Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Saturday, 16 February 2013

Tồn tại giữa mênh mông rừng già xã Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) hàng trăm năm qua nhưng thành đá Tà Kơn vẫn còn nhiều bí ẩn.

Ở Bình Định, sông Côn được mệnh danh là “dòng sông vương triều”, bởi nó gắn liền với các cuộc khởi nghĩa vang dội của những người áo vải khi đã từng xuôi dòng sông Côn về hạ lưu để làm nên một chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa, Rạch Gầm Xoài Mút, thống nhất đất nước, làm nên một tên tuổi hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Thượng nguồn sông Côn miền Tây Sơn thượng đạo chính là nơi còn lưu giữ nhiều huyền thoại về anh em nhà Tây Sơn, và một trong những điều hấp dẫn nhất đó là câu chuyện về thành cổ Tà Cơn thuộc làng Kon Blo, nằm sâu trong cánh rừng ở Vĩnh Sơn, Vĩnh Thạnh, Bình Định.

Truyền thuyết

< Người Ba Na trong làng Kon Blo.

Theo già làng Đinh Chương (ở làng Kon Blò, xã Vĩnh Sơn), Tà Kơn trong ngôn ngữ Ba Na có nghĩa là “chồng lên nhau”, ý muốn nói đến những hòn đá được xếp chồng lên nhau một cách rất lạ không ai hiểu được.

Quá trình xây thành, giữ thành Tà Kơn được kể lại bằng hơ mon (hát kể sử thi Ba Na) đắm màu huyền thoại. Một truyền thuyết cho rằng Tà Kơn xưa kia vốn là nhà của 3 anh em, gồm 2 vị vua Trum, Trăm và nàng công chúa xinh đẹp, thông minh tên Bia Tơni.

< Đường rừng vào thành cổ Tà Cơn.

Một truyền thuyết khác về nguồn gốc của thành Tà Kơn gắn liền với nàng Hơ Bia xinh đẹp. Thần núi muốn cưới Hơ Bia làm vợ. Nhưng thần có khuôn mặt bằng đá, dưới cằm có yếm như yếm bò cái trông rất xấu xí nên Hơ Bia không hài lòng, yêu cầu nếu thần vượt qua được ba cuộc thử tài của nàng thì sẽ chấp nhận lời cầu hôn. Thần núi đều vượt qua tất cả những lần thử tài nên hai người thành vợ chồng và cùng nhau xây dựng thành Tà Kơn.

Trong truyện cổ Ba Na Kriêm có đoạn: “Không rõ hai anh em Đrum và Đrăm từ đâu đến, thấy có hòn đá đẹp họ dừng lại, đặt tên ná một bên rồi mài lại rựa. Lưỡi dao chỉ liếc qua một tí đã sắc lẻm, chặt cây lớn mấy cũng ngã, đụng đến đá cứng mấy cũng đứt liền. Thấy Đrum, Đrăm khoẻ đẹp và có hòn đá trời cho nên dân làng Kon Blo, từ em bé mới biết đi đến người già chống gậy đều dắt díu nhau đi theo họ lập làng mới.


< Anh Đinh Khuất, người dẫn đường đến thành Tà Kơn.

Ngày trước, làng Kon Blo thường bị giặc phá, năm nào dân chúng cũng phải rời làng. Giờ có Đrum, Đrăm, có hòn đá đẹp, dân làng hăng hái mài dao, mài rựa để chặt đá, xây thành giữ làng. Đồng bào Kon Blo chặt đá vuông vức, kê lên nhau xây thành hình móng ngựa trên một sườn núi. Bên trong, dân làm chuồng trâu, đào hầm giấu lúa gạo, làm nhà rông, nhà bếp, đào hào, đào đường xuyên núi”.

Bên cạnh truyền thuyết của người Ba Na, có ý kiến cho rằng thành Tà Kơn do anh em nhà Tây Sơn xây dựng nên. Khi 3 anh em nhà Tây Sơn chiêu binh mãi mã, người Ba Na hưởng ứng rất mạnh mẽ và họ đã cùng nhau dựng nên thành Tà Kơn làm cứ điểm bí mật. Gần Tà Kơn còn có nhiều di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn như Hòn Còng (huyện K’bang, Gia Lai), núi ông Bình, núi ông Nhạc (theo tên của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc), núi Phát Lương, Vườn cam Nguyễn Huệ…

Thâm u huyền bí

Hành trình đi dọc sông Côn từ hạ lưu lên thượng nguồn, chúng tôi như trở về miền ký ức, những câu chuyện ngàn năm cứ trải dài qua từng vùng đất, di tích, con người. Và trong suốt hành trình ấy, chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh thành cổ Tà Cơn với những huyền thoại gắn liền từ sử thi đến những câu chuyện cổ.

Tại khu di tích vườn cam Nguyễn Huệ thuộc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định, theo chân những người bản địa, chúng tôi làm cuộc hành trình băng rừng tìm đến thành Tà Cơn ở làng Kon Blo. Trong ngôn ngữ của người Ba Na, Kon Blo có nghĩa là “đá xếp”.

Từ trụ sở xã Vĩnh Sơn, chúng tôi sử dụng phương tiện xe máy để đến bìa rừng. Nhóm sáu người dẫn đường đều là cư dân địa phương, dù sinh ra và lớn lên ở rừng núi Vĩnh Sơn, nhưng chỉ Đinh Klăm ở thôn K8 là người từng đến thành cổ Tà Cơn, và hành trình đi rừng của chúng tôi dồn hết hy vọng vào người dẫn đường này.

Gần đến bìa rừng, đường đi mỗi lúc một khó khăn hơn, chúng tôi rời phương tiện xe máy, đi bộ tiến sâu vào rừng. Trên đường đi, chúng tôi gặp những bà con dân tộc Ba Na đi phát rẫy về, hỏi về thành cổ Tà Cơn nhưng chẳng ai biết đến.


< Một đoạn thành bị đổ, đá nằm ngổn ngang.

Đường đến thành Tà Kơn là một lối mòn nhỏ, luồn lách trong những cánh rừng nguyên sinh thâm u, huyền bí. Có những đoạn bị cây rừng che kín phía trên khiến người ta có cảm giác như đang đi trong hang động nằm dưới đất sâu. Theo anh Đinh Khuất (con trai già làng Đinh Chương), đường đến Tà Kơn bây giờ cũng chính là con đường mà ngày xưa tổ tiên của người Ba Na vận chuyển đá, vật liệu… để xây thành. Vừa đi, anh Khuất vừa giới thiệu về những dấu tích mà tổ tiên mình đã để lại.

Khi người Ba Na xây thành Tà Kơn, họ không được phép đi bộ đến nơi làm việc mà phải đu mình theo một cái dây dài và cao đến hàng trăm mét, từ núi Kon Hray băng qua suối Trú để đến Văn Len. Đây chính là nơi nghỉ chân, chuẩn bị dụng cụ để bắt đầu ngày làm việc mới. Từ Văn Len nhìn xuống suối Trú sẽ thấy thác Dá Bda, nơi công chúa Bia Tơni thường tắm. “Mỗi khi Bia Tơni tắm, mặt trời trên đỉnh núi tỏa sáng, mặt nước dưới suối rực rỡ những sắc cầu vồng. Ngay thác nước có cây cau nhưng chỉ sinh đúng 1 buồng cau có hình dạng hệt như Bia Tơni xinh đẹp” - anh Khuất hào hứng kể lại.


< Vẻ đẹp của thành Tà Cơn trong rừng sâu.

Đi bộ trong rừng gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được thành Tà Kơn. Ấn tượng đầu tiên là bức tường thành cao gần 20 m, dài hàng trăm mét gồm những phiến đá to bằng mặt bàn, có hình lục lăng, hình trụ chữ nhật… xếp chồng lên nhau theo một hàng thẳng đứng. Gần tường thành có những tảng đá to riêng lẻ xếp chồng lên nhau như những cây cột khổng lồ. Có một đoạn thành bị sập, đá đổ xuống ngổn ngang trên mặt đất. Ngay đầu tường thành có một hang đá sâu thẳm, tối om. Theo lời anh Khuất thì đó là con đường bí mật dẫn đến thung lũng dưới chân thành nơi có nhà ở của 2 vua Trum, Trăm.

Theo khảo sát, tường thành là những khối đá sa thạch lớn, hình trụ được xếp ngay ngắn chồng lên nhau. Khoảng nối giữa hai phiến đá khít chặt, rất giống với lối xây dựng quen thuộc trong các kiến trúc đền đài ở đất nước Campuchia thời kỳ Angkor. Rải rác đây đó là những gốc cổ thụ khổng lồ nhả rễ ôm kín lấy tường thành, cũng giống như những cây nuốt đền trong các di tích Angkor.

Anh Đinh Khuất kể: “Khi đi xây thành Tà Kơn, người làng Kon Blò mang theo đao, rựa nhưng phải mài bằng đá do anh em Trum, Trăm đưa ra thì mới sắc bén lạ thường, chặt đá như chặt củi. Một hôm, có người trong làng nghĩ đao, rựa của mình có khả năng chặt đá mới đem chặt thử hòn đá trước nhà nhưng cây rựa bị gãy làm đôi. Người đời sau đến thành Tà Kơn tìm đá mài của 2 vua Trum, Trăm nhưng chẳng ai tìm được”.


< Vết nối giữa hai tầng đá.

Đứng trước bức tường đá sừng sững, bao quanh núi, anh cho chúng tôi biết những người đi rừng giỏi nhất vùng Vĩnh Thạnh cũng chưa ai đi hết tường thành Tà Cơn. Vì đường đi đầy nguy hiểm, bên là vực sâu, bên là vách tường thành dựng đứng, cộng với những câu chuyện huyền bí về thành cổ, khiến Tà Cơn trở thành một địa điểm bí ẩn nằm sâu trong rừng thiêng, hoà với không khí âm u của núi rừng càng làm cho thành cổ thêm hoang tàn, ít người lui tới, qua lại.

TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Bình Định, cho rằng Tà Kơn là sản phẩm của tự nhiên vì con người không thể xây dựng một thành đá hùng vĩ như thế. “Bảo tàng Bình Định và các cơ quan chức năng đang phối hợp lập hồ sơ đề nghị công nhận Tà Kơn là di tích cấp huyện. Chúng ta phải đánh thức Tà Kơn cho mọi người biết đến chứ không thể để một di tích đẹp như thế ngủ mãi trong rừng sâu” - TS Đinh Bá Hòa nói.

Chia tay những phiến đá vô tri của thành Tà Cơn nhưng ẩn chứa cả một huyền thoại gắn liền với các tích truyện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, chúng tôi biết rằng, những bức tường đá rêu phong kia sẽ vẫn mãi còn đó, lặng lẽ chốn rừng sâu, nhưng ôm trọn trong lòng niềm tự hào của đất trời miền Tây Sơn thượng đạo.

Đường đến thành cổ Tà Cơn:

Từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 1A về phía bắc khoảng 649km đến thành phố Qui Nhơn. Từ đây đi theo quốc lộ 19 khoảng 80km đến Đồng Vắt sau đó rẽ phải đi theo tỉnh lộ 637 khoảng 70km đến làng Kon Blo - Vĩnh Sơn – Vĩnh Thạnh. Đến đây du khách sẽ được người dân địa phương chỉ đường đến thành cổ Tà Cơn.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thanhnien, SGTT, internet

1 comment:

  1. phải đến đây thì mới thấy sự thú vị của nó
    north vietnam motorbike tours Loop Bike Tours

    ReplyDelete

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống