Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Lưu trữ Blog

Search This Blog

Tuesday, 19 February 2013

Dọc trên con đường thiên lý Bắc Nam qua tỉnh Quảng Trị, nếu để ý bạn sẽ bắt gặp dăm cái chợ với những cái tên rất ngộ, chỉ độc một chữ duy nhất. Mỗi chợ có một “hộ khẩu” gắn với từng mảnh làng nhưng phần đa rất nổi tiếng dù chẳng ai lý giải được cái tên của chúng hoặc nếu có cũng rất mơ hồ…

Gọi quen mà thành

Có người bảo rằng tên chợ một chữ là ví dụ điển hình nhất của bản chất người miền Trung* giản dị, có sao nói vậy, cốt cho giản tiện. Vậy nên khắp vùng Bình Trị Thiên, đâu đâu cũng “gặp” chợ quê một chữ: chợ Dinh, chợ Niệu, chợ Mai (Thừa Thiên-Huế); chợ Hôm, chợ Tréo (Quảng Bình) và Quảng Trị với chợ Cạn, chợ Sòng, chợ Cầu, chợ Kên, chợ Do. Người ta chỉ biết rằng, từ đời trước, ông bà tổ tiên đã gọi thế thì con cháu sau này cứ vậy mà gọi theo.

Ví như ở chợ Cạn (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong), đây từng là một địa danh nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn, gắn liền với một bộ môn nghệ thuật vang bóng một thời. Dẫu rằng “tuồng chợ Cạn” đã thuộc về dĩ vãng nhưng hễ nhắc đến “chợ Cạn”, phàm là người dân Quảng Trị dù có xa xứ vài chục năm vẫn biết. Có người chơi chữ tếu táo vẫn nói chợ Cạn là cái chợ ngược đời nhất bởi đã là chợ thì phải “đầy” chứ “cạn” thì lấy gì mà bán mà mua.

< Hàng bún, hàng không thể thiếu ở những ngôi chợ “nhà quê”.

Chợ Cầu ở huyện Gio Linh cũng có một quá khứ lẫy lừng. Ngày nay, nhiều người chỉ biết về nó như là một ngôi chợ khang trang được đặt ngay giữa trung tâm thị trấn Gio Linh, sát bên quốc lộ 1A mà ít ai biết rằng cái tên chợ Cầu đã được định danh từ thời chúa Nguyễn, gắn liền với đình làng Hà Thượng (ngôi đình được các nhà nghiên cứu xếp vào hàng cổ bậc nhất tỉnh Quảng Trị). Chợ Cầu đã từng đi vào thơ ca: “Vôi trắng nghìn năm lời ước hẹn/ Đỏ au cổ tích chẳng nhòa phai/ Chợ Cầu giao cảm cùng sông núi/Viên mãn cho người một sớm mai…”. (Võ Văn Hoa)

Riêng đối với chợ Sòng, tôi đã “trộm” nghĩ rằng phải chăng vì chợ đặt ngay cạnh ngã tư Sòng (ranh giới giữa thành phố Đông Hà và huyện Cam Lộ) nên có tên như vậy, nhưng rồi cuối cùng tôi cũng “tắc tị” với từ “Sòng”.

Một người đàn anh trong buổi trà dư tửu hậu đã “lý giải” với tôi về những cái tên một chữ rất đơn giản nhưng cũng có phần ngạo nghễ của một số chợ quê ở Quảng Trị rằng: “Có khi người xưa đặt tên chợ cũng giống như đặt tên cho con cái, nhiều cái tên không có nghĩa, không rõ nghĩa hoặc nhiều nghĩa nhưng cốt lõi là ngắn gọn, dễ nhớ…”.

Chợ “nhà quê”

Chợ “nhà quê” có phong cách, lề lối riêng. Những ngôi chợ “một chữ” xét cho cùng cũng là chợ “nhà quê”, bởi hàng hóa chủ yếu là các loài sản vật địa phương, từ mớ rau con cá cho đến trái ổi, trái cam. Chợ quê tựa mặt tiền, là nơi để người ta “khoe” những sản vật của làng mình, của gia đình mình. Dẫu cho hàng hóa được làm ra trên đồng đất quê, từ bàn tay người dân lam lũ rồi chúng ra chợ và cũng đến tay những người “nhà quê” khác mà thôi.

< Cảnh bán mua lấy lộc đầu năm ở chợ đình Bích La.

“Trên ti vi người ta nói ăn cái gì cũng có độc, cũng mắc bệnh, còn tôi chắc chắn sẽ được ăn đồ sạch. Hàng hóa ở chợ toàn do hàng xóm nuôi trồng, lẽ nào họ trồng rau, nuôi heo như thế nào mà tôi không biết?”- bà Lê Thị Phường, một người đi chợ Cạn nói chắc nịch.

Chợ quê còn bán cả cây con giống, ví như vào chợ Kên (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh), nếu đến hàng trứng thì sẽ có cả rổ gà con lông tơ vàng óng đang chen lúc nhúc, nếu đến hàng thịt chí ít cũng gặp đôi chú heo sữa kêu ủn ỉn dưới gầm hàng. Hay như ở chợ Do (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh), dù được dựng lại khang trang với mức đầu tư hơn chục tỉ đồng thì người ta vẫn nằm lòng câu ca dao chẳng biết có tự bao giờ rằng: “Chợ Do chợ của nhà quê/ Chợ sắn, chợ cá, chợ chè, chợ tiêu”.

< Chợ quê Quảng Trị thường bán cả những cây con giống phục vụ bà con nông dân.

Có ghé chơi mấy ngôi chợ này mới biết “văn hóa chợ quê” cũng mang nhiều nét lạ. Người bán người mua cứ thủng thẳng, chẳng ai tranh giành vồ vập gì nhau. Được cái chợ thường họp sớm và chừng 10 giờ sáng thì bắt đầu vãn người.

“Dân quê chúng tôi dành thời gian chợ búa cho buổi sáng, ít khi họp chợ chiều. Đi chợ sớm vừa để ăn sáng, vừa để mua bán, vừa để trò chuyện…Chúng tôi có thời gian chứ không phải tấp vội tấp vàng vào chợ xép lề đường như người trên phố.”- chị Lâm, một tiểu thương ở chợ Kên (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) chia sẻ.

Quê ngoại tôi cũng có một ngôi chợ nhỏ nằm e ấp bên dòng Kiến Giang và cũng chỉ có một tên (chợ Hôm ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Người ta thường nói xa quê, một trong những điều làm người ta nhớ nhất chính là ngôi chợ quê yên bình. Cũng như bao người khác tôi đã gửi một phần ký ức tuổi thơ mình ở nơi chốn đó…

* Thật ra, chợ 'một chữ' cũng có nhiều ở phía Bắc, ví dụ ở Ninh Bình có chợ Me, chợ Viến, chợ Hàng, chợ Giá, chợ rồng, chợ đón... Còn phía nam cũng vậy, ví dụ chợ Gạo, chợ nổi...

Du lịch, GO! - Theo NGUYỄN PHÚC (Quảng Trị Online), internet

0 comments:

Post a Comment

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống