Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Monday, 5 December 2011

Từ thành phố Long Xuyên, theo tỉnh lộ 943, băng qua những cánh đồng lúa chín vàng mơ mênh mang tận chân trời, du khách đến thị trấn núi Sập, thủ phủ của huyện Thoại Sơn.

Vượt dòng Thoại Giang đi thêm hơn 10 cây số nữa, ta sẽ tới thị trấn Óc Eo, nơi đây được các nhà khảo cổ xem như là “cái rốn”, trung tâm của nền văn minh, văn hóa Óc Eo.

Văn hoá Óc Eo là  tên gọi chung của một nền văn minh gắn liền với vương quốc Phù Nam huyền thoại, có địa bàn  trải rộng từ Tây đến Đông Nam bộ ngày nay. Trải qua trên dưới một ngàn năm trăm năm với bao biến động của thiên nhiên và lịch sử, nền văn hóa ấy đã bị mai một và dần rơi vào  quên lãng.

Ở thị trấn Óc Eo, có một ngôi chùa được người dân gọi bằng cái tên rất ấn tượng là chùa Phật Bốn Tay, tên chữ là “Linh Sơn cổ tự”.

Từ chợ Óc Eo, theo con đường nhựa nhỏ đi vòng hướng đông nam của núi Ba Thê một đỗi, du khách sẽ gặp cổng chùa hiện ra ở mé triền núi. Đầu tiên ta đụng mặt hai chú sư tử bằng sứ màu xanh trên đầu  trụ cổng ở vòng thành ngoài, theo nhiều bậc tam cấp, du khách đến cổng chính có hàng chữ  “Linh Sơn cổ tự”  đỏ chót. Cổng chùa mô phỏng kiến trúc tam quan cổ, có cách tân; hai bên cổng có bốn câu đối và bốn hàng đại tự xiển dương Phật pháp.

Bước vào sân chùa du khách lọt giữa một không gian u tĩnh với rừng cây sao, dầu cao vút, gió núi rì rào, lá khô xào xạc trên lối đi.

Chánh điện chùa Linh Sơn ở Óc Eo thờ pho tượng Phật Bốn Tay. Pho tượng nầy có hình thể và nét mặt không giống như những tượng Phật thường gặp ở đa số các chùa chiền thuộc hệ phái Bắc tông. Tượng Phật Bốn Tay mặc y tiểu thừa, vẻ mặt và hình dạng ngài phốp pháp, sắc màu lam nhã, mắt mở lớn, ngồi kiết già và mỗi tay cầm một linh vật nhỏ. Tay phải trên cầm xâu chuỗi. Tay trái trên bắt ấn, tay phải dưới cầm chuông nhỏ, tay kia cầm trái châu. Đặc biệt ngài có đội chiếc nón như các vị Lạt Ma Tây Tạng. Nguyên tượng bằng đá đen, bán thân, về sau được gia cố thành tư thế ngồi.

Theo lời kể của sư trụ trì Thích Thiện Trí và lời truyền tụng trong dân gian thì vào năm 1913, khi người Pháp cho xe ủi đất làm đường và xây bót Ba Thê dưới chân núi, gần chợ, người ta phát hiện một pho tượng bằng đá đen có bốn tay, cao 1,7 mét, còn nguyên vẹn, nằm sâu dưới mặt đất khoảng 2 mét.

Người Khmer quanh vùng tập họp thanh niên trai tráng khỏe mạnh khiêng tượng về núi để thờ, vì cho đó là tượng Neata Phrom tức thần Núi - theo tín ngưỡng thờ ông Tà của người Campuchia. Nhưng không hiểu vì sao tượng quá nặng, không sao di chuyển nổi. Sau nhờ những bô lão người Kinh đứng ra lập bàn thờ khấn vái. Thật lạ lùng, lúc ấy pho tượng mới được khiêng đi nhẹ nhàng.

Trước đó, hai tấm bia đá bùn cũng đã được tìm thấy. Mỗi bia cao khoảng 1,8 mét, dày khoảng 20 cm, bề ngang khoảng 80 cm. Trên bia có khắc chi chít cổ tự, không ai đọc được. Đặc biệt, khi đặt tượng Phật vào giữa hai tấm bia này thì rất khít khao. Do sự linh ứng ấy, dân chúng quanh vùng góp công của  xây dựng chùa Linh Sơn để thờ phụng và cũng từ đó, chùa có tên dân gian là chùa Phật Bốn Tay cho đến ngày nay.

Chùa Phật Bốn Tay có khuôn viên rộng khoảng 4.000 mét vuông. Chánh điện có kiến trúc đơn giản, diện tích chừng 100 mét vuông, quét vôi vàng, mái lợp ngói vảy cá, hai góc mái trước được đắp rồng uốn lượn. Nhưng pho tượng Phật bốn tay được coi là “báu vật” vô giá.

Hòa thượng Thích Thiện Trí trụ trì từ năm 1967 cho biết: chùa Linh Sơn do sư tổ Thiết Ma Nhiên Chánh khai sơn năm 1912, tượng Phật đem về chùa  sau một năm (1913). Chùa được trùng tu năm 1983.

Pho tượng Phật bốn tay là một di sản văn hóa Óc Eo, có cùng niên đại với tượng Bà Chúa Xứ ở núi Sam, Châu Đốc. Trong các chùa chiền Phật Giáo Việt Nam xưa nay không thấy có thờ tượng Phật bốn tay, chỉ có tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn có 18 tay. Theo các nhà nghiên cứu, thật ra, tượng Phật bốn tay chính là tượng thần Visnu có rắn thần Naga bảy đầu tạo thành tán che phía sau. Riêng hai bia đá có chữ khắc vẫn chưa được giải mã, đây là loại cổ tự có cùng gốc với chữ Brami của người Ấn Độ, được sử dụng từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI sau công nguyên.

Ở phía sau chùa Phật Bốn Tay, gần di chỉ Nam Linh Sơn (thành cổ Óc Eo) có một cây dầu mọc từ gốc lên bốn nhánh thân suông thẳng đều tỏa ra rất lạ, thon thả như những ngón tay! Dân địa phương gọi cây dầu nầy là cây Bốn Ngón. Cây Bốn Ngón thuộc họ khộp (dầu lông) cao chừng 50 mét, mình trơn. Có người còn cho đó là những ngón tay của Phật (?!).

Về thành cổ Óc Eo, xem tượng Phật Bốn Tay, cây Bốn Ngón, du khách như ngược về quá khứ, đắm mình trong không gian một thời của vương quốc Phù Nam, nay chỉ còn là huyền thoại.

Du lịch, GO! - Theo SGT

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống