“…Ôi quê ta bánh đa, bánh đúc / Nơi thảo thơm đồng xanh, trái ngọt"… Những câu ca trong bài Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương qua giọng hát truyền cảm của ca sĩ Quang Lý như đưa tôi về với những ngày xưa yêu dấu nơi quê nhà...
Ở quê tôi, sau vụ mùa là thời gian rảnh rỗi. Khi nước trên đồng bắt đầu rút cạn xuống các lung, đìa, ao, đầm… cũng là thời điểm các cậu tôi rủ nhau đi tát đìa bắt tôm. Chỉ cần hai người dùng gàu dai tát vài giờ, nước giựt xuống khoảng 2/3 đìa là lũ tôm càng giơ râu nổi lên.
Tôi cùng cậu tranh thủ lội xuống đìa “chộp” tôm cho vào giỏ. Loáng chốc đã được lưng lửng thùng. Tôi khệ nệ mang thùng tôm về nhà cho ngoại để chế biến món ăn và trưa đến thế nào cả nhà cũng được thưởng thức món bánh đúc nhưn tôm do ngoại làm…
Hồi đó, tôi hay lẽo đẽo theo ngoại để xem ngoại chế biến món ăn dưới bếp. Muốn làm một ổ bánh đúc ngon với tôi thật tình quá công phu. Muốn bột không bị mềm, nhão, ngoại đã chọn gạo cũ ngon ngâm trước vài giờ rồi mới xay thành bột. Ngoại cứ thoăn thoắt cho bột vào thau, vắt nước cốt dừa, trộn bột cho hòa tan và dùng vợt lược cho bột mịn không còn tạp chất. Nêm bột với đường, muối... cho vừa khẩu vị để sẵn ra thau.
Riêng tôm, phải lựa tôm còn tươi, rửa sạch, lột vỏ, rút bỏ chỉ lưng, nặn gạch tôm để ra tô, cho khoảng hai muỗng cà phê đường vào gạch tôm, đánh tan. Dùng dao bằm đầu tôm lẫn thịt tôm cùng thịt nạc dăm, để sẵn (nếu không có tôm sống thay bằng tôm khô cũng được).
Củ sắn lột vỏ rửa sạch, xắt sợi, bằm nhỏ. Hành tím lột vỏ rửa sạch, bằm nhuyễn. Sau đó, cho tôm, thịt, củ sắn bằm ướp gia vị muối, đường, bột ngọt cho vừa khẩu vị. Phi hành thơm rồi cho hỗn hợp vào chảo xào chín. Ngoại nói gạch tôm là phần quan trọng, làm cho nhưn bánh thơm ngon và có màu sắc hấp dẫn. Nếu không có gạch tôm thì mới sử dụng màu hạt điều thay vào.
Cuối cùng là khâu hấp bánh. Trước khi đổ bột vào khuôn, phải thoa một lớp dầu ăn để khi bánh chín lấy ra không bị dính. Xếp khuôn nhôm vào xửng khi nước trong nồi sôi, nhanh tay và gọn gàng, ngoại dùng vá múc bột đổ lớp thứ nhất vào khuôn, đậy nắp lại.
Chờ vài phút sau, khi bột vừa chín, ngoại dùng vá đổ tiếp lớp thứ hai (như đổ bánh da lợn), và cứ thế tiếp tục cho đến khi khuôn gần đầy, xúc hỗn hợp nhưn đổ lên trên và hấp cho chín hẳn. Khi bánh đã nguội, lấy bánh ra, xắt miếng hình chữ nhật hoặc hình thoi cho vào đĩa là xong.
Bánh đúc thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng theo ngoại để tăng hương vị cho món ăn nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm, và nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa đã thắng chín vào.
Mảnh vườn xưa nay trở thành khu tái định cư, và ngoại cũng đã xa khuất. Những ngày hè ở quê cùng các cậu tát đìa bắt tôm đã trở thành hoài niệm. Để đỡ nhớ, trong những dịp lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, tôi cùng gia đình vào quán thưởng thức món ăn dân dã này.
Gắp một miếng bột bánh đúc cho vào miệng nhai một cách từ tốn… Cũng vị béo của bột, ngọt thơm của tôm, thịt… nhưng sự cảm nhận tinh tế trong tôi hình như còn thiếu thiếu một thứ gì đó, phải chăng đó là “chất liệu nồng ấm” do bàn tay ngoại làm?...
Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (Báo Tuổi Trẻ), internet
Ở quê tôi, sau vụ mùa là thời gian rảnh rỗi. Khi nước trên đồng bắt đầu rút cạn xuống các lung, đìa, ao, đầm… cũng là thời điểm các cậu tôi rủ nhau đi tát đìa bắt tôm. Chỉ cần hai người dùng gàu dai tát vài giờ, nước giựt xuống khoảng 2/3 đìa là lũ tôm càng giơ râu nổi lên.
Tôi cùng cậu tranh thủ lội xuống đìa “chộp” tôm cho vào giỏ. Loáng chốc đã được lưng lửng thùng. Tôi khệ nệ mang thùng tôm về nhà cho ngoại để chế biến món ăn và trưa đến thế nào cả nhà cũng được thưởng thức món bánh đúc nhưn tôm do ngoại làm…
Hồi đó, tôi hay lẽo đẽo theo ngoại để xem ngoại chế biến món ăn dưới bếp. Muốn làm một ổ bánh đúc ngon với tôi thật tình quá công phu. Muốn bột không bị mềm, nhão, ngoại đã chọn gạo cũ ngon ngâm trước vài giờ rồi mới xay thành bột. Ngoại cứ thoăn thoắt cho bột vào thau, vắt nước cốt dừa, trộn bột cho hòa tan và dùng vợt lược cho bột mịn không còn tạp chất. Nêm bột với đường, muối... cho vừa khẩu vị để sẵn ra thau.
Riêng tôm, phải lựa tôm còn tươi, rửa sạch, lột vỏ, rút bỏ chỉ lưng, nặn gạch tôm để ra tô, cho khoảng hai muỗng cà phê đường vào gạch tôm, đánh tan. Dùng dao bằm đầu tôm lẫn thịt tôm cùng thịt nạc dăm, để sẵn (nếu không có tôm sống thay bằng tôm khô cũng được).
Củ sắn lột vỏ rửa sạch, xắt sợi, bằm nhỏ. Hành tím lột vỏ rửa sạch, bằm nhuyễn. Sau đó, cho tôm, thịt, củ sắn bằm ướp gia vị muối, đường, bột ngọt cho vừa khẩu vị. Phi hành thơm rồi cho hỗn hợp vào chảo xào chín. Ngoại nói gạch tôm là phần quan trọng, làm cho nhưn bánh thơm ngon và có màu sắc hấp dẫn. Nếu không có gạch tôm thì mới sử dụng màu hạt điều thay vào.
Cuối cùng là khâu hấp bánh. Trước khi đổ bột vào khuôn, phải thoa một lớp dầu ăn để khi bánh chín lấy ra không bị dính. Xếp khuôn nhôm vào xửng khi nước trong nồi sôi, nhanh tay và gọn gàng, ngoại dùng vá múc bột đổ lớp thứ nhất vào khuôn, đậy nắp lại.
Chờ vài phút sau, khi bột vừa chín, ngoại dùng vá đổ tiếp lớp thứ hai (như đổ bánh da lợn), và cứ thế tiếp tục cho đến khi khuôn gần đầy, xúc hỗn hợp nhưn đổ lên trên và hấp cho chín hẳn. Khi bánh đã nguội, lấy bánh ra, xắt miếng hình chữ nhật hoặc hình thoi cho vào đĩa là xong.
Bánh đúc thường ăn với nước mắm tỏi ớt chua ngọt, nhưng theo ngoại để tăng hương vị cho món ăn nên ăn kèm với dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm, và nếu thích có thể chan thêm vài muỗng nước cốt dừa đã thắng chín vào.
Mảnh vườn xưa nay trở thành khu tái định cư, và ngoại cũng đã xa khuất. Những ngày hè ở quê cùng các cậu tát đìa bắt tôm đã trở thành hoài niệm. Để đỡ nhớ, trong những dịp lễ hay ngày nghỉ cuối tuần, tôi cùng gia đình vào quán thưởng thức món ăn dân dã này.
Gắp một miếng bột bánh đúc cho vào miệng nhai một cách từ tốn… Cũng vị béo của bột, ngọt thơm của tôm, thịt… nhưng sự cảm nhận tinh tế trong tôi hình như còn thiếu thiếu một thứ gì đó, phải chăng đó là “chất liệu nồng ấm” do bàn tay ngoại làm?...
Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (Báo Tuổi Trẻ), internet
0 comments:
Post a Comment