Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Saturday, 23 February 2013

Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa. Trong tôi đầy tràn cảm xúc và nóng bỏng ý định phải viết một cái gì đó về biển đảo, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc...

Hành trình đêm

Nhớ lúc trên hội trường tầng bốn nhà khách phía Nam của Quân chủng Hải quân, nghe phổ biến nhiệm vụ của chuyến đi, tình cờ tôi ngồi cạnh một cán bộ Cục Tác chiến đang giở tấm bản đồ địa hình 1/500.000. Bản đồ can nhiều mảnh vùng biển đảo Trường Sa được gói cẩn thận trong túi ni-lông trong suốt.

Tôi xin lỗi, đặt tay lên bản đồ rồi kéo dần về phía mình. Hải trình vẽ sẵn, nét chì đậm mà gọn. Tưởng tượng ra con tàu mải miết lượn lách tiến theo sông Sài Gòn ra Vũng Tàu, rồi từ đấy kẻ một đường thẳng vút tới đảo Trường Sa Lớn.

Biển lặng. Sóng vỗ nhẹ, con tàu rẽ nước theo đúng hải trình hướng Đông Nam 110 độ. Tôi rời giường nằm ở khoang dưới mặt boong, lên tầng trên để xin vào buồng lái. Kíp trực ghi tên từng người trên bảng phía trái con tàu. Lái chính ngồi giữa, tay đặt chắc vào vô lăng nhỏ xoay nhẹ. Phía bên phải, trên chiếc bàn lớn đặt máy thu tín hiệu định vị từ vệ tinh GPS. Chính trị viên Đào Trọng Vĩnh đứng cạnh người sĩ quan ngồi canh tín hiệu máy định vị. Tôi hỏi Vĩnh:

- Đi đêm thế này có lo ngại vấn đề an toàn không đồng chí?

Vĩnh cười:
- Tàu có ra-đa, có sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống định vị toàn cầu GPS. Hơn nữa chúng em đi nhiều, quen rồi anh ạ!

Con tàu HQ 996 có dáng hình rất đẹp. Đào Trọng Vĩnh, cười khoe: “Con tàu có kiểu dáng công nghiệp theo mẫu của Ba Lan”, được hình thành và hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Tôi nhớ khi còn làm việc tại Điện ảnh Quân đội, được nghe đạo diễn Nguyễn Chí Phúc (đã qua đời) ngợi ca các kỹ sư và công nhân Nhà máy đóng tàu Bạch Đằng. Dạo ấy nhà máy chưa thành tổng công ty. Đội ngũ trí thức và công nhân lành nghề, những bàn tay vàng của ngành đóng tàu cả nước làm việc quên mình với trách nhiệm rất cao nên mới có được con tàu HQ 996 chắc khỏe và bền vững đến thế. Tàu HQ 996 từng có được vinh dự chở nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cán bộ quân đội cao cấp ra thăm quân dân huyện đảo Trường Sa.

Con tàu HQ 996 đã được đại tu cùng với những con tàu thế hệ mới và một đội ngũ cán bộ, thủy thủ trẻ được đào tạo bài bản, lành nghề, trong những ngày căng thẳng, nắng lửa và cả những đêm dài thức trắng đưa đoàn ra tới phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

“Thủ đô” của quần đảo Trường Sa

Tám giờ sáng. Biển rực nắng. Con tàu HQ 996 cập cầu cảng. Ngay sát bờ cán bộ, chiến sĩ được phân công đón đoàn công tác dàn hàng ngang thẳng thớm trên cầu cảng. Ai nấy đều quân phục tề chỉnh, đúng điều lệnh. Đảo đẹp quá, bãi cọc mang khí phách Bạch Đằng chĩa nghiêng ra phía biển...

Tôi theo vội anh chị em phóng viên. Họ nhanh thoăn thoắt, loáng cái đã tới bờ cây. Những cây bàng quả vuông đã thành cổ thụ. Chúng tôi vào thẳng bia chủ quyền, rồi vào nhà tưởng niệm Bác Hồ dâng hương, sau đó ra đài liệt sĩ thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác do đồng chí Hải Đường, Phó bí thư thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương dẫn đầu vào thắp hương chùa Trường Sa Lớn.

Nhìn mái chùa cong cong, mái ngói đỏ sậm tôi thấy hiện rõ dáng dấp của nền văn minh sông Hồng. Bộ ba chứng chỉ văn hóa làng: Đình, đền, chùa hòa vào sóng, gió, cây xanh đảo Trường Sa Lớn. Gần ngôi chùa là một ngôi đền linh thiêng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà khách Thủ đô Hà Nội, mang hình bóng ngôi đình làng, và chùa Trường Sa Lớn. Tôi sà vào đơn vị đang xây dựng các công trình dân sinh trên đảo. Trưa nắng khát, anh em công nhân mời một chén trà Bắc, đúng chè Thái Nguyên ngon tuyệt. Ở nơi trung tâm quần đảo, “thủ đô” của quần đảo Trường Sa uống chè Thái Nguyên của “thủ đô” gió ngàn, ý vị sâu sắc quá...

Trên đảo Trường Sa Lớn có một khu vực riêng xây những căn nhà dạng liền kề. Đó là nơi ở của các hộ dân cư. Các trạm xá trên đảo đều do các bác sĩ quân y từ các bệnh viện tuyến một của quân đội cử luân phiên ra đảo. Hòn đảo lớn tươi đẹp được coi là thủ đô của quần đảo Trường Sa.

Lúc đoàn đến, Trường Sa bắt đầu mùa mưa. Mưa lác đác, hạt to, ném xuống từ bầu trời. Những cái lá cây tra to tròn như các tai quạt đan khéo rung lên ngoài cửa hội trường. Quân, dân trên đảo đến hội trường rất đông. Đoàn công tác được “chủ nhà” ưu tiên ngồi tại các hàng ghế phía trên. Đã xong phần văn nghệ tưng bừng do các diễn viên Đoàn Nghệ thuật TP Đà Nẵng biểu diễn, giờ đến phần giao lưu. Khách mời lên sân khấu có anh Hải Đường, Trưởng đoàn công tác; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó bí thư thường trực Đài Tiếng nói Việt Nam, một số vị nữa tôi chưa kịp nhớ hết tên.

Một bất ngờ làm hội trường xôn xao, đó là MC (người dẫn chương trình) lại chính là Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật (hiện là Chính ủy Quân chủng Hải quân). Anh Thật dáng người to cao quê gốc Kinh Bắc, đầu đã thưa tóc, giọng trầm, âm âm như tiếng còi tàu biển. Dưới sự dẫn dắt chương trình của anh Thật, chốc chốc hội trường lại rộ lên tiếng cười giòn tan…

Còn tiếp
Hải trình thương nhớ (Kỳ 1)
Hải trình thương nhớ (Kỳ 2)
Hải trình thương nhớ (Kỳ cuối)

Du lịch, GO! - Theo Đào Danh Thắng (QĐND), internet

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống