Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Tuesday, 30 April 2013

Sẽ rất khó để lột tả hết vẻ đẹp của đầm Cầu Hai bằng lời, bởi thiên nhiên, cảnh vật và đời sống con người nơi đây, dường như vượt quá xa những khái niệm, quy chuẩn về "vẻ đẹp".

Đã có rất nhiều những nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên lẫn không chuyên đến nơi đây và mang về cho người xem những tấm ảnh tuyệt diệu. Tuy nhiên, đầm Cầu Hai vẫn còn nguyên đó những vẻ đẹp kỳ thú mà bất cứ ai cũng có thể khai thác.

Đầm Cầu Hai là khu đầm lớn nhất trong hệ thống đầm của phá Tam Giang với chu vi lên đến hơn 100km, nằm ở phía Nam - trên địa phận huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

< Đầm Cầu Hai ở cửa Tư Hiền.

Để đến được đây thì bạn có thể đi theo hai đường: một là từ ngã 3 sân bay Phú Bài, đi theo đường Phú Bài - Trường Hà hướng ra biển, gặp QL 49B rẽ phải khoảng 30km là cửa Tư Hiền, đó là nơi chụp đầm Cầu Hai đẹp nhất, hoặc là đi theo QL 1A từ Huế vào Đà Nẵng, đến khu vực Ga Cầu Hai sẽ thấy ngay bên trái là đầm Cầu Hai. Đi thêm khoảng 8km nữa là lại gặp QL 49B để rẽ trái vào cửa Tư Hiền được.

< Sửa lưới trên Phá Tam Giang.

Khi đến với Đầm Cầu Hai bạn đừng quên đem theo một chiếc máy ảnh vì đây sẽ là một nơi lý tưởng để bạn trổ tài chụp hình của mình đấy. Lúc sáng tinh mơ, chiều nắng vàng, hoàng hôn, hoặc ngày mây vần vũ là thời điểm thích hợp để có những bức ảnh tuyệt vời đấy.

Ảnh chụp lúc 8h sáng tại cầu Tư Hiền, cách Huế 70km, cầu này bắc ngang qua đầm Cầu Hai.
Đừng lo vì mình đến không đúng thời điểm, trong thời gian chờ đợi bạn có thể mua thức ăn của dân và ăn trên đầm cũng là một trải nghiệm khá thú vị.

Còn nếu bạn nào có nhu cầu ở lại thì có thể đi ven QL 1A hoặc sát biển, gần cửa Tư Hiền kiểu gì cũng có nhà nghỉ.

Một số địa điểm gợi ý để bạn chụp ảnh:
- Cửa Tư Hiền
- Khu ga Đá Bạc, Cầu Hai, Thừa Lưu
- Chùa Túy Vân (phía gần biển, cách cửa Tư Hiền khoảng 3km về phía Bắc)

Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai là tổng thể đầm phá ven biển miền Trung Việt Nam thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế. Khu đầm này trải dài 68 km thuộc địa phận năm huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, và Phú Lộc.

Về mặt địa lý khu đầm này là bốn đầm nối nhau từ bắc xuống nam gồm:
- Đần Phá Tam Giang
- Đầm Sam
- Đầm Hà Trung-Thủy Tú
- Đầm Cầu Hai.
Các đầm có những dải đất dài gồm những đụn cát cao ngăn đầm với biển. Có nơi cồn cát cao đến 20 m.

Đầm Phá Tam Giang chạy dài khoảng 27 km bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương với diện tích 5.200 ha. Phá thông với biển bằng mỗi cửa Thuận An. Còn Đầm Sam nhỏ hơn với diện tích 1.620 ha, không thông ra biển.
Đầm Hà Trung-Thủy Tú dài và hẹp với diện tích 3.600 ha cũng là đầm kín không thông ra biển. Riêng Đầm Cầu Hai là lớn nhất với diện tích 11.200 ha. Cửa Tư Hiền thông đầm Cầu Hai với biển Đông.
Hệ đầm hứng nước gần như tất cả các con sông lớn trong tỉnh Thừa Thiên nên nước đầm tương đối ngọt rồi chuyển sang nước lợ vào mùa khô.

Vì được cấu tạo bởi những động lực từ các nguồn sông, lũ, bão và sóng biển, quần thể đầm phá Tam Giang - Cầu Hai từng biến chuyển qua nhiều thời kỳ. Gần đây nhất năm 1953 cửa Tư Hiền bị cát lấp, mãi đến năm 1959 mới mở lại.

Cửa Thuận An cũng đã di dịch tùy vào thủy văn. Đặc biệt nhất là năm 1999 khi có lũ lớn, hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mở thêm ba cửa thông ra biển: cửa Hòa Duân, cửa Vinh Hải, và cửa Lộc Thủy. Những cửa này không tồn tại lâu dài vì sau đó ít lâu lại bị cát bồi lấp đi.

Du lịch, GO! - Theo Xóm Nhiếp Ảnh, Wikipedia...
Nguy hiểm nhưng đèo Hải Vân vẫn được coi là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Việt Nam. Đèo Hải Vân nằm trên một dải núi cao thuộc dãy Trường Sơn, dải núi này cắt ngang phần lãnh thổ đất nước từ khu vực biên giới phía Tây tới tận sát bờ biển, nên được coi là danh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng.

Đèo Hải Vân dài hơn 20km, đường qua đèo đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Do địa hình phức tạp, độ dốc tương đối cao, đường quanh co liên tục với nhiều đoạn cua rất nguy hiểm, lại thêm hay sụt lở về mùa mưa, nên trước khi hầm Hải Vân được xây dựng và đi vào hoạt động, đèo Hải Vân là con đèo nguy hiểm bậc nhất Việt Nam, là nỗi lo cho bất kỳ tài xế, hành khách nào khi di chuyển qua khu vực này.

< Một đoạn đèo từ trên cao nhìn xuống.

Nguy hiểm là thế, nhưng đèo Hải Vân đồng thời cũng được coi là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Việt Nam với một bên là biển xanh mênh mông, thăm thẳm, một bên là núi non điệp trùng, cảnh sắc vô cùng ngoạn mục.

< Một cột mốc kilômét ở lưng chừng đèo Hải Vân.

Chẳng thế mà vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông, sau khi vi hành nơi này, đã đặt tên cho đèo là “Đệ nhất hùng quan”. Cái tên này sau đó đã được vua Minh Mạng cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo.

Kể từ tháng 6/2005, hầm Hải Vân được hoàn thành và đưa vào hoạt động, làm cho giao thông giữa Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng trở nên thuận tiên, an toàn hơn rất nhiều. Bởi vậy, nơi đây được đầu tư phát triển thành cung đường du lịch. Các điểm dừng nghỉ trên đèo đã được xây dựng, tạo điều kiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn khi đi vãn cảnh trên đèo.

< Những tòa nhà cao tầng, những nhà máy vươn mình trên biển.

Xe cộ phương tiện qua lại đèo Hải Vân giờ rất vắng vẻ, chỉ còn xe máy và một số ít loại phương tiện không được phép qua hầm đi lại trên con đường này. Với mặt đường còn khá tốt, đi lại dễ dàng, cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ, lại là một con đèo nổi tiếng với lịch sử hàng trăm năm tuổi, nên đèo Hải Vân hấp dẫn dân du lịch bụi, dân phượt.

< Toàn cảnh Ải Vân quan.

Có chầm chậm phóng xe máy qua đèo một lần, và tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp nơi đây mới thấy cái tên “Đệ nhất hùng quan” quả thật xứng đáng.

< Cổng Ải Vân Quan.

Ở phía Nam của đèo, nhìn từ trên đèo xuống, TP Đà Nẵng hiện ra hiện đại, tráng lệ với những tòa nhà cao tầng, các nhà máy, ống khói vươn cao, nằm nép mình bên bờ biển xanh mềm mại, tỏa sáng như một viên ngọc trên biển đông.

< Mùa mâm xôi dại trên đèo Hải Vân.

Ở phía Bắc đèo, thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, đầm Lập An và làng chài Lăng Cô lại tạo nên một khung cảnh bình yên khác hẳn. Những ngôi nhà khang trang ngói mới soi mình xuống biển xanh thăm thẳm, những cồn cát trắng tinh khôi trải dài tít tắp, phía xa là dãy núi điệp trùng với mây trắng bao phủ, vút cao ở lưng chừng trời là cầu lên hầm Hải Vân chạy thẳng vào lòng núi. Tất cả tạo thành một bức tranh nên thơ khiến du khách chỉ có thể đứng lặm ngắm nhìn…

< Bãi biển Lăng Cô đẹp như tranh vẽ.

Chạy dọc đường đèo, biển xanh sẽ luôn hiện diện trong tầm nhìn của du khách, khi thì trải rộng ra đến muôn trùng, khi lại ở rất gần, rì rào và xanh thẳm...

< Làng chài Lăng Cô, cầu lên hầm Hải Vân nhìn từ chân đèo.

Ở những đoạn thích hợp, du khách có thể đứng ở trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn nghoèo, gấp khúc mình vừa đi qua ở phía dưới, trông vô cùng ngoạn mục.

< Du khách vui vẻ “tạo dáng” bên cột mốc chân đèo.

Án ngữ trên đỉnh đèo là Hải Vân quan mà vua Minh Mạng đã cho xây dựng. Trên có cổng đá với dòng chữ “Đệ nhất hùng quan” Ngài đã cho khắc năm xưa. Hải vân quan đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách. Từ  Hải Vân quan, có thể nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh trên đèo.

Phiêu trên đỉnh đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân - "Đệ nhất hùng quan"
Hải Vân Quan trong sa mù...

Du lịch, GO! - Theo Dreamcatcher (Du lịch Huế)
Xôi đen có độ dẻo ngon của gạo nếp, hương thơm thoang thoảng từ nhựa lá sau sau đang độ đâm chồi nảy lộc, thường được ngươi dân tộc Nùng làm mỗi năm đến tết Thanh Minh.

< Sau khi ngâm gạo nếp với nhựa của lá sau sau.

Thời tiết bắt đầu ấm dần, trên rừng, những cây sau sau lan tỏa hương thơm, thứ mùi hương rất đỗi thân quen với người dân tộc. Cây sau sau vươn cao, lá thường có 3 cánh hoặc 5 cánh, theo kinh nghiệm của người dân thì lá sau sau 5 cánh khi làm xôi sẽ có hương vị ngon hơn.

< Cây sau sau như thế này.

