơn từ rừng quốc gia Xuân Sơn thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Điểm dừng chân khám phá đầu tiên của chúng tôi là vườn quốc gia Xuân Sơn, nơi có khu rừng nguyên sinh nằm trên những ngọn núi đá vôi tận cùng phía nam của Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đây cũng chính là nơi mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng trong truyền thuyết lập quốc của nước Việt ngàn năm…
Bí mật rừng Xuân Sơn
Con đường độc đạo dẫn sâu vào bản Cỏi, ngôi làng cổ xưa nhất của người Dao Tiền sống giữa rừng uốn lượn như một con rắn đang trườn bò, hai bên đường là những rừng cây cổ thụ cao chót vót. Anh Bùi Văn Tuyến, trưởng trạm kiểm lâm Xuân Sơn không giấu vẻ tự hào: “Không biết nơi khác thế nào, riêng Xuân Sơn có quy định bất dịch là hễ làm đường phải theo nguyên tắc đường tránh rừng, do đó con đường rất quanh co, nhưng lại giữ được rừng cây cổ thụ nằm dọc hai bên đường”.
Rừng quốc gia Xuân Sơn còn nguyên sinh lắm. Đi trong rừng, có nhiều cây cổ thụ to đến 5 – 6 người ôm không xuể. Nhiều nhất rừng Xuân Sơn là những cây chò chỉ, có cây theo anh Tuyến đến cả trăm mét chiều cao. Xuân Sơn được đánh giá là một trong ba vườn quốc gia đa dạng sinh học thuộc loại nhất nước.
Loài đặc hữu ở đây là cầy bay. Đàn sơn dương ở các khu rừng này khá đông đảo. Dân kiểm lâm đi tuần rừng thỉnh thoảng vẫn thấy dấu vết của gấu, cọp…
Chúng tôi háo hức theo chân anh Tuyến đi vào bản Cỏi. Câu chuyện chúng tôi rôm rả hơn khi được biết, đây chính là nơi còn tồn tại loài gà chín cựa, một trong những lễ vật “thách cưới” mà vua Hùng dùng để tuyển chọn phò mã trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Bản Cỏi nằm tận cùng của con đường xuyên rừng già. Một bản làng thanh bình với những cái cối giã gạo chạy bằng guồng nước suối, những nếp nhà tranh vách gỗ đơn sơ và hai cây chò chỉ cao ngất còn sót lại như để làm “biểu tượng” của bản…
Chúng tôi đi khắp bản để tìm những chú gà huyền thoại. Và rồi “báu vật của Sơn Tinh” cũng xuất hiện: một chú gà chín cựa đang “cục cục cục…” quanh đàn gà mái.
Thoạt nhìn, chú gà có vẻ ngoài cũng như những loại gà thường được nuôi khác, nhưng khi nhìn kỹ, phía sau chân của chúng là một chùm cựa tua tủa. Bắt được chúng là cả một kỳ công, vì gà nơi đây được nuôi thả rông như gà rừng, chúng bay rất cao và chạy rất nhanh. Một chị người Dao tay bế tay bồng hai đứa con nhỏ rú lên: “Ối giời, tưởng tìm cái gì, hóa ra tìm gà nhiều cựa, trong bản có đầy các chú ạ…”
Gà chín cựa, một huyền thoại của Xuân Sơn
Ông Lý Phúc Lâm, một cư dân bản Cỏi cho biết: “Gà “chín cựa” ở bản Cỏi không còn nhiều vì mới vừa qua một trận dịch. Tự nhiên thôi chứ có gì đâu”. Nhiều người khi nghe nhắc tới truyền thuyết Sơn Tinh được vua Hùng gả Mỵ Nương vì đã tìm được gà chín cựa đã cười ngất: “Ngày ấy mà có dân bản Cỏi, chưa chắc Sơn Tinh đã lấy được nàng Mỵ Nương, vì ở bản gần như nhà nào cũng có gà chín cựa, chẳng cần báu vật làm gì, chúng tôi thịt tất!”
Chúng tôi tìm đến nhà bà Hà Thị Tình ở xóm Lấp, người được dân bản giới thiệu là nuôi nhiều gà “chín cựa” nhất rừng Xuân Sơn. Bà Tình thản nhiên ra sau vườn “cục cục cục…” gọi gà về cho ăn và bắt vài con cho chúng tôi quay phim, chụp ảnh. Đây, một chú gà trống đếm được tám “cựa”, hai bên chân có đến sáu chiếc cựa thừa mọc thành chùm, thêm một cặp cựa thứ thiệt nữa rõ ràng là tám. Kia, một chị gà mái cũng có đến sáu cựa, một chú gà choai choai cũng rõ ràng đeo đến tám cựa… cả một đàn gà đích thực là “báu vật” của Sơn Tinh đang nằm gọn trong ổ gà nhà bà Tình.
Bà Tình cho hay, loài gà này tự nhiên mà có ở Xuân Sơn, ban đầu dân bản cũng thấy lạ, nhưng thôi “gà nào cũng là gà” cứ mang ra thịt cho no say. Gần đây, khách du lịch ùn ùn tìm đến mua về làm quà cho miền xuôi, nên dân bản thấy lạ và bắt đầu lên giá. Giá bán một con gà độc đáo này thường hơn gấp đôi giá gà loại thường, nhưng bà Tình cũng “bật mí” thêm, người mua mang về xuôi thì nhiều, nhưng khi về phố không sống được, hình như loại gà này chỉ sống được ở rừng Xuân Sơn nên sau này dân từ phố lên cứ đòi chén gà ngay tại chỗ. Vậy là bà con xóm Lấp, mở ngay một quán đặc sản mang tên “gà chín cựa”. Nhưng chưa thấy ai rao “đặc sản” voi chín ngà, ngựa chín hồng mao…
Không biết có phải vì xem đây là vùng rừng núi gắn với đất tổ vua Hùng hay không mà đã có một doanh nghiệp, đơn vị đã đầu tư hàng ngàn tỉ làm hai đại công trình “du lịch tâm linh cội nguồn” là chùa Bái Đính và khu du lịch Trường An ở Ninh Bình được xem là nơi ông tổ Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển. Và giờ đây họ đang khảo sát và chọn nơi này làm nơi ghi dấu bà tổ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng theo đúng như truyền thuyết con rồng cháu tiên của nước Việt…
Đêm trong bản Thái
Vậy là chúng tôi cũng đặt chân đến được Mường Lò, một Mường Thái cổ – cái nôi của sáu điệu xoè Thái cổ nhất vùng Tây Bắc. Người ta nói: đến Mường Lò mà không ngất ngây men rượu trong vòng tay các thiếu nữ Thái của đêm xoè bất tận là chưa thể nói đã đến Mường Lò…
Chúng tôi đến bản Hốc (thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) để tìm hiểu hai trong số những nét văn hoá nổi tiếng của người Thái, đó là bữa cơm và điệu xoè.
“Mời chàng… ăn rêu đá”
Hoàng Thị Gấm, một cô gái Thái xinh đẹp vừa bước qua tuổi đôi mươi, cho biết: “Bữa cơm thường ngày trong bản của người Thái có tới 14 món ăn chơi” đầy những “rau hoang cỏ dại”. Chỉ với những loại rau thôi đã cho thấy sự tinh tế trong ẩm thực của người dân tộc Thái: nào là hoa ban, rau thối, cỏ dầy, mầm trầu, quả mắc hói, măng tươi và đặc biệt hơn cả là măng lau. Thứ cỏ bông lau to bông còn nằm trong măng có thể ăn sống hoặc luộc lên ăn khá ngon.
Các món thuộc loại “động vật hoang dã” có cá chép suối và chim én. Các thứ gạo, nếp thơm ngon của Mường Lò thì được chế biến thành cơm màu, cơm lam, xôi ngũ sắc…
Đã từng “ăn nhờ, ở đậu” ở nhiều bản làng Thái trắng cũng như Thái, thế nhưng ở bản Hốc, lần đầu tiên chúng tôi được nghe những cô gái Thái giới thiệu bữa cơm chiều nay sẽ có món rêu đá. Hai cô gái Thái, Hoàng Thị Gấm, Hoàng Thị Thiềng, đích thân đưa chúng tôi ra con suối Nhì đầu bản để bắt đầu “nhập môn” món đặc sản rêu đá.
Con suối Nhì chiều nay trời gió mùa về se lạnh, nhưng có nhiều cô gái Thái đang rất tự nhiên tắm “ải êm” (tắm tiên), bởi dòng nước nơi đây có sẵn một mỏ nước khoáng nóng, bất kể mùa hè hay mùa đông, các cô gái Thái đều ra đây để “ải êm”. Cái cách hái rêu của hai cô gái Thái rất thuần thục, các cô cứ đi dần ra giữa suối và dùng chân dò rêu mọc trên đá, nước dâng tới đâu tay các cô kéo chiếc váy hua a xỉn lên tới đó, không hề ướt váy và cũng không hề ngơi tay hái rêu dưới làn nước.
Thấy chúng tôi tỏ ra tiếc nuối khi hôm nay suối khá cạn, hai cô gái Thái ra đến nơi sâu nhất vẫn chỉ quá bắp chân. Nhưng anh chàng người Thái đi cùng lắc đầu cười vang: “Các anh chờ đến sang năm cũng không thấy được điều kỳ diệu đâu, các cô gái Thái luôn có cách hái rêu ở những nơi sâu nhất. Nước dâng đến đâu, váy được vén cao đến đấy. Nếu nước đến ngang thắt lưng, các cô vén váy lên cao tận ngực để hạ mình hái rêu, khi phải ngồi xuống lòng suối khi nước đến cổ thì váy được cuốn lên tận đỉnh đầu. Khi vớt đầy rêu, các cô sẽ từ từ nhô lên, nước rút đến đâu, áo váy phủ kín dần thân thể đến đó”.
Hoàng Thị Thiềng cho biết: “Ngoài món “keng tau” (canh rêu), chúng em làm được đến hàng chục món rêu đá khác nhau như rêu xào thịt trâu, thịt bò, rêu ướp lá chuối nướng tro, rêu um gà vịt… đặc biệt là món “cay pho” (rêu nướng). Món rêu nướng có thể nói là một đặc sản của Mường Lò. Để làm món này luôn phải có mắc khén, một loại hạt tiêu rừng, hạt sẻ, hạt dổi, rau húng chó, ớt, gừng, lá chanh…
Sau khi rêu đá được vò đập cho sạch nhớt, bùn, nêm nếm gia vị và cho thêm một ít lòng đỏ trứng gà, một chút thịt mỡ. Rêu được cuốn như cách người ta cuốn bò cuốn mỡ chài thành từng miếng xinh xinh và xâu vào thanh gắp mang nướng trên bếp than hồng.
Món rêu đá quả thật có hương vị quá đỗi đặc trưng, chưa qua tuần rượu trắng mà đã thấy nồng nàn ấm áp của đôi tay giỏi giang của các cô gái Thái…
Không xoè trai gái không thành đôi…
Đêm nay, một vòng xoè của các cô gái Thái được mở ra. Với người Thái xoè là một đặc trưng, nó như hơi thở, như máu chảy trong tim. Người Thái luôn có đầu môi về xoè: “Không xoè không tốt lúa. Không xoè thóc không đầy bồ, không xoè trai gái không thành đôi”. Xoè Thái là biểu hiện rõ nét nhất của triết lý âm – dương, trời – đất, lửa – nước, tình yêu trai gái của vùng núi Tây Bắc.
Xoè Thái có đến 32 điệu xoè cổ như xoè đập lúa, xoè đập lưng, xòe múa nón, xoè đôi… Và vòng xoè đêm nay ở bản Hốc cũng được mở ra với tinh thần như thế. Quanh ánh lửa bập bùng, chỉ với nhịp đàn tính tẩu, những cô gái Thái như hoá hồn vào sông vào suối Mường Lò.
Bên ánh lửa, vòng xoè gần như bất tận, rượu được rót ra từ đôi tay những cô gái Thái và trong tiếng nhạc xoè trầm bổng, những vòng tay kết nối, đong đưa, những vũ điệu thướt tha lụa là khăn quạt, những chén rượu nồng say ân tình…
“Vào đây anh, tay cầm tay múa xoè cùng em… Đừng sợ say, đây đôi tay ngà, chén em dâng đầy… Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang về xuôi…” Không, có lẽ nhiều người trong chúng tôi đã không mang ánh trăng Mường Lò về xuôi, mà có ai đó đã mang về hình ảnh những cô gái Thái đẹp như bức tranh núi rừng trong những điệu xoè nồng nàn, tha thiết…
Còn tiếp
Binh Nguyên – Đoàn Đạt
Ngược dốc Sừng Trời - Kỳ 2
Du lịch, GO! - Theo ThegioiF5
“Vua Hùng không biết nên chọn ai làm phò mã giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, bèn ra giao ước sính lễ: ai mang đến trước voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, ta sẽ gả Mỵ Nương…” (Chuyện cổ tích Sơn Tinh – Thủy Tinh).
Người Thái gọi đó là Khau Phạ, có nghĩa là “sừng trời”. Nơi đây được xem như là “mái nhà” của nước Việt, với đỉnh Phanxipan cao 3.143m. Đi dọc 180km dãy Hoàng Liên Sơn là đi giữa hai bờ hư – thực vén màn bí mật của chàng Sơn Tinh từ ngàn xưa, tìm về hơi ấm trong vòng tay những cô gái Thái giữa nơi thiên nhiên hoang dã…
Chúng tôi bắt đầu hành trình đi ngược dãy Hoàng Liên Sơn từ rừng quốc gia Xuân Sơn thuộc huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Điểm dừng chân khám phá đầu tiên của chúng tôi là vườn quốc gia Xuân Sơn, nơi có khu rừng nguyên sinh nằm trên những ngọn núi đá vôi tận cùng phía nam của Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đây cũng chính là nơi mẹ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng trong truyền thuyết lập quốc của nước Việt ngàn năm…
Bí mật rừng Xuân Sơn
Con đường độc đạo dẫn sâu vào bản Cỏi, ngôi làng cổ xưa nhất của người Dao Tiền sống giữa rừng uốn lượn như một con rắn đang trườn bò, hai bên đường là những rừng cây cổ thụ cao chót vót. Anh Bùi Văn Tuyến, trưởng trạm kiểm lâm Xuân Sơn không giấu vẻ tự hào: “Không biết nơi khác thế nào, riêng Xuân Sơn có quy định bất dịch là hễ làm đường phải theo nguyên tắc đường tránh rừng, do đó con đường rất quanh co, nhưng lại giữ được rừng cây cổ thụ nằm dọc hai bên đường”.
Rừng quốc gia Xuân Sơn còn nguyên sinh lắm. Đi trong rừng, có nhiều cây cổ thụ to đến 5 – 6 người ôm không xuể. Nhiều nhất rừng Xuân Sơn là những cây chò chỉ, có cây theo anh Tuyến đến cả trăm mét chiều cao. Xuân Sơn được đánh giá là một trong ba vườn quốc gia đa dạng sinh học thuộc loại nhất nước.
Loài đặc hữu ở đây là cầy bay. Đàn sơn dương ở các khu rừng này khá đông đảo. Dân kiểm lâm đi tuần rừng thỉnh thoảng vẫn thấy dấu vết của gấu, cọp…
Chúng tôi háo hức theo chân anh Tuyến đi vào bản Cỏi. Câu chuyện chúng tôi rôm rả hơn khi được biết, đây chính là nơi còn tồn tại loài gà chín cựa, một trong những lễ vật “thách cưới” mà vua Hùng dùng để tuyển chọn phò mã trong truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh. Bản Cỏi nằm tận cùng của con đường xuyên rừng già. Một bản làng thanh bình với những cái cối giã gạo chạy bằng guồng nước suối, những nếp nhà tranh vách gỗ đơn sơ và hai cây chò chỉ cao ngất còn sót lại như để làm “biểu tượng” của bản…
Chúng tôi đi khắp bản để tìm những chú gà huyền thoại. Và rồi “báu vật của Sơn Tinh” cũng xuất hiện: một chú gà chín cựa đang “cục cục cục…” quanh đàn gà mái.
Thoạt nhìn, chú gà có vẻ ngoài cũng như những loại gà thường được nuôi khác, nhưng khi nhìn kỹ, phía sau chân của chúng là một chùm cựa tua tủa. Bắt được chúng là cả một kỳ công, vì gà nơi đây được nuôi thả rông như gà rừng, chúng bay rất cao và chạy rất nhanh. Một chị người Dao tay bế tay bồng hai đứa con nhỏ rú lên: “Ối giời, tưởng tìm cái gì, hóa ra tìm gà nhiều cựa, trong bản có đầy các chú ạ…”
Gà chín cựa, một huyền thoại của Xuân Sơn
Ông Lý Phúc Lâm, một cư dân bản Cỏi cho biết: “Gà “chín cựa” ở bản Cỏi không còn nhiều vì mới vừa qua một trận dịch. Tự nhiên thôi chứ có gì đâu”. Nhiều người khi nghe nhắc tới truyền thuyết Sơn Tinh được vua Hùng gả Mỵ Nương vì đã tìm được gà chín cựa đã cười ngất: “Ngày ấy mà có dân bản Cỏi, chưa chắc Sơn Tinh đã lấy được nàng Mỵ Nương, vì ở bản gần như nhà nào cũng có gà chín cựa, chẳng cần báu vật làm gì, chúng tôi thịt tất!”
Chúng tôi tìm đến nhà bà Hà Thị Tình ở xóm Lấp, người được dân bản giới thiệu là nuôi nhiều gà “chín cựa” nhất rừng Xuân Sơn. Bà Tình thản nhiên ra sau vườn “cục cục cục…” gọi gà về cho ăn và bắt vài con cho chúng tôi quay phim, chụp ảnh. Đây, một chú gà trống đếm được tám “cựa”, hai bên chân có đến sáu chiếc cựa thừa mọc thành chùm, thêm một cặp cựa thứ thiệt nữa rõ ràng là tám. Kia, một chị gà mái cũng có đến sáu cựa, một chú gà choai choai cũng rõ ràng đeo đến tám cựa… cả một đàn gà đích thực là “báu vật” của Sơn Tinh đang nằm gọn trong ổ gà nhà bà Tình.
Bà Tình cho hay, loài gà này tự nhiên mà có ở Xuân Sơn, ban đầu dân bản cũng thấy lạ, nhưng thôi “gà nào cũng là gà” cứ mang ra thịt cho no say. Gần đây, khách du lịch ùn ùn tìm đến mua về làm quà cho miền xuôi, nên dân bản thấy lạ và bắt đầu lên giá. Giá bán một con gà độc đáo này thường hơn gấp đôi giá gà loại thường, nhưng bà Tình cũng “bật mí” thêm, người mua mang về xuôi thì nhiều, nhưng khi về phố không sống được, hình như loại gà này chỉ sống được ở rừng Xuân Sơn nên sau này dân từ phố lên cứ đòi chén gà ngay tại chỗ. Vậy là bà con xóm Lấp, mở ngay một quán đặc sản mang tên “gà chín cựa”. Nhưng chưa thấy ai rao “đặc sản” voi chín ngà, ngựa chín hồng mao…
Không biết có phải vì xem đây là vùng rừng núi gắn với đất tổ vua Hùng hay không mà đã có một doanh nghiệp, đơn vị đã đầu tư hàng ngàn tỉ làm hai đại công trình “du lịch tâm linh cội nguồn” là chùa Bái Đính và khu du lịch Trường An ở Ninh Bình được xem là nơi ông tổ Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển. Và giờ đây họ đang khảo sát và chọn nơi này làm nơi ghi dấu bà tổ Âu Cơ dẫn 50 người con lên rừng theo đúng như truyền thuyết con rồng cháu tiên của nước Việt…
Đêm trong bản Thái
Vậy là chúng tôi cũng đặt chân đến được Mường Lò, một Mường Thái cổ – cái nôi của sáu điệu xoè Thái cổ nhất vùng Tây Bắc. Người ta nói: đến Mường Lò mà không ngất ngây men rượu trong vòng tay các thiếu nữ Thái của đêm xoè bất tận là chưa thể nói đã đến Mường Lò…
Chúng tôi đến bản Hốc (thuộc xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) để tìm hiểu hai trong số những nét văn hoá nổi tiếng của người Thái, đó là bữa cơm và điệu xoè.
“Mời chàng… ăn rêu đá”
Hoàng Thị Gấm, một cô gái Thái xinh đẹp vừa bước qua tuổi đôi mươi, cho biết: “Bữa cơm thường ngày trong bản của người Thái có tới 14 món ăn chơi” đầy những “rau hoang cỏ dại”. Chỉ với những loại rau thôi đã cho thấy sự tinh tế trong ẩm thực của người dân tộc Thái: nào là hoa ban, rau thối, cỏ dầy, mầm trầu, quả mắc hói, măng tươi và đặc biệt hơn cả là măng lau. Thứ cỏ bông lau to bông còn nằm trong măng có thể ăn sống hoặc luộc lên ăn khá ngon.
Các món thuộc loại “động vật hoang dã” có cá chép suối và chim én. Các thứ gạo, nếp thơm ngon của Mường Lò thì được chế biến thành cơm màu, cơm lam, xôi ngũ sắc…
Đã từng “ăn nhờ, ở đậu” ở nhiều bản làng Thái trắng cũng như Thái, thế nhưng ở bản Hốc, lần đầu tiên chúng tôi được nghe những cô gái Thái giới thiệu bữa cơm chiều nay sẽ có món rêu đá. Hai cô gái Thái, Hoàng Thị Gấm, Hoàng Thị Thiềng, đích thân đưa chúng tôi ra con suối Nhì đầu bản để bắt đầu “nhập môn” món đặc sản rêu đá.
Con suối Nhì chiều nay trời gió mùa về se lạnh, nhưng có nhiều cô gái Thái đang rất tự nhiên tắm “ải êm” (tắm tiên), bởi dòng nước nơi đây có sẵn một mỏ nước khoáng nóng, bất kể mùa hè hay mùa đông, các cô gái Thái đều ra đây để “ải êm”. Cái cách hái rêu của hai cô gái Thái rất thuần thục, các cô cứ đi dần ra giữa suối và dùng chân dò rêu mọc trên đá, nước dâng tới đâu tay các cô kéo chiếc váy hua a xỉn lên tới đó, không hề ướt váy và cũng không hề ngơi tay hái rêu dưới làn nước.
Thấy chúng tôi tỏ ra tiếc nuối khi hôm nay suối khá cạn, hai cô gái Thái ra đến nơi sâu nhất vẫn chỉ quá bắp chân. Nhưng anh chàng người Thái đi cùng lắc đầu cười vang: “Các anh chờ đến sang năm cũng không thấy được điều kỳ diệu đâu, các cô gái Thái luôn có cách hái rêu ở những nơi sâu nhất. Nước dâng đến đâu, váy được vén cao đến đấy. Nếu nước đến ngang thắt lưng, các cô vén váy lên cao tận ngực để hạ mình hái rêu, khi phải ngồi xuống lòng suối khi nước đến cổ thì váy được cuốn lên tận đỉnh đầu. Khi vớt đầy rêu, các cô sẽ từ từ nhô lên, nước rút đến đâu, áo váy phủ kín dần thân thể đến đó”.
Hoàng Thị Thiềng cho biết: “Ngoài món “keng tau” (canh rêu), chúng em làm được đến hàng chục món rêu đá khác nhau như rêu xào thịt trâu, thịt bò, rêu ướp lá chuối nướng tro, rêu um gà vịt… đặc biệt là món “cay pho” (rêu nướng). Món rêu nướng có thể nói là một đặc sản của Mường Lò. Để làm món này luôn phải có mắc khén, một loại hạt tiêu rừng, hạt sẻ, hạt dổi, rau húng chó, ớt, gừng, lá chanh…
Sau khi rêu đá được vò đập cho sạch nhớt, bùn, nêm nếm gia vị và cho thêm một ít lòng đỏ trứng gà, một chút thịt mỡ. Rêu được cuốn như cách người ta cuốn bò cuốn mỡ chài thành từng miếng xinh xinh và xâu vào thanh gắp mang nướng trên bếp than hồng.
Món rêu đá quả thật có hương vị quá đỗi đặc trưng, chưa qua tuần rượu trắng mà đã thấy nồng nàn ấm áp của đôi tay giỏi giang của các cô gái Thái…
Không xoè trai gái không thành đôi…
Đêm nay, một vòng xoè của các cô gái Thái được mở ra. Với người Thái xoè là một đặc trưng, nó như hơi thở, như máu chảy trong tim. Người Thái luôn có đầu môi về xoè: “Không xoè không tốt lúa. Không xoè thóc không đầy bồ, không xoè trai gái không thành đôi”. Xoè Thái là biểu hiện rõ nét nhất của triết lý âm – dương, trời – đất, lửa – nước, tình yêu trai gái của vùng núi Tây Bắc.
Xoè Thái có đến 32 điệu xoè cổ như xoè đập lúa, xoè đập lưng, xòe múa nón, xoè đôi… Và vòng xoè đêm nay ở bản Hốc cũng được mở ra với tinh thần như thế. Quanh ánh lửa bập bùng, chỉ với nhịp đàn tính tẩu, những cô gái Thái như hoá hồn vào sông vào suối Mường Lò.
Bên ánh lửa, vòng xoè gần như bất tận, rượu được rót ra từ đôi tay những cô gái Thái và trong tiếng nhạc xoè trầm bổng, những vòng tay kết nối, đong đưa, những vũ điệu thướt tha lụa là khăn quạt, những chén rượu nồng say ân tình…
“Vào đây anh, tay cầm tay múa xoè cùng em… Đừng sợ say, đây đôi tay ngà, chén em dâng đầy… Mai xa rồi, trăng Mường Lò anh mang về xuôi…” Không, có lẽ nhiều người trong chúng tôi đã không mang ánh trăng Mường Lò về xuôi, mà có ai đó đã mang về hình ảnh những cô gái Thái đẹp như bức tranh núi rừng trong những điệu xoè nồng nàn, tha thiết…
Còn tiếp
Binh Nguyên – Đoàn Đạt
Ngược dốc Sừng Trời - Kỳ 2
Du lịch, GO! - Theo ThegioiF5
0 comments:
Post a Comment