Cây giấm (còn gọi bụp giấm hay rau chua) là loại cây hoang dại mọc khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhắc tới trái giấm, tôi lại xốn xang với mùi vị của tô canh chua tép nấu giấm thơm lừng hấp dẫn.
Giấm là cây thân thảo cao khoảng 1,5-2m, hoa màu vàng, hồng hay tím. Trái hình củ hành, vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh bao quanh túi hạt. Hạt già khô, túi hạt nứt ra bay đi khắp nơi và phát triển. Với không ít người, cây giấm còn là loại "hoa kiểng" trang trí rất đẹp. Riêng đối với các bà nội trợ ở nông thôn, trái giấm là thứ nguyên liệu tuyệt hảo không thể thiếu trong nồi canh chua, nhất là canh chua tép hoặc cá lóc.
Ít người biết những mảnh vỏ mỏng, giòn, màu đỏ có vị chua của trái giấm là một nguyên liệu quý có giá trị dinh dưỡng cao trong ẩm thực cũng như trong y học. Theo y học dân gian, lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, dùng chữa các bệnh viêm họng, ho, gan, mật, cao huyết áp, xơ cứng động mạch…
Phân tích của các nhà khoa học cho biết vỏ trái giấm có nhiều vitamin C, A, khoáng chất và khoảng 15-30 % acid hữu cơ.
Nhắc đến trái giấm, tôi vẫn nhớ những khi vào mùa khô khó kiếm thức ăn, ba tôi thường xuống sông hay mương vườn xúc tép. Hồi đó ở quê, ba tôi nổi tiếng là một tay “sát cá”, mỗi khi xách rổ đi ít khi về tay không. Biết thế nên ở nhà, ba vừa đi một lúc má đã sai tôi ra vườn tìm rau muống, khóm, đậu bắp. Mấy thứ khác, tùy lúc có hay không nhưng có một thứ không thể thiếu là trái giấm.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị đâu đó cũng vừa lúc ba tôi đi xúc tép trở về. Nhìn những chú tép bạc đất màu trắng xanh nhảy tanh tách trong rổ mà phát thèm.
< Trái giấm nấu canh chua tép thơm lừng hấp dẫn.
Má lựa tép còn tươi (nhảy xoi xói càng tuyệt) cắt đầu, đuôi, rửa sạch, để ráo. Rau muống ngắt thành từng đoạn vừa đũa gắp, khóm gọt xắt miếng, đậu bắp cắt khúc, tách vỏ trái giấm (bỏ hạt), rửa sạch để sẵn ra tô... Kế đến, bắc nồi nước lên bếp nấu sôi cho vỏ trái giấm vào nấu mềm. Dùng muỗng nghiền nát cho chất chua có màu hồng nhạt trong vỏ hòa tan với nước rồi bỏ xác, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Sau đó mới cho tép vào nấu chín và thêm rau muống, khóm vào.
Chờ nước sôi bùng lên, khóm và rau muống vừa mềm, má cẩn thận nêm nếm lại lần cuối, thêm vào nồi một ít rau thơm (ngò gai, ngò om) xắt nhuyễn cùng vài lát ớt sừng chín cho có mùi vị đậm đà và màu sắc bắt mắt. Khi múc ra tô, dọn lên bàn ăn, má không quên làm thêm chén nước mắm nguyên chất với vài trái ớt hiểm chín…
Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên mâm cơm với “độc nhất” tô canh chua tép nấu trái giấm thơm lừng.
< Cây giấm rất đẹp, còn được dùng làm vật trang trí trong nhà.
Gắp con tép bạc cùng cọng rau muống chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt của tép, vị dai, giòn của rau muống thấm đẫm khắp giác quan. Chan một miếng nước canh chua trái giấm có màu hồng nhạt vào chén lùa một hơi, cảm nhận được hương vị chua chua, ngọt ngọt rất đặc trưng của một loại trái dân dã và hiếm có nơi miền Tây.
Nếu có dịp đến đồng bằng sông Cửu Long, bạn hãy tìm cơ hội thưởng thức cho được món ăn dân dã hiếm có này.
Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (DulichTuoitre)
Giấm là cây thân thảo cao khoảng 1,5-2m, hoa màu vàng, hồng hay tím. Trái hình củ hành, vỏ có lông tơ mịn, màu đỏ thẫm gồm nhiều mảnh bao quanh túi hạt. Hạt già khô, túi hạt nứt ra bay đi khắp nơi và phát triển. Với không ít người, cây giấm còn là loại "hoa kiểng" trang trí rất đẹp. Riêng đối với các bà nội trợ ở nông thôn, trái giấm là thứ nguyên liệu tuyệt hảo không thể thiếu trong nồi canh chua, nhất là canh chua tép hoặc cá lóc.
Ít người biết những mảnh vỏ mỏng, giòn, màu đỏ có vị chua của trái giấm là một nguyên liệu quý có giá trị dinh dưỡng cao trong ẩm thực cũng như trong y học. Theo y học dân gian, lá hoặc vỏ trái giấm có vị chua hơi ngọt, tính mát có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, dùng chữa các bệnh viêm họng, ho, gan, mật, cao huyết áp, xơ cứng động mạch…
Phân tích của các nhà khoa học cho biết vỏ trái giấm có nhiều vitamin C, A, khoáng chất và khoảng 15-30 % acid hữu cơ.
Nhắc đến trái giấm, tôi vẫn nhớ những khi vào mùa khô khó kiếm thức ăn, ba tôi thường xuống sông hay mương vườn xúc tép. Hồi đó ở quê, ba tôi nổi tiếng là một tay “sát cá”, mỗi khi xách rổ đi ít khi về tay không. Biết thế nên ở nhà, ba vừa đi một lúc má đã sai tôi ra vườn tìm rau muống, khóm, đậu bắp. Mấy thứ khác, tùy lúc có hay không nhưng có một thứ không thể thiếu là trái giấm.
Khi mọi thứ đã chuẩn bị đâu đó cũng vừa lúc ba tôi đi xúc tép trở về. Nhìn những chú tép bạc đất màu trắng xanh nhảy tanh tách trong rổ mà phát thèm.
< Trái giấm nấu canh chua tép thơm lừng hấp dẫn.
Má lựa tép còn tươi (nhảy xoi xói càng tuyệt) cắt đầu, đuôi, rửa sạch, để ráo. Rau muống ngắt thành từng đoạn vừa đũa gắp, khóm gọt xắt miếng, đậu bắp cắt khúc, tách vỏ trái giấm (bỏ hạt), rửa sạch để sẵn ra tô... Kế đến, bắc nồi nước lên bếp nấu sôi cho vỏ trái giấm vào nấu mềm. Dùng muỗng nghiền nát cho chất chua có màu hồng nhạt trong vỏ hòa tan với nước rồi bỏ xác, nêm nếm cho vừa khẩu vị. Sau đó mới cho tép vào nấu chín và thêm rau muống, khóm vào.
Chờ nước sôi bùng lên, khóm và rau muống vừa mềm, má cẩn thận nêm nếm lại lần cuối, thêm vào nồi một ít rau thơm (ngò gai, ngò om) xắt nhuyễn cùng vài lát ớt sừng chín cho có mùi vị đậm đà và màu sắc bắt mắt. Khi múc ra tô, dọn lên bàn ăn, má không quên làm thêm chén nước mắm nguyên chất với vài trái ớt hiểm chín…
Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên mâm cơm với “độc nhất” tô canh chua tép nấu trái giấm thơm lừng.
< Cây giấm rất đẹp, còn được dùng làm vật trang trí trong nhà.
Gắp con tép bạc cùng cọng rau muống chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng nhai chậm rãi. Vị ngọt của tép, vị dai, giòn của rau muống thấm đẫm khắp giác quan. Chan một miếng nước canh chua trái giấm có màu hồng nhạt vào chén lùa một hơi, cảm nhận được hương vị chua chua, ngọt ngọt rất đặc trưng của một loại trái dân dã và hiếm có nơi miền Tây.
Nếu có dịp đến đồng bằng sông Cửu Long, bạn hãy tìm cơ hội thưởng thức cho được món ăn dân dã hiếm có này.
Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (DulichTuoitre)
0 comments:
Post a Comment