Cây sau sau mọc trên rừng, không phải ở đâu cũng có, phải mất thời gian và công sức mới gom đủ lá để nấu xôi. Người ta vác cả bao lá về nhà rồi nhặt ra những lá bánh tẻ thơm phức, chọn những chiếc lá đủ tiêu chuẩn để xôi có màu đen đẹp mắt.

Lá được băm nhỏ, giã đều tay rồi ngâm nước để ra nhựa, sau đó lấy gạo nếp ngâm với dung dịch nhựa sau sau khoảng 10 tiếng đồng hồ, phải đảm bảo sau đó gạo có màu xanh thẫm.

< Xôi chín có màu đen nhánh, nếu trộn với xôi nghệ hay xôi gấc sẽ tạo ra màu sắc hấp dẫn.

Trong quá trình nấu xôi, có thể cho thêm chút nước cốt dừa để hương vị đậm đà, nhưng không nên cho nhiều quá vì có thể át mất mùi hương đặc trưng của lá sau sau.

Khi xới xôi ra đĩa, xôi phải có màu đen nhánh, ăn một miếng xôi có thể cảm nhận mùi thơm của lá rừng. Người dân tộc thường lấy lá sau sau vào tháng 3 để làm xôi, họ cho biết hái lá sau sau vào tháng 3 là ngon nhất.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet
Cà Đơ là một bản hẻo lánh nhất của xã Lam Vỹ (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên)), cách trung tâm xã khoảng 8km, tuy không xa lắm nhưng đường về Cà Đơ rất khó đi.

Đi xe máy phải mất gần một tiếng đồng hồ trèo đèo, lội suối, đánh vật với những con dốc dựng đứng, đến giữa lưng chừng núi mới thấy bản Cà Đơ thấp thoáng trong thung lũng giữa màu xanh bạt ngàn của rừng núi.

< Đường lên bản Cà Đơ.

Đứng ở lối đi, cúi xuống chạm khe nước thăm thẳm, ngửa mặt thấy mây mờ phủ lãng đãng, những vách núi đá dựng ngược lơ thơ cây cỏ, đang giữa trưa mà ánh mặt trời bị che mất một nửa, chúng tôi nhận ra mình đã đến địa phận bản Cà Đơ.

Nơi đây, có 15 hộ dân với gần 60 nhân khẩu hầu hết là đồng bào Dao, dù trình độ dân trí chưa cao, cái nghèo còn đeo đẳng, nhưng giấc mơ về một cuộc sống tươi sáng của đất và người Cà Đơ đang dần thành hiện thực...

Giấc mơ đang thành hiện thực

Cô sơn nữ trẻ người Dao có cái tên rất đẹp Triệu Hương Mơ ửng đỏ gò má khi biết chúng tôi sẽ đi cùng lối với em về bản. Hương Mơ năm nay vừa tròn 20 mùa rẫy, xinh như bông hoa ban đầu mùa và là một trong số rất ít thanh niên của bản Cà Đơ được học đến lớp 12, được ra thành phố học cao đẳng để về làm cô giáo. Em bảo cái bản em ở xa nhất xã Lam Vĩ, dù chỉ cách trung tâm gần 8km nhưng lối lên, lối xuống phải lội qua gần 10 con suối, vượt 14 con dốc. Hôm chúng tôi lên bản, cũng may là trời nắng, đường đã được trải cấp phối nhưng vẫn tung bụi mù mịt, xe máy cài số 1 bò chậm như đo từng mét.

Hương Mơ bảo, tính đến thời điểm đầu năm 2013, đời sống của bà con Cà Đơ vẫn chủ yếu dựa vào canh tác nông, lâm nghiệp nên còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tới hơn 75%. Khó khăn nhất đó là tình trạng các hộ sống tách biệt, mỗi mái nhà sàn ở một khoảnh, rải rác và phân tán dọc theo dòng chảy của con suối.

< Cuộc sống của bà con Cà Đơ đang thay đổi từng ngày.

Ông Mông Đình Cường - Chủ tịch UBND xã Lam Vĩ chia sẻ: “Tình trạng sống phân tán của đồng bào Dao ở bản Cà Đơ đã tạo ra không ít khó khăn cho chúng tôi trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, đường giao thông từ bản xuống trung tâm xã dù đã được đầu tư mở rộng, trải cấp phối, nhưng cũng chỉ dễ dàng đi lại khi trời nắng, do đó công tác giao thương cũng bị hạn chế nhất định. Chính quyền xã đang trình với cấp trên kế hoạch tiếp tục nhựa hóa toàn bộ con đường liên bản về Cà Đơ và hy vọng một ngày không xa, ô tô sẽ vào được tới tận đầu nhà sàn của bà con...”.

Điện đã sáng bản nghèo

Bản Cà Đơ đến nay vẫn đa phần là những mái nhà lụp xụp tường đắp vắt, duy có 2 ngôi nhà xây nằm uy nghi ngay đầu bản, cạnh lối đi vào do các nhà hảo tâm hỗ trợ. Ngôi nhà thứ nhất có diện tích 36m2 là khu lớp học dành cho trẻ em trong bản và ngôi nhà thứ 2 được xây tặng cho cô giáo Trương Thị Huyên- cô giáo duy nhất của bản.

Chúng tôi vào thăm lớp học. Mới hoàn thiện được vài năm nhưng công trình đã bắt đầu xuống cấp. Khác hoàn toàn với những lớp học miền xuôi, lớp học của bản Cà Đơ có tới 2 chiếc bảng đen treo ở 2 đầu phòng học, mỗi chiếc đều được kẻ phân ra làm 2 phần bằng nhau. Bàn ghế 2 dãy: Dãy ngược, dãy xuôi tức đầu lớp học này là cuối của lớp học khác.

“Một cái lớp ấy gồm 4 bậc học đấy, trong đó lớp 5 chừng 4 cháu, mẫu giáo khoảng 3 cháu, lớp 2 có 2 cháu và chỉ có 1 đứa lớp 3... Do cuộc sống còn thiếu thốn nhiều nên đa phần trẻ con không ham học mà chỉ thích vào rừng chặt măng, hái rau thôi, tôi phải đi vận động các gia đình vất vả lắm...” - cô giáo Huyên tâm sự.

Cô Huyên là giáo viên duy nhất bám bản kể từ cái ngày lớp học bằng cây que, nứa lá được mở bên bờ suối. Học trò của cô đa dạng về độ tuổi và rất “phong phú” về trình độ, có cháu đủ điều kiện để đi học trung cấp, cao đẳng nhưng cũng có cháu mới bắt đầu làm quen cùng chữ cái. Hễ cháu nào có chữ ở lớp nào thì xếp vào lớp đó, một mình cô chịu trách nhiệm giảng liền một lúc cho học sinh của cả 4 lớp trong cùng một phòng học. Khi bàn bên này học văn, tập đọc thì bàn dãy bên kia làm toán hoặc viết chính tả.

“Em luôn nghĩ cô Huyên là giáo viên giỏi nhất nước vì chẳng có trường sư phạm nào có thể đào tạo được một nhà giáo giảng dạy độc đáo như cô. Em và một vài bạn khác cũng đã trưởng thành nhờ sự dạy dỗ của cô Huyên...” - Đôi mắt của sơn nữ Hương Mơ ánh lên khi “khoe” về cô giáo của mình.

< Ông Park SunJong, Giám đốc Tổ chức hiệp hội giao lưu nhân đạo quốc tế của Hàn Quốc “CFIE” tại Việt Nam, trao thiết bị chiếu sáng cho nhân dân bản Cà Đơ.

Bà con người Dao ở Cà Đơ còn kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về một kỷ niệm, một dấu mốc đáng nhớ của bản nghèo này, đó là dịp tháng 2.2012 khi chính quyền và Tổ chức Hiệp hội giao lưu nhân đạo quốc tế của Hàn Quốc (CFIE) về tặng giàn pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho từng gia đình. Hôm ấy cả bản bỏ hết việc để đi xem các cán bộ kỹ thuật khảo sát, lắp đặt các thiết bị và khi bóng điện trong từng mái nhà sàn được thắp sáng thì mọi người đều reo lên sung sướng, vì ước mơ từ bao đời nay đã trở thành hiện thực.

Theo kế hoạch, hộ đầu tiên triển khai thí điểm được tặng một giàn pin hấp thụ năng lượng mặt trời, ắc-quy nạp điện, một bộ đầu chảo thu tín hiệu truyền hình và một tivi, một đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời; các hộ còn lại được tặng đèn thắp sáng bằng năng lượng mặt trời (tổng giá trị các thiết bị này là trên 100 triệu đồng). Tiếp đó các hộ sẽ được lắp đặt toàn bộ hệ thống như trên để tất cả đều có điện để sử dụng.

Có điện thắp sáng, phục vụ sinh hoạt, sản xuất sẽ là những bước khởi đầu quan trọng góp phần mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của đồng bào Dao bản Cà Đơ. Bản đã có điện thắp sáng tức là đã bước đầu xóa đi cái tăm tối mịt mù. Bọn trẻ sẽ được thuận lợi hơn khi học bài và được tiếp cận nhiều hơn với văn hóa bên ngoài thông qua đài, tivi.

Chúng tôi chia tay nhân dân bản Cà Đơ khi trời đã nhá nhém tối, những ánh đèn điện đã lóe sáng trong bản. Niềm vui có điện về với bà con ngay trong những ngày đầu xuân thật ấm áp. Có điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất sẽ góp phần mở ra những hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình của các hộ ở đây - chúng tôi tin là như vậy.

Du lịch, GO! Tổng hợp từ Dân Việt, EVN, Pcthainguyen...

Monday, 29 April 2013

Đúng 8h50 tối 29/4, “đại tiệc” pháo hoa trên sông Hàn chính thức khai mạc. 3 đội trình diễn trong đêm đầu tiên là Nga, Việt Nam và Ý đã mang đến cho hàng chục ngàn khán giả nhiều cảm xúc trào dâng.

"Vũ điệu ánh sáng Khan" (Nga)

Đúng 20h50, khi sông Hàn đang im lặng bổng những tràng pháo bất ngờ được đội Pháo hoa Khan - đến từ nước Nga, phóng khỏi bệ phóng- mở màn DIFC 2013 với chủ đề “Linh hồn Nga”. Từ trên bờ, dưới sông, những tràng vỗ tay hòa cùng tiếng reo không ngớt. Sông Hàn ngập trong vũ điệu âm thanh và ánh sáng.

< Phần trình diễn của đội Nga nhìn từ tầng 34 của tòa nhà Azura ven sông Hàn.

Thuộc hàng sinh sau đẻ muộn của làng pháo hoa thế giới, Khan định hình được vị thế của mình ở những năm 90 tại Nga. Tiếng vang của Khan thực sự lớn vào năm 2005, khi tham gia trình diễn pháo hoa theo nhạc với màn trình diễn Kalinka tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Croatia. Không lâu sau đó, đội đã đạt giải vô địch pháo hoa mở rộng ở Utska - Ba Lan.

Khan là trung tâm pháo hoa duy nhất, khác biệt với các thương hiệu pháo hoa xứ sở Bạch dương khi sử dụng thiết bị bắn hiện đại Pyrodigit để biểu diễn các màn pháo hoa lớn và hiệu ứng đặc biệt trong các tòa nhà.

Với lối đi riêng này, đội đã nhiều lần giữ vị trí quán quân tại các cuộc thi pháo hoa quốc tế ở Nga, Ba Lan, Đức, Croatia. Hiện Khan là công ty pháo hoa hàng đầu tại Nga, thường xuyên được lựa chọn là đại diện cho đất nước này tại các cuộc thi pháo hoa quốc tế.

Màn trình diễn của “Khan” tại DIFC 2013 dựa trên những hình tượng độc đáo, thú vị, kết hợp với âm nhạc. Trong đó, phần âm nhạc bao gồm những tác phẩm kinh điển của Nga cùng những tác phẩm nổi tiếng của nước ngoài. Điều đặc biệt, đội Nga còn đưa một bài hát Việt Nam vào phần trình diễn của mình, khiến nhiều khán giả ngạc nhiên thích thú.

"Đà Nẵng dưới mặt trời" (Việt Nam)

Đội Đà Nẵng thành lập vào năm tháng 8/2008 và là đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia các cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế, có trang thiết bị bắn hiện đại ngang tầm với các nước trên thế giới. Các thành viên của đội được đào tạo tại nước ngoài và thường xuyên được nâng cao trình độ về nghệ thuật trình diễn pháo hoa.

Màn trình diễn của đội Đà Nẵng - Việt Nam gồm 4 chương: Việt Nam quê hương tôi, Vũ điệu của nắng, Đất mẹ - Bảy sắc cầu vồng và Đà Nẵng dưới mặt trời cùng với các giai điệu sâu lắng ca ngợi đất nước và con người Việt Nam xinh đẹp, hiền hòa cùng những âm thanh đầy xúc cảm về thành phố bên bờ sông Hàn, mang đến những nét mới lạ cho người dân và du khách.

May mắn hơn đội Nga, đến phần trình diễn của đội Việt Nam, trời nổi gió nhẹ xua khói khỏi những tràng pháo. Những quả pháo nổ liên tiếp đã thu hút sự theo dõi của du khách. Nhiều người trầm trồ khen pháo hoa đội Việt Nam đẹp hơn năm trước.

“Cảm xúc của dòng sông” (Ý)

Đội cuối cùng trong đêm thi đầu tiên "đốt cháy" Đà Nẵng bằng vẻ đẹp của âm thanh, sắc màu là Parente (Ý) với màn diễn mang tên “Cảm xúc dòng song”. Nhà đương kim vô địch DIFC đưa khán giả đến với cuộc phiêu lưu đầy xúc cảm.

Với những bản tình ca không lời, những điệu valse, nhạc thính phòng..., đội Ý đã diễn tả những thay đổi của một dòng sông chảy qua đất nước. Những con người lãng mạn này tái tạo nên hình ảnh đôi khi rất xung đột với nhau: một cuộc hành trình từ nơi bắt nguồn tới tận nơi cửa sông, chảy qua những dãy núi, tới các thành thị, từ những khu rừng cho tới các đầm lầy bằng nhiều loại pháo với các hiệu ứng khác biệt.

Những khoảng lặng trầm tư bất chợt, những thời khắc dữ dội mãnh liệt hay không gian trang nghiêm hòa quyện, xen lẫn vào nhau đã tạo lên sự khác biệt của đội Italia. Nhiều du khách lội cả xuống bờ sông để theo dõi những tràng pháo đẹp mắt.

Kẹt… thuyền trên sông Hàn

Đến 19h30, hàng nghìn tàu cá ùa về khu vực sông Hàn (TP.Đà Nẵng) - nơi đẹp nhất để theo dõi cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế - nên diễn ra tình trạng… kẹt thuyền.

Mặc dù Bộ đội biên phòng TP và CSGT đường thủy được huy động tối đa để ngăn chặn tàu cá đổ về khu vực trước bãi bắn, nhưng theo ghi nhận, tình hình vẫn không được kiểm soát. Một cảnh tượng chen lấn giữa các tàu cá đang diễn ra. Tàu lớn chèn ép tàu bé, tàu bé cố lách vào chỗ trống. Điều đáng nói là hầu hết các tàu cá này (chưa xác định được có được Biên phòng TP cấp phép hay không) không có phao cứu hộ. Trên tàu có rất nhiều phụ nữ và trẻ em; còn những thanh niên trai tráng thì trong tình trạng ngà ngà men bia.

< Hàng trăm chiếc ghe tụ tập về sông Hàn gây nên tình trạng ùn ứ trên sông.

Thời tiết ở Đà Nẵng đã tạnh mưa, nhưng có gió to nên những màng trình diễn sắp tới có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên kháng đài, 2 bên bờ sông Hàn và cả dưới sông đang nóng lên từng phút. Tại khu vực bãi bắn các thành viên đội Ý - đội thi đầu tiên - đã vào bệ phóng chuẩn bị khai pháo.

Tại khu vực cầu sông Hàn, Thuận Phước và cầu Rồng đã không còn chỗ trống. Tuy nhiên, người dân và du khách rất trật tự nên không có xảy ra xô lấn. 20h bầu trời Đà Nẵng đã tối hẵn nhưng những dòng người từ các ngã đường vẫn kéo về đôi bờ sông càng đông. Các ngả đường, trên các cây cầu mọi người chen chân kín lối. Khó có thể diễn tả hết niềm háo hức trên khuôn mặt mỗi người. Những chỗ ngồi “đắc địa” nhất trước khu đi bộ đối diện UBND TP, người dân, du khách và các nhóm gia đình khoanh vùng từ rất sớm. Khu đất trống ven sông đường Trần Hưng Đạo (góc tiếp giáp cầu Thuận Phước) rộng vài ngàn mét vuông chật người. Dù phải bỏ ra 50.000 đồng để “mua” 1 ghế nhựa do những người dân tự phát chiếm chỗ “kinh doanh”, nhưng không ai phàn nàn. Với họ, miễn sao có được chỗ ngồi xem pháo hoa là được rồi.


< Các thuyền hoa chạy tấp nập trên sông Hàn, phía xa là cầu Rồng uốn lượn.

Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng trực tiếp chỉ huy tại các tuyến cầu Rồng, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn, cho biết sẽ “cắt đường” theo kế hoạch chung nhưng tùy tình hình thực tế như lượng người xem, lượng xe cộ lưu thông qua cầu.

Ăn theo pháo hoa, tại bờ sông khu vực Nại Hiên Đông, hàng chục chiếc ghe của ngư dân làng cá sẵn sàng chở khách theo yêu cầu với giá từ 100.000 - 200.000 đồng/người. Nhiều tòa nhà, khách sạn, quán karaoke ven bờ sông Hàn đặt biển còn chỗ xem pháo hoa trên tầng thượng với giá vé 200.000 - 300.000 đồng.

Đội mưa 'xí' chỗ xem tiệc pháo hoa tại sông Hàn

Vào 8h20 tối nay, cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế 2013 tại Đà Nẵng mới bắt đầu, nhưng lúc 4h chiều, hàng ngàn người đội mưa tập trung về 2 bờ sông Hàn để “xí” chỗ trước.


< Dù trời Đà Nẵng đổ mưa nhưng không thể ngăn dòng người kéo về đôi bờ sông Hàn.

Mặc dù đây là lần thứ 5 diễn ra cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, nhưng không vì thế mà kém phần hấp dẫn đối với du khách, người dân. Bằng chứng là từ 4h chiều nay, hàng nghìn người dân và du khách đã nườm nượp kéo đến 2 bờ sông Hàn để tìm cho mình vị trí đẹp nhất để chiêm ngưỡng pháo hoa, dù trời mưa nặng hạt.

16h30, nhóm PV đã có mặt tại các vị trí trọng điểm. Tuy nhiên, phải rất khó khăn, chúng tôi mới chen được qua cầu sông Hàn và Thuận Phước để tiếp cận khán đài. Tại khán đài (đường Trần Hưng Đạo), đã chật kín người. Là người đến từ rất sớm nhưng chị Nguyễn Thị Châu (du khách đến từ Quảng Ngãi) mới chen được vào khu vực khán đài B. “Thật thú vị, đây là lần thứ 5 tổ chức nhưng tôi vẫn thích đi xem. Sáng nay, tôi và người thân bắt xe từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, chúng tôi phải đi từ sớm để tận hưởng cái không khí lễ hội nhộn nhịp này”, chị Châu, rất mệt mỏi khi phải chen lấn trong dòng người, cho biết.


< Nhiều người đã chọn cho mình vị trí đẹp.

Lượng du khách đổ về Đà Nẵng khá đông khiến các nhà hàng, quán ăn gần như kín chỗ. Để đảm bảo an toàn cho các “thượng đế”, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng tổ chức nhiều đợt thanh, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn có phục vụ ăn uống và các hàng quán ăn 2 bên bờ sông Hàn, như đường Bạch Đằng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng… 600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được kiểm tra là con số dự kiến của chi cục trong đợt này. Bên cạnh việc giám sát từ khâu cung ứng đến bảo quản, chế biến thực phẩm, chi cục còn xây dựng phương án ứng phó kịp thời khi xảy ra ngộ độc hàng loạt.

Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng cũng đã chuẩn bị xe cấp cứu, phương tiện, trang thiết bị, thuốc men và nhân lực đầy đủ để phục vụ lễ hội; đồng thời xây dựng phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống thảm họa có thể xảy ra như tai nạn, chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt... Là những đơn vị chịu trách nhiệm về cấp cứu, điều trị trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện C... đã chuẩn bị hàng trăm giường cấp cứu, điều trị.

Từ 3h chiều nay, các lực lượng chức năng gồm công an, quân đội… đã huy động hầu như toàn bộ lực lượng để chốt tại các vị trí quan trọng. Tại khu vực cầu Cảng Đà Nẵng, Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng đã huy động Hải đội 2 và hàng trăm cán bộ, chiến sỹ để bảo vệ, hướng dẫn tàu du lịch có dịch vụ xem pháo hoa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, năm nay do TP.Đà Nẵng giao Bộ đội Biên phòng cấp phép cho các tàu neo đậu xem pháo hoa nên tình hình an ninh tật tự dưới sông rất tốt. Các phương tiện không còn đậu gần khu vực khán đài, nơi bắn pháo hoa. Trên sông, xuồng cao tốc của lực lượng Bộ đội Biên phòng liên tục quần thảo nhắc nhở các phương tiện tàu, thuyền của ngư dân cũng như các tàu du lịch tuân thủ các quy định.

< Các em bé háo hức theo ba, mẹ chờ giờ pháo nổ.

Tại các trục đường chính như Bạch Đằng, Lê Duẩn, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo; cầu Rồng, sông Hàn, Thuận Phước, Tuyên Sơn, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi… công an các quận/huyện, phòng ban nghiệp vụ cùng 300 chiến sĩ của Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm Bộ Công an đã có mặt từ 2h chiều để triển khai các phương án bảo vệ theo kế hoạch.

Khu vực cầu Rồng, để du khách không bị phân tán khi thưởng thức pháo hoa, lãnh đạo TP.Đà Nẵng quyết định không cho “rồng” phun lửa và nước đêm nay. Chính vì thế, cầu này đã trở thành một “khán đài” lý tưởng để dủ khách kéo đến thưởng thức pháo hoa.

Lúc này những chiếc thuyền hoa đã bắt đầu xuất phát. Thuyền hoa sẽ tiếp tục diễu hành hàng dọc từ tại cầu Rồng, chạy về hướng biển, quay đầu ở cầu Thuận Phước và tập kết hàng ngang tại cầu sông Hàn trước giờ khai pháo...

Du lịch, GO! - Theo Infonet, VnExpress
Du khách thử một lần đặt chân đến Điện 13 ở núi Cấm (Tịnh Biên) để một lần khám phá và trải nghiệm những điều thú vị từ hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” trong tứ bề “mê cung đá”.

Từ vồ Thiên Tuế, chúng tôi cùng đoàn du khách hành hương tiếp tục hành trình vượt qua con đường uốn lượn và mất khoảng 3km đường đi bộ mới đến Điện 13. Giữa cảm giác se se lạnh của cái nắng ban mai chưa qua khỏi vách núi thì quán ăn bên Điện 13 của chị Nguyễn Thị Nga đã đông khách vãng lai. Chị Nga mời chào: “Vào ăn tô bún chay, uống ly trà đá rồi chinh phục Điện 13 chú em ơi. Nghỉ xả hơi chút xíu đi, tôi kêu đứa con trai dắt mọi người xuống Điện Mẹ (còn gọi là hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”)…”.

< Quán võng bên Điện 13.

Sau vài phút ngã lưng trên chiếc võng, chúng tôi bắt đầu leo lên Điện 13. Khu Điện 13 rộng khoảng 50 héc-ta thuộc quyền sử dụng của ông tư Việt. Nơi đây, xưa kia là đồi hoang, khi lên đây lập nghiệp thấy khách đến cúng viếng ngày càng đông nên ông tư Việt đã cải tạo Điện 13 thật khang trang để phục vụ mọi người.

Thấy chúng tôi là khách quen nên ông tư Việt tận tình hướng dẫn chúng tôi trong hành trình khám phá Điện 13. Phía điểm đầu Điện 13 là phủ thờ các vị chư thần. Muốn xuyên qua Điện 13 phải nghiêng mình thật sát vào vách đá rêu phong để đi. Bước tiếp theo, khom mình và cúi đầu xuống, rồi len lỏi qua phiến đá bàn mới có thể xuống những bậc thang dựng đứng khoảng 100m để tiếp tục cho cuộc hành trình chui vào hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.

< Cổng hang “mẹ sanh, mẹ đẻ”.

Nhìn hang tối om và nhỏ, chúng tôi chần chừ định bỏ cuộc, nhưng ông tư Việt động viên: “Lâu lâu, mấy chú mới lên một lần hãy đi cho biết. Đi Điện 13 mà không khám phá hang “mẹ sanh mẹ đẻ” thì thật uổng!”. Cầm 4 chiếc đèn cầy leo lét, ông tư Việt thu mình chui gọn qua cửa hang, ông nói với theo: “Hãy nhìn theo tôi mà đi…

Tôi chui như thế nào thì chú em cứ làm động tác y như vậy... Vừa bước sụp xuống hang là cả một không gian tối om và lạnh lẽo. Sự chật chội, âm u như một “mê cung”, khiến chúng tôi hơi rùng mình. Đó chỉ mới là cửa 1, qua cửa 2, 3, 4, rồi đến cửa 5… Chúng tôi mò mẫm đi trong ánh đèn cầy vàng vọt với nhiều lò ảng, hang hốc và vách đá bóng loáng. Không gian như càng thâm u, ngột ngạt hơn. Ông tư Việt cho biết: “Hang “mẹ sanh, mẹ đẻ” có nhiều lò ảng, hang sâu hun hút, khách hành hương đi riết mà đá bóng như thế này”.

< Điện 13 là một hang sâu, tối tăm và có 13 gian thờ các vị chư thần nơi đây.

Mỗi lần bước qua một cửa là ông tư Việt thắp một nén nhang lên lư hương nằm ngay vách đá. Đặc biệt, khi bước đến cửa thứ 6 thì có 2 tảng đá ép sát vào nhau chỉ còn một ngõ hẹp, những tưởng không qua được, nào ngờ ông tư Việt lách mình qua một cách nhẹ nhàng. Có thể nói, một trong 12 cửa trong “mê cung đá” phải kể đến cửa thứ 9, đây là cửa đi khó nhất. Những ai muốn qua lọt phải đi bằng tư thế ngửa mình, hai chân đưa qua trước, sau đó dùng tay chỏi vách đá để chui qua. Đi qua nhiều cửa dưới hang, chúng tôi phát hiện ra bên trong điện mẹ còn có nhiều nhũ đá rỉ nước róc rách mát dịu.

< Vồ Bà, thờ Địa Mẫu. Nơi đây có Điện 13 thâm sâu, kỳ bí.

Là người dân sống lâu năm ở đây nên ông tư Việt rất rành về đường đi nước bước trong hang. Ông Việt cho biết, trong hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này còn rất nhiều dơi quạ trú ngụ, đêm đến thì chúng bay ra kiếm ăn. “Thấy nhiều cửa hẹp như vậy chứ biết ý chút xíu là đi lọt. Thậm chí những người to con cũng có thể chui qua.
Từ khi lên núi lập nghiệp đến nay, gia đình tôi dẫn không biết bao nhiêu lượt khách hành hương chui qua hang “mẹ sanh mẹ đẻ” này. Hôm rồi, tôi còn dẫn mấy chú bộ đội và cả phóng viên truyền hình xuống hang cho biết. Cả chiều dài đường đi của hang “mẹ sanh mẹ đẻ” khoảng 50m, nhưng khi muốn chui qua lọt phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Nếu không biết cách đi có thể bị kẹt lại trong hang…”- ông tư Việt cho biết.

Du lịch, GO! - Theo Thành Chinh (Báo An Giang), internet
Nói đến nghề dệt Nam Định, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến làng tơ Cổ Chất (xã Phương Đình, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), bởi đây là nơi khởi sinh ra loại tơ tằm đẹp nổi tiếng đất thành Nam.

< Cổ Chất là một ngôi làng cổ của đất thành Nam.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kĩ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh. Thương nhân các nơi thường tìm về Cổ Chất thu mua tơ lụa, đem bán ở bến Đò Chè, một khu cảng sầm uất của Nam Định thời kỳ trước năm 1945.

< Làng Cổ Chất nằm ven dòng sông Ninh, bao đời nay nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm.

Năm 1942, Chính phủ phong kiến Nam triều mở phiên đấu xảo (hội chợ) ở Hà Nội để thu hút tinh hoa làng nghề của các nơi về kinh thành Thăng Long. Năm ấy, Ông Phạm Ruân của làng Cổ Chất đã đem tơ đi dự thi và đoạt được giải cao của Phủ Thủ hiến Bắc Kỳ thời bấy giờ.

Tơ Cổ Chất được làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng tốt. Sợi tơ thanh mảnh, mềm mại nhưng rất bền và có màu sắc tươi sáng.

Ngày nay, người già trong làng thường làm tơ theo phương pháp thủ công như một thói quen và lòng yêu nghề truyền thống của quê hương. Lớp trẻ thì mạnh dạn đầu tư máy móc, xây nhà xưởng để nâng cao năng suất lao động. Nghề làm tơ tằm phát triển đã thu hút một lượng lớn lao động của làng và các vùng lân cận với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Và mỗi hộ cũng có thể kiếm được khoảng hơn 20 triệu/tháng.

< Nghệ nhân Nguyễn Thị Nghi mặc dù tuổi đã cao nhưng vẫn ngày ngày cần mẫn se tơ.

Nói về kỹ thuật làm tơ tằm truyền thống, chị Phạm Thị Nhạn, chủ một xưởng sản xuất tơ ở làng Cổ Chất cho biết, từ lúc tằm ăn lá dâu cho đến lúc sinh ra kén để có thể kéo thành sợi tơ khoảng hơn 30 ngày. Tơ kéo xong đem quấn vào ống rồi phơi khô là đã có thể bán được. Hiện nay, lượng kén tằm ở Cổ Chất không đủ để sản xuất nên chị phải mua thêm từ các tỉnh khác như Thái Bình, Hà Nam, Lâm Đồng… để ươm tơ.

Tơ Cổ Chất hiện có giá khoảng 850.000 đồng/kg, một phần được xuất bán cho các xưởng dệt trong tỉnh và các tỉnh lân cận, còn lại được xuất khẩu sang Lào, Thái Lan, Campuchia.

< Tơ Cổ Chất dù làm thủ công hay bằng máy cũng đều rất đẹp và có chất lượng.

Trải qua bao phen thăng trầm của thời cuộc, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.

Du lịch, GO! - Theo Thục Hiền - Trịnh Văn Bộ (Báo Ảnh Việt Nam)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống